ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Cha Giuse Vinh (Villeneuve)

 CHA JOSEPH VINH (VILLENEUVE)

(1877-1900-1932)

Cha Giuse Linh mục Dòng sai Paris, mới qua đời tại dưỡng đường Montbeton, ngày 4 Septembre 1932; sinh ra ngày 12 Octobre 1877 tại St Sernin-sur-Rance, tĩnh Aveyron nuớc Langsa: chịu chức thầy cả tại nhà thờ Dòng sai ngày 24 Juin 1900; qua tới Nam-kỳ 5 Septembre, lãnh làm cha phó nhà thờ chánh Saigon; độ tháng Décembre vượt Penang học tiếng chà và; năm sau (Octobre 1901) về Saigon như trước; cách vài tháng (Janvier 1902) xuống Cái-mơn học tiếng Annam, mới vừa hai tháng (Mars 1902), lại lên Chợ-quán giúp Cha Delignon và lo cho bổn đạo Chà-và. Chưa kịp mở rương, kế cha Boutier đau, cha Giuse về lại Saigon giúp đỡ hai tháng: Avril, Mai; rồi làm cha sở tạm họ Saigon 3 tháng: Juin, Juillet. Août. Bước đầu Septembre - Octobre cha Giuse đau, nghỉ tới 22 Octobre 1902 đổi lên Bến-sắn.

Lúc nầy cha Giuse gặp cha Poinat, quen kêu là cố Thủ. Cha Giuse thừa dịp học tiếng, cách ăn thói ở annam, học mưu mô với cố già, léo lắt nhứt hạng. Ai biết, thì nhớ và hiểu nhiều chuyện trớ trêu. Năm 1905 cha Giuse đau, qua Hong-kong cấm  phòng dưỡng bịnh, tháng Août về làm phó Chợ-đũi, lo bổn đạo chà; mà chà muốn làm tây, kéo nhau xưng tội chịu lễ nhà thờ Saigon, cha phải lết về Saigon phen nữa. Đầu năm 1907, cha về nhà trường dạy sách mẹo, lo chà không bỏ, còn giúp nhà trắng nọ kia, nhứt là nhà Madeleine. Qua hai năm, Janvier 1910, cha nhậm họ Vang-quới và mấy họ nhỏ, là Quới-sơn, Phú -Ngãi, Phú-Thuận, Khém. Lúc nầy cha năng lai vãng cha Phú ở Kiến-vàng, có khi xưng tội, có khi giúp cha đang lúc túng thiếu. Cha năng khen cha sở Kiến-vàng biết chịu khó, tội nghiệp cha nghèo quá! Đầu năm 1912, cha phải về Saigon; kế Janvier 1913, cha lị nặng, vào nhà thương Angier điều dưỡng, rồi về tây; tới Septembre 1914 trở lại Nam-kỳ, lên Thủ-dầu-một giúp cha Poinat, vì già yếu. Cha già qua đời, thì cha làm chánh sở Thủ, từ 1918 tới 1921, là năm cha phát tê bại, nhức đầu phải về tây. Cha coi các họ nhỏ, như: Bến-sắn, Mỹ-Hảo, Chánh-thiện, Bến-cát, Rạch-kiến, Tân-uyên, Xã-cam, Xã-cát, Xã-trạch, Hớn-quản, Lộc-ninh, Bù-đóp, Chơn-thành…

Kể xong năm tháng ngày giờ và mấy sở cha coi sóc, rồi kể tài đức công quả cha 32 năm làm việc tông đồ, 21 năm chạy xôn xao cõi trời nam; 11 năm nằm thiếp thiếp nơi đất tổ.

Lúc ở nhà, cha quen làm lụn, nên khi phải lìa quê vào trường Paris thì nội nhà kể mất một tay mần. Sau gặp người biếng nhác, hoặc cưng con, thì cha đưa tay ra, mà nói: “coi, tay nầy từ nhỏ, tới giờ làm luôn”, mà nhiều lần thấy tay cha sưng lên, trầy trụa, có khi máu còn chảy. Quả như lời thánh Phaolồ nói: (Aes, Ap.34) “Tay nầy mần mà nuôi Thầy và đệ tử Thầy”.

Cha sáng trí, học hành chẳng bao lâu trong trường Paris, mà làu thông phận sự thầy cả; cha kèm thêm hát xướng cũng khá. đánh đờn được được. Lúc ở nhà trường Saigon, cha lãnh tập hát; một mình cha kéo mấy mươi, la lối vang trời. Tiếng chà, tiếng nam học sơ sài mà trăm trết, chuyện vãn cả ngày cũng xuôi. Nhiều lần cha thấy những thầy cả, hoặc ai quen biết với cha bên tây, hay là bên nầy, viết bài, giảng dạy, làm sách, hoặc chuyện chi hay, thì cha thở dài rằng: “Họ có phước, có giờ ngày học hành, còn tôi thì vùi cả ngày giữa dân lao lực bần khổ, chà chưa thông, Annam chưa thạo, cái gì cũng mưa mứa. Bề trên thấy tôi xốc xáo, cứ nhủi thí vô. Hồi ở Paris tôi học chẳng bao nhiêu, chèn đục đờn hát nhóp nhem: may tôi mạnh, không thôi làm gì kịp. Các cha Dòng sai học đủ chịu cực, đủ giảng đạo. Tính cha vui vẻ, nhặm lẹ, bậc nào, dân nào cha làm quen đặng hết. Ai quen cha đều mến cha bảo mãn. Bỡi đó tây nam chà chệt năng tới lui thăm viếng; kẻ thưa việc nầy, người bàn việc khác. Kẻ xin, người thí, cha tùy tiện mà giúp xác hồn thiên hạ.

Cha ở Saigon nhiều phen, bá gia đều biết, giàu khó bất luận, ngoại đạo chẳng kỳ; cha có lo trường Taberd, Nhà trắng, nên Thầy dòng, Bà phước ưa hạp cha. Bỡi đó dầu cha ở xa, ai ai đều sẵn lòng giúp cha, Nhứt hô bá ứng. Đụng việc gì, gặp ai lâm vấp, thì cha liệu dễ như chơi; bên nầy choàng bên kia. Lên quan xuống huyện, cha cũng làu, cứu biết mấy việc ức oan.

Cha ở đâu lâu mau mà đổi, thì ngoại đạo đều thương tiếc, có mấy kẻ hiếp đáp người lành mới là mừng cho. Cha nóng nảy háo thắng lại thêm sốt sắng mở mang đạo Chúa, nên việc xác hồn gì cha cũng muốn gồm hết, muốn sửa đặng mau mau như ý. Bỡi đó ghe phen phải cực trí, lắm lúc bị anh em Thầy cả, cho tới Bề trên trách cha làm quá độ, chẳng theo lề lối kẻ khác. Có khi cha cắt nghĩa ý tứ cha mà đặng phục lý; có 1ần cha phải vưng lịnh bề trên, theo đàng kẻ khác, mà bỏ các mông vọng lớn lao cha mới thi hành. Chúc ấy cha phải ưu phiền vì câu “bán đồ nhi phế” là công việc nữa chừng phải bỏ. Cha năng nói câu nầy: “Người dương thế là giặc to”. Song cha còn lẽ đức tin mà rằng: “Tôi muốn lo cho Chúa, muốn cứu xác hồn thiên hạ, mà đã ra thể khác. Đó ý Chúa sợ tôi có thành, mà lòng sanh kiêu hãnh, mất công mất đức. Phải tôi lo riết như ý, ắt sẽ xuôi, tôi sẽ nên ông lớn! Tôi tên Vinh, mà nhục đời, cũng như cha Phú, mà mạt kiếp. Chừng tôi đi, chừng tôi chết, hoặc chừng tôi nằm ngay một nơi, người ta mới biết tôi! mà chừng đó còn gì! cha và nói và khóc: “Tôi buồn chết mà! Mẹ ôi, con không quên Mẹ  xin Mẹ chớ quên con!–Thôi để tôi lần hột kêu Mẹ”. Đây cũng nói luôn: cha năng lần hột, chuỗi mau mòn, mau đứt, cha mang trong cổ thường thường. Cha nói gia tài có bấy nhiêu.

Lời cha nay đã ứng nghiệm: Bề trên, bề dưới đều nói: “Phải cha Vinh còn ở đây... còn lo việc nầy việc nọ... thì ắt là đặng kết quả”, đó trên Chúa ban thưởng, dưới người ngợi khen cha đã liều thân, liều của..

Còn nhớ lúc cha nằm nhà thương nhà trường đợi tàu về tây. Cha đã giao các sở Cao-su danh tiếng, cùng mạng sống cha cho Hội giảng đạo; về tây rồi, cha còn viết thơ nói đi nói lại mình dưng hết cho Hội, cho địa phận cùng cho bổn đạo Annam. Thấy rõ phần thượng, thì cha lấy lẽ đức tin bỏ hết dưng hết; song phần hạ theo tính ham hố mông vọng, thì tức nhiên cha cực lực đau đớn! mấy ngày trước khi xuống tàu về quê, cha năng than thở: “Tôi chẳng buồn vì tôi nằm liệt đây, cùng phải về tây; tôi buồn vì thiên hạ nói tôi phí lãng của nhà chung cùng bá tánh!” cha buồn, cha khóc gần liên tiếp.

Có hai sở xưa cha Giuse lo lắng hao tổn tinh thần cùng vật chất nhiều hơn, là Vang-quới và Thủ-dầu-một.

Đầu năm 1910 cha nhậm họ Vạn-quới và cù lao Phú-đức tới cuối năm 1911.- Họ Vạn-quới không có các cha tới thường, nhà thờ, nhà cha sở xịch xạc, xung quanh vườn dừa chuối vũng oi, không đàng sá chi; ghe tới thì lội bùn mà lên nhà thờ. Cha về ra sức dọn dẹp cho trống trải, trồng thêm cây trái. Bổn đạo ít biết đọc kinh xem lễ, Chúa nhựt nhà thờ chẳng mấy người. Cha hò hét, ủi an cho họ nóng nảy, lo cho thầy giáo dạy trẻ ân cần. Từ đó nối tiếp các cha, tới cha Sách cất một nhà thờ sạch sẽ, mua một chuông nghe cũng vui cho họ Vạn-quới. Cha Giuse thấy Phú-thuận xiêu đổ, bổn đạo tứ tán việc đạo lảng xao, chẳng còn nhà thờ nhà thánh, cha lo mua đất, đốc tạo nhà thờ bằng cây lá đỡ, góp nhóp đạo cũ, tìm kiếm chầu nhưng; nội hai năm họ đặng hơn một trăm, Sau các cha nối tiếp: Có cha Vàng quê Cái-nhum và cha Tâm về ở tại họ Phú-thuận. Nay nhà thờ cất bằng gạch ngói tử tế, coi ra thị tứ, có chuông có đờn đủ như họ khác. Cha Sách bồi bổ thêm cũng nhiều. Cha Giuse cực khổ với Phú-thuận rất ghe phen, làng xóm thấy mở mang họ đạo, có ông tây binh vực dân đạo, khó bề tính lợi hại, nên nỗi kiện thưa tới quan trên rằng: “cha phá làng phá xóm”, cũng như Chúa xưa chịu cáo rằng: “xúi dân nổi loạn.”

Gần Vạn-quới có làng Phú-vang đông nhơn số, còn ngoại đạo, cha lừa thế kiếm ruộng đất lập họ, song rủi cha sớm về Saigon; cách vài năm nay có luồng gió cọng-sản: người lành mở mắt, vào đạo khá đông, Phú-vang còn nhớ cha Vinh, còn nhắc công cuộc cha thuở trước. Cọp còn da, người ta còn tiếng.

Gần biển có họ Khém, bổn đạo bơ thờ, được ít nhà, có phần đất nhà chung, hoang vu: cha lo bộ tịch, rồi khai phá. Bỡi cha chưa thạo đất gần biển; muốn đốn củi mở ruộng cho dân tụ hội làm ăn, khỏi lặn lội bắt cua, bắt ba khía, chẳng dè bờ bông su sơ nước mặn chụp lúa chết tươi, cha hết mấy ngàn. Sau cha tính trồng lá dừa, đó là trúng cách, mà cha vừa tính, vừa đổi.

Có một cồn gần cữa Đại, cha mới mua, toan khai phá, kế cha dời chơn, thì để lại cho sở Gò-công. Cồn nay nhờ cha Thiên họ Rạch-cầu, trở nên ruộng đất thạnh mậu, con số bổn dạo càng thêm đông đảo. Trực nhớ cha Vinh quen với gia quyến cha Thiên, nhứt là Frère Louis; hai đàng ưa hạp khen nhau luôn; mà nay xui khiến cho hai cha: Thiên và Ký, thảy đều ở trong mấy sở Cha Vinh cực lực xưa, hiện thời cha Ký coi họ Kiến-vàng, Phú-thuận, Vạn-quới, Phú-Vang, ắt hai cha và bổn đạo ăn trái, nhớ kẻ trồng cây lắm lắm. Nội hai năm tiếng cha Vinh như cồn, nội cù lao Phú-đức, tĩnh Mỹ-tho và xung quanh.

Còn nói chỉ công trình cha Vinh trong sở Thủ-đầu-một; gần bảy năm lao đao tận khổ. Cha Giuse ngó các sở họ nhỏ, đâu đó cũng có việc cha phải lo; nên cha chia phiên luân chuyển quanh các họ lớp lo linh hồn lớp lo xác. Cha ưa việc ruộng đất, thấy thì thèm như cọp nom thịt. Vì khẩu hiệu cha là có gạo thì có đạo, lúa đâu, bồ câu đó. Cha ưa thuật chuyện cha Gonet.

Cha sở họ Trà-lồng cực khổ, khẩn và khai phá mấy trăm ngàn mẫu ruộng, nghe ngộ lắm. Vậy cha lo cho các đất mấy họ có địa bộ ranh rấp, rồi cha vải bạc mở mang; làm quá, coi trong túi hết trơn, cha chạy vay hỏi xin xỏ những kẻ hảo tâm đạo đức. Lần hồi xuất ba bốn muôn đồng bạc lập mấy sở Cao-su. Lớp tiền riêng, lớp tiền xin, thảy đều chụm ráo, nhứt là trong sở Cao-su lớn, cha có ý để sau nầy có huê lợi mà dùng việc chung trong các công cuộc các họ. Nay sở nầy cha đã giao lại cho Đức cha làm của nhà chung. Trông sau té ít nhiều, thì các họ nhở như lòng. cha ao ước lúc sanh tiền. Rủi bây giờ là đều viễn vọng, vì Cao-su càng ngày càng thấp giá!

Cha còn phải lo bổn đạo Trung-kỳ, Bắc-kỳ làm trong mấy sở Cao-su lớn, như đã kể trước nầy. Buổi đó đàng sá chưa thông lưu tử tế như bây giờ, cha phải đi xe bò, có lúc nóng quá cha đi xe máy cũ xì của cha: gặp đàng tốt thì cha cởi nó, trúng đàng xấu thì nó cởi cha; đi vậy nhiều trăm cây số, tháng nọ sang năm kia; khi nắng, khi mưa, lúc đứng bóng, lúc nửa đêm. Thảm một nỗi khác, là mấy chủ sở không đạo đức chi, sợ dân gặp cha thầy nầy nọ phanh phui; nên cha chẳng dễ bề lui tới, hầu lo cho các con chiên xiêu lạc; song cha cũng lòn cúi đi các sở làm Phước, gỡ rối, thơ từ về Trung-kỳ, Bắc-kỳ lấy bút tích, gởi giùm tiền bạc. Biết mấy lần hai ba ngày, cha ăn một hai trái chuối, uống ít tô trà Huế; chịu vậy, vì cha không muốn cho ai mất giờ hoặc hao tổn mà lo cho cha.

Gồm lại, thì cha Giuse là một thầy cả có lòng yêu người cho tới quên mình và có khi quên kẻ khác: cha như trốt, hốt của chỗ nầy đem chỗ kia, như nước xoi vịnh, bồi doi, chẳng giữ phần nào. Đôi khi mà lại nhiều khi cha bị trách móc kiếm tiền đổ sông đổ biển, vì cha muốn cho ai nấy biết tương ái như lời thánh Phaolồ: “Phú chẳng dư, bần chẳng thiếu.”

Đức cha de Guébriant, lúc ghé Thủ-dầu-một có nói về cha Giuse là “một thầy cả sốt sắng nhặt nhiệm, ép xác, ít lo cho mình, đã lo cho Thủ-dầu-một tận tình, nay họ Thủ còn nhớ đức của cha.” Cha gặp ai thốn thiếu, ốm đau, thì cha giúp lo hết dạ, phải cho thì cho đại, áo quần của cha cũng thí, có phải khiêng đỡ ẳm bồng, cha cũng chẳng nệ, thúi tha chẳng kể. Nói tắt là cha kế kẻ bần khổ, bịnh hoạn là bậu bạn của cha, là phần thân thể Chúa Giêsu. Muốn kể cho hết các truyện cha thương giúp, thì kể không hết, những kẻ còn sống bây giờ, còn nhớ những việc yêu người của cha, họ nào cha ở đều có hết.

Xét theo việc bề ngoài, thì cha cũng là thầy cả, mặc xác phàm như ta, công đức cha có một mình Chúa biết. Cúi xin Chúa trả công cho cha theo lời Chúa hứa: “Ai đong đi lường nào, thì đặng trả lại lường ấy”. Đó là lời cha quen nói và cách cha quen làm.

“Tôi không tài, cũng không đức; không khoa ngôn ngữ, mà giảng dạy ai, không làm phép lạ như các thánh mà cứu ai, tôi có một sự, là làm tôi thiên hạ, thí thân, thí của tôi và các của tôi ăn mày ăn xin cho hết ráo.”

Còn đều sau hết nầy là Chúa thương cho, đã cất gánh nặng cho cha. Chúa để cha bịnh hoạn về tây  trở trăn một chỗ, hầu có giở dọn mình chết. Mười một năm sau hết nầy, cha phải hằng nghe Chúa phán: “Martha, Martha bồn chồn quá làm chi...” Hoặc lời khác: “Bay hãy đi nơi tịch mạc, nghỉ ngơi một ít”, âu Chúa sợ cha trồng nhiều mà không tưới, thì Chúa cho thì giờ mà cầu nguyện; ơn Chúa xuống trên các việc cha đã làm cho nó sinh bông trái.

Chúng tôi hết thảy trông mong đặng phước như cha, là đặng dứt bỏ các công việc rộn ràng trước khi giờ chết đến, hầu đáng Chúa mời: “Hỡi những kẻ lao lực, gánh gồng, hết thảy hãy đến cùng Tao, Tao an ủi cùng bổ sức lại cho bay”, đời nầy và đời sau muôn kiếp.

Paul Xuân.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1932

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét