ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1551, ngày 13 tháng 4 năm 1939

Phục tùng Trung Hoa là "đầu mối của chánh pháp"!

 PHỤC TÙNG TRUNG HOA LÀ "ĐẦU MỐI CỦA CHÁNH PHÁP"!

* Cao tăng Thích Đại Sán từ Tàu qua, dĩ nhiên là sư ca ngợi việc dùng chữ Hán nhưng sư còn thuyết giảng hãy phục tùng Trung Hoa!

Nhóm X (gồm một sư và mấy nhà gọi là nghiên cứu) lên tiếng công kích giáo sĩ Đắc Lộ (có công trạng lớn trong bộ chữ Quốc ngữ), trong khi đó lại im thin thít, KHÔNG chỉ trích việc kính ngưỡng sư Thích Đại Sán (đã khuyên thẳng triều đình tại nước Nam, không úp mở, là hãy theo Tàu). Tại sao? Câu hỏi này đang treo lơ lửng.

Thêm nữa, một sư đang sống tại nước VN đời nay thuyết giảng "Lý Thường Kiệt đánh Tống là hỗn". Có phải sư đó suy nghĩ bất thường? Hay là vẫn rất bình thường - bởi vì sư kế thừa truyền thống "hãy phục tùng Trung Hoa" mà cao tăng Thích Đại Sán đã thuyết giảng từ cuối thế kỷ 17?

&1&

Chúa MINH (tức Nguyễn Phước Châu) cai trị Đàng Trong từ 1691 đến 1725. Chúa Minh mời hòa thượng Thích Đại Sán từ bên Trung Hoa sang nhằm chấn chỉnh Phật giáo trong nước và thọ Bồ Tát giới.

Hòa thượng Thích Đại Sán, trong thời gian lưu trú hơn một năm rưỡi (từ cuối tháng 1/1695 cho tới cuối tháng 7/1696), được trọng vọng như bậc "quốc sư".

&2&

Thích Đại Sán trao cho chúa Minh bản điều trần, theo đó dùng "CHÁNH PHÁP" để đất nước ổn định.

Ngay điều đầu tiên của bản điều trần, xin chú ý, là: nhà sư khuyên chúa Minh dâng biểu lên hoàng đế Đại Thanh "xin phong vương để chính vị hiệu; lấy thanh thế tỉnh Quảng Đông làm ngoại viện; tự nhiên bọn tiểu khấu các nước lân bang nể sợ chẳng dám dòm ngó..."

Chúa MINH sau đó ban chỉ dụ: "Nước ta phép tắc dân tình vốn bị khiếm khuyết, nay được lão hòa thượng vì chúng ta mà lấy lễ pháp của Trung Hoa chỉ dạy, nay đem khắc trước phủ để văn võ bá quan và người dân biết".

Thấy gì?

- Quốc sư giảng giải chánh pháp Phật học, là gồm luôn việc "qui phục Trung Hoa làm điều tiên khởi", dựa vào nước Tàu để tồn tại ("lấy thanh thế tỉnh Quảng Đông làm ngoại viện")!

- Trong chánh pháp mà nhà sư Thích Đại Sán thuyết pháp, là gồm luôn dùng lễ pháp bên Tàu đem chỉ dạy cho dân Việt.

&3&

Việc thuyết giảng (nêu trên) được trích từ cuốn "Hải ngoại ký sự" của sư Thích Đại Sán, do NXB Khoa học xã hội ấn hành.

Sư được mời thuyết pháp về Phật học, chớ không phải làm cố vấn chánh trị, nhưng nhà sư đưa ngay việc phục tùng Trung Hoa làm "đầu mối của chánh pháp".

Rất khó hiểu trong phần giới thiệu của NXB Khoa học xã hội - khi cho in lại cuốn "Hải ngoại ký sự" - KHÔNG có những lời bình phẩm chính thức nào đối với nội dung "phục tùng Trung Hoa" trong tư tưởng của sư sãi ./.

---------------------------------------------------------------------

Matthew NChuong 




Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1550, ngày 6 tháng 4 năm 1939

Lũ bội tinh, lếu láo đối với ngôn ngữ mẹ đẻ!

 LŨ BỘI TÌNH, LẾU LÁO ĐỐI VỚI NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ!

Xin lỗi vì tôi không nén giận được mà phải nói thẳng như vậy. Bọn họ trục xuất cách gọi "CHỮ" (thuần Việt) để thay bằng cách gọi "từ"; và để biện bạch cho việc này, bọn họ nhét vào đầu học sinh cách "định nghĩa" do bọn họ tự chế ra: a, b, c, d... là "chữ", ghép các "chữ" này lại với nhau thì thành "từ" (!).

Một "định nghĩa" lếu láo hết sức, bội phản với cách gọi của tiền nhân người Việt! Mặt khác, họ cũng chẳng hiểu thế nào là "từ"!

1/ Tôi mời quí bạn trở lại chữ Nôm là văn tự mà tiền nhân sáng tạo thêm, dùng để ghi những chữ thuần Việt (không có trong Hán tự).

"CHỮ", đây đã là cách gọi thuần Việt, được viết: 𡦂 (trong văn tự Nôm, không có trong Hán tự), đồng nghĩa với "tự" ( trong Hán tự).

Đọc tiếp. "Mẹ", tiếng thuần Việt, được viết là (chữ này không có trong Hán tự) đồng nghĩa với "mẫu" ( trong Hán tự); "con" được viết là 𡥵 (chữ này không có trong Hán tự) đồng nghĩa với "tử" ( trong Hán tự).

"Mẹ" là 1 CHỮ (chữ Nôm ), "con" là 1 CHỮ (chữ Nôm 𡥵), "mẹ con" gồm 2 chữ. Từ xưa người Việt luôn gọi như vậy.

2/ Đến khi có bộ chữ Quốc ngữ, là bộ chữ ghi âm, xuất hiện: a, b, c, e, m, o, n .v.v...; vậy những "ký hiệu" này gọi làm sao?

Mượn lại ví dụ nêu trên, "con" vốn được gọi là 1 CHỮ (trong tiếng Việt), thành thử từng ký hiệu c-o-n, được định danh là "chữ CÁI".

Từ thuờ ban đầu phổ biến chữ Quốc ngữ cho toàn dân, mọi người đều được học bộ Chữ CÁI (a, b, c...); ghép các Chữ CÁI lại với nhau để tạo thành CHỮ.

3/ Tiền nhân người Việt chúng ta không ai đi nói "m" là chữ hết, mà là "MẪU tự" (tức "chữ CÁI"). "Mẹ" mới là CHỮ (tạo nghĩa), "Con" mới là CHỮ (cũng tạo nghĩa) - gọi như vậy mới thực đúng là cách dùng tiếng Việt, là bản sắc tiếng Việt bao đời của chúng ta!

Đời nay, bọn lếu láo tự sửa lại: "m" không phải chữ CÁI mà gọi thành "chữ" luôn.

Để chi? Để bọn chúng có cớ nhét cách gọi "từ" thay vào ("mẹ" là từ chớ không phải CHỮ).

Ngay cách gọi "từ", cũng bị diễn dịch vo theo ý bọn họ (cắt bỏ, cắt bớt nghĩa gốc của "từ" trong Hán tự)

Đây là một "thủ pháp" nhằm làm cho người Việt quên đi cách dùng sẵn có trong chính tiếng Việt của mình, làm nhòe bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt! Một lũ bội tình không hơn không kém. Mời đọc: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1332850110482299

-----------------------------------------------------------

Matthew NChuong

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1549, ngày 30 tháng 3 năm 1939

Trở lại dùng... tiếng Việt mà lúng túng vậy sao?

 TRỞ LẠI DÙNG ... TIẾNG VIỆT MÀ LÚNG TÚNG VẬY SAO?

* Vì đâu nên nỗi? Nhận diện một "thủ pháp" nhằm làm cho người Việt quên béng cách dùng trong chính tiếng Việt của mình!

1) Một người quen gõ bài trên laptop, sau đó dùng "Word Count" để đếm rồi ghi: "320 từ". Tôi hỏi, "sao không ghi 320 CHỮ, mà lại ghi là từ?", và nhận được lời đáp "Dùng "từ", bởi vì "từ" là...". Tôi cắt ngang, "Trong trường hợp này, đổi sang gọi là "chữ", 320 chữ, được không? Có gì sai không?". Người đó ậm ừ, rồi buộc phải gật đầu!

2) Trong tiếng Việt, chúng ta đều từng quen với "CHỮ" và "CHỮ CÁI". Khi ghi câu: "cần trở lại dùng tiếng Việt", câu này có 6 CHỮ: "cần", "trở", "lại", "dùng", "tiếng", "Việt".

Còn "CHỮ CÁI"? Đó là những ký hiệu ghi âm trong Bảng Chữ cái - như a, b, c, d, đ, e... đây là 6 CHỮ CÁI.

Người Việt nào cũng dễ dàng phân biệt đâu là CHỮ, đâu là CHỮ CÁI, không khó gì hết trơn, dễ ợt! Chỉ có người "nước lạ" hoặc người Việt bị "lạ hóa" thì mới không biết phân biệt mà thôi.

3/ Còn "từ" là mần răng? Mời đọc bài sau, có giải thích đâu ra đó: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1332698970497413.

4/ Thuở đời nay đang có cách gọi "CHỮ", dễ hiểu và tự nhiên hết sức, bỗng nảy nòi đổi cách gọi là "từ" với hàng loạt giải thích là vầy là vầy... Có người hiểu sự phân định này kia, và - đây mới là điều tôi muốn nhấn mạnh - có nhiều, rất nhiều người thấy lung tung, sái não, để rồi giải pháp thường gặp là chấp nhận, khỏi suy nghĩ, biểu ghi là "từ" thì cứ ghi là "từ"!

5/ Ví dụ trên đây để quí bạn hiểu về một "thủ đoạn", một cách thức nhằm LOẠI BỎ cách dùng vốn có trong tiếng Việt!

Bằng cách nào? Bằng cách thay "Hán-Việt" (theo kiểu dùng "Hán-Mao" thì phải?) cố ý sao cho phức tạp, giải thích dài dòng này kia, khiến cho rất nhiều người mệt não để rồi CHẤP NHẬN phứt cho xong.

Một khi bạn chẳng muốn suy nghĩ nữa mà chấp nhận, "ai sao tui vậy, người ơi" - đó là lúc thủ pháp bức tử, trục xuất cách dùng tiếng Việt bao đời đã "thắng lợi" hể hả!

Bi hài thay, không ít người Việt lúng túng không trở lại được với...cách dùng tiếng Việt, thậm chí còn cự nự.

Họ, người Việt, quên mất trên đời này có "CHỮ", chỉ còn biết có "từ" mà thôi ./.

------------------------------------------------------------------

Matthew NChuong

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1548, ngày 23 tháng 3 năm 1939

Chữ = Tự (字) = Word / "Chữ" không phải là "Từ" (詞)

 CHỮ = TỰ () = WORD / "CHỮ" KHÔNG PHẢI LÀ "TỪ" ()

1/ "CHỮ", rất thuần Việt, sao không dùng mà cứ gọi là "từ"? Chẳng hạn, "bài diễn văn này có 500 CHỮ (words)", không dùng như rứa mà cứ gọi là "500 từ"; rồi "những từ này", ủa, sao không viết là "những CHỮ này"?... Nhiều lắm, vô số kể, nhiều người trong chúng ta giờ đây cũng bị nhiễm viết/gọi là "từ" thay vì "chữ"!

Quí bạn có bao giờ thắc mắc, lấy làm lạ, rằng: tiếng thuần Việt gọi là "CHỮ", hay quá sức, mà vì sao bị trục xuất dần dần từ sau năm 1975, đến nay gần như biến mất tiêu, bị bức tử?

2/ Mà dù có dùng âm Việt-Hán đi nữa thì cũng phải dùng cho đúng. "Từ" đâu hoàn toàn đồng nghĩa với "CHỮ" mà ham!

"CHỮ", nếu dùng âm Việt-Hán, là "tự" () - chẳng hạn, "Hán tự" (漢字) nghĩa là "chữ Hán", đâu ai ấm ớ đi gọi là ... "Hán từ"!

Còn "từ" (), nghĩa là gì? "Từ" nghĩa là lời nói, như "ngôn từ" (言詞); "từ" nghĩa là một đoạn văn, một bài viết, như "ca từ" (歌詞) là lời bài ca, như "diễn từ" (演詞) là cả một bài diễn văn...

Tức là, khi bạn viết như ri "bài diễn văn này có 500 từ", là ... SAI!; bởi vì cả một bài diễn văn đó gộp thành "TỪ", và trong bài diễn từ này có "500 TỰ" (nếu vẫn ưng dùng âm Việt-Hán), hay "500 CHỮ".

3/ Sao lại xảy ra tình trạng lẫn lộn, "râu ông đem cắm cằm bà" như rứa?

"Từ" còn mang tính chất của một đơn vị ngôn ngữ, chẳng hạn "danh từ" (名詞), "động từ" (動詞)...

Ví dụ: "đình" () là danh từ, ở đây danh từ chỉ có 1 chữ (tự). Thấy gì? Danh từ "đình" có 1 chữ, thành thử khối người ba chớp ba nháng giải thích - đó, "từ" tức là "chữ".

Xem tiếp. "Gia đình" (家庭) là danh từ, ở đây danh từ gồm có 2 chữ (tự), ở đây "từ" nhiều hơn "chữ" rồi đa!

Tóm lại:

a) CHỮ là "tự" ()

b) "Từ" () là tập hợp của nhiều "tự", tức tập hợp nhiều CHỮ (ít nhứt là 1, và trở lên).

CHỮ, như vậy, không đồng nhứt với "từ".

c) Tốt nhứt, hay nhứt, là hãy cùng nhau trở lại với cách dùng thuần Việt, gọi là "CHỮ"!

Chẳng hạn, "đoạn văn kia có 300 CHỮ", "tôi xin viết ra đây mấy CHỮ...", "cụm CHỮ sau đây..." (đừng viết "cụm từ", bởi vì xin nhắc lại, "từ" là đã bao hàm số nhiều rồi, là cả cụm rồi) ./.

 Matthew NChuong

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

Những năm tháng cuối đời của vua Khải Định

 NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI CỦA VUA KHẢI ĐỊNH

III) LỄ AN TÁNG VUA KHẢI ĐỊNH TẠI HUẾ

Sau lễ mừng 40 tuổi được hơn một năm, vua Khải Định thăng hà vào ngày 6.11.1925 vì bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó. Trước khi mất, ngoài bản di chiếu, nhà vua còn kịp gửi gắm hoàng thái tử Vĩnh Thụy mới 12 tuổi cho Khâm sứ Huế Pasquier, nhờ ông này chăm sóc giùm.

Trưa ngày 6.11, các ngự y dùng 5 loại cỏ thơm nấu nước để lau thi hài nhà vua, sau đó mặc quần áo mới vào. Người ta cho vào miệng ông 9 viên ngọc và 9 hạt gạo, sau đó dùng một tấm vải vàng phủ lên mặt, cột lại phía sau gáy. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 5 giờ chiều và 11 giờ tối hôm ấy, thi hài được bỏ vào tử cung (quan tài của vua chúa ngày xưa) đặt giữa điện Cần Chánh, đầu hướng về phía Nam.

Sau khi bộ Lễ công bố sự qua đời của nhà vua, triều thần chuẩn bị các nghi thức cho lễ an táng. Một ban lễ tang đuợc thành lập gồm 6 thành viên có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức theo đúng qui lệ triều đình. Khâm thiên giám được yêu cầu tra cứu những ngày lành tháng tốt thích hợp với tuổi tác người quá cố để định những nghi thức quan trọng trong lễ tang (Tập san trường Viễn Đông bác cổ [Bulletin de l’Ecole française d’Extrême – Orient – (BEFEO)] số 26/1926).

Lễ thành phục đuợc định vào giờ Thân (3 đến 5 giờ chiều) ngày 17.11.1925 tức 11 ngày sau khi vua Khải Định qua đời. Một viên thái giám mời 2 bà Thái hậu nhận tang phục và hướng dẫn các bà ra hành lễ, ở đó vị phụ chánh thân thần, các hoàng thân, các văn võ đại thần đương chức cũng như đã về hưu đã đứng thành 2 hàng theo thứ bậc.

Một viên quan bộ Lễ mặc tang phục bước vào xin phép đặt lên ngai vàng vua một dãi lụa bạch thắt các gút to tượng trưng linh hồn người chết. Những người hiện diện quỳ lạy theo lời hô xướng của viên quan điều hành buổi lễ. Khi lễ thành phục chấm dứt, mọi người lui ra. Một viên thị vệ kính cẩn mời 2 bà Thái hậu và các bà phi của nhà vua đến lạy trước bàn thờ người quá cố. Sau đó đến các bà phi của những vua khác, các công chúa, các bà vợ chánh của những đại thần.

Theo di chiếu của vua Khải Định, thời gian chịu tang của người trong hoàng tộc và triều thần được rút ngắn lại. Các bà Thái hậu chịu tang 6 tháng, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy 15 tháng thay vì 27 tháng. Tang phục cũng thay đổi: áo trắng, sợi to, xổ gấu, hoặc áo đen khăn trắng. Cấm chỉ dùng quần áo màu hồng, màu tím trong 100 ngày và trong thời gian chờ chôn cất, không được tổ chức cưới hỏi, hát xướng.

Theo đề nghị của Khâm thiên giám, lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày 29.1.1926 tức gần 3 tháng kể từ ngày nhà vua nhắm mắt. Trong thời gian này, tử cung quàn tại điện Cần Chánh, các buổi lễ cúng tổ chức hàng ngày với sự đảm trách của ban lễ tang, các viên chức bộ Lễ và các thị vệ trong cung.

Ngày 8.1.1926 khi nghi thức lễ tang tiếp tục theo cổ lệ thì lễ tức vị của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy với niên hiệu Bảo Đại cũng diễn ra tại triều đình. Các quan mặc phẩm phục đại triều theo đúng nghi thức, có sự chứng kiến của Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne. Sau đó Tân quân được rước đi chào và lạy tạ các bà Thái hậu.

21 ngày sau lễ tức vị của vua Bảo Đại, ngày 29.1.1926, lễ an táng vua Khải Định mới bắt đầu. Sáng hôm đó cửa cung điện đóng kín, chỉ có Toàn quyền Đông Dương, khâm sứ Huế và một số viên chức cao cấp Pháp đến chào hoàng tộc và tháp tùng đoàn người đưa tang. Theo chương trình, quan tài của nhà vua được di chuyển từ cung điện đến nơi chôn cất thuộc làng Chân Chữ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên trong 2 ngày. Hương án được các làng xã đặt dài trên đường và các bô lão quỳ lạy khi đám tang đi qua.

Chiếc nhà vàng nặng 6 tấn trên đặt quan tài được 160 người mạnh khỏe khiêng đi nhịp nhàng không làm sánh đổ một giọt nào trong những ly rượu đầy đặt trên áo quan. Lúc này, không có dàn nhạc, những người đàn bà khóc mướn ở lại kinh thành, đám tang lặng lẽ đi trong yên lặng, một thứ im lặng ngậm ngùi của những hoài niệm về một quá khứ vàng son.

Đêm đó, đoàn người ngừng lại nghỉ tại đàn Nam Giao. Đây là nơi mà vua Khải Định từng đến mỗi 3 năm để hành lễ tế giao, một nghi thức truyền thống có tại nước ta từ thế kỷ thứ XII. Hẵn là linh hồn người quá cố cảm thấy được ấm áp khi dừng lại nơi này trên đường về nơi an nghỉ cuối cùng. Đèn đuốc được đốt lên sáng rực cả một vùng hoang vắng, nhang khói bốc mùi thơm ngát, đem đến cho những người tham dự cái cảm giác về những điều huyền bí, linh thiêng. Mọi người sau một ngày mệt nhọc, ngồi lại ăn uống nghỉ ngơi, chuyện trò.

Sáng 30.1.1926 đám tang tiếp tục lên đường và đêm đó, tử cung được quàn tại hầm mộ nơi an táng. Các lễ cúng được tổ chức ngày hôm trước. Vua Bảo Đại cùng các bà Thái hậu và các bà phi ẩn mình sau một tấm màn vàng giữa hầm mộ, bên phải là các phụ nữ Pháp cùng vợ các quan lại Việt Nam, bên trái là các quan khách Pháp. Sau một phút mặc niệm, viên toàn quyền Đông Dương Varenne đã đọc một bài điếu văn ngắn ca ngợi người quá cố, một người bạn của nước Pháp “ trong sự tôn kính quá khứ đã hiểu rõ hiện tại và biết chuẩn bị tương lai.” (BEFEO – N26/1926 – sđd – tr. 504)

Sau đó, một viên quan bộ Lễ quỳ xuống xin phép nhà vua quá cố cho hạ huyệt. Chiếc áo quan được cởi bỏ lớp vải phủ và quan tài được hạ nhẹ nhàng xuống lòng huyệt. Người ta cho đốt những đồ vật làm bằng giấy bồi và quần áo của người quá cố, chấm dứt một trong những lễ tang tương đối đơn giản của một vị vua triều Nguyễn.

Sau lễ tang, vua Bảo Đại, lúc đó mới 13 tuổi, tiếp tục sang Pháp học, quyền nhiếp chính tại triều đình nằm trong tay bà Thái hậu Từ Cung ( Hoàng Thị Cúc) và Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân./.

HẾT

Lê Nguyễn

14.9.2021



Hoàng thái tử Vĩnh Thụy chịu tang vua cha


Lễ động quan ở điện Càn Thành


Đám tang khởi hành


Vua Bảo Đại trong lễ tức vị ngày 8.1.1926



Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1545, ngày 2 tháng 3 năm 1939

Những năm tháng cuối đời của vua Khải Định

 NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI CỦA VUA KHẢI ĐỊNH

II) LỄ TỨ TUẦN ĐẠI KHÁNH NĂM 1924

Vua Khải Định sinh năm 1885, tính đến năm 1924 là đủ 40 tuổi ta. Song trước đó một năm, triều đình đã chuẩn bị dần lễ mừng tứ tuần đại khánh (mừng 40 tuổi) của ông.

Ngày 17.5.1923, các thành viên Phủ Tôn nhơn cùng văn võ đại thần dâng lên nhà vua một sớ tấu nhắc lại những đại lễ tứ tuần khánh tiết được tổ chức trọng thể vào các đời vua Minh Mạng (năm 1830), Thiệu Trị (năm 1846), Tự Đức (năm 1868), và ân cần “lưu ý” nhà vua rằng ông đang ở tuổi 39, chỉ còn một năm nữa để tổ chức lễ mừng 40 tuổi.

Tất nhiên là tờ tấu trên được nhà vua hoan hỉ chấp nhận. Ông ban hành một chỉ dụ nêu lên sự cần thiết phải thực hiện việc này, do từ hơn 50 năm qua, chưa từng có một lễ tứ tuần đại khánh nào được tổ chức (vì lẽ dễ hiểu là sau vua Tự Đức, không có vua nào ở ngôi đến 40 tuổi cả). Tuy nhiên, nhà vua cũng lưu ý là ngân quỹ năm 1924 không dồi dào như trước (do Pháp khống chế mọi khoản chi của triều đình ), mặt khác nhiều lăng miếu đang xuống cấp, đang cần tiền tu sửa, nên phải tiết kiệm kinh phí trong buổi lễ (Tập san Đô thành Hiếu cổ - BAVH – No2/1925 – tr. 47-49).

Ngày 1.6.1923, Cơ mật viện chuyển qua tòa Khâm sứ Huế một bản sao tờ sớ tấu về lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định để xin ý kiến. Trong thư phúc đáp, Khâm sứ Pasquier tỏ ý tán thành việc tổ chức lễ, nhưng cũng nhắc khéo với Cơ mật viện những lời lẽ của vua Khải Định muốn cho buổi lễ diễn ra trong sự giản dị và trang trọng, phù hợp với nghi thức của tổ tiên xưa.

Mặc dầu lễ tứ tuần đại khánh sẽ diễn ra vào năm 1924, nhưng chương trình chi tiết buổi lễ đã được triều thần soạn thảo từ tháng 10.1923, căn cứ vào những gì đã diễn ra trong lễ tứ tuần của vua Tự Đức tổ chức vào năm 1868.

Tháng 6 AL năm 1924, Bộ Lại và Bộ Binh dâng lên nhà vua danh sách các Tổng đốc, Tuần vũ, Đề đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Quản đạo tại tất cả các tỉnh. Nhà vua áp dấu son lên tên những người được đại diện các tỉnh về dự lễ, thông thường mỗi tỉnh ông chọn một người. Mặt khác, Bộ Lễ chỉ thị cho tỉnh Thừa Thiên mời các quan văn võ đã nghỉ hưu hay đang nghỉ phép có phẩm trật từ hàng ngũ phẩm trở lên, cùng những bô lão từ 70 tuổi trở lên, dự buổi lễ sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày cuối tháng 8 AL năm 1924. Ở các tỉnh, những thành phần trên sẽ đi theo các quan tỉnh đến vọng cung chúc thọ vua. Phủ tôn nhơn lập danh sách các hoàng thân, tôn tước, công tử, công tôn và tôn thất tham dự buổi lễ.

Trước đó, bộ Lễ cũng đã thông tri cho quan lại thuộc các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, yêu cầu chọn những người có khả năng ca hát và tổ chức các trò chơi truyền thống, báo về bộ để tấu trình nhà vua biết. Hai tháng sau, bộ Lễ tập trung các viên chức của bộ, các nhạc công, ca công, tập luyện để biểu diễn trong buổi lễ tổ chức tại điện Thái Hòa và buổi đại yến tại điện Cần Chánh.

Năm ngày trước chính lễ, Bộ Lễ hướng dẫn những người này đến Duyệt Thị đường (nhà hát trong cung điện) để tổng dượt trước sự chứng kiến của nhà vua. Tháng 8 AL, Bộ Lễ ra thông báo cho các tòa án bản xứ biết là không được tuyên án trong 15 ngày, gồm 10 ngày trước buổi lễ, ngày lễ chính và 4 ngày sau buổi lễ.

Các công sở và nhà dân treo cờ và thắp đèn suốt 5 ngày kể từ hai ngày trước buổi lễ. Bộ này cũng yêu cầu Khâm thiên giám chọn hai ngày tốt trong tháng 8 để các hoàng thân, tôn tước thay mặt nhà vua làm lễ Kỳ cáo (công bố lễ sẽ diễn ra) ở Nam giao, Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu. Riêng vua Khải Định sẽ đích thân hành lễ tại Thế miếu (nơi thờ các vua triều Nguyễn). Sau đó, vào một ngày không định trước, nhà vua sẽ thân hành đến chào các bà thái hậu.

Lễ vật do quan lại ở Huế và các tỉnh dâng lên vua được bộ Lễ tập trung, kiểm soát trước khi chuyển đến địa điểm hành lễ. Trước cửa Ngọ môn, người ta dựng lên một “chánh lâu” (khán đài chánh) là nơi để lễ vật của hoàng thái hậu, phủ tôn nhơn, văn võ đại thần, các cung phi, công chúa, Phụ lộc phu nhơn (bà ngoại vua Khải Định), vợ và con các hoàng thân, thích lý (bà con bên mẹ vua) và phu nhơn các văn võ đại thần. Ngoài chánh lâu, còn có:

- Sáu đắc lâu (khán đài phụ) chứa lễ vật của Tả trực, Hữu trực, Tả kỳ, Hữu kỳ, Bắc kỳ và Thừa Thiên.

- Hai trường bằng (khán đài rộng) là nơi tập hợp các thành viên của phủ Tôn nhơn, các quan lại trong triều.

- Một khán đài trước Phu Văn Lâu được dựng lên cho công chúng đứng xem lễ

- Một thủy lâu và thủy bằng (khán đài nổi trên sông) trước Nghinh hương đình (bến thuyền của vua).

Mười ngày trước lễ, lúc 6 giờ sáng, người ta bắn 9 phát súng thần công, cờ treo khắp nơi, và đèn đuốc thắp sáng. Một ngày trước lễ, nhà vua cùng các hoàng thân, văn võ đại thần đi xem các khán đài.

Cuối cùng thì buổi lễ cũng đã diễn ra long trọng tại điện Thái Hòa. Nhân dịp này, vua Khải Định ban các ân chiếu phong thưởng những người có công và mở tiệc khoản đãi Toàn quyền Đông Dương (Merlin), Khâm sứ Huế (Pierre Pasquier) cùng các viên chức Pháp khác. Tối đến, vua Khải Định cùng các hoàng thân và văn võ đại thần ra Ngọ môn xem các trò chơi và đốt pháo bông.

Tham dự bữa tiệc ở điện Cần chánh có các hoàng thân, văn võ đại thần cùng tôn tước có phẩm trật từ tam phẩm trở lên. Các cung phi đời trước, cung phi tại triều, vợ và con gái các hoàng thân, vợ các đại thần dự yến phía sau điện Cần chánh, trong các bộ thành phục (áo dài có tay rộng). Buổi chiều, tiệc lại được dọn ra ở Duyệt thị đường dành cho các tôn tước từ tứ phẩm trở xuống, các công tôn, công tử, tôn thất, thích lý và quan lại đang làm việc tại Huế có phẩm trật từ tứ phẩm đến thất phẩm, cùng các quan đã về hưu từ ngũ phẩm trở lên. Ba ngày sau buổi lễ, các bô lão từ 70 tuổi trở lên được mời dự tiệc tại Thừa Thiên phủ.

Cũng cần nhắc lại là khoảng nửa năm trước cuộc lễ, Khâm sứ Huế Pasquier đã gửi cho Cơ mật viện một văn thư loan báo việc Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin quyết định gửi tặng vua Khải Định một con bạch tượng (voi trắng) do các thợ săn bắt được ở Darlac. Trong thư, có đoạn viết: “Quan Toàn quyền Đông Dương rất sung sướng được tặng hoàng đế kỷ vật này khi Ngài bắt đầu vào tuổi 40, và đối với ông, việc bắt được trên đất An Nam và chuyển giao lại cho triều đình một con bạch tượng trong năm nay chỉ có thể là một điều hạnh phúc đối với hoàng đế và nhân dân của ngài …” (BAVH – No2/1925 – tr. 61- LN tạm dịch)

Tại buổi lễ chính, toàn quyền Merlin đích thân tham dự, hai bên trao đổi với nhau những bài diễn văn đầy tính ngoại giao. Trong sớ tấu, chỉ dụ về buổi lễ, người ta nói nhiều đến sự giản dị, tiết kiệm, song nếu những gì thật sự diễn ra đúng với chương trình đã vạch thì kinh phí bỏ ra không phải là nhỏ.

Lại xin nhắc thêm một chi tiết đáng nhớ: mấy tháng trước ngày dự lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, vào chiều ngày 18.6.1924, viên Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin đã bị người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái ám sát hụt tại Quảng Châu. Quả bom không giết chết được Merlin và nghĩa sĩ Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng sông Châu Giang, tìm đến cái chết anh hùng.

Về phần vua Khải Định, cũng như chuyến Âu du năm 1922 với bức Thư Thất Điều đầy những lời lẽ nặng nề của cụ Phan Châu Trinh, lần tứ tuần đại khánh này của nhà vua lại đụng phải một nhà nho khác, đó là cụ nghè Ngô Đức Kế (1878-1929). Sau hơn 10 năm bị tù đày ở Côn Nôn (Côn Đảo), cụ nghè được thả về năm 1921 và lãnh trách nhiệm điều hành tờ Hữu Thanh tạp chí. Vốn không ưa nhà vua thân Pháp, cụ Ngô Đức Kế làm một loạt 4 bài thơ thất ngôn bát cú, lời lẽ cay độc không kém gì Thư Thất Điều của cụ Phan Châu Trinh. Bài đầu tiên có nhan đề:

HỎI GIA LONG

Ai về địa phủ hỏi Gia Long,

Khải Định thằng này phải cháu ông?

Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,

Trăm gia ba chục khổ nhà nông (1)

Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến (2)

Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng (3)

Bảo hộ trau giồi nên tượng gỗ,

Vua thời còn đó, nước thời không.

(Nguyễn Hiến Lê – Đông Kinh nghĩa thục – NXB Lá Bối – Sài Gòn 1968 – tr.124-125)

Trong thời đại quân chủ, dám gọi nhà vua là “thằng”, quả chỉ có mỗi cụ nghè Ngô Đức Kế!

GHI CHÚ:

(1) Một trăm thêm 30, ám chỉ sự kiện năm 1923, Pháp tăng thuế nông nghiệp lên 30%

(2) Ám chỉ những trận lụt tại miền Bắc vào các năm 1922-1923

(3) Chỉ chuyến Pháp du năm 1922 của vua Khải Định

Lê Nguyễn

13.9.2021



Vua Khải Định và Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại từ 1926)


Vua Khải Định và viên thư ký riêng tại phòng làm việc trong cung


Một hình ảnh trong lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định


Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin (người đi đầu), từng bị nghĩa sĩ Phạm Hồng Thái ám sát hụt tại Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 18.6.1924 - Nguồn: flickr.com



Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1546, ngày 9 tháng 3 năm 1939

Những năm tháng cuối đời của vua Khải Định

 NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI CỦA VUA KHẢI ĐỊNH

Trong 9 năm trị vì ngắn ngủi của mình (1916-1925), vua Khải Định đã có một số việc làm được nhiều người nhắc đến, trong đó có chuyến Bắc tuần năm 1918 và cuộc Pháp du rầm rộ năm 1922. Vào quãng thời gian còn lại của đời mình, nhà vua cũng còn kịp tổ chức một lễ tứ tuần đại khánh với những nghi thức long trọng nhất (1924). Song chỉ một năm sau lễ tứ tuần (1925), ông qua đời, lễ tang được hoàng thái tử Vĩnh Thụy và quần thần tổ chức một cách trọng thể.

I) CUỘC PHÁP DU NĂM 1922

Năm 1922, khi hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này) mới lên 9 tuổi, có lẽ cảm nhận được tình trạng sức khỏe yếu kém của mình, vua Khải Định đã tính đến việc tấn phong Thái tử và đưa con sang Pháp học. Ngày 12 tháng 2 năm Khải Định thứ 7 (10.3.1922), ông ban dụ sách lập Vĩnh Thụy làm Đông cung Thái tử, sau khi tham khảo ý kiến Phủ Tôn nhơn, Viện Cơ mật, Khâm sứ Huế Pasquier và Toàn quyền Đông Dương Maurice Long . Ba ngày sau, 13.3.1922, nhà vua ban một châu dụ dài công bố với thần dân quyết định mở cuộc Âu du sang Pháp với các mục đích chính như sau:

* Chúc mừng sự thắng trận của nước “Đại Pháp” (trong Thế chiến thứ nhất 1914-1918)

* Thăm đài tưởng niệm các binh lính Việt Nam thuộc hàng ngũ quân Pháp tử trận trong thế chiến vừa qua.

* Ký thác Hoàng thái tử Vĩnh Thụy cho Pháp đình “mà học hành để cho được sự quảng kiến văn, may đặng ngày sau có đạt đức thành tài, để trước chủ sưởng tôn miếu, sau nữa trị nước, trị dân cho hiệp thời lúc ấy, mà lại thêm một sự thâm giao với nước Đại Pháp lại càng vững bền lâu dài ra nữa …” (Đồng Khánh – Khải Định chính yếu – NXB Thời Đại – Hà Nội 2010 – tr. 465-476 ; Nam Phong tạp chí số 57 – tháng 2.1922 – tr.238-243)

Ngày 20.5.1922, nhà vua cùng Thái tử Vĩnh Thụy xuống tàu Porthos ở Tourane (Đà Nẵng), về phía Pháp có Khâm sứ Pasquier tháp tùng, về phía Việt có Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Bài và một số quan lại, thành viên Phủ Tôn nhơn.

Ngày 21.6.1922, tàu Porthos cập cảng Marseille, nhiều quan chức cao cấp Pháp đã túc trực để đón tiếp: Thượng thư bộ Thuộc địa Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương những năm 1911-1914 và 1916-1917); Thống sứ Bắc kỳ Garnier, đại diện Toàn quyền Đông Dương Maurice Long; Tổng ủy viên cuộc đấu xảo Marseille Guesde; Thị trưởng Marseille Flaissières …

Ngày 24.6, vua Khải Định tới Paris, ra đón có Thượng thư Bộ Thuộc địa Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long, Nguyên soái Lasson, đại diện Tổng thống Pháp…

Sau cuộc hội kiến với vua Khải Định, Tổng thống Pháp Millerand đặt tiệc thết đãi nhà vua và đoàn tùy tùng. Chương trình hoạt động sau đó của nhà vua diễn ra đúng dự kiến: hội kiến với Nghị trưởng nguyên lão Nghị viện, Nghị trưởng Thứ dân Nghị viện (tức Thượng viện và Hạ viện theo cách gọi ngày nay), Thủ tướng Pháp, thăm mộ tử sĩ vô danh tại Khải hoàn môn; thăm Nông học Bác vật viện, thăm đền thờ các tử sĩ Việt Nam, xem đua ngựa tại Longchamp cùng Tổng thống Pháp, xem nhạc kịch Faust tại nhà hát Opera … Trong hầu hết các cuộc thăm viếng này đều có sự tháp tùng của Thượng thư bộ Thuộc địa Sarraut, Toàn quyền Đông dương Long, Thống chế Joffre …(Đồng Khánh – Khải Định chính yếu – sđd – tr. 476-484; Nam Phong tạp chí – 1922 – tr. 406, 501-503)

Cuộc viếng thăm nước Pháp của vua Khải Định gây ra một làn sóng công phẫn trong công chúng Việt Nam, nhất là giới trí thức yêu nước. Nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch Con Rồng Tre, nhà cách mạng Phan Châu Trinh viết Thư Thất Điều kể rõ 7 tội của nhà vua, trong đó, tội thứ 7 là tội “Pháp du ám muội”. Cụ Phan đã viết: “…Mượn cớ rằng đưa hoàng tử đi học, hoặc đi điếu quân sĩ nước ta tử trận, và đi xem các thành phố phía Bắc nước Pháp bị tàn phá, thời những việc đó là việc tư của Bệ hạ, không phải việc công của quốc dân ta, lại đó là những việc không cần kíp gì cả.

“ Nếu mượn cớ rằng đi du lịch nước Pháp để khảo sát văn minh của họ rồi về cải cách chính trị trong nước, thời Bệ hạ không phải là tay làm việc ấy được…

Cái bệnh của Bệ hạ là bởi ngu muội, chưa từng đọc lịch sử cách mạng nước Pháp vậy. Nếu một mai biết được thời sẽ gục đầu chán nản, cuốn gói mà về sớm vậy”

(Tây Hồ Phan Chu Trinh - Thư Thất Điều (di cảo) – NXB Anh Minh – Huế 1958, tr. 28,30)

Dù sao, theo dõi hành trình cuộc Pháp du của vua Khải Định, chúng ta có thể nhận thấy rằng tuy là một nước đế quốc, thực dân, cách nay gần 100 năm, nước Pháp cũng đã chứng tỏ được tính văn minh của họ khi đón tiếp nhà vua một nước nhược tiểu, lại là thuộc địa của Pháp, với những nghi thức đầy vẻ trọng thị: đích thân Thượng thư bộ thuộc địa Albert Sarraut túc trực tại bến tàu để chờ chuyến tàu chở nhà vua An Nam cập bến và tháp tùng nhà vua gần như trong suốt các chuyến tham quan (còn tiếp)

Lê Nguyễn

12.9.2021

https://thanhnien.vn/.../nhung-chuyen-hau-cung-vua-thanh...

Thượng thư Bộ thuộc địa Albert Sarraut và các quan chức Pháp chờ đón vua Khải Định tại Cảng Marseille.


Vua Khải Định, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy, Thượng thư bộ Thuộc địa Albert Sarraut và hoàng thân Vĩnh Cẩn (bìa phải) ở Marseille.


Vua Khải Định bước vào điện Elysee để hội kiến với Tổng thống Pháp


Vua Khải Định viếng đài tưởng niệm những tử sĩ người Việt trong chiến tranh thế giới nhứ nhất (1914-1918)



Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Sự sa cơ của vua Hàm Nghi và cái chết anh hùng của hai con trai Phụ chánh Tôn Thất Thuyết

 SỰ SA CƠ CỦA VUA HÀM NGHI VÀ CÁI CHẾT ANH HÙNG

CỦA HAI CON TRAI PHỤ CHÁNH TÔN THẤT THUYẾT

Như đã trình bày ở một bài trước, từ năm 1887, các lực lượng kháng chiến Cần vương gặp nhiều khó khăn do quân Pháp dưới quyền Đại úy Mouteaux đóng ở đồn Minh Cầm chặn các ngả đường liên lạc giữa vùng hạ nguồn và thượng nguồn sông Gianh. Nhà vua cùng một số tùy tùng phải đi lần lên phía thượng nguồn để tránh những cuộc truy lùng của quân Pháp.

Hầu cận nhà vua vào thời điểm này, ngoài người con trai của Phụ chánh Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp, còn có Trương Quang Ngọc, một người thiểu số ở địa phương rất giỏi tài bắn cung, được phong làm Lãnh binh, và Nguyễn Định Trình (tài liệu của Delvaux và Gosselin ghi là Nguyen Tinh Dinh), đi theo vua từ năm 1885.

(Delvaux: Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam – BAVH No3/1941 – Gosselin: L’Empire d’Annam – Paris 1905)

Cuối mùa Hè năm 1888, Trình đến đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cả và khai báo nhiều chi tiết quan trọng về vua Hàm Nghi. Theo y, Trương Quang Ngọc cũng đã rời bỏ nhà vua từ 6 tháng trước, ý cũng muốn đầu thú và có thể giao nộp nhà vua nếu được hứa ban thưởng. Nơi trú ngụ của nhà vua ở cạnh bờ khe Tả Bảo, một phụ lưu của sông Gianh nằm trong tỉnh Quảng Bình. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn được ra công chăm sóc kỹ lưỡng, giữa nhà có trải một chiếc chiếu hoa. Đồ ăn thức uống của nhà vua do những người dân tộc Mường tại địa phương cung đốn, chủ yếu chỉ có gạo và muối. Ông ăn mặc rất nghèo nàn, chỉ có một bộ quần áo bằng vải nâu. Ông cùng các thuộc hạ thường bị bệnh sốt hành hạ, di chuyển thường phải nhờ những người Mường cõng đi.

Đầu tháng 9.1888, Đại úy Pháp Boulangier gửi cho Trương Quang Ngọc một lá thư kêu gọi y ra đầu thú nhưng không nhận được hồi âm. Tuy nhiên, sau lá thư thứ hai của Boulangier, Ngọc ra đầu thú với Trung úy Pháp Lagarrue. Chiều ngày 1.11.1888 (Delvaux ghi là ngày 2.11), Trương Quang Ngọc, Nguyễn Định Trình dẫn theo khoảng 20 người dân địa phương trang bị giáo mác, cung tên, hướng về nơi ẩn lánh của vua Hàm Nghi. Chúng được lệnh của Pháp là phải bảo toàn mạng sống nhà vua, có thể sát hại bất cứ ai khác nếu họ chống cự.

10 giờ đêm, bọn chúng đến nơi, một ngôi nhà dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh, giữa nhà là một chiếc chõng tre phủ chiếu hoa, nhà vua nằm ngủ trên đó. Nghe có tiếng động lạ, Thống chế Nguyễn Thùy và con trai xách gươm nhảy ra thì bị Trương Quang Ngọc dùng giáo đâm chết. Tôn Thất Thiệp cũng chịu chung số phận, dưới ngọn giáo của Cao Viết Lượng, một người Mường ở làng Thanh Cuộc.

Nhà vua biết mình bị phản bội, cầm gươm chỉ vào Trương Quang Ngọc:”Mày giết tao đi, còn hơn là mang tao nộp cho Pháp”. Ngay sau đó, ông bị một tên Mường từng là hầu cận ôm ngang thắt lưng, giật lấy gươm. Sau khi đèn đuốc được thắp lên, một người trong bọn Ngọc quỳ xuống đất đọc lá thư của Đại úy Boulangier mời nhà vua trở về Huế. Im lặng hồi lâu, vua Hàm Nghi thở dài và nói:” Ta đã bị phản bội. Ta phải tuân theo mệnh Trời, ta sẽ đi theo các ngươi”.

Sáng sớm ngày hôm sau, nhà vua được đưa về đồn Chà Mạc (có tài liệu ghi là Tha-Mạc), nơi đây đã có Đại úy Boulangier đợi sẵn. Trên đường đi, ngồi trên chiếc võng tồi tàn có người khiêng, ông không ngớt miệng lẩm bẩm:”ý Trời đã định!”.

Tại đồn Chà Mạc, Boulangier bố trí đội quân danh dự bồng súng chào, kèn trỗi lên điệu quân nhạc. Nhà vua bước đi, không buồn quay đầu lại, ông lấy chéo khăn lau gương mặt đã đầm đìa nước mắt. Nước mắt của vì vua trẻ tuổi từng trải qua những năm tháng sống giữa rừng thiêng nước độc, nay bất lực trước cảnh nước mất nhà tan, đã gây một xúc động lớn cho những ai có mặt vào buổi sáng hôm đó. Mọi người khá ngạc nhiên là gian khổ như vậy mà nhà vua vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đồng thời khăng khăng bảo rằng mình không phải là cựu hoàng Hàm Nghi.

Ngày 6.11, khi nhà vua sắp sửa rời Thanh Lạng, một giáo sĩ Việt Nam tên Trung ở Làng Truông đến dâng cho ông một chiếc kiệu khá đẹp, vây màn kín để tránh những con mắt tò mò của người đi đường, với hơn 10 giáo dân đi theo để khiêng kiệu. Vua Hàm Nghi hỏi tên ông giáo sĩ, sau đó đã nói:” Ngày xưa, ta cũng có học đôi chữ Hán, ta chỉ nhắc mình một chữ duy nhất: chữ Trung – Xin cảm ơn!”

Một bữa nọ, nhà vua nhác thấy bóng dáng người thầy học cũ của mình trong đám đông, ông nghiêng mình kính cẩn chào, từ đó, ông tự để lộ “chân tướng”, không còn phủ nhận mình từng là vua Hàm Nghi nữa. Đoàn người phải lưu lại Đồng Cả hơn một tuần lễ để chờ chỉ thị của chính phủ Pháp ở Paris. Cuối cùng một thông báo của Bộ thuộc địa chỉ định nơi cư trú của nhà vua là Alger, nơi có “một khí hậu êm dịu, để Ngài sớm bình phục sau những mệt nhọc của cuộc sống lang bạt chốn núi rừng” (điện tín của Bộ này).

Ngày 13.11, Pháp đưa vua Hàm Nghi rời Đồng Cả, xuống thuyền đến Quảng Khê rồi sau đó theo đường quan lộ đến trạm Thừa Hóa. Tổng trú sứ Rheinart đã đến Thừa Nông thăm nhà vua, hỏi ông có cần nói điều gì với người anh là vua Đồng Khánh hay một thân nhân nào khác hay không. Nhà vua đã trả lời là ông không có một người quen nào ở Huế cả.

Nhân cuộc gặp gỡ này, một sĩ quan Pháp chụp một số bức ảnh nhà vua và sau đó phổ biến rộng rãi cho mọi người biết là vua Hàm Nghi, linh hồn của cuộc kháng chiến Cần vương, nay đã là một tù nhân.Trước thái độ khăng khăng từ chối trở về Huế của nhà vua, thực dân Pháp đã đưa ông từ Thừa Hóa đến lạch Tư Hiền, từ đây, chiếc tàu Comète đã chờ sẵn để chuyển ông vào Sài Gòn. Không lâu sau, chuyến tàu Biên Hòa đưa ông đi Alger, khởi đầu cuộc sống lưu đày.

***

Trong đêm vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, Tôn Thất Thiệp và hai thủ hạ của nhà vua bị sát hại tại chỗ. Họ đã hi sinh mạng sống để thể hiện lòng trung nghĩa của mình. Người con lớn còn lại của Tôn Thất Thuyết làTôn Thất Đạm lúc bấy giờ đang làm Khâm sai, lãnh nhiệm vụ đi chiêu mộ nghĩa sĩ ở khu vực phía Bắc Quảng Bình (nên người đương thời gọi ông là Khâm Đạm).

Khi hay tin là nhà vua đã lọt vào tay giặc rồi, ông viết ngay một lá thư, cho người mang đến đồn Thuận Bài nhờ chuyển cho nhà vua. Thư có đoạn viết:”Không được gần gủi Hoàng thượng để hộ giá, khi có kẻ phản thần làm việc ám muội, thần mang tội rất nhiều…Các quan văn võ sẽ mang hận ấy suốt đời, vậy xin Hoàng thượng tha thứ cho và thề sẽ hết lòng trung cho đến thác” (Phan Trần Chúc-Vua Hàm Nghi-NXB Thuận Hóa-1995-trang 174).

Tôn Thất Đạm cũng gửi cho Thiếu tá Dabat ở đồn Thuận Bài một lá thư bày tỏ sự hối tiếc đã không ở kề cận nhà vua để bảo vệ, cho dù có chết như người em trai của mình. Thư có đoạn cuối như sau:”Nay chúng tôi bị thua. Cái then của chiến bại đã đến bước cùng. Vậy xin Ngài cho các tướng sĩ được về quê hương an trí làm ăn và không phải ra thờ triều đình mới”.

Trong thư hồi âm của Dabat có câu:”Thay mặt các binh sĩ Pháp, tôi xin nói để Ngài biết rằng các tướng Pháp rất kính phục Ngài. Xin mời Ngài ra đồn Thuận Bài. Tôi xin đoan rằng người Pháp sẽ đãi Ngài một cách trân trọng, xứng đáng với tài đức và địa vị của Ngài trong hoạn giới” (Phan Trần Chúc-Sđd-trang 175).

Sau những bức thư trao đổi ấy, Tôn Thất Đạm tập họp tướng sĩ lại, yêu cầu họ ra hàng và khuyên mọi người về quê làm ăn, không nhận chức tước gì của triều đình mới. Về phần mình, ông nói: ”Còn ta, nếu người Pháp có hỏi, các ngươi cứ bảo họ vào rừng này, tự khắc tìm thấy ta”. Rồi ông một mình đi vào rừng, cỡi chiếc khăn đội đầu, treo cổ trên cành cây mà chết. Khi đi tìm ông và phát hiện ra ông đã chết, tướng sĩ xúm lại, ôm lấy xác chủ tướng mà khóc.

Con người trung nghĩa ấy sống hết lòng vì vua, vì nước, khi chết cũng chọn cái chết anh hùng, không để rơi vào tay giặc. Mấy ngày sau, không thấy ông ra hàng, quân Pháp vào rừng, đã thấy ngôi mộ ông nằm đó, bên cạnh còn có thanh gươm mà ông vẫn dùng lúc sinh thời.

Lê Nguyễn

1.10.2015


Tranh vẽ của người Pháp: cảnh lúc Pháp bắt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thiệp cầm gươm lên, chưa kịp làm gì thì bị sát hại bằng súng (trái), còn nhà vua trong lúc bất ngờ, vói tay chụp thanh gươm bên cạnh, nhưng không kịp (phải)



Cựu hoàng Hàm Nghi lúc mới bị đày sang Alger - Ảnh báo Journal des voyages



Cựu hoàng Hàm Nghi ở tuổi trung niên



Cựu hoàng Hàm Nghi những năm cuối đời



Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1544, ngày 16 tháng 2 năm 1939

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Chút hồi ức về nền Tư Pháp và tổ chức Thanh Tra tại miền Nam trước 1975

 CHÚT HỒI ỨC VỀ NỀN TƯ PHÁP

VÀ TỔ CHỨC THANH TRA TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975

* Bài viết theo yêu cầu của một số bạn trẻ, tuy nhiên người viết chỉ ghi chép theo ký ức, chắc chắn là không đầy đủ như các tài liệu chính thức đã được công bố.

* TỔ CHỨC TƯ PHÁP

Trong suốt chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tòa án là hiện thân của quyền thứ ba trong “tam quyền phân lập”: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.

Tùy điều kiện về khả năng tổ chức và nhân sự của mỗi thời kỳ mà ngành tư pháp VNCH trước 30.4.1975 có những chuyển biến khác nhau, tạm chia ra 3 giai đoạn: trước 1965, từ 1965 đến 1968, và từ 1968 trở đi. Tuy nhiên, dù ở thời nào thì tòa án ở miền Nam trước 1975 cũng gồm có 4 cấp chính là tòa hòa giải, tòa sơ thẩm, tòa thượng thẩm, và tòa phá án.

Tổ chức tòa án VNCH có mấy điểm đáng chú ý sau:

- Tòa án cấp tỉnh là thấp nhất, không có tòa án Quận (tổ chức chính quyền VNCH không có huyện)

- Tòa án mọi cấp đều độc lập trong xét xử, không có sự thống thuộc giữa tòa cấp thấp (tòa sơ thẩm) với tòa cấp cao hơn (tòa thượng thẩm, tòa phá án). Bản án của tòa sơ thẩm khi bị kháng án, sẽ do tòa thượng thẩm xét xử lại, trong tinh thần coi bản án của tòa sơ thẩm là một bản án độc lập.

- Mỗi tòa thượng thẩm phụ trách một số địa phương trong khu vực. Tòa thượng thẩm Sài gòn và Huế là hai tòa thượng thẩm chính ở VNCH.

-Tòa hòa giải chỉ có ở những địa phương lớn, và như danh xưng đã chỉ rõ, chỉ có thẩm quyền hòa giải những vụ kiện dân sự. Tại các địa phương, các viên chức giữ chức vụ Quận trưởng kiêm cả thẩm phán hòa giải. Họ là các viên chức “hữu thệ”, tức phải ra trước tòa án tuyên thệ khi giữ nhiệm vụ Quận trưởng

Trước năm 1965, ở miền Nam, số thẩm phán có đủ tư cách hành xử quyền tư pháp không nhiều, các tòa sơ thẩm với đầy đủ các thành phần thẩm phán (biện lý, phó biện lý, dự thẩm, chánh án …) chỉ hiện diện ở những tỉnh lớn, vì thế thường thì tòa sơ thẩm tại một tỉnh lớn kiêm quyền tư pháp tại một vài tỉnh nhỏ lân cận. Mặt khác, trước năm 1965, ở một số tỉnh nhỏ, còn tồn tại dạng “Tòa hòa giải rộng quyền”, tức tòa hòa giải có thẩm quyền như một tòa sơ thẩm thu hẹp, ở đó viên chánh án kiêm nhiệm tư cách của các thẩm phán khác …

Từ giữa thập niên 1960, số người có bằng Cử nhân luật khá đông, họ dự kỳ thi tuyển thẩm phán, ai đỗ được đào luyện thêm trong khoảng 2 năm và sau đó, phần lớn được bổ về các tòa sơ thẩm cấp tỉnh. Tại đây, họ được gọi chung là thẩm phán, song với những chức vụ khác nhau, gồm:

- Dự thẩm, là viên chức thẩm tra cao cấp của tòa án

- Biện lý và Phó biện lý, là những viên chức có thẩm quyền luận tội trong các vụ án.

- Chánh án, là người có thẩm quyền tuyên các bản án hình sự (và những bản án dân sự ngoài thẩm quyền các thẩm phán hòa giải).

Thông thường, chánh án được chọn trong số những dự thẩm có thâm niên cao, có ngạch trật tương đối cao trong ngành tư pháp.

Trong tổ chức một tòa án cấp tỉnh, Dự thẩm và Chánh án được xếp vào thành phần “thẩm phán xử án”, gọi nôm na là “thẩm phán ngồi”; còn Biện lý và Phó Biện lý là “thẩm phán công tố”, gọi nôm na là “thẩm phán đứng”. Tất nhiên, những vị này không đứng trong suốt quá trình xét xử, mà chỉ đứng lên trong phần luận tội, buộc tội một hay nhiều bị cáo, nhân danh quyền lợi của xã hội.

Về hệ cấp, trong các buổi lễ chính thức tại địa phương, việc sắp xếp chỗ ngồi cho các thẩm phán dựa theo các chức danh xếp từ trên xuống dưới gồm: chánh án, biện lý, dự thẩm, phó biện lý.

Từ cách gọi “thẩm phán xử án” hay “thẩm phán ngồi” và “thẩm phán công tố” hay “thẩm phán đứng”, việc quản lý và hoạt động của họ cũng khác nhau. Trước 1968, thẩm phán xử án trực thuộc “Thượng hội đồng thẩm phán” là một tổ chức hoạt động độc lập, ngoài sự chi phối của chính quyền hành pháp. Trái lại, thẩm phán công tố chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp.

Từ năm 1968 trở đi, Tối Cao Pháp viện ra đời, đại diện cho quyền Tư pháp, các thẩm phán xử án thuộc quyền quản lý của tổ chức này. Chủ tịch Tối cao Pháp viện là nhân vật số 5 của chế độ sau Tổng thống, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện.

Trong tổ chức tư pháp ở cấp tỉnh, không chỉ có các thẩm phán ở tòa án, mà một số viên chức chính quyền cũng có tư cách “tư pháp cảnh lại” nhằm phối hợp với tòa án trong các vấn đề hình pháp. Cơ quan cảnh sát lúc bấy giờ có hai bộ phận riêng biệt: bộ phận “cảnh sát đặc biệt” phụ trách các vấn đề an ninh, tình báo, và bộ phận “cảnh sát tư pháp” là công cụ đắc lực của tòa án, gửi về tòa án hồ sơ các vụ án sau khi hoàn tất cuộc điều tra, thi hành lệnh điều tra do tòa án gửi xuống … Các Trưởng ty cảnh sát tỉnh, Trưởng chi cảnh sát quận (sau là Chỉ huy trưởng CSQG tỉnh hay quận) là sĩ quan tư pháp cảnh lại, phụ tá Biện lý. Ở cấp quận, Quận trưởng cũng kiêm phụ tá Biện lý, song ít khi hành xử vai trò này.

Một số người còn nhầm lẫn khi cho rằng tòa sơ thẩm, cấp thấp, xử các vụ án tiểu hình, còn tòa thượng thẩm xử các vụ đại hình. Trên thực tế giữa các cấp tòa và mức độ của vụ án không hề có liên quan với nhau. Dù là những vụ án đại hình như giết người, cướp của thì vẫn phải xử ở cấp sơ thẩm trước rồi mới chuyển dần lên cấp thượng thẩm, tòa phá án, khi có sự kháng án của nguyên cáo, bị cáo hay cơ quan công tố (biện lý cuộc).

Nhân tiện cũng xin nhắc sơ về quyền lập pháp và quyền lập quy trong tổ chức chính quyền VNCH, theo mô hình của tổ chức chính quyền Pháp.

* Quyền lập pháp bao gồm việc thảo luận, thông qua bản hiến pháp và các đạo luật chi phối đời sống trong nước. Quyền này thuộc về Quốc Hội

* Quyển lập quy thuộc về ngành hành pháp, dành cho Tổng thống, Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Tỉnh trưởng, nhằm định ra quy tắc thi hành các luật lệ do phía lập pháp thông qua.

Trong quyền lập quy:

- sắc lệnh (décret) là cấp cao nhất, chỉ do Tổng thống và Thủ tướng ban hành,

- nghị định (arrêté) được ban hành đến cấp Bộ trưởng,

- quyết định (décision) được ban hành đến cấp Tỉnh trưởng.

Riêng sắc luật (cách gọi tắt của từ “sắc lệnh-luật”: décret-loi) là văn kiện có tính lập pháp do phía hành pháp (tổng thống) ban hành trong trường hợp có chiến tranh, nội loạn… do Quốc hội ủy nhiệm có thời hạn cho tổng thống nhằm đối phó, giải quyết những vấn đề cấp bách nhất.

- Các thông tư, chỉ thị không có tính cách lập quy, do các viên chức từ cấp Tổng giám đốc trở xuống ban hành nhằm chi tiết hóa việc thi hành các sắc lệnh, nghị định của cấp cao hơn cho nội bộ cơ quan của họ.

Xét cho cùng các văn kiện lập quy cùng thông tư, chỉ thị … là một chuỗi nối dài của các văn kiện lập pháp nhằm tạo cho một đạo luật có điều kiện thực thi xuyên suốt từ ngành lập pháp đến ngành hành pháp, xuống tới các cơ quan hành chánh thấp nhất tại địa phương. Chuỗi nối dài đó hình thành trong điều kiện sao cho từ việc ban hành một đạo luật đến việc thực thi đạo luật đó tại cấp cơ sở được diễn ra trong thời gian ngắn nhất.

Đó cũng là lý do mà Học viện Quốc gia Hành chánh thời VNCH, nơi đào tạo các viên chức hành chánh cấp trung-cao, được xem là một trường luật thứ hai, nơi các sinh viên được học hầu hết các bộ luật đang áp dụng trong nước: Dân luật, Hình luật, luật Thương mại, luật Hành chánh, Công pháp quốc tế … Ngày nay, một số cựu sinh viên của Học viện này, dù tuổi đã trên 70, vẫn còn hành nghề luật sư ở Sài Gòn và các nơi khác trong nước.

Xét về nền tư pháp thời VNCH, không thể không nhắc đến một tổ chức xã hội có liên quan mật thiết với các cơ quan tố tụng đương thời, đó là luật sư đoàn. Thông thường một công dân có bằng cử nhân luật muốn hành nghề luật sư phải được một văn phòng luật sư đang hoạt động hợp pháp chấp nhận cho tập sự. Trong thời gian này, họ được sai phái làm nhiều việc liên quan đến nghề nghiệp của họ sau này, trong đó có việc theo dõi các phiên tòa. Đối với một cử nhân luật thời đó, tìm được một văn phòng luật sư chấp nhận cho tập sự là một việc thiên nan vạn nan, vỉ số người có nhu cầu thì cao mà số văn phòng luật sư không nhiều.

Sau khi đã hoàn tất thời gian tập sự, họ được kết nạp vào luật sư đoàn và bắt đầu hành nghề. Luật sư đoàn là một tổ chức hoàn toàn độc lập với bộ máy tư pháp của chính quyền được đặt dưới quyền điều hành của một “Thủ lãnh luật sư đoàn”. Một trong những thủ lãnh luật sư đoàn đầu tiên của tổ chức này là luật sư Vương Quang Nhường, con rể cựu hoàng Thành Thái. Là người rất có uy tín trong chính giới Việt và Pháp, năm 1947, chính ông Nhường đã tác động mạnh đến việc chính quyền Pháp cho cựu hoàng Thành Thái cùng gia đình hồi hương từ hòn đảo lưu đày Réunion.

Trong giới luật sư miền Nam trước 1975, nhiều người nổi tiếng được xã hội biết đến như bà Nguyễn Phước Đại, các ông Nguyễn Văn Chức, Phan Tấn Chức, Vương Văn Bắc… Bà Nguyễn Phước Đại (nhũ danh Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sử dụng tên chồng là bác sĩ Nguyễn Phước Đại) vang danh toàn quốc khi cãi trong vụ án “Cô Quờn đốt chồng” (Hồ Thị Quờn) vào đầu thập niên 1950, là Thượng nghị sĩ dưới thời Đệ nhị Cộng hòa.

Luật sư Vương Văn Bắc nguyên giảng sư Học viện QGHC, từng cãi nhiều vụ được báo chí ca ngợi. Một thời gian sau hiệp định Paris 1973, biết rằng đồng minh đã bỏ rơi mình, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tính đến việc vay nợ nước ngoài để mua vũ khí, quân dụng đang ngày càng thiếu thốn và thanh toán lại bằng dầu hỏa khai thác được. Ông đã cử luật sư Vương Văn Bắc làm Ngoại trưởng, dẫn nhiều phái đoàn sang Trung Đông thương thảo việc khai thác dầu hỏa, kết quả đạt được một số thỏa thuận, theo đó, nước chủ nhà (VN) được hưởng 13% trên trị giá số dầu thô khai thác. Song mọi việc đã trễ, đến tháng 4.1975, các thỏa thuận vẫn còn là những văn kiện trên giấy tờ.

TỔ CHỨC THANH TRA THỜI VNCH

Bộ máy nhà nước nào cũng cần có bộ phận thanh tra để giúp cho nó được vận hành suôn sẻ. Ngành này có hai chức năng chánh:

- Thanh tra, kiểm tra – Đây là công việc thường xuyên nhằm sớm phát hiện những bất cập trong việc điều hành một số cơ quan hành chánh trung ương và địa phương, giúp các cơ quan chấn chỉnh và hoàn thiện hoạt động của họ.

- Điều tra – Phụ trách điều tra những vấn đề có sự khiếu nại, tố cáo, của công dân hay dưới sự chỉ đạo của Tổng thống hay Thủ tướng.

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963), công tác thanh tra chung được giao cho một cơ quan có tên Nha Tổng Thanh tra Hành chánh và Tài chánh trực thuộc Phủ Tổng thống, người đứng đầu là cụ Dương Tấn Tài, một chuyên gia tài chánh hàng đầu lúc bấy giờ (cùng bác sĩ Dương Tấn Tươi, luật sư Dương Tấn Trương là những trí thức nổi tiếng thời đó). Song song với tổ chức thanh tra chung của cả nước, thường thì mỗi bộ có một tổ chức thanh tra riêng cho bộ đó.

Thời Đệ nhị Cộng hòa, công việc thanh tra được giao cho một tổ chức có tên mới là Giám sát viện, song bản chất công việc cũng không có gì thay đổi, thành phần cốt cán vẫn là các viên chức ngạch thanh tra.

Vào thời điểm đó, sự sắp xếp các chức danh trong một buổi lễ chính thức cấp quốc gia được định thứ tự ưu tiên như sau:

- Tổng thống – Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện – Chủ tịch Hạ viện – Chủ tịch Tối Cao Pháp viện – Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Giám sát viện – các Phó Thủ tướng – Tổng, Bộ trưởng.

Khoảng năm 1973-1974, có một cuộc cải tổ tổ chức Giám sát viện, với việc cử nhiệm 18 Giám sát viên theo cách sau: 3 cơ chế gồm Quốc Hội, Tối cao Pháp viện và Chính phủ, mỗi nơi đề cử 6 vị, tổng cộng 18 vị. Các Giám sát viên được xếp ngang hàng Thứ trưởng cấp bộ và điều động các Thanh tra Giám sát viện trong công tác của họ. Trong số 18 Giám sát viên này có hai cựu sinh viên Học viện QGHC – Sài Gòn là các anh Lê Văn Thêm (khóa VI) và Lê Đình Lãm (khóa VIII).

Chi tiết này cũng nhằm trả lời câu hỏi của một bạn về chức danh Giám sát viên thời Đệ nhị Cộng hòa.

Lê Nguyễn

22.11.2021

Ảnh: Pháp đình Sài Gòn thập niên 1890