ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Một bài trên Kiến thức ngày nay, số 104, trang 47-51, có dùng từ “mặc khải”. Từ này không thấy có trong từ điển của cụ Đào Duy Anh và của ông Nguyễn Văn Khôn. Từ “mặc khải” có liên quan gì đến thuyết linh ứng bên đạo Thiên Chúa không?

 ĐỘC GIẢ: Một bài trên Kiến thức ngày nay, số 104, trang 47-51, có dùng từ “mặc khải”. Từ này không thấy có trong từ điển của cụ Đào Duy Anh và của ông Nguyễn Văn Khôn. Từ “mặc khải” có liên quan gì đến thuyết linh ứng bên đạo Thiên Chúa không?

AN CHI: Mặc khải là một từ Hán Việt mà người ta đã dùng để dịch danh từ Révélation của tiếng Pháp (tiếng Anh: Revelation) với tính cách là một thuật ngữ tôn giáo. Danh từ thần học triết học của Ban giáo sư Đại chủng viện Bùi Chu do Trí-đức-thư-xã (Hà Nội) xuất bản năm 1952 đã ghi như sau:

Révélation: Mặc khải, Révélation divine: Mặc-khải Thiên-Chúa. Révélation formelle: Mặc-khải mô-thức. Révélation primitive: Mặc-khải sơ-khai (…). Đồng nghĩa với mặc khảimặc thị mà người Nhật đọc thành mokuji. Họ dùng từ này để dịch tên sách Apocalypse (là sách cuối cùng trong Kinh Thánh, phần Tân ước) thành Mokuji roku (Mặc thị lục). Kinh Thánh bản tiếng Việt của Thánh-Kinh Hội tại Việt Nam, in năm 1975 cũng dùng từ này, chẳng hạn “Sự mặc-thị của Đức Chúa Jêsus-Christ” (sách khải-huyền,1: 1). Nhưng bản tiếng việt của Hội Ghi-đê-ôn Quốc-tế năm 1965 thì lại dùng từ khải thị, chẳng hạn “Sự khải-thị của Jésus-Christ” (Sách Khải-thị của Giăng, 1: 1). Danh từ thần học và triết học dã dịch Révélation thành mặc khải và dịch Apocalypse thành Khải huyền thư. Thực ra, nghĩa của apocalypse cũng là Révélation vì đó là dạng tiếng Pháp – và cả tiếng Anh – của tiếng Hy Lạp apokalupsis, có nghĩa là… Révélation, tức mặc thị, mặc khải, khải thị hoặc khải huyền. Đây đều là những từ đồng nghĩa. Từ điển của Đào Duy Anh và của Nguyễn Văn Khôn không ghi nhận từ mặc khải một phần vì đây không phải là một từ thông dụng, một phần vì đó cũng không phải là từ điển cỡ lớn. Đầy đủ hơn nhiều như Từ hải cũng chỉ ghi nhận có khải thị mà không có mặc khải, mặc thị hoặc khải huyền. Trong bài ông đã nêu, tác giả chỉ dùng từ mặc khải theo nghĩa thông thường là bộc lộ, biểu lộ…mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số 141, ngày 15-6-1994

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Người Việt cần hiểu Sử Việt: Thăng Long quen thói toa rập, nhượng lãnh thổ cho ngoại bang

 Người Việt cần hiểu Sử Việt: 

THĂNG LONG QUEN THÓI TOA RẬP, NHƯỢNG LÃNH THỔ CHO NGOẠI BANG

Đây không nói về vua Lê Chiêu Thống vì quyền lợi dòng tộc mà toa rập với ngoại bang. Mà nói về một dữ kiện tồi tệ hơn nhiều: trước đó một thế kỷ, chúa Trịnh Tráng cũng chỉ vì mưu lợi cho thể chế (triều đình Thăng Long) mà ký mật ước nhượng lãnh thổ cho ngoại bang, "nội công ngoại kích" nhằm cưỡng chiếm Đàng Trong!

&1&

Trong biên khảo về xứ Đàng Trong thế kỷ 17 & 18, Tiến sĩ sử học Li Tana đưa ra một bức thư của chúa Trịnh Tráng gửi cho Hòa Lan vào năm 1637, xin cầu viện với mục tiêu đánh chiếm Đàng Trong. Trong đó có đoạn: "Sau khi chiến thắng chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc. Về phần các ông, chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị"!

TRIỀU ĐÌNH THĂNG LONG, chỉ vì mưu lợi cho ngai vàng, đã sẵn sàng NHƯỢNG ĐẤT CHO NGOẠI BANG miễn giúp họ chiếm được Đàng Trong.

Ồ, Quảng Nam bấy giờ thuộc thẩm quyền quản lý của triều đình Phú Xuân, đâu thuộc thẩm quyền của triều đình Thăng Long mà Thăng Long có quyền ký giấy nhượng đất? Văn thư của chúa Trịnh, do vậy, là... vô giá trị (?). Lập luận kiểu đó, về thực chất, là chạy tội cho triều đình Thăng Long không hơn không kém!

Bởi vì, nên nhớ, mật ước nhượng đất có hiệu lực ràng buộc phải thi hành một khi triều đình Thăng Long trở thành chủ nhân của Đàng Trong.

&2&

Sau mật ước năm 1637, Hòa Lan đã đưa 5 tàu chiến dưới sự chỉ huy của Van Liesvelt thẳng tiến đến Đà Nẵng. Cuộc chiến xảy ra năm 1642, diễn ra cả trên biển lẫn trên bộ, Van Liesvelt cùng nhiều binh sĩ bị tử trận.

Không chịu thua, năm 1643, Hòa Lan lại tiếp tục đưa tàu chiến trong khi đó, chúa Trịnh cử binh từ Thăng Long xuôi về phía Nam, cùng phối hợp "nội công, ngoại kích"!

Tàu chiến của Hòa Lan được trang bị trọng pháo tối tân lúc bấy giờ, dương dương tự đắc. Nào dè, quân dân Đàng Trong dưới sự chỉ huy của Thế tử Nguyễn Phước Tần (sau này trở thành Chúa Hiền) đã dùng nhiều chiến thuyền nhỏ áp sát vào đội tàu Hòa Lan khiến cho thuyền trưởng Pieter Baeck quýnh quáng. Đội tàu Hòa Lan vỡ trận, Pieter Baeck tử trận.

Sự kiện tàu chiến hùng hậu của phương Tây, vào thế kỷ 17, bị một xứ sở ở châu Á đánh bại được xem là một BẤT NGỜ LỚN trong lịch sử.

Quân lực của Đàng Trong hồi đó mạnh mẽ tới mức giúp cho Cao Miên đánh thắng quân Xiêm La (Thái Lan), từ đó được Cao Miên tạo thuận lợi cho việc mở đường di dân vô Thủy Chân Lạp (sau này trở thành Nam Kỳ).

&3&

Mật ước của Trịnh Tráng - toa rập với ngoại bang tới mức sẵn sàng nhượng đất nhượng biển - đã trở thành một vết nhơ "lưu xú vạn niên" của chế độ nắm quyền tại Thăng Long.

Sau này Thăng Long tiếp tục toa rập với ngoại bang (thời vua Lê Chiêu Thống, lần này là giặc Tàu) nhưng đã bị Nguyễn Huệ cử binh từ Đàng Trong ra đánh cho sập tiệm.

Định mệnh lịch sử thiệt khéo sắp đặt: Chúa Hiền rồi Nguyễn Huệ của ĐÀNG TRONG đã lần lượt phá sập mưu hèn kế bẩn của triều đình ở Đàng Ngoài cầu viện ngoại bang!

Chuyện gì xảy ra nếu không thể đánh sập mưu kế của Đàng Ngoài? Người dân VN rơi vào nỗi bất hạnh kinh hoàng là cái chắc.

--------------------------------------------------------------------

- Tàu chiến Hà Lan vào năm 1643;

- Biên khảo của Tiến sĩ Li Tana.


 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Xin cho biết chữ Nho và chữ Hán có khác nhau không? Thứ chữ này ra đời và chấm dứt từ lúc nào?

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết chữ Nho và chữ Hán có khác nhau không? Thứ chữ này ra đời và chấm dứt từ lúc nào?

AN CHI: Chữ Hán Chữ Nho là hai tên gọi khác nhau của cùng một thứ chữ. Ngày xưa người ta gọi đó là chữ Nho vì nó được dùng để chuyển tải nội dung của Nho giáoNho học. Đó là thứ chữ mà nhà Nho phải nắm vững để có thể thông hiểu sách vở và đạo lý của thánh hiền. Khi người Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phong kiến phương Bắc để xây dựng quốc gia độc lập, đặc biệt là từ nhà Lý (1010-1225) trở đi thì Nho giáo và Nho học cũng trở thành chính thống tại quốc gia Đại Việt. Chữ Nho do đó cũng trở thành “quốc gia văn tự” của người Việt Nam. Vì vậy mà người nước ta còn gọi nó là “chữ ta”. Thứ chữ này đã tồn tại và đã được sử dụng ở Việt Nam trong vòng 900 năm (nếu chỉ kể từ nhà Lý) cho đến khi nước ta bị Pháp đô hộ và nền Nho học bị bãi bỏ. Còn trên thực tế thì người Việt Nam đã biết đến chữ Nho từ rất sớm, ít nhất cũng là từ đời Sĩ Nhiếp. Ngày nay người ta không gọi thứ chữ đang xét là chữ Nho nữa mà gọi đó là chữ Hán, vì đó mới là cách gọi chính xác và hợp lý. Đây cũng là cách gọi của chính người Trung Hoa: họ tự nhận là Hán tộc nên chữ của họ là Hán tự (chữ Hán), tiếng của họ là Hán ngữ, và văn của họ là Hán văn. Theo truyền thuyết thì Thương Hiệt là người đã sáng chế ra chữ Hán nhưng điều này không có căn cứ thực tế. Chữ Hán chắc chắn không do một cá nhân sáng chế ra mà là kết quả của một sự thừa kế có cải tiến của nhiều người, thậm chí của nhiều thế hệ cho đến một thời điểm mà nó được xem là đã định hình. Đó là vào đời nhà Thương và thứ chữ được xem như đã định hình đó là giáp cốt văn (văn ở đây có nghĩa là chữ) tức là thứ chữ khắc trên yếm rùa và xương thú. Thứ chữ này đã được dùng để ghi chép những lời nói toán gọi là bốc từ. Nhờ những lời bốc từ này mà người ta có thể biết rõ xã hội Trung Hoa đời nhà Thương về nhiều phương diện. Đặc biệt bảng đế hệ đời Thương xác lập được qua những lời bốc từ nói chung khá phù hợp với truyền thuyết. Chính vì thế mà người ta mới có căn cứ cụ thể và chắc chắn để khẳng định rằng nhà Thương là một giai đoạn có thật trong lịch sử của Trung Hoa. Rất nhiều chữ giáp cốt là những chữ tượng hình đích thực, nhưng trãi qua nhiều thay đổi, ngày nay mỗi chữ Hán đã trở thành một khối vuông (phương khối tự) riêng biệt cấu tạo bằng một số nét (như chấm, phẩy, mác, vv.) nhất định.

Tóm lại, thời điểm ra dời của chữ Hán, tức chữ Nho là vào đời nhà Thương, còn thời điểm chấm dứt của nó thì chưa thể biết được vì đến nay vẫn còn được dùng tại Công hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Đài Loan, và trong các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Chẳng những như thế, chữ Hán ngày nay vẫn còn tiếp tục được nhiều người nước ngoài trau dồi và nghiên cứu.

Kiến thức ngày nay, số 141, ngày 15-6-1994