ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Họ An Nhơn

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ AN NHƠN

(Hạt Gia Định)

--------------------------

1- Gốc lập Họ

Họ An Nhơn đã có hồi cuối đời thứ 18; gốc họ nầy cũng giống như nhiều họ khác, là bổn đạo nhiều nơi phải bị bắt bớ, quan làng hà hiếp, nên đã trốn bỏ xứ mà đến trú ngụ tại An Nhơn. Trong lúc giặc Tây Sơn (1780-1800) thì đã có họ nầy. Ban đầu một ít nhà giáo hữu trốn quân nghịch, đến cất nhà cữa ở tại rạch nhỏ kêu là Rạch Ông Cù, ném về nơi phía dưới nhà thờ bây giờ. Thấy ở đó đặng bình an, nên có nhiều bổn đạo tới ở thêm đông, lại người ngoại ở tại đó cũng có kẻ trở lại đạo, cho nên số bổn đạo khi ấy được hơn 500, nhiều kẻ nói gần tới ngàn. Mà tưởng thì thật sự số bổn đạo tới ở đó gần tới ngàn, là trong lúc rốt giặc Tây Sơn, thì những bổn đạo ở tại Chí Hòa, phải quân ngụy hiếp đáp bắt bớ, nên đã tới tại đất anh em giáo hữu ở An Nhơn mà trú ngụ một ít lâu, vì khi ấy bổn đạo tại họ nầy có ruộng đất lớn rộng rãi, dài theo từ ranh Gò Vắp cho tới gần chợ An Nhơn và rạch Bến Cát, cho nên phần nhiều người là dư giả có ăn, kẻ thì lo lập vườn, người thì lo làm ruộng dài theo bờ rạch; còn công việc của đàn bà thì là để tằm, ươm tơ, dệt lụa vải. Song nghề chánh của bổn đạo tại họ là đóng ghe, nhiều nhà đóng nhiều chiếc để cho mướn cùng là để đi buôn bán lên xuống trong mấy hạt phía đông.

Vậy bổn đạo tại họ An Nhơn khi ấy đặng bình an luôn, khỏi lo sợ phải hiếp đáp cùng là bắt bớ gì hết, làng xã ngoại sở tại thì bổn đạo có lo lót tiền bạc cho, nên chẳng thể làm sự gì khó lòng cho bổn đạo. Trong mấy cơn cấm kín dữ dằn đời Minh Mạng và Tự Đức, thì hương chức làng đã lo lắng để một gia thất ngoại ở trong mỗi một nhà bổn đạo, cho ngoại ở trước, còn chủ nhà có đạo ở phía sau. Hễ khi quan tĩnh tới làng mà vô xét mỗi nhà cùng hỏi giữ đạo nào, thì mấy người ngoại ở trước trả lời, nói mình là ngoại cùng chỉ giường thờ ông bà chúng nó đặt giữa nhà đó cho quan coi, quan không thấy dấu gì về đạo nên không xét nữa,

Mỗi năm tới ngày Tết, theo lịnh vua dạy, mỗi nhà phải cặm nêu, họ làng lo sai dân làng đốn tre cặm nêu trước mỗi nhà đủ hết, cho nên khỏi quan quân nghi hoặc sự gì. Cũng bỡi bổn đạo đồng lòng chung tiền nhau mà chịu cho làng xóm ngoại, cho nên mới đặng như vậy; và bằng lòng ẩn ánh tịch mạc, chẳng phô trương, tuy phần nhiều bổn đạo có ăn dư giả, muốn làm gì cũng được, nhưng chịu ẩn khuất thể ấy, miễn cho đặng một sự, là đặng phước giữ đạo bình an mà thôi.

Bổn đạo An Nhơn đã được may mắn như vậy, cho tới chừng tàu binh tây qua lấy Cữa Hàn (Tourane) và chạy vô Saigon; khi ấy quan dạy bắt hết người có đạo còn sức lực mạnh mẽ, vì sợ hiệp với binh tân trào. Bắt những người ấy mà giao cho mấy làng lân cận giữ, tốp thì để tại Hóc Môn, tốp thì để tại Bà Quẹo, phần nhiều thì cũng giao cho làng An Nhơn. Những kẻ quan giao lại Hóc Môn và Bà Quẹo thì trốn được mà về hết; còn những kẻ bị giữ tại làng An Nhơn thì khó bị thoát khỏi, cho tới chừng có một chiếc tàu trận tây tới rạch Bến Cát, thì mấy người nầy mới được thả ra. Vì khi ấy có một người bổn đạo nhát sợ, chạy tới cùng Đức cha Lefèbvre mà nói cho ngài hay, sợ cho bổn đạo An Nhơn phải hiểm nghèo. Lúc ấy binh Langsa mới nhập thành Saigon, Đức cha bèn xin quan cai binh Langsa cứu bổn đạo An Nhơn, quan liền sai một tàu chiến đi tức thì. Khi tàu chạy tới ngang họ An Nhơn, thật là sự bất thình lình, vì không ai dè; cho nên khi nghe dưới tàu bắn vài phát súng, thì làng xóm ai nấy đều sợ hoảng, và thả một ít người có đạo còn cầm đó; còn bổn đạo thì biết rày có kẻ tới cứu mình, nên ai nấy đều kéo nhau xuống ghe chèo ra tàu mà trèo lên, lật đật đi không đem theo sự gì được hết, vì sợ ở lại đó mà sau phải khốn. Người ta nói khi ấy có một người có đạo đang tắm dưới sông, không dám trở lên bờ lấy áo mà bận vào, một lội tuốt ra trèo lên tàu, và binh lính phải cho áo mà mặc.

Kẻ ngoại thấy tàu tới đó rồi chạy đi, kéo theo nhiều ghe thuyền của bổn đạo; khi chúng nó hết sợ rồi, bèn a vào những nhà bổn đạo đi bỏ trống đó, mà cướp lấy hết các vật dụng.

Tàu đem những bổn đạo ấy về Saigon, ban đầu phần nhiều thì cất nhà cữa ở tại Thủ Thiêm, cũng có kẻ qua ở Xóm Chiếu cùng là Thị Nghè, và đến sau có nhiều người về ở tại Cầu Kho nữa.

Khi Nhà nước Langsa đã lập an rồi, không còn sợ bắt bớ gì nữa, thì có một ít người trở về An Nhơn mà thôi, phần nhiều thì ở luôn mấy nơi đã trú. Bỡi đó cho nên họ An Nhơn trước thì thạnh số bổn đạo, là họ lớn, mà sau thì còn lại không bao nhiêu, thành ra một họ nhỏ, còn lại chừng 180 tới 200 người giáo hữu mà thôi, ở trong một vòng chừng sáu bảy mẫu đất. Vì mấy người có đạo ở đó khi trước giàu, có ruộng đất nhiều, mà bỡi không muốn trở về nữa, nên đã bán lần lần hết ruộng đất mình lại cho kẻ ngoại.

II. – Các cha coi Họ đời cựu trào.

Từ khi họ An Nhơn mới lập, là trong đời Đức thầy Vêrô, thì đã có nhà thờ tại họ, thấp nhỏ cột cây mà trên lợp ngói.

Qua đời vua Minh Mạng ra chỉ cấm đạo cùng hủy phá hết các nhà thờ lớn nhỏ; vậy làng An Nhơn đã lấy gạch, cạy ngói của nhà thờ mà làm nhà canh. Cho tới chừng Nhà nước Langsa lập an, thì làng trả cái nhà ấy lại cho bổn đạo mà làm nhà thờ, cho tới năm 1876, thì mới cất một nhà thờ nhỏ khác còn tới bây giờ.

Vậy họ An Nhơn đã có nhà thờ từ khi mới lập, song không có cha nào ở tại họ, như vậy cho tới năm 1856 hay là 1857. Khi ấy mấy cha ở tại Chợ Quán hay là Lái Thiêu vô ra An Nhơn mà làm lễ cùng làm phước cho bổn đạo mà thôi. Trong những cha coi họ An nhơn khi ấy như vậy trong các cha tây thì có cố Kính (Gagelin), trong các cha annam thì có cha Lợi, cha Thường. Cha Thường cũng kêu là Thán có ban phép Xức Trán tại họ nhiều lần. Trong năm 1856 có một cha annam già cả tên là Vững (bổn đạo kêu là “ông già bác”.), trên Uđông xuống ẩn mình tại họ An Nhơn vài năm, cùng đã qua đời trước khi binh Langsa tới Nam Kỳ; bổn đạo chôn xác cha nầy trong nhà thờ cũ, và trong năm 1877 cha Dưỡng đã dời về nhà thờ bây giờ. Cùng một lượt đó cha Dưỡng đã chôn trong nhà thờ, tro cốt cái đầu đứng đáng kính cha Phước đã chịu xử trảm tại Saigon. Họ An Nhơn đặng cái đầu đấng tử đạo ấy truyện là như vầy: Sau khi quân ngụy Khôi đã thua binh trào cùng phải giao thành Saigon lại cho binh vua, thì Á thánh Du (Bienheureux Marchand) phải dẫn ra kinh đô Huế, còn cha Phước thì phải bị chém ngoài thành, quan dạy đem đầu người qua bên kia Gò Vắp gần họ An Nhơn đặng bêu lên đó. Khi ấy có một người có đạo tên là ông Chín ở Saigon về, bộ cũng có chén nên vui vẻ, không sợ lệnh ai, mở đầu thánh tử đạo xuống, hai tay ôm lấy cùng than khóc om sòm: Lạy Cha, lạy cha, cha ôi! Thiên hạ nghe đều chạy tới, hương chức làng liền bắt người, mà bỡi người chịu cho làng 30 quan tiền nên làng thả về và cũng giao cho người cái đầu đấng đáng kính cha Phước luôn nữa.

Lại cũng có hai chuyện khác đã xảy ra trong đời bắt bớ ấy, đáng kể lại cho hậu lai đặng biết.

Việc thứ nhứt là: Á thánh cha Phaolồ Lộc, là kẻ đã phải đổ máu mình ra vì đạo Chúa trong năm 1859; tưởng là trước vài năm đó người đã phải bị bắt tại An Nhơn lúc người còn làm thầy năm. Khi ấy người nghỉ tại nhà anh người và ở đó một năm, chẳng hay có người ta cáo cùng quan rằng có đạo trưởng ẩn mình trong một nhà tại An Nhơn. Quan liền sai đội đem lính tới bắt, khi chúng nó vô tới nhà thì thầy năm Lộc đang nằm nghỉ trên võng, còn chủ nhà thì đi khỏi, vợ chủ nhà đang bồng đứa con trên tay cùng làm công việc trong nhà; đờn bà ấy vừa thấy lính tới liền hiểu là có sự hiểm nghèo cho thầy năm, nên tỉnh trí lắm, bèn quăng đứa con vào hai tay người, á thánh Lộc bồng đứa nhỏ ấy, vậy quân lính tưởng người là cha nó, nên không hỏi han tới sự gì hết.

Việc thứ hai là: Thầy tổng Nhiệm bị bắt và trốn khỏi. Thầy tổng nầy lãnh đem thơ từ của Đức cha cho các cha, cùng bị quan quân bắt lối gần Thị Nghè và giam tại khám Saigon. Người nhờ dịp nầy mà vượt khỏi giam cầm: Số là mỗi bữa thì lính phải dắc những người ở trong tù ra khỏi thành đặng mà đi việc cần, thầy tổng và ít kẻ ton lót tiền bạc cho tên cai mà đi nới ra xa hơn một chút mỗi lần như vậy, đặng mua chác đồ ăn vặt uống, một bữa thầy tổng Nhiệm nương dịp ấy mà trốn luôn và lên trú tại họ An Nhơn, bổn đạo chặt xiềng người còn mang mà liệng xuống giếng. Đó rồi người lên Lái Thiêu và Tân Triều, ẩn mình cho tới chừng Nhà nước Langsa lập an thì mới ra mặt.

Ấy kể sơ qua các việc về họ An Nhơn đời cựu trào. Bổn đạo đời ấy thì sốt sắng lắm, chịu hao tổn cho làng xóm ngoại chẳng tiếc của, miễn là đặng ở an giữ đạo mà thôi; tối sáng thì mỗi nhà đều đọc kinh chung với nhau, nhiều lần làng xã cùng là kẻ ngoại ở phía trước nhà la rầy, biểu đừng đọc lớn mà những người ngoại ghét đạo đi cáo báo cùng quan chăng.

Hễ khi có cha tới làm phước cho họ, thì đâu đó mỗi chỗ đều có đặt người coi chừng, kẻo quan lính đến thình lình chăng; đi xem lễ đọc kinh thì cũng phải trốn lánh, đợi đến đêm hôm đi khuất theo hàng rào kẻo người ta thấy; con nít nhỏ hễ nghe cha mẹ nói đi xem lễ đọc kinh thì ham lắm, cha mẹ sợ khó lòng không dám dắc theo, thì có đứa nài nỉ xin bà con đem mình đi xem lễ cho được.

Bỡi mấy hương chức làng dễ, chịu cho ít quan tiền thì không nói tới ai sự gì hết, nên có một ít chạy tới ở ẩn tại họ khá lâu. Chính mình Đức cha Đôminicô cũng đã có ở đó trong ba tháng luôn. Hễ khi đặng có cha ở trong họ thì bổn đạo càng thêm lòng sốt sắng, ai nấy lo đi nhà thờ xưng tội, rước lễ.

Nhà các cha hay tới ở tại họ thì nhứt là nhà ông trùm họ: ông trùm Chấn, ông trùm Vị và ông trùm Điền, cũng kêu là trùm Mầu theo tên con lớn ông. Con cháu ông trùm Điền thì kế tiếp nhau mà làm trùm họ luôn cho tới lối năm 1890, gia thất nầy giàu có, có nhiều nhà cữa, có trại để đóng ghe, có nhà để tằm ươm tơ, và dệt hàng lụa nữa.

III. – Các cha coi Họ, từ khi Nhà nước Langsa cai trị tới ngày nay

Sau khi nhà nước Langsa lập tại Nam Kỳ, thì họ An Nhơn cũng chưa có cha nào ở quyết tại họ, mấy cha ở Chợ Quán vô ra làm lễ làm phước cho bổn đạo mà thôi; như vậy cho tới năm 1868 thì mới có cha Tôma Dưỡng làm cha sở và ở luôn đó. Lại trong lúc ấy cũng có cha Dumoulin, qua giảng đạo ngoài Tonkin, mà đi luôn ra ngoài ấy tức thì chưa được, nên đã có ở tại An Nhơn một năm.

Cha Dưỡng ở tại họ An Nhơn lâu lắm, cho tới chừng già cả bịnh hoạn yếu đuối thì mới nghỉ, là từ năm 1868 tới năm 1900; cha đã lo lắng hết sức cho giáo hữu tại họ đặng cầm giữ lòng sốt sắng xứng đáng con cháu những ông bà đời cựu trào, cho nên khi cha ở đó thì họ An Nhơn bổn đạo đặng tiếng là đạo đức tử tế. Cha có cho nhiều học trò vào trường Latinh, trong mấy trò đó thì còn lại có một người đang làm thầy cả mà thôi, là cha Yến. Lại cha cũng có cho một ít nhi nữ đi tu, kẻ thì đi Nhà Trắng người thì vào Nhà phước Chợ Quán và có một người đi Nhà Kín nữa.

Trong đời cha Dưỡng coi họ An Nhơn thì cha đã có lập hội Môi Khôi, mỗi đầu tháng thì có đi kiệu Đ. C. Bà, giáo nhơn vào hội nầy cũng khá đông, nhưng mà số bổn đạo trong họ thì không có thêm bao nhiêu, cứ giữ số từ 150 tới 180 người mà thôi.

Trong năm 1876 và 1877 cha đã cất một nhà thờ, cột cây, vách xây gạch và trên lợp ngói, bổn đạo nam nữ giúp phụ công thì nhiều, chớ tiền bạc dưng cúng thì chẳng bao nhiêu; cha xin nhiều nhà giàu có trong nhiều họ khác giúp bạc mà làm, và chính mình cha đứng coi các công việc xây dựng nhà thờ ấy.

Cha cũng cất nhà cha sở, còn lại bây giờ, nhà nầy thấp, làm theo cách annam.

Số bổn đạo tại họ không thêm đặng, nên cha đã có lo mở việc giảng dạy mấy làng lân cận xung quanh; nên có một gia thất ở làng Hạnh Phú trở lại đạo, và sau nhà nầy đã về ở tại An Nhơn,

Tại làng An Lộc Đông thì cha đã có lập đặng một họ nhỏ, cũng bỡi nhờ thầy giáo Khả, thầy nầy nghỉ làm việc về trong làng, cùng dạy mấy đứa con những nhà giàu có. Khi người trở lại học đạo rồi thì nên tông đồ mà dạy đạo trong xóm mình, cũng đã làm đặng cho 40 người vô đạo cùng chịu phép rửa tội. Chẳng may trong những kẻ nầy phần nhiều đã sinh thì sớm làm cho ngưng việc kẻ ngoại xin học đạo. Bây giờ tại họ nhỏ nầy thì còn lại những con cháu của thầy giáo Khả là bổn đạo mà thôi, thầy giáo nầy đã qua đời trong năm 1910.

Khi cha Dưỡng ở An Nhơn thì cũng coi họ Gò Vắp và Hanh Thông Tây; cho tới năm 1895 thì tách họ Gò Vắp ra cùng giao cho cha sở Gia Định; và trong năm 1900, cha Chính trước là cha phó tại An Nhơn, qua làm cha sở họ Hanh Thông Tây.

Trong năm nầy (1900) thì cha Dưỡng già cả bịnh hoạn phải nghỉ, và cha Dư đổi lại họ An Nhơn, Cha Dư có cất một nhà trường bằng ngói gạch và một nhà cho hai dì phước Chợ Quán tới ở đặng dạy học. Còn đời cha Dưỡng thì đồng nhi nữ lớn trong họ dạy con nít học mà thôi.

Cha Dư ở An Nhơn cho tới năm 1909 thì cha Đậu đổi lại, cùng ở đó trong vài ba tháng, rồi thì có cha Lủy (P. Lioger) làm cha sở họ An Nhơn cho tới tháng Mars năm 1912 thì cha Nguơn (P. Desseaume) đổi lại, và ở tại đó cho tới bây giờ.

Buổi họ An Nhơn còn sung thạnh, đời cựu trào, thì đã có nhiều con cái trong họ đi tu làm thầy cả. Á thánh Lộc (một ít kẻ nói sinh ra tại Chí Hòa) mà hồi bé thơ đã ở tại An Nhơn. Cha Anrê Bửu gốc là ở họ An Nhơn mà sau khi Nhà nước Langsa qua Nam Kỳ thì cha mẹ người mới về ở tại Xóm Chiếu. Cha Đậu gốc cũng ở tại An Nhơn. Cha Dư thì sinh đẻ tại Tân Triều, mà khi nào thì theo anh người mà ở tại An Nhơn, kế đó làm học trò cho cha Pernot và cha nầy đã gởi người qua trường Pinăng.

Trong mấy nhà nữ tu, nhà Kín, nhà phước Thủ Thiêm, nhà phước Chợ Quán thì có nhiều bà gốc sinh đẻ tại An Nhơn, mà sau cha mẹ bỏ An Nhơn mà đi ở Thủ Thiêm cùng là Xóm Chiếu, rồi thì mới cho con đi nhà phước.

(Chung)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét