HAI ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý VỀ TÔN GIÁO BẢN ĐỊA Ở NAM KỲ!
* Không đâu bằng Nam Kỳ xuất phát nhiều tôn giáo bản địa
nhứt, có nhiều "ông Đạo" khắp nơi. Có 2 đặc điểm đã không được chú ý
đủ (làm nên diện mạo tinh thần tại Nam Kỳ) và 1 ghi chú đang bị giải thích sai
trật.
A/ Tóm tắt sự xuất hiện một vài tôn giáo theo tiến
trình thời gian:
1/ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG (“núi báu hương lạ”) được khai
sáng vào năm 1849 bởi “Phật Thầy Tây An”, tục danh là Đoàn Minh Huyên
(1807-1856), quê ở Sa Đéc.
Tín đồ không dùng tượng Phật mà dùng tấm “trần điều”
màu đỏ tượng trưng cho Tam Bửu (Phật-Pháp-Tăng), không cần xuất gia, không xuống
tóc...
2/ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA được sáng lập bởi Đức Bổn sư Ngô Lợi
(1831-1890), người Bến Tre, khai đạo năm 1867 (có nguồn cho là năm 1876).
Tứ Ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bửu, ân
đồng bào nhân loại), trong đó Bổn sư Ngô Lợi đặc biệt chú trọng vào ân tổ tiên
và ân đất nước. Nói cách khác, tín đồ phải hành xử việc Hiếu (hiếu thảo với tổ
tiên ông bà) và việc Nghĩa (nghĩa vụ với quê hương xứ sở). Thành thử tạo thành
mối đạo mang danh là Hiếu Nghĩa.
3/ CAO ĐÀI: được thành lập chính thức vào ngày
7/10/1926 thông qua một thông báo chuyển đến nhà cầm quyền đương nhiệm, bởi ông
Lê Văn Trung (1876-1934, sinh quán Long An) làm Quyền Giáo tông, sau đó vào
tháng 11/1926 làm lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén ở Tây Ninh.
Tôn giáo mới này thờ phượng “Cao Đài Tiên ông Đại bồ
tát Ma ha tát”, sử dụng việc giao tiếp với các linh hồn bằng thuật xây bàn (la
table tournante) từ Thông linh học (Spiritisme) của Allan Kardec và Ngọc cơ (玉機)
xuất xứ từ Trung Hoa.
4/ HÒA HẢO: lập đạo bởi Đức Thầy, tục danh Huỳnh Phú Sổ,
vào ngày 4 tháng 7 năm 1939 tại làng Hòa Hảo (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An
Giang).
Tư tưởng “tu nhân học Phật”, “tứ ân” đã không còn giữ
được bổn sắc như giai đoạn ban đầu của Bửu Sơn Kỳ Hương, của Tứ Ân Hiếu Nghĩa
khi sau này đưa vào nhiều sắc màu Nho giáo lẫn Lão giáo. Thành thử Đức Thầy Huỳnh
giáo chủ đã chủ trương giản dị trong việc thờ phượng, dùng tấm “trần dà” tượng
trưng cho Tam Bửu, không đốt vàng mã, không cúng đồ ăn, cô đọng tinh yếu giáo
thuyết trong Sấm Giảng…
B/ GHI CHÚ CẦN THIẾT:
Trên khá nhiều website (kể cả wikipedia) giải thích về
đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa... là các vị lập đạo "ẩn dưới
chiếc áo tu", “dùng hình thức tôn giáo để che mắt thực dân Pháp”. Cách giải
thích này rơi vào sự ngô nghê vô tình lẫn cố ý diễn giải sai trật! - tôn giáo
không thể qui giản vào mỗi hoạt động chánh trị, tôn giáo thuộc về đời sống tâm
linh chớ không phải "duy vật" thô thiển.
Đoàn Minh Huyên (Phật thầy Tây An), người lập đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương, là một nhà tu hành (chớ không phải “ẩn dưới chiếc áo tu”), theo
tinh thần đạo pháp "nhập thế" - nghĩa là tích cực quan tâm giúp đỡ
người dân trong đời sống trần thế. "Phật thầy Tây An" qua đời năm
1856, lúc đó Nam Kỳ đâu có tây nào cai trị (mà gọi là "chống tây"?).
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đi theo đường hướng tâm linh của
Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo pháp nhập thế. Lúc bấy giờ, "nhập thế" rơi
vào trong bối cảnh đương đầu với thực dân thì phải giúp tín đồ chống thực dân.
Nhưng khi bối cảnh chống thực dân Pháp đã không còn, Tứ
Ân Hiếu Nghĩa có phải vì vậy mà mất đi hay không? có phải là "hình thức
che mắt" không? KHÔNG phải.
Thì đó, hiện nay, năm 2021, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn
đang tồn tại, với khoảng 50.000 đến 70.000 tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa (chia thành
39 Gánh, đây là cách gọi về mặt tổ chức trong đạo phái này).
C/ HAI ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA TÔN GIÁO NỘI SINH Ở NAM KỲ
* ĐẶC ĐIỂM THỨ NHỨT:
Nơi đất phương Nam thời bấy giờ, nho sĩ lẫn sư sãi
"truyền thống" không còn đủ "sức nặng" để hướng dẫn tinh thần
công chúng.
Đây là những dữ kiện khách quan, cần nhìn thẳng thắn,
hữu ích cho việc tìm hiểu đặc điểm tôn giáo nội sinh tại Nam Kỳ đó đa!
Quí bạn chú ý: hết thảy từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân
Hiếu Nghĩa, rồi Hòa Hảo - cũng đều nêu ra việc "học Phật" và "tu
nhơn", và - xin chú ý - nhiều người dân Nam Kỳ bấy giờ theo Phật là đến với
các cơ sở thờ phượng của Bửu Sơn Kỳ Hương, của Tứ Ân Hiếu Nghĩa, của Hòa Hảo
(thay vì tìm đến các chùa với các sư sãi trụ trì)!
Hình ảnh nơi các chức sắc tôn giáo nội sinh (bản địa)
được nhìn thấy nhiều nhứt là "không xuống tóc" như sư sãi, là cư sĩ tại
gia; không dùng tượng Phật mà dùng biểu tượng "trần điều", "trần
dà" (biểu tượng cho Tam Bửu)...
Ở Nam Kỳ, sự giao lưu và tiếp biến trong văn hóa nhận
thức giữa người Việt với người Khmer, người Chăm … góp phần tạo nên một bối cảnh
cởi mở, năng động, KHÔNG THEO KHUÔN MẪU TÔN GIÁO TỪNG CÓ TRƯỚC KIA.
* ĐẶC ĐIỂM THỨ NHÌ:
Thêm vào đó, Nam Kỳ sau đó còn sống dưới thời kỳ người
Pháp cai trị trong một thời gian dài, có những cuộc tiếp xúc Đông – Tây. Đây là
môi trường thuận lợi cho kiểu tư duy liên-tôn-giáo.
Môi trường đó tạo điều kiện cho sự xuất sinh đạo Cao
Đài. Ngay cả đối với Bửu Sơn Kỳ Hương xuất sinh trước khi có mặt người Pháp,
nhưng sau đó hoạt động thời gian dài cũng là dưới thời Pháp thuộc; rồi Tứ Ân Hiếu
Nghĩa và Hòa Hảo xuất hiện sau khi người Pháp cùng với văn minh của họ có mặt tại
Nam Kỳ.
Tất cả va chạm vào nhau, tạo ra tác động, thúc đẩy những
"tôn giáo có tính chất cứu thế", hay còn gọi là "TÔN GIÁO CỨU THẾ"
(Religion du Sauveur) - theo cách gọi của nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux.
Quả vậy, từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật
giáo Hòa Hảo, Cao Đài, những tôn giáo nội sinh này đều mang theo trong mình những
hình ảnh "Cứu thế”.
Bửu Sơn Kỳ Hương ("núi báu hương lạ") thuyết
giảng cho dân chúng về "Hội Long Hoa", theo đó sẽ diễn ra tại vùng Thất
Sơn (Châu Đốc, An Giang) với sự xuất hiện của Phật Di Lặc
- "Maitreya" trong tiếng Phạn, nghĩa là đấng
Cứu độ chúng sanh, chuyển qua Hán ngữ là 彌 勒,
đọc theo âm Việt của hai chữ này là "Di Lặc".
Ý niệm "Cứu độ" còn được chia sẻ trong Tứ Ân
Hiếu Nghĩa, trong Hòa Hảo, Cao Đài ../.
* Mời đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1325135814587062
--------------------------------------------------------
Nguồn: Mattheu NChuong
Hình 1: Chùa Tam Bửu ở Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) của
đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa;
Hình 2: Thánh thất Tây Ninh của đạo Cao Đài;
Hình 3: Chùa Tây An của Bửu Sơn Kỳ Hương
Hình 4: Tổ đình của Phật giáo Hòa Hảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét