Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

"Giải Thực" (Decolonization) sau đệ nhị thế chiến

 Ghi chú những gì chưa rõ, cần biết:

"GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Trong lúc vẫn còn diễn ra Đệ nhị thế chiến, khối Đồng Minh đã xúc tiến những cuộc họp hệ trọng như Hội nghị Tehran (1943), Hội nghị Yalta (1945), Hội nghị Postdam (1945) để bàn về cách giải quyết "số phận" của Đức Quốc xã và những vùng lãnh thổ mà Đức chiếm đóng. Tương tự như vậy, Hội nghị Cairo (1943), Tuyên bố Postdam (1945, khác với Hiệp định Postdam nêu trên) bàn về cách giải quyết "số phận" của quân phiệt Nhựt Bổn và những vùng lãnh thổ mà Nhựt xâm lăng.

I/ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN "GIẢI THỰC":
Hết Đệ nhứt thế chiến (1914-1918) rồi tới Đệ nhị thế chiến (1939-1945) đều có chung căn nguyên là sự chiếm hữu và tranh giành thuộc địa. Thành thử muốn giảm thiểu nguy cơ "ngòi nổ chiến tranh" thì buộc phải chấm dứt chế độ thực dân đi chiếm đoạt nước khác làm thuộc địa! Cùng với việc thành lập Liên Hiệp Quốc là sự thúc đẩy nguyên tắc "decolonization", giải trừ thực dân, gọi tắt "giải thực".
Song hành với giải thực là thúc đẩy quyền tự quyết (self-determination) của các dân tộc.

Do đó, sau khi khối Trục (Đức, Ý, Nhựt) đầu hàng, các nước Đồng Minh cũng như các thành viên tham gia Liên Hiệp Quốc hậu Thế chiến đều cam kết tuân thủ "giải thực". Nghĩa là KHÔNG tái lập chế độ thuộc địa, mà chỉ có thiết chế cai quản Ủy nhiệm (commission) - do Đồng Minh phân bổ - trong một số năm; sau đó phải trao trả nền độc lập cho người dân bản xứ.

Ở đây, cần nhìn bằng con mắt chánh trị thực tiễn: quốc gia được ủy nhiệm cai quản một nước khác, dĩ nhiên, họ luôn luôn tìm cách tạo ảnh hưởng và thủ đắc lợi ích - nhứt là trong thời "Chiến tranh lạnh" (bắt đầu ngay sau khi kết thúc Đệ nhị thế chiến) các cường quốc đều tranh đua tạo vùng ảnh hưởng, tỉ như Liên bang Soviet đưa một số quốc gia Đông Âu nằm trong vùng ảnh hưởng của Soviet.

Thành thử thời hạn để trao trả độc lập cho người bản xứ là tùy vào mối tương quan tạo ảnh hưởng tới đâu. NHƯNG sớm muộn gì cũng phải "giải thực" (decolonization), giao cho người bản xứ cai quản quê hương của họ thông qua giải pháp hòa bình!

Nước Mỹ đi tiên phong trong "giải thực". Phi Luật Tân (Philippines) đã từng là thuộc địa của Mỹ, rồi trong Đệ nhị thế chiến bị Nhựt Bổn xâm chiếm. Sau khi Mỹ quay trở lại tiếp quản Phi Luật Tân, chỉ trong vòng một năm, vào tháng 7/1946 Mỹ chính thức trao trả độc lập cho người Phi.

Nước Đức được trao trả độc lập muộn hơn một chút, nhưng cũng chỉ tròn trèm 4 năm sau khi Đồng Minh cai quản. Soviet được ủy nhiệm cai quản vùng phía Đông, Mỹ cai quản vùng phía Nam, Anh nắm giữ vùng Tây Bắc, Pháp giữ vùng Viễn Tây.

Lẽ ra, mọi sự ủy nhiệm là nhằm ổn định rồi sau đó hợp nhứt một mối và trả lại cho người dân bản xứ. Ngặt cái, "chiến tranh lạnh" đã bẻ lịch sử đi theo hướng phân đôi nước Đức: tháng 2/1949 Mỹ, Anh, Pháp đồng thuận trao trả để lập nên Cộng hòa liên bang Đức (quen gọi tắt "Tây Đức"); tháng 10/1949 vùng ủy nhiệm của Soviet trở thành Cộng hòa dân chủ Đức ("Đông Đức").

II/ ĐỐI VỚI NHỮNG QUỐC GIA BỊ NHỰT BỔN XÂM CHIẾM:
Cũng áp dụng nguyên tắc "ủy nhiệm" & "giải thực" (không được lập thuộc địa):
- Đồng Minh phân bổ vùng lãnh thổ ủy nhiệm;
- Giai đoạn Ủy nhiệm cũng là giai đoạn chuẩn bị, dàn xếp để có thể thành hình một chánh phủ của người bản xứ rồi trao trả độc lập.

Thành thử Đồng Minh KHÔNG CÔNG NHẬN chánh phủ nào thành hình dưới sự bảo trợ của Nhựt Bổn / hoặc chánh phủ đó xuất hiện sau thời điểm Nhựt đã tuyên bố đầu hàng (14/8/1945) mà chưa có sự đồng thuận từ Đồng Minh - vì sau thời điểm này Đồng Minh đã chính thức bước vào giai đoạn giải giới và cai quản ủy nhiệm!

* Trước hết, nói về BÁN ĐẢO CAO LY (Korean peninsula):
Kết thúc Đệ nhị thế chiến, Đồng Minh chia ra hai vùng ủy nhiệm: phía bắc vĩ tuyến 38 giao cho Soviet tạm cai quản, phía nam vĩ tuyến 38 ủy nhiệm cho Mỹ.
Trước khi người Mỹ vào tiếp quản (tháng 9/1945), lúc bấy giờ Toàn quyền Nhựt Bổn là Abe Nobuyuki đã vận động, dàn xếp để bàn giao quyền hành cho người bản xứ - thông qua việc ra đời "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên" tuyên cáo độc lập (đừng nhầm lẫn với "Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên").

Nhưng Trung tướng John R. Hodge, thay mặt cho lực lượng Mỹ cai quản ủy nhiệm trên bán đảo Cao Ly, đã từ chối công nhận chánh phủ "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên" (vì thành hình trong thời Nhựt Bổn còn hiện diện)

Rồi, chỉ 3 năm sau - năm 1948 - Đồng Minh chấm dứt vai trò ủy nhiệm, và tuân thủ nguyên tắc TRAO TRẢ ĐỘC LẬP CHO NGƯỜI BẢN XỨ.
Ngặt cái, độc lập thì có nhưng thống nhứt thì không - cũng vì hậu quả của "Chiến tranh lạnh". Ngày 15/8/1948 "Đại Hàn dân quốc" chính thức ra đời, với vị Tổng thống đầu tiên là Lý Thừa Vãn (Lee Sung-man/hoặc ghi Syngman Rhee). Ngày 9/9/1948 ra đời "Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên" , do Kim Nhựt Thành (Kim Il-sung) lãnh đạo.

* Ở đây, quí bạn chú ý:
Quân đội Mỹ đóng quân tại CH Liên bang Đức, đóng quân tại Hàn Quốc - vậy... CH Liên bang Đức, Hàn Quốc là thuộc địa của Mỹ? Cũng vậy, có khác nào nói Đông Đức là thuộc địa của Soviet (lúc Soviet còn "hộ khẩu" trên đời) chỉ vì quân đội Soviet đặt căn cứ tại Đông Đức.

Thấy gì? Nếu ai nói Hàn Quốc, nước Đức là ... thuộc địa của Mỹ thì kẻ đó bị bại não là cái chắc! Sự có mặt của quân đội nước ngoài là thuộc về khái niệm liên minh / đồng minh, không nằm trong định nghĩa về nền độc lập của một quốc gia.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------------------
Kỳ 2: "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) TẠI MÃ LAI, VIỆT NAM: 

 Hình ảnh:

Hình 1: Quân đội Mỹ tại Tây Đức;

Hình 2: Quân đội Soviet tại Đông Đức trước đây.
Hình 3 &4: Liên minh quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc;

Hình 5:  Người dân Triều Tiên sì sụp cúi đầu trước tượng đài Kim Nhựt Thành & Kim Chánh Nhựt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét