ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Một bài trên Kiến thức ngày nay, số 104, trang 47-51, có dùng từ “mặc khải”. Từ này không thấy có trong từ điển của cụ Đào Duy Anh và của ông Nguyễn Văn Khôn. Từ “mặc khải” có liên quan gì đến thuyết linh ứng bên đạo Thiên Chúa không?

 ĐỘC GIẢ: Một bài trên Kiến thức ngày nay, số 104, trang 47-51, có dùng từ “mặc khải”. Từ này không thấy có trong từ điển của cụ Đào Duy Anh và của ông Nguyễn Văn Khôn. Từ “mặc khải” có liên quan gì đến thuyết linh ứng bên đạo Thiên Chúa không?

AN CHI: Mặc khải là một từ Hán Việt mà người ta đã dùng để dịch danh từ Révélation của tiếng Pháp (tiếng Anh: Revelation) với tính cách là một thuật ngữ tôn giáo. Danh từ thần học triết học của Ban giáo sư Đại chủng viện Bùi Chu do Trí-đức-thư-xã (Hà Nội) xuất bản năm 1952 đã ghi như sau:

Révélation: Mặc khải, Révélation divine: Mặc-khải Thiên-Chúa. Révélation formelle: Mặc-khải mô-thức. Révélation primitive: Mặc-khải sơ-khai (…). Đồng nghĩa với mặc khảimặc thị mà người Nhật đọc thành mokuji. Họ dùng từ này để dịch tên sách Apocalypse (là sách cuối cùng trong Kinh Thánh, phần Tân ước) thành Mokuji roku (Mặc thị lục). Kinh Thánh bản tiếng Việt của Thánh-Kinh Hội tại Việt Nam, in năm 1975 cũng dùng từ này, chẳng hạn “Sự mặc-thị của Đức Chúa Jêsus-Christ” (sách khải-huyền,1: 1). Nhưng bản tiếng việt của Hội Ghi-đê-ôn Quốc-tế năm 1965 thì lại dùng từ khải thị, chẳng hạn “Sự khải-thị của Jésus-Christ” (Sách Khải-thị của Giăng, 1: 1). Danh từ thần học và triết học dã dịch Révélation thành mặc khải và dịch Apocalypse thành Khải huyền thư. Thực ra, nghĩa của apocalypse cũng là Révélation vì đó là dạng tiếng Pháp – và cả tiếng Anh – của tiếng Hy Lạp apokalupsis, có nghĩa là… Révélation, tức mặc thị, mặc khải, khải thị hoặc khải huyền. Đây đều là những từ đồng nghĩa. Từ điển của Đào Duy Anh và của Nguyễn Văn Khôn không ghi nhận từ mặc khải một phần vì đây không phải là một từ thông dụng, một phần vì đó cũng không phải là từ điển cỡ lớn. Đầy đủ hơn nhiều như Từ hải cũng chỉ ghi nhận có khải thị mà không có mặc khải, mặc thị hoặc khải huyền. Trong bài ông đã nêu, tác giả chỉ dùng từ mặc khải theo nghĩa thông thường là bộc lộ, biểu lộ…mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số 141, ngày 15-6-1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét