Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Vì sao chuyển ngữ (Việt hóa) tên các quốc gia?

  Chủ đề này tôi từng viết một loạt bài rồi, nay ghi tóm tắt, gọi là cùng nhau nhắc nhở cũng như cho những quí bạn nào chưa đọc.

VÌ SAO CHUYỂN NGỮ (VIỆT HÓA) TÊN CÁC QUỐC GIA?

1/ Ngôn ngữ mỗi dân tộc giàu có tới đâu, là được thể hiện qua NĂNG LỰC CHUYỂN NGỮ (chớ không nghèo tới mức phải ngửa tay đi ăn mót, ăn xin từng chữ của nước khác).

Đồng thời, việc chuyển ngữ còn chứng tỏ TINH THẦN TỰ TRỌNG trong ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tỉ dụ, quốc gia có đại thi hào Goethe, có đức Giáo tông Benedict XVI (tiền nhiệm trước Pope Francis hiện thời). Người dân xứ họ gọi tên nước là "Deutschland". Người Anh họ có vác nguyên xi tên nước này không, khi viết bằng tiếng Anh? Không. Người Anh chuyển ngữ là "Germany". Người Pháp có phải đi phiên âm rị mọ tên quốc gia của đại thi hào Goethe, khi viết sang tiếng Pháp? Không. Người Pháp chuyển ngữ là "Allemagne".

Còn người Việt? Tiếng Việt chúng ta ghi tên quốc gia đó, là "Đức".

2/ Khi tôi viết tên một số quốc gia (kêu bằng là "khiêu khích" chơi), tỉ như "Ái Sa Ni", "Lập Giao Uyển", có những bạn cự nự sao không viết "Estonia", "Lithuania" - vì theo họ, viết theo kiểu Việt hóa là không tôn trọng (?), phải viết đúng danh xưng tên nước người ta.

Lập luận kiểu đó tưởng đúng, té ra là tưởng bở. Là sai lè rồi, các bạn ơi.

Tỉ dụ, bạn ghi "Lithuania" thì bạn cũng KHÔNG viết đúng tên nước của người ta! Tên mà người dân xứ đó họ gọi, là "Lietuva". Bạn gọi "Lithuania" là gọi theo tiếng Anh đó đa, khác một trời một vực với "Lietuva", té ra bạn... cũng không "tôn trọng" hay sao (vì, chiếu theo "ný nuận" của bạn, đâu gọi đúng danh xưng tên nước người ta)?

Trở lại với tỉ dụ mở đầu, với quốc gia mang tên "Deutschland". Bạn gọi theo cách Việt hóa (là "nước Đức") thì không tôn trọng người Đức à? Mà gọi bằng tiếng Anh (là "Germany"), bạn chú ý, người Anh cũng đâu mắc gì phải phát âm theo người Đức - vậy, người Anh không biết tôn trọng, không lịch sự à?

Chẳng ai ngớ ngẩn đi khẳng định như vậy hết.

3/ Người Anh/Mỹ khi gọi "Germany" (mà không phát âm y xì theo tiếng người bổn xứ là "Deutschland") là để người Anh/Mỹ và những ai biết tiếng Anh nói chuyện với nhau. Còn nếu muốn nói chuyện với người Đức thì chịu khó học tiếng Đức chớ chi!

Cũng vậy, người Pháp gọi "Allemagne" là để họ nói chuyện giữa người Pháp (và người biết tiếng Pháp) với nhau.

Còn người Đức muốn nói chuyện với người Anh / Pháp thì học tiếng Anh / Pháp chớ còn gì nữa.

Chúng ta khi Việt hóa "Deutschland" thành "nước Đức", là để người VN chúng ta nói chuyện với nhau. Tương tự như vậy, khi Việt hóa tên các quốc gia như "Anh", "Đức", "Ý", "Pháp", "Ấn Độ", "Bồ Đào Nha", "Tây Ban Nha", "Ba Lan", "Thụy Sĩ", "Thụy Điển"... mà chúng ta đang dùng hiện nay, cũng là để giữa người VN chúng ta nói chuyện với nhau.

4/ Có người ngỡ rằng gọi "Australia" (thay cho Việt hóa thành "Úc", "Singapore" (thay cho Việt hóa thành "Tân Gia Ba")... là "hội nhập"? Trời đất, tỉ như bạn hay tôi chỉ bập bẹ được mấy chữ như "Australia", "Singapore" là tưởng mình biết tiếng Anh rồi sao? Mơ đi, định "sống ảo" hả?

Còn người nước ngoài nghe mình bập bẹ mấy chữ "Singapore", "Australia" chen vào trong câu nói toàn tiếng Việt, họ hiểu gì không? Không.

Muốn hiểu thì họ phải học tiếng Việt, cũng như mình muốn hiểu tiếng Anh thì mình phải học tiếng Anh đâu ra đó.

5/ Trở lại với "Lập Giao Uyển" (Việt hóa tên nước "Lithuania"). Đây cũng cùng một cách thức Việt hóa như đối với "Ấn Độ" (India), "Ba Lan" (Poland), "Thụy Sĩ" (Swiss), "Pháp" (France), "Tây Ban Nha" (Spain), "Bồ Đào Nha" (Portugal), "Nga" (Russia), "Na Uy" (Norway), và còn rất nhiều nữa - mà chúng ta vẫn đang xài trong lối nói, lối viết Việt ngữ của chúng ta đó đa!

Từ lúc nào mà một số danh xưng được Việt hóa như "Tân Gia Ba" (Singapore), "Phi Luật Tân" (Philippines), "Ba Tây" (Brazil), "Á Căn Đình" (Argentina)... bị xui rủi, không còn được dùng - như hàng loạt danh xưng Việt hóa nêu trên, bỗng dưng bị bức tử? 

Từ bao giờ mà CÁCH GỌI VIỆT HÓA (BẰNG TIẾNG VIỆT) lại bị loại trừ, rẻ rúng đến vậy?

6/ Một ngộ nhận của nhiều người trong chúng ta, vô tình, mắc vào bẫy những kẻ muốn làm nghèo đi kho tàng Việt ngữ.

Đây, xin nói cho ngọn ngành chút đỉnh:

Nguyên tắc Việt hóa tên gọi các nước là được mượn qua cầu nối "Hán tự". Tỉ như "Portugal" viết qua chữ Hán 葡萄牙, và chúng ta đọc thành "Bồ Đào Nha"; "India" được mượn cầu nối Hán tự là 印度, để người Việt chúng ta đọc thành "Ấn Độ".

Không ít người đã mắc lỡm khi vội vàng công kích đó là "nói theo Tàu". Họ mắc phải 2 cái SAI lè lè:

a) Các thế hệ tiền nhân chúng ta trong suốt nhiều thế kỷ (trước đầu thế kỷ 20) đều mượn Hán tự để viết. Các bậc anh hùng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi .đều dùng Hán tự là "theo Tàu" hả?

Mượn Hán tự, như biết bao đời tiền nhân người Việt chúng ta, mà dám "chụp mũ" là "nói theo Tàu" hay sao? Đó là thái độ hỗn xược!

Hiện tượng mượn văn tự này kia là hiện tượng bình thường theo dòng lịch sử thế giới chớ không riêng gì nước ta.

b) ĐẶC BIỆT, xin quí bạn chú ý, tuy mượn Hán tự nhưng chúng ta KHÔNG nói tiếng Tàu, mà nói BẰNG TIẾNG VIỆT!

Tỉ dụ, "Portugal" trong tiếng Tàu Bắc Kinh đọc là "Pú táo yá", trong khi tiếng Việt đọc là "Bồ Đào Nha"; "India" tiếng Tàu Bắc Kinh đọc thành "Yìn dù", hoàn toàn khác với tiếng Việt chúng ta đọc là "Ấn Độ" .v.v...

Các tiền nhân chúng ta có cách đọc TIẾNG VIỆT rất độc đáo, chỉ dựa cái vỏ văn tự (chữ Hán) để viết mà thôi!

(vì sao lại có lối đọc/nói tiếng Việt như vậy, chuyện này dành cho giới chuyên ngành ngôn ngữ học, đây không bàn tới)

Nguồn: Nguyễn - Chường Mt

------------------------------------------------------------------

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét