ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1336, ngày 24 tháng 01 năm 1935

Cuộc nội chiến và sự bao dung của người Mỹ

Người xưa có câu: “Biển có thể thu nạp và dung chứa được trăm sông nên mới thành ra rộng lớn”. Một cá nhân hay một đất nước cũng vậy, bởi vì có thể dung nạp, bao dung được nhiều nên mới trở thành vĩ đại.

CUỘC NỘI CHIẾN VÀ SỰ BAO DUNG CỦA NGƯỜI MỸ
Trong lịch sử thế giới, có rất nhiều người bởi vì bao dung mà có thể làm được việc lớn, nhiều việc bởi vì bao dung mà được lưu danh sử sách. Sự ứng xử của người Mỹ trong cuộc nội chiến Bắc Nam là một ví dụ.
*&*
Vào giữa thế kỷ thứ 19, nước Mỹ xảy ra cuộc chiến tranh Nam Bắc. Khi cuộc chiến tranh đi đến thời điểm cuối cùng, quân miền Nam đang rơi vào thế bại trận thì đột nhiên Tổng thống Abraham Lincoln của bên thắng trận lại đồng ý đàm phán.
Thái độ và cách hành xử hữu nghị của Tổng thống Lincoln với đối phương lúc bấy giờ đã khiến cho một người cộng sự bất mãn. Người đồng sự này giận dữ, đập tay xuống bàn và nói:
- Quân địch nhất định phải bị tiêu diệt!
Nghe xong lời này, Tổng thống Lincoln vẫn giữ vẻ ôn hòa, nói:
- Khi họ trở thành bạn của chúng ta, thì chẳng phải là kẻ địch đã bị tiêu diệt rồi sao?

Trong nội chiến, Tổng thống Lincoln luôn cảm thấy thương xót những người dân Mỹ. Vậy nên Tổng thống Lincoln tuyên bố khi nội chiến kết thúc, tất cả đều là đồng bào, mọi người đều là người Mỹ. Tổng thống Lincoln cũng nói rằng:
- Trong một cuộc nội chiến, nói cho cùng, không có người thắng!

*&*
Khi tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc định bắn đại pháo chào mừng. Tướng Ulysses Grant - người chỉ huy của quân đội miền Bắc - ra lệnh ngưng ngay lập tức các hoạt động ăn mừng. Ông nói với các sĩ quan dưới quyền:
- Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta.
Ông cho rằng hai bên không còn là kẻ thù, và cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.

Khi đón tiếp quân bại trận miền Nam, tướng tá miền Bắc nước Mỹ thay vì kiêu ngạo đã nghiêm trang giơ tay chào kiểu nhà binh. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng…
Tướng Robert E. Lee, thống soái của quân đội miền Nam cũng nhanh chóng được tha và rồi ông trở thành hiệu trưởng của trường đại học Washington. Sau khi đầu hàng, tướng Lee cũng ra lời khuyên binh sĩ miền Nam còn ẩn núp khắp nơi ngừng bắn và ngừng tấn công chánh phủ miền Bắc, kêu gọi ủng hộ hòa bình Nam-Bắc.

*&*
Nước Mỹ là một quốc gia di dân, trong đó bao gồm rất nhiều chủng tộc khác nhau. Nhưng, trong thời gian ngắn ngủi, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc trên thế giới. Người ta cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất để tạo nên điều ấy chính là lòng bao dung và tinh thần trượng nghĩa trong văn hóa của người Mỹ.

(Nguồn: An Hoà)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------------------------
Ảnh : Bên thắng trận và bên thua trận gặp nhau chấm dứt cuộc chiến tại Trụ sở Toà án Appomattox, Virginia.





Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1335, ngày 17 tháng 01 năm 1935

Kỳ 2: Phiên âm rối như canh hẹ!

  Đây, tiếp theo bài "Vì sao chuyển ngữ (Việt hóa) tên các quốc gia?" (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1081787432255236).

Kỳ 2: PHIÊN ÂM RỐI CÒN HƠN CANH HẸ!

* Tiếng Việt viết SAI chính tả, vẫn trơ mắt ra nhìn.

Tiếng Việt đang bị nhiều người vỗ ngực "gìn giữ tiếng Việt" nhưng phá còn hơn bọn phá làng phá xóm, cũng chỉ vì họ KHÔNG HIỂU (hoặc quên béng?) về CHÍNH TẢ của TIẾNG VIỆT!

1/ PHIÊN ÂM, trước hết, vốn dĩ là một hiện tượng ngôn ngữ bình thường trong giao lưu. Phiên âm là ráng ghi gần đúng với cách phát âm của ngôn ngữ gốc.

Đây ví dụ một số chữ mà tín hữu Công giáo rất quen, nay vẫn dùng: tên các thánh như "Gioan", "Phao-lô", "Phê-rô", "Mát-thêu" thảy đều là phiên âm, mà phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha (bởi khởi thủy việc truyền giáo và tạo lập văn tự Quốc ngữ đều do công trạng của các giáo sĩ dòng Tên người Bồ mà nổi bật là Francisco de Pina).

Pedro phiên thành "Phê-rô", Paulo phiên thành "Phao-lô", João phiên thành "Gioan", Mateus thành "Mát-thêu"

(chớ tiếng Anh tương ứng "Peter", "Paul", "John", "Matthew" hoặc tiếng Pháp tương ứng "Pierre", "Paul", "Jean", "Matthieu"... đọc khác nhiều, không gần với lối phiên âm qua tiếng Việt vừa nêu).

2/ Phiên âm KHÔNG thể nào đúng y chang, tức là có sai ít hoặc sai nhiều so với ngôn ngữ gốc. Tỉ dụ một chữ cơ bản hết sức, như "chair" (cái ghế) trong tiếng Anh, bạn thử phiên âm phụ âm "ch" trong "chair" này qua chữ Quốc ngữ của TIẾNG VIỆT? Ta nói, "phiên" cách nào cũng... không thể nào đúng với phát âm trong tiếng Anh hết.

Vấn đề ở đây đáng quan tâm, do đó, không nằm ở phiên âm "đúng" với ngôn ngữ gốc tới đâu (nhắc lại, phiên âm không sai nhiều thì cũng sai ít). Mà điều cần bận tâm / ghi nhớ là: chúng ta phiên âm qua tiếng Việt là dành cho người Việt đọc!

Thành thử PHIÊN ÂM PHẢI ĐÚNG VỚI CHÍNH TẢ CỦA TIẾNG VIỆT (nghĩa là đúng với lối phát âm của người Việt).

Cho tới lúc này, năm 2020, mà vẫn còn viết trên sách, báo như ri: "Mát-xcơ-va"; thậm chí viết trong cuốn hộ chiếu "Ôt-xtơ-rây-li-a"...!

Trong phát âm của người Việt, làm gì có phụ âm kép "xc" đi liền nhau? Trong tiếng Việt, chỉ có thể viết "Mát-xơ-cơ-va" hoặc viết gọn hơn là "Mát-cơ-va", bỏ quách âm gió "x" luôn (quí vị vẫn phiên âm "Các Mác" (Karl Marx), đâu cần phải ghi chú đầy đủ âm uốn lưỡi /l/, âm gió /x/).

Cũng vậy, phụ âm kép "xt" trong "Ốt-xtơ-rây-li-a", nên nhớ rằng: trong chính tả (ghi lại phát âm của NGƯỜI VIỆT, của TIẾNG VIỆT) thì KHÔNG BAO GIỜ có "xt" gắn chặt một cách quái dị như vậy!

(chỉ có thể phiên âm, tàm tạm, là "Ốt-xơ-tơ-rây-li-a")

Còn nhiều lắm, cái lối phiên âm SAI TIẾNG VIỆT lè lè, đưa vào hàng lô hàng lốc phụ âm kép "xc", "xt" (Ốt-xtrây-li-a, Xta-lin), "xk" (Bê-lin-xki), "gr" (Xta-lin-grát)...

Hiện nay ai muốn "phiên" kiểu nào cứ viết bừa, không theo phép tắc ngôn ngữ TIẾNG VIỆT gì hết.

Vậy mà người ta vẫn trơ mắt ra mà viết, mắc những lỗi cơ bản về chính tả.

Chúng ta đang sống trong thời thổ tả của tiếng Việt!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 


Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Vì sao chuyển ngữ (Việt hóa) tên các quốc gia?

  Chủ đề này tôi từng viết một loạt bài rồi, nay ghi tóm tắt, gọi là cùng nhau nhắc nhở cũng như cho những quí bạn nào chưa đọc.

VÌ SAO CHUYỂN NGỮ (VIỆT HÓA) TÊN CÁC QUỐC GIA?

1/ Ngôn ngữ mỗi dân tộc giàu có tới đâu, là được thể hiện qua NĂNG LỰC CHUYỂN NGỮ (chớ không nghèo tới mức phải ngửa tay đi ăn mót, ăn xin từng chữ của nước khác).

Đồng thời, việc chuyển ngữ còn chứng tỏ TINH THẦN TỰ TRỌNG trong ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tỉ dụ, quốc gia có đại thi hào Goethe, có đức Giáo tông Benedict XVI (tiền nhiệm trước Pope Francis hiện thời). Người dân xứ họ gọi tên nước là "Deutschland". Người Anh họ có vác nguyên xi tên nước này không, khi viết bằng tiếng Anh? Không. Người Anh chuyển ngữ là "Germany". Người Pháp có phải đi phiên âm rị mọ tên quốc gia của đại thi hào Goethe, khi viết sang tiếng Pháp? Không. Người Pháp chuyển ngữ là "Allemagne".

Còn người Việt? Tiếng Việt chúng ta ghi tên quốc gia đó, là "Đức".

2/ Khi tôi viết tên một số quốc gia (kêu bằng là "khiêu khích" chơi), tỉ như "Ái Sa Ni", "Lập Giao Uyển", có những bạn cự nự sao không viết "Estonia", "Lithuania" - vì theo họ, viết theo kiểu Việt hóa là không tôn trọng (?), phải viết đúng danh xưng tên nước người ta.

Lập luận kiểu đó tưởng đúng, té ra là tưởng bở. Là sai lè rồi, các bạn ơi.

Tỉ dụ, bạn ghi "Lithuania" thì bạn cũng KHÔNG viết đúng tên nước của người ta! Tên mà người dân xứ đó họ gọi, là "Lietuva". Bạn gọi "Lithuania" là gọi theo tiếng Anh đó đa, khác một trời một vực với "Lietuva", té ra bạn... cũng không "tôn trọng" hay sao (vì, chiếu theo "ný nuận" của bạn, đâu gọi đúng danh xưng tên nước người ta)?

Trở lại với tỉ dụ mở đầu, với quốc gia mang tên "Deutschland". Bạn gọi theo cách Việt hóa (là "nước Đức") thì không tôn trọng người Đức à? Mà gọi bằng tiếng Anh (là "Germany"), bạn chú ý, người Anh cũng đâu mắc gì phải phát âm theo người Đức - vậy, người Anh không biết tôn trọng, không lịch sự à?

Chẳng ai ngớ ngẩn đi khẳng định như vậy hết.

3/ Người Anh/Mỹ khi gọi "Germany" (mà không phát âm y xì theo tiếng người bổn xứ là "Deutschland") là để người Anh/Mỹ và những ai biết tiếng Anh nói chuyện với nhau. Còn nếu muốn nói chuyện với người Đức thì chịu khó học tiếng Đức chớ chi!

Cũng vậy, người Pháp gọi "Allemagne" là để họ nói chuyện giữa người Pháp (và người biết tiếng Pháp) với nhau.

Còn người Đức muốn nói chuyện với người Anh / Pháp thì học tiếng Anh / Pháp chớ còn gì nữa.

Chúng ta khi Việt hóa "Deutschland" thành "nước Đức", là để người VN chúng ta nói chuyện với nhau. Tương tự như vậy, khi Việt hóa tên các quốc gia như "Anh", "Đức", "Ý", "Pháp", "Ấn Độ", "Bồ Đào Nha", "Tây Ban Nha", "Ba Lan", "Thụy Sĩ", "Thụy Điển"... mà chúng ta đang dùng hiện nay, cũng là để giữa người VN chúng ta nói chuyện với nhau.

4/ Có người ngỡ rằng gọi "Australia" (thay cho Việt hóa thành "Úc", "Singapore" (thay cho Việt hóa thành "Tân Gia Ba")... là "hội nhập"? Trời đất, tỉ như bạn hay tôi chỉ bập bẹ được mấy chữ như "Australia", "Singapore" là tưởng mình biết tiếng Anh rồi sao? Mơ đi, định "sống ảo" hả?

Còn người nước ngoài nghe mình bập bẹ mấy chữ "Singapore", "Australia" chen vào trong câu nói toàn tiếng Việt, họ hiểu gì không? Không.

Muốn hiểu thì họ phải học tiếng Việt, cũng như mình muốn hiểu tiếng Anh thì mình phải học tiếng Anh đâu ra đó.

5/ Trở lại với "Lập Giao Uyển" (Việt hóa tên nước "Lithuania"). Đây cũng cùng một cách thức Việt hóa như đối với "Ấn Độ" (India), "Ba Lan" (Poland), "Thụy Sĩ" (Swiss), "Pháp" (France), "Tây Ban Nha" (Spain), "Bồ Đào Nha" (Portugal), "Nga" (Russia), "Na Uy" (Norway), và còn rất nhiều nữa - mà chúng ta vẫn đang xài trong lối nói, lối viết Việt ngữ của chúng ta đó đa!

Từ lúc nào mà một số danh xưng được Việt hóa như "Tân Gia Ba" (Singapore), "Phi Luật Tân" (Philippines), "Ba Tây" (Brazil), "Á Căn Đình" (Argentina)... bị xui rủi, không còn được dùng - như hàng loạt danh xưng Việt hóa nêu trên, bỗng dưng bị bức tử? 

Từ bao giờ mà CÁCH GỌI VIỆT HÓA (BẰNG TIẾNG VIỆT) lại bị loại trừ, rẻ rúng đến vậy?

6/ Một ngộ nhận của nhiều người trong chúng ta, vô tình, mắc vào bẫy những kẻ muốn làm nghèo đi kho tàng Việt ngữ.

Đây, xin nói cho ngọn ngành chút đỉnh:

Nguyên tắc Việt hóa tên gọi các nước là được mượn qua cầu nối "Hán tự". Tỉ như "Portugal" viết qua chữ Hán 葡萄牙, và chúng ta đọc thành "Bồ Đào Nha"; "India" được mượn cầu nối Hán tự là 印度, để người Việt chúng ta đọc thành "Ấn Độ".

Không ít người đã mắc lỡm khi vội vàng công kích đó là "nói theo Tàu". Họ mắc phải 2 cái SAI lè lè:

a) Các thế hệ tiền nhân chúng ta trong suốt nhiều thế kỷ (trước đầu thế kỷ 20) đều mượn Hán tự để viết. Các bậc anh hùng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi .đều dùng Hán tự là "theo Tàu" hả?

Mượn Hán tự, như biết bao đời tiền nhân người Việt chúng ta, mà dám "chụp mũ" là "nói theo Tàu" hay sao? Đó là thái độ hỗn xược!

Hiện tượng mượn văn tự này kia là hiện tượng bình thường theo dòng lịch sử thế giới chớ không riêng gì nước ta.

b) ĐẶC BIỆT, xin quí bạn chú ý, tuy mượn Hán tự nhưng chúng ta KHÔNG nói tiếng Tàu, mà nói BẰNG TIẾNG VIỆT!

Tỉ dụ, "Portugal" trong tiếng Tàu Bắc Kinh đọc là "Pú táo yá", trong khi tiếng Việt đọc là "Bồ Đào Nha"; "India" tiếng Tàu Bắc Kinh đọc thành "Yìn dù", hoàn toàn khác với tiếng Việt chúng ta đọc là "Ấn Độ" .v.v...

Các tiền nhân chúng ta có cách đọc TIẾNG VIỆT rất độc đáo, chỉ dựa cái vỏ văn tự (chữ Hán) để viết mà thôi!

(vì sao lại có lối đọc/nói tiếng Việt như vậy, chuyện này dành cho giới chuyên ngành ngôn ngữ học, đây không bàn tới)

Nguồn: Nguyễn - Chường Mt

------------------------------------------------------------------

 

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Mừng Ngân khánh Linh mục cha Anrê Nguyễn Văn Diên & Phaolồ Trần Ngọc Đàng

 CUNG HẠ HAI CHA

Phaolồ TRẦN NGỌC ĐÀNG, chánh sở Bến-tre

Và cha:

Anrê NGUYỄN VĂN DIÊN, chánh sở Gò-công

Giáp 25 năm thăng chức Linh mục

(6 Mars 1913 – 1938)

………………………

I.                  Mừng cha Phaolồ Đàng

Danh giá như ông Bảo-lộc Đàng,

Nhiệt tâm truyền bá đuốc E-vang;

Thần-quyền chánh-tế ngôi vinh diệu,

Minh-đức tân-dân tiếng rỡ ràng.

Thanh-khí trong ngân mai điểm tuyết,

Văn chương trau chuốt ngọc pha vàng.

Hăm lăm năm chẳn tuần ngân-khánh (1)

Chúc chín, mười mươi tuổi thọ tràng.

Thọ tràng tuổi hạc mãi thêm Xuân,

Mô-đức(2) rao truyền khắp chúng nhân;

Bí-tích phát ban đều bách-tính,

Thần-lương đầy đủ giữa muôn dân.

Tây-ninh(3)khởi sự còn ghi dấu,

An-hội(4) kinh dinh đã trọn phần.

Cái ngón ngoại-giao Già lịch duyệt,

Nổi danh diễn thuyết tiếng đồn rân.

……

II.               Mừng cha Anrê Diên

Nẫm thấp Diên-công, tánh ý khoan,

Lợi danh trần thế sá chi màng;

Giảng truyền đạo thánh hằng hăm mộ,

Gieo vãi phước-âm chẳng thở than.

Thiên-chức mục-linh kham trọng trách,

Tinh-tu thí-tục gẫm tày trang.

Rành tay thợ gặt trên dương thế,

Thâu trữ vào kho lúa chín vàng.

…..

Chín vàng lúa thóc trữ thâu đầy,

Cực khổ nài bao chén đắng cay;

Vì Chúa vì dân vai gánh vác,

Còn non còn nước hãy còn ngày.

Ơn thiêng tuôn rưới đều trăm họ,

Thánh sủng phát ban khắp đó đây.

Ngân khánh(5) trùng phùng, thêm hỉ lạc,

Tuổi ngoài năm chục tóc pha mây.

………………………

1.     Ngân khánh – Lễ Bạc

2.     Mô đức – Hàng đạc đức

3.     Ngài ở Tây ninh 20 năm trời, xây dựng thánh đường đồ sộ.

4.     An-hội là làng An-hội tại châu thành Bentre.

5.     Ngân-khánh trùng-phùng = cùng nhằm một ngày lễ Bạc với cha Phaolồ Đàng, và mừng chung tại Bến-tre.

Paulus Tạo

Báo Nam Kỳ địa phận năm 1938.