ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Họ Hanh Thông Tây

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------------

HỌ HANH THÔNG TÂY

-----------------------

I. – Gốc lập Họ

Họ nầy gốc cha Phước (sau làm Đức cha tại Hà Nội, Mgr. Puginier) đã lập năm Tân Dậu (1861), khi ấy là những người ngoại mà trở lại đạo, chứ không có ai có đạo ở đó trước, ai nấy cũng có nhà đất riêng. (Thiên hạ trở lại đạo, vì thấy người tây có đạo qua cai trị Nam Kỳ, nên muốn theo một đàng một ngả mà giữ đạo.)

Khi đầu người ta xin vô đạo cũng khá đông, nên năm Nhâm Tuất (1862) cha Gia (P. Jourdain) đã có cất một nhà thờ, là trong đời Đức cha Đôminicô (Mgr. Lefèvre). Các cha coi họ thì ở tạm ít lâu tại họ mà thôi, cho đến lối năm 1899 và 1900 thì mới có cha sở ở luôn.

Ban đầu số bổn đạo chừng 300 người; trường học thì không có, cho tới năm 1897 mới lập trường và có hai dì phước Chợ Quán tới dạy.

II. – Các cha coi họ.

Trong năm 1861, có ông Đốc phủ Ca (khi ấy làm hương thân) cùng bà con người, và ít hương chức khác trong làng muốn theo đạo, nên đem nhau đến cùng cha Phước mà xin giữ đạo. Vậy cha Phước đã rửa tội cho ông Đốc phủ Ca và bà con người trước hết tại Hanh Thông Tây.

Khi cha Phước đến thì kẻ ngoại rùng rùng chạy tới mà xin thọ giáo, ước cũng đặng 400 người. Mà nhà thờ chưa có, nên hương chức trong làng đồng lòng dưng cái đình mà làm nhà thờ tạm; thì cha Phước ở tại đó mà dạy chầu nhưng. Song khi mỗi bữa phải đi nghe dạy, thì phần nhiều mấy kẻ xin theo đạo biếng nhác mà thối lui, còn lại không bao nhiêu. Vậy cha Phước đã dạy và rửa tội đặng vài trăm người, cùng lo dạy luôn cho ai nấy đặng xưng tội rước lễ, cùng chịu phép xức trán.

Lúc ấy mọi sự đã bằng an, việc giữ đạo nên thong thả. Vậy cha Phước đổi đi nơi khác, cha ở họ nầy gần đặng một năm.

Kế cha Thọ đổi lại ở ít lâu, rồi tới cha Vọng thế trong chừng vài tháng là năm 1862.

Khi hai cha ấy đổi đi, thì Đức cha sai cha Gia (P. Jourdain) tới coi làm nhà thờ là năm Nhâm Tuất (1862). Khi nhà thờ làm xong rồi cha làm đặng một lễ tại nhà thờ mới, thì Đức cha đổi cha đi nơi khác; nên cha Gia ở họ Hanh Thông Tây đặng chín tháng mà thôi. Kế có cha Doản (P. Devulder) đổi lại là năm 1863, cha ở đó hơn một năm rồi cũng đổi đi. Khi cha Doản đi rồi thì bổn đạo phải chịu mồ côi, hơn một năm không có cha sở.

Qua năm Ất Sửu (1865) trong họ đến xin Đức cha cho một cha ở, thì Đức cha sai cha Dưỡng tới, cha vô ở tại họ đặng vài tháng rồi dọn đồ về ở họ An Nhơn, và lên xuống làm phước làm lễ tại họ nầy mà thôi. Nên họ nầy từ khi mới lập cho đến năm 1899 thì không có cha nào ở luôn làm cha sở cho thật.

Vậy trong họ phần thì đạo mới, phần thì xa cha xa thầy, nên có nhiều kẻ xao lảng bỏ đạo, cùng nhiều người trễ nải; đến năm 1898 có cha Chính đau xin đi nghỉ tại họ nầy, thì Đức cha Để (Mr. Dépierre) đã để người ở coi họ làm cha sở.

Trong đời cha Dưỡng cũng có cho học trò đi Nhà trường Latinh, đặng một người làm thầy cả là cha Thiệt. Đời bây giờ có ít người đang học tại trường. Cha Dưỡng cũng có cho ít nhi nữ đi tu vào nhà phước, và đời bây giờ cũng có; trong những kẻ đi Nhà trường, nhà phước, chẳng phải là đạo dòng cả hai bên cha mẹ, song có một bên đạo dòng, hoặc cha hoặc mẹ mà thôi.

Nhà thờ bây giờ chẳng phải là nhà thờ cha Gia đã cất khi xưa, vì trong năm 1877 thì cha Dưỡng đã dời mà cất lại chỗ khác; đến năm 1900 cha Chính đã tu bổ lại và làm thêm nửa cái cho rộng hơn.

Trước thì chưa có trường học, đồng nhi tựu học tại cái nhà trống, xưa là cái miễu, mà trong họ đã sửa lại để cho cha Dưỡng ở lại khi lên xuống mà làm lễ làm phước cho họ. Bây giờ thì đã có trường rộng rãi, song cũng lợp lá. Cũng có nhà cho cha sở ở, mà vừa vừa và lợp lá.

Trong họ thì Nhà chung có một miếng đất mà thôi, là chỗ cất nhà thờ, còn dư xung quanh thì cho bổn đạo ở. Vậy nhà thờ nầy không có huê lợi gì, nên khi cha Chính ở đó thì đã bàn tính cùng quới chức, cùng xin phép và mượn bạc Đức cha mà cất phố cho mướn, đặng cho có huê lợi chút đỉnh.

Bây giờ thì nhà thờ đã hư rồi, gần sập, nên cha sở là cha Mátthêu Đức phải lo làm lại, tiền bạc chưa có, mới đặng một mớ gạch mà thôi.

Vậy nhà thờ họ nầy chẳng có vật gì là của xưa, còn của nay thì cũng chẳng có vật gì cho xứng đáng. Những người đã ra sức mà lo cho trong họ nầy khi ban đầu, là ông Đốc phủ Ca, ông Phủ Thọ, ông tổng Chua, ông cai Tình, ông câu Đông và Ông câu Quới. Mấy ông ấy chẳng còn mà còn con cháu, ai nấy đều lo bề đạo hạnh khá.

Cha Vêrô Chính ở họ nầy từ năm 1899 tới năm 1912 thì cha đau nặng, nên phải đi nghỉ trên Chí Hòa, ở đó vài tháng thì cha đã qua đời.

Khi cha Chính đi rồi thì cha Mátthêu Đức đổi lại, và làm cha sở coi họ cho đến bây giờ. Số bổn đạo năm nay đặng 600 người.

(Chung về họ Hanh Thông tây)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 


Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Sự tích Cha Nicolas Colson (Sanh)

SỰ TÍCH CHA NICOLAS COLSON (SANH)

Sinh ra 14 Nov. 1846 - Qua Nam kỳ 19 Juil. 1872 - Qua đời 19 Juil, 1913.


Không lẽ chúng tôi quên lâu mà chẳng doãn ít lời vắn tắt về một cha Langsa mới qua đời; thật là một cha nhơn đức, là người lương thiện chơn chất, tề chỉnh, kỹ cang lắm.

Cha Nicolas Colson sinh ra ngày 14 Novembre 1846, tại Manoncourt-sur-Seille về địa phận Nancy, bên nước Langsa; qua Nam Kỳ ngày 19 Juillet năm 1872.

Người mới bước chơn vào đất Nam Kỳ, bề trên dạy người ở nhà trường Latinh. Lúc ấy người có phước gặp cha Wibaux, cha Thiriet, cha Favreau và cha Hirbec, mấy người Latinh cựu thương kính cha lắm.

Học tiếng An Nam, cách một năm người đi coi họ Đất Đỏ, họ Thôm, ai nấy đều thương mến cha hiền lành khiêm nhượng. Ở đó bảy tám năm kế người đau, năm 1882 người phải về Tây dưỡng bịnh; thuyên bịnh rồi người trở lại Đất Đỏ ít lâu; sau Đức Cha đòi người về làm ký lục Đức Cha. Khỏi một năm người lại phải đi Cái Nhum. ở đó hai năm. Đoạn người đổi lên Tân Qui, lên đó làm việc nhiều, nhứt là người ưa làm phước ngồi tòa, bổn đạo nên sốt sắng lắm.

Người có qua giúp họ Búng ít lâu, sau lại trở về Tân Qui lâu lắm. Kế bề trên thấy người đã lớn tuổi yếu đuối nên đem người về họ Chợ Lớn, dầu mà ở đó không có sự an ủi bao nhiêu, nhưng mà người cũng cứ làm việc như thường.

Cha Colson ở đây cũng lâu, nầy là họ sau hết của người.

Tôi xin tóm lại vài lời đơn sơ về nhơn đức người. Cha Colson (Sanh) thật là cha nhơn đức lắm, tôi thấy cách cha ăn ở thì tôi biết thật cha hằng nhớ lời Đ. C. G năng dạy các thánh tông đồ rằng: “Discite à me quia mitis sum et humilis corde: Häy học hành cùng Tao vì Tao hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.”

Lại một lời khác trong gương phước rằng:

Ama nesciri et pro nihilo reputari.” Nghĩa là: “Con hãy ham cho người ta đừng biết con, và lấy con làm như không vậy”

Sự sống người nắp ẩn nơi xó tiện không ai hay ai biết, Sống với Chúa Khirixitô, trong Chúa mà thôi.

Người có lòng tríu mến Đ C Bà, khi nghe người nói khó hay là giảng về Đức Mẹ, thì cách như tỏ ra sự yêu mến lắm.

Còn về sự người kính mến Đ C G ngự trong phép Thánh Thể, ai nói cho xiết. Khi người làm lễ cách đỉnh đạc và có lòng tôn kính tế nhường là thế nào! Người năng đi nói khó cùng Đ C G nơi nhà tạm; nhiều khi người sấp mình trên bàn dậm bàn thờ ban đêm mà cầu nguyện lâu dài, thương mến Chúa chí thiết! Vì có một Đ C G là bạn hữu an ủi người khi còn nơi khách đày nầy mà thôi.

Sau hết nói tắt một lời, trong các việc cách ăn nói, cách điệu đi đứng, bộ tịch nghiêm trang thật thà, coi như người chăm chỉ trước mặt Đứng thiêng liêng luôn luôn chẳng khi dừng; y như lời sách Thánh: “ Comedes in conspectu Domini Dei tui, et loqueris in conspectu Domini Der tui, fecitque quod erat placitum in conspectu Domini”. Mầy hãy ăn nói trước mặt Chúa mầy, và người đã làm mọi sự đẹp đẽ trước mặt Chúa. Người chẳng thiên tư mà bỏ ai, chẳng khinh khi kẻ thấp hèn, nói chuyện cùng an ủi mọi người; mấy lời người giảng cấm phòng nhà trường Latinh thì người ta nói về đức khiêm nhượng hơn, thấy người ở kính đáo và chẳng đua tranh với ai sự gì, ấy là dấu người thật có đức khiêm nhường nhiều.

Có một việc người toan làm sau hết, là người có ý làm một cái nhà thờ nhỏ dưng cho Rất Thánh Trái Tim Đ C G tại họ Chợ Lớn, người mua đá gạch sẵn, lại còn phải đợi tiền đủ mà làm, coi thì việc còn chưa xong, mà cũng là lòng trước mặt Chúa, trông cậy Chúa cho người một tòa rực rỡ trên trời, cùng tốt hơn tòa người có lòng ước ao dưng cho Đ C G dưới đất nầy tại Chợ Lớn vậy.

Ngrời vào nhà thương quan thầy Angier ở đó một tuần, dọn mình cách thánh, chịu các phép xong, về cùng Chúa 7 giờ chiều ngày 19 Juillet 1913,

Cậy vì danh Chúa nhơn từ cầu cho linh hồn thầy Nicolas đặng lên chốn nghỉ ngơi đời đời!!!

Ớ cha rất yêu dấu, bằng cha ở trên thiên đàng bây giờ, xin cha chớ nỡ quên chủng tôi còn lận đận lao đao ở thế gian nầy, cầu cho chúng tôi đặng thắng tam cừu, hầu san đặng về quê thật cùng cha.

Tôi xin dưng mấy lời thật thà, chí tình vắn tắt, xin quí hữu nhậm tình miễn chấp.

CATHÉDRALE. T. T.

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1913

 

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Họ Hóc Môn

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

НỌ НÓС MÔN

---------------------

1.     Gốc lập Họ

 Ông Đốc Phủ Ca khi còn làm Hương Thân thì đã trở lại đạo tại Hanh Thông Tây, và cha Phước (Mgr. Puginier) đã rửa tội cho người tại đó cùng bà con người. Đến năm 1863 thì Nhà nước cho người làm Tri Huyện và cho lên trấn tại Hóc Môn. Trước hết người lo cho mấy hương chức, mấy người lân cận giúp việc mình đặng trở lại học đạo và chịu phép rửa tội. Rửa tội lần đầu hết đặng ước chừng 25 người. Ông Huyện Ca chọn một nhà kia làm nhà thờ tạm. Mỗi bữa tối thì ông Huyện đến đó mà tập người ta học kinh rồi đọc kinh chung lần hột với nhau. Còn ngày Chúa Nhựt lễ cả có đi xem lễ thì đi qua Bà Điểm. Vì ở đó có cha Lý (P. Galy) cũng mới lập họ và lập nhà thờ nữa.

Khi ông Huyện Ca thấy có người ta vô đạo càng ngày càng nhiều thì đến cùng Đức Cha Ngãi cũng gọi là Đức Cha Đôminicô (Mgr. Lefèbvre), mà xin cho một thầy đến dạy. Đức Cha bèn mừng rỡ cùng cho thầy Sâm (chưa chịu chức) là thầy học tại trường Pinăng mà về đến dạy. Qua năm 1864 thì Đức Cha lại cho thầy Dư mới chịu chức cắt tóc đến thế; rồi tới thầy Bình, thầy Phong tiếp theo, là mấy thầy trường latinh Pinăng; đến sau đều làm thầy cả hết.

Qua năm 1867 ông Đốc phủ Ca bỏ nhà tạm thuở nầy và lo lập nhà thờ khác cho xứng đáng hơn. Vì khi đó số bổn đạo đặng bảy tám mươi. Vậy ông Đốc đã mua một miếng đất và làm nhà thờ mới, cây cột chắc chắn lợp ngói và sơn phết vẽ vời sạch sẽ vển vang. Có rước Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) đến làm phép nhà thờ. Đoạn ông Đốc cũng lo cất một nhà cho có cha nào đến làm lễ thì nghỉ đó, và cũng cất trường học một bên nhà cha nữa. Từ đó đến năm 1895 thì có xin thầy nhà trường đến dạy luôn.

Khi Hóc Môn có nhà thờ rồi thì bổn đạo sốt sắng xem lễ đọc kinh, làm việc thờ phượng Chúa cách mạnh mẽ, vì có ông Đốc phủ Ca giúp sức; nên danh đạo thánh đồn ra mấy xứ xung quanh, đâu đó thấy cũng có kẻ muốn trở lại đạo. Vậy ông Đốc bèn chạy đến cùng Đức Cha Gioang mà thuật lại tự sự cùng xin Đức Cha cho nhiều thầy, đặng đi giảng dạy mấy xứ ấy. Đức Cha bèn vui mừng và cho thầy Phong, Nhiên, Quờn và hai thầy Bắc Kỳ bị cơn bắt đạo mà trốn vô đàng trong, là thầy Phan, thầy Vịnh. Sau Đức cha cũng cho thêm bà nhứt Lành thuộc về nhà phước Chợ Quán lên giúp nữa; có cha Gabriel Thành làm đầu những kẻ ấy. Vậy mấy thầy ấy phân nhau mà đi giảng dạy một người một chỗ cùng làm cho nhiều người đặng trở lại. Mấy sở ấy bây giờ hãy còn: là Tân Hưng, Tân Đông, Mỹ Huề, Bà Điểm Hóc Môn, Rạch Dứa, Bến Cỏ, Bến Nẩy, Bàu Tre, Gò Ngãi, Mỹ Khánh, Sủi Cụt, cho tới Rạch Gốc. – Về bà Nhứt Lành thì đi Rạch Gốc, bà ở đó ít năm cùng làm cho nhiều người trở lại; đến sau bà về Tân Hưng cũng đã làm cho nhiều người đặng trở lại, đoạn người qua đời và bổn đạo mai táng người tại đó. Bà nhứt Lành công lao khó nhọc nhiều, nên bổn đạo khóc lóc thương tiếc người lắm. Qua năm 1910 thì đã xây mồ người lại. (1)

II. – Các cha coi Họ

Một mình cha Thành lo coi mấy họ mà cách xa nhau lắm, hết thảy hơn mười hai họ; phần thì lo dạy dỗ chỗ nọ rồi sang chỗ kia, phần thì làm phước, đi kẻ liệt; nên sau hết chẳng còn sức mà làm gì đặng nữa thì đi nghỉ. Năm ấy là năm 1870 thì có cha Vĩnh (P. Le Vincent) và cha Đường làm cha phó Hóc Môn mà thế cho cha Thành. Khi ấy số bổn đạo Hóc Môn đặng chừng 200. Bây giờ có hai cha thì việc thờ phượng Chúa lại càng làm trọng thể hơn nữa. Sau thì cha Vĩnh để cha Đường ở lại Hóc Môn một mình, còn người thì lội lặn đi khắp xứ lo giảng dạy cùng làm ích cho mấy họ lắm. Sau 3 năm thì người cũng mòn sức và đổi đi chỗ khác. Cha Đường ở lại ít tháng rồi cũng đổi đi, kế cho Báu (P. Leprince) đổi lại.

Bấy giờ công việc thì nhiều mà có một mình cha Báu lo hết không có ai giúp người. Biết người phải chịu khó là dường nào. Song thật đáng khen cha chịu cực khổ hết sức. Chẳng quản chi gian nan vì con chiên Chúa. Người hằng đi thăm viếng các họ, chẳng lo đến của ăn áo mặc bao giờ; tới đâu có chi cha dùng nấy. Người siêng năng dạy dỗ và đọc sách. Còn việc đi thăm các họ thì chẳng khi nào biết mệt. Hay hãm mình chịu khó lắm; theo gương Đ. C. G. là quan thầy, khi Chúa còn ở thế gian mà đi giảng dạy xứ nọ xứ kia trong nước Giuđêa.

Qua năm 1877 thì cha Điều đổi lại thế cho cha Báu. Khi đó công việc chẳng còn nặng nề như trước, vì đã chia mấy họ khác cho cha khác coi; còn thuộc về Hóc Môn ba họ: là Tân Hưng, Tân Đông và Bà Điểm mà thôi. Họ Hóc Môn khi ấy đặng 300 bổn đạo, Cha Điều còn lo đặng ít nơi gần Hóc Môn trở lại đạo, là Thới Trung và Thới Tam, cũng rửa tội đặng nhiều người; mà sau không còn bao nhiêu bền đỗ. Bấy giờ Ông Đốc phủ Ca và cha Điều lo cất nhà thờ khác, vì nhà thờ trước thì hẹp không đủ chỗ, lại cũng có hư nhiều. Vậy đã cất nhà thờ mới, lớn hơn và tốt hơn, và đã rước cha bề trên Thi (P.Thiriet, Provicaire) làm phép nhà thờ ấy.

Năm 1880 cha Thạch đổi lại thế cha Điều và đã lập thêm họ Rạch Dứa. Cha Thạch có xin thầy Sau (cha Sau) lên dạy đó; sau thì có thầy Miều (cha Miều). Ban đầu cũng có người ta trở lại đông; song đến sau còn có một nhà mà thôi, là nhà trùm Đường và con cháu hết thảy chừng 15 người.

Đang khi mọi sự bình yên bỗng liền nổi cơn giông tố mà làm cho hư hao nhiều việc. Số là nửa đêm ngày mồng 8 Février 1885 quân ngụy nổi dậy mà giết ông Đốc phủ Ca, đốt nhà người và nhà con cái người cùng ít nhà bổn đạo, Còn nhà thờ, nhà cha sở, trường học thì cũng đốt sạch hết. Bà Đốc thì phải bị chết thiêu trong nhà mình. Đêm ấy cha Thạch có việc đi xuống Saigon không hay không biết chi cả; khi trở về mới thấy mọi sự đã tan hoang. Còn ở nhà thì có thầy Sau (cha Sau). Thầy thấy việc hỗn độn bèn lấy chén calice mà trốn ra đêm ấy. Trốn lại nhè vô nhà một người làm đầu quân ngụy mà không dè. Cách một giây thì chánh người chủ nhà biểu người phải trốn ra sau vườn, vì nghe có kẻ đến báo rằng một lát nữa sẽ có quan lớn đàng cựu vào nhà. Chủ nhà muốn cho quan đàng cựu đừng thấy thầy tư, và cũng muốn cho người đừng biết chuyện kín nó tập lập cùng nhau, nên mới biểu thầy lánh mình đi cho êm. Thầy tư ra sau vườn lần xuống rạch may gặp ghe có đạo đang đi trốn thì quá giang lên Rạch Dứa. Đến sáng thầy lại trở về Hóc Môn mà coi thì sự ra làm sao, thì thấy nhà thờ nhà cha sở cháy rụi hết. Người vào nhà thờ thấy nhà tạm và áo phủ ngoài còn y nguy, liền mở cữa nhà tạm rước Mình Chúa hết, rồi lấy chén thánh mà trốn đi về Saigon. Chúa che chở về tới Nhà trường bình an. Cha Bề trên Thi gặp thầy thì sửng sờ, vì ngờ là đã phải chết trong đêm loạn đó rồi.

Khi cha Thạch trở về thì không còn thể ở đặng, nên cha qua ở Tân Hưng, phần nhiều trong bổn đạo Hóc Môn cũng qua ở luôn Tân Hưng. Sau nhà nước có giúp tiền thì cha Thạch đã cất nhà thờ Hóc Môn lại tử tế và xứng đáng hơn, và giúp những nhà đã phải bị thiệt hại trong cơn ấy nữa. Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đã làm phép nhà thờ mới nầy. Từ ấy cha Thạch cứ ở Tân Hưng và qua lại Hóc Môn mà thôi, lại phần nhiều bổn đạo Hóc Môn cũng qua ở bên Tân Hưng, nên họ Hóc Môn thỏn mỏn lần không đáng sum như khi trước, lúc nầy số bổn đạo còn chừng 120 người.

Qua năm 1895 thì Hóc Môn lại càng phải mồ côi hơn nữa; vì bây giờ cha sở họ Tân Qui là cha Sanh (P. Colson) coi luôn tới Hóc Môn. Nhưng vậy cha cũng lo lập trường và xin hai dì phước đến dạy đó. Qua đến năm 1897 thì Đức cha Để cho cha Lịch lại coi Hóc Môn; Song cha ở không bao lâu lại kế đổi đi.

Bây giờ bổn đạo phải chịu mồ côi lâu cho đến năm 1904 thì Đức cha Mão (Mgr. Mossard) cho cha Mỹ (P. Boissmery) lại ở đó. Bổn đạo đã lâu năm không có cha, nay đặng cha đến coi sóc thì mừng rỡ không xiết, Song cha ở đặng một năm rồi lại đổi đi. Bổn đạo khóc lóc thương tiếc và chịu mồ côi nữa cho đến năm 1909, thì Đức cha cho cha Dư đổi lại coi họ nầy, là chỗ người đã dạy dỗ thuở ban sơ hồi người mới chịu chức cắt tóc. Bây giờ cha đã già cả rồi song đặng gặp lại con chiên cựu mình thì vui mừng lắm. Nhà thờ cha Thạch cất thì rày cha còn phải tu bổ lại nhiều nơi, vì mắc hồi bão lụt tháng Mai 1904 thì nhà thờ phải hư nhiều chỗ. Cha lo lắng cho trong họ đặng bề sốt sắng như xưa cũng làm đủ các việc lành như các họ khác có cha sở: là làm tháng Đ. C. Bà, tháng Trái Tim, tháng ông thánh Giude, giữ thứ sáu đầu tháng, đi đàng thánh giá, vân vân. Khi cha đã già cả tới 64 tuổi rồi thì Đức cha đổi cha về họ Chí Hòa, coi nhà các cha dưỡng lão là lối năm 1911, thì họ Hóc Môn thuộc về cha ở Tân Hưng coi sóc đến rày.

-------------------------------

(1)Bà nhứt Lành vốn trước hết làm bà nhứt nhà phước Cái Mơn, ở đời cựu trào đã phải bị bắt, cùng đã bị tù rạc đòn bọng gian nan khổ sở nhiều lắm vì đạo thánh. Đến đời tân trào Đức Cha lại dạy bà lên làm bà nhứt nhà phước Chợ Quán, vì bà nhứt Chợ Quán đã qua đời mà không có ai thế. Khi đó nhà phước Chợ Quán còn ít lắm không đặng đông như bây giờ, nên bà nhứt Lành giao các việc cho bà nhì coi, còn bà thì đi giảng dạy mấy họ. Lâu lâu lại về nhà phước một lần, ít bữa sắp dặt dạy dỗ xong rồi lại đi ra họ nữa. Bà nhứt Mai coi nhà phước Chợ Quán bây giờ và dì Linh hồi nhỏ có theo giúp bà nhứt Lành trên Hóc Môn, Tân Hưng. Bà nhứt Mai khi thuật truyện bà nhứt Lành thì khen ngợi lắm; là người thông minh lanh lợi và nhơn đức mực thước lắm; bà biết chữ quốc ngữ chữ annam và làm thi phú giỏi; ai cũng kính và thương bà lắm. Bỡi tích như vậy nên trong N. K. Đ. P. số 449 trang 565 có nói bà nhứt Lành là cựu bà nhứt Cái Mơn, còn đây nói là bà nhứt nhà phước Chợ Quán thì cũng là phải hết.

(Chung về họ Hóc Môn)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 

 


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Hạnh Cha Carôlô Thu (Tournier)

HẠNH CHA CAROLÔ THU (TOURNIER)

CHA SỞ HỌ CÁI NHUM

------------------

Ghe phen nghe tiếng giục bảo tôi đam vào “N. K. Đ. P.” tích hạnh cha Tournier, tên an nam là Thu, cha sở cựu họ Cái Nhum. Từ ngày người tạ thế đến nay là giáp bốn năm tròn, tôi mới tra tay lược qua cho quí hữu đồng bang đặng xem mà cảm đội ơn Chúa, vì đã khấng ban ơn trọng cho Địa Phận Nam Kỳ được một cha langsa tài đức phi thường, nên như cột chống đỡ cùng đèn điện soi cho hàng đạc đức cùng bổn dạo con nhà nước Nam theo dõi. Các việc phước đức người làm, lại cơ đồ người gầy dựng lớn lao đứng giữa trời dường như nín lặng, vì kẻ gầy dựng công cuộc dường ấy cũng hay lặng lẽ bằng tịnh chốn tịch mạc thanh vắng. Nay phải trực tình bày tỏ rõ ràng, cho mọi người xem coi cũng thấm gẫm đặng noi theo nhiều ít.

Quê quán cha Carolô Tournier (Thu) là thành Pontarlier, về địa phận Besançon, trong nước Langsa. Người sanh ra lối năm 1837. Vốn dòng dõi đạo đức lâu đời, cha mẹ người chăm lo cho con cái biết đặng thờ phượng Chúa trọn hảo, nên Chúa chọn cha Carôlô nầy lên bực chánh tế. Chị người vào nhà phước ẩn tu về dòng R T T T Đ C G; sau qua giúp nhà phước xứ Alger đủ 13 năm, như lời bà ấy nói trước. Bà Emma Tournier, là em gái người, giữ bực dồng trinh từ thuở nhỏ, ở giữa thế gian, tuổi đã 60, là nữ đức hạnh như người ẩn tu, hãy còn sống bây giờ tại quê nhà, mà giữ điền viên cơ nghiệp, biết nhà mình và nhà thờ mà thôi.

Khi cha Carôlô đến tuổi đủ, thì bề trên phong chức chánh tế cho người, người làm lễ nhứt tại nhà dòng Trappiste. làm cha phó xứ mình ba năm; sau nghe ơn Chúa giục bảo, từ giã cha mẹ mà xuất thân, vào nhà trường các cha Dòng Sai, mong qua giảng đạo ngoại quốc, lối năm 1866.

Tới đất Nam Kỳ, Đức cha Gioang dạy người ở tại nhà trường Latinh ba tháng; đoạn xuống Cái Nhum học tiếng An Nam cũng giúp cha Mỹ (Colombert). Chẳng khỏi bao lâu cha Mỹ thăng quyền giám mục, thì người thế làm cha sở họ ấy. Đến sau Đức cha lại đòi người về Sài Gòn làm ký lục ba năm. Ai nói cho xiết lúc ấy bổn đạo cùng nhà phước Cái Nhum ưu phiền thương tiếc là dường nào! Thơ từ thăm viếng luôn luôn, khỏi ba năm Đức giám mục dạy người trở lại Cái Nhum, cha tái hồi, ai nấy như chết mà sống lại, vui mừng, vì khỏi mất cha tốt lành dường ấy.

Đây tôi xin vẽ hình người xem qua cho biết: Đầu người sói, trán cao, chẳng hay nhức đầu cho đến chết chẳng hề lẫn lộ, hay là quên sót đều gì, trí cao dè dặt. thông thuộc từng trãi nhiều đều; trí đoán xét ngay thật, lòng hằng ở với Chúa chẳng phút nào lìa cách. Con mắt nết na và hiền lành, khiêm nhượng thật thà như con bồ câu, có cha nói cha Thu là con chiên hiền lành, có kẻ nói coi hình người hiền lành khiêm nhượng giống như ông thánh Giude; đi đàng thường hay ngó xuống đất.

Người hay coi sách, song bỡi theo thứ tự lớp lang và theo giờ, nên coi nhiều sách lắm, nhứt là sách thánh, truyện thánh, chẳng có ngày nào mà bỏ coi sách, ít ham coi sách chơi, như có coi cũng lựa giờ nào khỏi ngăn trở việc bổn phận, song cũng coi theo giờ, theo buổi rảnh rang. Tôi thấy hai tập chữ quốc ngữ người viết về truyện Đ C B thành Lourdes, người đã dịch theo bổn ông Lassere, không biết người viết năm nào, tưởng cũng đã lâu, bây giờ hãy còn trong nhà phước Cái Nhum; cách nói đơn sơ thật thà đủ chuyện không thiếu.

Người chẳng bỏ giảng dạy khi nào, cách nói đơn sơ khiêm nhường, lời an ủi vắn tắt mà thâm trầm, nghe người an ủi kẻ liệt có một lời nầy rằng: “ớ con, hãy chịu khó nhịn nhục”, lời ấy rất hay và cần kíp, cho kẻ liệt là thể nào! đủ nghĩa. Người hay nín lặng giữ miệng luôn, nói khi nào cần kíp, lại lúc phải giảng, giờ phải dạy mà thôi, in như lời ông thánh Giacôbê khuyên bảo: thật kẻ giữ miệng lưỡi tử tế là gìn giữ linh hồn mình.

Người ghét sự nói hành bỏ vạ lắm. Sự gì nói cùng người một lần thì chớ lặp lại, người nghe rồi thì thôi, không ưa nghe lại nữa. Người hứa cùng ai đều gì, chẳng khi nào người quên. Người chậm nói, mà hễ nói đâu thì chắc đó không hay thay đổi, không đổ thừa cho ai. Phân một lần không ai đổi đặng, vì sự gì người xử đoán, xét đã muồi mới nói ra.

Người rất từng trải nhiều đều trong việc đạo cùng việc đời lắm; có một đều người ít nói mà thôi.

Người giữ đức khiêm nhượng lắm. Chẳng hề chê khen ai. Bổn đạo lầm lỗi đều chi làm cực lòng người quá, có hết sức thì người rằng: “kỳ cục quá lẽ.”. Bổn đạo kính chuộng, sợ, và thương người lắm. Có nhiều khi nghe bổn đạo nói chơi cùng nhau rằng: “Cha sở là ông thảnh, ít nói lắm, mà ông thánh đó quở một tiếng, nóng lạnh ba ngày”. Chức việc hay là bổn đạo có muốn thưa đều gì mà phải nói lâu, thì đến trúng ba bữa cơm, lúc nầy người nghe và phán đoán thong thả, vì lúc khác người mắc trở việc luôn. Đang khi người làm việc, có ai xin xưng tội hay là đi kẻ liệt, thì người chẳng tra hạch đều gì, một bỏ việc mà đi tức thì, không kể đường xa gần, khó dễ. Phải té nhiều khi vì đàng sá đất đai gập ghình khó đi, mà chớ hề nghe người than nói một tiếng cực khổ mệt nhọc.

Lòng người kính mến Chúa chí thiết, hằng nói khó củng Đ C G ngự trong lòng người luôn. Việc thờ phượng Chúa chẳng sót phần nào, trót năm những lễ nhạc Hội thảnh, trong các ngày lễ người chẳng bỏ qua lễ, phép nào: lại ưa hạp những việc ấy, hằng làm đỉnh đạc và tỏ ra lòng sốt mến Chúa hết sức.

Chẳng bỏ năm nào mà chẳng lo dọn kiệu Mình Thánh Chúa; và hễ mỗi năm, nửa đêm trong lễ Truyền Phép, thì người vào nhà thờ quì gối làm bài gẫm chung, cho nhà phước và bổn đạo, gọi giờ ấy là Hora sancta (giờ thánh), mỗi năm đêm ấy ai ai đua nhau vào nhà thờ mà nghe cha sở giảng đông lắm.

Người hay thương con chiên bổn đạo hết lòng, khi thấy con chiên bổn tạo rối rắm trễ nải thì lòng người lo buồn; khi có gặp dịp thì an ủi khuyên lơn đôi lời, chẳng lấy lời quở trách, mà làm cho kẻ có tội sờn lòng rủn chí, ước như nó chưa cải quá tự tân, thì người cầu nguyện thâu đêm, cho nó trở lại. Ôi! Hẳn thật biết bao nhiêu linh hồn, đặng nhờ lời người cầu nguyện, mà đặng làm hòa lại cùng Chúa! Biết bao nhiêu kẻ cứng cỏi, kiêu căng, ra mềm mại, khiêm nhượng, cũng nhờ đức hiền lành khiêm nhượng của người! Có nhiều lần nghe quới chức trong họ nói chuyện cùng nhau rằng: “Thấy cha sở hiền lành, anh em mình cũng bắt hiền lành, không còn muốn cãi lấy với nhau làm chi nữa” . Bỡi đó cho nên trong 40 năm người cai trị họ Cái Nhum, thì đặng bằng an cả, thượng hoà hạ mục mọi đàng. Bỡi đức thương yêu, người lấy tiền riêng mà làm nhà thương nuôi kẻ tật tàn bịnh hoạn, biết bao nhiêu kẻ ngoại nằm trong nhà thương ấy, mà đặng nhờ phép rửa tội giờ lâm tử! Nhiều người có tội đặng trở lại chết lành.

Khi người đi viếng họ nhỏ, mà nghe nói có kẻ trở lại đạo; thì ai nói cho xiết người hớn hở vui vẻ là thể nào!

Người lo đủ đồ, mà đãi khách tới giờ nào bất luận cũng đủ no. Người có lòng cung kính tế nhường những đứng bề trên, lại các hàng linh mục tới thăm, thì người tỏ ra lòng vui vẻ, ruớc mọi người một mực đồng nhau, không tày vị ai hơn, sẵn lòng nói chuyện cùng mọi người. Như cha nào ở lâu, người tiếp rước tử tế chuyện vãn đủ phép, đoạn người xin kiếu, mà đi làm việc theo lề luật riêng của người. Khi người mắc tay, thì có sách vỡ sẵn sàng cho khách khứa coi chơi khuây lãng.

Người rung chuông nhựt một mỗi bữa sáng luôn; người hằng làm việc luôn, người là ông thợ biết nhiều nghề, nhứt là nghề ông thánh Giude là nghề thợ mộc, dùng tay mà giúp việc Chúa cùng giúp đỡ thiên hạ chẳng hề biết mệt, người siêng năng mọi bề phần xác, cũng như phần linh hồn vậy. Trước mỗi khi người làm việc gì, dầu mà là việc xác, ví dụ: tưới bông, cuốc đất, xây nhà thì đi ngang qua hình tượng D C Bà, qui gối đó một chút vừa đọc một kinh Kính mừng, đoạn tra tay làm việc, mỗi khi rồi cũng vậy.

Cha Carôlô gầy dựng đền thờ Cái Nhum, cao lớn, chắc chắn, xinh tốt, hơn 15 năm mới rồi: tay người xây với ít thợ học tập cùng người. Vì lẽ nào mà lâu làm vậy ? Bỡi vì ít tiền bạc, lại tính người kỹ cang không hay hồi hấp, lần lần làm tới đâu hay đó, có bạc thì mần, không thì nghỉ, lại chí công mài sắc chầy ngày nên kim, bây giờ mọi việc đã thành. Nhà thờ, nhà trường, nhà phước, đất thánh, trường nam, trường nữ, nhà thương, nhà mồ côi, cũng một tay người gầy dựng coi sóc bền vững cho đến ngày người qua đời.

Mười hai năm tôi ở đó, thấy như vậy luôn, tôi không thấy đổi chút nào. Càng ngày tôi càng khen thầm sự nhơn đức người, cùng sự bền đỗ chẳng hề sai chậy.

Các đồ người dùng thì thứ tự lớp lang, chẳng hề dời đổi; những đồ ấy tỏ ra sự khó khăn, khiêm nhượng, sạch sẽ, kỹ cang mọi bề. Đồ người dùng người để chỗ nào, thì cả và đời người, nó ở chỗ đó không hề sang qua chỗ khác. Những đồ cũ đời xưa, đời nay để lại trong nhà thờ Cái Nhum, thì chẳng hề biệt mất.

Có một lần kia, người chỉ cho tôi coi, cây đó của cha Đậu trồng, cây kia của Đức cha Mỹ để lại, cây nầy của biện Tễ trồng, cây nọ của ông trùm Công trồng. Nói tắt một lời đồ gì để lại, không ích mà bỏ thì người giữ luôn, như dấu tích vậy. Người không muốn quên công cổ tích người cố cựu để lại đâu. Cái tiếng mới chuông cũ vong, cha Carolô không hề biết tới.

Trong ba năm, người mắc bệnh: Năm thứ nhứt, thấy bịnh người càng ngày càng thêm, dầu vậy mặc lòng, người cùng lặn lội làm các việc bổn phận như thường. Năm ấy ngày áp lễ kiệu Mình Thánh Chúa người lại bị mắc cúm, song người cũng rán chống gậy đi theo cho mãn việc kiệu Mình Chúa. Khi đến lễ Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, tôi đến xin người kiệu Đ C Bà có ý cho cả và họ cầu nguyện cho cha thuyên bịnh. Cha Carôlô trả lời rằng:

- Để cho tôi đi cầm lại làm chi?

Song bỡi lòng bổn đạo cầu nguyện, lại phép tắc Đ C Bà cho người khá lại lần lần được hai năm rưỡi. Qua sáu tháng sau người phải bịnh lại, dầu mệt mỏi hết sức, cũng rán làm lễ, làm phước làm phận, cũng giữ các lề luật riêng người đến chết. Người thôi việc xác thì coi sách luôn luôn.

Bỡi lòng khiêm nhượng, người dọn một huyệt đá ong cho người sẵn, ngay nơi lầu chuông người quen giựt mỗi buổi sớm, e sau người ta cất xác người trong nhà thờ chăng. Người dặn trước phải chôn người chỗ ấy.

Cha ôi! cha để lại những dấu tích công nghiệp biết đâu kể xiết! Những mồ hôi cha đã đổ xuống đất Nam Kỳ 40 năm trời, không ai hay ai biết, hiệp làm một cùng công nghiệp Chúa hóa nên của châu báu là dường nào! Cha hiểu rõ lời sách Gương Phước rằng: “Ama nesciri et pro nihilo reputari, con hãy ưa sự người ta chẳng biết con, và kể con là như không vậy”.

Thật Cha CAROLÔ ít nói mà làm việc nhiều, lòng cha đầy sự khiêm nhượng hạ mình, bắt mình làm việc thấp hèn phần xác, song cũng đã phân giờ phân buổi chẳng hề sai chạy.

Chơn bước khoan thai không mau không chậm, đàng người đi là đàng nhà thờ và đến chốn làm việc bổn phận, chẳng hề đi chơi, hay là xin dưỡng bịnh bao giờ. Mỗi ngày khi có việc đi ngang qua hang đá Đ C Bà, thì ghé quì gối đó một phút đồng hồ nhà thăm viếng Đ C Bà, chẳng có khi nào bỏ việc ấy, mỗi ngày ít là 1 lần.

Mỗi ngày người đi viếng nhà thương, như thấy trong luật chỉ sau. Trước ngày người qua đời, bỏ đi viếng Đ C Bà và nhà thương 2 tuần, vì chơn người sưng quá đi xa không nổi nữa. Thật ớ cha ôi! Bỡi cha chẳng bỏ đi viếng Đ C B mỗi ngày ít là bốn lần, thì ngày nầy Đ C Bà trả ơn đi viếng cha lại mà rước cha về cùng Chúa.

Ớ đường đi nước bước cha có lộc là thể nào!

Cả đời người quen đi quen đứng luôn: trong lúc làm phước, giờ dùng bữa thì ngồi mà thôi. Coi sách cũng đứng, viết cũng đứng, chết cũng đứng, dường như chết cũng còn muốn đi làm việc Chúa, đứng cho đặng bước vào nước thiên đàng, mà nghỉ ngơi đời đời, (Đ G Tông Lêô thứ 13 ước ao chết mà hãy còn đứng)

Xin quí hữu vui lòng coi thêm vài lời nữa:

1.     là luật riêng người hằng ngày;

2.     người mang bịnh sau hết ba năm;

3.     ngày người chết người ăn ở thể nào.

Lề luật hằng ngày: Bốn giờ sớm mai thức dậy, suy gẫm. Năm giờ cầm đèn đi mở cửa nhà thờ, vô viếng Chúa, kế giựt chuông nhựt một, đoạn mở các cửa, rồi trở lại bàn quì, nói khó cùng Chúa một giây lâu. Sáu giờ làm lễ Misa, xong lễ quỳ gối luôn mà cảm ơn Chúa. Bảy giờ lót lòng, xong một lát xuống viếng núi Đ C Bà gần nhà Phước, luôn đàng viếng những chỗ các dì phước làm việc, ai có việc chi thì lại thưa gởi. Cha đi luôn viếng nhà kẻ liệt các dì, an ủi đôi lời, coi sóc thuốc men, thẳng chào Đ C G ngự trong nhà tạm nhà thờ nhà phước một hai phút. Thẳng qua đám cải chỗ các dì làm rẫy, có khi ghé nhà mồ côi, đoạn đi luôn thăm nhà thương nam nữ. Chỗ nào có treo đồng hồ thì người lên giây, rồi gỡ lịch in sách lời Thánh mà coi, người đi luôn qua núi Đ C Bà ghé đó một chút, tới nhà thờ là tám giờ, vô đó coi ai xưng tội không, có thì ở lại làm phước."

Xong việc lên lầu đọc Parvas Horas, đoạn coi sách rồi làm việc xác.

12 giờ dùng bữa trưa, thay vì giờ nghỉ trưa, thì sửa đồng hồ cho các cha mượn, hoặc mài dao, sửa kéo, cắt kiến cữa nhà thờ; sau thì coi nhựt trình một chút, thường là nhựt trình Pèlerin, của em người gửi cho người, ấy là giờ người chơi thay vì nghỉ trưa.

2 giờ người đọc kinh Vesperas. Đọc kinh rồi người đi làm phước trong nhà thờ cùng làm việc khác.

5 giờ làm việc xác, ... 6 giờ đi viếng Mình Thánh Chúa tại nhà thờ nhà phước, 6 giờ rưỡi dạy nhà phước về đàng trọn lành, 7 giờ dùng bữa tối, rồi lên lầu đi dạo một lát, kế đứng mà coi sách đoán, hay là hạnh thánh, 9 giờ rưỡi người mới nằm ghế mà nghĩ lưng chừng nửa giờ, lúc ấy cũng coi sách, 10 giờ người cầm đèn, cầm chuỗi lần hột, vô nhà thờ quì gối nơi bàn thờ Đ C Bà mà lần hột giây lâu. Đoạn đi viếng bàn thờ các đẳng; viếng các bàn thờ có để hình tượng các thánh, có khi người đi đàng thánh giá, trước khi ra khỏi nhà thờ thì người đi thử coi các cửa có đóng tử tế hay không. Xong việc người lên nghỉ cho đến 4 giờ thức dậy đọc Ma-tutinum và Laudes.

Tôi tóm lại một đều nầy; Cha Carolô Tournier nầy là một người khôn ngoan hiền lành khiêm nhường, hãm minh bề trong, bề ngoài, bền đỗ, sốt sắng, siêng năng, kỹ càng, tiết kiệm, rộng rãi; kính mến Chúa cùng Đức Mẹ tận tình chí thiết lạ thường. Ớ cha! cha thật là người của Chúa (Homo Dei), thì Chúa rước cha về quê thật. Coi đi xem lại các việc cha làm, cùng lời ăn tiếng nói, tánh hạnh cha in rập cùng mọi đều trong sách Gương Phước. Cha theo lời Chúa dạy rõ ràng rằng: “Discite a me quia mitis sum et humilis corde. Hãy học hành cùng Tao vì Tao hiền lành, và khiêm nhượng trong lòng”. Thật cha đã theo lời ấy từ thuở niên ấu.

Ớ cây bông của các cha hội Dòng Sai bay mùi thơm tho là thế nào!

Ngày Chúa nhựt 1 Juillet 1906 áp lễ Đ C Bà đi viếng bà thánh Isave. Cha Carôlô bỡi bịnh nặng sưng húp cả và mình, không còn sức mà đi đàng thảnh giá như mấy đêm trước nữa, không còn sức mà bước lên thang nhà mình nữa, phải bò mà lên. Đau đớn mệt nhọc cách nào thể nào cũng không hề sai ai sốt, không hề chịu ai giúp mình, lần hồi làm các việc một mình.

Ngày Chúa nhựt ấy người rán đi làm lễ nơi bàn thờ nhỏ, tôi xin giúp lễ cho người lần sau hết.

Từ phòng áo ra tới bàn thờ lần đi ước hết ba, bốn phút đồng hồ. Khi làm lễ cũng bằng tịnh sốt sắng như mọi khi, song chậm hơn thường. Xong lễ người quì cảm ơn lâu lắm.

Khi xem lễ nhì, đoạn chức việc nhóm, người cũng lần hồi lấy tập sổ xuống ngồi tại bàn cơm, giao sổ sách tính toán với chức việc lần sau hết, ai nấy đều sa nước mắt. Cha làm một bức thơ mà gởi cho em bên tây mà từ giã, dạy bỏ thơ đó lập tức.

Có cha bề trên Gernot lên xức dầu cùng đem Mình Chúa cho người, đoạn hai cha từ giã nhau lần sau hết. Lúc ấy nhà phước cùng bổn đạo tựu đến chật trên dưới.

Nội ngày ấy và tối tiếp đó, người những đi và ngồi chỗ mọ chỗ kia trên lầu mà thôi, nằm xuống không đặng.

Sáng lễ Đ C Bà, là ngày thứ hai, cũng là mồng 2, tôi ra nhà thờ lớn ghé thăm người cùng cho người hay, tôi ra làm lễ cho người, tôi thấy người ngồi cầm sách đọc kinh, người nghe tôi nói, người cúi đầu chào cùng cám ơn.

Qua 1 giờ trưa cha Phaolồ Ngãi cùng tôi hay tin người mệt lắm. Đến nơi thấy người ngồi trên ghế, bên tủ, cách bằng tịnh, tôi lại xin Cha Carolô cho tôi và cha Ngãi hát kinh cầu Đ C Bà tiếng Latinh. Cha gật đầu. Khi hát gần rồi, thấy người tròng cái xâu chuỗi đen (giữ từ khi người còn bên tây) vào cổ, khi đấm ngực lúc hết kinh cầu, thì người chổi dậy, đi lại đứng bên cửa phòng kia, không có vịnh đâu hết, chơn bước vào không đặng, đứng... Tôi và cha Phaolồ chạy lại đỡ người...

Lúc ấy người gần trút linh hồn. Tôi kêu Chúa cho người vài câu, người day mặt lại trả lời hai lần rõ ràng rằng:

- Cám on cha!

Đoạn tắt hơi êm ái dịu dàng. Đ C Bà đến viếng thăm rước thẳng người về thiên đàng nghỉ ngơi hưởng phước đời đời.

Ớ cha rất yêu dấu! cha đã chịu lao lực mà làm tôi Chúa, cùng giúp phần rỗi người ta, cha đã toàn công thắng trận tà ma thịt mình, thế tục; đã uống chén đắng với Chúa trót đời, bây giờ cha về trời tiêu diêu khoái lạc. Xin cha cũng khấn nhớ đến chúng tôi còn dưới thế, đang bị phong ba bão bùng, vây phủ tư bề. Hãy nhớ con cái cha còn lại tại Cái Nhum. Xin cầu cho hết thảy khi khỏi thế nầy đặng gặp của trên thiên đàng.

Ớ anh em! Thật cây tốt, sinh trái tốt... Hễ sống lành, đặng chết lành: Talis víta finis ita.

Vì công nghiệp đứng trung thần với Chúa. Xin Chúa xuống ơn cho chúng tôi đặng tu thân khắc kỹ, đặng cãi quả tự tân, mai sau đặng bề thiện tử như người nhơn đức. Ôi! Có phước là dường nào!

T.T.(An Đức).

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

 

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Lễ Vinh Qui Cha Phêrô Bùi Hữu Năng ở Họ Búng

 Lễ Vinh Qui Cha Phêrô Bùi Hữu Năng ở Họ Búng

Sáng ngày 27 Septembre cha Phêrô Năng mới thăng quờn linh mục ngày 24 Septembre về đến quê quán mà làm lễ Bình yên trong họ.

Nhà thờ Búng ngày ấy được trần thiết xem rực rỡ hơn ngày lễ cả. đúng 7 giờ rưỡi rước cha mới tại nhà cha sở vào nhà thờ, có 20 đồng nhi nam mặc cotta đi trước, tới các cha áo surplis tiếp theo, cha mới mặc áo lễ bạc đi giữa cha Anrê Lê văn Quyền và cha Tôma Lương minh Ký mặc dalmatique hầu hai bên, còn cha Robert Keller sở tại mặc cappa đi trước cha mới. Khi vào tới nhà thờ thì cha Marco Nguyễn minh Châu lên tòa giảng về quờn chức và phận sự thầy cả; lời nói mạnh mẻ, rành rẻ và ý vị. giảng rồi cha mới ban phép lành cho bổn đạo, đoạn làm lễ hát trọng thể.

Các cha được 29 đấng và bổn đạo hiệp vầy chầu lễ chật nhà thờ, đông đảo quá ngày lễ cả. Thật tốt thay.

Lễ rồi hát kinh Magnificat tạ ơn Chúa.

Ấy là cuộc lễ vinh qui tại họ Búng, đơn sơ mà vui, không chi rần rộ, lạo xạo, bổn đạo xem có vẻ ym lìm.

Khen thay họ Búng, đã được trên 10 linh mục mà dâng cho Chúa, cùng giúp việc mở mang đạo thánh Người trong địa phận Saigon.

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1927

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Họ An Nhơn

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ AN NHƠN

(Hạt Gia Định)

--------------------------

1- Gốc lập Họ

Họ An Nhơn đã có hồi cuối đời thứ 18; gốc họ nầy cũng giống như nhiều họ khác, là bổn đạo nhiều nơi phải bị bắt bớ, quan làng hà hiếp, nên đã trốn bỏ xứ mà đến trú ngụ tại An Nhơn. Trong lúc giặc Tây Sơn (1780-1800) thì đã có họ nầy. Ban đầu một ít nhà giáo hữu trốn quân nghịch, đến cất nhà cữa ở tại rạch nhỏ kêu là Rạch Ông Cù, ném về nơi phía dưới nhà thờ bây giờ. Thấy ở đó đặng bình an, nên có nhiều bổn đạo tới ở thêm đông, lại người ngoại ở tại đó cũng có kẻ trở lại đạo, cho nên số bổn đạo khi ấy được hơn 500, nhiều kẻ nói gần tới ngàn. Mà tưởng thì thật sự số bổn đạo tới ở đó gần tới ngàn, là trong lúc rốt giặc Tây Sơn, thì những bổn đạo ở tại Chí Hòa, phải quân ngụy hiếp đáp bắt bớ, nên đã tới tại đất anh em giáo hữu ở An Nhơn mà trú ngụ một ít lâu, vì khi ấy bổn đạo tại họ nầy có ruộng đất lớn rộng rãi, dài theo từ ranh Gò Vắp cho tới gần chợ An Nhơn và rạch Bến Cát, cho nên phần nhiều người là dư giả có ăn, kẻ thì lo lập vườn, người thì lo làm ruộng dài theo bờ rạch; còn công việc của đàn bà thì là để tằm, ươm tơ, dệt lụa vải. Song nghề chánh của bổn đạo tại họ là đóng ghe, nhiều nhà đóng nhiều chiếc để cho mướn cùng là để đi buôn bán lên xuống trong mấy hạt phía đông.

Vậy bổn đạo tại họ An Nhơn khi ấy đặng bình an luôn, khỏi lo sợ phải hiếp đáp cùng là bắt bớ gì hết, làng xã ngoại sở tại thì bổn đạo có lo lót tiền bạc cho, nên chẳng thể làm sự gì khó lòng cho bổn đạo. Trong mấy cơn cấm kín dữ dằn đời Minh Mạng và Tự Đức, thì hương chức làng đã lo lắng để một gia thất ngoại ở trong mỗi một nhà bổn đạo, cho ngoại ở trước, còn chủ nhà có đạo ở phía sau. Hễ khi quan tĩnh tới làng mà vô xét mỗi nhà cùng hỏi giữ đạo nào, thì mấy người ngoại ở trước trả lời, nói mình là ngoại cùng chỉ giường thờ ông bà chúng nó đặt giữa nhà đó cho quan coi, quan không thấy dấu gì về đạo nên không xét nữa,

Mỗi năm tới ngày Tết, theo lịnh vua dạy, mỗi nhà phải cặm nêu, họ làng lo sai dân làng đốn tre cặm nêu trước mỗi nhà đủ hết, cho nên khỏi quan quân nghi hoặc sự gì. Cũng bỡi bổn đạo đồng lòng chung tiền nhau mà chịu cho làng xóm ngoại, cho nên mới đặng như vậy; và bằng lòng ẩn ánh tịch mạc, chẳng phô trương, tuy phần nhiều bổn đạo có ăn dư giả, muốn làm gì cũng được, nhưng chịu ẩn khuất thể ấy, miễn cho đặng một sự, là đặng phước giữ đạo bình an mà thôi.

Bổn đạo An Nhơn đã được may mắn như vậy, cho tới chừng tàu binh tây qua lấy Cữa Hàn (Tourane) và chạy vô Saigon; khi ấy quan dạy bắt hết người có đạo còn sức lực mạnh mẽ, vì sợ hiệp với binh tân trào. Bắt những người ấy mà giao cho mấy làng lân cận giữ, tốp thì để tại Hóc Môn, tốp thì để tại Bà Quẹo, phần nhiều thì cũng giao cho làng An Nhơn. Những kẻ quan giao lại Hóc Môn và Bà Quẹo thì trốn được mà về hết; còn những kẻ bị giữ tại làng An Nhơn thì khó bị thoát khỏi, cho tới chừng có một chiếc tàu trận tây tới rạch Bến Cát, thì mấy người nầy mới được thả ra. Vì khi ấy có một người bổn đạo nhát sợ, chạy tới cùng Đức cha Lefèbvre mà nói cho ngài hay, sợ cho bổn đạo An Nhơn phải hiểm nghèo. Lúc ấy binh Langsa mới nhập thành Saigon, Đức cha bèn xin quan cai binh Langsa cứu bổn đạo An Nhơn, quan liền sai một tàu chiến đi tức thì. Khi tàu chạy tới ngang họ An Nhơn, thật là sự bất thình lình, vì không ai dè; cho nên khi nghe dưới tàu bắn vài phát súng, thì làng xóm ai nấy đều sợ hoảng, và thả một ít người có đạo còn cầm đó; còn bổn đạo thì biết rày có kẻ tới cứu mình, nên ai nấy đều kéo nhau xuống ghe chèo ra tàu mà trèo lên, lật đật đi không đem theo sự gì được hết, vì sợ ở lại đó mà sau phải khốn. Người ta nói khi ấy có một người có đạo đang tắm dưới sông, không dám trở lên bờ lấy áo mà bận vào, một lội tuốt ra trèo lên tàu, và binh lính phải cho áo mà mặc.

Kẻ ngoại thấy tàu tới đó rồi chạy đi, kéo theo nhiều ghe thuyền của bổn đạo; khi chúng nó hết sợ rồi, bèn a vào những nhà bổn đạo đi bỏ trống đó, mà cướp lấy hết các vật dụng.

Tàu đem những bổn đạo ấy về Saigon, ban đầu phần nhiều thì cất nhà cữa ở tại Thủ Thiêm, cũng có kẻ qua ở Xóm Chiếu cùng là Thị Nghè, và đến sau có nhiều người về ở tại Cầu Kho nữa.

Khi Nhà nước Langsa đã lập an rồi, không còn sợ bắt bớ gì nữa, thì có một ít người trở về An Nhơn mà thôi, phần nhiều thì ở luôn mấy nơi đã trú. Bỡi đó cho nên họ An Nhơn trước thì thạnh số bổn đạo, là họ lớn, mà sau thì còn lại không bao nhiêu, thành ra một họ nhỏ, còn lại chừng 180 tới 200 người giáo hữu mà thôi, ở trong một vòng chừng sáu bảy mẫu đất. Vì mấy người có đạo ở đó khi trước giàu, có ruộng đất nhiều, mà bỡi không muốn trở về nữa, nên đã bán lần lần hết ruộng đất mình lại cho kẻ ngoại.

II. – Các cha coi Họ đời cựu trào.

Từ khi họ An Nhơn mới lập, là trong đời Đức thầy Vêrô, thì đã có nhà thờ tại họ, thấp nhỏ cột cây mà trên lợp ngói.

Qua đời vua Minh Mạng ra chỉ cấm đạo cùng hủy phá hết các nhà thờ lớn nhỏ; vậy làng An Nhơn đã lấy gạch, cạy ngói của nhà thờ mà làm nhà canh. Cho tới chừng Nhà nước Langsa lập an, thì làng trả cái nhà ấy lại cho bổn đạo mà làm nhà thờ, cho tới năm 1876, thì mới cất một nhà thờ nhỏ khác còn tới bây giờ.

Vậy họ An Nhơn đã có nhà thờ từ khi mới lập, song không có cha nào ở tại họ, như vậy cho tới năm 1856 hay là 1857. Khi ấy mấy cha ở tại Chợ Quán hay là Lái Thiêu vô ra An Nhơn mà làm lễ cùng làm phước cho bổn đạo mà thôi. Trong những cha coi họ An nhơn khi ấy như vậy trong các cha tây thì có cố Kính (Gagelin), trong các cha annam thì có cha Lợi, cha Thường. Cha Thường cũng kêu là Thán có ban phép Xức Trán tại họ nhiều lần. Trong năm 1856 có một cha annam già cả tên là Vững (bổn đạo kêu là “ông già bác”.), trên Uđông xuống ẩn mình tại họ An Nhơn vài năm, cùng đã qua đời trước khi binh Langsa tới Nam Kỳ; bổn đạo chôn xác cha nầy trong nhà thờ cũ, và trong năm 1877 cha Dưỡng đã dời về nhà thờ bây giờ. Cùng một lượt đó cha Dưỡng đã chôn trong nhà thờ, tro cốt cái đầu đứng đáng kính cha Phước đã chịu xử trảm tại Saigon. Họ An Nhơn đặng cái đầu đấng tử đạo ấy truyện là như vầy: Sau khi quân ngụy Khôi đã thua binh trào cùng phải giao thành Saigon lại cho binh vua, thì Á thánh Du (Bienheureux Marchand) phải dẫn ra kinh đô Huế, còn cha Phước thì phải bị chém ngoài thành, quan dạy đem đầu người qua bên kia Gò Vắp gần họ An Nhơn đặng bêu lên đó. Khi ấy có một người có đạo tên là ông Chín ở Saigon về, bộ cũng có chén nên vui vẻ, không sợ lệnh ai, mở đầu thánh tử đạo xuống, hai tay ôm lấy cùng than khóc om sòm: Lạy Cha, lạy cha, cha ôi! Thiên hạ nghe đều chạy tới, hương chức làng liền bắt người, mà bỡi người chịu cho làng 30 quan tiền nên làng thả về và cũng giao cho người cái đầu đấng đáng kính cha Phước luôn nữa.

Lại cũng có hai chuyện khác đã xảy ra trong đời bắt bớ ấy, đáng kể lại cho hậu lai đặng biết.

Việc thứ nhứt là: Á thánh cha Phaolồ Lộc, là kẻ đã phải đổ máu mình ra vì đạo Chúa trong năm 1859; tưởng là trước vài năm đó người đã phải bị bắt tại An Nhơn lúc người còn làm thầy năm. Khi ấy người nghỉ tại nhà anh người và ở đó một năm, chẳng hay có người ta cáo cùng quan rằng có đạo trưởng ẩn mình trong một nhà tại An Nhơn. Quan liền sai đội đem lính tới bắt, khi chúng nó vô tới nhà thì thầy năm Lộc đang nằm nghỉ trên võng, còn chủ nhà thì đi khỏi, vợ chủ nhà đang bồng đứa con trên tay cùng làm công việc trong nhà; đờn bà ấy vừa thấy lính tới liền hiểu là có sự hiểm nghèo cho thầy năm, nên tỉnh trí lắm, bèn quăng đứa con vào hai tay người, á thánh Lộc bồng đứa nhỏ ấy, vậy quân lính tưởng người là cha nó, nên không hỏi han tới sự gì hết.

Việc thứ hai là: Thầy tổng Nhiệm bị bắt và trốn khỏi. Thầy tổng nầy lãnh đem thơ từ của Đức cha cho các cha, cùng bị quan quân bắt lối gần Thị Nghè và giam tại khám Saigon. Người nhờ dịp nầy mà vượt khỏi giam cầm: Số là mỗi bữa thì lính phải dắc những người ở trong tù ra khỏi thành đặng mà đi việc cần, thầy tổng và ít kẻ ton lót tiền bạc cho tên cai mà đi nới ra xa hơn một chút mỗi lần như vậy, đặng mua chác đồ ăn vặt uống, một bữa thầy tổng Nhiệm nương dịp ấy mà trốn luôn và lên trú tại họ An Nhơn, bổn đạo chặt xiềng người còn mang mà liệng xuống giếng. Đó rồi người lên Lái Thiêu và Tân Triều, ẩn mình cho tới chừng Nhà nước Langsa lập an thì mới ra mặt.

Ấy kể sơ qua các việc về họ An Nhơn đời cựu trào. Bổn đạo đời ấy thì sốt sắng lắm, chịu hao tổn cho làng xóm ngoại chẳng tiếc của, miễn là đặng ở an giữ đạo mà thôi; tối sáng thì mỗi nhà đều đọc kinh chung với nhau, nhiều lần làng xã cùng là kẻ ngoại ở phía trước nhà la rầy, biểu đừng đọc lớn mà những người ngoại ghét đạo đi cáo báo cùng quan chăng.

Hễ khi có cha tới làm phước cho họ, thì đâu đó mỗi chỗ đều có đặt người coi chừng, kẻo quan lính đến thình lình chăng; đi xem lễ đọc kinh thì cũng phải trốn lánh, đợi đến đêm hôm đi khuất theo hàng rào kẻo người ta thấy; con nít nhỏ hễ nghe cha mẹ nói đi xem lễ đọc kinh thì ham lắm, cha mẹ sợ khó lòng không dám dắc theo, thì có đứa nài nỉ xin bà con đem mình đi xem lễ cho được.

Bỡi mấy hương chức làng dễ, chịu cho ít quan tiền thì không nói tới ai sự gì hết, nên có một ít chạy tới ở ẩn tại họ khá lâu. Chính mình Đức cha Đôminicô cũng đã có ở đó trong ba tháng luôn. Hễ khi đặng có cha ở trong họ thì bổn đạo càng thêm lòng sốt sắng, ai nấy lo đi nhà thờ xưng tội, rước lễ.

Nhà các cha hay tới ở tại họ thì nhứt là nhà ông trùm họ: ông trùm Chấn, ông trùm Vị và ông trùm Điền, cũng kêu là trùm Mầu theo tên con lớn ông. Con cháu ông trùm Điền thì kế tiếp nhau mà làm trùm họ luôn cho tới lối năm 1890, gia thất nầy giàu có, có nhiều nhà cữa, có trại để đóng ghe, có nhà để tằm ươm tơ, và dệt hàng lụa nữa.

III. – Các cha coi Họ, từ khi Nhà nước Langsa cai trị tới ngày nay

Sau khi nhà nước Langsa lập tại Nam Kỳ, thì họ An Nhơn cũng chưa có cha nào ở quyết tại họ, mấy cha ở Chợ Quán vô ra làm lễ làm phước cho bổn đạo mà thôi; như vậy cho tới năm 1868 thì mới có cha Tôma Dưỡng làm cha sở và ở luôn đó. Lại trong lúc ấy cũng có cha Dumoulin, qua giảng đạo ngoài Tonkin, mà đi luôn ra ngoài ấy tức thì chưa được, nên đã có ở tại An Nhơn một năm.

Cha Dưỡng ở tại họ An Nhơn lâu lắm, cho tới chừng già cả bịnh hoạn yếu đuối thì mới nghỉ, là từ năm 1868 tới năm 1900; cha đã lo lắng hết sức cho giáo hữu tại họ đặng cầm giữ lòng sốt sắng xứng đáng con cháu những ông bà đời cựu trào, cho nên khi cha ở đó thì họ An Nhơn bổn đạo đặng tiếng là đạo đức tử tế. Cha có cho nhiều học trò vào trường Latinh, trong mấy trò đó thì còn lại có một người đang làm thầy cả mà thôi, là cha Yến. Lại cha cũng có cho một ít nhi nữ đi tu, kẻ thì đi Nhà Trắng người thì vào Nhà phước Chợ Quán và có một người đi Nhà Kín nữa.

Trong đời cha Dưỡng coi họ An Nhơn thì cha đã có lập hội Môi Khôi, mỗi đầu tháng thì có đi kiệu Đ. C. Bà, giáo nhơn vào hội nầy cũng khá đông, nhưng mà số bổn đạo trong họ thì không có thêm bao nhiêu, cứ giữ số từ 150 tới 180 người mà thôi.

Trong năm 1876 và 1877 cha đã cất một nhà thờ, cột cây, vách xây gạch và trên lợp ngói, bổn đạo nam nữ giúp phụ công thì nhiều, chớ tiền bạc dưng cúng thì chẳng bao nhiêu; cha xin nhiều nhà giàu có trong nhiều họ khác giúp bạc mà làm, và chính mình cha đứng coi các công việc xây dựng nhà thờ ấy.

Cha cũng cất nhà cha sở, còn lại bây giờ, nhà nầy thấp, làm theo cách annam.

Số bổn đạo tại họ không thêm đặng, nên cha đã có lo mở việc giảng dạy mấy làng lân cận xung quanh; nên có một gia thất ở làng Hạnh Phú trở lại đạo, và sau nhà nầy đã về ở tại An Nhơn,

Tại làng An Lộc Đông thì cha đã có lập đặng một họ nhỏ, cũng bỡi nhờ thầy giáo Khả, thầy nầy nghỉ làm việc về trong làng, cùng dạy mấy đứa con những nhà giàu có. Khi người trở lại học đạo rồi thì nên tông đồ mà dạy đạo trong xóm mình, cũng đã làm đặng cho 40 người vô đạo cùng chịu phép rửa tội. Chẳng may trong những kẻ nầy phần nhiều đã sinh thì sớm làm cho ngưng việc kẻ ngoại xin học đạo. Bây giờ tại họ nhỏ nầy thì còn lại những con cháu của thầy giáo Khả là bổn đạo mà thôi, thầy giáo nầy đã qua đời trong năm 1910.

Khi cha Dưỡng ở An Nhơn thì cũng coi họ Gò Vắp và Hanh Thông Tây; cho tới năm 1895 thì tách họ Gò Vắp ra cùng giao cho cha sở Gia Định; và trong năm 1900, cha Chính trước là cha phó tại An Nhơn, qua làm cha sở họ Hanh Thông Tây.

Trong năm nầy (1900) thì cha Dưỡng già cả bịnh hoạn phải nghỉ, và cha Dư đổi lại họ An Nhơn, Cha Dư có cất một nhà trường bằng ngói gạch và một nhà cho hai dì phước Chợ Quán tới ở đặng dạy học. Còn đời cha Dưỡng thì đồng nhi nữ lớn trong họ dạy con nít học mà thôi.

Cha Dư ở An Nhơn cho tới năm 1909 thì cha Đậu đổi lại, cùng ở đó trong vài ba tháng, rồi thì có cha Lủy (P. Lioger) làm cha sở họ An Nhơn cho tới tháng Mars năm 1912 thì cha Nguơn (P. Desseaume) đổi lại, và ở tại đó cho tới bây giờ.

Buổi họ An Nhơn còn sung thạnh, đời cựu trào, thì đã có nhiều con cái trong họ đi tu làm thầy cả. Á thánh Lộc (một ít kẻ nói sinh ra tại Chí Hòa) mà hồi bé thơ đã ở tại An Nhơn. Cha Anrê Bửu gốc là ở họ An Nhơn mà sau khi Nhà nước Langsa qua Nam Kỳ thì cha mẹ người mới về ở tại Xóm Chiếu. Cha Đậu gốc cũng ở tại An Nhơn. Cha Dư thì sinh đẻ tại Tân Triều, mà khi nào thì theo anh người mà ở tại An Nhơn, kế đó làm học trò cho cha Pernot và cha nầy đã gởi người qua trường Pinăng.

Trong mấy nhà nữ tu, nhà Kín, nhà phước Thủ Thiêm, nhà phước Chợ Quán thì có nhiều bà gốc sinh đẻ tại An Nhơn, mà sau cha mẹ bỏ An Nhơn mà đi ở Thủ Thiêm cùng là Xóm Chiếu, rồi thì mới cho con đi nhà phước.

(Chung)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917