ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Họ Hóc Môn

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

НỌ НÓС MÔN

---------------------

1.     Gốc lập Họ

 Ông Đốc Phủ Ca khi còn làm Hương Thân thì đã trở lại đạo tại Hanh Thông Tây, và cha Phước (Mgr. Puginier) đã rửa tội cho người tại đó cùng bà con người. Đến năm 1863 thì Nhà nước cho người làm Tri Huyện và cho lên trấn tại Hóc Môn. Trước hết người lo cho mấy hương chức, mấy người lân cận giúp việc mình đặng trở lại học đạo và chịu phép rửa tội. Rửa tội lần đầu hết đặng ước chừng 25 người. Ông Huyện Ca chọn một nhà kia làm nhà thờ tạm. Mỗi bữa tối thì ông Huyện đến đó mà tập người ta học kinh rồi đọc kinh chung lần hột với nhau. Còn ngày Chúa Nhựt lễ cả có đi xem lễ thì đi qua Bà Điểm. Vì ở đó có cha Lý (P. Galy) cũng mới lập họ và lập nhà thờ nữa.

Khi ông Huyện Ca thấy có người ta vô đạo càng ngày càng nhiều thì đến cùng Đức Cha Ngãi cũng gọi là Đức Cha Đôminicô (Mgr. Lefèbvre), mà xin cho một thầy đến dạy. Đức Cha bèn mừng rỡ cùng cho thầy Sâm (chưa chịu chức) là thầy học tại trường Pinăng mà về đến dạy. Qua năm 1864 thì Đức Cha lại cho thầy Dư mới chịu chức cắt tóc đến thế; rồi tới thầy Bình, thầy Phong tiếp theo, là mấy thầy trường latinh Pinăng; đến sau đều làm thầy cả hết.

Qua năm 1867 ông Đốc phủ Ca bỏ nhà tạm thuở nầy và lo lập nhà thờ khác cho xứng đáng hơn. Vì khi đó số bổn đạo đặng bảy tám mươi. Vậy ông Đốc đã mua một miếng đất và làm nhà thờ mới, cây cột chắc chắn lợp ngói và sơn phết vẽ vời sạch sẽ vển vang. Có rước Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) đến làm phép nhà thờ. Đoạn ông Đốc cũng lo cất một nhà cho có cha nào đến làm lễ thì nghỉ đó, và cũng cất trường học một bên nhà cha nữa. Từ đó đến năm 1895 thì có xin thầy nhà trường đến dạy luôn.

Khi Hóc Môn có nhà thờ rồi thì bổn đạo sốt sắng xem lễ đọc kinh, làm việc thờ phượng Chúa cách mạnh mẽ, vì có ông Đốc phủ Ca giúp sức; nên danh đạo thánh đồn ra mấy xứ xung quanh, đâu đó thấy cũng có kẻ muốn trở lại đạo. Vậy ông Đốc bèn chạy đến cùng Đức Cha Gioang mà thuật lại tự sự cùng xin Đức Cha cho nhiều thầy, đặng đi giảng dạy mấy xứ ấy. Đức Cha bèn vui mừng và cho thầy Phong, Nhiên, Quờn và hai thầy Bắc Kỳ bị cơn bắt đạo mà trốn vô đàng trong, là thầy Phan, thầy Vịnh. Sau Đức cha cũng cho thêm bà nhứt Lành thuộc về nhà phước Chợ Quán lên giúp nữa; có cha Gabriel Thành làm đầu những kẻ ấy. Vậy mấy thầy ấy phân nhau mà đi giảng dạy một người một chỗ cùng làm cho nhiều người đặng trở lại. Mấy sở ấy bây giờ hãy còn: là Tân Hưng, Tân Đông, Mỹ Huề, Bà Điểm Hóc Môn, Rạch Dứa, Bến Cỏ, Bến Nẩy, Bàu Tre, Gò Ngãi, Mỹ Khánh, Sủi Cụt, cho tới Rạch Gốc. – Về bà Nhứt Lành thì đi Rạch Gốc, bà ở đó ít năm cùng làm cho nhiều người trở lại; đến sau bà về Tân Hưng cũng đã làm cho nhiều người đặng trở lại, đoạn người qua đời và bổn đạo mai táng người tại đó. Bà nhứt Lành công lao khó nhọc nhiều, nên bổn đạo khóc lóc thương tiếc người lắm. Qua năm 1910 thì đã xây mồ người lại. (1)

II. – Các cha coi Họ

Một mình cha Thành lo coi mấy họ mà cách xa nhau lắm, hết thảy hơn mười hai họ; phần thì lo dạy dỗ chỗ nọ rồi sang chỗ kia, phần thì làm phước, đi kẻ liệt; nên sau hết chẳng còn sức mà làm gì đặng nữa thì đi nghỉ. Năm ấy là năm 1870 thì có cha Vĩnh (P. Le Vincent) và cha Đường làm cha phó Hóc Môn mà thế cho cha Thành. Khi ấy số bổn đạo Hóc Môn đặng chừng 200. Bây giờ có hai cha thì việc thờ phượng Chúa lại càng làm trọng thể hơn nữa. Sau thì cha Vĩnh để cha Đường ở lại Hóc Môn một mình, còn người thì lội lặn đi khắp xứ lo giảng dạy cùng làm ích cho mấy họ lắm. Sau 3 năm thì người cũng mòn sức và đổi đi chỗ khác. Cha Đường ở lại ít tháng rồi cũng đổi đi, kế cho Báu (P. Leprince) đổi lại.

Bấy giờ công việc thì nhiều mà có một mình cha Báu lo hết không có ai giúp người. Biết người phải chịu khó là dường nào. Song thật đáng khen cha chịu cực khổ hết sức. Chẳng quản chi gian nan vì con chiên Chúa. Người hằng đi thăm viếng các họ, chẳng lo đến của ăn áo mặc bao giờ; tới đâu có chi cha dùng nấy. Người siêng năng dạy dỗ và đọc sách. Còn việc đi thăm các họ thì chẳng khi nào biết mệt. Hay hãm mình chịu khó lắm; theo gương Đ. C. G. là quan thầy, khi Chúa còn ở thế gian mà đi giảng dạy xứ nọ xứ kia trong nước Giuđêa.

Qua năm 1877 thì cha Điều đổi lại thế cho cha Báu. Khi đó công việc chẳng còn nặng nề như trước, vì đã chia mấy họ khác cho cha khác coi; còn thuộc về Hóc Môn ba họ: là Tân Hưng, Tân Đông và Bà Điểm mà thôi. Họ Hóc Môn khi ấy đặng 300 bổn đạo, Cha Điều còn lo đặng ít nơi gần Hóc Môn trở lại đạo, là Thới Trung và Thới Tam, cũng rửa tội đặng nhiều người; mà sau không còn bao nhiêu bền đỗ. Bấy giờ Ông Đốc phủ Ca và cha Điều lo cất nhà thờ khác, vì nhà thờ trước thì hẹp không đủ chỗ, lại cũng có hư nhiều. Vậy đã cất nhà thờ mới, lớn hơn và tốt hơn, và đã rước cha bề trên Thi (P.Thiriet, Provicaire) làm phép nhà thờ ấy.

Năm 1880 cha Thạch đổi lại thế cha Điều và đã lập thêm họ Rạch Dứa. Cha Thạch có xin thầy Sau (cha Sau) lên dạy đó; sau thì có thầy Miều (cha Miều). Ban đầu cũng có người ta trở lại đông; song đến sau còn có một nhà mà thôi, là nhà trùm Đường và con cháu hết thảy chừng 15 người.

Đang khi mọi sự bình yên bỗng liền nổi cơn giông tố mà làm cho hư hao nhiều việc. Số là nửa đêm ngày mồng 8 Février 1885 quân ngụy nổi dậy mà giết ông Đốc phủ Ca, đốt nhà người và nhà con cái người cùng ít nhà bổn đạo, Còn nhà thờ, nhà cha sở, trường học thì cũng đốt sạch hết. Bà Đốc thì phải bị chết thiêu trong nhà mình. Đêm ấy cha Thạch có việc đi xuống Saigon không hay không biết chi cả; khi trở về mới thấy mọi sự đã tan hoang. Còn ở nhà thì có thầy Sau (cha Sau). Thầy thấy việc hỗn độn bèn lấy chén calice mà trốn ra đêm ấy. Trốn lại nhè vô nhà một người làm đầu quân ngụy mà không dè. Cách một giây thì chánh người chủ nhà biểu người phải trốn ra sau vườn, vì nghe có kẻ đến báo rằng một lát nữa sẽ có quan lớn đàng cựu vào nhà. Chủ nhà muốn cho quan đàng cựu đừng thấy thầy tư, và cũng muốn cho người đừng biết chuyện kín nó tập lập cùng nhau, nên mới biểu thầy lánh mình đi cho êm. Thầy tư ra sau vườn lần xuống rạch may gặp ghe có đạo đang đi trốn thì quá giang lên Rạch Dứa. Đến sáng thầy lại trở về Hóc Môn mà coi thì sự ra làm sao, thì thấy nhà thờ nhà cha sở cháy rụi hết. Người vào nhà thờ thấy nhà tạm và áo phủ ngoài còn y nguy, liền mở cữa nhà tạm rước Mình Chúa hết, rồi lấy chén thánh mà trốn đi về Saigon. Chúa che chở về tới Nhà trường bình an. Cha Bề trên Thi gặp thầy thì sửng sờ, vì ngờ là đã phải chết trong đêm loạn đó rồi.

Khi cha Thạch trở về thì không còn thể ở đặng, nên cha qua ở Tân Hưng, phần nhiều trong bổn đạo Hóc Môn cũng qua ở luôn Tân Hưng. Sau nhà nước có giúp tiền thì cha Thạch đã cất nhà thờ Hóc Môn lại tử tế và xứng đáng hơn, và giúp những nhà đã phải bị thiệt hại trong cơn ấy nữa. Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đã làm phép nhà thờ mới nầy. Từ ấy cha Thạch cứ ở Tân Hưng và qua lại Hóc Môn mà thôi, lại phần nhiều bổn đạo Hóc Môn cũng qua ở bên Tân Hưng, nên họ Hóc Môn thỏn mỏn lần không đáng sum như khi trước, lúc nầy số bổn đạo còn chừng 120 người.

Qua năm 1895 thì Hóc Môn lại càng phải mồ côi hơn nữa; vì bây giờ cha sở họ Tân Qui là cha Sanh (P. Colson) coi luôn tới Hóc Môn. Nhưng vậy cha cũng lo lập trường và xin hai dì phước đến dạy đó. Qua đến năm 1897 thì Đức cha Để cho cha Lịch lại coi Hóc Môn; Song cha ở không bao lâu lại kế đổi đi.

Bây giờ bổn đạo phải chịu mồ côi lâu cho đến năm 1904 thì Đức cha Mão (Mgr. Mossard) cho cha Mỹ (P. Boissmery) lại ở đó. Bổn đạo đã lâu năm không có cha, nay đặng cha đến coi sóc thì mừng rỡ không xiết, Song cha ở đặng một năm rồi lại đổi đi. Bổn đạo khóc lóc thương tiếc và chịu mồ côi nữa cho đến năm 1909, thì Đức cha cho cha Dư đổi lại coi họ nầy, là chỗ người đã dạy dỗ thuở ban sơ hồi người mới chịu chức cắt tóc. Bây giờ cha đã già cả rồi song đặng gặp lại con chiên cựu mình thì vui mừng lắm. Nhà thờ cha Thạch cất thì rày cha còn phải tu bổ lại nhiều nơi, vì mắc hồi bão lụt tháng Mai 1904 thì nhà thờ phải hư nhiều chỗ. Cha lo lắng cho trong họ đặng bề sốt sắng như xưa cũng làm đủ các việc lành như các họ khác có cha sở: là làm tháng Đ. C. Bà, tháng Trái Tim, tháng ông thánh Giude, giữ thứ sáu đầu tháng, đi đàng thánh giá, vân vân. Khi cha đã già cả tới 64 tuổi rồi thì Đức cha đổi cha về họ Chí Hòa, coi nhà các cha dưỡng lão là lối năm 1911, thì họ Hóc Môn thuộc về cha ở Tân Hưng coi sóc đến rày.

-------------------------------

(1)Bà nhứt Lành vốn trước hết làm bà nhứt nhà phước Cái Mơn, ở đời cựu trào đã phải bị bắt, cùng đã bị tù rạc đòn bọng gian nan khổ sở nhiều lắm vì đạo thánh. Đến đời tân trào Đức Cha lại dạy bà lên làm bà nhứt nhà phước Chợ Quán, vì bà nhứt Chợ Quán đã qua đời mà không có ai thế. Khi đó nhà phước Chợ Quán còn ít lắm không đặng đông như bây giờ, nên bà nhứt Lành giao các việc cho bà nhì coi, còn bà thì đi giảng dạy mấy họ. Lâu lâu lại về nhà phước một lần, ít bữa sắp dặt dạy dỗ xong rồi lại đi ra họ nữa. Bà nhứt Mai coi nhà phước Chợ Quán bây giờ và dì Linh hồi nhỏ có theo giúp bà nhứt Lành trên Hóc Môn, Tân Hưng. Bà nhứt Mai khi thuật truyện bà nhứt Lành thì khen ngợi lắm; là người thông minh lanh lợi và nhơn đức mực thước lắm; bà biết chữ quốc ngữ chữ annam và làm thi phú giỏi; ai cũng kính và thương bà lắm. Bỡi tích như vậy nên trong N. K. Đ. P. số 449 trang 565 có nói bà nhứt Lành là cựu bà nhứt Cái Mơn, còn đây nói là bà nhứt nhà phước Chợ Quán thì cũng là phải hết.

(Chung về họ Hóc Môn)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét