ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Xin cho biết chữ Nho và chữ Hán có khác nhau không? Thứ chữ này ra đời và chấm dứt từ lúc nào?

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết chữ Nho và chữ Hán có khác nhau không? Thứ chữ này ra đời và chấm dứt từ lúc nào?

AN CHI: Chữ Hán Chữ Nho là hai tên gọi khác nhau của cùng một thứ chữ. Ngày xưa người ta gọi đó là chữ Nho vì nó được dùng để chuyển tải nội dung của Nho giáoNho học. Đó là thứ chữ mà nhà Nho phải nắm vững để có thể thông hiểu sách vở và đạo lý của thánh hiền. Khi người Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phong kiến phương Bắc để xây dựng quốc gia độc lập, đặc biệt là từ nhà Lý (1010-1225) trở đi thì Nho giáo và Nho học cũng trở thành chính thống tại quốc gia Đại Việt. Chữ Nho do đó cũng trở thành “quốc gia văn tự” của người Việt Nam. Vì vậy mà người nước ta còn gọi nó là “chữ ta”. Thứ chữ này đã tồn tại và đã được sử dụng ở Việt Nam trong vòng 900 năm (nếu chỉ kể từ nhà Lý) cho đến khi nước ta bị Pháp đô hộ và nền Nho học bị bãi bỏ. Còn trên thực tế thì người Việt Nam đã biết đến chữ Nho từ rất sớm, ít nhất cũng là từ đời Sĩ Nhiếp. Ngày nay người ta không gọi thứ chữ đang xét là chữ Nho nữa mà gọi đó là chữ Hán, vì đó mới là cách gọi chính xác và hợp lý. Đây cũng là cách gọi của chính người Trung Hoa: họ tự nhận là Hán tộc nên chữ của họ là Hán tự (chữ Hán), tiếng của họ là Hán ngữ, và văn của họ là Hán văn. Theo truyền thuyết thì Thương Hiệt là người đã sáng chế ra chữ Hán nhưng điều này không có căn cứ thực tế. Chữ Hán chắc chắn không do một cá nhân sáng chế ra mà là kết quả của một sự thừa kế có cải tiến của nhiều người, thậm chí của nhiều thế hệ cho đến một thời điểm mà nó được xem là đã định hình. Đó là vào đời nhà Thương và thứ chữ được xem như đã định hình đó là giáp cốt văn (văn ở đây có nghĩa là chữ) tức là thứ chữ khắc trên yếm rùa và xương thú. Thứ chữ này đã được dùng để ghi chép những lời nói toán gọi là bốc từ. Nhờ những lời bốc từ này mà người ta có thể biết rõ xã hội Trung Hoa đời nhà Thương về nhiều phương diện. Đặc biệt bảng đế hệ đời Thương xác lập được qua những lời bốc từ nói chung khá phù hợp với truyền thuyết. Chính vì thế mà người ta mới có căn cứ cụ thể và chắc chắn để khẳng định rằng nhà Thương là một giai đoạn có thật trong lịch sử của Trung Hoa. Rất nhiều chữ giáp cốt là những chữ tượng hình đích thực, nhưng trãi qua nhiều thay đổi, ngày nay mỗi chữ Hán đã trở thành một khối vuông (phương khối tự) riêng biệt cấu tạo bằng một số nét (như chấm, phẩy, mác, vv.) nhất định.

Tóm lại, thời điểm ra dời của chữ Hán, tức chữ Nho là vào đời nhà Thương, còn thời điểm chấm dứt của nó thì chưa thể biết được vì đến nay vẫn còn được dùng tại Công hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Đài Loan, và trong các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Chẳng những như thế, chữ Hán ngày nay vẫn còn tiếp tục được nhiều người nước ngoài trau dồi và nghiên cứu.

Kiến thức ngày nay, số 141, ngày 15-6-1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét