Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Họ Chí Hoà

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ Đ. C. BÀ MÔI KHÔI TẠI CHÍ HÒA

-----------------

Độ chừng năm Chúa giáng sinh 1760, có một ít người có đạo ngoài Huế vào Gia Định Saigon, mà kiếm nghề làm ăn. Mấy người ấy làm nghề rẫy bái, đã gặp chỗ trong Chí Hòa, làng Tân Sơn nhứt có bề thế dễ làm ăn, thì đã xin khẩn vài ba mẫu đất, mà ở tại đó.

Lúc ấy Đức thầy Vêrô ở Gia Định Saigon với vua Gialong, đang lo sắm sửa binh khí, mà thảo trừ quân Tây Sơn. Bữa kia Đức thầy Vêrô đi dạo chơi tới Chí Hòa, gặp được một ít nhà có đạo ở đó, thì mầng lắm; mà bổn đạo gặp được cha cả, thì càng mầng hơn nữa bội phần. Vậy bổn đạo lạy Đức Cha, xin cất một cái nhà vuông làm nhà thờ tạm, đặng một hai khi Đức Cha cho một cha nào vào làm lễ cùng làm phước cho mình. Đức Cha liền ưng chịu, cùng nói mình rảnh việc, cũng sẽ vô thăm viếng bổn đạo nữa. Vậy bổn đạo đã lo cất một cái nhà, cho Đức Cha vào nghỉ mát. Đến sau Đức Cha thấy nơi ấy vắng vẻ, khí thanh mát mẻ, thì năng vào ở đó với bổn đạo, lại ý Người muốn gởi thân mình tại đó, cho nên đã xin chủ đất để lại cho mình một ít cao, đặng sau mà mai táng xác mình. Bổn đạo nghe vậy, thì mầng lắm, liền dưng cho Đức Cha một ít cao đất, Đức Cha dạy trồng cây vông đồng, mà nơi đó là chính chỗ sẽ mai táng xác mình; lại dạy trồng nhiều cây xoài xung quanh; những loài ấy cao lớn còn đó cho đến rày. Khi Đức Cha vào nghỉ mát, cũng đem một ít bổn đạo theo mình, mà coi nhà, cùng lo làm vườn trồng xoài mít, lại cũng có nhiều kẻ khác cũng theo vô đó làm rẫy, cho nên lần lần thành ra một họ nhỏ. Khi Đức Cha đã tạ thế tại Qui Nhơn, vua Gia Long cứ theo lời Đức Cha trối lại, thì đã lo đem xác người về Saigon, cùng chôn cất trọng thể lắm, như đã thuật lại trong sử ký. Vậy đã mai táng xác Đức thầy Vêrô tại Chí Hòa, chính nơi cây vông đồng, theo lời Người đã dạy. Vua Gialong muốn đền ơn trả nghĩa cho Đức thầy, thì đã dạy xây một cái lăng cao lớn, xinh tốt xứng đáng, lại cấp 50 quân canh giữ phần mộ Đức thầy đêm ngày, cũng có nhiều người mọi vua dạy ở đó mà làm cỏ cùng giữ lăng ấy cho sạch sẽ. Những người ấy sau đã chịu đạo, cùng lo đôi bạn làm rẫy bái tại đó luôn. .

Từ đó không còn kêu họ Chí Hòa, một kêu là họ Lăng Cha cả.

Nhưng mà khi Minh Mạng là con thứ vua Gia Long lên ngôi cai trị, thì đã bắt bớ đạo thánh; bổn đạo các họ gần Gia Định Saigon chạy vào Lăng Cha cả mà ẩn mình, vì là nơi còn rừng rú vắng vẻ, lại vì ngờ rằng: Kẻ ngoại sẽ kiêng Lăng Cha cả, mà để bổn đạo bình yên. Khi ấy có cha Bề trên Thán, cha Tùng, cha Lợi, ở An Nhơn, Chợ Quán năng vào làm phước cho bổn đạo, và sau có cha Nhơn coi sóc họ ấy, cùng đã qua đời chôn tại đó nữa. Mồ người còn đó cho đến rày.

Song le đến đời Tự Đức cai trị nước Annam, thì đã bắt bớ đạo thánh hơn các đời tiên vương khác; vua đã dạy triệt hạ thánh đàng, cùng phân sáp bổn đạo từ tán đôi nơi. Vậy nhà thờ họ Lăng Cha cả cũng phải triệt hạ, bổn đạo phải trốn tránh rút vào rừng buội hiểm hóc.

Đến chừng nước Phalangsa qua chiếm cứ Saigon và Nam Kỳ Lục tĩnh, thì bổn đạo mới được thong thả mà giữ đạo, cho nên ai nấy lo về họ cũ mình, lại những người ở họ Lăng cũng ra Saigon mà kiếm thế làm thuê làm mướn; vì vậy họ Lăng càng ngày càng bớt số bổn đạo, cho nên Bề trên định họ Lăng sáp nhập về họ Tân Định. Đã cất một nhà thờ lá cho bổn đạo tựu lại đọc kinh chung, và một tháng có cha ngoài Tân Định vào làm lễ, làm phước cho kẻ già cả, cùng dạy đồng nhi; đến sau có cho hai Dì Phước Chợ Quán vào dạy đồng nhi ở đó.

Khi cha Ngôn (P. Louvet) làm cha sở họ Tân Định, thì đã cất một cái nhà thờ ngói, gọi là nhà thờ Đ C Bà Môi Khôi, ý người muốn gởi thân mình tại đó. Song khi cha nầy qua đời, thì nhà thờ người cất gần hư sập, thì chẳng chôn xác người tại đó, một chôn với các cha khác tại Lăng Cha cả.

Vậy họ Chí Hòa, họ Lăng đã có từ đời Đức Cha Vêrô, Đức Cha Thể, Đức Cha Ngãi, Đức Cha Gioang, Đức Cha Mỹ, Đức Cha Để, cho đến Đức Cha Mão đang cai trị địa phận bây giờ

Và khi Đức Cha Mão lên quờn giám mục, lòng người ước ao kiếm một nơi vắng vẻ khí thanh, mà cất nhà cho những cha bổn quốc dưỡng lão cho đến chết. Thời may Chúa mở lòng cho ông Lê phát Đạt (quan huyện Sĩ) dưng một sở đất tại Chí Hòa hơn 480 mẫu, đặng cất nhà cho các cha bổn quốc, hoặc già cả, hoặc yếu đuối giúp việc Hội thánh không được nữa, mà nghỉ ngơi, rảnh mọi việc bề ngoài, chỉ lo dọn mình mà chết lành, Đức Cha Mão liền lo cất một cái nhà lầu cao lớn chắc chắn đủ cho năm sáu cha dưỡng lão, lại cất một cái nhà thờ cũng cao lớn đồ sộ tốt lành đứng giữa đồng trống, gọi là nhà thờ Đ C Bà Môi Khôi. Chính mình Đức Cha chịu cực khổ năng ra vào mà lo cất hai nhà ấy cho hoàn thành, cùng đã làm phép nhà thờ năm 1902. Từ ấy bổn đạo họ Lăng nhập về họ Đ C Bà Môi Khôi, và nhà thờ họ Lăng dở đi; đất nhà thờ ấy thì để cho họ Tân Định làm đất thánh mình.

Vậy khi đã cất nhà thờ xong rồi, thì Đức Cha đặt cha Vêrô Lý làm cha ở coi họ ấy, cùng nhà các cha dưỡng lão một ít năm. Cha nầy đã chịu cực khổ nhiều lắm, mà giúp Đức Cha cất hai nhà lớn ấy, cùng lo trồng tre, xoài mít, và nhiều thứ cây khác; xưa là một đồng trống gò nổng mật cật, mà rày nên một cái vườn gần đủ các thứ cây sinh lợi cho nhà chung. Khi cha Vêrô Lý coi sóc họ Môi Khôi một ít năm, rồi Đức Cha đổi cha Quang (P. Clair) sai coi họ ấy, cùng nhà các cha dưỡng lão, Cha nầy không được mạnh mấy, Đức cha trông cậy khí thanh mát mẻ tại Chí Hoà họa may giúp người được thuyên bịnh, mà giúp việc Hội thánh. Nhưng mà bịnh cha nầy khó lành cho dứt đặng, người cũng làm việc được một ít năm, kế người xán bịnh nặng mà qua đời, nhằm ngày 28 Février năm 1910.

Khi cha Quang mất khỏi một tháng, thì Đức Cha đã định cho cha Phaolồ Qui, là cha sở họ Bà Chiểu Gia Định làm cha sở họ Chí Hòa, cùng coi sóc nhà các cha dưỡng lão.

Khi cha Vêrô Lý coi họ Đ C Bà Môi Khôi Chí Hòa, thì số bổn đạo chừng 160; năm cha Quang qua đời 1910, thì số bổn đạo được 270, đến năm 1911 số bổn đạo được 315. Vã số bổn đạo đặng thêm như vậy, là vì nhiều kẻ ở Tân Định, hoặc ở Chợ Đũi vào Chí Hòa mà nương ngụ làm rẫy, làm ruộng kiếm ăn.

Vã bổn đạo thuở trước có lẽ tưởng sốt sắng siêng năng làm việc thờ phượng Chúa, vì có các cha năng viếng thăm, lại sau có cha Nhơn ở coi sóc họ ấy nữa. Thuở cấm kín nhà ông trùm Cẩn là nơi bổn đạo quen tựu lại xem lễ đọc kinh. Song đến sau bỡi bổn đạo ấy ít gặp các cha các thầy, cho nên đã đã ra nguội lạnh trễ nải, cùng rối vợ chồng. Mà từ ngày có cha sở ở liên viễn coi sóc họ ấy, thì bổn đạo cũng ngày càng nên sốt sắng, đã gỡ nhiều đôi rối rắm. Có trường dạy đồng nhi nam nữ.

Bằng xét theo sự bề ngoài, thì họ Đ C Bà Môi khôi có nhiều cổ tích đời trước và đời sau làm cho họ ấy được danh tiếng.

Trước hết có Lăng Cha cả Đức thầy Vêrô nên cổ tích rất trọng, chẳng những về phần đạo, mà lại về phần đời nữa. Lăng ấy làm chứng cho các người ngoại giáo cùng kẻ vô đạo, các thầy đạo Thiên Chúa chẳng đến đây mà cướp nước Annam, như làm tiền sứ hậu binh đâu, song khi có thể đặng, thì tận tâm tận lực mà phò vua vực nước, lo cho nhà nước được thơ thới thạnh trị, như thấy được trong Sử Ký Nam Việt quốc triều nói về sự Đức thầy Vêrô cùng các cha và bổn đạo lo giúp vua Gia Long khử trừ quân Tây Sơn, mà phục quốc lại. Mà hẳn thật Nhà Nguyễn từ vua Gia Long đặng vỗ trị nước Annam lâu năm, là tại nhờ công nghiệp Đức thầy Vêrô cùng bổn đạo mà chớ. Bằng về sự nước Phalangsa đã chiếm cứ nước Annam, là tại vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị cùng Tự Đức đã bắt bớ đạo Thiên Chúa mà ra.

Sau Lăng Cha cả, thì có cổ tích tháp nhỏ dựng bên đàng đi Thuận Kiều, nhắc lại một trận cả thể binh nước Phalangsa đánh cùng ông Nguyễn tri Phương tại đồn Chí Hòa, như thuật lại trong Sử Ký.

Lại nữa gần nhà thờ có đất thánh các thầy cả Bổn quốc, và đất thánh của Thầy Dòng dạy đạo Thiên Chúa, có xay vách tường bằng gạch xung quanh.

Lại trong Chí Hòa, cũng gặp đặng nhiều mồ mả quan Annam, như mồ ông Trung Quân, cùng mồ bà Thái mẫu, không biết là mẹ vua nào, và có nhiều người sang trọng giàu có chọn nơi Chí Hòa mà gởi thân mình.

Sau nữa họ Chí Hòa còn có một tích khác cũng trọng hơn nữa, là đặng Á thánh Phaolồ Lộc, linh mục Bổn quốc đã sinh ra tại đó. Vậy xin Á thánh khấn thương xót nơi bổn quán xứ sở mình, mà chuyển cầu trước tòa Chúa cho họ Thánh Mẫu Môi Khôi Chí Hòa, đặng thêm số chầu nhưng, cho kẻ nguội lạnh trễ nải đặng ăn năn trở lại, cho kẻ lành nên sốt sắng, sau hết cho cả và gia thất ông Lê phát Đạt đặng sanh thuận tử an.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét