ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Họ Chí Hoà

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ Đ. C. BÀ MÔI KHÔI TẠI CHÍ HÒA

-----------------

Độ chừng năm Chúa giáng sinh 1760, có một ít người có đạo ngoài Huế vào Gia Định Saigon, mà kiếm nghề làm ăn. Mấy người ấy làm nghề rẫy bái, đã gặp chỗ trong Chí Hòa, làng Tân Sơn nhứt có bề thế dễ làm ăn, thì đã xin khẩn vài ba mẫu đất, mà ở tại đó.

Lúc ấy Đức thầy Vêrô ở Gia Định Saigon với vua Gialong, đang lo sắm sửa binh khí, mà thảo trừ quân Tây Sơn. Bữa kia Đức thầy Vêrô đi dạo chơi tới Chí Hòa, gặp được một ít nhà có đạo ở đó, thì mầng lắm; mà bổn đạo gặp được cha cả, thì càng mầng hơn nữa bội phần. Vậy bổn đạo lạy Đức Cha, xin cất một cái nhà vuông làm nhà thờ tạm, đặng một hai khi Đức Cha cho một cha nào vào làm lễ cùng làm phước cho mình. Đức Cha liền ưng chịu, cùng nói mình rảnh việc, cũng sẽ vô thăm viếng bổn đạo nữa. Vậy bổn đạo đã lo cất một cái nhà, cho Đức Cha vào nghỉ mát. Đến sau Đức Cha thấy nơi ấy vắng vẻ, khí thanh mát mẻ, thì năng vào ở đó với bổn đạo, lại ý Người muốn gởi thân mình tại đó, cho nên đã xin chủ đất để lại cho mình một ít cao, đặng sau mà mai táng xác mình. Bổn đạo nghe vậy, thì mầng lắm, liền dưng cho Đức Cha một ít cao đất, Đức Cha dạy trồng cây vông đồng, mà nơi đó là chính chỗ sẽ mai táng xác mình; lại dạy trồng nhiều cây xoài xung quanh; những loài ấy cao lớn còn đó cho đến rày. Khi Đức Cha vào nghỉ mát, cũng đem một ít bổn đạo theo mình, mà coi nhà, cùng lo làm vườn trồng xoài mít, lại cũng có nhiều kẻ khác cũng theo vô đó làm rẫy, cho nên lần lần thành ra một họ nhỏ. Khi Đức Cha đã tạ thế tại Qui Nhơn, vua Gia Long cứ theo lời Đức Cha trối lại, thì đã lo đem xác người về Saigon, cùng chôn cất trọng thể lắm, như đã thuật lại trong sử ký. Vậy đã mai táng xác Đức thầy Vêrô tại Chí Hòa, chính nơi cây vông đồng, theo lời Người đã dạy. Vua Gialong muốn đền ơn trả nghĩa cho Đức thầy, thì đã dạy xây một cái lăng cao lớn, xinh tốt xứng đáng, lại cấp 50 quân canh giữ phần mộ Đức thầy đêm ngày, cũng có nhiều người mọi vua dạy ở đó mà làm cỏ cùng giữ lăng ấy cho sạch sẽ. Những người ấy sau đã chịu đạo, cùng lo đôi bạn làm rẫy bái tại đó luôn. .

Từ đó không còn kêu họ Chí Hòa, một kêu là họ Lăng Cha cả.

Nhưng mà khi Minh Mạng là con thứ vua Gia Long lên ngôi cai trị, thì đã bắt bớ đạo thánh; bổn đạo các họ gần Gia Định Saigon chạy vào Lăng Cha cả mà ẩn mình, vì là nơi còn rừng rú vắng vẻ, lại vì ngờ rằng: Kẻ ngoại sẽ kiêng Lăng Cha cả, mà để bổn đạo bình yên. Khi ấy có cha Bề trên Thán, cha Tùng, cha Lợi, ở An Nhơn, Chợ Quán năng vào làm phước cho bổn đạo, và sau có cha Nhơn coi sóc họ ấy, cùng đã qua đời chôn tại đó nữa. Mồ người còn đó cho đến rày.

Song le đến đời Tự Đức cai trị nước Annam, thì đã bắt bớ đạo thánh hơn các đời tiên vương khác; vua đã dạy triệt hạ thánh đàng, cùng phân sáp bổn đạo từ tán đôi nơi. Vậy nhà thờ họ Lăng Cha cả cũng phải triệt hạ, bổn đạo phải trốn tránh rút vào rừng buội hiểm hóc.

Đến chừng nước Phalangsa qua chiếm cứ Saigon và Nam Kỳ Lục tĩnh, thì bổn đạo mới được thong thả mà giữ đạo, cho nên ai nấy lo về họ cũ mình, lại những người ở họ Lăng cũng ra Saigon mà kiếm thế làm thuê làm mướn; vì vậy họ Lăng càng ngày càng bớt số bổn đạo, cho nên Bề trên định họ Lăng sáp nhập về họ Tân Định. Đã cất một nhà thờ lá cho bổn đạo tựu lại đọc kinh chung, và một tháng có cha ngoài Tân Định vào làm lễ, làm phước cho kẻ già cả, cùng dạy đồng nhi; đến sau có cho hai Dì Phước Chợ Quán vào dạy đồng nhi ở đó.

Khi cha Ngôn (P. Louvet) làm cha sở họ Tân Định, thì đã cất một cái nhà thờ ngói, gọi là nhà thờ Đ C Bà Môi Khôi, ý người muốn gởi thân mình tại đó. Song khi cha nầy qua đời, thì nhà thờ người cất gần hư sập, thì chẳng chôn xác người tại đó, một chôn với các cha khác tại Lăng Cha cả.

Vậy họ Chí Hòa, họ Lăng đã có từ đời Đức Cha Vêrô, Đức Cha Thể, Đức Cha Ngãi, Đức Cha Gioang, Đức Cha Mỹ, Đức Cha Để, cho đến Đức Cha Mão đang cai trị địa phận bây giờ

Và khi Đức Cha Mão lên quờn giám mục, lòng người ước ao kiếm một nơi vắng vẻ khí thanh, mà cất nhà cho những cha bổn quốc dưỡng lão cho đến chết. Thời may Chúa mở lòng cho ông Lê phát Đạt (quan huyện Sĩ) dưng một sở đất tại Chí Hòa hơn 480 mẫu, đặng cất nhà cho các cha bổn quốc, hoặc già cả, hoặc yếu đuối giúp việc Hội thánh không được nữa, mà nghỉ ngơi, rảnh mọi việc bề ngoài, chỉ lo dọn mình mà chết lành, Đức Cha Mão liền lo cất một cái nhà lầu cao lớn chắc chắn đủ cho năm sáu cha dưỡng lão, lại cất một cái nhà thờ cũng cao lớn đồ sộ tốt lành đứng giữa đồng trống, gọi là nhà thờ Đ C Bà Môi Khôi. Chính mình Đức Cha chịu cực khổ năng ra vào mà lo cất hai nhà ấy cho hoàn thành, cùng đã làm phép nhà thờ năm 1902. Từ ấy bổn đạo họ Lăng nhập về họ Đ C Bà Môi Khôi, và nhà thờ họ Lăng dở đi; đất nhà thờ ấy thì để cho họ Tân Định làm đất thánh mình.

Vậy khi đã cất nhà thờ xong rồi, thì Đức Cha đặt cha Vêrô Lý làm cha ở coi họ ấy, cùng nhà các cha dưỡng lão một ít năm. Cha nầy đã chịu cực khổ nhiều lắm, mà giúp Đức Cha cất hai nhà lớn ấy, cùng lo trồng tre, xoài mít, và nhiều thứ cây khác; xưa là một đồng trống gò nổng mật cật, mà rày nên một cái vườn gần đủ các thứ cây sinh lợi cho nhà chung. Khi cha Vêrô Lý coi sóc họ Môi Khôi một ít năm, rồi Đức Cha đổi cha Quang (P. Clair) sai coi họ ấy, cùng nhà các cha dưỡng lão, Cha nầy không được mạnh mấy, Đức cha trông cậy khí thanh mát mẻ tại Chí Hoà họa may giúp người được thuyên bịnh, mà giúp việc Hội thánh. Nhưng mà bịnh cha nầy khó lành cho dứt đặng, người cũng làm việc được một ít năm, kế người xán bịnh nặng mà qua đời, nhằm ngày 28 Février năm 1910.

Khi cha Quang mất khỏi một tháng, thì Đức Cha đã định cho cha Phaolồ Qui, là cha sở họ Bà Chiểu Gia Định làm cha sở họ Chí Hòa, cùng coi sóc nhà các cha dưỡng lão.

Khi cha Vêrô Lý coi họ Đ C Bà Môi Khôi Chí Hòa, thì số bổn đạo chừng 160; năm cha Quang qua đời 1910, thì số bổn đạo được 270, đến năm 1911 số bổn đạo được 315. Vã số bổn đạo đặng thêm như vậy, là vì nhiều kẻ ở Tân Định, hoặc ở Chợ Đũi vào Chí Hòa mà nương ngụ làm rẫy, làm ruộng kiếm ăn.

Vã bổn đạo thuở trước có lẽ tưởng sốt sắng siêng năng làm việc thờ phượng Chúa, vì có các cha năng viếng thăm, lại sau có cha Nhơn ở coi sóc họ ấy nữa. Thuở cấm kín nhà ông trùm Cẩn là nơi bổn đạo quen tựu lại xem lễ đọc kinh. Song đến sau bỡi bổn đạo ấy ít gặp các cha các thầy, cho nên đã đã ra nguội lạnh trễ nải, cùng rối vợ chồng. Mà từ ngày có cha sở ở liên viễn coi sóc họ ấy, thì bổn đạo cũng ngày càng nên sốt sắng, đã gỡ nhiều đôi rối rắm. Có trường dạy đồng nhi nam nữ.

Bằng xét theo sự bề ngoài, thì họ Đ C Bà Môi khôi có nhiều cổ tích đời trước và đời sau làm cho họ ấy được danh tiếng.

Trước hết có Lăng Cha cả Đức thầy Vêrô nên cổ tích rất trọng, chẳng những về phần đạo, mà lại về phần đời nữa. Lăng ấy làm chứng cho các người ngoại giáo cùng kẻ vô đạo, các thầy đạo Thiên Chúa chẳng đến đây mà cướp nước Annam, như làm tiền sứ hậu binh đâu, song khi có thể đặng, thì tận tâm tận lực mà phò vua vực nước, lo cho nhà nước được thơ thới thạnh trị, như thấy được trong Sử Ký Nam Việt quốc triều nói về sự Đức thầy Vêrô cùng các cha và bổn đạo lo giúp vua Gia Long khử trừ quân Tây Sơn, mà phục quốc lại. Mà hẳn thật Nhà Nguyễn từ vua Gia Long đặng vỗ trị nước Annam lâu năm, là tại nhờ công nghiệp Đức thầy Vêrô cùng bổn đạo mà chớ. Bằng về sự nước Phalangsa đã chiếm cứ nước Annam, là tại vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị cùng Tự Đức đã bắt bớ đạo Thiên Chúa mà ra.

Sau Lăng Cha cả, thì có cổ tích tháp nhỏ dựng bên đàng đi Thuận Kiều, nhắc lại một trận cả thể binh nước Phalangsa đánh cùng ông Nguyễn tri Phương tại đồn Chí Hòa, như thuật lại trong Sử Ký.

Lại nữa gần nhà thờ có đất thánh các thầy cả Bổn quốc, và đất thánh của Thầy Dòng dạy đạo Thiên Chúa, có xay vách tường bằng gạch xung quanh.

Lại trong Chí Hòa, cũng gặp đặng nhiều mồ mả quan Annam, như mồ ông Trung Quân, cùng mồ bà Thái mẫu, không biết là mẹ vua nào, và có nhiều người sang trọng giàu có chọn nơi Chí Hòa mà gởi thân mình.

Sau nữa họ Chí Hòa còn có một tích khác cũng trọng hơn nữa, là đặng Á thánh Phaolồ Lộc, linh mục Bổn quốc đã sinh ra tại đó. Vậy xin Á thánh khấn thương xót nơi bổn quán xứ sở mình, mà chuyển cầu trước tòa Chúa cho họ Thánh Mẫu Môi Khôi Chí Hòa, đặng thêm số chầu nhưng, cho kẻ nguội lạnh trễ nải đặng ăn năn trở lại, cho kẻ lành nên sốt sắng, sau hết cho cả và gia thất ông Lê phát Đạt đặng sanh thuận tử an.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Cha Phanxicô Xavie Huỳnh Công Ẩn

 CHA PHANXICÔ XAVIE ẨN QUA ĐỜI.

------------------

Bổn quán mới đặng tin cha Phanxicô Xavie Ẩn (cha Bảy) Địa phận Qui Nhơn qua đời ngày 11 Mars. Nhơn bỡi cha có công lập những sở họ tại Phan Rí, Phan Thiết, Cù Mi, La Gi; rày các xứ ấy thuộc về Địa phận Nam Kỳ; nên phải doãn lại ít điều, hầu bổn đạo các sở mấy xứ ấy hay, đặng giúp lời cầu nguyện cho người, và thông phần đau đớn với bổn đạo các sở thuộc hạt Làng Sông là nơi người tạ thế.

Cha Phanxicô chịu chức thầy sáu tại Saigon năm 1882. Nhơn vì Đức cha Lợi, Địa phận Qui Nhơn (Mgr. Galibert) đau về Tây dưỡng bịnh, cố chính Hân (sau làm Giám mục là Mgr. Van Camelbecke) sai người đi với thầy năm Nhứt (sau làm thầy cả và đã chịu giết cùng bổn đạo Bồng Sơn năm 1885) vào đây chịu chức thứ sáu tại Nhà trường Latinh.

Qua năm 1883 cố chính Hân mời Đức Cha Mĩ (Mgr. Colombert) ra Qui Nhơn phong chức thầy cả cho cha Phanxicô và cha Nhứt tại trường Làng Sông. Khi Đức Cha Mĩ từ giã trở về có nói cùng cha Phanxicô rằng: Nếu cha vào giảng đạo tại Bình Thuận, hãy vào Saigon thăm tôi, và hãy mở đạo lần vào nam, đặng ta thông thương cùng nhau; esto alter Franciscus (cha hãy nên Phanxicô khác như thánh Phanxicô Xavie xưa). Tuy là lời nói chơi, mà thật là thần khấu, vì cha Phanxicô đã mở đạo đến Cù Mi, La Gi và rày mấy xứ ngoài ấy đã thông thương cùng xứ Nam Kỳ.

Cha Phanxicô chịu chức đoạn, Bề trên dạy đi coi sóc sở miền trong là Phan Rý, Phan Thiết. Vả khi ấy tại Phan Rý có 3 sở là: Châu Quân (sở nầy có đôi ba nhà có đạo sau bị giặc Văn thân giết hết năm 1885 và tàn luôn đến rày) sở Ma Ó và Sông Lũy. Còn trong Phan Thiết thì có hai sở là: Kim Ngọc và Tầm Hưng,

Số bổn đạo hết thảy chừng 800, về phần xác nhiều người vừa đủ ăn, chẳng ai giàu có, còn phần hồn thật là thiếu thốn. Một mình cha chạy vào trở ra tới họ nầy qua sở nọ, đàng sá hiểm hóc xa xuôi, ở Phan Thiết ra Phan Rý nếu đi đàng dưới thì phải qua Ba động thấy trời xanh cát trắng mà thôi, bằng đi đàng trên thì phải qua giữa rừng rậm truông vắng, gặp những voi, tây, cọp, gấu rất hiểm nguy, song cha chẳng sá chi, những vào ra dạy dỗ làm phước các sở luân chuyên cả năm; cùng đặt mỗi sở có cai sĩ dạy kinh nghĩa sách phần, mà cực thuở ấy chưa có một người nào biết chữ quốc ngữ; mỗi sở được vài ba người biết coi chữ nôm lem nhem, nên trước cha phải dò từ người cai sĩ bắt nó đọc trúng chữ nhằm câu rồi mới cho dạy.

Đến năm 1885 tháng Juin cha về Bình Định lo việc cấm phòng, xảy tiếp nghe việc thân hào nổi loạn, đốt nhà cữa chém giết bổn đạo khắp mọi nơi; lòng cha những thổn thức bồi hồi, cám thương con chiên mình mồ côi như gà mất mẹ. Lòng cha thương bổn đạo thế nào, hãy nghe việc này sẽ rõ.

Số là khi Đức cha Hân và các cha cùng bổn đạo chạy giặc xuống trú ngụ nơi bãi cát cữa Qui Nhơn, nghe tin bổn đạo Nha Trang Bình Thuận còn nhiều người trốn ấn trên mấy núi gần biển. Đức cha liền mướn một chiếc tàu lửa vào cứu bổn đạo đặng đem vô Saigon, cùng dạy cha Geffroy (cố Bữu) và cha Phanxicô theo. Tàu tới nơi bổn đạo trên núi thảy rùng rùng kéo xuống chực nơi bãi biển. Cha Geffroy xin quan chủ tàu cho lính thả tam bản chèo đưa hai cha vào bãi, đặng bắt ghe kẻ ngoại đưa bổn đạo ra. Song khốn thay dầu cha Geffroy năn nỉ nài xin thể nào, quan chủ tàu cũng chăng nghe, cứ rằng: Người ta lô xô đó là quân giặc, cha có vào nó giết chẳng tha. Cha rằng: Đó là bổn đạo chẳng phải quân giặc đâu, lại dầu phải là quân giặc, nó có giết tôi cũng bằng lòng. Chủ tàu cứ quả quyết đó là quân ngụy nên không chịu đưa 2 cha vào bãi. Tàu đậu đó độ hai ba giờ, thì kéo neo chạy thẳng vào Saigon, còn bổn đạo trên bãi phú linh hồn cho Chúa, xác để mặc sức kẻ ngoại chém đâm! Ôi! lòng cha Phanxicô khi ấy nức nở thảm sâu ra như điên cuồng bất tỉnh, không ăn không ngủ, chẳng nói chẳng cười. Cha Geffroy phần tức giận chủ tàu, phần thương xót bổn đạo cũng ưu sầu, song thấy cha Phanxicô tham não quá, thì cũng rán kiếm lời an ủi; nhứt là khi tàu chạy ngang qua Phan Rí, Phan Thiết, cha chẳng dám để cha Phanxicô ngồi dậy kẻo thấy hai xứ ấy, mà phải tị trần vì lòng thương xót.

Khi tới Saigon cha Geffroy đem cha Phanxicô lên Nhà trường Latinh, kể các việc cho các cha nghe, ai nấy xúm ủi an khuyên giải cách nọ thế kia, khỏi ba bốn ngày cha mới giảm.

Khỏi ít lâu cha ra Bàrịa gặp được ít người bổn đạo Kim Ngọc Tầm Hưng trốn vào trú ngụ đó. Cha con gặp nhau biết bao nhiêu là vui mừng thảm não!

Khi nhà nước cho quan Tổng đốc Lộc ra dẹp giặc nơi Bình Thuận, thì cha và bổn đạo cũng theo ra, về thấy cữa nhà mọi nơi đều tan hoang bình địa. Nhờ quan Tổng đốc bắt làng xóm đền bồi ít nhiều, cha lo cất nhà thờ và nhà bổn đạo; bây giờ những bổn đạo còn sống sót trên núi non mới trở về, ai nấy đều hai bàn tay trắng, nhờ ơn quan Tống đốc và cha khéo liệu lo, thì mọi người đều có nơi có chỗ.

Khi quan Tổng đốc Lộc đối đi, quan Đốc phủ Nghiệm ra thế, nhờ lòng rộng rải quan nầy thương giúp, cha lo cất nhà thờ và nhà cha ở trong mấy sở kia, và lo lập họ mới. Và trong mấy năm trước giặc và khi nầy một mình cha coi cả hai xứ Phan Rí, Phan Thiết, muốn đi xưng tội thì phải ra ngoài Phan Rang có cha Villaume (cố Đề) ở; còn cha Đề có muốn xưng tội thì phải vào Ma Ó rồi cho ngựa vào Phan Thiết rước cha ra, thật là cam go buồn bực; may lúc bấy giờ Đức cha cha cha Phục vào ở cùng cha, còn ngoài Phan Rang thêm được cha Nezeys (cố Nhạc) phụ với cha Đề. Trước hết cha lập sở Đất Đỏ gần cữa Phan Thiết và sở Hòa Lương dưới họ Sông Lũy, rồi lập sở Long Thạnh, bên kia sở Tầm Hưng.

Lúc cha Phục đổi thì cha Mériel (cố Bạch) vào có đem hai thầy, là thầy Pierre Lục (rày làm thầy cả ở trường Đại An) và thầy Paul Quyển (rày làm cha sở tại Tịnh Sơn, đổi tên là Paul Huấn). Thầy Quyển (cha Huấn) lên lập sở Phú Bình rồi qua lập Đại Nẫm. Thầy Lục lên lập sở Phú Hội rồi ra dạy mấy sở Sông Lũy và Hòa Lương, đoạn vào dạy tại Long Thạnh, Tầm Hưng rồi về học sách đoán.

Khi cha Mériel đổi đi, thì có cha Mátthêu Nhuận vào giúp; kế đến cha Archimbaud (cố Đức) vào; từ đó hai cha lập sở Khe Gà, sở Phan Thiết và Rạng, cùng sở Phú Lâm. Đoạn cha Phanxicô chinh thân vào lập Cù Mi, La Gi, lo trưng đất cất nhà thờ chẳng nệ công lao tân khổ.

Đến sau cha đổi ra Phan Rang ở ít năm, thì đổi về Bình Định cai mấy sở thuộc hạt Làng Sông, và đã lập nhiều công cho đến ngày tạ thế là 11 Mars, hưởng thọ đặng 81 tuổi, làm thầy cá đặng 40 năm.

Các việc cha làm nơi Phan Rang cùng Làng Sông thể nào, và sự qua đời cùng chôn cất làm sao Bổn quán không rõ, chỉ biết bấy nhiêu, thuật lại đây cho ai nấy biết đặng cầu nguyện cha mau được lên nơi vinh phước.

Sau hết Bổn quán xin chia buồn cùng bổn đạo thuộc hạt Làng Sông, vì đã mất một đấng có công lao cả thể.

Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn thầy Phanxicô Xavie đặng lên chốn nghỉ ngơi.

N. K. Đ. P.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1923

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Sự tích Cha Gioan Thái Hiếu Trung

 SỰ TÍCII CHA GIOANG TRUNG

Qua đời tại Cái Mơn, ngày 28 Juillet 1918

-------------------

Cha Gioang Thái hiếu Trung, linh mục bổn quốc về địa phận Nam Kỳ, sinh ra năm 1846 tại Rạch Tra, khi lớn khôn đã vào Nhà trường Latinh mà học hành, quyết dưng mình giúp việc Chúa. Chịu chức cắt tóc ngày 21 Novembre 1869, thề nguyền từ giã thế sự, phú trót thân cho Chúa mà lãnh chức thứ năm ngày 20 Septembre 1873; Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đã phong mấy chức ấy cho người. Đến năm 1876, Đức cha Mỉ (Mgr. Colombert) là đấng kế vị cho Đức cha Gioang, đã phong người lên chức thầy cả là ngày 23 Décembre năm ấy. Cho nên cha Trung ăn học và chịu chức tại Địa phận, chớ không có đi qua trường Pinăng.

Thăng quờn chánh tế rồi, Đức cha Mỉ sai cha Trung xuống họ Cái Mơn, làm phó sở đó một năm; qua năm 1878 thì cha đổi đi coi họ Thanh Sơn, và cũng coi mấy họ là Bình Nguyên, Long Phú, Bến Tre, Cái Sấu, Cái Quao, Giồng Miễu và Cái Sơn. Cho tới năm 1885 thì cha về ở tại họ Bến Tre, và cũng coi luôn họ Thanh Sơn, Cái Sấu và Giồng Miễu. Cha đã cất một nhà thờ ngói tại Thanh Sơn, và ở tại họ nầy hơn 12 năm. Tới năm 1888 thì cha đổi lại Cái Mơn, giúp tại họ cho đến năm 1891; đoạn Đức cha giao cho người mấy họ mới lập, là họ Cù Lao Dài và họ Giồng Thủ Bá, cách ít lâu kế đó cũng giao cho người coi họ mới Cái Tôm nữa,

Trong năm 1888, ông trùm Hòa ở Cái Mơn, xuất bạc tiền mà mua đất tại Giồng Thủ Bá, có ý qui bổn đạo và lập họ; nhưng mà ông trùm đã qua đời trước khi chưa thành việc như lòng sở nguyện. Vậy em ông trùm là chủ Đắt, đã lo cất một nhà để cho mấy dì phước tới ở dạy học; lại cha Trung khuyên bảo những con cái ông trùm cất một nhà thờ nhỏ tại đó, là lối năm 1892; còn cha thì lo lắng an ủi thúc giục những người trễ nải cùng là bỏ đạo ở tại Giồng ấy, thảy đều đặng trở lại, rồi thì cha lo cho chầu nhưng đạo mới, cùng đặng vui mừng mà rửa tội cho 42 người trong ngày lễ ông thánh Phanxicô Xavie năm ấy. Từ đó về sau thì cha hằng lo lắng cho con chiên trong họ, ân cần thúc giục cho con trẻ siêng năng đi học hành. Cách cha ở khiêm nhượng, hiền lành, hằng thương yêu kẻ khó khăn. Lại nhà cữa đơn sơ chật hẹp, chịu thiếu thốn nghèo nàn mà chẳng sá chi, một cứ lo cho nhà thờ, và cho chầu nhưng đạo mới mà thôi.

Cũng trong năm 1888, Nhà phước Cái Mơn mua đất tại Cái Tôm, thì có nhiều bổn đạo ở Cái Mơn và Cái Tắt tới đó mà lập nhà cữa, ở làm ruộng nương, thì cha Trung cũng xem sóc họ mới nầy trong 2 năm. Lại trong năm 1897 cha đã lập lại họ Giồng Mít, đã phải bỏ trong 13 năm trước, cùng đặng rửa tội tại đó 52 người trong năm 1898. Lại cha cũng xem sóc họ nhỏ Cần Thu trong 10 năm, kể từ năm 1898 tới 1908.

Cha coi họ Giồng Thủ Bá, Cù Lao Dài và Giồng Quít luôn cho tới chừng lớn tuổi già yếu phải xin nghỉ là tháng Septembre năm 1914.

Khi còn mạnh mẽ sức lực, một mình phải xem sóc nhiều họ, mà cha chẳng hề bỏ họ nào vắng lâu; khi còn ở tại Thanh Sơn, mỗi tháng thì có mặt cha đó trong chừng mười lăm ngày, còn mười lăm ngày kia thì đi viếng mấy họ. Chừng đã già, hơn 60 tuổi, ở họ Giồng Thủ Bá, thì mỗi hai tuần cha qua làm lễ Chúa nhựt bên Cù Lao Dài, cha có xin phép để Mình Thánh Chúa luôn tại nhà thờ họ; lại còn phải đi viếng họ Giồng Quít, hễ tới nơi bất luận ngày nào, thì cha liền làm phước, làm lễ cũng giảng dạy con chiên.

Hằng thương yêu giúp đỡ kẻ thiếu thốn cơ nghèo, cùng hằng lo lắng trau giồi nhà Chúa, cha đã xin tiền mà xây dựng một nhà thờ ngói tại Cù Lao Dài, cách sau đó cũng đi phổ khuyến mà cất nhà thờ Giồng Thủ Bá, và một nhà thờ tại Giồng Quít.

Đển gần cuối năm 1914, cha già cả yếu đuối, nên mới xin phép Đức cha mà nghỉ cùng trở về Cái Mơn, xin cha sở cho cất nhà riêng dưỡng lão. Nhưng nghỉ mà cha cũng còn giúp được trong họ; mỗi bữa bốn giờ rưỡi sáng cha làm lễ tại nhà thờ Đ C Bà, lần lần có bổn đạo tới xem nhiều, cùng nước lễ tại đó nữa. Các ngày Chúa nhựt Lẽ cả cùng là thứ sáu đầu tháng, thì người ta tựu tới xem lễ đông hơn, cho nên cha cũng giảng dạy nữa.

Bỡi cha hiền lành dịu dàng, và hằng thương trượng mỗi người, cho nên bổn đạo đều yêu mến. Hễ có ai thưa xin ngồi tòa làm phước, cùng là khi có người liệt lào muốn rước cho được chính mình cha, thì cha sẵn lòng và vui lòng đi tức thì.

Hằng cử giữ mọi việc y giờ đã chỉ định, chẳng hề khi nào trễ; sáng ba giờ thức dậy, dọn mình suy gẫm, bốn giờ rưỡi làm lễ, cám ơn; ban ngày thì coi sách, đọc kinh, hai giờ rưỡi chiều lên nhà thờ viếng Chúa, mỗi ngày lần hột đủ ba chuỗi luôn chẳng khi nào sót, dầu khỏe hay là mệt thì cũng hằng cứ vậy.

Khi cha ngã bịnh lần sau hết, thì cha đã biết trước tới giờ phải lìa bỏ đời tạm nầy, nên cha đã lo sắp đặt các việc đâu đó an bài. Cha làm lễ lần sau hết là ngày Chúa nhựt 7 Juillet, từ ngày ấy thì cha liệt cho tới ngày 24 Juillet, đêm nầy bịnh trở, nên cha sở Cái Mơn đã đem Mình Thánh Chúa cho cha sáng ngày 25, chiều ngày ấy chính mình cha xin chịu phép Xức dầu; qua ngày 27 sớm mai cha còn đặng rước Chúa một lần nữa, và lãnh ơn Toàn xá.

Cha liệt mà không phải mê mang chút nào, hằng tỉnh biết luôn, cho tới khi linh hồn lìa ra khỏi xác bình an, là trong đêm 27 rạng mặt ngày 28 Juillet, 1ối 12 giờ rưỡi khuya; hưởng thọ đặng 72 tuổi.

Từ khi cha chịu chức thầy cả rồi, thì hằng cứ coi mấy họ trong Địa sở Cái Mơn cho tới chừng già yếu, chớ không có đổi đi qua địa sở nào khác, cho nên Địa sở Cái Mơn cám mến công linh cha lắm.

Sáng ngày 30 Juillet đã làm lễ hát trọng thể, có mặt 15 cha tới chầu; lễ rồi thì đưa linh cửu người ra chôn nơi nền nhà thờ cũ, một bên mồ cha Vọng và cha Nhơn, kế chỗ chôn xác Á thánh Minh khi trước.

Đây lược biên sự tích cha mà thôi, xem qua cũng hẳn công lao khó nhọc đấng thầy cả Chúa thậm dày, trông cậy cha đã đặng nghe Chúa phán lời dịu ngọt rằng: Euge, serve bone et fidélis, intra in gaudium Domini tui!

N. K. Đ. P.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Địa sở Phan Thiết

 

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ PHAN THIẾT (tiếp theo)

-----------------

Họ Phan Thành

-----------------

Ở tại Kim Ngọc đi theo đàng quan lộ cách chừng 12 ngàn thước, khỏi núi Tà Vông một đỗi, thì thấy có một nhà thờ nhỏ, xung quanh có tre làm hàng rào và nhiều cây xoài cao lớn; gần lối đó thì là những nhà lá nghèo nàn người có đạo ở, chuyên bề ruộng nương mà làm ăn, ruộng thì không tốt vì đất cao hay khô hạn, lại là chổ trộm cướp vãng lai, cho nên ai cũng đều nghèo. Nơi ấy là họ Phan Thành, khi ban đầu mới lập thì đã đặng sum lắm, mà sau thì lần lần tan hoang gần hết.

Chính mình cha Ẩn đã lập họ nầy, vì thấy là nơi cao ráo, lại ở giữa chặng đường từ Kim Ngọc qua Sông Lũy, có một con sông nhỏ chảy ngang, nên cha đã khẩn đất ấy cùng lập làng.

Đó là hồi nhà nước sai quan Đốc phủ Nghiêm ra tại Phan Thiết lo cho bình dân, là lúc ngụy Văn thân đã phải tan rồi, và người ngoại đem nhau xin vô đạo cả đoàn. Cha Ẩn đã lo cho những đạo mới khai vở đất rừng hoang tại Phan Thành mà làm ruộng, và đã lập nên một làng dân cư thảy đều có đạo, số tới 300 linh hồn, công việc coi mòi sẽ được thạnh lắm.

Song tiếc thay! Bỡi hễ vội phát thì mau tàn, họ Phan Thành cùng một thế ấy, ví như cây lớn lên mau quá, thì chống sao cho lại dông gió mạnh, cùng chịu sao cho nổi yếng nóng nảy mặt trời: những đạo mới ấy phần nhiều không phải bỡi đức tin soi sáng mà xin theo đạo, lại cũng không có ai dạy dỗ cho đủ lẽ đạo; các cha khi ấy mắc lo việc lập thêm họ mới luôn, vì đâu đó đều có người ta xin vô đạo; phần thì không có thầy mà dạy cho hết. Nên sau lần lần nhiều kẻ ngã lòng, phần thấy đất rừng mới khai vỡ mùa màng không khá, lại thú ở rừng hoang hay phá hoại hoài, cho nên rủ nhau bỏ Phan Thành mà đi, hoặc qua Rạng hay là Tầm Hưng cho dễ bề làm ăn hơn. Lần lần dân cư làng nầy bớt số thì quân trộm cướp được thế hành hung, cho nên những kẻ muốn ở an lập nghiệp tại đó phải sợ mà rút đi nữa, sau hết thì tại Phan Thành còn có năm sáu nhà nghèo ký ngụ mà thôi.

Đây cũng nên nhắc lại cả Có, hồi họ nầy mới lập thì các cha đặt người đứng đầu mà xem sóc các việc, người đã đặng oai quyền hung, dân nội làng thảy đều sợ và kêu là ông vua Phan Thành. Song bỡi người cầm quyền thể cách chẳng nên, hiếp đáp dân tình và tham lam, nên cớ cho nhiều đạo mới buôn ý ngã lòng. Cho nên sau đó thì các cha không còn tin cậy nữa, thì người lại lo với các quan đặng mà giữ chức ông cả trong làng, cùng làm ra nhiều gương xấu, đạo thì không bỏ song không còn đọc kinh đi xem lễ; lại dự những đám giỗ chạp của người ngoại làm, và cấm ngăn vợ con không cho đi xưng tội rước lễ. Song phép công bình Chúa báo ứng nhãn tiền, vì ít lâu đó người bị cả Đông là vua Sông Lũy kiện thua mà phải thất và tổn phí hết bạc tiền, thêm mùa màng suy vi dồn dập, lại bị trộm cướp phá hại, làm cho người phải tồi bại nghèo khổ, nợ nần tứ giăng, không còn ai coi là gì nữa!. Chừng hết nước mới biết suy lại mà trách mình ăn năn, cùng chạy đến các cha mà xin trở lại, hầu xin nhờ giúp bơ chút đỉnh phần xác.

Trong năm 1911 thì tại Phan Thành còn chừng 30 người bổn đạo và 50 người bỏ đạo. Thảy đều nghèo, về phần xác và phần hồn; khi hỏi về lẽ đạo thì biết rõ không có ai thông hiểu bao nhiêu. Hễ chừng có cha ở Kim Ngọc tới viếng và làm lễ, thì bổn đạo mới tới nhà thờ, còn thường xuyên thì Chúa nhựt Lễ cả ai nấy đều gia bất biết. Khi tĩnh Bình Thuận giao về Địa Phận Saigon, thì những bổn đạo tại Phan Thành không còn muốn đi xưng tội rước lễ nữa, vì lấy lẽ rằng: Chúng tôi biết Kinh lễ đạo theo Địa phận Bình Định mà thôi, chớ không biết của địa phận Saigon. Nhưng sau rồi các kẻ ấy mới chịu biết là có một đạo chính và một Đ C T mà thôi, nên mới là đi xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh, dân dã cáo thối như vậy trong bốn năm chẳn.

Còn những người đã bỏ đạo thì khó mà an ủi cho họ trở lại, như một bà già kia cha hỏi sao không muốn trở lại thì nói rằng: Bẩm cha, cả Có đã giựt hết ruộng đất và trâu của tôi, nên như cha có trả lại được thì tôi sẽ trở lại. Một người khác lại nói thế nầy: Hồi tôi theo đạo đó là theo phe đông, bây giờ họ bỏ hết thì tôi cũng vậy!. Cho nên thật là khó bề lo cho họ Phan Thành đặng sum vầy như xưa, vì gốc giữ đạo là cho đặng nhờ phần xác cùng là theo phe đông mà thôi, chớ chẳng phải bỡi đức tin soi sáng chỉ dẫn, lại dốt nát về lẽ đạo quá vì không có nghe dạy dỗ cho đủ. Trông cậy Chúa đoái lại thương xem, xuống ơn mở lòng cho những kẻ ấy đặng rõ, mình đã nhờ dịp tốt mà đã gặp đặng Đàng chính là đạo thánh Chúa, thì nay cũng phải trở về Đàng ấy, hầu cho đặng phần phước vô cùng.

---------------

Họ Cù Mi

---------------

Vốn cha Archimbaud với cha Bảy về địa phận Qui Nhơn đã định lập họ Cù Mi lối trong năm 1891, mà thật sự là chính mình cha Bảy đã lo lắng gầy dựng nên họ nầy.

Khi ấy có một người bổn đạo ở tĩnh Quảng Bình tên là Minh đã bỏ đạo mà đến ở tại Cù Mi lâu năm, cho đến chừng người nghe nói thiên hạ ở xung quanh miền Phan Thiết đem nhau xin vô đạo nhiều, thì người đi đến cùng cha Bảy mà thưa cho cha hay về địa thế tại Cù Mi dễ bề lập họ, lại cũng có vài chủ có đạo tới đó rồi.

Vậy cha Archimbaud và cha Bảy đã thân hành đến tại Cù Mi là nơi đồng trống cỏ hoang, như có khai phá cho thành ruộng rẫy thì cũng dễ bề ở ăn lập nghiệp, cho nên hai cha nhứt định lập họ.

Cách ít lâu đó thì cha Bảy đã đem hơn mươi người bổn đạo gốc ở Bình Định và Phú Yên đã trốn lánh trong cơn bắt bớ, tới tại Cù Mi. Những kẻ nầy đến đó không có đem theo vật gì, hai tay không mà thôi, mà đến sau đã làm ăn tấn phát, dư giả khá, cùng làm quới chức tại họ, tên mấy người này là ông trùm Kê, biện Minh, biện Cậy, biện Bộ và hai anh em biện Lục, biện Đôn và biện Lai; biện Lai hồi đó là học trò ở giúp cha Bảy. Vậy họ Cù Mi lần lần đã đặng tăng số, trong có vài năm là khi cha Bảy coi họ nầy, số bổn đạo đã gần được 100 người.

Cha Bảy coi họ Cù Mi trong chừng 2 năm, kế cha Sanh đổi lại và ở được có 6 tháng. Đoạn cha Boisin làm cha sở họ nầy, cha lo cất nhà thờ còn lại bây giờ, mà ban đầu thì lợp lá mà thôi, cha cũng lo cất nhà cha sở cho tử tế, lập họ Cù Mi cho thành một họ chánh, hầu dễ bề cho bổn đạo ở xung quanh tựu hội mà đọc kinh xem lễ. Cha Boivin ở tại Cù Mi cũng trong chừng 2 năm, là từ năm 1897 tới năm 1899,

Trong năm 1899, Cù Mi nhập về địa phận Saigon, thì cha Sao coi họ nầy, bổn đạo trong họ còn thương nhớ cha Sao lắm, vì trong bốn năm cha coi họ Cù Mi thì cha hết lòng thương yêu dạy dỗ cho ai nấy đặng thông hiểu lẽ đạo vững vàng, cùng lo làm nhà thờ cho rồi, trên lợp lại bằng ngói.

Chừng cha Sao đổi, thì cha Lộc (P. Guéguend) coi họ Cù Mi, cha lo lập trường rước thầy dạy đồng nhi học kinh phần lẽ đạo. Cha cũng lo lập họ La Gi, mà bỡi một mình cha lo không xiết, phần xa xuôi quá nên Đức Cha cho cha Keller tới phụ giúp, cha Keller giúp đặng 3 năm kế cha khác đổi lại.

Bỡi nhờ sự cha Guéguend lập trường và rước thầy Dòng Cái Nhum tới giúp dạy đồng nhi và chầu nhưng đạo mới, cho nên việc mở mang đạo đặng mau thạnh. Lại nhờ bổn đạo trong họ có lòng kính mến Đ C Bà lắm, nhà thờ họ kính dưng Đức Mẹ làm bổn mạng; trong tháng Đ C Bà mỗi ngày thiên hạ tựu đến mà làm việc Đ C Bà đông đắn như ngày Chúa nhựt Lễ cả vậy. Trừ ra một ít người biếng nhác, vì bỡi ban sơ không có ai dạy dỗ lẽ đạo cho thấm, chớ nói được là giáo hữu họ Cù Mi giữ luật điều Hội thánh hẳn hòi, siêng năng xưng tội rước lễ, đạo hạnh chín chắn.

Mấy kẻ đến ở trước hết tại Cù Mi như đã nói trên, thì đứng bộ ruộng đất trong họ, mấy người tới sau cũng đặng chia cho mỗi người một hai phần mà làm ăn lập nghiệp, song không được phép bán cho ai, nếu không con cháu kế hậu thì ruộng đất phải giao lại cho nhà thờ.

Nguyện xin Đ C Bà Maria chẳng hề mắc tội tổ tông hằng xuống ơn bàu chữa cho họ Cù Mi càng thới thạnh, hầu thêm sáng danh Con Đức Mẹ.

----------------

Họ Cù Mi Cữa

----------------

Nhiều người ngoại ở Cù Mi Cữa thấy bổn đạo Cù Mi họ nhờ cha Bảy lo lắng cho được thành các việc, nên đã xin cha mà theo đạo, cùng lập nên một họ được bảy tám mươi bổn đạo, mà những kẻ ấy vô đạo mau quá không có học hành lẽ đạo cho đủ, nên không đặng vững bền. Khi cha Sao coi họ Cù Mi thì tại Cù Mi Cữa cũng còn bổn đạo nhiều, mà cách 2 năm sau, làng bắt những kẻ nầy phải lo việc đi trạm, nên phần nhiều đã bỏ mà đi nơi khác, cho khỏi việc cực nhọc nặng nề, cha Sao khuyên bảo thể nào họ cũng không vững, cho nên thì còn lại chừng vài ba mươi bổn đạo mà thôi, và không được sốt sắng bao nhiêu.

Đến sau có thầy tới ở dạy thì coi muốn khá lại, mà chừng thầy thôi ở thì ai nấy cũng lạt lẽo bề đạo hạnh như trước.

Bổn đạo họ nầy thảy đều nghèo, trừ ra ông Câu khá một chút mà thôi, khi ấy có nhà thờ lá nhỏ mà cũng đã hư, phần trong họ không có huê lợi chi hết.

Trông cậy Chúa dủ lòng thương xót họ nầy, mà khai quang cho nhiều ngoại giáo ở xung quanh đặng nhìn biết Chúa mà xin vào sổ làm con cái Chúa cho đông, cho danh Chúa cả sáng, nước Chúa trị đến hơn nữa.

--------------

Họ La Gi

--------------

Cha Ẩn đã lập họ La Gi trong năm 1894 - 1895, là hồi cha Archimbaud cai Địa sở Phan Thiết. Khi cha Ẩn lập họ Cù Mi, thì cha xin khẩn đất tại xóm Hộ thầy Lân thuộc về làng Thắng Hai, mà ở xa làng nầy chừng 6 ngàn thước, cùng lập nên họ ấy.

Tại La Gi, cha Ẩn cũng làm một cách như vậy, là cha xin khẩn đất tại xóm Liên Trì, nơi bờ tả sông Dinh, xóm nầy thuộc về làng Tam Tân, mà cách xa làng ấy lối mười ngàn thước, Cha Ẩn xin khẩn xóm ấy rồi cha cất nhà thờ, và năm sau thì lập nên làng riêng tên là Tân Lý.

Cha đem hai gia thất có đạo tại Kim Ngọc qua ở La Gi, còn tại đây thì có hai nhà có đạo gốc ở Quảng Bình tới ở đó trước, và có năm nhà ngoại xin vô đạo đặng giữ đất ruộng của mình đã khai phá, còn nhiều người không muốn vô đạo sợ ở đó khó lòng nên đã rút qua ở phía bờ sông bên kia.

Năm sau cha Ẩn đem năm nhà đạo mới ở Vang Kê (Kê Gà) qua La Gi mà lập nghiệp; họ Vang Kê ban đầu thì thạnh phát lắm, số chầu nhưng hơn 250, mà bỡi đã xảy ra việc hương thức làng kiện thưa hương thức trong họ, nên cớ cho phần nhiều chầu nhưng đạo mới ngã lòng thối chí, cha Ẩn muốn cho mấy nhà ấy khỏi theo gương, nên đã dắc qua La Gi mà ở.

Cha cũng dạy khai phá mấy miếng ruộng khi trước mà đã bỏ hoang cỏ đế mọc đầy cùng lo gieo trồng lại, hai năm đầu thì trúng mùa khá lắm. Song đến chừng cha Ẩn đổi đi thì bổn đạo không muốn làm ruộng nữa, bắt qua nghề đi buôn cây, việc nầy có lợi hơn nhiều, vì hồi đó những cây ngoài Annam (Trung kỳ) chở vô Nam Kỳ mà bán thì thuế vụ được miễn hết. Lại một cớ khác làm cho bổn đạo bỏ nghiệp ruộng nương, vì cách ba năm lập họ nầy, thì nhà nước bắt dân trong làng phải lo việc đi trạm, là việc cực nhọc lắm, phần số dân trong làng không bao nhiêu, cho nên ai nấy chịu không nổi. Khi ấy những bộ hành ở Saigon ra Phan Thiết, thì đi bộ theo đàng quan lộ Bà Rịa ra Xuyên Mộc, Cù Mi, La Gi, những thùng đồ gởi cho nhà thờ, những ghế bàn của các viên quan, thì mấy người đi trạm phải khiêng vác hết. Lúc đó nhà nước lo dò xét đặng làm đường xe lửa Saigon Phan Thiết cùng lập tĩnh Djiring cho nên thì có việc luôn, trạm phải vô ra từ Phan Thiết-Saigon luôn. Việc nhọc nhằn nầy đã làm cho nhiều người phải chết, và nhơn dân không còn rảnh rang mà làm việc gì khác đặng, vì có khi đi chuyến nầy về mới tới nhà, kế có việc phải đi chuyến khác nữa. Cho nên ai nấy đều kêu rên lắm, và phần nhiều đạo ngoại bỏ La Gi mà đi ở làng khác cho khỏi việc trạm, nhiều kẻ lại vô trong rừng mà ở.

Cho nên năm 1903, là khi cha Lộc (P. Guéguend) nhậm họ La Gi thì số bổn đạo còn chừng 50 người mà thôi.

Ban đầu cha Ẩn có cất một nhà thờ gần mé sông nơi động cát, mà chỗ nầy không thông khí, độc địa, nên cha đã dời vô phía trong gần rừng, là chỗ cất nhà thờ bây giờ.

Họ nầy từ khi mới lập cho tới năm 1909 thì không có cha ở thường, thuộc họ chánh là Cù Mi cha sở ở tại đó mà thôi.

Cha Ẩn coi sóc mấy họ mới nầy đặng hai năm rồi đổi, bổn đạo thương mến cha và hằng nhắc nhở cha luôn. Khi ấy quan Đốc phủ Nghiêm ở tại Phan Thiết, cũng nhờ ngài mà cha dễ bề lập mấy họ ấy.

Cha Thiên là cháu cha Ẩn coi mấy họ nầy ít lâu, kế cha Boivin đổi lại coi các họ ấy trong hai năm. Chừng giao lại cho địa phận Nam Kỳ thì cha Sao ở tại Cù Mi cùng coi họ La Gi và Cù Mi cữa. Cha Sao muốn cho bổn đạo La Gi lo nghiệp ruộng nương lại, song làm thử hai lần mà không khá cho nên bỏ qua.

Cho tới năm 1909 thì cha Lộc (P. Guéguend) về ở tại họ La Gi, thì mới lo nghề ruộng lại được, và nhiều bổn đạo đã tránh việc trạm mà bỏ đi, rày trở về lần lần, vì việc ấy Nhà nước đã giao cho làng khác.

Cho nên theo số mấy năm sau thì số bổn đạo tới 200, và số chầu nhưng hơn 30, nay các kẻ ấy đã chịu phép rửa tội rồi.

Bổn đạo họ nầy thảy đều tốt, phần nhiều đã học lẽ đạo khá, cha Lộc cũng đã lập trường dạy đồng nhi trong họ.

Nhà thờ trước thì nhỏ chật hẹp và không được tốt, nên cha Lộc đã lo làm nhà thờ mới cho rộng rãi và tốt hơn, song kế cha đổi đi, thì cha Lễ về đây đã lo làm cho hoàn thành là trong năm 1918, và ngày 12 Decembre năm ấy Đức Cha Quinton đã làm phép nhà thờ nầy trọng thể cùng đặt bổn mạng là ông thánh Giude.

Cha Lễ coi họ La Gi từ ấy cho đến rày.

Hồi cha Lộc ở tại La Gi, thì cha có lo lập họ Tân Hoàng mà việc không đặng thạnh, vì làng lân cận đó ganh gỗ làng cha mới lập nên kiếm chuyện rầy rà hoài, lại mấy quan annam sợ cha soán đất đai lần lần mà mất phần huê lợi cho nên cùng một lòng với làng Tam Tân mà hiếp đáp kẻ có đạo, cùng cấm không cho con trẻ đi học trường cha đã lập.

Dầu vậy tại Tân Hoàng cũng còn người có đạo ở và cũng có chầu nhưng, cha đã rửa tội đặng cho ba người khi gần chết và làm phước cho hai người có đạo mà đã bỏ, đặng trở lại trước khi qua đời.

---------------------

ĐỊA SỞ PHAN THIẾT

Những họ về phía Bắc.

Miền Phan Rý có năm họ như kể ra đây: Họ Phan Rý, họ Ma Ó, họ Đồng Mới, họ Hòa Lương và họ Sông Lũy. Đây nói qua trước về họ Phan Rý.

--------------

Họ Phan Rý

Lối năm 1895, có lụt dấy tràn ngập miền phía Bắc nước Annam, làm cho nhơn dân phải đồ thán cơ nghèo, cho nên nhiều kẻ phải bỏ xứ mà đi kiếm chốn khác làm ăn, trong số ấy có nhiều gia thất có đạo chuyên nghề hạ bạc tại tĩnh Quảng Bình và Nghệ An, đem nhau đến ở tại Phan Rý thuộc về tĩnh Bình Thuận. Dựng nhà cữa phía bờ tả gần vàm sông Lũy, là vàm nước đổ ra biển. Những người ấy đã biết trước chỗ nầy, vì đã có ra vô Phan Rý và Phan Thiết, lại thường hễ tới mùa xuân thì những thuyền chài lưới miệt phía Bắc hay đến đây mà lưới cá vô số để dùng làm nước mắm,.

Trong một thơ của Đức Cha Bennetat lối năm 1748 - 1749 có ghi lại, nói hồi đó đã có một nhà thờ tại Hà Bắc, phía thân trên cữa Phan Rý, bên bờ hữu sông ấy. Chỗ kêu Hà Bắc bây giờ là Hà Bô, thì không còn dấu gì có đạo lưu lại. Cho nên họ Phan Rý chắc không phải là gốc bỡi đó, song là bỡi những bổn đạo ở Quảng Bình và Nghệ An đã tới mà ở như nói trên.

Hồi đó tĩnh Bình Thuận còn thuộc về địa phận Bình Định và Đức cha Van Camelbeck cai trị địa phận, còn cha cai Địa sở Phan Thiết là cha Archimbaud, mấy họ nhỏ thuộc về miền Phan Rý thì có cha Ẩn kêu là cha Bảy coi sóc.

Cho tới năm 1899 là khi cha Durand đổi lại thế cho cha Ẩn, thì họ Phan Rý không khá gì, bỡi lâu ngày mới có cha tới viếng một lần. Mà khi cha Durand tới thì người hết lòng lo lắng, qui tựu bổn đạo số tới 150 hiệp lại một nơi cùng lo cất nhà thờ cho có chỗ bổn đạo đọc kinh xem lễ. - Cha lo hết sức mà bỡi làng xóm ngoại ganh ghét có đạo, cho nên thật là khó bề. Dầu vậy sau hết cha đã mua đặng 2 cái nhà nơi bờ tả sông Lũy tại làng Hai Tân, một cái sửa lại làm nhà thờ, một cái để cho cha ở khi đến viếng họ.

Qua năm 1903 cha Thiên đổi lại thế cho cha Durand. Những người ngoại ở làng Hai Tân thấy bổn đạo ở lân cận mình thì lấy làm khó chịu, vì bổn đạo không theo các sự dị đoan cúng quảy, nên sinh cớ rầy rà luôn.

Bổn đạo thấy sự bất hòa, phần nơi đây đất đai không có bao nhiêu, nên phần nhiều đã bỏ mà qua ở phía bờ hữu sống trong làng Thanh Hải, cho nên cách ít lâu đó thì đã bán hai cái nhà của cha Durand mua tại Hai Tân, là năm 1905.

Tới năm 1907, tĩnh Bình Thuận giao về Địa phận Saigon, thì Đức cha Mossard đã sai cha Bổn ra coi mấy họ miền Phan Rý, là tháng Octobre trong năm ấy.

Cha Bổn hết lòng lo lắng cho bổn đạo đặng nên sốt sắng, và lo cho trong họ cất một nhà thờ bằng lá gần bờ sông, mà bỡi nơi đây không đặng khô ráo, hồ nước rộng lớn thì nhà thờ phải ngập.

Qua năm 1908, cha Đavít (P. David) đổi lại thế cho cha Bổn, thì cha lo kiếm chỗ khác mà cất nhà thờ, vì không lẽ để nơi ấy nước ngập hoài. Nhưng kiếm đất mấy chỗ khác thì lại phải làng xóm ngoại tranh cản không chịu, cho nên thật là khó liệu.

Trong lúc ấy là tháng Décembre 1908 xảy ra một việc là người ngoại đã đốt hơn bảy tám mươi cái nhà của những thợ chài lưới tại đó, có 30 nhà có đạo cũng bị cháy; nhà nước tra xét thấy bỡi cớ lương giáo bất thuận mà sinh ra sự oán hận như vậy, nên mới dạy mấy thợ chài lưới phải ở riêng ra, cho một khoản đất chừng một mẫu ở phía trên cữa Phan Rý, đất ấy thuộc về làng Ký Xuyên. Dầu mà không đặng như ý ước ao, là địa thế cho rộng rãi hơn, song cha Đavít trông cậy sau sẽ mở mang được, nên đã dạy bổn đạo phải dời nhà thờ về đó, cũng mua một nhà khác làm trường học, và bổn đạo về ở trong vài tuần số tới trăm người.

Tưởng là bổn đạo về đây ở an được, té ra cơn gian nan cũng còn chưa dứt. Vì ai nấy cất nhà cữa chưa đầy 3 tháng, kế bịnh rét độc xảy tới lây hại, làm cho mỗi người phải đau, kẻ nhiều người ít, không một ai khỏi; rước quan thầy thuốc đến coi thì không hiểu là bỡi cớ gì. Thầy giảng đang dạy tại họ đau phải đi nghi tại Ma Ó, và không đầy trong ba tuần có 15 người phải chết. Nhà nước thấy việc thảm não như vậy nên mở lòng thương mà cho cha Đavít một chỗ đất khác.

Cho nên trong tháng Juin 1909 cha đã dạy dời nhà thờ, trường học qua chỗ đất mới, tại làng Thủy Tựu, phía tây gần cữa Phan Rý.

Từ tháng Juillet 1910 thì cha Đavít đã ở tại Phan Rý như chánh sở. Cha đã cất một nhà cha sở xứng tiện, và lo cất nhà thờ ngói thế cho nhà thờ lá đã gần hư sập. Bổn đạo họ nầy thảy làm nghệ hạ bạc (chài lưới), khi cha Đavít ở đây thì cha làm hết sức cho ai nấy đặng chín chuyên việc đạo, song phần nhiều hay lấy lẽ thường mà chữa mình kiếu lỗi, là: Mắc đi biển đi đọc kinh xem lễ không đặng. – Trông cậy Chúa là chủ mọi lòng, ban ơn cho những bổn đạo nầy, không phải là cứng cỏi, song là bỡi mắc lo lắng cho phần xác thới quá mà bê trễ việc phần hồn. đặng trở nên sốt sắng giữ đạo thánh Chúa, hầu cho danh Chúa cả sáng hơn nữa.

Bây giờ thì cha Vêrô Ngôn đang coi họ Phan Rý và mấy họ nhỏ thuộc về miền nầy.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1922

 

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Địa sở Phan Thiết

 

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ PHAN THIẾT

-----------------

HỌ PHAN THIẾT

-----------------

Gốc lập Họ.

Địa sở Phan Thiết gồm những họ sau nầy: Phan Thiết, Phó Hài, Đất Đỏ, Phú Lâm, Phú Hội, Dai Mân.

Theo như tờ Đức Cha Bennetat đã ghi lại, thì họ Phan Thiết và Phó Hài đã có trong đời thứ 18. – Bỡi đó cho nên có lẽ tưởng họ Kim Ngọc cũng đã có lối trong đời ấy, vì gần Kim Ngọc thì có một nơi kêu là O Xâng, khi trước là một họ có đạo ở. Song những tích ấy thì bây giờ không có ai nhớ, vì đã lâu quá!

Sáu họ về sở Phan Thiết mới kể trên đó cha Archimbaud đã lập sau. Vì cách 20 năm nay thì tại Kim Ngọc và Tầm Hưng có bổn đạo ở mà thôi. Cha Archimbaud nương dịp hồi lộn xộn ngụy nổi dậy trong năm 1885 và lúc có quan Đốc phủ Nghiêm, Nhà nước Langsa, sai đi dẹp cho an tĩnh Bình Thuận, mà lần lần qui lập nên sở Phan Thiết. Hồi ngụy đó thì không phải là bắt đạo cho thiệt, song quân dữ ngăn đe và húng hiếp bổn đạo nhiều, cũng đã có bắt những người có đạo tại Kim Ngọc mà giam nữa; song nhờ ông bố Thanh là cựu tướng ngụy cờ đen tại Tonkin đã hàng đầu, cùng sung chức thương biện tĩnh tại Phan Thiết; ông nầy lo mọi phương mà cứu giúp bổn đạo, lại cũng giấu cho ở trong nhà mình, khi biết quan nào khác dạy làm sự chi thiệt hại cho bổn đạo ở Kim Ngọc, thì người gởi tờ ngăn đe, không cho lấy phép riêng mà làm như vậy. Song tội nghiệp cho quan đáng thương mến nầy, vì cách ít lâu sau thì người phải thần hạ giết người đi. Quân ngụy hủy đốt hết mấy nhà thờ, nên chừng quan Đốc phủ Nghiêm tới thì dạy chúng nó phải thường bồi lại đủ hết, Đó là cho mấy họ về sở Kim Ngọc.

Còn mấy họ về sở Phan Thiết thì lập sau đây là trong năm 1890. Quan Đốc phủ Nghiêm thay mặt Nhà nước cùng ở tại Phan Thiết lo cho bình dân, ngài đã đem lòng hộ vực những kẻ có đạo, nên đã làm cho nhiều người ngoại ở tại đó và xung quanh đặng trở lại đạo, nên 6 họ về sở ấy bây giờ.

Cha Archimbaud nhờ dịp nầy thì cha đã lo lắng hết lòng mà mở mang đạo thánh, trước thì cha ở tại sở Kim Ngọc, bây giờ cha dời về ở Phan Thiết, để cha Ẩn coi họ Kim Ngọc và Tầm Hưng. Chỗ cha Archimbaud ở trước hết tại Phan Thiết là cái đồn quan Đốc phủ ở và đã để lại cho cha, cái đồn nầy trước là đình làng, tên là làng Lạc Đạo, cho nên họ Phan Thiết chánh tên là họ Lạc Đạo, như kêu theo tên làng ấy. Đến sau Phan Thiết lập nên thành phố vòng bao nhiêu làng, thì làng Lạc Đạo nầy ném về quận thứ hai thành phố. Quan Đốc phủ Nghiêm để cái đồn đó lại cho cha Archimbaud rồi ngài dời qua phía bên kia sông là chỗ quận người tây ở, và từ ấy tới giờ mở mang tấn phát lắm.

Chừng đâu đó yên lại rồi thì nhiều bổn đạo nương nghề hạ bạc tại tĩnh Quảng Bình đến lập gia cư tại Phan Thiết và Phó Hài. Cho nên sở nầy đã đặng qui lập mau chóng, số bổn đạo quá ngàn, có nhà thờ lớn, cái trước cha Archimbaud đã cất, mà bỡi lo làm mau mau nên không được chắc bền, nhà thờ cất lại sau là nhà thờ bây giờ vững chắc và tốt, cha Libiausse đã lo xây dựng.

Song bỡi Địa sở nầy lập mau cho nên sau nhiều đạo mới không đặng bền lòng. Vì khi ấy cha Archimbaud không có người tay chơn phụ giúp cho đủ đặng mà dạy đâu đó cho chín chắn; ai xin vô đạo thì dạy trong chừng một tháng rồi cho chịu phép rửa tội, mỗi kỳ vậy là ba bốn mươi người, con nít xưng tội rước lễ thì đi nghe dạy trong cũng chừng một tháng, cho nên lẽ đạo không thấm không thông cho đủ; lại phần nhiều xin vô đạo là lấy thế có người quyền phép binh vực khỏi sợ ai hiếp đáp, chớ không phải vì lẽ đức tin soi sáng khai quang, không phải bỡi cớ chuộng phần rỗi mình làm trước; cho nên chừng quan Đốc phủ Nghiêm đổi đi và quan tây tới thế cai trị, thì không còn ai xin vào đạo nữa. Lại những đạo mới không học hành cho đủ thấy thế sự đổi dời, giữ đạo không còn nhờ cậy đặng sự gì như trước, nên đã thối chí, mà không phải là phần nhiều bỏ đạo hết, song gần chừng một phần ba bơ thờ bê trễ không còn phấn chấn như ban sơ.

Một cớ nữa cũng làm cho đạo mới thối chí, là khi các quan annam còn cai trị tại các thuế vụ cùng là xâu bơi gì thì cứ nơi cha sở mà đóng, vì cha lãnh cho bổn đạo hết; mà chừng quan tây cai trị thì không còn được vậy nữa, phải đóng cho quan làng và xâu bơi theo luật buộc chung, cho nên khi trong họ có cần chi bạc tiền mà sửa sang tạo lập sự gì, thì những đạo mới thấy mình phải giúp vô, một đầu xâu hai đầu thuế, mà mọn dạ ngã lòng không muốn giữ đạo, đã không nhờ gì lại thêm phải tốn phải cực.

Đó là kể sơ qua về họ Phan Thiết (Lạc Đạo) và mấy họ nghánh là những họ mới lập trong lúc ấy: Phó Hài, Đất Đỏ, Phú Lâm, Phú Hội và Dai Mân. Còn hai họ nữa là Phú Bình và Phú Lạc cách vài năm sau thì đã tiêu mất.

Mà họ Phó Hai phần nhiều là những bổn đạo dòng ở Quảng Bình tới lập gia cư ở luôn đó mà chuyên nghiệp chài lưới và làm nước mắm, trong năm 1910 số bổn đạo được 200, việc đạo hạnh chín chắn khá, vì không phải là đạo mới học sơ sài, cho nên những đạo mới ở đây thấy gương tốt thì dễ bề noi theo.

Họ Phú Hội khi trước số bổn đạo quá trăm, mà trong năm 1910 còn chừng 40 mà thôi, và việc đạo hạnh cũng khá.

Phú Lâm, số bổn đạo ban sơ tới 300, mà sau còn lại 170, họ nầy gần rừng, cách xa Phan Thiết 7 ngàn thước, không có cha ở thường, lại việc học hành lẽ đạo không đặng chín chắn bao nhiêu, cho nên khi có xảy ra việc chi một chút thì có kẻ ngã lòng bỏ đạo.

Họ Đất Đỏ, là một họ nghèo nàn cách xa Phan Thiết 3 ngàn thước, khi trước số bổn đạo đông, sau còn lại có ba bốn mươi người, bổn đạo cũng giống như họ Phú Lâm, không đặng siêng sắng và lẽ đạo không thông cho đủ.

Còn tại Phan Thiết thì có cha tây ở, có thầy dạy học, cho nên dầu trước bổn đạo không đặng minh mẫn bao nhiêu, mà từ năm 1908. Đức Cha Bình Định giao sở nầy cho địa phận Saigon coi sóc thì mọi sự thảy đều đổi, bổn đạo nên siêng năng chín chắn hơn, có nhà phước dạy đồng nhi nam nữ kinh phần, họ Đất Đỏ, Phú Hội và Dai Mân nhiều nhà gởi con tới đó học. Việc xưng tội rước lễ, và người lớn nghe dạy mỗi chiều Chúa nhựt nên phấn chấn hơn khi xưa bội phần. Cho nên trông sau họ nầy sẽ được thạnh..

Tại Phan Thiết không ai có danh tiếng là giàu có quyền thế, có một gia thất ông trùm Dương mà thôi, gốc ông nầy ở Bình Định, tới đây đã hơn 20 năm, một lượt với quan Đốc phủ Nghiêm, hồi đó ông nầy là cử nhơn mà thôi, sau lên chức quan kinh lịch rồi làm huyện, lại là ông trùm cả Địa sở Phan Thiết, ngài đã lo lắng nhiều về việc mở mang lập họ các nơi.

Bây giờ cha Ba (P. Bar) đang coi sở Phan Thiết, có cha Ximong Chánh phụ giúp.

--------------------

Họ Kim Ngọc và Họ Tầm Hưng

--------------------

Nơi bổn đạo ở đông hơn hết trong tĩnh Bình Thuận thì là những bổn đạo ở hai họ là Kim Ngọc và Tầm Hưng

Kim Ngọc.

Theo đàng quan lộ từ Phan Thiệt ra Huế, thì lối cách chừng 6 ngàn thước thấy phía bờ tả sông Phó Hài một cái chợ khá lớn, kêu là chợ Phú Lương, cách 50 thước tới chợ nầy, phía bên bờ sông hữu thì có họ Kim Ngọc; nhà thờ, nhà cha sở và mấy nhà bổn đạo ở khuất trong những đám xoài lớn trồng đó không hàng ngũ gì đã lâu đời. Số bổn đạo ở đây tính chừng 500 người, ở làm ba xóm, xóm xa hơn hết thì cách nhà thờ chừng 20 phút đồng hồ.

Tầm Hưng.

Ở Kim Ngọc đi theo đàng ruộng cách 10 ngàn thước phía bắc, thì tới họ Tầm Hưng, 4 trăm bổn đạo ở vầy nhau một xóm, nhà thờ ở giữa, ngoài thì có một đám rừng rậm chừng 1 ngàn thước, phân cách Tầm Hưng với đại lộ đi tới Djirinh.

Người ta nói những bổn đạo trước hết trong hai họ ấy, gốc ban đầu là bỡi Bình Định mà tới. Cả tĩnh Bình Thuận có thiên hạ tới ngụ đông đầu, những người làm nghề chài lưới ở Quảng Bình bỏ đi tới đây buôn bán mà ăn, con nhà nông phu ở Bình Định hay là Quảng Ngãi tới đây đặng khai vở đất rừng mà làm ruộng, cùng nhiều kẻ vì nhiều cớ khác đã đến ở làm ăn lập nghiệp. Đó là gốc những kẻ ở tĩnh Bình Thuận, cho nên thiên hạ kêu là Ba Xã.

Phần đông trong bổn đạo thì chuyên nghiệp ruộng nương, ruộng thì không tốt gì, nhưng nhờ có khai nhiều kinh, cho nên lúa gạo làm có đủ ăn mà thôi. Mấy nơi đất giồng làm ruộng không được thì trồng bắp, trồng thuốc, bông và ớt.

Những đờn bà và nhi nữ mỗi mùa thì lo gánh hàng sản hoa quả trong vườn trong ruộng, mà đi bán cùng là đổi chác trong mấy chợ xung quanh. Lại có nhiều kẻ ở Tầm Hưng đi lên cho tới trên núi, chỗ dân mọi ở mà buôn bán với nó, và đặng lời nhiều, vì dân mọi mua thì mắt, mà bán thì rẻ.

Gốc họ Kim Ngọc và họ Tầm Hưng lập đã lâu đời, đây không thể kể lại được hai họ ấy đã có trong năm nào, song quyết được là trong đời thứ 18 thì hai họ nầy đã có rồi; người ta nói, có khi là các cha dòng Đ C G đã coi hai họ nầy trước hết.

Trong năm 1873(sic), Đức cha Bennetat kể lại về họ Kim Ngọc và họ Tầm Hưng thế nầy: Tại Kim Ngọc bổn đạo số được 300, có cất một nhà thờ, bổn đạo chịu một phần tiền, còn một phần thì của các cha tây giúp. Cách sau đó, khi Đức thầy Vêrô (Mgr. d’Adran) ra Phan Thiết với Đức vua Gia Long, thì bổn đạo hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng có tới mừng Đức cha và Đức vua, thì Đức vua tỏ ý muốn đi tới viếng hai họ, mà người ta nói Đức cha xin Đức vua đừng đi, vì sợ những quan không ưa đạo thánh sẽ ghen ghét báo thù con nhà giáo hữu chăng.

Đó biết đặng bấy nhiêu về gốc họ Kim Ngọc và họ Tầm Hưng, là những việc đã lâu đời, nếu bổn đạo hai họ nầy nói mình là con nhà đạo dòng thì thật cũng là phải. Lại trong mấy họ thuộc tĩnh Bình Thuận, các bổn đạo phần nhiều nguyên bỡi gốc hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng mà ra.

Song hồi đó cho đến sau nầy thì không có cha tây hay là an-nam ở tại họ. Có một cha ở tại Phan Rang tới viếng lại họ nầy cùng làm phước, là khi có lễ; lại đời đó việc đọc kinh xem lễ thì cũng làm âm lặng, không có rình rang được, muốn cho bình an thì thà giữ vậy, vì không mấy khi nước Annam để cho việc đạo được thong thả.

Khi ấy có nhà thờ, mà là một nhà lá thấp nhỏ, nhưng có chỗ tựu lại và kinh nguyện với nhau; việc xem sóc trong họ thì có những người quới chức. Người ta còn thấy chỗ nền nhà thờ cũ họ Kim Ngọc gần nơi đất thánh bây giờ, trong miếng đất ông trùm Phụng đã dưng, lại những đất xung quanh đó thiên hạ cũng còn kêu là đất nhà thờ.

Trong thì Đức cha d'Adran đã đặng thân thế cùng vua Gia Long, thì Hội thánh Annam tưởng đặng bình an lâu dài, và con nhà giáo hữu đã phấn chấn ân cần về việc giữ đạo.

Con bắt đạo thứ nhứt. – Chẳng hay cách ít năm sau, cơn dông tố nổi lên, vì khi vua Minh Mạng kế ngôi chẳng được bao lâu, thì tỏ ý quyết phá cho tuyệt đạo thánh. Ban đầu thì mấy quới chức trong hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng phải bị bắt dẫn ra Phan Rý là chánh tĩnh. Những kẻ nầy chịu tù rạc cùng khổ hình và bị ngăm đe phải giết nếu còn giữ đạo, rồi sai thả ra cho về. Khi ấy không có ai đặng tử vì đạo, song trong các đấng xưng đạo cách mạnh mẽ thì có ông trùm Chiên, là ông trùm họ Tầm Hưng bị khổ hình roi vọt mà phải liệt nhược, chừng quan tha về thì đi không nổi, ở nhà phải đem ngựa mà rước người về.

Cách sau đó thì các quan lấy nhà thờ họ Tầm Hưng làm nhà dệt hàng lụa và để tầm tơ, xung quanh nhà thờ thì trồng bông, dâu, lại bắt bổn đạo phải làm việc tại đó, lo hết các sự ấy theo lịnh vua. Còn tại Kim Ngọc, thì các quan dạy hủy phá nhà thờ đi.

Ý vua dạy vậy đặng ngăn cấm bổn đạo tựu hội nhau mà kinh nguyện, song những kẻ ấy không còn nhà thờ thì hiệp nhau trong nhà tư, như tại Tầm Hưng bổn đạo hiệp lại nơi nhà ông Thủ Thi, ông Thủ Liên và ông Mai, còn tại Kim Ngọc thì hội tại nhà ông Trùm Xiêm, ông Trùm Yên.

Thủ hay là Thủ bổn là viên chức lo góp tiền đất ruộng của nhà thờ, còn ông Trùm là kẻ đứng đầu trong quới chức.

Hồi ấy dầu phải bắt bớ và canh giữ nhặt nhiệm như vậy, song bổn đạo cũng hằng chịu đặng các phép Bí tích, vì có những cha annam giả làm kẻ buôn bán, gánh quảy đồ cùng giấu đồ lễ trong ấy, đi viếng làng nầy qua làng kia mà làm phước cho bổn đạo. Trong những cha ấy thì người ta nói có cha Linh, cha Danh và cha Luận.

Nhưng vậy cơn bắt bớ lần đầu nầy không phải nhặt lắm, vì không có chém giết ai, một có ý làm khó nhọc cho giáo hữu, đặng cho buồn ý ngã lòng bỏ đạo mà thôi.

Sau khi vua Minh Mạng băng hà, thì vua Thiệu Trị kế ngôi ngai vàng trị nước Annam, thì bổn đạo trong nước đặng ở an một lúc. Cho nên họ Kim Ngọc đã cất nhà thờ lại, nhưng cũng không dám làm nơi thị tứ, một cất khuất trong vườn xoài lớn, thân trên nền nhà thờ cũ, chỗ kêu là đám xoài rậm.

Cơn bắt đạo thứ hai. - Sau vua Thiệu Trị thì vua Tự Đức kế quờn, vua nầy ăn ở độc ác và bắt bớ bổn đạo cách dữ dằn chẳng khác chi hoàng đế Nêrô xưa, cho nên thiên hạ gọi người là vua Nêrô annam, bỡi vậy cho nên hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng đã phải gian nan lắm, vì lần nầy không phải bắt mấy chức việc có đạo mà thôi, song là bắt hết bổn đạo, bất kỳ nam phụ lão ấu gì, hễ ai không thể đi trốn ẩn trong rừng đặng thì phải bị nã tróc cùng dẫn ra Phan Rý, số kẻ bị bắt đây tới trăm người. Những kẻ nầy gặp nhiều bổn đạo khác ở xung quanh Phan Rý và Phan Rang đã bị bắt cùng dẫn đến đó, thảy đều phải gông cùm ở trong ba khám chật hẹp, bịt bùng không có khí thông thương, và lính canh giữ luôn ngày đêm, mà quân lính nầy thảy là quân ác nhơn lắm. Bổn đạo bị giam cầm đây phải đói khát, áo quần lâu ngày rách rưới, phải kiếm lấy mà ăn chớ nhà nước không có nuôi cơm, cho nên những kẻ nào không có ai thí cho thì phải đi xin mà ăn. thảm nữa là có xin đặng vật gì thì những quân lính giữ ngục cũng cướp giật một hai phần cho được.

Khi đó tại thành Phan Rý có hai cha annam, là cha Cát ở ngoài Tonkin bị đày vô Bình Thuận, với cha Cảnh ở Phan Rang. Hai cha bị cầm hai ngục riêng nhau, và không rõ hai cha có đi thăm viếng và làm phước cho các bổn đạo bị bắt giam tại đó đặng chăng.

Kế đó thì cha Cảnh phải xử trảm, còn cha Cát thì già cả chịu khó nhọc không nổi mà phải qua đời tại khám. Lại không phải là một mình cha Cát phải chết như vậy, nhiều bổn đạo cũng vì phải gông cùm đòn bọng và thiếu thốn mọi bề mà phải chết rủ tù nữa.

Thật thì trong cơn bắt đạo dữ dằn nầy, có ít đấng đã tỏ lòng mạnh mẽ can đảm mà chịu gia hình khảo lược, vững lòng xưng danh Chúa chẳng day. Như ông Quới, bây giờ còn lại một người con là biện Nuôi ở Kim Ngọc; các quan dạy ông nầy phải đạp ảnh bước qua, song người trả lời thà chết chẳng thà phạm tội quái gở ấy, cho nên đã phải chịu gia hình khảo lược dữ dằn lắm, quân dữ kéo người ngang qua thập ác, thì người dở chơn lên. Cho nên các quan thấy co cượng hẳn hòi quá, thì càng thêm dạy gia hình cùng tìm cách làm nhuốc hổ cho người. Vậy các quan dạy lấy áo lễ mà mặc cho ông ấy, cùng để ngồi giữa trước sân chầu ngay tòa các quan, đoạn dạy những kẻ đã yếu sức non gan, sợ khổ hình mà chối đạo, mỗi người phải đạp qua thập tự trước mặt ông Quới, rồi thì bạt tai ông ấy một cái cho mạnh cùng nhiếc rằng: “co cượng! cứng đầu!”; hễ tên nào mủi lòng thương mà đánh ông ấy nhẹ thì lại bị quân lính cầm roi chực sẵn quất bổ vào mình. Thật là sự rất nhuốc hổ, nhiều kẻ bỡi sợ đòn bọng mà cả lòng làm sự quái gở ấy, làm cho ông Quới càng thêm đau lòng xót dạ, vì thấy anh em mình dám cả lòng chối Chúa, lại trở làm sỉ hổ cho mình thể ấy: người ta nói hồi đó có nhiều phụ nhơn chối đạo bước qua thập ác rồi, lại gần ông Quới bỡi sợ lính nên rán sức bình sinh mà đánh người mạnh quá, làm cho người phải té nhào xuống đất.

Sau đó thì ông Quới phải án trảm quyết với mười một người đờn bà nữa ở tại Phan Rang. Chừng chém ông nầy và các bà ấy rồi thì lính chôn chung hết thảy một hầm với nhau, lấp đất xong thì dắc hai thớt tượng (voi) tới cho giậm đi đạp lại trên mồ cho ra bình địa; người ta nói hai con voi giậm đây chừng trở về thì phải chết dọc đàng, không kịp về tới thành.

Trong cơn bắt đạo ấy tại Kim Ngọc và Tầm Hưng không được nhiều đấng đã chịu tử vì đạo, mà không phải là mấy kẻ khác đã chối đạo hết đâu. Và những người bỡi sợ hình khổ mà khóa quá, đạp ảnh bước qua, chừng trở về nhà thì cũng cứ giữ đạo, và khi có thầy cả thì những kẻ ấy xin thú tội và làm việc đền tội cháng chường lâu mau theo lời thầy cả dạy.

Bỡi vậy cho nên các quan đã biết sự nầy, thì dạy giam hết thảy dầu những người chịu chối đạo hay là không ở tại khám ít nửa là một năm. Trong những kẻ đã có ông Mưu (qua đời năm 1911) dưng cho các quan 20 nén bạc mà chuộc mình, thì các quan lấy bạc mà không tha người về, song cho phép người đi ra xung quanh thành đặng mua chác cùng là xin ăn mà thôi.

Lúc ấy binh Langsa và Iphanho qua Nam Kỳ, các quan annam cũng tính làm một cách như tại Bàrịa, là thiêu hết các kẻ có đạo trong khám mà trả thù binh tân trào. Các việc sắp đặt đã xong, nên chừng tàu trận Langsa tới thì quan án độc dữ tên Mâu dạy đốt khám mà thiêu hết bổn đạo trong ấy. Song le có quan tuần phủ quí danh là Oai, có lòng thương bổn đạo, nên không cho thi hành lệnh ác nhơn dữ dằn ấy.

Trong lúc binh Langsa đánh lấy Saigon, thì bổn đạo các miền nước Annam, đâu đó đều phải bắt bớ dữ dằn. Cách ít lâu đó, thì có một thầy cả bổn quốc quí danh là cha Khâm đã dưng cho vua Tự Đức một đơn, trong đơn ấy nói rõ ràng những người có đạo không có ăn nhập gì với giặc tân trào. Vua Tự Đức xem đơn, thấy cha nầy đặt để ý tứ thông minh, lại thông chữ nho lắm, nên đã đặt người làm thông ngôn đi cùng các quan sứ đặng tính việc cầu hòa cùng tân trào Langsa, vua lại ban cho cha Khâm những văn bằng có ân vua dạy các quan tĩnh các nơi phải tha bổn đạo còn giam cầm tại khám đặng về..

Dầu vậy khi ấy trong tĩnh Bình Thuận các quan chưa chịu tha bổn đạo, cho đến chừng có cha Thơ là anh cha Truyết đi viếng mấy họ trong tĩnh nầy, khi tới Phan Rý thì cha nghe tin bổn đạo còn bị giam đầy trong khám; cha biết rõ lệnh vua đã dạy, nên cha bèn ra mắt quan tổng đốc mà hỏi sao không chịu tha bổn đạo về như lịnh vua dạy. Quan tổng đốc thấy cha ăn nói hẳn hòi cách bạo dạn, nên quan bèn sợ mà tiếp rước cho cách xứng đáng, lại dưng của lễ cho và tha các bổn đạo ra hết.

Cha Thơ đem những kẻ ấy về mỗi họ đã ở trước cùng lo qui lập lại. Tại họ Kiêm Ngọc cha mua cái nhà của biện Nhuận rồi dời qua cất lại nơi đất ông trùm Xiêm, mà làm nhà thờ. Còn tại họ Tầm Hưng thì có cả một nhà thờ tạm nơi đất ông Thủ Liêu.

Song làng xóm xung quanh cũng còn ghen ghét bổn đạo, hằng kiếm thế cười chê nhạo báng. Cho nên cha Thơ phải tính lo sao cho bổn đạo đặng ở yên, thời may cha gặp ông Đông là cữ nhơn, là người danh tiếng, có chức thị đọc trong đền vua, ông nầy muốn nhờ các cha hộ vực, vì trước người với quản Dinh đã có hiệp binh lính tại Gòcông mà chống trả binh Langsa. Chừng làm không lại thì người lui về Bình Thuận cùng sợ phải bắt bớ.

Vậy ông thị đọc Đông đã bàn tính với cha Thơ mà tách xóm bổn đạo ra riêng không chung chạ cùng làng ngoại, bổn đạo lập làng cai trị nhau mà thôi, như thế thì mới đặng ở an, khỏi ai nhạo báng hiếp đáp đặng. Những làng có đạo lập riêng như vậy kêu là hộ bạch bố, mỗi năm phải nộp thuế cho vua 20 cân bố trắng = bạch bố. Lại có ông quản Mưu cai hết các làng ấy cũng lo mọi việc đâu đó cho bình an.

Cha Thơ đã coi mấy họ bạch bố này đặng 3 năm, rồi kế cha Trang đổi lại. Số bổn đạo một ngày một thêm luôn, nhà thờ Kiêm Ngọc cất trước đã hư và chật hẹp quá, nên phải lo làm cái khác. Quới chức đi vô rừng đốn những cây đem về, cất nhà thờ lại lớn hơn và cũng một nơi trước. Cha Trang bầu cử thêm quới chức, bây giờ còn 2 người còn sống, là biện Huệ và biện Của.

Còn tại họ Tầm Hưng, nhà thờ đã cất trên đất ông quản Mưu, cho nên thì khó bề một chút, nên cha Trang muốn làm lại nơi khác cho dễ hơn; vậy cha đã mua đất của thầy Luôn, phía bên kia ruộng, giá là 200 quan tiền. Đất ấy còn cỏ đế mọc đầy, cọp beo hay lai vãng, nên phải tốn công khai phá rồi chia cho bổn đạo, cùng đã cất nhà thờ lại nơi ấy là đất riêng của nhà thờ; bây giờ làng Tầm Hưng thì cũng là chỗ nầy chúc.

Cha Trang coi mấy họ nầy cũng trong chừng vài ba năm rồi cha Vân đổi lại. Cha Vân sốt sắng lo việc dạy dỗ bổn đạo trước hết. Bỡi các cha trước mắc lo tái tạo thánh đàng, phần không có thầy giúp dạy bổn đạo, vì trong những năm bắt bớ không thể dạy dỗ cho kỷ càng được.

Cha cũng là cất nhà thờ lại bằng ngói gạch, theo thì đó thì xem cũng khá tốt, lại chính tay cha xây bàn thờ chánh, trổ hình Đ C Bà và hình ông thánh Giude, cùng sơn vẽ hai bên vách nhà thờ. Bỡi cha lo nhọc quá nên phải tốn sức, các việc chưa hoàn thành mà cha phải ngả bịnh nặng. Quới chức ra Phan Rang rước cha Villaume đến làm các phép sau hết cho cha Vân cùng chở người ra Phan Rang và cha đã sinh thì tại đó.

Kế đó thì cha Ẩn về coi sở Kim Ngọc, cha nầy lo lắng giỏi và sốt sắng lắm, bổn đạo nội địa sở còn cảm nhớ công ơn người. Ban đầu cha cai sở nầy một mình, sau thì phải tùng cha Archimbaud, và cha đã lo mở mang đạo thánh nhiều trong phía nam nước Annam.

Cha Ẩn đã lo sửa lại về sự lo xuất phát của nhà thờ; những họ không có cha ở thì khi trước quới chức trong họ xem sóc không có sổ sách gì hết, nên sao cho khỏi hao hớt của chung. Vậy cha dạy quới chức mấy họ ấy phải biên ký cho hẳn hòi, và trình sổ tính lại với cha, nhiều họ quới chức không bằng lòng về sự nầy, như tại họ Tầm Hưng các quới chức đều xin thôi hết, cha không lo, thôi thì cha bàu người khác lên thế.

Cha Ẩn cũng đã lo xong một việc nữa rất khó, ông quản Mưu, đã có nói trước, là một người danh giá lại giàu có, các cha trước thảy đều yêu vì, mà sau đó ông nầy bắt chước theo mấy phú hộ ngoại, có vợ mọn. Cha an ủi khuyên bảo làm cho ông nầy phải vưng phục chịu lối cùng làm việc đền tội tỏ tường, bỏ bà vợ bé mà cũng lo cho bà ấy đặng trở lại, sau người đặng ơn trở lại cùng chịu phép Rửa tội trước khi chết. Ông quản Mưu lại dưng cho nhà thờ nhiều dây ruộng mà đền lại gương xấu mình đã làm. Ông nầy qua đời trong năm 1911 hưởng thọ gần đặng 90 tuổi, khi gần chết thì cũng còn xin các kẻ có mặt đó thứ tha việc chẳng lành mình đã làm khi trước.

Ngụy văn Thân 1884. - Trong đầu năm 1884, lúc cha Ẩn đi cấm phòng tại Bình Định, thì có ngụy Văn Thân nổi lên. Khi ấy có Bùi văn Quan là quan đốc học tại Phan Thiết cũng một phe với quân ngụy, quan nầy chạy trát cho cai tổng dạy tới ngày định thì phải bắt hết các bổn đạo tại Kim Ngọc mà giết đi. Thật là việc dễ liệu, vì các quan và tổng làng gì thảy là phe quân ngụy. Cho nên đến ngày đã định thì dân ngoại tựu nhau lại mà bắt bổn đạo, ai nấy đều không dè không hay trước, nên phải bắt trói lại từ hai người với nhau, và quân ngụy tính đập cho chết hết. Thời may có quan giám lâm bữu danh là Thành, ông nầy có lòng yêu mến kẻ có đạo, nên khi hay việc như vậy bèn sai quan tới dạy phải thả bổn đạo về. Khi ấy quân ngụy đã đang lo giết các người nầy; chúng nó thấy lịnh quan tới thì sợ mà chạy trốn hết, nên bổn đạo mở dây trói với nhau mà thôi.

Mà quân ngụy đã kéo nhau đi cùng xứ, kiếm kẻ có đạo mà giết. Thật đây không phải là sự bắt đạo, vì quân ngụy tưởng là người có đạo phò giúp nhà nước Langsa, cho nên giận oán mà giết cho hết rảnh, chớ không phải là bắt mà biểu phải bỏ đạo, một xem như là quân nghịch vậy phải trừ mà thôi; bỡi vậy cho nên có nhiều bổn đạo không biết trốn đầu cho khỏi, thì đã xin phục tùng theo ngụy cho khỏi chết.

Khi ấy bổn đạo thật là bối rối cam go, phần thì không có cha thầy chỉ dẫn, đoàn chiên không kẻ chăn, nên khó nói liệu phải xây bề nào. Nhiều kẻ trốn ẩn trong rừng, cùng chạy vô cho tới Bàrịa. thấy đâu đó cũng đầy những máu những lửa, những kẻ trốn thì ở luôn tại đây, mà nhiều người cũng rán trở về, vì trông có các cha hộ giúp.

Khi cha Ẩn cấm phòng rồi, thì phải kiếm nơi vững thế mà ngụ tạm, nên cha đã vô Saigon. Tại Phang Rang quân ngụy tầm kiếm cha Villaume, mà nhờ ơn trên cha đã thoát khỏi, và cha cũng vô trú tại Saigon với một thầy sáu già là thầy Kim.

Các cha vô Saigon rồi thì lo cứu bổn đạo tĩnh Bình Thuận. Mà tin tức chẳng rõ thế nào, không biết hết thảy ra sao, sống chết cũng không tưởng. Cho nên các cha sai tên Khoa ở Bàrịa đi dò tin tức; người đi bộ theo đàng rừng cho tới Kim Ngọc hỏi thăm công việc xong thì hối hả trở về với tên Kế và quản Truyền. Các cha đặng tin bổn đạo còn ẩn ánh tại Bình Thuận nhiều, nên đã xin cùng nhà nước cho một chiếc tàu ra rước những kẻ ấy.

Khi tàu ra tới đậu tại Phó Hài, thì các bổn đạo tại Kim Ngọc và Tầm Hưng đều vội vã chạy xuống tàu, không kịp đem theo vật gì cần dùng hết. Tàu chở những kẻ nầy vô Saigon ở đó, kiếm công việc làm cho có mà ăn, và ở tại đây trong chừng một năm rưởi.

Chừng ngụy tan rồi, trước hết cha Ẩn dắc bổn đạo trở ra Phan Thiết cùng sai đem tin cho bổn đạo các nơi đặng hay đâu đó đã an, đừng sợ sệt gì nữa. Đoạn cha và bổn đạo mới trở về Kim Ngọc và Tầm Hưng, cha muốn cho bổn đạo tại Tầm Hưng lập nhà cữa lại nơi đồng trống lớn ở giữa Kim Ngọc và Phan Thiết, song ai nấy muốn ở nơi cũ trước mà thôi.

Khi ấy trong hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng thì tan hoang không còn sự gì, nhà thờ, nhà bổn đạo đều bị cướp phá và đốt sạch. Tại Tầm Hưng còn sót có một nhà là nhà tên Sự mà thôi, tên nầy không muốn bỏ gia nghiệp mà trốn như kẻ khác, nên đã tùng theo quân ngụy, Cha Ẩn ở đở tại nhà nầy và dạy tên Sự giúp coi việc cất nhà cữa bổn đạo lại theo hàng ngũ thứ tự. Nhà cất hai hàng hai bên, ở giữa là đàng rộng lớn đi tới nhà thờ.

Các quan cho cha Ẩn lấy huê lợi trong một năm những ruộng đất của tên văn thân Tài, là người có giúp ngụy nhiều, như là bắt nó thường sở tổn lại; và làng đã soán những bò của cha nuôi, phải chịu cất một nhà, đặng cha dùng mà làm nhà thờ tạm; tên văn thân Lương lại dưng một nhà đặng làm nhà cha sở cho tới năm 1912.

Đoạn cha lo các nhà thờ lại cho lớn, vì số bổn đạo thêm luôn.

Tại họ Kim Ngọc thì cũng còn lại một nhà lá, thì làm nhà cho cha ở đỡ. Có người con của thị Nghiêm, trong lúc ngụy dậy đã lấy những đồ trong nhà thờ, nên nhà nó phải bị tịch và dùng làm nhà thờ trong khi bổn đạo lo đi kiếm nhà thờ cũ quân ngụy đã đem lên trên núi. Lại cái nhà nhóm của quân ngụy trú hiệp nhau mà cúng quải thì các quan cũng cho họ Kim Ngọc lấy làm nhà cha sở.

Khi ấy có quan Đốc phủ Nghiêm ở Nam Kỳ, nhà nước Langsa sai ra Phan Thiết lo cho bình dân và dẹp ngụy, cho nên nhờ quan lớn nầy mà mọi sự thường bồi cho nhà thờ dễ liệu. Lại bỡi quan đốc có phép phạt quân ngụy, cho nên nhiều người ngoại trước đã a tùng theo ngụy sợ phải phạt, nên rùng rùng nhau xin theo đạo, thấy dễ bề cho mình đặng khỏi bị phạt cũng như theo ngụy Văn Thân cho khỏi thiệt hại vậy. Quan Đốc phủ Nghiêm cũng sẵn lòng giúp việc mở mang đạo, nên thiên hạ xin vô đạo nhiều, cha Ẩn phải lo lập thêm nhiều họ mới..

Vậy Đức Cha Camelbeck sai cha Archimbaud xem sóc lo việc nầy, ban đầu cha ở tại Kim Ngọc, sau thì ra ở tại Phan Thiết là họ mới lập.

Kế đó có cha Guéno rồi tới cha Boivin coi họ Kim Ngọc trong chừng một năm rồi đổi; nên cha Archimbaud và cha Ẩn coi sở nầy luôn.

Mà cho đặng lập các họ mới thì phải có tiền bạc cho nhiều, nên cha Ẩn phải bán một phần ruộng tại Tầm Hưng giá là 700$.

Chừng cha Archimbaud về tây thì cha Labiause coi sở Phan Thiết, còn tại Kim Ngọc thì cha Pober, Porcher, Sanctuair và Landeau.

Tới năm 1905 - 1906 thì cha Diên đổi lại làm cha sở họ Kim Ngọc trong ba năm, kế cha đau mà qua đời.

Trong năm 1907 thì Đức Cha Bình Định giao tĩnh Bình Thuận cho địa phận Saigon, thì cha Rồng (P. Masseron) làm cha sở Phan Thiết, và cha Xứ ở tại Kim Ngọc; chừng cha Xứ đổi, thì cha Bổn thế coi họ nầy. Cha Bổn là một thầy cả nhơn đức sốt sắng, coi họ Kim Ngọc chẳng bao lâu, vì đau bệnh trong gan mà qua đời tại họ. Xác cha táng tại đất thánh Kim Ngọc. Đoạn kế cha Thiên (P.Barré) coi họ ấy.

Bây giờ 1922 thì cha Ba (P. Bar) làm cha sở tại họ Phan Thiết, còn tại Kim Ngọc và Tầm Hưng thì không có cha sở ở thường.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1922