ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Họ Hanh Thông Tây

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------------

HỌ HANH THÔNG TÂY

-----------------------

I. – Gốc lập Họ

Họ nầy gốc cha Phước (sau làm Đức cha tại Hà Nội, Mgr. Puginier) đã lập năm Tân Dậu (1861), khi ấy là những người ngoại mà trở lại đạo, chứ không có ai có đạo ở đó trước, ai nấy cũng có nhà đất riêng. (Thiên hạ trở lại đạo, vì thấy người tây có đạo qua cai trị Nam Kỳ, nên muốn theo một đàng một ngả mà giữ đạo.)

Khi đầu người ta xin vô đạo cũng khá đông, nên năm Nhâm Tuất (1862) cha Gia (P. Jourdain) đã có cất một nhà thờ, là trong đời Đức cha Đôminicô (Mgr. Lefèvre). Các cha coi họ thì ở tạm ít lâu tại họ mà thôi, cho đến lối năm 1899 và 1900 thì mới có cha sở ở luôn.

Ban đầu số bổn đạo chừng 300 người; trường học thì không có, cho tới năm 1897 mới lập trường và có hai dì phước Chợ Quán tới dạy.

II. – Các cha coi họ.

Trong năm 1861, có ông Đốc phủ Ca (khi ấy làm hương thân) cùng bà con người, và ít hương chức khác trong làng muốn theo đạo, nên đem nhau đến cùng cha Phước mà xin giữ đạo. Vậy cha Phước đã rửa tội cho ông Đốc phủ Ca và bà con người trước hết tại Hanh Thông Tây.

Khi cha Phước đến thì kẻ ngoại rùng rùng chạy tới mà xin thọ giáo, ước cũng đặng 400 người. Mà nhà thờ chưa có, nên hương chức trong làng đồng lòng dưng cái đình mà làm nhà thờ tạm; thì cha Phước ở tại đó mà dạy chầu nhưng. Song khi mỗi bữa phải đi nghe dạy, thì phần nhiều mấy kẻ xin theo đạo biếng nhác mà thối lui, còn lại không bao nhiêu. Vậy cha Phước đã dạy và rửa tội đặng vài trăm người, cùng lo dạy luôn cho ai nấy đặng xưng tội rước lễ, cùng chịu phép xức trán.

Lúc ấy mọi sự đã bằng an, việc giữ đạo nên thong thả. Vậy cha Phước đổi đi nơi khác, cha ở họ nầy gần đặng một năm.

Kế cha Thọ đổi lại ở ít lâu, rồi tới cha Vọng thế trong chừng vài tháng là năm 1862.

Khi hai cha ấy đổi đi, thì Đức cha sai cha Gia (P. Jourdain) tới coi làm nhà thờ là năm Nhâm Tuất (1862). Khi nhà thờ làm xong rồi cha làm đặng một lễ tại nhà thờ mới, thì Đức cha đổi cha đi nơi khác; nên cha Gia ở họ Hanh Thông Tây đặng chín tháng mà thôi. Kế có cha Doản (P. Devulder) đổi lại là năm 1863, cha ở đó hơn một năm rồi cũng đổi đi. Khi cha Doản đi rồi thì bổn đạo phải chịu mồ côi, hơn một năm không có cha sở.

Qua năm Ất Sửu (1865) trong họ đến xin Đức cha cho một cha ở, thì Đức cha sai cha Dưỡng tới, cha vô ở tại họ đặng vài tháng rồi dọn đồ về ở họ An Nhơn, và lên xuống làm phước làm lễ tại họ nầy mà thôi. Nên họ nầy từ khi mới lập cho đến năm 1899 thì không có cha nào ở luôn làm cha sở cho thật.

Vậy trong họ phần thì đạo mới, phần thì xa cha xa thầy, nên có nhiều kẻ xao lảng bỏ đạo, cùng nhiều người trễ nải; đến năm 1898 có cha Chính đau xin đi nghỉ tại họ nầy, thì Đức cha Để (Mr. Dépierre) đã để người ở coi họ làm cha sở.

Trong đời cha Dưỡng cũng có cho học trò đi Nhà trường Latinh, đặng một người làm thầy cả là cha Thiệt. Đời bây giờ có ít người đang học tại trường. Cha Dưỡng cũng có cho ít nhi nữ đi tu vào nhà phước, và đời bây giờ cũng có; trong những kẻ đi Nhà trường, nhà phước, chẳng phải là đạo dòng cả hai bên cha mẹ, song có một bên đạo dòng, hoặc cha hoặc mẹ mà thôi.

Nhà thờ bây giờ chẳng phải là nhà thờ cha Gia đã cất khi xưa, vì trong năm 1877 thì cha Dưỡng đã dời mà cất lại chỗ khác; đến năm 1900 cha Chính đã tu bổ lại và làm thêm nửa cái cho rộng hơn.

Trước thì chưa có trường học, đồng nhi tựu học tại cái nhà trống, xưa là cái miễu, mà trong họ đã sửa lại để cho cha Dưỡng ở lại khi lên xuống mà làm lễ làm phước cho họ. Bây giờ thì đã có trường rộng rãi, song cũng lợp lá. Cũng có nhà cho cha sở ở, mà vừa vừa và lợp lá.

Trong họ thì Nhà chung có một miếng đất mà thôi, là chỗ cất nhà thờ, còn dư xung quanh thì cho bổn đạo ở. Vậy nhà thờ nầy không có huê lợi gì, nên khi cha Chính ở đó thì đã bàn tính cùng quới chức, cùng xin phép và mượn bạc Đức cha mà cất phố cho mướn, đặng cho có huê lợi chút đỉnh.

Bây giờ thì nhà thờ đã hư rồi, gần sập, nên cha sở là cha Mátthêu Đức phải lo làm lại, tiền bạc chưa có, mới đặng một mớ gạch mà thôi.

Vậy nhà thờ họ nầy chẳng có vật gì là của xưa, còn của nay thì cũng chẳng có vật gì cho xứng đáng. Những người đã ra sức mà lo cho trong họ nầy khi ban đầu, là ông Đốc phủ Ca, ông Phủ Thọ, ông tổng Chua, ông cai Tình, ông câu Đông và Ông câu Quới. Mấy ông ấy chẳng còn mà còn con cháu, ai nấy đều lo bề đạo hạnh khá.

Cha Vêrô Chính ở họ nầy từ năm 1899 tới năm 1912 thì cha đau nặng, nên phải đi nghỉ trên Chí Hòa, ở đó vài tháng thì cha đã qua đời.

Khi cha Chính đi rồi thì cha Mátthêu Đức đổi lại, và làm cha sở coi họ cho đến bây giờ. Số bổn đạo năm nay đặng 600 người.

(Chung về họ Hanh Thông tây)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét