ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1532, ngày 24 tháng 11 năm 1938

Lơ ngơ không biết nên dịch sai chăng?

 LƠ NGƠ KHÔNG BIẾT NÊN DỊCH SAI CHĂNG?

Mỗi khi Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước CHXHCN VN qua thăm Mỹ, báo chí trong nước đưa tin: "chuyến thăm chính thức cấp nhà nước".

Trong khi đó, quí bạn chú ý, các đời Tổng thống Mỹ khi mời phái đoàn lãnh đạo của CHXHCN Việt Nam qua thăm, hết thảy đều tiếp đón theo nghi thức gọi là "Working Visit"; KHÔNG phải nghi thức "State Visit" (hiểu nghĩa đen là "chuyến thăm nhà nước"), cũng KHÔNG phải nghi thức "Official Visit" (hiểu nghĩa đen là "chuyến thăm chính thức")!

Ủa, vậy là sao?

Bên Mỹ có nhiều nghi thức khác nhau mà Tổng thống Mỹ dành tiếp các phái đoàn ngoại giao đến Bạch Cung (The White House), trong đó có 3 nghi thức chánh yếu: cao nhứt là "State Visit", kế đó là "Official Visit", rồi "Working Visit".

Ở mức độ thấp hơn "Visit", đó là những "cuộc gặp gỡ" (Meeting) nhân sự kiện hội nghị quốc tế nào đó diễn ra trên đất Mỹ, hoặc tiếp xúc "riêng" (Private) bên ngoài Bạch Cung.

Nếu dịch rị mọ theo nghĩa đen, "state" là nhà nước (quốc gia), "visit" là chuyến thăm, vậy "State Visit" nghĩa là "chuyến thăm cấp nhà nước", dịch vậy là ... bị hố, trật lất! Thì đó, bạn đâu thể nào dịch "Secretary of State" là "Thư ký (bí thư) của quốc gia", mà đều hiểu chữ đó phải dịch là "Ngoại trưởng" (Bộ trưởng Ngoại giao).

Người Mỹ họ có cách định danh riêng theo cách của họ, như sau:

1/ STATE VISIT, nghĩa là chuyến thăm mang tính chất Quốc khách, nghi thức dành cho Quốc khách. Bởi vì "State Visit" là nghi thức dành cho Quốc khách nên thỉnh thoảng TT Mỹ mới tổ chức.

Nhựt Bổn là đồng minh chí thiết với Mỹ nhưng cho tới nay, suốt mấy chục năm, mới có 3 lần Mỹ dành nghi thức "State Visit" mà thôi. Một lần tiếp đón Nhựt hoàng Hirohito hồi năm 1975, một lần với Nhựt hoàng Akihito năm 1994, và một lần dành cho Thủ tướng Shinzo Abe hồi năm 2015.

Với Thái Lan, cho đến nay cũng chỉ một lần Mỹ dành nghi thức Quốc khách khi tiếp đón Quốc vương Bhumipol vào năm 1960.

Tân Gia Ba (Singapore) cũng một lần, "State Visit" dành cho Thủ tướng Lý Hiển Long khi thăm Mỹ hồi năm 2016.

Đối với Việt Nam, nước Mỹ trải qua hai thời kỳ thiết lập bang giao: với VNCH, sau đó, với CHXHCN VN. Tính chung cả hai thời kỳ cho đến nay, Mỹ tiếp đón Quốc khách (State Visit) cũng chỉ mới một lần duy nhứt, hồi năm 1957, dành cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Còn "State Visit" đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh?

Lần đầu tiên, Mỹ dành nghi thức Quốc khách cho giới lãnh đạo bên Tàu là vào năm 1985, khi tiếp Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm. Mãi tới 12 năm sau, vào năm 1997 Mỹ mới tiếp tục nghi thức "State Visit", khi tiếp đón Chủ tịch nước Giang Trạch Dân.

Tuy nhiên, dưới thời TT Barack Obama tại vị, ông Obama biệt đãi Bắc Kinh tới mức dành nghi thức "Chuyến thăm của Quốc khách" (State Visit) liên tiếp hai lần! Dành cho ông Hồ Cẩm Đào hồi năm 2011, rồi đến ông Tập Cận Bình hồi năm 2015.

Trong khi đó Tổng thống Donald Trump, trong suốt nhiệm kỳ của ông, không tiếp họ Tập bằng "State Visit", thấp hơn chút như "Official Visit" cũng không. Mà chỉ tiếp đón mang tính chất "riêng tư" (private) tại tư dinh ở Florida.

2/ OFFICIAL VISIT, theo cách dùng chữ của ngành ngoại giao Mỹ, được hiểu là chuyến thăm mang tính chất thượng khách, nghi thức dành cho thượng khách (nhưng chưa tới mức gọi là "Quốc khách" như State Visit).

3/ WORKING VISIT là chuyến thăm mang tính chất công vụ.

Tóm lại, STATE VISIT là chuyến thăm theo nghi thức Quốc khách.

OFFICIAL VISIT là chuyến thăm theo nghi thức Thượng khách.

WORKING VISIT là chuyến thăm theo nghi thức Công vụ.

*&*

* Làm sao biết các nghi thức mà Tổng thống Mỹ dành tiếp đón giới lãnh đạo các quốc gia?

Dễ lắm, được công khai rõ rành trên website Bộ Ngoại giao Mỹ (United States Department of State), vào mục "Visit by Foreign Leaders". Rồi xem theo năm (By Year), ghi chú mỗi năm tiếp đón những nguyên thủ nào của quốc gia nào, theo nghi thức nào (từ năm 1874 đến nay). Hoặc xem theo tên quốc gia (By Country), chẳng hạn gõ vào "Vietnam" có ghi rõ họ tên các nguyên thủ, nghi thức tiếp đón và thời gian của chuyến thăm.

* Những nghi thức nói trên, có gì khác nhau?

Cũng dễ phân biệt, coi hình ảnh mà báo chí đưa lên, để ý một chút thì biết thôi.

Cả ba nghi thức Quốc khách (State Visit), Thượng khách (Official Visit), Công vụ (Working Visit) đều có chung hình ảnh là sự xuất hiện đoàn xe hộ tống (motorcade) đưa đến Bạch Cung. Trên xe có cắm cờ khổ nhỏ của nước chủ nhà (Mỹ) và cờ của quốc gia khách mời.

Và, dĩ nhiên, có hình ảnh Tổng thống Mỹ hội kiến với khách mời tại phòng Bầu dục trong Bạch Cung.

Nhưng, nếu bạn KHÔNG thấy hình ảnh khách mời duyệt hàng quân danh dự (honor guard);

KHÔNG thấy hình ảnh lễ đón chính thức (gọi là "Arrival Ceremony") tại phía Nam tòa Bạch Cung (South Lawn) với bãi cỏ xanh mướt mênh mông;

KHÔNG thấy cử bản quốc ca của quốc gia khách mời & cũng KHÔNG thấy lễ thượng kỳ của lá cờ quốc gia khách mời bay phất phới nơi khuôn viên Bạch Cung => biết ngay chuyến thăm đó thuộc về chuyến thăm theo nghi thức Công vụ (Working Visit)!

4 cái KHÔNG nêu trên, nếu trở thành CÓ thì đó là chuyến thăm theo nghi thức Thượng khách (Official Visit), Quốc khách (State Visit). Ở cấp Quốc khách (State Visit), Tổng thống Mỹ còn ra tận phi trường để đón.

* Ngoài ra, nếu bạn thấy đăng hình dùng tiệc khoản đãi khách mời tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, chủ nhà là Phó Tổng thống Mỹ, chắc mẩm "Working Visit" không sai vào đâu được.

Bởi vì chỉ ở nghi thức "Official Visit", "State Visit" - yến tiệc (gọi là "State dinner") mới được tổ chức ngay trong Bạch Cung, và chủ trì bởi Tổng thống Mỹ.

THAY LỜI KẾT

Đã là "Visit" (bất luận "Visit" nào), tức là qua thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ (bởi vì vẫn có nhiều trường hợp gặp gỡ Tổng thống Mỹ đâu qua nghi thức "Visit"), thảy đều có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bang giao!

Ngay cả nguyên thủ của nước Anh, nước Nhựt... cũng nhiều lần qua Mỹ được đón tiếp bằng "Working Visit", đâu có gì mà phải sân si.

Thành thử quí vị làm báo trong nước hãy chịu khó viết cho chuẩn xác, cái nào ra cái đó, chẳng hạn "Working Visit" thì ghi rõ "Chuyến thăm công vụ".

Giữa thời đại Internet, mà còn khư khư làm báo kiểu "hũ nút", nghĩ cũng lạ đời thiệt ./.

-----------------------------------------------------------------

Nguồn: Matthew NChuong

Vài hình ảnh về nghi thức dành cho Quốc khách (State Visit)

(hình 1): 1957, TT Eisenhower tiếp đón TT Ngô Đình Diệm.

(hình 2): 1960, TT Eisenhower tiếp đón vua Thái Lan Bhumipol.

(hình 3): 1982, TT Ronald Reagan tiếp TT Suharto của Nam Dương (Indonesia).

(hình 4: 2018, TT Donald tiếp TT Pháp Emmanuel Macron.

(hình 5): 2015, TT Barack Obama tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình.







 

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1530, ngày 10 tháng 11 năm 1938

Đồng âm dị nghĩa: "sái não" với Hán tự

 ĐỒNG ÂM DỊ NGHĨA: “SÁI NÃO” VỚI HÁN TỰ

* Sao, chia tay Hán tự là "làm gãy" truyền thống văn hóa? Nói năng hồ đồ cỡ vậy mà cũng nói cho bằng được! Kỳ thực đó là sự đánh tráo khái niệm khi qui hết thảy văn-hóa-người-Việt chúng ta chỉ vào mỗi vốn liếng chữ Hán mà thôi!

&1&

Khi quí bạn đọc chữ Quốc ngữ, chẳng hạn, “hoàng” thì ắt phân vân không rõ “hoàng” là màu vàng hay “hoàng” là ông hoàng (vua), hoặc “hoàng” trong kinh hoàng…? Phe cổ súy Hán tự có dịp công kích ngay: đó, nếu viết / biết chữ Hán thì đâu rơi vào sự mờ mịt do viết chữ Quốc ngữ!

Lập luận khá phổ biến của những người ủng hộ chữ Hán là rứa đó. Thậm chí, họ còn nâng quan điểm cho rằng cắt đứt Hán tự là “gãy” truyền thống, “đứt đoạn” với truyền thống.

Ai trong chúng ta không biết chữ Hán thì dễ bị hớp hồn trước lập luận, tưởng họ nói đúng. Tưởng vậy là tưởng bở đó đa!

Đồng âm dị nghĩa, nên nhớ, là hiện tượng bất luận ngôn ngữ nào cũng có hết; nhưng ở Hán tự thì đồng âm dị nghĩa nhiều tới mức “sái não”!

Người biết chữ Hán mà lập luận (nêu trên) thì họ đang lừa bạn, cũng có thể tự lừa chính họ.

&2&

Quí bạn có biết là…có đến 34 chữ Hán viết khác nhau nhưng đều đọc là “hoàng”! Chẳng hạn, ký tự “hoàng” là ông vua (trong “hoàng đế”), ký tự “hoàng” là màu vàng. Phe cổ súy Hán tự sẽ reo lên: đó, mỗi ký tự rõ rành, đâu nhầm lẫn “hoàng” là vua hay màu vàng như khi viết chữ Quốc ngữ.

Sự thực là đây: ký tự viết khơi khơi, đố ai dám chắc mang nghĩa “ông hoàng”. Là sao? Vì “ông hoàng”, thực ra, chỉ là 1 trong 14 nghĩa của ký tự đó đa! Nhiều nghĩa khác nhau cỡ bắn đại bác không tới, rất “quái”, cùng viết mà nào nghĩa là “ông hoàng”, nghĩa là “bầu trời”, rồi lại có nghĩa là “nhà không có bốn vách”, nhà trống hoác, hoặc có nghĩa là “chỗ trước cửa buồng ngủ”…

Sự thực là đây: ký tự viết mình ên, đâu ai dám chắc mang nghĩa “màu vàng”! Bởi ký tự ngoài nghĩa “màu vàng”, còn có những nghĩa như ri: “thất bại”, “đồi trụy”, rồi nghĩa là “già lão”…!

Mới liệt kê 2 ký tự (, ), trong 34 ký tự đều đọc âm “hoàng”, mà đã lủ khủ nhiều nghĩa.

Khi quí bạn đọc chữ Quốc ngữ “h-o-à-n-g” (mà không có ngữ cảnh đi kèm), bạn có thể phân vân trước số nghĩa khác nhau đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng nếu chúng ta không có chữ Quốc ngữ, mà học Hán tự như hàng bao thế kỷ trước kia, nội một ký tự “hoàng” (không có ngữ cảnh đi kèm), biết cái chữ này nghĩa gì trong 14 nghĩa? Tổng hợp 34 ký tự (Hán tự) đồng âm “hoàng”, bét lắm cũng khoảng 100 nghĩa, chẳng phải nhíu mày nhẹ nhàng phân vân mà là…bóp óc, sái não để tìm ý nghĩa, nặng nề như lãnh búa tạ!

&3&

Thấy gì?

3a) Về ngữ âm: Chữ Hán thích hợp với tiếng Tàu, nhưng BẤT LỰC trước Tiếng (nói) Việt vì KHÔNG chứa được di sản tiếng “thuần Việt” (tức "quốc âm").

3b) Về ngữ nghĩa: Chữ Hán xảy ra tình trạng một ký tự thường có nhiều nghĩa, thậm chí rất nhiều. Điều này gây khó khăn không ít cho việc “nhận diện” ngữ nghĩa.

&4&

4a) Thời xưa, biết chữ Hán là giới thầy đồ, giới quan quyền (quan văn, quan võ), vua chúa. Giới bình dân người Việt phần lớn “mù chữ” về Hán tự, mà do vậy lại càng ít hiểu biết về Hán học. Bước vô chùa, vô đình đền, những hàng chữ Hán thì họ đâu biết đọc, thảy đều nhờ thầy đồ giải thích.

Vậy, có “gãy” truyền thống văn hóa không? Ắt là không! Vì nếu “gãy” thì người Việt đã “gãy” từ lâu rồi (đa phần dân chúng đâu biết chữ Hán), chớ không phải đợi tới thời cận đại, hiện đại.

Không “đứt đoạn” với truyền thống, là bởi vì truyền thống bao trùm rất rộng – trong nghệ thuật diễn xướng dân gian, trong ca dao tục ngữ truyền khẩu, trong văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục .v.v… chớ không phải qui hết thảy văn-hóa-người-Việt vào vốn liếng chữ Hán mà thôi.

4b) Bổn phận, cũng có thể gọi là sứ mạng, trong việc nghiên cứu di sản Hán tự trong thư tịch lịch sử Việt là nằm ở giới trí thức, đặc biệt là những chuyên gia ngôn ngữ học.

Nếu “đứt đoạn” gì đó, lỗi – trước hết – nằm ở những trí thức “đặc hiệu” như rứa, đừng trút trách nhiệm cho bà con người Việt làm đủ thứ ngành nghề chỉ vì họ… không biết chữ Hán (!?).

Hãy dành thời gian mà chuyên tâm nghiên cứu và phát triển di sản ngôn ngữ, hỡi các vị! Đừng suốt ngày rêu rao ngoài miệng, kỳ thực, là đi làm những trò bung xung, giả nhân giả nghĩa, không hơn không kém! ./.

-----------------------------------------------------------------------

Nguồn: Mattheu NChuong

Hình ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, đau đáu trước "quốc âm" (tiếng thuần Việt) bị đẩy ra khỏi Hán tự (chỉ có thể đọc âm Việt-Hán, không đọc âm thuần Việt)!



 

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1529, ngày 3 tháng 11 năm 1938

Trả lại sự công chính cho người công chính

 TRẢ LẠI SỰ CÔNG CHÍNH CHO NGƯỜI CÔNG CHÍNH

(14/11 lễ kính "117 Thánh tử vì đạo tại VN"; ngày 24/11 tới đây lễ kính này diễn ra ở qui mô thế giới)

Dù cho trong quí bạn có những người không chia sẻ tín lý vào việc "tuyên Thánh", cũng rất nên biết lý do bách hại những người thờ phượng Chúa Jesus là do vua quan vịn vào "tập tục truyền thống". Oái ăm thay, tín đồ thờ phượng Chúa Jesus bị cho là "tà đạo", rốt cuộc, đem lại nếp văn minh cho quê hương! Là sao? Mời đọc cho tỏ tường:

/1/ Cần giải ảo, trước hết, về việc tử-vì-Đạo không liên hệ đến chánh trị thực dân:

Vẫn dai dẳng cái lối biện luận cho rằng những người bị bách hại là vì... có liên hệ với thực dân Pháp (?). Cái này là "gắp lửa bỏ tay người", ác đức hết sức, gieo oan không thể tưởng!

Quí bạn có biết, chỉ trong vòng gần một thế kỳ rưỡi (từ năm 1740 đến năm 1883) ước khoảng 130.000 người cho đến 300.000 người bị bách hại, tử hình chỉ vì "tội" theo đạo Công giáo! Con số tàn sát phải nói là khủng khiếp!

Trong số đó, chỉ mới có 117 vị được tuyên hiển Thánh tử vì đạo (bởi Giáo hội Công giáo hoàn vũ), bị giết trong các đời vua chúa sau đây:

2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767)

2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782)

2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802)

58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841)

3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847)

50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883)

Hết thảy các đời từ chúa Trịnh Doanh, chúa Trịnh Sâm, vua Cảnh Thịnh, vua Minh Mạng cho đến vua Thiệu Trị bách hại đạo Công giáo đều xảy ra TRƯỚC khi người Pháp nổ súng xâm lấn nước Việt (1858)!

Không lẽ những người Công giáo bị giết dưới đời chúa Trịnh Doanh hồi năm 1740 là vì mắc tội... "hiện hồn về, bắt tay" với quân Pháp mà mãi hơn một thế kỷ sau mới xuất hiện (1858)?

Không lẽ tín hữu Công giáo bị sát hại bởi sắc lịnh của vua Minh Mạng (1820-1841) là do có thuật "chết rồi, sống lại để... giao du" với Pháp sau đó những hơn ba mươi năm?

Mà ngay cả dưới đời vua Tự Đức (1847-1883), trong tất cả các chiếu, dụ của vua bách hại người theo Công giáo đều không có nội dung nào dính dấp đến chống đối luật nước. Thậm chí ngược lại, như vào năm 1864 ngưng bách hại, vua Tự Đức hạ Dụ rằng: "sự trung thành của người Công giáo đối với đạo và luật nước đã làm trẫm hết sức khâm phục"!

Chính nhà vua Tự Đức tán dương người Công giáo là "trung thành với luật nước", tức luật của triều đình.

(đời sau bỗng dưng có đám người đi ... nhét chữ vào miệng vua Tự Đức khi cho rằng vua sát hại người Công giáo vì họ chống đối luật nước ?!)

/2/ Vậy, vua quan sát hại những người thờ phượng Chúa Jesus là bởi lý do nào? Hoàn toàn thuộc về sự khác biệt trong quan niệm tin ngưỡng, tập tục "truyền thống".

Các vua quan bắt tín đồ thờ phượng Chúa Jesus phải bước qua cây Thập giá: tuân lịnh thì sống, trái lịnh thì chết.

Thấy gì? Rõ rành đây thuần túy là sự bách hại về mặt tín ngưỡng tôn giáo.

Các đời vua quan hồi đó chưa biết đến, nói thẳng là "hủ lậu", về quyền tự do lựa chọn tôn giáo căn bản & chính đáng trong quảng đại quần chúng.

Học giả Trần Trọng Kim, trong cuốn "Việt Nam sử lược", nhận định: "Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo. Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều tàn ác!".

/3/ Chỉ vì không thuận theo vài tập tục "truyền thống" thì bị đấu tố, lôi ra giữa đàng, phải bị giết chết (!). Thật là hủ lậu, vô nhân đạo đến rợn người.

Ở đây, quí bạn chú ý đến 2 "truyền thống" phổ biến trong lòng xã hội VN thế kỷ 18, 19. Đó là:

3a) Tín lý của Đạo thờ phượng Chúa tuyên xưng, rằng: từ người nông dân chân lấm tay bùn cho đến bực vua quan quyền quí đều BÌNH ĐẲNG VỀ PHẨM GIÁ - bởi vì "mọi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa".

Tín niệm này khiến cho não trạng truyền thống coi "vua là con Trời" làm sao chấp nhận cho nổi! Giới vua quan triều đình thì đâu thể ngang hàng về phẩm giá với dân đen!

Đạo Công giáo mang suy nghĩ đó rao giảng cho dân đen ở nước Việt, có khác nào làm cho sự tôn quí của "con Trời" (thiên tử) mất uy linh, gây tổn hại đến quyền lực của vua?

3b) Tín niệm thờ phượng Chúa rao giảng hôn nhơn "một vợ một chồng", quả là HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC với "truyền thống" chế độ đa thê trong xã hội VN bấy giờ, vua quan được phép có nhiều vợ chánh thức cùng lúc.

Dân đen mà càng theo Công giáo thì họ sẽ càng nhận thấy vua quan đa thê là "lỗi Đạo Chúa"! Vua quan nước Việt thời bấy giờ làm sao chấp nhận cho nổi họ bị chê trách là "lỗi Đạo"?

Thấy gì? Hôn nhơn "một vợ một chồng" mới thực là não trạng văn minh! (còn đa thê lại là một truyền thống cần phải bị xóa bỏ, và quả thật - như chúng ta đang thấy - đã bị hủy bỏ!).

Đem lại phép văn minh trong hôn nhơn, lại bị cho là "tà đạo", oái ăm vậy đó!

/4/ Theo đạo Công giáo là vì lợi lộc vật chất (?):

Một lần nữa, quí bạn cần gìn giữ cái nhìn khách quan về lịch sử. Gần một thế kỷ rưỡi bị bách hại, TRONG THẾ KỶ 18 VÀ THẾ KỶ 19, từ chúa Trịnh Doanh cho đến vua Tự Đức, hễ ai theo Công giáo là rước lấy nguy cơ không toàn thây, mạng sống bị đe dọa.

"Lợi lộc" nào ở đây, ngoài cái chết?

Trong rất nhiều cuộc bách hại, tín hữu Công giáo nào mà chấp nhận bước qua thập giá, chẳng những không bị giết chết lại còn được thưởng nén bạc nén vàng. Ta nói, từ bỏ đạo Công giáo thì mới có lợi lộc đó đa!

Hồ đồ đến vậy ("theo Công giáo thì được cơm ăn, lợi lộc") mà cũng ráng tuyên truyền lếu láo cho bằng được.

TẠM THAY LỜI KẾT

Hàng trăm ngàn người VN theo đạo Công giáo bị bách hại, đó đã là một thảm trạng khủng khiếp dành cho người công chính.

Đã vậy còn bị gán cho đủ thứ tội tình bởi tâm địa kích động thù hằn. Người công chính bị gieo rắc oan khiên.

Ta nói, quí bạn bất luận theo tôn giáo nào mà MANG TÂM ĐẠO CHƠN CHÁNH, ắt quí bạn hiểu CẦN THÁO GỠ MỌI OAN KHIÊN (*).

Có làm như vậy thì mới khỏe khoắn cho tâm trí lẫn tâm hồn ./.

---------------------------------------------------------------

Nguồn: Mattheu NChuong




Tên gọi "Thăng Long" ("Rồng Bay") tồn tại chính thức bao lâu? Không lâu như thơ ca thường thêu dệt...

 TÊN GỌI "THĂNG LONG" ("RỒNG BAY") TỒN TẠI CHÍNH THỨC BAO LÂU? KHÔNG LÂU NHƯ THƠ CA THƯỜNG THÊU DỆT...

Tên gọi "Thăng Long" xuất hiện cách đây ngàn năm thì rõ rồi (vào năm 1010), nhưng "xuất-hiện-cách-đây" hoàn toàn KHÁC với thời gian tồn tại chính thức của danh xưng này!

1) THĂNG LONG 昇龍 (nghĩa là "rồng bay"), do Lý Thái Tổ mở đầu triều Lý đặt tên cho kinh đô, vào năm 1010.

2) Trần Thái Tông mở đầu triều Trần, vào năm 1243 đã đổi tên kinh đô là LONG PHƯỢNG

3) Hồ Quý Ly dựng nên triều Hồ (kế tiếp triều Trần), 1397 đổi tên là ĐÔNG ĐÔ 東都

4) Đến Lê Thái Tổ mở đầu triều Hậu Lê, năm 1430 đổi tên kinh đô là ĐÔNG KINH 東京.

Chú ý: tên gọi "Đông Kinh" được dùng chính thức suốt triều Lê Trung Hưng kế tiếp (vua Lê - chúa Trịnh), khi đất nước phân chia Đàng Ngoài / Đàng Trong. Người phương Tây khi giao thương với Đàng Ngoài, do kinh đô được gọi là "ĐÔNG KINH" (không còn gọi "Thăng Long"), họ cũng dựa vào đó mà gọi là "Tonkin"!

Sau này khi Pháp đặt chế độ bảo hộ, họ dựa theo tên gọi "Tonkin" đã quen thuộc với phương Tây (nhắc lại: có nghĩa là "Đông Kinh") mà đặt tên cho toàn vùng Bắc Kỳ là "TONKIN" (còn tên gọi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ là do vua Minh Mạng đặt ra vào năm 1831 trước hơn nửa thế kỷ khi người Pháp xâm lược).

Họ cũng gọi tên vùng biển phía Bắc (trong nước gọi "Vịnh Bắc bộ") là: "Gulf of TONKIN" (vịnh Đông Kinh) - tên gọi vịnh như rứa vẫn còn đang dùng trên bản đồ thế giới hiện nay.

5) Qua triều Nguyễn, vua Gia Long vào năm 1805 đổi tên từ "Đông Kinh" sang "Thăng Long" - NHƯNG "Thăng Long" 昇隆 này chỉ đồng âm mà KHÁC nghĩa hoàn toàn, KHÔNG phải "rồng bay" mà mang nghĩa "hưng thịnh vươn lên".

Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên là HÀ NỘI , được dùng cho đến hiện nay.

* Thấy gì? Dựa theo danh xưng CHÍNH THỨC do các triều đại đặt tên, thì "THĂNG LONG" (mang nghĩa "Rồng bay") tồn tại từ năm 1010 đến năm 1243, té ra là ... 233 năm, chưa đầy hai thế kỷ rưỡi!

Có những người bỗng quên béng "Thăng Long" đã đổi sang tên khác dưới triều Trần. Thôi thì... cho tồn tại tới đầu đời Hồ là dứt (không cách gì bôi xóa được dữ kiện này) => "Thăng Long" từ 1010 đến 1397, vị chi 387 năm thôi (chớ kiếm đâu ra "ngàn năm tồn tại danh xưng Thăng Long"?).

*&*

Ta nói ký ức thì đâu bị "buộc" phải theo văn bản, tồn tại miết, thành thử "Thăng Long" với nghĩa "rồng bay" được nhắc đi nhắc lại.

Chẳng hạn, tên gọi "Sài Gòn" về mặt văn bản thì đã dứt vào tháng 7 năm 1976. Nhưng, đến nay đã 45 năm trôi qua, ký ức vẫn gọi tên là SÀI GÒN đó đa!

--------------------------------------------------------

Nguồn: Mattheu NChuong

(Hình ảnh: "Thăng Long", tên gọi của một thời không quá dài)



 

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1528, ngày 27 tháng 10 năm 1938

Quảng Nam - Đà Nẵng ghi dấu Công Giáo, Tin Lành

 QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG GHI DẤU CÔNG GIÁO, TIN LÀNH

* Hội thánh Tin Lành tự trị đầu tiên được truyền giảng vào nước VN từ năm 1911, tại Hội An. Và nhà thờ Tin Lành do chính người VN dựng là "Nhà thờ Tin Lành Hội An" cất vào năm 1929.

* Giáo xứ xưa nhứt của Công giáo VN là giáo xứ Hội An, nhà thờ của giáo xứ này xây cất vào năm 1615.

1/ Phan Khôi, nhà nghiên cứu và nhà thơ nổi tiếng (bài "Tình già"), đã sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt (Kinh Thánh Tin Lành).

Đấng Christ, viết bằng chữ Hán là 基督, âm Việt của hai chữ Hán này là "Cơ Đốc". Thành thử Cơ Đốc giáo : thờ phượng Chúa Cơ Đốc, tức Chúa (Jesus) Christ.

Tên gọi của các sứ đồ, được phiên âm từ tiếng Pháp. Như Matthieu => Ma-thi-ơ, Jean => Giăng, Marc => Mác, Pierre => Phi-e-rơ, rồi Joseph => Giô-dép ...

2/ Trong khi đó, nhiều danh xưng bên Công giáo được phiên âm từ tiếng Bô.

Lịch sử truyền giáo vào nước Việt là đầu thế kỷ 17, và các vị giáo sĩ đa số là người Bồ (có một ít là người Ý). Thành thử rất nhiều cách gọi trong đạo Công giáo hiện diện tại VN là từ các ngài giáo sĩ dòng Tên này, từ tiếng Bồ Đào Nha.

Chúa Giê-su Ki-tô <= (tiếng Bồ) Jesus Cristo.

Thánh Gioan <= (tiếng Bồ) João

Thánh Mác-cô <= Marcos.

Thánh Lu-ca <= Lucas.

Thánh Mát-thêu <= Mateus

Rồi, còn nữa:

Ma-ri-a <= (tiếng Bồ) Maria

Giu-se <= José

Phê-rô <= Pedro

Phao-lô <= Paulo ...

* Suốt giai đoạn đầu HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ, là bởi các vị người Bồ (chớ không có vị nào quốc tịch Pháp, Anh hết trơn)!

Nổi bật nhứt, công trạng hàng đầu, thuộc về giáo sĩ người Bồ Francisco de Pina. Ngài đến Đàng Trong vào năm 1617 - đến Quảng Nam và Qui Nhơn. Ngài Francisco de Pina đã dựa vào hệ thống ký tự Bồ (cũng nằm trong hệ thống ký tự Latin) để tìm cách ký âm tiếng Việt mà ngài gọi là "chữ viết cho tiếng An Nam".

Giáo sĩ Alexander Rhodius (Đắc Lộ) học nói tiếng Việt và học bộ chữ mà sau này chúng ta gọi là "chữ Quốc ngữ" do Francisco de Pina đặt nền móng. Ngài Đắc Lộ hoàn thiện, và ấn phẩm nối tiếng là "Từ điển Việt - Bồ - La" (tên nguyên bản "Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum"), xuất bản vào năm 1651.

Ngài Đắc Lộ (1591-1660) sinh quán tại Avignon, nhiều người nhầm lẫn tưởng ngài là "công dân Pháp quốc". Trật lất!

Ngài là công dân của quốc gia mang tên "Lãnh thổ của Giáo hội" (The State of the Church, tên Latin là "Status Ecclesiasticus").

Quê quán Avignon thuộc Lãnh thổ Giáo hội, kéo dài cho đến cuối thế kỷ 18 sau này lận (năm 1791) thì mới thuộc về nước Pháp.

Thành thử ngài Đắc Lộ soạn từ điển - chú ý - hoàn toàn không có tiếng Pháp phiếc gì ráo, mà là tiếng Latin (ngôn ngữ của Lãnh thổ Giáo hội Công giáo), tiếng Bồ.

----------------------------------------------------

Nguồn: Mattheu NChuong

Hinh ảnh (hàng trên): Nhà thờ Tin Lành Hội An nay, được xây mới trên nền của nhà thờ ban đầu cất vào năm 1929.

Hình ảnh (hàng dưới) Nhà thờ Công giáo Hội An xưa và nay.





 

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

"Biển Đông Nam Á" ("Southeast Asia Sea"): Yes or No?

 "BIỂN ĐÔNG NAM Á" ("SOUTHEAST ASIA SEA"): YES or NO?

Chúng ta, ở trong nước, ghi "Biển Đông" (East Sea); nhưng chỉ cần bước ra khỏi VN, trên thế giới chẳng có nơi đâu ghi "East Vietnam Sea" hết! Cũng vậy, người Phi khi ra khỏi lãnh thổ nước họ, chẳng có nơi nào ghi "West Philippines Sea". Bản đồ thế giới toàn ghi "South China Sea".

Thành thử cũng phải tìm hiểu cớ sao thế giới họ ghi "South China Sea". Xin diễn giải dưới đây, để nghĩ "lối ra" cho việc định danh.

&1&

Khi các bản đồ trên thế giới ghi "South China Sea" (biển Nam Trung Hoa), điều này không hề mang ý nghĩa đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Hoa. Thì đó, "Ấn Độ dương" (Indian Ocean), đâu ai ngớ ngẩn cho rằng cả một đại dương bao la này là thuộc chủ quyền của Ấn Độ?

"Vịnh Mexico" (Gulf of Mexico), có chữ "of" ("của") hẳn hòi, nhưng đâu phải là vùng biển thuộc Mễ Tây Cơ (Mexico), mà lãnh hải ở vùng biển này còn liên can đến Mỹ, đến Cổ Ba (Cuba).

Nữa, "Vịnh Thái Lan" (Gulf of Thailand) đâu thuộc sở hữu cho mỗi Thái Lan, mà còn có phần của Cao Miên (Cambodia), Việt Nam.

&2&

Mỹ họ không bận tâm phải đổi tên "Vịnh Mexico" thành "Vịnh USA", cho dù Mỹ dư sức lấn lướt ở vùng biển này. Mà nói đâu xa, "Vịnh Thái Lan" có phần của VN nhưng chúng ta đâu phải bận tâm để nghĩ ra một cái tên thay vào cụm chữ "vịnh Thái Lan".

Vậy, cớ sự nào khiến cho chúng ta đau đáu về danh xưng của vùng biển nằm về phía đông nước VN? Là bởi vì Bắc Kinh hung hăng, đòi nuốt trọn. Họ cho rằng khi gọi "South China Sea" tức... đây là vùng biển phía nam của họ (?).

Cái lập luận rất "rừng rú" (mặc dù đang nói về... biển) của Bắc Kinh, sai lè lè về mặt luật pháp quốc tế, đã khiến các nước quanh vùng như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương (Indonesia) chỉ muốn đổi phứt cái tên "South China Sea" cho khỏi ngứa mắt!

&3&

VN gọi "East Sea" thì dễ gì Phi Luật Tân chịu. Đến lượt Phi gọi "West Philippines Sea" thì VN rồi Nam Dương đâu nghe lọt lỗ nhĩ. Nam Dương cũng đâu chịu ngồi im, họ đổi tên gọi vùng biển này là "North Natuna Sea" (biển Bắc quần đảo Natuna thuộc Nam Dương).

Thành thử, cho tới giờ phút này, gọi "East Sea" cho mát mặt VN chúng ta, gọi "West Philippines Sea" thì người Phi hài lòng, gọi "North Natuna Sea" thì Nam Dương mãn nguyện.

Nhưng, cũng bởi vì mạnh ai nấy gọi, chỉ có hiệu lực trong nội bộ mỗi nước mà thôi, để rồi... khi ngó ra các bản đồ của thế giới, vẫn cứ rành rành dòng chữ: "South China Sea"!

&4&

Theo Adam Bray, trong bài "The Cham: Descendants of Ancient Rulers of South China Sea Watch Maritime Dispute From Sidelines", cho biết: "Trước thế kỷ 16, giới hàng hải khắp châu Á biết đến vùng này với tên gọi "CHAMPA SEA" (Biển Chàm), được đặt theo tên của một vương quốc từng kiểm soát toàn bộ miền trung VN hiện nay, từ biên giới phía bắc của tỉnh Quảng Bình cho đến gần biên giới phía Nam của tỉnh Bình Thuận" (bản dịch của Ánh Hiền).

Đến thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha trong việc giao thương hàng hải đã gọi vùng biển [mà VN quen gọi là "biển Đông"] là "China Sea" ("Mare da China": biển Trung Hoa), về sau để phân biệt những vùng biển lân cận nên người phương Tây gọi là "South China Sea".

&5&

"South China Sea", vậy là do mấy ông Tây đặt, đâu phải Tàu.

Nếu cứ sóng yên biển lặng thì cái tên gọi "South China Sea", cũng hệt như cái tên "Gulf of Mexico", "Gulf of Thailand"..., đâu chết ai!

Ngặt là có sự tranh chấp, có Tàu Bắc Kinh nổi hung, thấy có chữ "China" trong cái tên - do Tây đặt - thì đòi sở hữu vùng biển này.

* Ở đây, cần tham khảo kinh nghiệm đặt tên "Địa Trung Hải" (Mediterranean Sea).

Các nước quanh vùng, tỉ như Ý gọi "Sea of Sicily" (gọi tên theo hòn đảo thuộc Ý), Hy Lạp đặt tên vùng biển là "Sea of Crete".v.v... Cuối cùng, các nước này ĐỒNG THUẬN NGỒI LẠI HỌP BÀN với Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO: International Hydrographic Organization), để cùng thống nhứt gọi tên vùng biển là: "Địa Trung Hải", không dính tên bất cứ quốc gia nào trong vùng hết, khỏi đôi co nữa!

Vậy, gọi vùng biển (mà VN gọi "biển Đông") bằng cái tên chung: "Biển Đông Nam Á" (Southeast Asia Sea) cũng là một đề xuất rất hợp lý. Không dính tên bất cứ quốc gia nào ở trỏng, khỏi sân si gì ráo.

&6&

NHƯNG, các nước quanh vùng đâu chịu ngồi chung họp bàn cùng với Tổ chức IHO (để thống nhứt một cái tên chung).

Thành thử trong những hội nghị quốc tế do Liên Hiệp quốc chủ trì, ngay cả khi chỉ trích "China" của chế độ Bắc Kinh làm bậy đi nữa, thì trên bản đồ & trong văn bản vẫn ghi vùng biển nơi đây là: "South China Sea".

Vậy đó.

--------------------------------------------------------------------

Nguồn:

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1526, ngày 13 tháng 10 năm 1938

Đồng Âm Dị Nghĩa: "sái não" với Hán tự

 ĐỒNG ÂM DỊ NGHĨA: “SÁI NÃO” VỚI HÁN TỰ

* Sao, chia tay Hán tự là "làm gãy" truyền thống văn hóa? Nói năng hồ đồ cỡ vậy mà cũng nói cho bằng được! Kỳ thực đó là sự đánh tráo khái niệm khi qui hết thảy văn-hóa-người-Việt chúng ta chỉ vào mỗi vốn liếng chữ Hán mà thôi!

&1&

Khi quí bạn đọc chữ Quốc ngữ, chẳng hạn, “hoàng” thì ắt phân vân không rõ “hoàng” là màu vàng hay “hoàng” là ông hoàng (vua), hoặc “hoàng” trong kinh hoàng…? Phe cổ súy Hán tự có dịp công kích ngay: đó, nếu viết / biết chữ Hán thì đâu rơi vào sự mờ mịt do viết chữ Quốc ngữ!

Lập luận khá phổ biến của những người ủng hộ chữ Hán là rứa đó. Thậm chí, họ còn nâng quan điểm cho rằng cắt đứt Hán tự là “gãy” truyền thống, “đứt đoạn” với truyền thống.

Ai trong chúng ta không biết chữ Hán thì dễ bị hớp hồn trước lập luận, tưởng họ nói đúng. Tưởng vậy là tưởng bở đó đa!

Đồng âm dị nghĩa, nên nhớ, là hiện tượng bất luận ngôn ngữ nào cũng có hết; nhưng ở Hán tự thì đồng âm dị nghĩa nhiều tới mức “sái não”!

Người biết chữ Hán mà lập luận (nêu trên) thì họ đang lừa bạn, cũng có thể tự lừa chính họ.

&2&

Quí bạn có biết là…có đến 34 chữ Hán viết khác nhau nhưng đều đọc là “hoàng”! Chẳng hạn, ký tự “hoàng” là ông vua (trong “hoàng đế”), ký tự “hoàng” là màu vàng. Phe cổ súy Hán tự sẽ reo lên: đó, mỗi ký tự rõ rành, đâu nhầm lẫn “hoàng” là vua hay màu vàng như khi viết chữ Quốc ngữ.

Sự thực là đây: ký tự viết khơi khơi, đố ai dám chắc mang nghĩa “ông hoàng”. Là sao? Vì “ông hoàng”, thực ra, chỉ là 1 trong 14 nghĩa của ký tự đó đa! Nhiều nghĩa khác nhau cỡ bắn đại bác không tới, rất “quái”, cùng viết mà nào nghĩa là “ông hoàng”, nghĩa là “bầu trời”, rồi lại có nghĩa là “nhà không có bốn vách”, nhà trống hoác, hoặc có nghĩa là “chỗ trước cửa buồng ngủ”…

Sự thực là đây: ký tự viết mình ên, đâu ai dám chắc mang nghĩa “màu vàng”! Bởi ký tự ngoài nghĩa “màu vàng”, còn có những nghĩa như ri: “thất bại”, “đồi trụy”, rồi nghĩa là “già lão”…!

Mới liệt kê 2 ký tự (, ), trong 34 ký tự đều đọc âm “hoàng”, mà đã lủ khủ nhiều nghĩa.

Khi quí bạn đọc chữ Quốc ngữ “h-o-à-n-g” (mà không có ngữ cảnh đi kèm), bạn có thể phân vân trước số nghĩa khác nhau đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng nếu chúng ta không có chữ Quốc ngữ, mà học Hán tự như hàng bao thế kỷ trước kia, nội một ký tự “hoàng” (không có ngữ cảnh đi kèm), biết cái chữ này nghĩa gì trong 14 nghĩa? Tổng hợp 34 ký tự (Hán tự) đồng âm “hoàng”, bét lắm cũng khoảng 100 nghĩa, chẳng phải nhíu mày nhẹ nhàng phân vân mà là…bóp óc, sái não để tìm ý nghĩa, nặng nề như lãnh búa tạ!

&3&

Thấy gì?

3a) Về ngữ âm: Chữ Hán thích hợp với tiếng Tàu, nhưng BẤT LỰC trước Tiếng (nói) Việt vì KHÔNG chứa được di sản tiếng “thuần Việt” (tức "quốc âm").

3b) Về ngữ nghĩa: Chữ Hán xảy ra tình trạng một ký tự thường có nhiều nghĩa, thậm chí rất nhiều. Điều này gây khó khăn không ít cho việc “nhận diện” ngữ nghĩa.

&4&

4a) Thời xưa, biết chữ Hán là giới thầy đồ, giới quan quyền (quan văn, quan võ), vua chúa. Giới bình dân người Việt phần lớn “mù chữ” về Hán tự, mà do vậy lại càng ít hiểu biết về Hán học. Bước vô chùa, vô đình đền, những hàng chữ Hán thì họ đâu biết đọc, thảy đều nhờ thầy đồ giải thích.

Vậy, có “gãy” truyền thống văn hóa không? Ắt là không! Vì nếu “gãy” thì người Việt đã “gãy” từ lâu rồi (đa phần dân chúng đâu biết chữ Hán), chớ không phải đợi tới thời cận đại, hiện đại.

Không “đứt đoạn” với truyền thống, là bởi vì truyền thống bao trùm rất rộng – trong nghệ thuật diễn xướng dân gian, trong ca dao tục ngữ truyền khẩu, trong văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục .v.v… chớ không phải qui hết thảy văn-hóa-người-Việt vào vốn liếng chữ Hán mà thôi.

4b) Bổn phận, cũng có thể gọi là sứ mạng, trong việc nghiên cứu di sản Hán tự trong thư tịch lịch sử Việt là nằm ở giới trí thức, đặc biệt là những chuyên gia ngôn ngữ học.

Nếu “đứt đoạn” gì đó, lỗi – trước hết – nằm ở những trí thức “đặc hiệu” như rứa, đừng trút trách nhiệm cho bà con người Việt làm đủ thứ ngành nghề chỉ vì họ… không biết chữ Hán (!?).

Hãy dành thời gian mà chuyên tâm nghiên cứu và phát triển di sản ngôn ngữ, hỡi các vị! Đừng suốt ngày rêu rao ngoài miệng, kỳ thực, là đi làm những trò bung xung, giả nhân giả nghĩa, không hơn không kém! ./.

-----------------------------------------------------------------------

Nguồn: Mattheu NChuong

Hình ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, đau đáu trước "quốc âm" (tiếng thuần Việt) bị đẩy ra khỏi Hán tự (chỉ có thể đọc âm Việt-Hán, không đọc âm thuần Việt)!