ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Xin cho biết vắn tắt sự tích của ông Thần Tài?


ĐỘC GIẢ: Xin cho biết vắn tắt sự tích của ông Thần Tài?

AN CHI: Theo truyền thuyết thì thần tài chính là Triệu Công Minh, người đã sống vào thời nhà Tần, Ông đã lánh đời mà dốc lòng tu tiên  ở núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc xua ôn đuổi dịch, cứu bệnh trừ tai. Lại nữa, phàm ai bị oan bị ức đến cầu cứu nơi ông đều được ông giúp làm cho sáng tỏ. Người buôn bán cúng ông để cầu tài cầu lộc cũng được ông giúp cho như ý muốn. Người ta thường vẽ ông thành hình một người mặt đen, râu rặm, tay cầm roi, mình cỡi trên lưng một con cọp đen. Người ta cũng hay vẽ hình ông trên ảnh đăng (một loại đèn cù) và còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hoặc Triệu Công Nguyên Soái.

Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 1-4-1993

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Có phải mấy tiếng “đôi tôi”, “tôi tôi” là do “thôi nôi” mà ra hay không?


ĐỘC GIẢ: Có phải mấy tiếng “đôi tôi”, “tôi tôi” là do “thôi nôi” mà ra hay không?

AN CHI: Đây là một tục lệ gốc ở Trung Hoa xưa, liên quan đến chữ  , đọc theo âm Han Việt là tối, có nghĩa là tròn năm (vị từ) hoặc đứa trẻ đầy một tuổi (danh từ). Khi đứa trẻ đúng một tuổi, người ta “trắc nghiệm” để dự đoán sở thích và sở trường của nó trong tương lai. Tiếng Hán gọi việc này là “thí nhi” nghĩa là thử con. Người ta bày lên mâm một số đồ vật vừa đồ chơi, vừa đồ nghề, vừa học cụ, vv. để xem đứa trẻ chọn lấy thứ nào rồi căn cứ vào món đồ này mà dự đoán tương lai của nó. Cái mâm đó gọi là tối bàn (mâm đầy năm). Nó được bày biện để thử con đngs vào dịp chu tối, nghĩa là dịp tròn trặn một năm tuổi của đứa trẻ (chu là giáp vòng).
Đôi tôitôi tôi bắt nguồn từ hai tiếng chu tối. Trong tiếng Việt, hai tiếng này dần dần được phát âm thành chu tôi. Tối được phát âm thành tôi y hệt như tín (tức) thành tin (tức), (cân) đái thành (cân) đai, tứ (= bốn) thành , vv.. Nhưng phần đông người bình dân Việt nam thời xưa chỉ biết nội dung và hình thức của lễ thí nhi mà lại chẳng biết hia tiếng chu tôi có nghĩa là gì. Dần dần họ phát âm trại đi thành tôi tôi, Ở đây đã diễn ra một sự  đồng hóa ngữ âm (chu bị tôi đồng hóa) để làm thành một từ láy giả tạo. Nhưng có những người không rõ nguồn gốc của hai tiếng tôi tôi mà lại muốn giả thích nó theo ý của mình. Họ đã dị hóa tiếng tôi thứ nhất bằng hữu thanh hóa phụ âm đầu (t) của nó thành (đ) mà nói đôi tôi nhưng cũng chẳng hề - vì không thể - nói rõ được đôi có nghĩa là gì. Đây chẳng qua chỉ là một sự tái giả tạo một hình thức giả tạo mà thôi.
Đến như thôi nôi, thì đây là một kiểu  refonte (sự soạn lại) hoàn toàn, nhằm giải thích tôi tôi đôi tôi về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa. Với hình thức soạn lại này, người ta có ý muốn nói rằng tôi tôi đôi tôi chẳng qua cũng chỉ là những lối nói trại âm của thôi nôi và rằng đôi tôi = tôi tôi chẳng qua cũng chỉ là lễ đưa trẻ thôi năm nôi. Người ta đã quên rằng lễ thôi nôi ngày xưa dù có được gọi bằng cái tên mới này, thực chất vẫn cứ luôn luôn là lễ thí nhi, rằng lễ này vẫn cứ phải được tiến hành đúng vào dịp chu tối, rằng phương tiện trắc nghiệm  vẫn cứ là những vật dụng bày biên trên cái tối bàn, nghĩa là cái mâm đầy năm.
Từ những điều trên đây, có thể suy ra rằng thôi nôi chỉ là một hình thức sinh sau đẻ muộn so với đôi tôi, tôi tôi, chu tôi, chu tối mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 1-4-1993

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Theo mục Chuyện Đông chuyện tây trên Kiến thức ngày nay, số 101 thì “hoàng tức” là con dâu của vua. Xin cho biết thêm “vương phi” là gì?


ĐỘC GIẢ: Theo mục Chuyện Đông chuyện tây trên Kiến thức ngày nay, số 101 thì “hoàng tức” là con dâu của vua. Xin cho biết thêm “vương phi” là gì?

AN CHI: Vương phi là vợ của thái tử. Thí dụ như trong hoàng gia nước Anh thì Diana là vương phi của thái tử Charles và là hoàng tức của nữ hoàng Elisabeth. Còn trong hoàng gia nước Nhật, Masako Owada là vương phi của thái tử Michiko. Phi, theo nghĩa gốc, là thiếp (vợ lẽ) của vua. Nó còn có một nghĩa rộng là thê (vợ chính) của thái tử, của người có tước vương hoặc tước hầu.

Kiến thức ngày nay, số 104, ngày 15-3-1993

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Thỉnh thoảng tôi được thấy trong tranh vẽ của Trung Quốc hình một ông già có chùm râu bạc phơ dài đến rún, lại có một cái trán sói vĩ đại nổi lên trên đầu như hình dáng một quả trứng to quá khổ. Thí dụ, trên bìa 1 của Mỹ thuật thời nay số 28 (Xuân Quý Dậu) có in một bức tranh như thế và chú thích ở trang 3 là tranh “Thần Phúc Lộc”. Có phải đó tức là Thái Thượng Lão Quân không? Và cái trán quả trứng to quá khổ của ông ấy có ý nghĩa gì?


ĐỘC GIẢ: Thỉnh thoảng tôi được thấy trong tranh vẽ của Trung Quốc hình một ông già có chùm râu bạc phơ dài đến rún, lại có một cái trán sói vĩ đại nổi lên trên đầu như hình dáng một quả trứng to quá khổ. Thí dụ, trên bìa 1 của Mỹ thuật thời nay số 28 (Xuân Quý Dậu) có in một bức tranh như thế và chú thích ở trang 3 là tranh “Thần Phúc Lộc”. Có phải đó tức là Thái Thượng Lão Quân không? Và cái trán quả trứng to quá khổ của ông ấy có ý nghĩa gì?

AN CHI: Thái Thượng Lão Quân là tôn hiệu dành cho Lão Tử, người được phái Đạo giáo xem là tông sư. Còn ông mà bạn thấy trong tranh Trung Hoa và trên bìa 1 của tạp chí Mỹ thuật thời nay số 28 không phải là Lão Tử mà cũng không phải là “Thần Phúc Lộc”. Đó là Nam Cực Lão Nhân như đã được khẳng định bằng chính mấy chữ Hán trong tranh in nơi bìa 1 của tờ tạp chí đó: Nam Cực Lão Nhân ứng thọ đồ, nghĩa là “tranh Ông Già Nam Cực đi ban thọ”. Ông ta chính là Ông Thọ. Và Ông Thọ chính là hóa thân của Nam Cực Lão Nhân tinh.
Nam Cực Lão Nhân tinh, tức sao Ông Già Nam Cực, hiện nay chỉ gọi tắt là Lão Nhân tinh, tức sao Ông Già. Sao Ông Già là sao Canopus trong chòm sao Argo, sáng hàng thứ hai sau sao Thiên Lang, tức sao Sirius, trên bầu trời Nam bán cầu. Tuy sáng thua sao Thiên Lang nhưng vì sao Ông Già là ngôi sao sáng nhất ở phía cực Nam của bầu trời nhìn từ mặt đất (Thiên Lang: 16o36’N, còn sao Ông Già 52o40’N) nên người Trung Hoa ngày xưa đã gọi nó là Nam Cực tinh, tức sao Nam Cực. Ở địa bàn nguyên thủy của người Trung Hoa thời cổ đại là lưu vực sông Hoàng Hà (thuộc Bắc bán cầu) thì rất khó mà nhìn thấy được nó. Phải sống rất lâu mới được nhìn thấy nó nhiều lần trong đời. Vì vậy nên người Trung Hoa mới lấy sao Nam Cực làm tượng trưng cho tuổi thọ mà gọi nó là Thọ tinh tức sao Thọ. Tượng trưng hóa như thế xem ra vẫn chưa thỏa lòng, người ta lại tiếp tục nhân cách hóa nó thành Nam Cực Lão Nhân (tinh) = (sao) Ông Già Nam Cực. Sau đó, còn bỏ cả hai tiếng Nam cực vốn là tên nguyên thủy mà chỉ giữ lại có hai tiếng Lão Nhân (tinh) = (sao) Ông Già. Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) đã giảng hai tiếng Thọ tinh (shòu xing) như sau: “Chỉ sao Ông Già. Từ xưa đến nay dùng làm tượng trưng cho sự trường thọ, gọi là Thọ tinh. Nhân gian thường vẽ thành hình dáng một ông già, đầu dài mà nổi u lên. Cũng gọi là Ông Già sao Thọ”. Nơi tranh bìa đã nói, đi trước Nam Cực Lão Nhân, tức Ông Thọ, là ba chú tiên đồng khiêng một trái đào thọ to bằng thân hình của ba chú gộp lại và ở hậu cảnh, cũng tượng trưng cho tuổi thọ, còn có hình của ba con hạc.
Cái đầu nổi u lên của ông ta có ý nghĩa Đạo giáo sâu sắc. Đạo này cho rằng hành động tính dục có ba mục đích là sự truyền giống, sự thỏa mãn tính dục và sự ngăn chặn quá trình suy lão. Mục đích cuối cùng này lại chỉ là “độc quyền” – vì là bí truyền – của một số đạo sư mà thôi. Những người này cho rằng tất cả mọi lần xuất tinh đều rút ngắn đời người. Vì vậy nên phải cho tinh dịch quay trở về mà bồi bổ cho não để đạt đến trường sinh. Cho nên, trong việc giao hợp, khi phóng tinh thì không được để cho tinh xuất ra ngoài mà phải rút nó từ ngọc hành trở vào để đưa nó lên đến tận não. Chính do diệu pháp này mà các vị siêu đẳng thọ mới có cái đầu nổi u lên như đã nói và đã thấy. Điển hình nhất chính là cái đầu của Ông Thọ. Xin chớ cho đây là chuyện tếu. Ghi nhận quan niệm trên đây, hai đồng tác giả, một người Pháp và một người Trung Quốc là Pierre Huard và Ming Wong đã viết về cái đầu của ông ta và về diệu pháp đó như sau: “Đích thị là vì ông ta có thể đưa lên đến tận óc của ông ta những chất tinh túy gây thụ thai của cơ thể mình và tích lũy chúng tại đó bằng những phép thực hành tính dục rất đặc biệt nên ông ta đã đạt được sức khỏe và trường thọ”. (Theo La médicine chinoise, Paris, 1959,p.19.)

Kiến thức ngày nay, số 104, ngày 15-3-1993


Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Xin cho biết lịch sử cây thánh giá của người theo đạo Thiên Chúa.


ĐỘC GIẢ: Xin cho biết lịch sử cây thánh giá của người theo đạo Thiên Chúa.

AN CHI: Thánh giá vốn là một thập tự giá (trở xuống xin gọi tắt là thập giá) nghĩa là một cái giá hình chữ thập ( ). Đó là biểu tượng của đức tin Ki Tô giáo vì chính Chúa Jesus đã chịu nhục hình trên một cây thập giá.
Tuy nhiên ngay từ trước Công nguyên, chữ thập đã là biểu tượng có tính chất tôn giáo của nhiều dân tộc khác nhau thời cổ đại rồi. Chữ thập đều, cũng gọi là chữ thập Hy Lạp, là biểu tượng của thần Anu nơi người Chaldée và người Babylon. Chữ thập có quai (croix ansée) rất thường thấy nơi người Ai Cập và được xem là tượng trưng cho sự bất tử. Chữ thập ngoặc đã có mặt ở Ấn Độ từ hàng ngàn năm trước Công nguyên. Chữ thập ngoặc có nhánh chĩa về bên phải, gọi là svastika, tượng trưng cho thần Ganesa và điềm lành còn chữ thập ngoặc có nhánh chĩa về bên trái, gọi là sauvastika, thì tượng trưng cho thần Kali và điềm dữ. Nơi nhiều dân tộc khác nhau, từ người Ba Tư đến người Phénicie, từ người Etrusque đến người La Mã, từ người xứ Gaule đến người xứ nay là nước Anh, ngay cả nơi các thổ dân Da đỏ của Mexico và Trung Mỹ, người ta đều thấy sự có mặt của chữ thập.
Riêng việc hành hình bằng cách trói hoặc đóng đinh tội nhân vào một cây thập giá thì nhiều nhà nghiên cứu đã cho là thuộc về “sáng kiến” của người Phénicie. Sau đó, nhiều dân tộc thời cổ đại cũng đã áp dụng kiểu hành hình này. Tiền thân của cây thập giá chỉ là một cái trụ đứng, nơi đó người ta trói tội nhân vào khi mà chung quanh không có một thân cây nào để tận dụng. Người ta cũng có thể dùng cái trụ đó đâm xuyên tội nhân từ hậu môn lên rồi cứ thế mà bêu cho đến khi tội nhân chết. Về sau, người ta đã gác thêm một thanh ngang vào cái trụ đứng và thế là cây thập giá với tính cách là một phương tiện hành hình đã chính thức ra đời. Đức Chúa Jesus đã chịu nhục hình trên một cây thập giá như thế.
Thoạt đầu chỉ là dấu hiệu của sự ô nhục, theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của Ki Tô giáo, cây thập giá đã trở thành biểu tượng của tình thương Thiên Chúa và đức hy sinh cho sự nghiệp cứu rỗi nhân loại. Trong tiếng Việt, nó được gọi là cây thánh giá.

Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 1-3-1993

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Xin cho biết sát na là gì?


ĐỘC GIẢ: Trong bài “ Đêm giao thừa 1993” của Trịnh Công Sơn (Kiến thức ngày nay, số 101, trang 22-23) có hai tiếng sát na (“cái sát na nhỏ bé của thời gian”). Xin cho biết sát na là gì?

AN CHI: Sát na là một khoảng thời gian cực ngắn. Đây là một danh từ mà người Trung Hoa đã phiên âm từ tiếng Sanskrit (cũng gọi là tiếng Bắc Phạn) kṣaṇa trong kinh Phật. Họ đã ghi kết quả phiên âm đó bằng hai chữ Hán mà người Việt Nam đọc theo âm Hán Việt thành sát na.

Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 1-3-1993