Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

BA KỲ, HAI MIỀN và ... "BAKE"

 BA KỲ, HAI MIỀN và ... "BAKE"

&1&

Cái gọi là "giáo dục" kiểu này có nước làm hại não giới trẻ: "Pháp chia nước ta ra làm 3 kỳ Bắc Kỳ / Trung Kỳ / Nam Kỳ (?), thực hiện chính sách chia để trị". Đặt tên "Bắc Kỳ" , "Trung Kỳ" , "Nam Kỳ" là dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1832, trước cả nửa thế kỷ khi Pháp mon men đến nước Việt!

Vậy mà cũng dám mở miệng gọi là "dạy lịch sử", kỳ thực, đây là "nhồi lệch sử" không hơn không kém!

Sau vụ ký Hòa ước Patenotre 1884, rồi thiết lập Liên bang Đông Dương, Pháp họ đặt tên tiếng Tây rành rành cho ba vùng là: "Tonkin", "Annam", "Cochinchine". Mà ba vùng này về đại thể "ăn" với địa giới của BA KỲ đã có sẵn trên lãnh thổ VN cả nửa thế kỷ!

Bởi nhiều em học trong trường tưởng "Kỳ" là do Tây đặt nên khi nghe nhắc tới, tỉ dụ "Nam Kỳ", thì hô cái chữ đó mang dấu ấn thuộc địa. Tiền nhân nước Việt đặt tên, mà đi nói do thực dân, có khác nào mấy "vị" đang CỐ Ý nhồi vào đầu học sinh thói XÚC XIỂM đối với ông bà TIÊN TỔ!

&2&

Trước khi xuất hiện ba kỳ "Nam Kỳ/ Trung Kỳ/ Bắc Kỳ", trong thời phân tranh chỉ có tên gọi hai miền thôi, là: NAM (Nam hà, từ phía nam sông Gianh trở vô, tức "Đàng Trong") và BẮC (Bắc hà, từ phía bắc sông Gianh trở ra, tức "Đàng Ngoài").

Hơn một trăm bảy mươi năm (1600-1775) chia đôi đất nước, với hai triều đình khác nhau, kinh tế và nhứt là văn hóa tiến triển khác nhau đã dẫn đến nhân tâm cũng dị biệt.

Biến cố kết thúc cuộc phân tranh Trịnh / Nguyễn, vào đầu năm 1775 khi quân Trịnh chiếm được kinh đô Phú Xuân của chúa Nguyễn, tưởng là cơ hội để hàn gắn sự ly tán hai miền.

Dè đâu, chỉ trong vòng mươi năm cai quản Phú Xuân 1775 - 1786, quân Trịnh của miền BẮC đã tận lực vơ vét, cư xử tàn tệ!

Không cắt nghĩa hành động hoạnh họe của quân Trịnh ở Đàng Ngoài là do "nhân tâm" đã dị biệt với Đàng Trong thì còn do gì nữa? Không dị biệt, sao lại giở trò ác nhơn thất đức?

Người dân Phú Xuân của miền NAM không tin nổi nơi mắt mình: cũng là "người Việt" với nhau thì phải (?), mà sao quân Trịnh tàn nhẫn hệt như lực lượng ngoại bang chiếm đóng!

(thời may quân Tây Sơn vào năm 1786 đã tấn công chiếm Phú Xuân, đuổi quân Trịnh trở ra ngoài Bắc)

&3&

Đất nước hợp nhứt (vua Gia Long lên ngôi năm 1802), mở ra một hi vọng hàn gắn lòng dân sau đằng đẵng hai trăm năm phân ly. Dè đâu, mới tám mươi năm hợp nhứt thôi, nước Việt một lần nữa bị phân rã!

Khi người Pháp chiếm ưu thế tuyệt đối qua Hòa ước Patenotre 1884, nước Việt không phải phân đôi mà phân thành ba vùng tách biệt: Tonkin, Annam, Cochinchine.

Chiến tranh liên miên, mà định mệnh gắn liền với chiến tranh là sự ngờ vực, luôn là ngờ vực.

&4&

Giai đoạn 1954-1975, tiền lệ hùng cứ từng cõi riêng của giai đoạn Đàng Trong / Đàng Ngoài, lại được tái lập. Cũng gọi thành hai miền: NAM và BẮC.

Phần lớn tỉnh Quảng Bình, trong hơn 170 năm (1600-1775), sống trong tâm thức thuộc về miền-NAM-phóng-khoáng (Nam hà, phía nam sông Gianh trở vô, tức "Đàng Trong").

Cũng Quảng Bình, trong 21 năm ngắn ngủn (1954-1975), lại trở thành miền BẮC (phía bắc sông Bến Hải trở ra).

Cách nào đó, Quảng Bình đã trở thành "ẩn dụ của định mệnh" bất toàn và bất ổn của sử nước Việt.

&5&

Cho tôi được quí mến hết thảy cả ba danh xưng: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bởi vì đó là tên gọi của chính tiền nhân người Việt chúng ta đặt ra.

Còn "bake"? Tôi ưng chọn sự giải thích như sau:

- "ke", liên tưởng ngay lập tức tới "xạo ke".

- "ba": trong tiếng Việt có một số trường hợp khi thêm "ba" là nhấn mạnh ý nghĩa tiêu cực. Tỉ dụ: "lăng nhăng" đã tệ => "ba lăng nhăng" còn tệ dữ; "trợn trạo" coi không ổn => "ba trợn ba trạo" thì quá xá bất ổn.

"Bake" là xạo hết biết, là nói dối "ní nuận" không ngượng mồm.

Kẻ nào bị "bake hóa" tức kẻ đó nhiễm cái tật nói xạo hết thuốc chữa, nhiễm cái thói nói dối không biết ngượng mồm ./.

Nguồn: Mattheu NChuong

--------------------------------------------------------------

Hình ảnh sông Gianh: Quảng Bình trở thành "ẩn dụ của định mệnh" bất toàn và bất ổn của sử nước Việt.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét