KỂ
LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ
ĐỊA
PHẬN NAM KỲ
-----------------
ĐỊA
SỞ PHAN THIẾT
-----------------
HỌ
PHAN THIẾT
-----------------
Gốc
lập Họ.
Địa sở Phan Thiết gồm những
họ sau nầy: Phan Thiết, Phó Hài, Đất Đỏ, Phú Lâm, Phú Hội, Dai Mân.
Theo như tờ Đức Cha
Bennetat đã ghi lại, thì họ Phan Thiết và Phó Hài đã có trong đời thứ 18. – Bỡi
đó cho nên có lẽ tưởng họ Kim Ngọc cũng đã có lối trong đời ấy, vì gần Kim Ngọc
thì có một nơi kêu là O Xâng, khi trước là một họ có đạo ở. Song những tích ấy
thì bây giờ không có ai nhớ, vì đã lâu quá!
Sáu họ về sở Phan Thiết mới
kể trên đó cha Archimbaud đã lập sau. Vì cách 20 năm nay thì tại Kim Ngọc và Tầm
Hưng có bổn đạo ở mà thôi. Cha Archimbaud nương dịp hồi lộn xộn ngụy nổi dậy
trong năm 1885 và lúc có quan Đốc phủ Nghiêm, Nhà nước Langsa, sai đi dẹp cho
an tĩnh Bình Thuận, mà lần lần qui lập nên sở Phan Thiết. Hồi ngụy đó thì không
phải là bắt đạo cho thiệt, song quân dữ ngăn đe và húng hiếp bổn đạo nhiều,
cũng đã có bắt những người có đạo tại Kim Ngọc mà giam nữa; song nhờ ông bố
Thanh là cựu tướng ngụy cờ đen tại Tonkin đã hàng đầu, cùng sung chức thương biện
tĩnh tại Phan Thiết; ông nầy lo mọi phương mà cứu giúp bổn đạo, lại cũng giấu
cho ở trong nhà mình, khi biết quan nào khác dạy làm sự chi thiệt hại cho bổn đạo
ở Kim Ngọc, thì người gởi tờ ngăn đe, không cho lấy phép riêng mà làm như vậy.
Song tội nghiệp cho quan đáng thương mến nầy, vì cách ít lâu sau thì người phải
thần hạ giết người đi. Quân ngụy hủy đốt hết mấy nhà thờ, nên chừng quan Đốc phủ
Nghiêm tới thì dạy chúng nó phải thường bồi lại đủ hết. Đó là cho mấy họ về sở
Kim Ngọc.
Còn mấy họ về sở Phan Thiết
thì lập sau đây là trong năm 1890. Quan Đốc phủ Nghiêm thay mặt Nhà nước cùng ở
tại Phan Thiết lo cho bình dân, ngài đã đem lòng hộ vực những kẻ có đạo, nên đã
làm cho nhiều người ngoại ở tại đó và xung quanh đặng trở lại đạo, nên 6 họ về
sở ấy bây giờ.
Cha Archimbaud nhờ dịp nầy
thì cha đã lo lắng hết lòng mà mở mang đạo thánh, trước thì cha ở tại sở Kim Ngọc,
bây giờ cha dời về ở Phan Thiết, để cha Ẩn coi họ Kim Ngọc và Tầm Hưng. Chỗ cha
Archimbaud ở trước hết tại Phan Thiết là cái đồn quan Đốc phủ ở và đã để lại
cho cha, cái đồn nầy trước là đình làng, tên là làng Lạc Đạo, cho nên họ Phan
Thiết chánh tên là họ Lạc Đạo, như kêu theo tên làng ấy. Đến sau Phan Thiết lập
nên thành phố vòng bao nhiêu làng, thì làng Lạc Đạo nầy ném về quận thứ hai
thành phố. Quan Đốc phủ Nghiêm để cái đồn đó lại cho cha Archimbaud rồi ngài dời
qua phía bên kia sông là chỗ quận người tây ở, và từ ấy tới giờ mở mang tấn
phát lắm.
Chừng đâu đó yên lại rồi
thì nhiều bổn đạo nương nghề hạ bạc tại tĩnh Quảng Bình đến lập gia cư tại Phan
Thiết và Phó Hài. Cho nên sở nầy đã đặng qui lập mau chóng, số bổn đạo quá ngàn,
có nhà thờ lớn, cái trước cha Archimbaud đã cất, mà bỡi lo làm mau mau nên
không được chắc bền, nhà thờ cất lại sau là nhà thờ bây giờ vững chắc và tốt,
cha Libiausse đã lo xây dựng.
Song bỡi Địa sở nầy lập
mau cho nên sau nhiều đạo mới không đặng bền lòng. Vì khi ấy cha Archimbaud không
có người tay chơn phụ giúp cho đủ đặng mà dạy đâu đó cho chín chắn; ai xin vô đạo
thì dạy trong chừng một tháng rồi cho chịu phép rửa tội, mỗi kỳ vậy là ba bốn
mươi người, con nít xưng tội rước lễ thì đi nghe dạy trong cũng chừng một tháng,
cho nên lẽ đạo không thấm không thông cho đủ; lại phần nhiều xin vô đạo là lấy
thế có người quyền phép binh vực khỏi sợ ai hiếp đáp, chớ không phải vì lẽ đức
tin soi sáng khai quang, không phải bỡi cớ chuộng phần rỗi mình làm trước; cho
nên chừng quan Đốc phủ Nghiêm đổi đi và quan tây tới thế cai trị, thì không còn
ai xin vào đạo nữa. Lại những đạo mới không học hành cho đủ thấy thế sự đổi dời,
giữ đạo không còn nhờ cậy đặng sự gì như trước, nên đã thối chí, mà không phải
là phần nhiều bỏ đạo hết, song gần chừng một phần ba bơ thờ bê trễ không còn phấn
chấn như ban sơ.
Một cớ nữa cũng làm cho đạo
mới thối chí, là khi các quan annam còn cai trị tại các thuế vụ cùng là xâu bơi
gì thì cứ nơi cha sở mà đóng, vì cha lãnh cho bổn đạo hết; mà chừng quan tây
cai trị thì không còn được vậy nữa, phải đóng cho quan làng và xâu bơi theo luật
buộc chung, cho nên khi trong họ có cần chi bạc tiền mà sửa sang tạo lập sự gì,
thì những đạo mới thấy mình phải giúp vô, một đầu xâu hai đầu thuế, mà mọn dạ
ngã lòng không muốn giữ đạo, đã không nhờ gì lại thêm phải tốn phải cực.
Đó là kể sơ qua về họ
Phan Thiết (Lạc Đạo) và mấy họ nghánh là những họ mới lập trong lúc ấy: Phó
Hài, Đất Đỏ, Phú Lâm, Phú Hội và Dai Mân. Còn hai họ nữa là Phú Bình và Phú Lạc
cách vài năm sau thì đã tiêu mất.
Mà họ Phó Hài phần nhiều
là những bổn đạo dòng ở Quảng Bình tới lập gia cư ở luôn đó mà chuyên nghiệp
chài lưới và làm nước mắm, trong năm 1910 số bổn đạo được 200, việc đạo hạnh
chín chắn khá, vì không phải là đạo mới học sơ sài, cho nên những đạo mới ở đây
thấy gương tốt thì dễ bề noi theo.
Họ Phú Hội khi trước số bổn
đạo quá trăm, mà trong năm 1910 còn chừng 40 mà thôi, và việc đạo hạnh cũng
khá.
Phú Lâm, số bổn đạo ban
sơ tới 300, mà sau còn lại 170, họ nầy gần rừng, cách xa Phan Thiết 7 ngàn thước,
không có cha ở thường, lại việc học hành lẽ đạo không đặng chín chắn bao nhiêu,
cho nên khi có xảy ra việc chi một chút thì có kẻ ngã lòng bỏ đạo.
Họ Đất Đỏ, là một họ
nghèo nàn cách xa Phan Thiết 3 ngàn thước, khi trước số bổn đạo đông, sau còn lại
có ba bốn mươi người, bổn đạo cũng giống như họ Phú Lâm, không đặng siêng sắng
và lẽ đạo không thông cho đủ.
Còn tại Phan Thiết thì có
cha tây ở, có thầy dạy học, cho nên dầu trước bổn đạo không đặng minh mẫn bao
nhiêu, mà từ năm 1908. Đức Cha Bình Định giao sở nầy cho địa phận Saigon coi
sóc thì mọi sự thảy đều đổi, bổn đạo nên siêng năng chín chắn hơn, có nhà phước
dạy đồng nhi nam nữ kinh phần, họ Đất Đỏ, Phú Hội và Dai Mân nhiều nhà gởi con
tới đó học. Việc xưng tội rước lễ, và người lớn nghe dạy mỗi chiều Chúa nhựt
nên phấn chấn hơn khi xưa bội phần. Cho nên trông sau họ nầy sẽ được thạnh..
Tại Phan Thiết không ai
có danh tiếng là giàu có quyền thế, có một gia thất ông trùm Dương mà thôi, gốc
ông nầy ở Bình Định, tới đây đã hơn 20 năm, một lượt với quan Đốc phủ Nghiêm, hồi
đó ông nầy là cử nhơn mà thôi, sau lên chức quan kinh lịch rồi làm huyện, lại
là ông trùm cả Địa sở Phan Thiết, ngài đã lo lắng nhiều về việc mở mang lập họ
các nơi.
Bây giờ cha Ba (P. Bar)
đang coi sở Phan Thiết, có cha Ximong Chánh phụ giúp.
--------------------
Họ
Kim Ngọc và Họ Tầm Hưng
--------------------
Nơi bổn đạo ở đông hơn hết
trong tĩnh Bình Thuận thì là những bổn đạo ở hai họ là Kim Ngọc và Tầm Hưng
Kim
Ngọc.
Theo đàng quan lộ từ Phan
Thiệt ra Huế, thì lối cách chừng 6 ngàn thước thấy phía bờ tả sông Phó Hài một
cái chợ khá lớn, kêu là chợ Phú Lương, cách 50 thước tới chợ nầy, phía bên bờ
sông hữu thì có họ Kim Ngọc; nhà thờ, nhà cha sở và mấy nhà bổn đạo ở khuất
trong những đám xoài lớn trồng đó không hàng ngũ gì đã lâu đời. Số bổn đạo ở
đây tính chừng 500 người, ở làm ba xóm, xóm xa hơn hết thì cách nhà thờ chừng
20 phút đồng hồ.
Tầm
Hưng.
Ở Kim Ngọc đi theo đàng
ruộng cách 10 ngàn thước phía bắc, thì tới họ Tầm Hưng, 4 trăm bổn đạo ở vầy
nhau một xóm, nhà thờ ở giữa, ngoài thì có một đám rừng rậm chừng 1 ngàn thước,
phân cách Tầm Hưng với đại lộ đi tới Djirinh.
Người ta nói những bổn đạo
trước hết trong hai họ ấy, gốc ban đầu là bỡi Bình Định mà tới. Cả tĩnh Bình
Thuận có thiên hạ tới ngụ đông đầu, những người làm nghề chài lưới ở Quảng Bình
bỏ đi tới đây buôn bán mà ăn, con nhà nông phu ở Bình Định hay là Quảng Ngãi tới
đây đặng khai vở đất rừng mà làm ruộng, cùng nhiều kẻ vì nhiều cớ khác đã đến ở
làm ăn lập nghiệp. Đó là gốc những kẻ ở tĩnh Bình Thuận, cho nên thiên hạ kêu
là Ba Xã.
Phần đông trong bổn đạo
thì chuyên nghiệp ruộng nương, ruộng thì không tốt gì, nhưng nhờ có khai nhiều
kinh, cho nên lúa gạo làm có đủ ăn mà thôi. Mấy nơi đất giồng làm ruộng không
được thì trồng bắp, trồng thuốc, bông và ớt.
Những đờn bà và nhi nữ mỗi
mùa thì lo gánh hàng sản hoa quả trong vườn trong ruộng, mà đi bán cùng là đổi
chác trong mấy chợ xung quanh. Lại có nhiều kẻ ở Tầm Hưng đi lên cho tới trên
núi, chỗ dân mọi ở mà buôn bán với nó, và đặng lời nhiều, vì dân mọi mua thì mắt,
mà bán thì rẻ.
Gốc họ Kim Ngọc và họ Tầm
Hưng lập đã lâu đời, đây không thể kể lại được hai họ ấy đã có trong năm nào,
song quyết được là trong đời thứ 18 thì hai họ nầy đã có rồi; người ta nói, có
khi là các cha dòng Đ C G đã coi hai họ nầy trước hết.
Trong năm 1873(sic),
Đức cha Bennetat kể lại về họ Kim Ngọc và họ Tầm Hưng thế nầy: Tại Kim Ngọc bổn
đạo số được 300, có cất một nhà thờ, bổn đạo chịu một phần tiền, còn một phần
thì của các cha tây giúp. Cách sau đó, khi Đức thầy Vêrô (Mgr. d’Adran) ra Phan
Thiết với Đức vua Gia Long, thì bổn đạo hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng có tới mừng
Đức cha và Đức vua, thì Đức vua tỏ ý muốn đi tới viếng hai họ, mà người ta nói
Đức cha xin Đức vua đừng đi, vì sợ những quan không ưa đạo thánh sẽ ghen ghét
báo thù con nhà giáo hữu chăng.
Đó biết đặng bấy nhiêu về
gốc họ Kim Ngọc và họ Tầm Hưng, là những việc đã lâu đời, nếu bổn đạo hai họ nầy
nói mình là con nhà đạo dòng thì thật cũng là phải. Lại trong mấy họ thuộc tĩnh
Bình Thuận, các bổn đạo phần nhiều nguyên bỡi gốc hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng
mà ra.
Song hồi đó cho đến sau nầy
thì không có cha tây hay là an-nam ở tại họ. Có một cha ở tại Phan Rang tới viếng
lại họ nầy cùng làm phước, là khi có lễ; lại đời đó việc đọc kinh xem lễ thì cũng
làm âm lặng, không có rình rang được, muốn cho bình an thì thà giữ vậy, vì
không mấy khi nước Annam để cho việc đạo được thong thả.
Khi ấy có nhà thờ, mà là
một nhà lá thấp nhỏ, nhưng có chỗ tựu lại và kinh nguyện với nhau; việc xem sóc
trong họ thì có những người quới chức. Người ta còn thấy chỗ nền nhà thờ cũ họ
Kim Ngọc gần nơi đất thánh bây giờ, trong miếng đất ông trùm Phụng đã dưng, lại
những đất xung quanh đó thiên hạ cũng còn kêu là đất nhà thờ.
Trong thì Đức cha d'Adran
đã đặng thân thế cùng vua Gia Long, thì Hội thánh Annam tưởng đặng bình an lâu
dài, và con nhà giáo hữu đã phấn chấn ân cần về việc giữ đạo.
Con bắt đạo thứ nhứt.
– Chẳng hay cách ít năm sau, cơn dông tố nổi lên, vì khi vua Minh Mạng kế ngôi
chẳng được bao lâu, thì tỏ ý quyết phá cho tuyệt đạo thánh. Ban đầu thì mấy quới
chức trong hai họ Kim Ngọc và Tầm Hưng phải bị bắt dẫn ra Phan Rý là chánh tĩnh.
Những kẻ nầy chịu tù rạc cùng khổ hình và bị ngăm đe phải giết nếu còn giữ đạo,
rồi sai thả ra cho về. Khi ấy không có ai đặng tử vì đạo, song trong các đấng xưng
đạo cách mạnh mẽ thì có ông trùm Chiên, là ông trùm họ Tầm Hưng bị khổ hình roi
vọt mà phải liệt nhược, chừng quan tha về thì đi không nổi, ở nhà phải đem ngựa
mà rước người về.
Cách sau đó thì các quan
lấy nhà thờ họ Tầm Hưng làm nhà dệt hàng lụa và để tằm tơ, xung quanh nhà thờ
thì trồng bông, dâu, lại bắt bổn đạo phải làm việc tại đó, lo hết các sự ấy
theo lịnh vua. Còn tại Kim Ngọc, thì các quan dạy hủy phá nhà thờ đi.
Ý vua dạy vậy đặng ngăn cấm
bổn đạo tựu hội nhau mà kinh nguyện, song những kẻ ấy không còn nhà thờ thì hiệp
nhau trong nhà tư, như tại Tầm Hưng bổn đạo hiệp lại nơi nhà ông Thủ Thi, ông
Thủ Liên và ông Mai, còn tại Kim Ngọc thì hội tại nhà ông Trùm Xiêm, ông Trùm
Yên.
Thủ hay là Thủ bổn là
viên chức lo góp tiền đất ruộng của nhà thờ, còn ông Trùm là kẻ đứng đầu trong
quới chức.
Hồi ấy dầu phải bắt bớ và
canh giữ nhặt nhiệm như vậy, song bổn đạo cũng hằng chịu đặng các phép Bí tích,
vì có những cha annam giả làm kẻ buôn bán, gánh quảy đồ cùng giấu đồ lễ trong ấy,
đi viếng làng nầy qua làng kia mà làm phước cho bổn đạo. Trong những cha ấy thì
người ta nói có cha Linh, cha Danh và cha Luận.
Nhưng vậy cơn bắt bớ lần
đầu nầy không phải nhặt lắm, vì không có chém giết ai, một có ý làm khó nhọc
cho giáo hữu, đặng cho buồn ý ngã lòng bỏ đạo mà thôi.
Sau khi vua Minh Mạng
băng hà, thì vua Thiệu Trị kế ngôi ngai vàng trị nước Annam, thì bổn đạo trong
nước đặng ở an một lúc. Cho nên họ Kim Ngọc đã cất nhà thờ lại, nhưng cũng
không dám làm nơi thị tứ, một cất khuất trong vườn xoài lớn, thân trên nền nhà
thờ cũ, chỗ kêu là đám xoài rậm.
Cơn bắt đạo thứ
hai. - Sau vua Thiệu Trị thì vua Tự Đức kế quờn, vua nầy
ăn ở độc ác và bắt bớ bổn đạo cách dữ dằn chẳng khác chi hoàng đế Nêrô xưa, cho
nên thiên hạ gọi người là vua Nêrô annam, bỡi vậy cho nên hai họ Kim Ngọc và Tầm
Hưng đã phải gian nan lắm, vì lần nầy không phải bắt mấy chức việc có đạo mà
thôi, song là bắt hết bổn đạo, bất kỳ nam phụ lão ấu gì, hễ ai không thể đi trốn
ẩn trong rừng đặng thì phải bị nã tróc cùng dẫn ra Phan Rý, số kẻ bị bắt đây tới
trăm người. Những kẻ nầy gặp nhiều bổn đạo khác ở xung quanh Phan Rý và Phan
Rang đã bị bắt cùng dẫn đến đó, thảy đều phải gông cùm ở trong ba khám chật hẹp,
bịt bùng không có khí thông thương, và lính canh giữ luôn ngày đêm, mà quân
lính nầy thảy là quân ác nhơn lắm. Bổn đạo bị giam cầm đây phải đói khát, áo quần
lâu ngày rách rưới, phải kiếm lấy mà ăn chớ nhà nước không có nuôi cơm, cho nên
những kẻ nào không có ai thí cho thì phải đi xin mà ăn, thảm nữa là có xin đặng
vật gì thì những quân lính giữ ngục cũng cướp giật một hai phần cho được.
Khi đó tại thành Phan Rý
có hai cha annam, là cha Cát ở ngoài Tonkin bị đày vô Bình Thuận, với cha Cảnh ở
Phan Rang. Hai cha bị cầm hai ngục riêng nhau, và không rõ hai cha có đi thăm
viếng và làm phước cho các bổn đạo bị bắt giam tại đó đặng chăng.
Kế đó thì cha Cảnh phải xử
trảm, còn cha Cát thì già cả chịu khó nhọc không nổi mà phải qua đời tại khám.
Lại không phải là một mình cha Cát phải chết như vậy, nhiều bổn đạo cũng vì phải
gông cùm đòn bọng và thiếu thốn mọi bề mà phải chết rủ tù nữa.
Thật thì trong cơn bắt đạo
dữ dằn nầy, có ít đấng đã tỏ lòng mạnh mẽ can đảm mà chịu gia hình khảo lược, vững
lòng xưng danh Chúa chẳng day. Như ông Quới, bây giờ còn lại một người con là
biện Nuôi ở Kim Ngọc; các quan dạy ông nầy phải đạp ảnh bước qua, song người trả
lời thà chết chẳng thà phạm tội quái gở ấy, cho nên đã phải chịu gia hình khảo
lược dữ dằn lắm, quân dữ kéo người ngang qua thập ác, thì người dở chơn lên.
Cho nên các quan thấy co cượng hẳn hòi quá, thì càng thêm dạy gia hình cùng tìm
cách làm nhuốc hổ cho người. Vậy các quan dạy lấy áo lễ mà mặc cho ông ấy, cùng
để ngồi giữa trước sân chầu ngay tòa các quan, đoạn dạy những kẻ đã yếu sức non
gan, sợ khổ hình mà chối đạo, mỗi người phải đạp qua thập tự trước mặt ông Quới,
rồi thì bạt tai ông ấy một cái cho mạnh cùng nhiếc rằng: “co cượng! cứng đầu!”;
hễ tên nào mủi lòng thương mà đánh ông ấy nhẹ thì lại bị quân lính cầm roi chực
sẵn quất bổ vào mình. Thật là sự rất nhuốc hổ, nhiều kẻ bỡi sợ đòn bọng mà cả
lòng làm sự quái gở ấy, làm cho ông Quới càng thêm đau lòng xót dạ, vì thấy anh
em mình dám cả lòng chối Chúa, lại trở làm sỉ hổ cho mình thể ấy: người ta nói
hồi đó có nhiều phụ nhơn chối đạo bước qua thập ác rồi, lại gần ông Quới bỡi sợ
lính nên rán sức bình sinh mà đánh người mạnh quá, làm cho người phải té nhào
xuống đất.
Sau đó thì ông Quới phải
án trảm quyết với mười một người đờn bà nữa ở tại Phan Rang. Chừng chém ông nầy
và các bà ấy rồi thì lính chôn chung hết thảy một hầm với nhau, lấp đất xong
thì dắc hai thớt tượng (voi) tới cho giậm đi đạp lại trên mồ cho ra bình địa;
người ta nói hai con voi giậm đây chừng trở về thì phải chết dọc đàng, không kịp
về tới thành.
Trong cơn bắt đạo ấy tại
Kim Ngọc và Tầm Hưng không được nhiều đấng đã chịu tử vì đạo, mà không phải là
mấy kẻ khác đã chối đạo hết đâu. Và những người bỡi sợ hình khổ mà khóa quá, đạp
ảnh bước qua, chừng trở về nhà thì cũng cứ giữ đạo, và khi có thầy cả thì những
kẻ ấy xin thú tội và làm việc đền tội cháng chường lâu mau theo lời thầy cả dạy.
Bỡi vậy cho nên các quan
đã biết sự nầy, thì dạy giam hết thảy dầu những người chịu chối đạo hay là
không ở tại khám ít nửa là một năm. Trong những kẻ đã có ông Mưu (qua đời năm
1911) dưng cho các quan 20 nén bạc mà chuộc mình, thì các quan lấy bạc mà không
tha người về, song cho phép người đi ra xung quanh thành đặng mua chác cùng là
xin ăn mà thôi.
Lúc ấy binh Langsa và
Iphanho qua Nam Kỳ, các quan annam cũng tính làm một cách như tại Bàrịa, là
thiêu hết các kẻ có đạo trong khám mà trả thù binh tân trào. Các việc sắp đặt
đã xong, nên chừng tàu trận Langsa tới thì quan án độc dữ tên Mâu dạy đốt khám
mà thiêu hết bổn đạo trong ấy. Song le có quan tuần phủ quí danh là Oai, có
lòng thương bổn đạo, nên không cho thi hành lệnh ác nhơn dữ dằn ấy.
Trong lúc binh Langsa
đánh lấy Saigon, thì bổn đạo các miền nước Annam, đâu đó đều phải bắt bớ dữ dằn.
Cách ít lâu đó, thì có một thầy cả bổn quốc quí danh là cha Khâm đã dưng cho
vua Tự Đức một đơn, trong đơn ấy nói rõ ràng những người có đạo không có ăn nhập
gì với giặc tân trào. Vua Tự Đức xem đơn, thấy cha nầy đặt để ý tứ thông minh,
lại thông chữ nho lắm, nên đã đặt người làm thông ngôn đi cùng các quan sứ đặng
tính việc cầu hòa cùng tân trào Langsa, vua lại ban cho cha Khâm những văn bằng
có ân vua dạy các quan tĩnh các nơi phải tha bổn đạo còn giam cầm tại khám đặng
về..
Dầu vậy khi ấy trong tĩnh
Bình Thuận các quan chưa chịu tha bổn đạo, cho đến chừng có cha Thơ là anh cha
Truyết đi viếng mấy họ trong tĩnh nầy, khi tới Phan Rý thì cha nghe tin bổn đạo
còn bị giam đầy trong khám; cha biết rõ lệnh vua đã dạy, nên cha bèn ra mắt
quan tổng đốc mà hỏi sao không chịu tha bổn đạo về như lịnh vua dạy. Quan tổng đốc
thấy cha ăn nói hẳn hòi cách bạo dạn, nên quan bèn sợ mà tiếp rước cho cách xứng
đáng, lại dưng của lễ cho và tha các bổn đạo ra hết.
Cha Thơ đem những kẻ ấy về
mỗi họ đã ở trước cùng lo qui lập lại. Tại họ Kiêm Ngọc cha mua cái nhà của biện
Nhuận rồi dời qua cất lại nơi đất ông trùm Xiêm, mà làm nhà thờ. Còn tại họ Tầm
Hưng thì có cả một nhà thờ tạm nơi đất ông Thủ Liêu.
Song làng xóm xung quanh
cũng còn ghen ghét bổn đạo, hằng kiếm thế cười chê nhạo báng. Cho nên cha Thơ
phải tính lo sao cho bổn đạo đặng ở yên, thời may cha gặp ông Đông là cữ nhơn,
là người danh tiếng, có chức thị đọc trong đền vua, ông nầy muốn nhờ các cha hộ
vực, vì trước người với quản Dinh đã có hiệp binh lính tại Gòcông mà chống trả
binh Langsa. Chừng làm không lại thì người lui về Bình Thuận cùng sợ phải bắt bớ.
Vậy ông thị đọc Đông đã
bàn tính với cha Thơ mà tách xóm bổn đạo ra riêng không chung chạ cùng làng ngoại,
bổn đạo lập làng cai trị nhau mà thôi, như thế thì mới đặng ở an, khỏi ai nhạo
báng hiếp đáp đặng. Những làng có đạo lập riêng như vậy kêu là hộ bạch bố,
mỗi năm phải nộp thuế cho vua 20 cân bố trắng = bạch bố. Lại có ông quản Mưu
cai hết các làng ấy cũng lo mọi việc đâu đó cho bình an.
Cha Thơ đã coi mấy họ bạch
bố này đặng 3 năm, rồi kế cha Trang đổi lại. Số bổn đạo một ngày một thêm luôn,
nhà thờ Kiêm Ngọc cất trước đã hư và chật hẹp quá, nên phải lo làm cái khác. Quới
chức đi vô rừng đốn những cây đem về, cất nhà thờ lại lớn hơn và cũng một nơi
trước. Cha Trang bầu cử thêm quới chức, bây giờ còn 2 người còn sống, là biện
Huệ và biện Của.
Còn tại họ Tầm Hưng, nhà
thờ đã cất trên đất ông quản Mưu, cho nên thì khó bề một chút, nên cha Trang muốn
làm lại nơi khác cho dễ hơn; vậy cha đã mua đất của thầy Luôn, phía bên kia ruộng,
giá là 200 quan tiền. Đất ấy còn cỏ đế mọc đầy, cọp beo hay lai vãng, nên phải
tốn công khai phá rồi chia cho bổn đạo, cùng đã cất nhà thờ lại nơi ấy là đất
riêng của nhà thờ; bây giờ làng Tầm Hưng thì cũng là chỗ nầy chúc.
Cha Trang coi mấy họ nầy
cũng trong chừng vài ba năm rồi cha Vân đổi lại. Cha Vân sốt sắng lo việc dạy dỗ
bổn đạo trước hết. Bỡi các cha trước mắc lo tái tạo thánh đàng, phần không có
thầy giúp dạy bổn đạo, vì trong những năm bắt bớ không thể dạy dỗ cho kỷ càng
được.
Cha cũng là cất nhà thờ lại
bằng ngói gạch, theo thì đó thì xem cũng khá tốt, lại chính tay cha xây bàn thờ
chánh, trổ hình Đ C Bà và hình ông thánh Giude, cùng sơn vẽ hai bên vách nhà thờ.
Bỡi cha lo nhọc quá nên phải tốn sức, các việc chưa hoàn thành mà cha phải ngả
bịnh nặng. Quới chức ra Phan Rang rước cha Villaume đến làm các phép sau hết
cho cha Vân cùng chở người ra Phan Rang và cha đã sinh thì tại đó.
Kế đó thì cha Ẩn về coi sở
Kim Ngọc, cha nầy lo lắng giỏi và sốt sắng lắm, bổn đạo nội địa sở còn cảm nhớ
công ơn người. Ban đầu cha cai sở nầy một mình, sau thì phải tùng cha
Archimbaud, và cha đã lo mở mang đạo thánh nhiều trong phía nam nước Annam.
Cha Ẩn đã lo sửa lại về sự
lo xuất phát của nhà thờ; những họ không có cha ở thì khi trước quới chức trong
họ xem sóc không có sổ sách gì hết, nên sao cho khỏi hao hớt của chung. Vậy cha
dạy quới chức mấy họ ấy phải biên ký cho hẳn hòi, và trình sổ tính lại với cha,
nhiều họ quới chức không bằng lòng về sự nầy, như tại họ Tầm Hưng các quới chức
đều xin thôi hết, cha không lo, thôi thì cha bàu người khác lên thế.
Cha Ẩn cũng đã lo xong một
việc nữa rất khó, ông quản Mưu, đã có nói trước, là một người danh giá lại giàu
có, các cha trước thảy đều yêu vì, mà sau đó ông nầy bắt chước theo mấy phú hộ
ngoại, có vợ mọn. Cha an ủi khuyên bảo làm cho ông nầy phải vưng phục chịu lối
cùng làm việc đền tội tỏ tường, bỏ bà vợ bé mà cũng lo cho bà ấy đặng trở lại, sau
người đặng ơn trở lại cùng chịu phép Rửa tội trước khi chết. Ông quản Mưu lại
dưng cho nhà thờ nhiều dây ruộng mà đền lại gương xấu mình đã làm. Ông nầy qua
đời trong năm 1911 hưởng thọ gần đặng 90 tuổi, khi gần chết thì cũng còn xin
các kẻ có mặt đó thứ tha việc chẳng lành mình đã làm khi trước.
Ngụy Văn Thân 1884.
- Trong đầu năm 1884, lúc cha Ẩn đi cấm phòng tại Bình Định, thì có ngụy Văn
Thân nổi lên. Khi ấy có Bùi văn Quan là quan đốc học tại Phan Thiết cũng một
phe với quân ngụy, quan nầy chạy trát cho cai tổng dạy tới ngày định thì phải bắt
hết các bổn đạo tại Kim Ngọc mà giết đi. Thật là việc dễ liệu, vì các quan và tổng
làng gì thảy là phe quân ngụy. Cho nên đến ngày đã định thì dân ngoại tựu nhau
lại mà bắt bổn đạo, ai nấy đều không dè không hay trước, nên phải bắt trói lại
từ hai người với nhau, và quân ngụy tính đập cho chết hết. Thời may có quan
giám lâm bữu danh là Thành, ông nầy có lòng yêu mến kẻ có đạo, nên khi hay việc
như vậy bèn sai quan tới dạy phải thả bổn đạo về. Khi ấy quân ngụy đã đang lo
giết các người nầy; chúng nó thấy lịnh quan tới thì sợ mà chạy trốn hết, nên bổn
đạo mở dây trói với nhau mà thôi.
Mà quân ngụy đã kéo nhau
đi cùng xứ, kiếm kẻ có đạo mà giết. Thật đây không phải là sự bắt đạo, vì quân
ngụy tưởng là người có đạo phò giúp nhà nước Langsa, cho nên giận oán mà giết
cho hết rảnh, chớ không phải là bắt mà biểu phải bỏ đạo, một xem như là quân
nghịch vậy phải trừ mà thôi; bỡi vậy cho nên có nhiều bổn đạo không biết trốn đâu
cho khỏi, thì đã xin phục tùng theo ngụy cho khỏi chết.
Khi ấy bổn đạo thật là bối
rối cam go, phần thì không có cha thầy chỉ dẫn, đoàn chiên không kẻ chăn, nên
khó nói liệu phải xây bề nào. Nhiều kẻ trốn ẩn trong rừng, cùng chạy vô cho tới
Bàrịa. thấy đâu đó cũng đầy những máu những lửa, những kẻ trốn thì ở luôn tại
đây, mà nhiều người cũng rán trở về, vì trông có các cha hộ giúp.
Khi cha Ẩn cấm phòng rồi,
thì phải kiếm nơi vững thế mà ngụ tạm, nên cha đã vô Saigon. Tại Phang Rang
quân ngụy tầm kiếm cha Villaume, mà nhờ ơn trên cha đã thoát khỏi, và cha cũng
vô trú tại Saigon với một thầy sáu già là thầy Kim.
Các cha vô Saigon rồi thì
lo cứu bổn đạo tĩnh Bình Thuận. Mà tin tức chẳng rõ thế nào, không biết hết thảy
ra sao, sống chết cũng không tưởng. Cho nên các cha sai tên Khoa ở Bàrịa đi dò
tin tức; người đi bộ theo đàng rừng cho tới Kim Ngọc hỏi thăm công việc xong
thì hối hả trở về với tên Kế và quản Truyền. Các cha đặng tin bổn đạo còn ẩn
ánh tại Bình Thuận nhiều, nên đã xin cùng nhà nước cho một chiếc tàu ra rước những
kẻ ấy.
Khi tàu ra tới đậu tại
Phó Hài, thì các bổn đạo tại Kim Ngọc và Tầm Hưng đều vội vã chạy xuống tàu,
không kịp đem theo vật gì cần dùng hết. Tàu chở những kẻ nầy vô Saigon ở đó, kiếm
công việc làm cho có mà ăn, và ở tại đây trong chừng một năm rưởi.
Chừng ngụy tan rồi, trước
hết cha Ẩn dắc bổn đạo trở ra Phan Thiết cùng sai đem tin cho bổn đạo các nơi đặng
hay đâu đó đã an, đừng sợ sệt gì nữa. Đoạn cha và bổn đạo mới trở về Kim Ngọc
và Tầm Hưng, cha muốn cho bổn đạo tại Tầm Hưng lập nhà cữa lại nơi đồng trống lớn
ở giữa Kim Ngọc và Phan Thiết, song ai nấy muốn ở nơi cũ trước mà thôi.
Khi ấy trong hai họ Kim
Ngọc và Tầm Hưng thì tan hoang không còn sự gì, nhà thờ, nhà bổn đạo đều bị cướp
phá và đốt sạch. Tại Tầm Hưng còn sót có một nhà là nhà tên Sự mà thôi, tên nầy
không muốn bỏ gia nghiệp mà trốn như kẻ khác, nên đã tùng theo quân ngụy, Cha Ẩn
ở đở tại nhà nầy và dạy tên Sự giúp coi việc cất nhà cữa bổn đạo lại theo hàng
ngũ thứ tự. Nhà cất hai hàng hai bên, ở giữa là đàng rộng lớn đi tới nhà thờ.
Các quan cho cha Ẩn lấy
huê lợi trong một năm những ruộng đất của tên văn thân Tài, là người có giúp ngụy
nhiều, như là bắt nó thường sở tổn lại; và làng đã soán những bò của cha nuôi,
phải chịu cất một nhà, đặng cha dùng mà làm nhà thờ tạm; tên văn thân Lương lại
dưng một nhà đặng làm nhà cha sở cho tới năm 1912.
Đoạn cha lo các nhà thờ lại
cho lớn, vì số bổn đạo thêm luôn.
Tại họ Kim Ngọc thì cũng
còn lại một nhà lá, thì làm nhà cho cha ở đỡ. Có người con của thị Nghiêm,
trong lúc ngụy dậy đã lấy những đồ trong nhà thờ, nên nhà nó phải bị tịch và
dùng làm nhà thờ trong khi bổn đạo lo đi kiếm nhà thờ cũ quân ngụy đã đem lên
trên núi. Lại cái nhà nhóm của quân ngụy trú hiệp nhau mà cúng quải thì các
quan cũng cho họ Kim Ngọc lấy làm nhà cha sở.
Khi ấy có quan Đốc phủ
Nghiêm ở Nam Kỳ, nhà nước Langsa sai ra Phan Thiết lo cho bình dân và dẹp ngụy,
cho nên nhờ quan lớn nầy mà mọi sự thường bồi cho nhà thờ dễ liệu. Lại bỡi quan
đốc có phép phạt quân ngụy, cho nên nhiều người ngoại trước đã a tùng theo ngụy
sợ phải phạt, nên rùng rùng nhau xin theo đạo, thấy dễ bề cho mình đặng khỏi bị
phạt cũng như theo ngụy Văn Thân cho khỏi thiệt hại vậy. Quan Đốc phủ Nghiêm
cũng sẵn lòng giúp việc mở mang đạo, nên thiên hạ xin vô đạo nhiều, cha Ẩn phải
lo lập thêm nhiều họ mới..
Vậy Đức Cha Camelbeck sai
cha Archimbaud xem sóc lo việc nầy, ban đầu cha ở tại Kim Ngọc, sau thì ra ở tại
Phan Thiết là họ mới lập.
Kế đó có cha Guéno rồi tới
cha Boivin coi họ Kim Ngọc trong chừng một năm rồi đổi; nên cha Archimbaud và
cha Ẩn coi sở nầy luôn.
Mà cho đặng lập các họ mới
thì phải có tiền bạc cho nhiều, nên cha Ẩn phải bán một phần ruộng tại Tầm Hưng
giá là 700$.
Chừng cha Archimbaud về
tây thì cha Labiause coi sở Phan Thiết, còn tại Kim Ngọc thì cha Pober,
Porcher, Sanctuair và Landeau.
Tới năm 1905 - 1906 thì
cha Diên đổi lại làm cha sở họ Kim Ngọc trong ba năm, kế cha đau mà qua đời.
Trong năm 1907 thì Đức
Cha Bình Định giao tĩnh Bình Thuận cho địa phận Saigon, thì cha Rồng (P.
Masseron) làm cha sở Phan Thiết, và cha Xứ ở tại Kim Ngọc; chừng cha Xứ đổi,
thì cha Bổn thế coi họ nầy. Cha Bổn là một thầy cả nhơn đức sốt sắng, coi họ Kim
Ngọc chẳng bao lâu, vì đau bệnh trong gan mà qua đời tại họ. Xác cha táng tại đất
thánh Kim Ngọc. Đoạn kế cha Thiên (P.Barré) coi họ ấy.
Bây giờ 1922 thì cha Ba
(P. Bar) làm cha sở tại họ Phan Thiết, còn tại Kim Ngọc và Tầm Hưng thì không
có cha sở ở thường.
(sẽ
tiếp)
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1922
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét