ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

"Ăn cháo đá bát" khi quên béng tiền nhân đất phương Nam

 "ĂN CHÁO ĐÁ BÁT" KHI QUÊN BÉNG TIỀN NHÂN ĐẤT PHƯƠNG NAM

Thường khi chúng ta nói với nhau "gìn giữ truyền thống" tức cùng nhau có ý thức về trân quý quá khứ (sử học, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng...). NHƯNG, nếu quí bạn chứng kiến những kẻ "ăn cháo đá bát" đối với lịch sử, quên béng công lao tiền nhân, những kẻ đó mở miệng nói tới "bảo tồn di sản", "gìn giữ truyền thống" thì quí bạn có tin vô miệng lưỡi của họ hay không?
Câu trả lời, tôi nghĩ, là KHÔNG.

*&*
Đây nói chuyện tượng đài, bởi cách nào đó, tượng đài là cách minh thị giữa trời đất về dòng chảy lịch sử, cho thấy tâm tình nhớ ơn bao đời tiền nhân.

Nếu nhìn tượng đài để phần nào hình dung những đường nét chính trong dòng chảy lịch sử, ắt phải ngỡ ngàng: không lẽ tpHCM (đổi tên từ Sài Gòn từ năm 1976) là "từ trên trời rơi xuống" hay sao?

Bởi vì KHÔNG có lấy một quảng trường/tượng đài Chúa Tiên NGUYỄN HOÀNG, người khởi lập Đàng Trong - mà từ việc định cõi này mới mở rộng gồm cả vùng đất phương Nam, trong đó có Sài Gòn - Gia Định!

Rồi những bực danh nhân nối nhau làm Tổng trấn Gia Định thành (mang danh "Gia Định thành" nhưng cai quản cả vùng Nam kỳ) là LÊ VĂN DUYỆT, TRƯƠNG TẤN BỬU, NGUYỄN HUỲNH ĐỨC - thảy đều có công trạng lỗi lạc làm cho vùng đất phương Nam trở nên trù phú.
Sao KHÔNG dựng nên tượng đài Lê Văn Duyệt, tượng Trương Tấn Bửu, tượng Nguyễn Huỳnh Đức uy nghiêm giữa không gian thành phố?

Trên lãnh vực giáo dục, văn hóa tại đất Sài Gòn-Gia Định này, nổi bật với nho sư VÕ TRƯỜNG TOẢN đi tiên phong mở trường dạy học đào tạo bao nhân tài cho Sài Gòn - Gia Định nói riêng, cả miền Nam nói chung. Rồi, nổi bật và đáng hãnh diện về TRƯƠNG VĨNH KÝ, nhà bác học tài danh với công trạng phổ biến chữ Quốc ngữ. Quá xứng đáng để hậu bối chúng ta phải tạc tượng nhớ ơn!

Sao KHÔNG dựng tượng đài Võ Trường Toản nơi quảng trường, thể hiện đạo lý "tôn sư trọng đạo"?
Tệ hại hơn, đã có tượng đài rồi - như tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhưng sau năm 1975 thì "bức tử", dẹp bỏ!

*&*
Những giới chức có thẩm quyền đối với "gìn giữ truyền thống", "bảo tồn di sản", họ có biết trân trọng công lao tiền nhân của đất phương Nam này hay không?

Cả một đô thị lớn nhứt nước, trung tâm của đất phương Nam, mà không có nổi một tượng đài tiền nhân (ở trên, tôi mạo muội nêu lên 6 vị nổi bật, không thể quên). Không có ngày xưa, lấy gì có hôm nay? Cắt đứt quá khứ nguồn cội, hệt như "từ trên trời rơi xuống" hoặc "từ dưới đất chui lên".

Tệ bạc quá, vậy mà họ không chút ngượng ngùng khi sống trên một vùng đất thấm đẫm công lao của các tiền nhân phương Nam.

Tin tưởng gì nổi trước não trạng cũng như năng lực của những ban ngành gọi là "gìn giữ truyền thống" (trong đó có việc xây dựng tượng đài / quảng trường)?

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------------
Hình 1: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng;

Hình 2: Tổng trấn Lê Văn Duyệt;

Hình 3: Tổng trấn Trương Tấn Bửu;

Hình 4: nho sư Võ Trường Toản,  chỉ quanh quẩn trong những đền miếu, mà không được trân trọng tạc dựng tượng đài nơi quảng trường!

Hình 5: Tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký (gần Nhà thờ Đức Bà) bị bứng đi, dẹp bỏ.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét