ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Kỳ 2: Phiên âm rối như canh hẹ!

  Đây, tiếp theo bài "Vì sao chuyển ngữ (Việt hóa) tên các quốc gia?" (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1081787432255236).

Kỳ 2: PHIÊN ÂM RỐI CÒN HƠN CANH HẸ!

* Tiếng Việt viết SAI chính tả, vẫn trơ mắt ra nhìn.

Tiếng Việt đang bị nhiều người vỗ ngực "gìn giữ tiếng Việt" nhưng phá còn hơn bọn phá làng phá xóm, cũng chỉ vì họ KHÔNG HIỂU (hoặc quên béng?) về CHÍNH TẢ của TIẾNG VIỆT!

1/ PHIÊN ÂM, trước hết, vốn dĩ là một hiện tượng ngôn ngữ bình thường trong giao lưu. Phiên âm là ráng ghi gần đúng với cách phát âm của ngôn ngữ gốc.

Đây ví dụ một số chữ mà tín hữu Công giáo rất quen, nay vẫn dùng: tên các thánh như "Gioan", "Phao-lô", "Phê-rô", "Mát-thêu" thảy đều là phiên âm, mà phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha (bởi khởi thủy việc truyền giáo và tạo lập văn tự Quốc ngữ đều do công trạng của các giáo sĩ dòng Tên người Bồ mà nổi bật là Francisco de Pina).

Pedro phiên thành "Phê-rô", Paulo phiên thành "Phao-lô", João phiên thành "Gioan", Mateus thành "Mát-thêu"

(chớ tiếng Anh tương ứng "Peter", "Paul", "John", "Matthew" hoặc tiếng Pháp tương ứng "Pierre", "Paul", "Jean", "Matthieu"... đọc khác nhiều, không gần với lối phiên âm qua tiếng Việt vừa nêu).

2/ Phiên âm KHÔNG thể nào đúng y chang, tức là có sai ít hoặc sai nhiều so với ngôn ngữ gốc. Tỉ dụ một chữ cơ bản hết sức, như "chair" (cái ghế) trong tiếng Anh, bạn thử phiên âm phụ âm "ch" trong "chair" này qua chữ Quốc ngữ của TIẾNG VIỆT? Ta nói, "phiên" cách nào cũng... không thể nào đúng với phát âm trong tiếng Anh hết.

Vấn đề ở đây đáng quan tâm, do đó, không nằm ở phiên âm "đúng" với ngôn ngữ gốc tới đâu (nhắc lại, phiên âm không sai nhiều thì cũng sai ít). Mà điều cần bận tâm / ghi nhớ là: chúng ta phiên âm qua tiếng Việt là dành cho người Việt đọc!

Thành thử PHIÊN ÂM PHẢI ĐÚNG VỚI CHÍNH TẢ CỦA TIẾNG VIỆT (nghĩa là đúng với lối phát âm của người Việt).

Cho tới lúc này, năm 2020, mà vẫn còn viết trên sách, báo như ri: "Mát-xcơ-va"; thậm chí viết trong cuốn hộ chiếu "Ôt-xtơ-rây-li-a"...!

Trong phát âm của người Việt, làm gì có phụ âm kép "xc" đi liền nhau? Trong tiếng Việt, chỉ có thể viết "Mát-xơ-cơ-va" hoặc viết gọn hơn là "Mát-cơ-va", bỏ quách âm gió "x" luôn (quí vị vẫn phiên âm "Các Mác" (Karl Marx), đâu cần phải ghi chú đầy đủ âm uốn lưỡi /l/, âm gió /x/).

Cũng vậy, phụ âm kép "xt" trong "Ốt-xtơ-rây-li-a", nên nhớ rằng: trong chính tả (ghi lại phát âm của NGƯỜI VIỆT, của TIẾNG VIỆT) thì KHÔNG BAO GIỜ có "xt" gắn chặt một cách quái dị như vậy!

(chỉ có thể phiên âm, tàm tạm, là "Ốt-xơ-tơ-rây-li-a")

Còn nhiều lắm, cái lối phiên âm SAI TIẾNG VIỆT lè lè, đưa vào hàng lô hàng lốc phụ âm kép "xc", "xt" (Ốt-xtrây-li-a, Xta-lin), "xk" (Bê-lin-xki), "gr" (Xta-lin-grát)...

Hiện nay ai muốn "phiên" kiểu nào cứ viết bừa, không theo phép tắc ngôn ngữ TIẾNG VIỆT gì hết.

Vậy mà người ta vẫn trơ mắt ra mà viết, mắc những lỗi cơ bản về chính tả.

Chúng ta đang sống trong thời thổ tả của tiếng Việt!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét