ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Hạnh Cha Carôlô Thu (Tournier)

HẠNH CHA CAROLÔ THU (TOURNIER)

CHA SỞ HỌ CÁI NHUM

------------------

Ghe phen nghe tiếng giục bảo tôi đam vào “N. K. Đ. P.” tích hạnh cha Tournier, tên an nam là Thu, cha sở cựu họ Cái Nhum. Từ ngày người tạ thế đến nay là giáp bốn năm tròn, tôi mới tra tay lược qua cho quí hữu đồng bang đặng xem mà cảm đội ơn Chúa, vì đã khấng ban ơn trọng cho Địa Phận Nam Kỳ được một cha langsa tài đức phi thường, nên như cột chống đỡ cùng đèn điện soi cho hàng đạc đức cùng bổn dạo con nhà nước Nam theo dõi. Các việc phước đức người làm, lại cơ đồ người gầy dựng lớn lao đứng giữa trời dường như nín lặng, vì kẻ gầy dựng công cuộc dường ấy cũng hay lặng lẽ bằng tịnh chốn tịch mạc thanh vắng. Nay phải trực tình bày tỏ rõ ràng, cho mọi người xem coi cũng thấm gẫm đặng noi theo nhiều ít.

Quê quán cha Carolô Tournier (Thu) là thành Pontarlier, về địa phận Besançon, trong nước Langsa. Người sanh ra lối năm 1837. Vốn dòng dõi đạo đức lâu đời, cha mẹ người chăm lo cho con cái biết đặng thờ phượng Chúa trọn hảo, nên Chúa chọn cha Carôlô nầy lên bực chánh tế. Chị người vào nhà phước ẩn tu về dòng R T T T Đ C G; sau qua giúp nhà phước xứ Alger đủ 13 năm, như lời bà ấy nói trước. Bà Emma Tournier, là em gái người, giữ bực dồng trinh từ thuở nhỏ, ở giữa thế gian, tuổi đã 60, là nữ đức hạnh như người ẩn tu, hãy còn sống bây giờ tại quê nhà, mà giữ điền viên cơ nghiệp, biết nhà mình và nhà thờ mà thôi.

Khi cha Carôlô đến tuổi đủ, thì bề trên phong chức chánh tế cho người, người làm lễ nhứt tại nhà dòng Trappiste. làm cha phó xứ mình ba năm; sau nghe ơn Chúa giục bảo, từ giã cha mẹ mà xuất thân, vào nhà trường các cha Dòng Sai, mong qua giảng đạo ngoại quốc, lối năm 1866.

Tới đất Nam Kỳ, Đức cha Gioang dạy người ở tại nhà trường Latinh ba tháng; đoạn xuống Cái Nhum học tiếng An Nam cũng giúp cha Mỹ (Colombert). Chẳng khỏi bao lâu cha Mỹ thăng quyền giám mục, thì người thế làm cha sở họ ấy. Đến sau Đức cha lại đòi người về Sài Gòn làm ký lục ba năm. Ai nói cho xiết lúc ấy bổn đạo cùng nhà phước Cái Nhum ưu phiền thương tiếc là dường nào! Thơ từ thăm viếng luôn luôn, khỏi ba năm Đức giám mục dạy người trở lại Cái Nhum, cha tái hồi, ai nấy như chết mà sống lại, vui mừng, vì khỏi mất cha tốt lành dường ấy.

Đây tôi xin vẽ hình người xem qua cho biết: Đầu người sói, trán cao, chẳng hay nhức đầu cho đến chết chẳng hề lẫn lộ, hay là quên sót đều gì, trí cao dè dặt. thông thuộc từng trãi nhiều đều; trí đoán xét ngay thật, lòng hằng ở với Chúa chẳng phút nào lìa cách. Con mắt nết na và hiền lành, khiêm nhượng thật thà như con bồ câu, có cha nói cha Thu là con chiên hiền lành, có kẻ nói coi hình người hiền lành khiêm nhượng giống như ông thánh Giude; đi đàng thường hay ngó xuống đất.

Người hay coi sách, song bỡi theo thứ tự lớp lang và theo giờ, nên coi nhiều sách lắm, nhứt là sách thánh, truyện thánh, chẳng có ngày nào mà bỏ coi sách, ít ham coi sách chơi, như có coi cũng lựa giờ nào khỏi ngăn trở việc bổn phận, song cũng coi theo giờ, theo buổi rảnh rang. Tôi thấy hai tập chữ quốc ngữ người viết về truyện Đ C B thành Lourdes, người đã dịch theo bổn ông Lassere, không biết người viết năm nào, tưởng cũng đã lâu, bây giờ hãy còn trong nhà phước Cái Nhum; cách nói đơn sơ thật thà đủ chuyện không thiếu.

Người chẳng bỏ giảng dạy khi nào, cách nói đơn sơ khiêm nhường, lời an ủi vắn tắt mà thâm trầm, nghe người an ủi kẻ liệt có một lời nầy rằng: “ớ con, hãy chịu khó nhịn nhục”, lời ấy rất hay và cần kíp, cho kẻ liệt là thể nào! đủ nghĩa. Người hay nín lặng giữ miệng luôn, nói khi nào cần kíp, lại lúc phải giảng, giờ phải dạy mà thôi, in như lời ông thánh Giacôbê khuyên bảo: thật kẻ giữ miệng lưỡi tử tế là gìn giữ linh hồn mình.

Người ghét sự nói hành bỏ vạ lắm. Sự gì nói cùng người một lần thì chớ lặp lại, người nghe rồi thì thôi, không ưa nghe lại nữa. Người hứa cùng ai đều gì, chẳng khi nào người quên. Người chậm nói, mà hễ nói đâu thì chắc đó không hay thay đổi, không đổ thừa cho ai. Phân một lần không ai đổi đặng, vì sự gì người xử đoán, xét đã muồi mới nói ra.

Người rất từng trải nhiều đều trong việc đạo cùng việc đời lắm; có một đều người ít nói mà thôi.

Người giữ đức khiêm nhượng lắm. Chẳng hề chê khen ai. Bổn đạo lầm lỗi đều chi làm cực lòng người quá, có hết sức thì người rằng: “kỳ cục quá lẽ.”. Bổn đạo kính chuộng, sợ, và thương người lắm. Có nhiều khi nghe bổn đạo nói chơi cùng nhau rằng: “Cha sở là ông thảnh, ít nói lắm, mà ông thánh đó quở một tiếng, nóng lạnh ba ngày”. Chức việc hay là bổn đạo có muốn thưa đều gì mà phải nói lâu, thì đến trúng ba bữa cơm, lúc nầy người nghe và phán đoán thong thả, vì lúc khác người mắc trở việc luôn. Đang khi người làm việc, có ai xin xưng tội hay là đi kẻ liệt, thì người chẳng tra hạch đều gì, một bỏ việc mà đi tức thì, không kể đường xa gần, khó dễ. Phải té nhiều khi vì đàng sá đất đai gập ghình khó đi, mà chớ hề nghe người than nói một tiếng cực khổ mệt nhọc.

Lòng người kính mến Chúa chí thiết, hằng nói khó củng Đ C G ngự trong lòng người luôn. Việc thờ phượng Chúa chẳng sót phần nào, trót năm những lễ nhạc Hội thảnh, trong các ngày lễ người chẳng bỏ qua lễ, phép nào: lại ưa hạp những việc ấy, hằng làm đỉnh đạc và tỏ ra lòng sốt mến Chúa hết sức.

Chẳng bỏ năm nào mà chẳng lo dọn kiệu Mình Thánh Chúa; và hễ mỗi năm, nửa đêm trong lễ Truyền Phép, thì người vào nhà thờ quì gối làm bài gẫm chung, cho nhà phước và bổn đạo, gọi giờ ấy là Hora sancta (giờ thánh), mỗi năm đêm ấy ai ai đua nhau vào nhà thờ mà nghe cha sở giảng đông lắm.

Người hay thương con chiên bổn đạo hết lòng, khi thấy con chiên bổn tạo rối rắm trễ nải thì lòng người lo buồn; khi có gặp dịp thì an ủi khuyên lơn đôi lời, chẳng lấy lời quở trách, mà làm cho kẻ có tội sờn lòng rủn chí, ước như nó chưa cải quá tự tân, thì người cầu nguyện thâu đêm, cho nó trở lại. Ôi! Hẳn thật biết bao nhiêu linh hồn, đặng nhờ lời người cầu nguyện, mà đặng làm hòa lại cùng Chúa! Biết bao nhiêu kẻ cứng cỏi, kiêu căng, ra mềm mại, khiêm nhượng, cũng nhờ đức hiền lành khiêm nhượng của người! Có nhiều lần nghe quới chức trong họ nói chuyện cùng nhau rằng: “Thấy cha sở hiền lành, anh em mình cũng bắt hiền lành, không còn muốn cãi lấy với nhau làm chi nữa” . Bỡi đó cho nên trong 40 năm người cai trị họ Cái Nhum, thì đặng bằng an cả, thượng hoà hạ mục mọi đàng. Bỡi đức thương yêu, người lấy tiền riêng mà làm nhà thương nuôi kẻ tật tàn bịnh hoạn, biết bao nhiêu kẻ ngoại nằm trong nhà thương ấy, mà đặng nhờ phép rửa tội giờ lâm tử! Nhiều người có tội đặng trở lại chết lành.

Khi người đi viếng họ nhỏ, mà nghe nói có kẻ trở lại đạo; thì ai nói cho xiết người hớn hở vui vẻ là thể nào!

Người lo đủ đồ, mà đãi khách tới giờ nào bất luận cũng đủ no. Người có lòng cung kính tế nhường những đứng bề trên, lại các hàng linh mục tới thăm, thì người tỏ ra lòng vui vẻ, ruớc mọi người một mực đồng nhau, không tày vị ai hơn, sẵn lòng nói chuyện cùng mọi người. Như cha nào ở lâu, người tiếp rước tử tế chuyện vãn đủ phép, đoạn người xin kiếu, mà đi làm việc theo lề luật riêng của người. Khi người mắc tay, thì có sách vỡ sẵn sàng cho khách khứa coi chơi khuây lãng.

Người rung chuông nhựt một mỗi bữa sáng luôn; người hằng làm việc luôn, người là ông thợ biết nhiều nghề, nhứt là nghề ông thánh Giude là nghề thợ mộc, dùng tay mà giúp việc Chúa cùng giúp đỡ thiên hạ chẳng hề biết mệt, người siêng năng mọi bề phần xác, cũng như phần linh hồn vậy. Trước mỗi khi người làm việc gì, dầu mà là việc xác, ví dụ: tưới bông, cuốc đất, xây nhà thì đi ngang qua hình tượng D C Bà, qui gối đó một chút vừa đọc một kinh Kính mừng, đoạn tra tay làm việc, mỗi khi rồi cũng vậy.

Cha Carôlô gầy dựng đền thờ Cái Nhum, cao lớn, chắc chắn, xinh tốt, hơn 15 năm mới rồi: tay người xây với ít thợ học tập cùng người. Vì lẽ nào mà lâu làm vậy ? Bỡi vì ít tiền bạc, lại tính người kỹ cang không hay hồi hấp, lần lần làm tới đâu hay đó, có bạc thì mần, không thì nghỉ, lại chí công mài sắc chầy ngày nên kim, bây giờ mọi việc đã thành. Nhà thờ, nhà trường, nhà phước, đất thánh, trường nam, trường nữ, nhà thương, nhà mồ côi, cũng một tay người gầy dựng coi sóc bền vững cho đến ngày người qua đời.

Mười hai năm tôi ở đó, thấy như vậy luôn, tôi không thấy đổi chút nào. Càng ngày tôi càng khen thầm sự nhơn đức người, cùng sự bền đỗ chẳng hề sai chậy.

Các đồ người dùng thì thứ tự lớp lang, chẳng hề dời đổi; những đồ ấy tỏ ra sự khó khăn, khiêm nhượng, sạch sẽ, kỹ cang mọi bề. Đồ người dùng người để chỗ nào, thì cả và đời người, nó ở chỗ đó không hề sang qua chỗ khác. Những đồ cũ đời xưa, đời nay để lại trong nhà thờ Cái Nhum, thì chẳng hề biệt mất.

Có một lần kia, người chỉ cho tôi coi, cây đó của cha Đậu trồng, cây kia của Đức cha Mỹ để lại, cây nầy của biện Tễ trồng, cây nọ của ông trùm Công trồng. Nói tắt một lời đồ gì để lại, không ích mà bỏ thì người giữ luôn, như dấu tích vậy. Người không muốn quên công cổ tích người cố cựu để lại đâu. Cái tiếng mới chuông cũ vong, cha Carolô không hề biết tới.

Trong ba năm, người mắc bệnh: Năm thứ nhứt, thấy bịnh người càng ngày càng thêm, dầu vậy mặc lòng, người cùng lặn lội làm các việc bổn phận như thường. Năm ấy ngày áp lễ kiệu Mình Thánh Chúa người lại bị mắc cúm, song người cũng rán chống gậy đi theo cho mãn việc kiệu Mình Chúa. Khi đến lễ Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, tôi đến xin người kiệu Đ C Bà có ý cho cả và họ cầu nguyện cho cha thuyên bịnh. Cha Carôlô trả lời rằng:

- Để cho tôi đi cầm lại làm chi?

Song bỡi lòng bổn đạo cầu nguyện, lại phép tắc Đ C Bà cho người khá lại lần lần được hai năm rưỡi. Qua sáu tháng sau người phải bịnh lại, dầu mệt mỏi hết sức, cũng rán làm lễ, làm phước làm phận, cũng giữ các lề luật riêng người đến chết. Người thôi việc xác thì coi sách luôn luôn.

Bỡi lòng khiêm nhượng, người dọn một huyệt đá ong cho người sẵn, ngay nơi lầu chuông người quen giựt mỗi buổi sớm, e sau người ta cất xác người trong nhà thờ chăng. Người dặn trước phải chôn người chỗ ấy.

Cha ôi! cha để lại những dấu tích công nghiệp biết đâu kể xiết! Những mồ hôi cha đã đổ xuống đất Nam Kỳ 40 năm trời, không ai hay ai biết, hiệp làm một cùng công nghiệp Chúa hóa nên của châu báu là dường nào! Cha hiểu rõ lời sách Gương Phước rằng: “Ama nesciri et pro nihilo reputari, con hãy ưa sự người ta chẳng biết con, và kể con là như không vậy”.

Thật Cha CAROLÔ ít nói mà làm việc nhiều, lòng cha đầy sự khiêm nhượng hạ mình, bắt mình làm việc thấp hèn phần xác, song cũng đã phân giờ phân buổi chẳng hề sai chạy.

Chơn bước khoan thai không mau không chậm, đàng người đi là đàng nhà thờ và đến chốn làm việc bổn phận, chẳng hề đi chơi, hay là xin dưỡng bịnh bao giờ. Mỗi ngày khi có việc đi ngang qua hang đá Đ C Bà, thì ghé quì gối đó một phút đồng hồ nhà thăm viếng Đ C Bà, chẳng có khi nào bỏ việc ấy, mỗi ngày ít là 1 lần.

Mỗi ngày người đi viếng nhà thương, như thấy trong luật chỉ sau. Trước ngày người qua đời, bỏ đi viếng Đ C Bà và nhà thương 2 tuần, vì chơn người sưng quá đi xa không nổi nữa. Thật ớ cha ôi! Bỡi cha chẳng bỏ đi viếng Đ C B mỗi ngày ít là bốn lần, thì ngày nầy Đ C Bà trả ơn đi viếng cha lại mà rước cha về cùng Chúa.

Ớ đường đi nước bước cha có lộc là thể nào!

Cả đời người quen đi quen đứng luôn: trong lúc làm phước, giờ dùng bữa thì ngồi mà thôi. Coi sách cũng đứng, viết cũng đứng, chết cũng đứng, dường như chết cũng còn muốn đi làm việc Chúa, đứng cho đặng bước vào nước thiên đàng, mà nghỉ ngơi đời đời, (Đ G Tông Lêô thứ 13 ước ao chết mà hãy còn đứng)

Xin quí hữu vui lòng coi thêm vài lời nữa:

1.     là luật riêng người hằng ngày;

2.     người mang bịnh sau hết ba năm;

3.     ngày người chết người ăn ở thể nào.

Lề luật hằng ngày: Bốn giờ sớm mai thức dậy, suy gẫm. Năm giờ cầm đèn đi mở cửa nhà thờ, vô viếng Chúa, kế giựt chuông nhựt một, đoạn mở các cửa, rồi trở lại bàn quì, nói khó cùng Chúa một giây lâu. Sáu giờ làm lễ Misa, xong lễ quỳ gối luôn mà cảm ơn Chúa. Bảy giờ lót lòng, xong một lát xuống viếng núi Đ C Bà gần nhà Phước, luôn đàng viếng những chỗ các dì phước làm việc, ai có việc chi thì lại thưa gởi. Cha đi luôn viếng nhà kẻ liệt các dì, an ủi đôi lời, coi sóc thuốc men, thẳng chào Đ C G ngự trong nhà tạm nhà thờ nhà phước một hai phút. Thẳng qua đám cải chỗ các dì làm rẫy, có khi ghé nhà mồ côi, đoạn đi luôn thăm nhà thương nam nữ. Chỗ nào có treo đồng hồ thì người lên giây, rồi gỡ lịch in sách lời Thánh mà coi, người đi luôn qua núi Đ C Bà ghé đó một chút, tới nhà thờ là tám giờ, vô đó coi ai xưng tội không, có thì ở lại làm phước."

Xong việc lên lầu đọc Parvas Horas, đoạn coi sách rồi làm việc xác.

12 giờ dùng bữa trưa, thay vì giờ nghỉ trưa, thì sửa đồng hồ cho các cha mượn, hoặc mài dao, sửa kéo, cắt kiến cữa nhà thờ; sau thì coi nhựt trình một chút, thường là nhựt trình Pèlerin, của em người gửi cho người, ấy là giờ người chơi thay vì nghỉ trưa.

2 giờ người đọc kinh Vesperas. Đọc kinh rồi người đi làm phước trong nhà thờ cùng làm việc khác.

5 giờ làm việc xác, ... 6 giờ đi viếng Mình Thánh Chúa tại nhà thờ nhà phước, 6 giờ rưỡi dạy nhà phước về đàng trọn lành, 7 giờ dùng bữa tối, rồi lên lầu đi dạo một lát, kế đứng mà coi sách đoán, hay là hạnh thánh, 9 giờ rưỡi người mới nằm ghế mà nghĩ lưng chừng nửa giờ, lúc ấy cũng coi sách, 10 giờ người cầm đèn, cầm chuỗi lần hột, vô nhà thờ quì gối nơi bàn thờ Đ C Bà mà lần hột giây lâu. Đoạn đi viếng bàn thờ các đẳng; viếng các bàn thờ có để hình tượng các thánh, có khi người đi đàng thánh giá, trước khi ra khỏi nhà thờ thì người đi thử coi các cửa có đóng tử tế hay không. Xong việc người lên nghỉ cho đến 4 giờ thức dậy đọc Ma-tutinum và Laudes.

Tôi tóm lại một đều nầy; Cha Carolô Tournier nầy là một người khôn ngoan hiền lành khiêm nhường, hãm minh bề trong, bề ngoài, bền đỗ, sốt sắng, siêng năng, kỹ càng, tiết kiệm, rộng rãi; kính mến Chúa cùng Đức Mẹ tận tình chí thiết lạ thường. Ớ cha! cha thật là người của Chúa (Homo Dei), thì Chúa rước cha về quê thật. Coi đi xem lại các việc cha làm, cùng lời ăn tiếng nói, tánh hạnh cha in rập cùng mọi đều trong sách Gương Phước. Cha theo lời Chúa dạy rõ ràng rằng: “Discite a me quia mitis sum et humilis corde. Hãy học hành cùng Tao vì Tao hiền lành, và khiêm nhượng trong lòng”. Thật cha đã theo lời ấy từ thuở niên ấu.

Ớ cây bông của các cha hội Dòng Sai bay mùi thơm tho là thế nào!

Ngày Chúa nhựt 1 Juillet 1906 áp lễ Đ C Bà đi viếng bà thánh Isave. Cha Carôlô bỡi bịnh nặng sưng húp cả và mình, không còn sức mà đi đàng thảnh giá như mấy đêm trước nữa, không còn sức mà bước lên thang nhà mình nữa, phải bò mà lên. Đau đớn mệt nhọc cách nào thể nào cũng không hề sai ai sốt, không hề chịu ai giúp mình, lần hồi làm các việc một mình.

Ngày Chúa nhựt ấy người rán đi làm lễ nơi bàn thờ nhỏ, tôi xin giúp lễ cho người lần sau hết.

Từ phòng áo ra tới bàn thờ lần đi ước hết ba, bốn phút đồng hồ. Khi làm lễ cũng bằng tịnh sốt sắng như mọi khi, song chậm hơn thường. Xong lễ người quì cảm ơn lâu lắm.

Khi xem lễ nhì, đoạn chức việc nhóm, người cũng lần hồi lấy tập sổ xuống ngồi tại bàn cơm, giao sổ sách tính toán với chức việc lần sau hết, ai nấy đều sa nước mắt. Cha làm một bức thơ mà gởi cho em bên tây mà từ giã, dạy bỏ thơ đó lập tức.

Có cha bề trên Gernot lên xức dầu cùng đem Mình Chúa cho người, đoạn hai cha từ giã nhau lần sau hết. Lúc ấy nhà phước cùng bổn đạo tựu đến chật trên dưới.

Nội ngày ấy và tối tiếp đó, người những đi và ngồi chỗ mọ chỗ kia trên lầu mà thôi, nằm xuống không đặng.

Sáng lễ Đ C Bà, là ngày thứ hai, cũng là mồng 2, tôi ra nhà thờ lớn ghé thăm người cùng cho người hay, tôi ra làm lễ cho người, tôi thấy người ngồi cầm sách đọc kinh, người nghe tôi nói, người cúi đầu chào cùng cám ơn.

Qua 1 giờ trưa cha Phaolồ Ngãi cùng tôi hay tin người mệt lắm. Đến nơi thấy người ngồi trên ghế, bên tủ, cách bằng tịnh, tôi lại xin Cha Carolô cho tôi và cha Ngãi hát kinh cầu Đ C Bà tiếng Latinh. Cha gật đầu. Khi hát gần rồi, thấy người tròng cái xâu chuỗi đen (giữ từ khi người còn bên tây) vào cổ, khi đấm ngực lúc hết kinh cầu, thì người chổi dậy, đi lại đứng bên cửa phòng kia, không có vịnh đâu hết, chơn bước vào không đặng, đứng... Tôi và cha Phaolồ chạy lại đỡ người...

Lúc ấy người gần trút linh hồn. Tôi kêu Chúa cho người vài câu, người day mặt lại trả lời hai lần rõ ràng rằng:

- Cám on cha!

Đoạn tắt hơi êm ái dịu dàng. Đ C Bà đến viếng thăm rước thẳng người về thiên đàng nghỉ ngơi hưởng phước đời đời.

Ớ cha rất yêu dấu! cha đã chịu lao lực mà làm tôi Chúa, cùng giúp phần rỗi người ta, cha đã toàn công thắng trận tà ma thịt mình, thế tục; đã uống chén đắng với Chúa trót đời, bây giờ cha về trời tiêu diêu khoái lạc. Xin cha cũng khấn nhớ đến chúng tôi còn dưới thế, đang bị phong ba bão bùng, vây phủ tư bề. Hãy nhớ con cái cha còn lại tại Cái Nhum. Xin cầu cho hết thảy khi khỏi thế nầy đặng gặp của trên thiên đàng.

Ớ anh em! Thật cây tốt, sinh trái tốt... Hễ sống lành, đặng chết lành: Talis víta finis ita.

Vì công nghiệp đứng trung thần với Chúa. Xin Chúa xuống ơn cho chúng tôi đặng tu thân khắc kỹ, đặng cãi quả tự tân, mai sau đặng bề thiện tử như người nhơn đức. Ôi! Có phước là dường nào!

T.T.(An Đức).

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét