ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1520, ngày 1 tháng 9 năm 1938

Hai đặc điểm đáng chú ý về tôn giáo bản địa ở Nam Kỳ

 HAI ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý VỀ TÔN GIÁO BẢN ĐỊA Ở NAM KỲ!

* Không đâu bằng Nam Kỳ xuất phát nhiều tôn giáo bản địa nhứt, có nhiều "ông Đạo" khắp nơi. Có 2 đặc điểm đã không được chú ý đủ (làm nên diện mạo tinh thần tại Nam Kỳ) và 1 ghi chú đang bị giải thích sai trật.

A/ Tóm tắt sự xuất hiện một vài tôn giáo theo tiến trình thời gian:

1/ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG (“núi báu hương lạ”) được khai sáng vào năm 1849 bởi “Phật Thầy Tây An”, tục danh là Đoàn Minh Huyên (1807-1856), quê ở Sa Đéc.

Tín đồ không dùng tượng Phật mà dùng tấm “trần điều” màu đỏ tượng trưng cho Tam Bửu (Phật-Pháp-Tăng), không cần xuất gia, không xuống tóc...

2/ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA được sáng lập bởi Đức Bổn sư Ngô Lợi (1831-1890), người Bến Tre, khai đạo năm 1867 (có nguồn cho là năm 1876).

Tứ Ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bửu, ân đồng bào nhân loại), trong đó Bổn sư Ngô Lợi đặc biệt chú trọng vào ân tổ tiên và ân đất nước. Nói cách khác, tín đồ phải hành xử việc Hiếu (hiếu thảo với tổ tiên ông bà) và việc Nghĩa (nghĩa vụ với quê hương xứ sở). Thành thử tạo thành mối đạo mang danh là Hiếu Nghĩa.

3/ CAO ĐÀI: được thành lập chính thức vào ngày 7/10/1926 thông qua một thông báo chuyển đến nhà cầm quyền đương nhiệm, bởi ông Lê Văn Trung (1876-1934, sinh quán Long An) làm Quyền Giáo tông, sau đó vào tháng 11/1926 làm lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén ở Tây Ninh.

Tôn giáo mới này thờ phượng “Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát”, sử dụng việc giao tiếp với các linh hồn bằng thuật xây bàn (la table tournante) từ Thông linh học (Spiritisme) của Allan Kardec và Ngọc cơ (玉機) xuất xứ từ Trung Hoa.

4/ HÒA HẢO: lập đạo bởi Đức Thầy, tục danh Huỳnh Phú Sổ, vào ngày 4 tháng 7 năm 1939 tại làng Hòa Hảo (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Tư tưởng “tu nhân học Phật”, “tứ ân” đã không còn giữ được bổn sắc như giai đoạn ban đầu của Bửu Sơn Kỳ Hương, của Tứ Ân Hiếu Nghĩa khi sau này đưa vào nhiều sắc màu Nho giáo lẫn Lão giáo. Thành thử Đức Thầy Huỳnh giáo chủ đã chủ trương giản dị trong việc thờ phượng, dùng tấm “trần dà” tượng trưng cho Tam Bửu, không đốt vàng mã, không cúng đồ ăn, cô đọng tinh yếu giáo thuyết trong Sấm Giảng…

B/ GHI CHÚ CẦN THIẾT:

Trên khá nhiều website (kể cả wikipedia) giải thích về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa... là các vị lập đạo "ẩn dưới chiếc áo tu", “dùng hình thức tôn giáo để che mắt thực dân Pháp”. Cách giải thích này rơi vào sự ngô nghê vô tình lẫn cố ý diễn giải sai trật! - tôn giáo không thể qui giản vào mỗi hoạt động chánh trị, tôn giáo thuộc về đời sống tâm linh chớ không phải "duy vật" thô thiển.

Đoàn Minh Huyên (Phật thầy Tây An), người lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, là một nhà tu hành (chớ không phải “ẩn dưới chiếc áo tu”), theo tinh thần đạo pháp "nhập thế" - nghĩa là tích cực quan tâm giúp đỡ người dân trong đời sống trần thế. "Phật thầy Tây An" qua đời năm 1856, lúc đó Nam Kỳ đâu có tây nào cai trị (mà gọi là "chống tây"?).

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đi theo đường hướng tâm linh của Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo pháp nhập thế. Lúc bấy giờ, "nhập thế" rơi vào trong bối cảnh đương đầu với thực dân thì phải giúp tín đồ chống thực dân.

Nhưng khi bối cảnh chống thực dân Pháp đã không còn, Tứ Ân Hiếu Nghĩa có phải vì vậy mà mất đi hay không? có phải là "hình thức che mắt" không? KHÔNG phải.

Thì đó, hiện nay, năm 2021, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn đang tồn tại, với khoảng 50.000 đến 70.000 tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa (chia thành 39 Gánh, đây là cách gọi về mặt tổ chức trong đạo phái này).

C/ HAI ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA TÔN GIÁO NỘI SINH Ở NAM KỲ

* ĐẶC ĐIỂM THỨ NHỨT:

Nơi đất phương Nam thời bấy giờ, nho sĩ lẫn sư sãi "truyền thống" không còn đủ "sức nặng" để hướng dẫn tinh thần công chúng.

Đây là những dữ kiện khách quan, cần nhìn thẳng thắn, hữu ích cho việc tìm hiểu đặc điểm tôn giáo nội sinh tại Nam Kỳ đó đa!

Quí bạn chú ý: hết thảy từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, rồi Hòa Hảo - cũng đều nêu ra việc "học Phật" và "tu nhơn", và - xin chú ý - nhiều người dân Nam Kỳ bấy giờ theo Phật là đến với các cơ sở thờ phượng của Bửu Sơn Kỳ Hương, của Tứ Ân Hiếu Nghĩa, của Hòa Hảo (thay vì tìm đến các chùa với các sư sãi trụ trì)!

Hình ảnh nơi các chức sắc tôn giáo nội sinh (bản địa) được nhìn thấy nhiều nhứt là "không xuống tóc" như sư sãi, là cư sĩ tại gia; không dùng tượng Phật mà dùng biểu tượng "trần điều", "trần dà" (biểu tượng cho Tam Bửu)...

Ở Nam Kỳ, sự giao lưu và tiếp biến trong văn hóa nhận thức giữa người Việt với người Khmer, người Chăm … góp phần tạo nên một bối cảnh cởi mở, năng động, KHÔNG THEO KHUÔN MẪU TÔN GIÁO TỪNG CÓ TRƯỚC KIA.

* ĐẶC ĐIỂM THỨ NHÌ:

Thêm vào đó, Nam Kỳ sau đó còn sống dưới thời kỳ người Pháp cai trị trong một thời gian dài, có những cuộc tiếp xúc Đông – Tây. Đây là môi trường thuận lợi cho kiểu tư duy liên-tôn-giáo.

Môi trường đó tạo điều kiện cho sự xuất sinh đạo Cao Đài. Ngay cả đối với Bửu Sơn Kỳ Hương xuất sinh trước khi có mặt người Pháp, nhưng sau đó hoạt động thời gian dài cũng là dưới thời Pháp thuộc; rồi Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo xuất hiện sau khi người Pháp cùng với văn minh của họ có mặt tại Nam Kỳ.

Tất cả va chạm vào nhau, tạo ra tác động, thúc đẩy những "tôn giáo có tính chất cứu thế", hay còn gọi là "TÔN GIÁO CỨU THẾ" (Religion du Sauveur) - theo cách gọi của nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux.

Quả vậy, từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, những tôn giáo nội sinh này đều mang theo trong mình những hình ảnh "Cứu thế”.

Bửu Sơn Kỳ Hương ("núi báu hương lạ") thuyết giảng cho dân chúng về "Hội Long Hoa", theo đó sẽ diễn ra tại vùng Thất Sơn (Châu Đốc, An Giang) với sự xuất hiện của Phật Di Lặc

- "Maitreya" trong tiếng Phạn, nghĩa là đấng Cứu độ chúng sanh, chuyển qua Hán ngữ là , đọc theo âm Việt của hai chữ này là "Di Lặc".

Ý niệm "Cứu độ" còn được chia sẻ trong Tứ Ân Hiếu Nghĩa, trong Hòa Hảo, Cao Đài ../.

* Mời đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1325135814587062

--------------------------------------------------------

Nguồn: Mattheu NChuong

Hình 1: Chùa Tam Bửu ở Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa;

Hình 2: Thánh thất Tây Ninh của đạo Cao Đài;

Hình 3: Chùa Tây An của Bửu Sơn Kỳ Hương

Hình 4: Tổ đình của Phật giáo Hòa Hảo.






 

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

BA KỲ, HAI MIỀN và ... "BAKE"

 BA KỲ, HAI MIỀN và ... "BAKE"

&1&

Cái gọi là "giáo dục" kiểu này có nước làm hại não giới trẻ: "Pháp chia nước ta ra làm 3 kỳ Bắc Kỳ / Trung Kỳ / Nam Kỳ (?), thực hiện chính sách chia để trị". Đặt tên "Bắc Kỳ" , "Trung Kỳ" , "Nam Kỳ" là dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1832, trước cả nửa thế kỷ khi Pháp mon men đến nước Việt!

Vậy mà cũng dám mở miệng gọi là "dạy lịch sử", kỳ thực, đây là "nhồi lệch sử" không hơn không kém!

Sau vụ ký Hòa ước Patenotre 1884, rồi thiết lập Liên bang Đông Dương, Pháp họ đặt tên tiếng Tây rành rành cho ba vùng là: "Tonkin", "Annam", "Cochinchine". Mà ba vùng này về đại thể "ăn" với địa giới của BA KỲ đã có sẵn trên lãnh thổ VN cả nửa thế kỷ!

Bởi nhiều em học trong trường tưởng "Kỳ" là do Tây đặt nên khi nghe nhắc tới, tỉ dụ "Nam Kỳ", thì hô cái chữ đó mang dấu ấn thuộc địa. Tiền nhân nước Việt đặt tên, mà đi nói do thực dân, có khác nào mấy "vị" đang CỐ Ý nhồi vào đầu học sinh thói XÚC XIỂM đối với ông bà TIÊN TỔ!

&2&

Trước khi xuất hiện ba kỳ "Nam Kỳ/ Trung Kỳ/ Bắc Kỳ", trong thời phân tranh chỉ có tên gọi hai miền thôi, là: NAM (Nam hà, từ phía nam sông Gianh trở vô, tức "Đàng Trong") và BẮC (Bắc hà, từ phía bắc sông Gianh trở ra, tức "Đàng Ngoài").

Hơn một trăm bảy mươi năm (1600-1775) chia đôi đất nước, với hai triều đình khác nhau, kinh tế và nhứt là văn hóa tiến triển khác nhau đã dẫn đến nhân tâm cũng dị biệt.

Biến cố kết thúc cuộc phân tranh Trịnh / Nguyễn, vào đầu năm 1775 khi quân Trịnh chiếm được kinh đô Phú Xuân của chúa Nguyễn, tưởng là cơ hội để hàn gắn sự ly tán hai miền.

Dè đâu, chỉ trong vòng mươi năm cai quản Phú Xuân 1775 - 1786, quân Trịnh của miền BẮC đã tận lực vơ vét, cư xử tàn tệ!

Không cắt nghĩa hành động hoạnh họe của quân Trịnh ở Đàng Ngoài là do "nhân tâm" đã dị biệt với Đàng Trong thì còn do gì nữa? Không dị biệt, sao lại giở trò ác nhơn thất đức?

Người dân Phú Xuân của miền NAM không tin nổi nơi mắt mình: cũng là "người Việt" với nhau thì phải (?), mà sao quân Trịnh tàn nhẫn hệt như lực lượng ngoại bang chiếm đóng!

(thời may quân Tây Sơn vào năm 1786 đã tấn công chiếm Phú Xuân, đuổi quân Trịnh trở ra ngoài Bắc)

&3&

Đất nước hợp nhứt (vua Gia Long lên ngôi năm 1802), mở ra một hi vọng hàn gắn lòng dân sau đằng đẵng hai trăm năm phân ly. Dè đâu, mới tám mươi năm hợp nhứt thôi, nước Việt một lần nữa bị phân rã!

Khi người Pháp chiếm ưu thế tuyệt đối qua Hòa ước Patenotre 1884, nước Việt không phải phân đôi mà phân thành ba vùng tách biệt: Tonkin, Annam, Cochinchine.

Chiến tranh liên miên, mà định mệnh gắn liền với chiến tranh là sự ngờ vực, luôn là ngờ vực.

&4&

Giai đoạn 1954-1975, tiền lệ hùng cứ từng cõi riêng của giai đoạn Đàng Trong / Đàng Ngoài, lại được tái lập. Cũng gọi thành hai miền: NAM và BẮC.

Phần lớn tỉnh Quảng Bình, trong hơn 170 năm (1600-1775), sống trong tâm thức thuộc về miền-NAM-phóng-khoáng (Nam hà, phía nam sông Gianh trở vô, tức "Đàng Trong").

Cũng Quảng Bình, trong 21 năm ngắn ngủn (1954-1975), lại trở thành miền BẮC (phía bắc sông Bến Hải trở ra).

Cách nào đó, Quảng Bình đã trở thành "ẩn dụ của định mệnh" bất toàn và bất ổn của sử nước Việt.

&5&

Cho tôi được quí mến hết thảy cả ba danh xưng: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bởi vì đó là tên gọi của chính tiền nhân người Việt chúng ta đặt ra.

Còn "bake"? Tôi ưng chọn sự giải thích như sau:

- "ke", liên tưởng ngay lập tức tới "xạo ke".

- "ba": trong tiếng Việt có một số trường hợp khi thêm "ba" là nhấn mạnh ý nghĩa tiêu cực. Tỉ dụ: "lăng nhăng" đã tệ => "ba lăng nhăng" còn tệ dữ; "trợn trạo" coi không ổn => "ba trợn ba trạo" thì quá xá bất ổn.

"Bake" là xạo hết biết, là nói dối "ní nuận" không ngượng mồm.

Kẻ nào bị "bake hóa" tức kẻ đó nhiễm cái tật nói xạo hết thuốc chữa, nhiễm cái thói nói dối không biết ngượng mồm ./.

Nguồn: Mattheu NChuong

--------------------------------------------------------------

Hình ảnh sông Gianh: Quảng Bình trở thành "ẩn dụ của định mệnh" bất toàn và bất ổn của sử nước Việt.


 

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1518, ngày 18 tháng 8 năm 1938