ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Địa sở Phan Thiết

 

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ PHAN THIẾT (tiếp theo)

-----------------

Họ Phan Thành

-----------------

Ở tại Kim Ngọc đi theo đàng quan lộ cách chừng 12 ngàn thước, khỏi núi Tà Vông một đỗi, thì thấy có một nhà thờ nhỏ, xung quanh có tre làm hàng rào và nhiều cây xoài cao lớn; gần lối đó thì là những nhà lá nghèo nàn người có đạo ở, chuyên bề ruộng nương mà làm ăn, ruộng thì không tốt vì đất cao hay khô hạn, lại là chổ trộm cướp vãng lai, cho nên ai cũng đều nghèo. Nơi ấy là họ Phan Thành, khi ban đầu mới lập thì đã đặng sum lắm, mà sau thì lần lần tan hoang gần hết.

Chính mình cha Ẩn đã lập họ nầy, vì thấy là nơi cao ráo, lại ở giữa chặng đường từ Kim Ngọc qua Sông Lũy, có một con sông nhỏ chảy ngang, nên cha đã khẩn đất ấy cùng lập làng.

Đó là hồi nhà nước sai quan Đốc phủ Nghiêm ra tại Phan Thiết lo cho bình dân, là lúc ngụy Văn thân đã phải tan rồi, và người ngoại đem nhau xin vô đạo cả đoàn. Cha Ẩn đã lo cho những đạo mới khai vở đất rừng hoang tại Phan Thành mà làm ruộng, và đã lập nên một làng dân cư thảy đều có đạo, số tới 300 linh hồn, công việc coi mòi sẽ được thạnh lắm.

Song tiếc thay! Bỡi hễ vội phát thì mau tàn, họ Phan Thành cùng một thế ấy, ví như cây lớn lên mau quá, thì chống sao cho lại dông gió mạnh, cùng chịu sao cho nổi yếng nóng nảy mặt trời: những đạo mới ấy phần nhiều không phải bỡi đức tin soi sáng mà xin theo đạo, lại cũng không có ai dạy dỗ cho đủ lẽ đạo; các cha khi ấy mắc lo việc lập thêm họ mới luôn, vì đâu đó đều có người ta xin vô đạo; phần thì không có thầy mà dạy cho hết. Nên sau lần lần nhiều kẻ ngã lòng, phần thấy đất rừng mới khai vỡ mùa màng không khá, lại thú ở rừng hoang hay phá hoại hoài, cho nên rủ nhau bỏ Phan Thành mà đi, hoặc qua Rạng hay là Tầm Hưng cho dễ bề làm ăn hơn. Lần lần dân cư làng nầy bớt số thì quân trộm cướp được thế hành hung, cho nên những kẻ muốn ở an lập nghiệp tại đó phải sợ mà rút đi nữa, sau hết thì tại Phan Thành còn có năm sáu nhà nghèo ký ngụ mà thôi.

Đây cũng nên nhắc lại cả Có, hồi họ nầy mới lập thì các cha đặt người đứng đầu mà xem sóc các việc, người đã đặng oai quyền hung, dân nội làng thảy đều sợ và kêu là ông vua Phan Thành. Song bỡi người cầm quyền thể cách chẳng nên, hiếp đáp dân tình và tham lam, nên cớ cho nhiều đạo mới buôn ý ngã lòng. Cho nên sau đó thì các cha không còn tin cậy nữa, thì người lại lo với các quan đặng mà giữ chức ông cả trong làng, cùng làm ra nhiều gương xấu, đạo thì không bỏ song không còn đọc kinh đi xem lễ; lại dự những đám giỗ chạp của người ngoại làm, và cấm ngăn vợ con không cho đi xưng tội rước lễ. Song phép công bình Chúa báo ứng nhãn tiền, vì ít lâu đó người bị cả Đông là vua Sông Lũy kiện thua mà phải thất và tổn phí hết bạc tiền, thêm mùa màng suy vi dồn dập, lại bị trộm cướp phá hại, làm cho người phải tồi bại nghèo khổ, nợ nần tứ giăng, không còn ai coi là gì nữa!. Chừng hết nước mới biết suy lại mà trách mình ăn năn, cùng chạy đến các cha mà xin trở lại, hầu xin nhờ giúp bơ chút đỉnh phần xác.

Trong năm 1911 thì tại Phan Thành còn chừng 30 người bổn đạo và 50 người bỏ đạo. Thảy đều nghèo, về phần xác và phần hồn; khi hỏi về lẽ đạo thì biết rõ không có ai thông hiểu bao nhiêu. Hễ chừng có cha ở Kim Ngọc tới viếng và làm lễ, thì bổn đạo mới tới nhà thờ, còn thường xuyên thì Chúa nhựt Lễ cả ai nấy đều gia bất biết. Khi tĩnh Bình Thuận giao về Địa Phận Saigon, thì những bổn đạo tại Phan Thành không còn muốn đi xưng tội rước lễ nữa, vì lấy lẽ rằng: Chúng tôi biết Kinh lễ đạo theo Địa phận Bình Định mà thôi, chớ không biết của địa phận Saigon. Nhưng sau rồi các kẻ ấy mới chịu biết là có một đạo chính và một Đ C T mà thôi, nên mới là đi xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh, dân dã cáo thối như vậy trong bốn năm chẳn.

Còn những người đã bỏ đạo thì khó mà an ủi cho họ trở lại, như một bà già kia cha hỏi sao không muốn trở lại thì nói rằng: Bẩm cha, cả Có đã giựt hết ruộng đất và trâu của tôi, nên như cha có trả lại được thì tôi sẽ trở lại. Một người khác lại nói thế nầy: Hồi tôi theo đạo đó là theo phe đông, bây giờ họ bỏ hết thì tôi cũng vậy!. Cho nên thật là khó bề lo cho họ Phan Thành đặng sum vầy như xưa, vì gốc giữ đạo là cho đặng nhờ phần xác cùng là theo phe đông mà thôi, chớ chẳng phải bỡi đức tin soi sáng chỉ dẫn, lại dốt nát về lẽ đạo quá vì không có nghe dạy dỗ cho đủ. Trông cậy Chúa đoái lại thương xem, xuống ơn mở lòng cho những kẻ ấy đặng rõ, mình đã nhờ dịp tốt mà đã gặp đặng Đàng chính là đạo thánh Chúa, thì nay cũng phải trở về Đàng ấy, hầu cho đặng phần phước vô cùng.

---------------

Họ Cù Mi

---------------

Vốn cha Archimbaud với cha Bảy về địa phận Qui Nhơn đã định lập họ Cù Mi lối trong năm 1891, mà thật sự là chính mình cha Bảy đã lo lắng gầy dựng nên họ nầy.

Khi ấy có một người bổn đạo ở tĩnh Quảng Bình tên là Minh đã bỏ đạo mà đến ở tại Cù Mi lâu năm, cho đến chừng người nghe nói thiên hạ ở xung quanh miền Phan Thiết đem nhau xin vô đạo nhiều, thì người đi đến cùng cha Bảy mà thưa cho cha hay về địa thế tại Cù Mi dễ bề lập họ, lại cũng có vài chủ có đạo tới đó rồi.

Vậy cha Archimbaud và cha Bảy đã thân hành đến tại Cù Mi là nơi đồng trống cỏ hoang, như có khai phá cho thành ruộng rẫy thì cũng dễ bề ở ăn lập nghiệp, cho nên hai cha nhứt định lập họ.

Cách ít lâu đó thì cha Bảy đã đem hơn mươi người bổn đạo gốc ở Bình Định và Phú Yên đã trốn lánh trong cơn bắt bớ, tới tại Cù Mi. Những kẻ nầy đến đó không có đem theo vật gì, hai tay không mà thôi, mà đến sau đã làm ăn tấn phát, dư giả khá, cùng làm quới chức tại họ, tên mấy người này là ông trùm Kê, biện Minh, biện Cậy, biện Bộ và hai anh em biện Lục, biện Đôn và biện Lai; biện Lai hồi đó là học trò ở giúp cha Bảy. Vậy họ Cù Mi lần lần đã đặng tăng số, trong có vài năm là khi cha Bảy coi họ nầy, số bổn đạo đã gần được 100 người.

Cha Bảy coi họ Cù Mi trong chừng 2 năm, kế cha Sanh đổi lại và ở được có 6 tháng. Đoạn cha Boisin làm cha sở họ nầy, cha lo cất nhà thờ còn lại bây giờ, mà ban đầu thì lợp lá mà thôi, cha cũng lo cất nhà cha sở cho tử tế, lập họ Cù Mi cho thành một họ chánh, hầu dễ bề cho bổn đạo ở xung quanh tựu hội mà đọc kinh xem lễ. Cha Boivin ở tại Cù Mi cũng trong chừng 2 năm, là từ năm 1897 tới năm 1899,

Trong năm 1899, Cù Mi nhập về địa phận Saigon, thì cha Sao coi họ nầy, bổn đạo trong họ còn thương nhớ cha Sao lắm, vì trong bốn năm cha coi họ Cù Mi thì cha hết lòng thương yêu dạy dỗ cho ai nấy đặng thông hiểu lẽ đạo vững vàng, cùng lo làm nhà thờ cho rồi, trên lợp lại bằng ngói.

Chừng cha Sao đổi, thì cha Lộc (P. Guéguend) coi họ Cù Mi, cha lo lập trường rước thầy dạy đồng nhi học kinh phần lẽ đạo. Cha cũng lo lập họ La Gi, mà bỡi một mình cha lo không xiết, phần xa xuôi quá nên Đức Cha cho cha Keller tới phụ giúp, cha Keller giúp đặng 3 năm kế cha khác đổi lại.

Bỡi nhờ sự cha Guéguend lập trường và rước thầy Dòng Cái Nhum tới giúp dạy đồng nhi và chầu nhưng đạo mới, cho nên việc mở mang đạo đặng mau thạnh. Lại nhờ bổn đạo trong họ có lòng kính mến Đ C Bà lắm, nhà thờ họ kính dưng Đức Mẹ làm bổn mạng; trong tháng Đ C Bà mỗi ngày thiên hạ tựu đến mà làm việc Đ C Bà đông đắn như ngày Chúa nhựt Lễ cả vậy. Trừ ra một ít người biếng nhác, vì bỡi ban sơ không có ai dạy dỗ lẽ đạo cho thấm, chớ nói được là giáo hữu họ Cù Mi giữ luật điều Hội thánh hẳn hòi, siêng năng xưng tội rước lễ, đạo hạnh chín chắn.

Mấy kẻ đến ở trước hết tại Cù Mi như đã nói trên, thì đứng bộ ruộng đất trong họ, mấy người tới sau cũng đặng chia cho mỗi người một hai phần mà làm ăn lập nghiệp, song không được phép bán cho ai, nếu không con cháu kế hậu thì ruộng đất phải giao lại cho nhà thờ.

Nguyện xin Đ C Bà Maria chẳng hề mắc tội tổ tông hằng xuống ơn bàu chữa cho họ Cù Mi càng thới thạnh, hầu thêm sáng danh Con Đức Mẹ.

----------------

Họ Cù Mi Cữa

----------------

Nhiều người ngoại ở Cù Mi Cữa thấy bổn đạo Cù Mi họ nhờ cha Bảy lo lắng cho được thành các việc, nên đã xin cha mà theo đạo, cùng lập nên một họ được bảy tám mươi bổn đạo, mà những kẻ ấy vô đạo mau quá không có học hành lẽ đạo cho đủ, nên không đặng vững bền. Khi cha Sao coi họ Cù Mi thì tại Cù Mi Cữa cũng còn bổn đạo nhiều, mà cách 2 năm sau, làng bắt những kẻ nầy phải lo việc đi trạm, nên phần nhiều đã bỏ mà đi nơi khác, cho khỏi việc cực nhọc nặng nề, cha Sao khuyên bảo thể nào họ cũng không vững, cho nên thì còn lại chừng vài ba mươi bổn đạo mà thôi, và không được sốt sắng bao nhiêu.

Đến sau có thầy tới ở dạy thì coi muốn khá lại, mà chừng thầy thôi ở thì ai nấy cũng lạt lẽo bề đạo hạnh như trước.

Bổn đạo họ nầy thảy đều nghèo, trừ ra ông Câu khá một chút mà thôi, khi ấy có nhà thờ lá nhỏ mà cũng đã hư, phần trong họ không có huê lợi chi hết.

Trông cậy Chúa dủ lòng thương xót họ nầy, mà khai quang cho nhiều ngoại giáo ở xung quanh đặng nhìn biết Chúa mà xin vào sổ làm con cái Chúa cho đông, cho danh Chúa cả sáng, nước Chúa trị đến hơn nữa.

--------------

Họ La Gi

--------------

Cha Ẩn đã lập họ La Gi trong năm 1894 - 1895, là hồi cha Archimbaud cai Địa sở Phan Thiết. Khi cha Ẩn lập họ Cù Mi, thì cha xin khẩn đất tại xóm Hộ thầy Lân thuộc về làng Thắng Hai, mà ở xa làng nầy chừng 6 ngàn thước, cùng lập nên họ ấy.

Tại La Gi, cha Ẩn cũng làm một cách như vậy, là cha xin khẩn đất tại xóm Liên Trì, nơi bờ tả sông Dinh, xóm nầy thuộc về làng Tam Tân, mà cách xa làng ấy lối mười ngàn thước, Cha Ẩn xin khẩn xóm ấy rồi cha cất nhà thờ, và năm sau thì lập nên làng riêng tên là Tân Lý.

Cha đem hai gia thất có đạo tại Kim Ngọc qua ở La Gi, còn tại đây thì có hai nhà có đạo gốc ở Quảng Bình tới ở đó trước, và có năm nhà ngoại xin vô đạo đặng giữ đất ruộng của mình đã khai phá, còn nhiều người không muốn vô đạo sợ ở đó khó lòng nên đã rút qua ở phía bờ sông bên kia.

Năm sau cha Ẩn đem năm nhà đạo mới ở Vang Kê (Kê Gà) qua La Gi mà lập nghiệp; họ Vang Kê ban đầu thì thạnh phát lắm, số chầu nhưng hơn 250, mà bỡi đã xảy ra việc hương thức làng kiện thưa hương thức trong họ, nên cớ cho phần nhiều chầu nhưng đạo mới ngã lòng thối chí, cha Ẩn muốn cho mấy nhà ấy khỏi theo gương, nên đã dắc qua La Gi mà ở.

Cha cũng dạy khai phá mấy miếng ruộng khi trước mà đã bỏ hoang cỏ đế mọc đầy cùng lo gieo trồng lại, hai năm đầu thì trúng mùa khá lắm. Song đến chừng cha Ẩn đổi đi thì bổn đạo không muốn làm ruộng nữa, bắt qua nghề đi buôn cây, việc nầy có lợi hơn nhiều, vì hồi đó những cây ngoài Annam (Trung kỳ) chở vô Nam Kỳ mà bán thì thuế vụ được miễn hết. Lại một cớ khác làm cho bổn đạo bỏ nghiệp ruộng nương, vì cách ba năm lập họ nầy, thì nhà nước bắt dân trong làng phải lo việc đi trạm, là việc cực nhọc lắm, phần số dân trong làng không bao nhiêu, cho nên ai nấy chịu không nổi. Khi ấy những bộ hành ở Saigon ra Phan Thiết, thì đi bộ theo đàng quan lộ Bà Rịa ra Xuyên Mộc, Cù Mi, La Gi, những thùng đồ gởi cho nhà thờ, những ghế bàn của các viên quan, thì mấy người đi trạm phải khiêng vác hết. Lúc đó nhà nước lo dò xét đặng làm đường xe lửa Saigon Phan Thiết cùng lập tĩnh Djiring cho nên thì có việc luôn, trạm phải vô ra từ Phan Thiết-Saigon luôn. Việc nhọc nhằn nầy đã làm cho nhiều người phải chết, và nhơn dân không còn rảnh rang mà làm việc gì khác đặng, vì có khi đi chuyến nầy về mới tới nhà, kế có việc phải đi chuyến khác nữa. Cho nên ai nấy đều kêu rên lắm, và phần nhiều đạo ngoại bỏ La Gi mà đi ở làng khác cho khỏi việc trạm, nhiều kẻ lại vô trong rừng mà ở.

Cho nên năm 1903, là khi cha Lộc (P. Guéguend) nhậm họ La Gi thì số bổn đạo còn chừng 50 người mà thôi.

Ban đầu cha Ẩn có cất một nhà thờ gần mé sông nơi động cát, mà chỗ nầy không thông khí, độc địa, nên cha đã dời vô phía trong gần rừng, là chỗ cất nhà thờ bây giờ.

Họ nầy từ khi mới lập cho tới năm 1909 thì không có cha ở thường, thuộc họ chánh là Cù Mi cha sở ở tại đó mà thôi.

Cha Ẩn coi sóc mấy họ mới nầy đặng hai năm rồi đổi, bổn đạo thương mến cha và hằng nhắc nhở cha luôn. Khi ấy quan Đốc phủ Nghiêm ở tại Phan Thiết, cũng nhờ ngài mà cha dễ bề lập mấy họ ấy.

Cha Thiên là cháu cha Ẩn coi mấy họ nầy ít lâu, kế cha Boivin đổi lại coi các họ ấy trong hai năm. Chừng giao lại cho địa phận Nam Kỳ thì cha Sao ở tại Cù Mi cùng coi họ La Gi và Cù Mi cữa. Cha Sao muốn cho bổn đạo La Gi lo nghiệp ruộng nương lại, song làm thử hai lần mà không khá cho nên bỏ qua.

Cho tới năm 1909 thì cha Lộc (P. Guéguend) về ở tại họ La Gi, thì mới lo nghề ruộng lại được, và nhiều bổn đạo đã tránh việc trạm mà bỏ đi, rày trở về lần lần, vì việc ấy Nhà nước đã giao cho làng khác.

Cho nên theo số mấy năm sau thì số bổn đạo tới 200, và số chầu nhưng hơn 30, nay các kẻ ấy đã chịu phép rửa tội rồi.

Bổn đạo họ nầy thảy đều tốt, phần nhiều đã học lẽ đạo khá, cha Lộc cũng đã lập trường dạy đồng nhi trong họ.

Nhà thờ trước thì nhỏ chật hẹp và không được tốt, nên cha Lộc đã lo làm nhà thờ mới cho rộng rãi và tốt hơn, song kế cha đổi đi, thì cha Lễ về đây đã lo làm cho hoàn thành là trong năm 1918, và ngày 12 Decembre năm ấy Đức Cha Quinton đã làm phép nhà thờ nầy trọng thể cùng đặt bổn mạng là ông thánh Giude.

Cha Lễ coi họ La Gi từ ấy cho đến rày.

Hồi cha Lộc ở tại La Gi, thì cha có lo lập họ Tân Hoàng mà việc không đặng thạnh, vì làng lân cận đó ganh gỗ làng cha mới lập nên kiếm chuyện rầy rà hoài, lại mấy quan annam sợ cha soán đất đai lần lần mà mất phần huê lợi cho nên cùng một lòng với làng Tam Tân mà hiếp đáp kẻ có đạo, cùng cấm không cho con trẻ đi học trường cha đã lập.

Dầu vậy tại Tân Hoàng cũng còn người có đạo ở và cũng có chầu nhưng, cha đã rửa tội đặng cho ba người khi gần chết và làm phước cho hai người có đạo mà đã bỏ, đặng trở lại trước khi qua đời.

---------------------

ĐỊA SỞ PHAN THIẾT

Những họ về phía Bắc.

Miền Phan Rý có năm họ như kể ra đây: Họ Phan Rý, họ Ma Ó, họ Đồng Mới, họ Hòa Lương và họ Sông Lũy. Đây nói qua trước về họ Phan Rý.

--------------

Họ Phan Rý

Lối năm 1895, có lụt dấy tràn ngập miền phía Bắc nước Annam, làm cho nhơn dân phải đồ thán cơ nghèo, cho nên nhiều kẻ phải bỏ xứ mà đi kiếm chốn khác làm ăn, trong số ấy có nhiều gia thất có đạo chuyên nghề hạ bạc tại tĩnh Quảng Bình và Nghệ An, đem nhau đến ở tại Phan Rý thuộc về tĩnh Bình Thuận. Dựng nhà cữa phía bờ tả gần vàm sông Lũy, là vàm nước đổ ra biển. Những người ấy đã biết trước chỗ nầy, vì đã có ra vô Phan Rý và Phan Thiết, lại thường hễ tới mùa xuân thì những thuyền chài lưới miệt phía Bắc hay đến đây mà lưới cá vô số để dùng làm nước mắm,.

Trong một thơ của Đức Cha Bennetat lối năm 1748 - 1749 có ghi lại, nói hồi đó đã có một nhà thờ tại Hà Bắc, phía thân trên cữa Phan Rý, bên bờ hữu sông ấy. Chỗ kêu Hà Bắc bây giờ là Hà Bô, thì không còn dấu gì có đạo lưu lại. Cho nên họ Phan Rý chắc không phải là gốc bỡi đó, song là bỡi những bổn đạo ở Quảng Bình và Nghệ An đã tới mà ở như nói trên.

Hồi đó tĩnh Bình Thuận còn thuộc về địa phận Bình Định và Đức cha Van Camelbeck cai trị địa phận, còn cha cai Địa sở Phan Thiết là cha Archimbaud, mấy họ nhỏ thuộc về miền Phan Rý thì có cha Ẩn kêu là cha Bảy coi sóc.

Cho tới năm 1899 là khi cha Durand đổi lại thế cho cha Ẩn, thì họ Phan Rý không khá gì, bỡi lâu ngày mới có cha tới viếng một lần. Mà khi cha Durand tới thì người hết lòng lo lắng, qui tựu bổn đạo số tới 150 hiệp lại một nơi cùng lo cất nhà thờ cho có chỗ bổn đạo đọc kinh xem lễ. - Cha lo hết sức mà bỡi làng xóm ngoại ganh ghét có đạo, cho nên thật là khó bề. Dầu vậy sau hết cha đã mua đặng 2 cái nhà nơi bờ tả sông Lũy tại làng Hai Tân, một cái sửa lại làm nhà thờ, một cái để cho cha ở khi đến viếng họ.

Qua năm 1903 cha Thiên đổi lại thế cho cha Durand. Những người ngoại ở làng Hai Tân thấy bổn đạo ở lân cận mình thì lấy làm khó chịu, vì bổn đạo không theo các sự dị đoan cúng quảy, nên sinh cớ rầy rà luôn.

Bổn đạo thấy sự bất hòa, phần nơi đây đất đai không có bao nhiêu, nên phần nhiều đã bỏ mà qua ở phía bờ hữu sống trong làng Thanh Hải, cho nên cách ít lâu đó thì đã bán hai cái nhà của cha Durand mua tại Hai Tân, là năm 1905.

Tới năm 1907, tĩnh Bình Thuận giao về Địa phận Saigon, thì Đức cha Mossard đã sai cha Bổn ra coi mấy họ miền Phan Rý, là tháng Octobre trong năm ấy.

Cha Bổn hết lòng lo lắng cho bổn đạo đặng nên sốt sắng, và lo cho trong họ cất một nhà thờ bằng lá gần bờ sông, mà bỡi nơi đây không đặng khô ráo, hồ nước rộng lớn thì nhà thờ phải ngập.

Qua năm 1908, cha Đavít (P. David) đổi lại thế cho cha Bổn, thì cha lo kiếm chỗ khác mà cất nhà thờ, vì không lẽ để nơi ấy nước ngập hoài. Nhưng kiếm đất mấy chỗ khác thì lại phải làng xóm ngoại tranh cản không chịu, cho nên thật là khó liệu.

Trong lúc ấy là tháng Décembre 1908 xảy ra một việc là người ngoại đã đốt hơn bảy tám mươi cái nhà của những thợ chài lưới tại đó, có 30 nhà có đạo cũng bị cháy; nhà nước tra xét thấy bỡi cớ lương giáo bất thuận mà sinh ra sự oán hận như vậy, nên mới dạy mấy thợ chài lưới phải ở riêng ra, cho một khoản đất chừng một mẫu ở phía trên cữa Phan Rý, đất ấy thuộc về làng Ký Xuyên. Dầu mà không đặng như ý ước ao, là địa thế cho rộng rãi hơn, song cha Đavít trông cậy sau sẽ mở mang được, nên đã dạy bổn đạo phải dời nhà thờ về đó, cũng mua một nhà khác làm trường học, và bổn đạo về ở trong vài tuần số tới trăm người.

Tưởng là bổn đạo về đây ở an được, té ra cơn gian nan cũng còn chưa dứt. Vì ai nấy cất nhà cữa chưa đầy 3 tháng, kế bịnh rét độc xảy tới lây hại, làm cho mỗi người phải đau, kẻ nhiều người ít, không một ai khỏi; rước quan thầy thuốc đến coi thì không hiểu là bỡi cớ gì. Thầy giảng đang dạy tại họ đau phải đi nghi tại Ma Ó, và không đầy trong ba tuần có 15 người phải chết. Nhà nước thấy việc thảm não như vậy nên mở lòng thương mà cho cha Đavít một chỗ đất khác.

Cho nên trong tháng Juin 1909 cha đã dạy dời nhà thờ, trường học qua chỗ đất mới, tại làng Thủy Tựu, phía tây gần cữa Phan Rý.

Từ tháng Juillet 1910 thì cha Đavít đã ở tại Phan Rý như chánh sở. Cha đã cất một nhà cha sở xứng tiện, và lo cất nhà thờ ngói thế cho nhà thờ lá đã gần hư sập. Bổn đạo họ nầy thảy làm nghệ hạ bạc (chài lưới), khi cha Đavít ở đây thì cha làm hết sức cho ai nấy đặng chín chuyên việc đạo, song phần nhiều hay lấy lẽ thường mà chữa mình kiếu lỗi, là: Mắc đi biển đi đọc kinh xem lễ không đặng. – Trông cậy Chúa là chủ mọi lòng, ban ơn cho những bổn đạo nầy, không phải là cứng cỏi, song là bỡi mắc lo lắng cho phần xác thới quá mà bê trễ việc phần hồn. đặng trở nên sốt sắng giữ đạo thánh Chúa, hầu cho danh Chúa cả sáng hơn nữa.

Bây giờ thì cha Vêrô Ngôn đang coi họ Phan Rý và mấy họ nhỏ thuộc về miền nầy.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1922

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét