ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Lạc quan trên miền Thượng

LỜI MỞ ĐẦU

“Hỡi ai kính sợ Thiên Chúa ! Hãy đến mà nghe, tôi tường thuật lại, xem Người đã xử nhân hậu với tôi dường nào” (Tv 65, 16).

Lời Thánh Vịnh ấy được xướng lên như làn gió thì thào, ngân ấm trên đôi môi héo hắt của vị Giám Mục bệnh tật về hưu ở làng cùi quận Dilinh.

Đức Cha Cassaigne mỗi lần đọc lên câu ấy là người hớn hở, nở lên nụ cười xuân trẻ duyên dáng, ra như muốn chuyển thông cho người đối diện niềm vui thanh thản đang tràn ứ nơi lòng mình, rồi không cần gạn hỏi, với giọng điệu hài hước, người rỉ rả kể lại chuyện của đời mình …

Và suốt mười năm qua như thế, môi khi ánh nắng chiều buồn thiu sắp tắt trên chỏm núi làng cùi, tôi được dịp cười thoải mái, háo hức nghe người kể “truyện đời xưa” ấy. Trông thấy tôi có vẻ thích thú, người Cha già gầy yếu có mái tóc bạc phơ, hăng say kể truyện. Người nói mãi, nói không biết mệt về “những gì Thiên Chúa đã làm cho người”.

Bạn thân mến ! Với khả năng thô thiển, tôi cố ghi lại những gì đã nghe, những việc Thiên Chúa đã xử hậu với người “Thừa sai xứ Mọi” rồi đưa người từ làng cùi hẻo lánh lên tới ngôi Giám Mục…

Ước gì câu chuyện của người được nhóm lên nơi lòng bạn NIỀM VUI TRONG THỬ THÁCH và chút tia sáng TRUYỀN GIÁO, để rồi với cái nhìn lạc quan tràn đầy hy vọng, chúng ta cùng hướng mắt về cuộc phát triển nhóm thiểu số của vòm trời cao nguyên có tên là người Thượng, những đứa con cưng yêu mà người Cha quá cố trối lại, họ là những người đáng thương vì đã vô phúc bị kẹt lại trong trạng thái kém may mắn hơn ta nhiều trên con đường tiến bộ.

Rất mong thay

Lm. Giuse Phùng Thanh Quang

Giáo Xứ Di Linh

Cố Lm. Giuse Phùng Thanh Quang
Tác Giả "Lạc Quan Trên Miền Thượng"

 

TÒA GIÁM MỤC ĐALẠT

    9, Nguyễn Thái Học

 ĐALẠT – TUYÊN ĐỨC

      Đ.T. 2072 Đalạt

 

Đalạt, ngày 22. 02. 1973

Kính Cha Giuse Phùng Thanh Quang,

Đức Cha Gioan Sanh (Cassaigne), một ngày sau khi đồng đặt tay tấn phong tôi ở Sàigòn 2.12.1955 – đã giã từ Tòa Giám Mục, trở lại Dilinh (thay vì về Pháp, với sự ưng thuận của Thánh Bộ Truyền Giáo), vui sống với anh em bệnh nhân tại trại cùi, làng nhỏ do chính tay người tạo dựng mấy mươi năm về trước.

Tại làng nhỏ bé này, người vừa làm Cha Sở, Thầy giảng, giám đốc, y tá, chăm nom chu đáo cho tất cả bệnh nhân lương giáo, trẻ già, với sự cộng tác nhiệt thành của chị em Bác-ái Vinh-Sơn.

Suốt đời truyền giáo 49 năm, ngoại trừ 9 tháng học tiếng ở Cái-Mơn, 14 năm làm Giám Mục, đại diện Tông tòa ở Sàigòn, người làm chính xứ sáng lập họ Dilinh. Trao quyền cho giáo sĩ Việt Nam, người tình nguyện trở lại Dilinh, quyết tâm sống chết ở Dilinh, nghỉ an đời đời với con cái Dilinh.

Từ tháng 10.1963, với chức vụ chính xứ Dilinh, kế tiếp công việc Đức Cha Gioan, cha đã có nhiều dịp thăm viếng truyện trò giúp đỡ vị Cha già ; cha đã để tâm ghi chép những điều người vui vẻ thuật lại về thời ấu thơ, thanh niên người, những năm tu luyện ở trường Truyền Giáo Balê, những mẫu chuyện xảy ra trong thời kỳ Thế chiến I, lúc người đi quân dịch và những năm làm cha xứ Dilinh, khi người khởi công truyền giáo Thượng. 

Nguyện vọng của cha cho xuất bản tập nhỏ “Lạc quan trên muiền Thượng”, cốt để cao rao sự khôn ngoan khôn tả Thiên Chúa Quan Phòng, dùng tay thân phụ, bà dì, sư huynh mà hun đúc đức tin vào lòng con trẻ Gioan nghịch ngợm bướng bỉnh, sớm đổ vào lòng câu thanh niên chí cương quyết hy sinh phục vụ, hướng dẫn vị thừa sai trẻ trung trên con đường truyền giáo buồn tẻ, chông gai, luôn thúc giục tôi trung hâm mộ cứu rỗi anh em, nhứt là hạng nghèo khó bệnh tật, dốt nát, thiên hạ bỏ rơi ; hằng ngày vuốt ve an ủi tớ khiêm nhượng luôn quên mình, lo cho kẻ khác ; tôi nghe người vui vẻ khoe khoang : “Tôi là người hạnh phúc nhất trên đời… Tôi không thể nằm yên một bề lâu hơn 10 phút… Tràng hạt, sách nguyện, thánh lễ, ngồi ở lại đây, đau cực ở đây, chết chôn ở đây !”.

Tập lưu niệm này nói lên gương sáng của một con người, có xương thịt, có tâm tình, có khả năng, có dòng họ như chúng ta : có vui buồn, có ốm khoẻ, gặp thử thách, lâm nhọc mệt, được thành công, bị thất bại như chúng ta. Khi nghe tiếng Chúa gọi, người đã không theo huyết nhục, nhưng vội đáp ứng lời mời, mạnh dạn lên đường đi nơi xa lạ, đem Tin Mừng cho anh em lạc loài trong bóng tối (Gal 1, 15 – 16). Từ một nước tân tiến văn minh, đến một nơi thôn quê rừng rú, thiếu mọi tiện nghi, của ăn vật dụng không có; quen với những họ đạo sầm uất, nay bước tới một trung tâm mới với năm ba người lẻ tẻ, chung đụng với kẻ quê mùa, nghèo khổ, bệnh tật hôi hám! Cảm tưởng đầu tiên chắc không khỏi buồn chán ngã lòng! Nhưng vị thừa sai trẻ trung, xé vạch hình dáng bên ngoài, bước tận vào thâm tâm người dân, người nhận thấy họ có linh hồn giống hình ảnh Chúa, họ cũng được Chúa Giêsu đổ hết máu cứu chuộc, Cửa Trời chực mở đón rước họ, miễn có ai rao giảng cho họ biết tình thương Thiên Chúa, không phân biệt giàu sang, khó hèn, chủng tộc, màu da, để đón nhận đức tin, chịu phép Rửa Tội. Hãnh diện vì được Chúa chọn làm việc cao quý, người tra tay vào việc ngay. Rừng rú âm u, chướng khí nước độc, không sao ! Vi trùng sốt rét kiết lỵ tung hoành, mặc sức! Người cắn răng cầm cự, miễn sao ở giữa đoàn chiên đang chờ đợi thuốc thang phần xác, mong mỏi của nuôi linh hồn. Từ khi bắt gặp đám người xấu số trong rừng, bị xã hội đuổi ra bên lề, người tận tâm chăm lo cho họ, mong thoa dịu phần nào nổi đau khổ, mang lại một niềm hy vọng lớn lao, là tình thương mà họ rất ít hưởng, và chức Thiên Tử cao trọng vô giá.

Một hôm đến thăm, hỏi thử: “Cha đi nhiều nơi, chưa thấy ai vui vẻ như chúng con, tại sao vậy?” Họ thưa: “Chúng con đói, cha cho ăn; chúng con đau, cha làm thuốc; chúng con chết, lên Thiên Đàng. Còn gì sung sướng bằng!!!” Thật là một triết lý đơn giản cao siêu, nhiều người văn minh thông thái, chưa chắc đã được am tường như họ!

Năm 1965, trong khoá IV Công Đồng, nhiều Nghị Phụ trầm trồ ca tụng cử chỉ cao đẹp Đ.H.Y Léger Tổng Giám Mục Montréal, sắp xin từ chức, sang giúp người cùi ở Phi Châu. Tôi khiêm tốn đáp thưa: “Bên Việt Nam chúng tôi đã 10 năm nay, có một vị Giám Mục đang làm Cha Xứ và giám đốc, y tá một trại cùi ở Địa Phận Đàlạt chúng tôi”. Các Nghị Phụ bỡ ngỡ, vì một biến cố như vậy, mà không mấy ai hay biết! 

Tôi xin cha chịu khó sưu tầm hỏi han những kẻ thân quen Đức Cha già; ghi nhận thêm những câu chuyện hy hữu người thuật; những gương nhẫn nại người nêu, trong cơn bệnh dài dặc mấy năm gần đây. Sau này cha sẽ bổ túc tập  lưu niệm cho đầy đủ hơn.

Đây cũng là một cách chúng ta ghi ơn sâu xa của đấng sáng lập Giáo Hạt Dilinh-Lâm Đồng và ông tổ các vị thừa sai truyền giáo Thượng đầu tiên Đalạt. 

Tập này chắc chắn sẽ khuyến khích mọi người chúng ta mạnh dạn xúc tiến việc truyền giáo cho lương dân, nhất là đồng bào Thượng.

Thánh Phaolô sắp đi giảng đạo ở Tiểu Đông, ở thành Troade, Chúa cho thấy một người Macedo thưa người : “Xin ngài sang xứ Macedonia giúp chúng tôi”. Thánh nhân liền đi ngay (Cv 16, 9 – 10). Người Thượng nhờ ở tập trung, nhận thấy lòng bác ái hy sinh các vị Truyền Giáo, mở lòng xin học đạo. Đức Cha già xung phong. Mọi người hãy tiếp tay bằng lời cầu nguyện, bằng sự nâng đỡ, bằng sự bảo trợ, bằng sự thăm viếng, bằng cách hỏi han; và nếu tiếng Chúa thấu đến tai ai, xin hãy noi gương vị Thừa Sai Dilinh thưa lại: “Lạy Chúa, này con đây; đầy tớ Chúa sẵn sàng vâng nghe lời Chúa!” (1Sm 3, 9 –10).

Xin Chúa chúc lành cho cha, công việc truyền giáo mục vụ của cha.

Simon Hòa HIỀN

Giám Mục Địa Phận Đalạt

 

PHẦN I

BƯỚC ĐƯỜNG ĐỊNH MỆNH

CHƯƠNG I

ĐỨA TRẺ ĐƯỢC TIỀN ĐỊNH

“Tôi đang ngủ mà”

Màn đêm đã rủ bóng đen dày đặc. Hồi chuông cuối cùng từ ký túc xá vang lên bào hiệu giờ tắt đèn đi ngủ. Ba trăm học sinh nội trú trường dòng Sư Huynh, ngoan ngoãn như những thiên thần thấm mệt, vội vàng xếp sách vở vào hộc bàn rồi lục tục kéo lên phòng ngủ.

Sau một ngày học hành vất vả, các cậu học sinh sống xa gia đình không mong gì hơn là chờ nguyện chung một đoạn kinh ngắn ngủi xong, thinh lặng nhảy bổ lên giường, vùi mình vào lớp chăn bông, đánh một giấc ngon lành cho đến sáng, dù trời đất bên ngoài còn hay mất cũng chả cần biết. Tuổi trẻ học trò vô tư lự thật sung sướng vì tất cả đều đã có người lo.

Ngót gần nửa thế kỷ hiện diện trên vùng núi Pyrénées nằm cận ranh Pháp – Bồ Đào Nha, trường trung học Saint Sébastien do các Sư Huynh Thiện giáo điều khiển, đã nổi tiếng là rất kỷ luật, dạy giỏi, từng đào tạo nhiều bậc danh nhân nổi tiếng cả đạo lẫn đời cho khắp vùng này.

Nhưng mọi kỷ luật dù hoàn hảo đến đâu, nhiều khi cũng phải chịu thua cái tài nghịch ngợm của các cậu ranh con, mà ông bà ta từ xưa từng lên án: nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là: “các ông học trò” này. 

Hôm ấy, vừa xong kinh tối, đèn phòng ngủ được tắt bớt để lại một thứ ánh sáng lờ mờ huyền ảo, phớt nhẹ qua các cánh mùng trắng, xếp hàng dọc thứ tự như những dãy chung cư  nhỏ bé.

Bỗng từ trong góc tối vang lên những tiếng lốp cốp… lạch cạch… Phòng ngủ đang trang nghiêm yên tĩnh nhưng không biết thằng nhóc con nào thảy ra vô số hòn bi, cái thì nhảy tưng tưng, cái thì lăn tung tóe khắp sàn nhà. Các cậu học trò tinh nghịch bị kích thích vì tiếng bi rơi, vội vàng tuột ra khỏi giường, bò lăn bò lóc dưới đất dành nhau lượm bi như tranh lộc từ trời rơi xuống, tạo ra vụ huyên náo khác thường pha lẫn những tiếng cười khúc khích, khiến cho thầy Giám thị được báo động tức khắc.

Frère Célestin, Sư Huynh Giám thị khoẻ mạnh và rất trẻ, nổi tiếng là vị coi trẻ hăng hái và rất tha thiết với kỷ luật, nghe có động thì tức khắc thầy bỏ bàn viết đứng lên, vội vã vớ lấy áo dòng mặc vào đi quan sát nhà ngủ. Bỗng từ túi áo dòng thầy đổ tung ra, không biết bao nhiêu là hòn bi. Các bi này do một bàn tay ranh mãnh nào đó đã bí mật nhét vào hồi nào thầy không hay, và trong lúc vội vã mặc áo dòng, những hòn bi ấy từ trong áo thầy rớt xuống tiếng rơi lóc… cóc tạo thêm những tiếng cười to vang khắp nhà ngủ.

Thầy Giám thị giận dữ, hùng hục đi lục soát, nhưng trớ trêu thay! Thầy đi đến đâu thì bi lăn đến đấy, thầy càng đi vội vàng, giầy thầy càng trượt trên bi khiến lắm lúc thầy suýt ngã ập vào giường học trò. Những tiếng cười sằng sặc trong chăn mỗi lúc một loang dần ra khắp nhà ngủ nhanh như bệnh dịch. Nhưng mỗi khi thầy đến gần một chiếc giường nào thì nơi đó im lặng không có lấy một động tĩnh cỏn con để thầy lấy cớ mà tra gạn cho ra manh mối.

Sau khi dằn cơn giận, thầy giám thị nghĩ ra được một phương kế. Thầy đứng yên lặng một chỗ thật lâu không nhúc nhích để cho vụ náo nhiệt tắt ngúm dần. Trong lúc đó, thầy duyệt lại trong trí nhớ tất cả danh tánh của từng tên học trò nổi tiếng ranh mãnh và hay nghịch vặt, rồi thầy thinh lặng đến trước giường của các cậu ấy dò động tĩnh. 

Đối diện trước giường của cậu bé có tên Gioan Cassaigne, thầy giám thị không nhận thấy một sự gì khác lạ ngoài giọng ngáy ngủ đều đặn như một người đã say giấc giữa đêm khuya, mặc dù lúc đó chỉ mới chín giờ rưỡi tối, nghĩa là học trò mới lên giường được mười lăm phút. Là một tay lão luyện trong nghề giám thị, thầy Célestin im lặng đứng quan sát sự việc như chú mèo rình mồi. Giọng ngáy ngủ vẫn đều đặn như có vẻ thiếu tự nhiên, thầy liền hiểu ngay. Sau khi đứng yên một lúc khá lâu để dò xét. Thình lình thầy vụt hỏi lớn: “Gioan ! Mi đang làm cái trò gì vậy?” Người đang ngáy ngủ bỗng giật mình nói lên tỉnh bơ : “Tôi đang ngủ, thầy không thấy sao ?” Thầy giám thị đắc thắng dằn từng tiếng : “Phúc cho trò, nếu trò được cái nết ngủ sớm và dễ dàng, để đừng gây rối cho người khác… Để rồi xem !” Nói xong thầy giám thị đi thẳng xuống phòng giám đốc.

Mười lăm phút sau, cậu Gioan bị kéo dậy, ăn mặc chỉnh tề và đi trình diện Sư Huynh Giám Đốc.

Cửa phòng này uy nghi làm sao ấy ! Cậu học sinh nào “được” Giám Đốc gọi, khi bước vào đều cảm thấy áy náy lo âu. Trong căn phòng yên lặng, ánh đèn trắng dịu tỏa xuống sát chiếc bàn viết rộng hắt lên gương mặt điềm đạm của Sư huynh Giám Đốc, người đã cao tuổi, đượm vẻ hiền hòa như một bà ngoại đầy khoan dung.

Thầy Bề Trên ra dấu cho cậu bé ngồi lên chiếc ghế bành đối diện trước mặt mình, không nói gì cả, chỉ nhìn rất lâu vào gương mặt nghếch ngác của cậu bé như để đọc suốt vào tâm can nó, rồi chậm rãi nhỏ nhẹ, người hỏi : “Gioan, tại sao con làm như vậy ?”

Cậu bé thật thà, không chối cãi gì cả cũng không đổ lỗi cho ai, chỉ cúi gầm đầu xuống nói: “Con làm cho vui vậy thôi chứ không có ác ý gì hết, con không hề cố ý chống đối thầy giám thị con đâu”.

Sư Huynh Bề Trên dịu dàng nói: “Gioan, con phải giữ kỷ luật chứ. Nếu cha con hay chuyện này chắc là cha con buồn lắm”. Sau khi êm ái nhủ bảo, Sư Huynh Bề Trên đích thân đưa cậu bé trở về tận giường, với nụ cười hóm hỉnh, người vỗ vai cậu bé và nói: “Chúc con ngủ ngon ! Phen này mặc sức cho con ngáy tới sáng”…

Thằng ranh con này là ai ?

Trở về phòng, Sư Huynh Giám Đốc ngồi trầm ngâm một mình trước tập hồ sơ về thằng bé vừa ở phòng mình ra.

Tên nó là Cassaigne Marie Pierre Jean, mười ba tuổi, sinh ngày 30.01.1895, mẹ nó vừa mất năm ngoái cũng vào tháng này.

Nó là đứa con duy nhất của gia đình Joseph Cassaigne, rất đạo đức, chủ nhà buôn rượu nổi tiếng ở Grenade sur Adour, quận Landes thuộc địa phận Dax bên Pháp.

Khi gởi nó vào đây, cha nó cũng đã kê khai tất cả mọi thành tích tinh nghịch của nó lúc ở quê nhà.

Nó là một thằng bé có tài làm trò chọc cười cả làng xóm. Một hôm nọ, cả đồn kiểm lâm lân cận bị báo động vì có tiếng súng sáu nổ. Sau khi bao vây ruồng kiếm, họ gặp cậu Gioan đang rình bắn, không phải bắn thú rừng, mà bắn cá nhỏ dưới suối bằng cây súng sáu cũ mèm cậu đã lén lấy của ông nội. Tuy bị bao vây thằng bé vẫn tỉnh bơ, lại còn yêu cầu toán tuần thám kiểm lâm hãy chậm rãi đợi nó trình diễn mọi nghi thức đầu hàng theo kiểu Mọi da đỏ trong phim chiếu bóng. Ông kiểm lâm ôm bụng cười để cho nó làm nghi lễ đầu hàng rồi cõng nó về nhà trả cho bố nó.

Một hôm khác, bà hàng xóm đi chợ về ngang bờ sông bỗng la inh ỏi : “Bớ làng xóm, có thằng bé trôi sông”. Mọi người hốt hoảng chạy đến xem, thì ra là cậu Cassaigne đang biểu diễn tài giả chết dưới sông cho chúng bạn xem chơi.

Cậu bé con cưng nghịch ngợm này không sợ ai cả, chỉ ngán một mình bà nội. Dù nghịch tới đâu nữa, khi về gần bà nội là cậu ngoan ngoãn như con cừu non, dễ thương và xung phong làm tất cả mọi công tác mà bà muốn. 

Xếp hồ sơ cậu bé lại, Sư Huynh Bề Trên bóp trán suy nghĩ : Từ khi vào trường tới nay, cậu Gioan Cassaigne vẫn tính nào tật nấy, không ưa kỷ luật bao nhiêu, ham chơi hạng nhất, đứng đầu các môn thể thao, và bất cứ vụ lộn xộn nào đều có Gioan Cassaigne cầm đầu. Các Frères chán cậu bé này lắm, nhưng Sư Huynh Bề Trên vẫn rộng lượng thương xót, chịu đựng nó, lý do là vì nó sớm mồ côi mẹ. 

Mầm giống Thừa Sai đang chớm nở.

Tuy nhiên cậu bé Gioan, đứa trẻ được tiền định, không phải chỉ là một thằng nhóc tầm thường chỉ biết nghịch ngợm, mà nơi cậu còn biểu lộ những dấu hiệu khác người, khiến Cha Tuyên Uý nhà trường chú ý và tìm hiểu cậu. Ngài là một linh mục dòng Đaminh, nhiều tuổi, hiền lành, thánh thiện. Chính ngài đã âm thầm đào luyện chí tông đồ truyền giáo cho cậu bé theo tinh thần của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII thời đó.

Quyển sách mà cậu Gioan Cassaigne hay mượn ngài để đọc là quyển : “Những cuộc hành trình truyền giáo” của Giáo sĩ Đắc-lộ. Những mẫu chuyện Á đông này đã làm cậu bé say mê, nhất là hạnh tích các Vị Tử Đạo tiên khởi Việt Nam. Bởi thế Cha Tuyên Uý không đối xử với Gioan như một học sinh nội trú thường, mà như một đứa con tuyển chọn. Theo sự chỉ dẫn của ngài, Gioan Cassaigne sáng nào cũng giúp lễ và rước lễ rất tử tế, y hệt một tập sinh nhà dòng.

Tuy nhiên những thiện ý trên đây không làm giảm bớt cái tính nghịch ngợm cố hữu. Nhưng chỉ có điều là cái nghịch ngợm của cậu thuộc loại vô thưởng vô phạt, không làm thiệt hại ai bao giờ.

Việc phải đến đã đến.

Vài năm sau đến kỳ mãn trường, trước khi cho lãnh con về, Sư Huynh Giám Đốc mời cha cậu Gioan vào phòng (ông cũng là cựu học sinh trường này). Không biết cả hai bàn tính riêng với nhau chuyện gì, mà có cả thầy giám thị ở đó nữa.

Rồi khi đưa cả bố con ra cổng, thầy giám thị căn dặn cha cậu Gioan : “Ông ráng mà kiềm chế cậu ta, chứ cứ như thế này thì rồi đây nó chẳng làm nên được trò trống gì”. (Il ne fera rien de bon).

Ông bố dẫn con ra về, mặt rầu rầu, thằng con hỏi gì ông cũng không thèm đáp. Một lát sau cơn giận đã nguôi, ông mới nhỏ nhẹ rằng : “Các thầy không đuổi con, nhưng không muốn nhận con nữa !”

Về sau khi đã làm Giám Mục rồi, trong kỳ bệ kiến Đức Giáo Hoàng Pio XII tại Rôma năm 1947, Đức Cha Cassaigne gặp lại các thầy dạy cũ cũng đang có mặt ở đó. Trong lúc thầy trò thân mật, ngài cắc cớ gợi lại những mẩu chuyện xưa, lúc còn đi học ở Saint Bernard, và không quên nhắc lại lời tiên tri “Il ne fera rien de bon” mà thầy giám thị đã tiên đoán về ngài. Thầy cũ của ngài đạo mạo trả lời: “Thầy lú lẫn rồi, không còn nhớ gì nữa trò ạ !” 

Trở về quê nghèo, Gioan sống với cha trông coi cửa hàng. Cha xứ luôn luôn để ý cậu Cassaigne, vì sáng nào cậu cũng giúp lễ và thường xuyên rước lễ. Nhưng ngài không nghĩ rằng cậu ta sẽ đi tu vì là con một trong gia đình. Xưa kia mỗi lần cậu ngỏ ý muốn đi tu, thì các frères đều cười và nói: “Đầu của trò cứng như đầu lừa thì làm sao đi tu được”. Phần cha cậu thì hiểu rõ con mình hơn, nhưng lòng ông không bao giờ muốn con ông đi xa, ông chỉ muốn con mình đi tu ở một nhà dòng nào gần nhà để rồi cha con còn gần gũi nhau, vì ông chỉ có một mình cậu là nguồn an ủi cho đời cô đơn của ông. 

Nhưng cậu Cassaigne nhất quyết phải đi thật xa, đi đến với những người ở tận chân trời càng xa càng hay. Và cậu đã xin vào Chủng viện Truyền giáo của Hội Thừa sai Balê năm 1913.

Chủng sinh, quân dịch, tử thủ vùng hỏa tuyến.

Nhưng nào có được yên đâu, vào thượng tuần tháng 7 năm 1914, trận đại chiến Pháp – Đức bùng nổ, lệnh tổng động viên được ban hành, chủng viện phải tạm đóng cửa. Cậu Gioan với tuổi 19, lòng yêu nước tràn ngập, bèn xin đầu quân và được bổ sung ngay vào Đệ Lục Lữ Đoàn Long Kỵ Binh, rồi được đưa ra mặt trận Noyon, cách Paris 80 cây số về hướng bắc. Trận tuyến này khá căng thẳng, phải chiến đấu dưới địa đạo và luôn luôn bị pháo kích nặng. Đơn vị của cậu trấn giữ ở đó cho đến ngày đình chiến. Các bạn đồng khoá chỉ còn lại hai người sống sót, là anh liên lạc viên xe đạp tên là Belletier và Gioan Cassaigne mà thôi.

Cuộc sống ở đây thiệt là cam go khổ sở, có lần dưới cơn mưa tầm tả, đường hầm của đơn vị cậu bị ngập nước suốt ba ngày đêm, Gioan bị ngã bệnh phổi nặng, lập tức được đưa về trạm thương binh ở hậu cứ. Gioan nằm tại đây suốt hai tháng trời mới khỏi, và liền sau đó được đưa trở lại mặt trận ngay.

Theo thông lệ, chiến sĩ đóng ở tiền tuyến, cứ mỗi 4 tháng được 6 ngày phép về thăm gia đình, cậu Gioan vẫn đi giúp lễ cho cha xứ hàng ngày như lúc xưa. Nhân đó cha sở mới hỏi riêng cậu :

“Sao ? Con vẫn còn cương quyết đi truyền giáo ngoại quốc chứ !”

Gioan vẫn một mực trả lời : “Vẫn không thay đổi, thưa cha”.

Cuộc sống kham khổ ở trận tuyến kề sát với tử thần đã làm cho Gioan càng thấm nhuần lòng vị tha và dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo tiếng Chúa gọi.

Dứt khoát với đời.

Ngày 14 tháng 7 năm 1918, chiến tranh Pháp Đức kết thúc. Gioan Cassaigne vui vẻ trở về làng với chiếc huy chương Anh Dũng Bội Tinh gắn ở ngực, và đến ngày 11.9, cậu được giải ngũ với lon trung sĩ trừ bị.

Thấy con được yên lành trở về với đời sống dân sự, cha cậu vừa mừng vừa lo nghĩ đến tương lai của con. Ông nhờ bà dì khéo léo thăm dò ý kiến cậu Gioan về vấn đề lập gia đình.

Để thi hành kế hoạch, bà dì cho mời cậu Gioan đến nhà riêng. Với điệu bộ niềm nở khác thường, bà vào đề ngay: “Gioan của dì lớn rồi, coi bảnh ghê! Sao ? Chừng nào cháu muốn lo ? Cháu biết cô Dartos chứ ?” Gioan đỏ rần cả mặt : “Dạ biết”.

“Cô ấy ngoan đạo và đứng đắn. Dì nghe mẹ cô ta cứ nhắc cháu hoài, bà ta coi bộ mến cháu lắm…” Và sau một hồi cổ võ cho nữ chuẩn ứng cử viên của mình, bà dì ngó chăm chăm vào mặt cậu cháu quý thăm dò phản ứng. Cậu Gioan đứng ngẩn tò te trông dáng điệu hết sức lúng túng.

Bà dì với nụ cười hóm hỉnh tấn công tới tấp : “Cháu nghĩ sao ? Nhà người ta bằng lòng cho cháu đấy, nếu cháu muốn…” 

Cậu Gioan phản ứng ngay : “Cháu quyết định đi tu rồi mà…”

Bà dì : “À há…!” một cách hết sức ngạc nhiên. Và câu chuyện kết thúc ở đó.

Mười lăm ngày sau khi được giải ngũ, khoảng thời gian ngắn ngủi vừa đủ để sắm sửa, Gioan Cassaigne dứt khoát với đời, trở lại chủng viện truyền giáo Hội Thừa Sai Balê.

Về sau có một cuộc trùng phùng kỳ lạ, khi đang còn giữ chức phó tế, thầy Sáu Cassaigne được Tòa Giám Mục đặc cách ban quyền làm phép Rửa Tội lần đầu tiên, mà đó lại chính là đứa con đầu lòng của bà Dartos khi ấy đã kết bạn với một thanh niên đức hạnh trong làng này.

CHƯƠNG II

LINH MỤC THỪA SAI CỦA HỘI TRUYỀN GIÁO BALÊ

Bước lên bàn thánh.

Thời gian trôi qua rất mau. Ngày mong đợi thiết tha của thầy Cassaigne đã đến.

Ngày 19 tháng 12 năm 1925, nhằm ngày Chúa Nhật thứ Bốn mùa áp lễ Sinh Nhật, thầy Gioan Baotixita Casaigne được thụ phong linh mục cùng với tám anh em tân thừa sai đồng lớp.

Suốt hai tháng sau khi chịu chức, các tân linh mục vẫn ở lại chủng viện và tiếp tục học cho đến ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào Đền Thánh. Khoảng thời gian ấy xem ra dài dẳng làm sao … Mới chịu chức linh mục tâm hồn còn đang say mến nồng nhiệt, lý tưởng hy sinh sung mãn tràn đầy, các tân linh mục ngày đêm háo hức muốn biết mình sẽ đi truyền giáo vùng nào trên quả địa cầu này. Các cha mới luôn luôn sẵn sàng nhận bất cứ địa điểm nào, và không chút so đo lựa chọn. Cả ngày họ vui vẻ và bình thản đón chờ mệnh lệnh của Bề Trên mà các ngài xem là Thánh Ý tối cao của Thiên Chúa. Cho nên được kêu đi đâu cũng được. Chỗ đi tốt nhất cho các tân linh mục ấy là chỗ mà vị Bề Trên Cả thay mặt Chúa chỉ định cho trong buổi chiều lãnh bài sai. Tuy nhiên nơi tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống lại ham thích hoạt động, thì những thí điểm truyền giáo nào nguy hiểm nhất, nhiều thử thách nhất lại là những chỗ được các tân linh mục ấy háo hức mong đợi hơn.

Lệnh lên đường.

Chiều thứ Hai ngày 10 tháng 02 năm 1926, sau buổi hát Kinh Chiều và chầu Thánh Thể xong, hồi chuông báo hiệu tập họp, mọi người kéo về phòng thuyết trình. Chủng viện Rue du Bac buổi chiều hôm ấy đượm một vẻ trịnh trọng khác thường.

Cha Delmas, Bề Trên Cả hội Thừa Sai bước lên trình bày những nhu cầu thừa sai cấp bách ở trên ba mươi địa phận truyền giáo mà hội dòng đang phụ trách tại Viễn Đông, và để kết thúc ngài nói :

“Hỡi các tân linh mục thừa sai thân mến, bấy lâu các bạn chỉ có một điều khát vọng, bấy lâu các bạn chỉ có một niềm háo hức, đó là được thực hiện Thánh Ý Chúa nơi các bạn. Các bạn cũng như tôi, chúng ta đã thường xuyên đọc lên lời kinh của chính Đức Kitô, mẫu gương chí thánh của cuộc đời linh mục chúng ta “Fiat Voluntas Tua” xin cho Thánh Ý Chúa được thể hiện.

Thánh Ý Chúa mà các bạn đang mong chờ, giờ đây các bạn sẽ được biết. Vì Chúa Giêsu muốn thông chia với các bạn một gia sản lớn lao, một vương quyền hiển hách của Ngài. Các bạn hãy hân hoan lãnh nhận với lòng tràn ngập tin tưởng, với tấc dạ tri ân. Sau đó các bạn hãy mạnh dạn ra đi đừng chùn bước. Ra đi đến tận nơi mà Thiên Chúa đã sắp xếp cho các bạn…”

Rồi Cha Bề Trên trịnh trọng lật bản danh sách ra. Mọi người hồi hộp theo dõi từng cử động của Ngài. Cha Bề Trên dõng dạc tuyên bố:

-         Đi Pondichéri, Ấn Độ : Guillaume Bassateguy; Paul Luare Bonis.

-         Đi địa phận Anlung (Lanlong) Trung Hoa lục địa : Ancel Signoret.

-         Đi địa phận Vientiane, Lào : Claude Bayet.

-         Đi địa phận Tokyo, Nhật Bản : Jean Fracois Larrieu.

-         Đi địa phận Vinh, Việt Nam : L. Clavreul.

-         Đi địa phận Hà Nội, Việt Nam : Alphonse Vacher.

-         Đi địa phận Sàigòn, Việt Nam : Jean Baptiste Cassaigne ; Benjamin Louison.

Thính đường chủng viện Rue du Bac hôm ấy chật ních người từ trên xuống dưới. Các thầy đại chủng sinh, những thừa sai tương lai, dán mắt thèm thuồng theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt của các đàn anh tân linh mục sắp ra đi đang được xếp ở những ghế danh dự hàng đầu trước mặt Cha Bề Trên Cả, vị diễn giả hôm ấy.

Quang cảnh lên đường của các Linh mục Thừa sai

Gió chiều hiu hắt lọt qua cửa sổ. Bên ngoài trời bắt đầu sẫm lại, lúc đó là 7g30 gần giờ cơm tối.

Cũng vào lúc đó, nơi phòng khách chủng viện, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng yếu ớt của một bà, đứng ngồi không yên, đang tìm cách săn tin sốt dẽo qua thầy giữ cửa nhà khách.

-         Thầy có nghe nói cha Casaigne của tôi “bị” kêu đi xứ nào không ?

-         Thưa bà, đi địa phận Saigon bên Việt Nam ạ …

Bà kia chỉ kịp nghe có bấy nhiêu, rồi cám ơn, lật đật lui ra, khăn tay lướt vội qua hai mí mắt … Bên ngoài còi xe taxi nóng nảy giục lên inh ỏi hối thúc bà hành khách chậm trễ, vì trời đã tối.

Để bớt ngượng với hành khách trên xe đã mất giờ chờ đợi mình, bà kia vội lẩm bẩm thanh minh :

-         Ối … có con cháu đi tu khổ quá … đi làm chi qua cái xứ truyền giáo xa tít mù biết đời nào mà trở về được …

Ông tài xế ra oai nạt ngay :

-         Bà là cái gì của ông Abbé đó mà khóc ?

-         Tôi là dì ruột của cha Gioan, mẹ nó chết rồi. Nó quyến luyến tôi như mẹ ruột nó … mà bây giờ thì … hic…hic nó dứt đoạn ra đi … Rồi miệng bà mếu trệch qua một bên nước mắt tuôn như mưa.

-         Ông tài xế : “Thôi mà … thì … thì, cho con cháu mình đi tu là dâng cho Chúa … có cái gì mà phải khóc…”

Hai tháng cuối cùng sống với gia đình.

Lãnh bài sai xong, các tân linh mục được hai tháng từ giã bà con và chuẩn bị hành trang lên đường. 60 ngày cuối cùng trôi qua rất chóng. Vừa nếm được cái vui thích chung hợp với con trong những thánh lễ mở tay ở quê nhà, ông Joseph Cassaigne, người cha cô đơn, giờ đây lại phải đưa con trở về chủng viện Rue du Bac, và đây là lần “đi tựu trường” cuối cùng của Jean Baptiste  Cassaigne.

Thứ Tư mùng 6 tháng 4 năm 1926, chủng viện Rue du Bac nhộn nhịp khác thường. Suốt ngày hôm ấy phòng khách chật ních người ra vào, chuyện vãn rộn ràng làm huyên náo khung cảnh trang nghiêm cổ kính của nhà Chúa. Cái lạ là hôm nay không ai bảo ai, hai tiếng “vĩnh biệt” tuyệt đối không hề được thốt ra. Dường như đó là từ ngữ tối kỵ cho những giây phút sắp chia tay này.

Trưa hôm ấy, lúc cuối bữa tiệc tiễn chân, cha Gioan Casaigne dẫn đầu đoàn chín anh em tân thừa sai đi từng bàn cụng ly giã từ Cha Bề Trên, quý cha và từng bạn chủng sinh. Đặc biệt lần này các thầy tiễn chân cha Casaigne, anh hề có tài làm trò hài hước của chủng viện, bằng một ban nhạc khua muỗng nĩa, ly tách và đồng ngâm bản “Marche Lorraine” điệu nhạc xuất quân, cốt ý mừng ông Đội giải ngũ, cựu chiến binh sống sót ở mặt trận Noyon. Cha Cassaigne hứng lên, nện gót … một … hai, một … hai… bước đi oai hùng giữa nhà cơm như một chú lính tập ngây ngô đang bước qua khán đài trong buổi lễ diễn hành. Vui nhộn hết sức, quên cả giờ ly biệt sắp đến nơi rồi.

Giờ ra đi.

Ánh nắng chiều uể oải kéo lê thê, mang theo nhúm thời gian héo hắt của ngày hôm ấy … Thấm thoát đã ba giờ chiều.

Bỗng từ nơi thâm sâu tận cuối góc vườn hoa, tiéng chuông đồng to cổ kính chậm rãi gióng lên từng nốt một “Bu…u…ung ! Bu…u…ung ! Bu…u…ung!…”.

Phòng khách đang huyên náo bỗng im bặt đi. Tiếng chuông đồng ngân dài thảm não khiến tâm hồn mọi người đều lâm ly man mác, như bay bỗng vào cõi u minh huyền bí, hay đang phiêu bạt vào một ngôi chùa cổ kính nào đó ở miền Á Châu (chuông đồng to này được đưa từ một ngôi chùa cổ sụp nát ở tận Trung Hoa Lục Địa về Đại Chủng Viện Rue du Bac hồi cuối thế kỷ thứ 18).

Theo truyền thống ở Đại Chủng Viện hội Thừa Sai Balê, thì cuộc tiễn chân các tân thừa sai đi  giảng đạo ở hải ngoại được tổ chức trọng thể với những nghi thức phụng vụ cảm động có mọi người thân thuộc tham dự.

Những nghi thức này thường in sâu vào tâm hồn các cha thừa sai thuộc hội Truyền Giáo Balê và nhiều khi nó đã trở nên nguồn trợ lực đầy an ủi cho các ngài trong những giờ đen tối ở những vùng trời lạ của xứ truyền giáo, cách biệt quê hương.

Đức Cha Cassaigne, trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh, vẫn còn nhớ được rõ ràng từng chi tiết buổi lễ tiễn biệt hôm ấy, tuy đã trôi qua gần nửa thế kỷ về trước.

Vị giám mục già lão, nằm bệnh giữa làng cùi trên miền cao nguyên Việt Nam đã thổn thức vì sung sướng khi nhắc lại lễ nghi tiễn biệt này. Ngài nói :

-         Ôi ! Ôi, tôi sung sướng biết bao, khi nghĩ rằng Thiên Chúa tử tế với tôi quá chừng… Buổi chiều hôm ấy, cha tôi, họ hàng nhà tôi, và cả tôi nữa đã nát ruột nát gan nhìn nhau lần cuối … Chúng tôi đã dâng hiến tất cả sự não nề ấy lên bàn thờ, khi mà đôi chân tôi thờ thẫn lê bước đi lên cung thành ở chủng viện Rue du Bac lần cuối cùng … Ơn Chúa đã gìn giữ tôi trung thành đến giờ phút này thì giờ đây : “Nunc dimittis servum tuum Domine” “Xin Chúa hãy để cho đầy tớ Chúa ra đi bình an”.

Để chận bớt sự xúc động của người cha già, linh mục đối thoại với ngài hôm ấy đã chọc cười người rằng :

-         Nhưng hình như Đức Cha đã nói cho con nghe rằng : “Papa của Đức Cha có lần hứng chí lên khoe với một ông bạn của cũ rằng : Mình có đứa con làm linh mục sắp đi giảng đạo ngoại quốc bữa hôm đó thật là một hãnh diện cho gia đình … Trong lòng thì chua xót thật đấy, nhưng có lẽ nhờ việc hy sinh này mà khi ra trước tòa phán xét Chúa cũng sẽ nói : “Oh ! Ca va, ca va (thôi, cũng được, cũng được)” cho mình nhiều việc vậy. Có phải vậy không, thưa Đức Cha ?

Đức Cha Cassaigne gật đầu cười ngặt nghẽo một hồi, rồi ngài nghiêm lại và nói : “Papa của Đức Cha, ổng tốt lành lắm con à. Tốt hơn cha nhiều lắm”. 

Phút chia tay.

Bu…u…ung ! Bu…u…ung ! Bu…u…ung !

Tiếng chuông đồng ngân đi ngân lại, như thổn thức báo hiệu giờ nghi lễ tiễn biệt bắt đầu, nên hết thảy đều ra tập họp ngoài công viên nơi có đặt tượng Đức Mẹ.

Giữa vườn đầy hoa, đài Đức Mẹ được trang hoàng rất đẹp và sáng rực lên. Chín tân linh mục thừa sai mặc áo dòng mới cắt chỉ, nút xéo theo kiểu địa phận mình sắp gia nhập, được vây vào giữa và đoàn lũ bao quanh. Vài tiếng sụt sùi bắt đầu phát ra từ đám đông. Các tân linh mục tiến lại gần bàn thờ Đức Mẹ thì tiếng khóc nấc trong cổ họng không cầm được càng lan rộng thêm ra.

Để trấn át cảnh mủi lòng, ca đoàn Đại Chủng Viện trổi lên bài : “Chant du départ” bài ca tiễn biệt cổ truyền do Gounod, nhạc sĩ trứ danh Pháp sáng tác riêng cho chủng viện Rue du Bac từ thế kỷ 19.

“Ra đi hỡi ai ! Từ biệt phù vân cõi thế trần.

Khắp chốn xa xăm, truyền dậy rạng Danh Chúa Trời,

Rồi ngày kia khi mãn công,

Ta cùng xum họp trên Chín Cung.

Vĩnh quyết ! Giã biệt bạn hiền. 

Ra đi bạn hỡi ! Hãy ra đi,

Cõi thế phù vân bỏ một khi.

Chốn xa Danh Chúa bạn truyền giảng,

Ngày kia xum họp chốn thiên thai.

Để đáp lại, chín tân linh mục đồng hát lên bài : Ave Maria Stella (Kính mừng Mẹ Nữ Vương sao Bắc Hải), mọi người hiện diện đều thầm thì kêu xin Đức Mẹ dẫn đưa các tân thừa sai của họ lên đường bình an.

Vượt qua mọi trở ngại khó khăn

Lướt trên những bão tố thác ghềnh.

Đưa đến tận chân trời xa xăm.

Đến cõi đất Trung Hoa, đến vùng trời nước Việt.

Đức Maria luôn luôn tỏ ra mình là Mẹ, luôn luôn đùm bọc chở che và hướng dẫn các tân thừa sai đến với những ai xa lạ chưa biết Chúa, để họ nói lên tình yêu của Đức Giêsu Kitô Con yêu dấu của Mẹ. Rồi tất cả đồng cầu xin lớn tiếng:

Nữ Vương các thánh Tông Đồ

Nữ Vương các thánh Tử đạo

Nữ Vương các tinh tú trên trời

Nữ Vương các đại dương bao la

Xin cầu cho chúng tôi…

Tiếp theo đó cộng đoàn cùng nhau xướng lên bài Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa) như để nói lên cảm nghĩ của mình : “Một thọ sinh bé bỏng, từ một xó kẹt vô danh, nay được Chúa cất nhắc lên, ban cho một ngôi vị, để rồi được chọn ra đi với tư cách “Linh Mục” rồi cùng với ân sủng của Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ làm nên những kỳ công vĩ đại, trước mặt ngỡ ngàng của thế hệ kiêu sa…

Lễ tiễn đưa.

Sau đó cộng đoàn rước các tân thừa sai đi vào nhà nguyện chủng viện, và tại đây nghi lễ tiễn chân chính thức được diễn ra.

Nhà nguyện chật cứng người từ trên xuống dưới, ai cũng cố chen lên gần cung thánh. Bộ mặt trầm ngâm mũi lòng của họ hàng quyến thuộc các tân thừa sai làm họ nổi bật ra giữa cộng đoàn.

Trong yên lặng họ cố nén cơn xúc động, và lê bước theo sau các tân thừa sai ruột thịt của mình mà tiến vào cung thánh, khi ấy cõi lòng họ như bị dao cắt vì giờ biệt ly đang đến!

Khi các tân thừa sai lên cả trên phía bên hữu bàn thờ thì ca đoàn xướng lên kinh : Veni Creator, để xin Chúa Thánh Thần ngự xuống chứng giám cuộc dâng hiến này. 

Sau đó Cha Giám Đốc bước ra giảng bài khuyến khích để chúc các tân thừa sai hăng hái lên đường. Ngài không quên nhắc đến những thử thách, những hy sinh, những thánh giá và cả đến cái chết tử đạo rất có thể xảy ra được vào thời buổi này. Nhưng nhất là ngài nhắc đến những hy sinh liên lỉ, những chịu đựng dẳng dai, âm thầm kéo lê suốt cuộc đời tông đồ ở các miền turyền giáo. Ngài nói:

 

“… Tuy dù không tử đạo bởi tay lý hình, các bạn cũng sẽ tử đạo qua nhiều hình thức tinh vi hơn. Dưới hình thức tử đạo này, các bạn sẽ lãnh cái chết vì Chúa, không phải chỉ một giây, một phút, một vài giờ, một vài tháng hay một vài năm, những sẽ là suốt cả cuộc đời của các bạn như lời thánh Phaolô kể lại cho giáo hữu Côrintô rằng: “Trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi vẫn chứng tỏ mình như là kẻ phục vụ Thiên Chúa, với một lòng kiên nhẫn lớn lao trong gian truân, trong quẫn bách, trong chật vật, trong đòn vọt, trong tù đày, trong loạn lạc, trong mệt lã, trong thao thức, trong túng cực…” (2Cor 6, 4 – 5).

Đó là phần thưởng tử đạo thông thường Chúa dành cho các môn đệ trung tín cảu Người. Vậy giờ đây các bạn hãy chuẩn bị tâm hồn để trở nên con người trung kiên và dẻo dai chịu đựng. Các bạn hạy luôn luôn sẵn sàng đón nhận đau khổ, thứ đau khổ liên tục và dai dẳng. Bằng thần lực Chúa Thánh Linh,  các bạn sẽ đánh gục quỷ dữ. Tràn ngập tin tưởng, các bạn hãy phó thác vào Chúa quan phòng. Yêu mấn Chúa Giêsu thực sự, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bị ruồng rẫy. Chung thủy với Người khi sống chắc chắn bạn sẽ được kết hợp vĩnh viễn với Người trên thiên cung, nơi mà sau này chúng ta sẽ cùng nhau sum họp”.

Sau đó các tân linh mục tiến lên cấp bàn thờ và quay mặt xuống phía cộng đoàn. Nhìn dáng điệu tươi trẻ đang độ xuân thời của những người sắp ly biệt, không ai cầm nước mắt được nữa. Lần lượt từ Cha Bề Trên, các cha giáo rồi các anh em đồng liêu đến thân bằng quyến thuộc, mỗi người đều đến quỳ mọp xuống hôn chân chín linh mục thừa sai cách cung kính với tấ cả lòng lưu luyến tiếc thương.

Ông Joseph Cassaigne hôn con lần cuối cùng. Hai cha con không nói được lời nào. Đoạn ông vội vã rút lui, mặt cúi gầm xuống, cố dấu không cho đứa con duy nhất của mình thấy nước mắt ông đang trào ra mà không sao cầm lại được …

Đang khi đó ca đoàn vẫn tiếp tục hát :

Người đi trong nước mắt,

Đem hạt giống gieo trên nương đồng.

Người về miệng vui ca,

Tay ôm bó lúa ngào ngạt hương. 

Ai bước ra nương đồng,

Gieo giữa lệ sầu,

Sẽ về trong sướng vui.

Lúa vàng hứng gió tươi màu,

Và tiếng ca hòa nhịp chân bước.

Sáu mươi hai năm về trước, cũng tại nguyện đường này, ngày 15 tháng 7 năm 1864, nhân khi dự lễ tiễn chân 4 tân thừa sai được gửi đi truyền giáo ở Triều Tiên, họa sĩ Conbertin cùng với vợ và hai con xúc động quá, nên khi về đến nhà ông vội vã ghi lại những cảm xúc của mình qua nét vẽ trên bức tranh lớn. Hai năm sau (1866) khi hay tin 4 tân thừa sai hôm ấy đều chịu tử đạo ở Triều Tiên, họa sĩ bèn dâng bức tranh này cho chủng viện Thừa Sai làm kỷ niệm.

Bức tranh lịch sử này cho đến nay vẫn còn được trưng bày trên tường cầu thang, ngay cửa chính đi vào tòa nhà đường Du Bac.

Bốn tân thừa sai trong tranh đó là 4 thánh Tử Đạo : Huin, Beaulieu, Dorie và De Bretenières. Người đàn ông đứng ở góc trái trông dáng điệu suy tư đó chính là tác giả, người đàn bà đứng sau lưng ông đang cầu nguyện, và hai đứa bé đứng ở giữa là vợ và con tác giả.

Tiếp sau nghi lễ tiễn biệt là giờ chầu Thánh Thể.

Trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chín linh mục tân thừa sai lần lượt lên tuyên lời thề hứa trung thành :

“Tôi xin đem hết tâm hồn và sức lực tôi mà tuyên hứa triệt để tuân giữ mọi kỷ luật của Hội Dòng, triệt để tuân hành mọi quy chế của giáo miền hay của những tổ chức mà tôi được chỉ định sát nhập, thực lực chiến đấu trong hàng ngũ thừa sai và bền đỗ theo ơn gọi thánh thiện này cho đến hơi thở cuối cùng. 

Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng chiếm trị lòng tôi, Đấng đã dùng Thần Trí Người mà gợi lên trong tôi những cảm nghĩ quyết định, khấng ban thần lực để tôi được trung thành với lời tuyên thệ này cho đến mãn đời”(Ghi theo nội quy hội Thừa Sai Truyền Giáo Balê, khoản 1 trang 3).

Giờ khởi hành.

Sau buổi chầu Thánh Thể, chuông trong chủng viện trổi lên vang lừng. Cha Bề Trên Cả, Cha Giám Đốc, các cha giáo sư, tất cả các chủng sinh, tất cả gia nhân trong nhà đứng ra hai hàng tiễn đưa chín cha mới lên xe ca đã đậu sẵn để ra ga xe lửa đi Marseille.

Khúc ca từ biệt thông thường được hát lên lần chót cố trấn át những xúc động muốn phá tan lồng ngực, để trào ra những giòng lệ đầm đìa trên gương mặt não nề. Cha Cassaigne với nụ cười gắng gượng, đôi môi tái ngắt, đưa mắt nhìn vội vàng lần cuối cùng khung cảnh quen thuộc bấy lâu : nhà nguyện, sân chơi, phòng học, nhà khách … tất cả đang ủ rũ chìm dần trong ánh hoàng hôn mờ ảo.

Rồi những chiếc khăn tay ve vẩy khi chiếc xe lăn bánh rời chủng viện. Đoàn người ở lại như bị chôn chặt một chỗ, đôi tay ve vẩy cho đến khi xe mất hút ở cuối đường.

Ông Joseph Cassaigne và gia đình tiễn Cha Cassaigne ra tận nhà ga xe lửa Lyon. Mười lăm phút sau đó, tiếng hú vang của con tàu lửa quái ác đã vội vàng cướp đi đứa con yêu quý nhất đời của ông. Đứa con tinh nghịch lúc bé thơ, nhưng cũng là đứa con làm cho ông tràn ngập an ủi trong suốt thời niên thiếu của nó.

Giờ đây đứa con ấy không còn là của ông nữa, mà là của những người đang sống ở khung trời xa lạ, ông không hề quen biết, nó tên là “Việt Nam”.

Cuộc hành trình.

Tối hôm đó chín tân linh mục đã đến Marseille và ở trọ nhà của Hội Thừa Sai, các bà nội tá ân nhân tận tâm thu xếp mọi việc cần thiết, để ba hôm sau các cha mới đáp chiếc tàu “D’Artagnan” đi Viễn Đông.

Bốn giờ chiều ngày 9 tháng 4 năm 1926, tại bến Marseille, sau hồi còi rú dài thảm não, như tiếng rú não nuột lần cuối cùng của con thủy quái khổng lồ đã bị thương, tàu D’Artagnan chuyển mình rời đất Pháp.

Từ trên boong tàu nhìn xuống những người thân yêu lần cuối cùng, chín chàng dũng sĩ của Hội thừa sai đã không cầm nước mắt được nữa khi thấy những cánh tay yếu đuối gần rụng rời ve vẩy chiếc khăn biểu chứng nỗi niềm nhớ thương.

Để bớt nỗi chạnh lòng, chín anh em dôi mắt rướm lệ ngước nhìn tượng “Đức Mẹ phù hộ” đang sừng sững trên mỏm đá cao ở bãi biển Marseille. Gương mặt Mẹ âu  yếm mỉm cười với đoàn lữ khách đang rời bến nước ra đi …

Chín tân thừa sai như bị cột chặt ở cuối tàu, mãi mê ngó sững vào bờ. Họ cố giương to đôi mắt nhìn tượng Đức Mẹ và mảnh đất quê hương cho đến khi mọi sự mờ hẳn trong lớp sương chiều ảm đạm.

“Ôi quê hương biết bao tình mến…” Giờ đây chỉ còn là một vết mờ cuối chân trời xa… Niềm chua xót này chỉ có kẻ xa quê nhà mới cảm thấy thấm thía làm sao! Thôi thế là hết! Chỉ còn biết chạy đến với Mẹ trên trời, chín anh em đồng thầm thĩ hát bài Ave Maris Stell, như để cột chặt hình ảnh Mẹ trong cõi lòng đang quá xúc động gần tan vỡ…

trên vòm trời xanh bao la các vì sao đã bắt đầu lấp lánh. Tiếng máy tàu bập bồng vẫn đều đều vang trên những gợn sóng lăn tăn như một bản nhạc mơ hồ giữa vùng biển cả. Tâm tư người viễn xứ bỗng cảm thấy bâng khuâng như thiếu thốn một cái gì, chín anh em lủi thủi trở về phòng riêng, mang theo một cõi lòng hoang vắng miên man không sao tả được.

Tuy nhiên tâm trạng rã rời ấy tiêu tan nhanh chóng. Sau khi đọc kinh Complies (Kinh Tối), niềm tin tiềm ẩn tận đáy lòng lại rộn ràng dấy động lên. Người ra đi vì Chúa, người của cánh đồng truyền giáo, sau những giờ xao động chia ly, giờ đây được cảm mến sự an ủi tràn ngập và tâm hồn càng thấy khắng khít với Chúa hơn trước, khi đành đoạn dứt bỏ tất cả, dù là những gì thân yêu nhất của đời mình, “vì Chúa”.

Cập bến Việt Nam.

Tàu D’Artagnan cập bến Saigon ngày 5.5.1926, cha Cassaigne đang bỡ ngỡ trên đất lạ thì kìa, có cha De Coopman, quản lý Tòa Giám Mục Saigon đến đón các ông bạn mới của địa phận. Thời ấy, bước lên đất Saigon vào tháng Đức Mẹ ? Một phong cảnh hoàn toàn Á Đông lộ hẳn ra trước mặt người khách lạ từ Âu Châu mới tới.

Hoa điệp (Grand Flamboyant – Poinciana regia Boj) nở đỏ trên khắp đường phố, như những tấm lọng bằng nhung của các bậc vương công hoàng tử Đông phương. Mặt đường tráng nhựa điểm lấm tấm vô số cánh hoa trắng li ti, rơi từ những hàng me (Tamarinier – Tamarintdus uidica Lin) rợp một màu xanh sậm vùng nhiệt đới. Rồi một trận mưa đầu mùa đột ngột đổ xuống, phớt lên mặt đường nhựa một lớp bóng loáng như mới sơn mầu. Cảnh vật sau cơn mưa tươi rực lên. Rồi từng hồi, từng hồi, đoàn ve ve không biết ẩn núp ở đâu, bất ngờ trỗi lên những khúc nhạc liên lỉ rộn ràng, khiến người lữ khách mới đến lần đầu cảm thấy rộn lên tận cõi lòng một niềm vui mới lạ. Ngay buổi chiều hôm đó cha Cassaigne viết thư về cho thân phụ ngài.

Mỗi khi nhắc đến người cha già đáng kính này, Đức Cha Cassaigne nói chuyện liên lỉ, nói không dứt, nói với vẻ thích thú và hoàn toàn thán phục. Ông Joseph Cassaigne, thân phụ của Đức Cha là một người đạo đức, có lòng tin mạnh mẽ, biết hy sinh tất cả cho người con duy nhất của ông để nó được trọn vẹn phụng sự Chúa.

Khi ông đến 85 tuổi (1947) thì bị chứng đau dạ dày rất nặng phải chịu giải phẩu đến hai lần trong vòng không đầy một tháng rưỡi. Ông đau đớn lắm nhưng không hề rên rỉ. Bác sĩ săn sóc ông lấy làm lạ, vì thấy một cụ già tuổi đã cao mà chịu đựng một cách hết sức can đảm. Bác sĩ mới hỏi dò ông cụ rằng :

-         Thưa cụ, cụ chịu đựng cơn đau như vậy thật là đáng phục.

-         Cụ cướp lời ngay : “Vì tôi có thằng con duy nhất mà bây giờ nó đang giảng đạo cho người Thượng ở bên Á Châu. Nó đang làm Giám Mục ở đó”.

Bác sĩ mân mê bàn tay cụ và thưa lại rằng :

-         Thôi, tôi hiểu rồi, tôi hiểu lắm rồi, đời cụ thật có phước.

Cụ Joseph Cassaigne qua đời khi 86 tuổi (1948) mà không hề được trông thấy lại đứa con Giám Mục của mình trước khi nhắm mắt. Ông đã âm thầm chấp nhận như vậy từ khi dâng con trong lễ tiễn biệt năm 1926 ở chủng viện Rue du Bac.

PHẦN II

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

Sau năm ngày trọ ở nhà quản lý Hội Thừa Sai tại Sàigòn, cha Cassaigne được gởi xuống Cái-mơn ở với cha Delignon để học tiếng Việt.

Nhưng công việc học tập chưa đầy năm tháng thì Đức Cha Du Mortier, Giám Mục địa phận, gửi thư kêu ngài cấp tốc trở về Saigòn để lãnh một nhiệm vụ đặc biệt: Làm Cha Sở một thí điểm truyền giáo trên miền cao nguyên Trung Phần Việt Nam, một miền mà dân cư toàn là người thiểu số Thượng và chưa ai có đạo cả. Tên thí điểm ấy là DJIRING.

CHƯƠNG I

ĐỊA DANH DI-LINH

I. TỪ DJIRING ĐẾN DI-LINH.

DJIRING : Cái tên nghe lạ tai làm sao ấy ! Nó là cái xứ nào ?

Djiring là một đơn vị hành chánh, nhà cầm quyền Pháp lập ra vào năm 1899 trên vùng cao nguyên hoàn toàn là dân Thượng. Đơn vị hành chánh này nặng về sắc thái chiến lược hơn là về phương diện kinh tế và xã hội. Thời ấy người ta khai sinh ra nó là cốt để yểm trợ chương trình phát triển Trung Tâm Dưỡng Sức Lâm Viên, tức Đalạt ngày nay.

Tại sao có tên Djiring ? Dùng hai vần “DJ” để phiên âm “NõDJ” là lối viết của người Thượng Rhadé Ban-Mê-thuột, không phải là lối phiên âm của người Thượng Kơho vùng Dilinh.

Có người nói đó là tên một vị chủ làng thời xưa đã có công thành lập ra buôn Thượng này.

Có người nói tên Djiring có dụng ý ám chỉ sáp ong (Jrềng), vì vùng này ong rừng rất nhiều. Những dân phu Thượng bị bắt làm phu vận chuyển vật liệu xây cất cơ sở hành chánh đầu tiên ở đây, hoặc làm đường cho sở lục lộ, đã nán níu ở lại lập làng, lúc đầu họ sinh sống bằng nghề lấy mật ong rừng, nên người ta gọi họ là Jrềng, rồi viết sai là Djiring.

Có người nói đó là tên một loại cây sồi mọc đầy trên vùng Dilinh, gọi là cây “Njrêng”. Đó là một loại cây dẽo dai dễ uốn, nên người Thượng dùng nó vào nhiều việc như : làm răng nĩa để gom rơm rạ, hoặc chẻ mỏng nhỏ ra để đan phần niền chân gùi (một thứ giỏ mây người Thượng đeo sau lưng) để cho cái gùi được đứng thẳng mỗi khi đặt nó xuống đất.

Địa danh Djiring đến năm 1958 được chính phủ Ngô Đình Diệm cho đổi thành Dilinh cùng một trật với các địa danh Bảo Lộc, Đơn Dương, Liên Khương thay cho tên cũ Blao, Dran, Liên Khang.

Dilinh là một vùng đất thuộc cao nguyên Trung Phần có tên là cao nguyên Dilinh.

Cao nguyên Dilinh.

Cao nguyên Dilinh nằm về phía Tây Nam dãy Trường Sơn, hình thể của nó chỗ lồi chỗ lõm không đều, bị cắt thành nhiều thung lũng sâu và nhiều dốc đứng.

Vùng cao nguyên này chiếm từ chân đèo Bảo Lộc đến sông Đa-nim gần thác Gougah.

Địa thế đất đai nhiều chỗ bị xói mòn, do mưa chảy xiết và do đất chùi. Những vùng không bị xói mòn thường bằng phẳng nhưng diện tích không được bao nhiêu.

Cao độ Dilinh là 1000 mét, đang khi đó Đalạt 1500 mét và Bảo Lộc là 850 mét, triền dốc đổ dài từ Đông sang Tây.

Vị trí này cách xa biển độ 60 cây số theo đường chim bay.

Đây là một vùng đồi núi phì nhiêu, nhờ hiện tượng địa xát (Plissements Terriens) ở dãy Trường Sơn mà phát hiện. Đất đai ở đây được cấu tạo do biến thể của đá huyền vũ (Basaltes) do núi lửa phun ra, vì thấm chất thán khí lâu đời mà mủn làm thành một thứ đất màu đỏ (Latosols rouges). Đất này được pha lẫn với sa thạch (Grès) do hỏa diệm sơn phun lên từ thời đệ tam nguyên đại, tạo nên một lớp màu mỡ sắc đỏ thẩm đồng đều (Đất huyền vũ – basaltes – khi có trắc diện sâu, thủy cấp sâu được nhiều đất sét mà nước thấm xuống dễ dàng  - có nhiều Fe2 O3 – thì đất ửng ra màu đỏ, còn nếu thủy cấp cạn thì đất ửng ra màu xám đen), rất thích hợp cho việc trồng các loại cây kỹ nghệ như : trà, càphê, sơn … để sản xuất đại quy mô. Trên triền dốc, khi mà cây cối bên trên bị chặt phá trơ trụi, thì lớp đất đỏ thẫm màu mỡ này dần dần khô cứng lại thành thứ đất đá ong (Latériste) màu nâu, khô khan nghèo nàn chỉ còn trồng được những loại có rễ sâu như mít mà thôi.

Dưới các thung lũng, vào mùa mưa, nước lũ đưa xuống một lớp phù sa phong phú thích hợp cho việc trồng lúa và các hoa màu phụ.

Đất đai trên cao nguyên Dilinh này tương đối tốt, tuy độ chua hơi cao (ph : 4,5 – 5) nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Người Thượng ở đây chỉ biết canh tác về lúa và vài loại hoa màu phụ lặt vặt như bắp, bầu bí, khoai, đậu … những hoa lợi thu vào không được bao nhiêu vì cao nguyên tuy mưa nhiều song mặt đất gồ ghề không giữ nước được, mà lúa là loại hoa màu cần nhiều nước.

Khí hậu Dilinh trung bình không nóng lắm, không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình khoảng 2008, và thường thay đổi đúng mùa trong năm nên cây cối ít bị ảnh hưởng. Thường thường vào tháng Năm, tháng Đức Mẹ, kể là nóng nhất nhưng cũng chỉ đến 2207 là cùng, ít khi hơn. Lạnh nhất vào tháng Giêng, mức lạnh thường xuống thấp đến 1807  (Thero Địa Phương chí Lâm Đồng 1973, nhiệt độ tối đa và tối thiểu trong thập niên 60 là : - Tối đa 330 vào tháng 4 năm 1964 ; Tối thiểu 405 vào tháng 2 năm 1963). Tuy nhiên những áp lực không khí thường sinh ra gió ở miền Trung Việt này xê dịch luôn nên nhiều khi đang mùa đông lạnh lẽo lại có vài ngày rất nóng vì gió nồm nóng ấm từ biển thổi vào thay thế cho gió bắc lạnh lẽo.

Quang độ suốt ngày (Insolation) trung bình khoảng 4g34. Trời thường trong sáng vào gần trưa, nhưng sau trưa, nhất là vào tháng Hai, tháng Ba, mây xám ảm đạm, cảnh vật đượm vẻ buồn buồn và uể oải.

Cũng như các nơi khác trong nước Việt Nam là xứ có gió mùa và biển động, nên trong năm có hai mùa rõ rệt.

a. Mùa khô hợp lúc với gió mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4, mùa này gió bắc khô khan, vận tốc trung bình từ 8 – 9 cây số giờ, thổi từ Đông Bắc xuống Tây Nam, mang theo làn khí lạnh lẽo. Mùa khô cảnh vật đều khô cháy vì đất triền gồ ghề không giữ nước được. Cuộc sinh hoạt làm ăn lúc này có vẻ eo hẹp ngoại trừ nhà vườn cà phê. Mùa khô này cũng là mùa hay sinh bịnh sốt rét nhiều nhất.

b. Mùa mưa hợp lúc với gió mùa hạ, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, đây là mùa gió nồm, vận tốc trung bình là 12 cây số giờ, từ biển thổi vào lục địa theo hướng Tây Nam qua Đông Bắc mang theo mưa. Trong tháng mưa thì ở đây mưa rất nhiều.

Vũ lượng turng bình là 2600 đến 2700 ly mét. Số ngày mưa thường là 160 ngày. Những tháng 7, 8, 9 kể là mưa nhiều nhất, có khi mưa cả tuần lễ liên tục. Vì thế ẩm độ tương đối khá cao, sương mù có rất thường, và hễ quang độ càng bị giảm thì ẩm độ lại càng gia tăng. Trong mùa khô, ẩm độ tối thiểu là 20%, nhưng vào mùa mưa thì ẩm độ lên đến 90 có khi 100%. Bởi đó sình lầy khắp nơi, cây cối hay lên bệnh nấm, đồ đạc trong nhà thì ẩm ướt mốc meo dễ bị mục nát và trở thành mồi ngon cho lũ mối gậm phá.

Nguồn lợi thiên nhiên.

Nằm cạnh dãy núi Brah-Yang (1874 thước), núi Yang Doan (1812 thước) và núi Pantar (1654 thước). Dilinh xưa kia là vùng có nhiều rừng rậm ướt át. Rừng trùm lên cả những ngọn núi cao như một bồn chứa nước khổng lồ thu giữ nước mưa làm cho khối đất cao nguyên luôn luôn ẩm ướt để suốt năm rỉ ra dần dần hầu tăng cường lưu lượng cho sông ngòi, cho hồ giếng khỏi bị cạn trong mùa khô.

Ngày nay vì tình trạng chiến tranh, việc kiểm soát lâm sản lỏng lẻo, người dân vô ý thức phá rừng lấy gỗ nhiều khi bừa bãi, nhất là nạn đốt rừng làm rẫy khiến cho núi đồi trơ trọi. Các giống gỗ quý như cẩm lai, dầu đỏ, dầu lông, trắc, sao, sến, gõ … xưa kia rất nhiều, bây giờ ngày càng hiếm.

Lại nữa núi đồi không cây cối sẽ bị nước lũ xói mòn, lớp mầu mỡ trôi đi, hoặc bị đá ong hóa trở thành cằn cỗi, thoái bộ dần dần không còn trồng trọt gì được nữa, sau này có muốn gây dựng lại cũng phải tốn kém rất nhiều.

Hiện giờ những khu đất bị đốt phá rồi bỏ đi ấy trở thành hoang địa, tre rừng, cỏ tranh, lau sậy, nhất là những loại thảo dã có chùm hạt phủ lông mịn, lúc trời khô nương theo gió gieo rắc đi rất xa và chiếm khắp đồi núi rất chóng, ăn phá màu mỡ của đất, lại dễ làm mồi cho lửa trong mùa khô chớ không sinh ích lợi gì.

Rừng thưa ban đầu còn dây leo chằng chịt, gai góc cỏ tranh cao phủ đầu người, nhưng khi lớp ấy rụi xuống thì đến lượt cỏ thấp hơn xâm chiếm, thế là đất dần dần trơ trụi, sức tẩm nước mất dần, trở nên khô chai cằn cỗi không  còn cây cối gì nữa. Thật là tai hại cho cao nguyên vậy.

Cao nguyên Dilinh xưa kia cũng là một trong những vùng săn bắn lý tưởng nhất Việt Nam, nhất là các cuộc săn bắn lớn.

Trước năm 1930 khi chưa có quốc lộ 20, vùng này rất ít người lai vãng nên thú rừng rất dạn. Voi, bò rừng, min, nai, hươu, đỏ rất nhiều, nhưng cọp beo cũng không ít và gây rất nhiều tai hại cho đồng bào sinh sống ở đây.

Đến năm 1957, một nhóm người Thượng dùng thuyền độc mộc đi săn trên khúc sống Đa-Dung còn thấy xuất hiện một con tê giác có lẽ từ bên đất Lào chạy lạc qua, họ bèn phóng lao đuổi theo, con vật tuy bị thương những cũng đã bơi được qua sông Đa-Dung và biến mất vào rừng rậm và từ đó không còn thấy nó trở lại nữa (Trích Địa phương chí Lâm Đồng1973, trang 9).

Những thắng cảnh.

Dilinh cũng có những cảnh đẹp hùng vĩ như đèo Da-Trum (cao 1235 thước) ở 15 cây số về hướng Nam và đèo Yan-Kar (cao 1017 thước) cách quận Dilinh 19 cây số về hướng Đông Nam. Từ đèo Yan-Kar có thể nhìn về Phan Thiết và thấy biển Nam Hải.

Dilinh cũng có thác nước đẹp như thác Bobla (cách thị xã 6 cây số về hướng Nam) tại cây số 213 xa mặt quốc lộ 300 thước. Thác này cũng có sức nước đổ khá mạnh từ độ cao 30 thước rót xuống có thể sử dụng vào việc chế biến điện lực được.

CHƯƠNG  II

THÀNH LẬP GIÁO SỞ DILINH

Thí điểm truyền giáo Thượng.

Nói đến Đức Cha Insidore Dumortier cố Giám Mục Saigon, tức đức thầy Đượm, người ta không thể quên được hình ảnh một người cha già gân guốc, tính tình nghiêm khắc nhưng rất thánh thiện, luôn luôn bâng khuâng lo nghĩ về số phận của những kẻ cùng khổ, nhất là những người bị bỏ rơi trong các vùng hẻo lánh thuộc địa phận Ngài. Trong các bài giảng ở những nhà thờ lớn tại Saigon nhiều khi Ngài nói đến họ với một giọng tha thiết gần như muốn khóc: “…những người Mo…ọ… i sống  trên  rừng núi trong địa phận này họ còn ngồi trong bóng tối tăm ngoại giáo …vậy thì…ta phải làm gì cho họ?…”

Các công tác mở thêm những thí điểm truyền giáo nhất là việc truyền đạo trên vùng Cao Nguyên cho người Thượng được Ngài đặêc biệt lưu ý thúc đẩy, tán trợ và kiểm thảo nhặc nhiệm .

Khi vừa lên quyền Giám Mục Saigon được một năm, theo lời bàn của Cha De Coopman quản lý tòa Giám mục, Đức Cha Dumortier liền phái người đi xem xét địa thế vùng Djiring ngay

Cha quản lý hăng hái đi lo công tác này, vì lòng Ngài vẫn khao khát được thôi việc ở Tòa Giám Mục để đi coi xứ, hầu có dịp  thực hiện ý nguyện rao giảng Phúc Âm tận những vùng xa xôi hẻo lánh.

Lo đi vận động mở thí điểm truyền giáo Dilinh, Cha De Coopman có hậu ý rằng khi lo xong nhà cửa ở đó, Ngài sẽ xin từ chức quản lý địa phận, và tình nguyện lên Dilinh lo cho đồng bào Thượng, vì dù sao Ngài cũng có Cha Nicolas bạn cố tri thân thiết đang làm Cha sở Đalat, từ 1924, và hai anh em sẽ nâng đở nhau.

Nhưng ý của Đức Cha lại khác. Đợi cho cha quản lý lo giấy tờ mua lại cơ sở của ông Mười Liên xong ngày 13 thì ngày hôm sau là ngày 14-10-1926, Đức Cha viết bài sai trao cho cha quản lý cầm xuống Cái Mơn cho cha Cassaigne đang học tiếng việt tại đó, và kêu cha cấp tốc về Saigon lo đi nhận thí điểm truyền giáo Dilinh ngay .

Khi nhận được bài sai, Cha Cassaigne không khỏi ngỡ ngàng vì Ngài chỉ bập bẹ học tiếng việt mới được sáu tháng mà thôi, nhưng lệnh trên đã được thi hành tức khắc, không ai đưa ra một thắc mắc nào .

Sau một tuần lể ở Saigon để mua sắm vật dụng cần thiết cha Cassaigne đã đáp xe lửa đi nhận nhiệm sở vào ngày thứ tư  20-10-1926.

Xe lửa rời Saigon lúc 6 giờ 30 sáng thì 1 giờ trưa đến ga Malâm, nhưng không may cho Ngài , hôm ấy trời mưa giông dữ dội suốt ngày do trận bảo to đang càn quét vùng cao nguyên. Mưa to như thác đổ, làm nước dâng cao cuốn sập cầu sông Quao trên đường lên đèo Gia Bắc (cầu này cách Malâm độ chừng 15 cây số). Vì thế việc giao thông lên Dilinh bị gián đoạn, và công cuộc sửa chữa cầu này theo ước tính phải mất nhiều tháng mới xong, nên Cha đành phải trở lại Saigon chờ đợi. Nhân đó Đức Cha cho Ngài trở xuống Cái Mơn tiếp tục học thêm tiếng việt cho đến kỳ cấm phòng tháng giêng 1927.

Sau kỳ cấm phòng, Cha Cassaigne tháp tùng Cha Nicolas lên Đalat rồi ngày thứ hai 24-1-1927 Cha Cassaigne được đưa từ Đalat xuống Di Linh bằng xe traction của một thân chủ tại Đalat cho mượn. Phái đoàn đưa chân hôm đó gồm có Cha Niccolas bổn sở Đalat, hai cha Barre và Thomaret coi sở họ Phan Thiết và Cha De Coopman quản lý địa phận thay mặt Đức Giám Mục Saigon.

Để giúp cha Thừa sai trẻ mới lần đầu tiên đi coi giáo xứ chưa có tổ chức gì, Cha Nicolas đã lựa một người nấu ăn người Việt cho theo giúp Ngài, đó là ông Mười điếc. Tính tình ông bếp già này thật thà chất phác biết chịu khó nhưng có bệnh lãng tai, phải nói thật to ông mới nghe ! Riêng Cha Cassaigne từ hồi còn ở Cái Mơn đã tuyển được một chú giúp lễ 12 tuổi tên là Nhân đi theo Ngài lên Di Linh, thế là ba người cùng chung họp làm thành một tiểu tổ truyền giáo đầu tiên trên vùng đất Thượng này vậy.

Tra tay vào việc

Cha Cassaigne bắt đầu tìm đến con chiên mình, nhưng tìm mãi chỉ có hai người có đạo, đó là vợ chồng anh lao công lò gạch ở cuối đất nhà xứ, hai người chưa có con cái cũng chưa có phép hôn phối.

Ngày 30-1-1927 Cha Cassaigne dâng thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại một căn phòng nhỏ trong nhà xứ (lúc đó chưa có nhà thờ). Dự lễ chỉ có vợ chồng anh lao công rối, ông bếp điếc và chú giúp lễ, tổng cộng chỉ có 4 người với Cha là 5.

Hôm ấy cũng chính là ngày sinh nhật của Cha Cassaigne lần thứ 3. Buổi lễ Chúa Nhật lạt lẽo buồn thiu, nhưng vừa bước lên bàn thờ Cha Cassaigne được tràn ngập tin tưởng khi đọc lên bài ca nhập lễ Chúa Nhật thứ bốn sau lễ Ba Vua hôm ấy: “Lạy Chúa, giữa những thử thách nặng nề, sức người hèn yếu, chúng con không sao đứng vững được, xin ban thêm sức mạnh cho phần hồn và thể xác chúng con, để nhờ ơn Chúa trợ giúp chúng con sẽ thắng vượt tất cả…”

Cha Cassaigne chưa thạo tiếng Việt lắm, người xưng tội đầu tiên là chú giúp lễ của Ngài. Cuộc ra mắt và mừng Cha mới chẳng có gì, lễ xong mỗi người mỗi ngả. Gió lạnh luồn qua kẽ ván, buốt tận tâm can, hiu quanh lại bao trùm khu vực nhà xứ, khác hẳn cảnh Chúa Nhật nhộn nhịp tưng bừng ở họ Cái Mơn.

Những ngày đầu tiên ở đây thật là buồn tẻ cô đơn. Chung quanh nhà xứ toàn là rừng, người Kinh không mấy khi gặp, chỉ toàn gặp người Thượng, họ thinh lặng rảo nhanh qua lén nhìn vào ngôi nhà vừa mở cửa mấy hôm nay với cặp mắt tọc mạch đầy nghi kỵ.

Chiều đến mặt trời lặn thật sớm, cảnh vật trở mầu xám sẫm lạnh lùng, hoang vắng chiếm ngự khắp nơi, dấu vết loài người không còn nữa và sinh hoạt của dã thú bắt đầu sôi động.

Nai, hươu, heo rừng đi nghêng ngang trong đất nhà thờ, và mò đến tận chân cầu thang, ăn phá những bó hoa mà Cha mới mua từ Đalat về để ngoài sương cho tươi. Khi trời sụp tối, thì không thấy ai ra khỏi nhà nữa, vì cọp đã về sát tận vách để rình rập vồ chó, có lẽ vì chó nhà ăn lạ miệng hơn. Cọp ở đây lộng hành đến nỗi có lần vồ luôn cả lính gác nhà viên công sứ Pháp, nên ông sứ phải cho làm chòi thật cao để lính đứng trên đó mà canh ban đêm.

Vừa ở Pháp sang chưa đầy 8 tháng, thủy thổ chưa quen, một mình đơn độc, đãm nhiệm một thí điểm truyền giáo ở vùng xa lạ, thật là cả một thử thách lớn lao cho Cha trẻ mới đụng chạm với đời.

Cha Cassaigne mới đến đây chưa được mấy ngày thì một cô nàng miền Trung, phấn son loè loẹt, từ Phan Thiết lên thăm dò làm quen, mụ ta cũng tưởng dễ ăn như các ông Tây đi săn khác, thường trú ít ngày ở ngôi nhà này xưa kia. Với giọng điệu một bà quản gia độc đoán, mụ ta vào đề ngay: “ Mấy ông Tây kia có đem vợ con theo lo lắng, còn ông có một mình tôi thấy tội nghiệp quá…thôi ông lấy tôi hề…tôi chịu liền hề …”. Rồi mụ ta cười hềnh hệch lên như lệnh vỡ…thì… “Rầm” một phát, chiếc ghế cha đang cặm cụi lau chùi bị vất mạnh vào vách bể tan tành, Cha Cassaigne mặt đỏ rần quát to lên : “Mày đi ra mau”. Mụ ta cắm đầu chạy toé khói. Về sau Đức Cha thuật lai rằng : “nó chạy nhanh hơn xe lửa Phan Thiết”. Có lẽ mụ ta mắc cỡ thầm vì mình đi lầm địa chỉ. Đây không còn là khách sạn cho thuê nữa mà là một mhà xứ.

Vào năm 1927, nếp sống ở đây thật là hết sức chật vật sánh theo giá biểu thời ấy. Gạo trắng 6 xu một ký, gạo Thượng thì cứ thùng dầu hôi (20 lít) đong đầy là 2 đồng. Đường, muối hoặc cá khô mỗi ký lô là 1 đồng, mỗi bao thuốc lá Bastos nhập cảng từ Algerie giá 4 xu, gà mái thật to mỗi con 1 đồng. Thịt heo mỗi ký lô là 3 cắc mà muốn mua phải dặn lò thịt trước, khi đủ số người mua nguyên con heo rồi thì mới xẻ thịt vì thịt heo mắc không ai mua nổi sợ ế, mỗi tuần chỉ mổ heo độ 2 lần là nhiều. Thịt bò phải lên tận Đalat mua mới có, trái lại thịt rừng, nhất là thịt nai nhiều vô kể, mỗi ký chỉ có 5 xu, lúc nào cũng có, nhiều lúc không ai dám ăn vì ăn nhiều thịt rừng sợ bị bệnh kiết lỵ. Muốn mua sắm vật gì quan trọng phải đi Phan Thiết hoặc Đalat mới có. Còn giá nhân công thì 2 cắc một ngày, làm từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, thợ chuyên môn thì 3 cắc rưỡi một ngày mà phải mang cơm theo. Cuộc sinh hoạt như vậy thật không có gì hấp dẫn. 

Bệnh sốt rét rừng

Vào thời kỳ ấy Dilinh nỗi tiếng là vùng lam sơn chướng khí, sào huyệt của sốt rét rừng đúng như nhận xét của các nhà thám hiểm khi mới bước chân đến vùng này lần đầu tiên.

Sốt rét ở đây, cùng với vài bệnh truyền nhiễm khác, đã hoành hành gần như bất trị, chúng đã tàn phá không biết bao nhiêu sinh mạng, làm cho dân số người Thượng trụt hẳn đi. 

Các bác sĩ hữu trách vùng Cao nguyên như Lieurade, Delbove, B. Jouin, trong những kỳ phụ trách công tác y tế xã hội trên miệt Bù Đốp, Hớn Quản hay Kontum, Pleiku, Banmêthuột hoặc Dilinh, đều nhận xét rằng bệnh sốt rét hoành hành khủng khiếp trong các buôn, sóc Thượng đến nỗi có đến 92% trẻ con trên các vùng này bị mắc bệnh sốt rét vào thời kỳ trầm trọng .

Con nít từ 5 tuổi trở xuống, còn non nớt lại thiếu bổ dưỡng, nên sức phản ứng chịu đựng không có bao nhiêu rất dễ làm mồi cho bệnh tật, cho nên trẻ con Thượng ở lứa tuổi này chết rất nhiều, có nơi gần như tuyệt chủng vì trong số 4 đứa con nít Thượng may ra mới có một đứa sống sót. Bác sĩ Y.B. Jouin kể rằng có đến 75% trẻ nít ở đây chết vì bệnh sốt rét này.

Trong cuộc khảo sát dân số đồng bào Thượng, bác sĩ Lieurade có đưa ra nhận xét như sau:

“Bệnh sốt rét trên miền Thượng vừa làm giảm bớt sinh sản, vừa gây chết chóc thiệt hại giống nòi bằng cách: hoặc trực tiếp như gây ra chứng sảo thai hay tái đi tái lại, hoặc khiến sốt nặng mà chết; hoặc bằng cách gián tiếp như làm tiêu hao vàng võ con người, rồi biến ra chứng đau dạ dầy, đau phổi tuy xoàng mà người Thượng phần đông đều mắc phải.

Khi nghe nói đến miền xứ độc địa như vậy, nhiều tâm hồn tuy giàu thiện chí muốn dấn thân khai hoá anh em Thượng, phải đâm ra ái ngại ngao ngán, vì ai cũng sợ sốt rét rừng cả .

Cuộc đời đau ốm liên lỉ của Đức Cha Cassaigne là điển hình rõ rệt nhất của loại sốt rét này.

Cha Cassaigne đến Di Linh được hai tháng thì thần sốt rét đã lù lù đến viếng nhà xứ. Ngày lễ Thánh Giuse 19-3, chú giúp Nhân lên cơn sốt bỏ ăn, dưới bếp ông già điếc cũng cảm thấy ớn, lạnh và đi nằm còn lại một mình Cha lo cả mọi sự trong ngoài, dọn nhà thờ, quét tước, làm bếp v. v …Đã thế chú Nhân nhớ nhà khóc suốt ngày, đòi về Cái Mơn không ở với Cha nữa .

Mà sốt rét ở đây như thế nào ?

Hai ba ngày trưuớc chú Nhân thấy trong người nóng nực khác thường, hai vành tai nghe hừng hực nóng ran, trong người uể oải, biếng nói biếng chơi tuy ăn uống vẫn bình thường .

Thế rồi sau bữa cơm trưa lúc Cha sở đang nghỉ thì chú lén xuống suối định tắm, nhưng khi chân vừa chạm nước chú cảm thấy ớn lạnh như chạm phải nước đá, chú Nhân vội vàng chạy về ngay.

Nhưng khi vừa bước chân vào nhà thì cơn sốt bộc phát ngay tức khắc. Rét run cả người , giật cả giường, mền đắp không thấm gì nữa. Độ một giờ sau cơn lạnh hạ xuống dần dần và bắt đầu sốt, nóng đến khô miệng, mồ hôi toát ra  như tắm, thế rồi chú nằm liệt không còn biết gì nữa, miệng thì lảm nhảm nói liên miên. Suốt ba ngày không ăn, mà nhìn vào cái gì cũng bắt nôn mửa, ói mửa muốn trào cả ruột gan ra ngoài và gần như vỡ cả mật. Bệnh nhân kéo dài tình trạng như thế suốt một tuần lễ.

Bình thường chú Nhân là một cậu con trai khoẻ mạnh mập mạp, thế mà không đầy năm ngày sau trở thành yếu ớt như sợi bún đi không nổi, gương mặt xanh xao rồi ốm dần đi. Đến khi cơn bệnh qua rồi  hai mắt cậu lõm sâu xuống như một ông già.

Vấn đề y tế thì khi ấy đã có trạm phát thuốc. Y tá chỉ là một thanh niên người Thượng vừa biết sơ sơ các môn cần. Thuốc thì chỉ có Quinine vàng, vậy mà bệnh nhân nằm la liệt đa số là những công nhân vô phúc người Việt làm cho sở lục lộ, mà hễ chở vào nhà thương là kể như hết trở về nữa rồi.

Cảm thương số phận lẻ  loi của người truyền giáo trẻ tuổi vừa mới ra đời, ngày 28-3-1927, Đức Cha Dumortier và Cha Saulard Bề trên địa phận đích thân từ Saigon lên thăm viếng và ở lại với Cha Cassaigne tại Dilinh hai ngày.

Những năm bệnh hoạn liên miên

Giờ đây đến phiên Cha Cassaigne bị thử thách.

Ngày 14-11-1927 Cha ngã bệnh sốt rét thực sự,  y như Chú Nhân. Cha nằm li bì cả tuần lễ không ăn uống. Vẻ tráng kiện thanh xuân tàn lụn nhanh chóng trong vòng một tháng sau. Ngài bắt đầu ốm yếu xanh méc và cứ đau đi đau lại như thế suốt thời gian 14 năm làm Cha sở ở Dilinh. Có năm Ngài sốt rét cả 11 tháng, thân thể rũ rượi, mệt mõi, trong mình ơn ớn lạnh, bụng thường muốn nôn mửa. Có lần đang dâng lễ Missa, hôm ấy là ngày Chúa Nhật Năm mươi, ngày 18-2-1928, sau phần dâng rượu nước, Cha Cassaigne phát nôn mữa tại bàn thờ, và phải vội vàng ngưng hành lễ, để trở về giường nằm li bì. Cơn sốt lần ấy lên 40 độ,  và phải chịu trận như vậy suốt 4 ngày liền.

Thế mà Cha Cassaigne cố dấu không dám cho Đấng Bề Trên biết, cũng không bao giờ xin đi nằm nhà thương, vì Ngài sợ bắt buộc phải thuyên chuyển đi nơi khác.

Nhiều khi thấy vắng người lâu quá thì các cha sở ở gần, như Cha Barret ở Phan Thiết, cha Nicolas ở Đalat phải tới thăm coi ngài ra sao thì mới hay ngài trùm chăn kín mít trong giường, đau cả tuần mà không ai hay, cả ông già điếc, cả chú Nhân cũng đau hết một lượt không còn ai lo cơm cháo gì. Nhưng khổ một điều là không ai khuyên được ngài đi nhà thương, vì ngài nhất định ở lại với nhóm con chiên nhỏ bé của mình với bất cứ giá nào.

Có lần Đức Cha Dumortier tại Saigon bỗng thấy áy náy trong lòng không biết có việc gì xảy ra cho người cộng sự viên trẻ trung của mình ở thí điễm Truyền giáo xa xôi này, liền cấp tốc phái Cha quản lý từ Saigon lên Dilinh thăm coi ra sao, Cha Coopman bước vào đúng lúc Cha Cassaigne quá kiệt sức.  Lập tức Cha quản lý phải kêu người lên Đalat đem xe xuống Dilinh ngay và hốt gấp Ngài cho lên xe đi nhà thương, chỉ cách đó Ngài mới rời khỏi Dilinh lần đầu tiên. Nhưng chỉ chịu nằm ở Đalat không đầy một tháng là Cha lại vuột về Dilinh.

Thán phục ý chí hy sinh của vị linh mục trẻ tuổi này, Đức Cha Ajuti (năm 1925, Tòa Thánh Roma đã lập Tòa Khâm Mạng tại Việt Nam)  Khâm Sứ Toà Thánh đầu tiên tại Việt Nam khi viếng Đalat ngày 25-6-1928 có ghé qua Dilinh thăm Cha Cassaigne và để nhiều lời khuyến khích. Nhưng cũng chính vì chuyến viếng thăm Cao Nguyên này mà Đức Khâm Sứ đã uống phải nước độc ở đây nên cũng bị nhuốm bệnh sốt rét trầm trọng , và không đầy một tuần sau ngày 29-7-1928, Đức Khâm Sứ Ajuti đã qua đời tại chủng viện Saigon.

Con người sốt rét kinh niên ấy đã làm được những gì?

Khi vừa biết tin Dilinh, một thí điểm truyền giáo vừa được địa phận cho thiết lập tại vùng rừng rú Cao Nguyên  nước độc, nơi mà bệnh sốt rét rừng cho thể làm chết được, nhiều vị cao niên trong hàng linh mục cố vấn đã e ngại cho chính sách thí quân liều lĩnh của vị chủ chăn mình. Các Ngài viện lý rằng địa phận ở Saigòn còn vô số công tác đặc biệt khác trọng đại và ít nguy hểm hơn. Riêng Đức Cha Dumortier tuy bề ngoài vẫn thản nhiên lạnh lùng mà bề trong rất áy náy lo nghĩ và không ngớt cầu nguyện.

Người chủ chăn cương nghị này, ngày đêm theo dõi công tác với lòng tin tưởng tràn ngập vào ân sủng, và rồi trong phần đăng tin ngắn tập san Hội Thừa sai Ba Lê Ngài nhắc khéo các vị rằng :

“Mặc dù trong địa phận đang thiếu người làm việc, nhưng Đức Cha Dumortier lại nghĩ đến việc đi giảng Phúc Âm cho những thổ dân sống rải rác trong rừng rú ở mạn Bắc địa phận Saigon. Cha Cassaigne , Linh mục thừa sai ở đợt cuối cùng vừa mới đến đã được chỉ định lên Di Linh để tìm cách tiếp xúc với các buôn, sóc Thượng ở đó. Việc lựa chọn này đã khiến nhiều linh mục ở lứa tuổi đỉnh đạc hơn đâm ra thèm thuồng vì trong các Ngài cũng có lắm người mong có dịp như vậy để thi thố khả năng tông đồ cho thoả chí hùng” (Bulletin de la Mission étrangère de Paris, Janvier 1927).

Đến tháng sáu năm ấy ngài viết rằng : “Cha Cassaigne đến nay đã an vị tại thí điểm Di Linh rồi. Đây không phải là cuộc mạo hiễm truyền giáo như thời mới giảng đạo cho dân Chau ở Lào hay có người Bahnad ở Kontum, ở đây có nhà cửa rộng rãi cho Cha và sửa sang đẹp, tiếp tế lên cũng đều hoà, nhưng vấn đề người Thượng vẫn còn đó với tất cả thiếu thốn và nghèo nàn về tinh thần vì còn ngoại giáo và không biết còn phải tốn bao nhiêu vất vả khó nhọc nữa mới có được một tân tòng đầu tiên chịu phép rửa thội. Nguyện chúc ông bạn trẻ dũng cảm của chúng ta ở đó được nhiều nghị lực” (Trích Bulletin de la M.E.P, Avril 1927).

Cho đến đây, vấn đề sức khoẻ của Linh mục trẻ chưa đầy kinh nghiệm coi xứ như trường hợp Dilinh làm cho  Đức Cha Dumortier bắt đầu áy náy thực sự. Song  trái lại con người đau yếu mang sốt rét rừng này đã thu được những  kết quả ngoài sự ước vọng của Ngài.

Chưa đầy một năm rưỡi giáo xứ Di Linh bắt đầu đứng lên với những kết quả thật khích lệ. Từ con số hai giáo dân lúc đầu khi mới đến (1927) nay vượt lên số 36 vào cuối năm 1928. Ngoài ra còn có 12 Pháp kiều và 4 chầu nhưng người Kinh.

Trong bức thư gởi về cho hội thừa sai Ba Lê năm 1928 Cha Cassaigne tường thuật như sau :

“Thấm thoát đã một năm tôi đến vùng rừng núi này. Bỏ túi theo một mớ tiếng Việt học cấp tốc trong 8 tháng, còn dốt đặc về các thứ giọng nói của những con chiên mới của tôi. Một ngôi nhà đẹp bằng cây có gác lầu đã sắm sẳn cho tôi ở đó, có bấy nhiêu. Suốt sáu tháng đầu, tôi phải làm lễ trong một căn phòng ở “cái nhà” của tôi, bàn thờ là một chiếc bàn đọc đơn sơ, chú giúp tôi đem theo từ miền Nam Việt luôn luôn bị sốt rét. Nhiều lúc tôi dâng lễ thì chỉ  có các Thiên Thần trên trời giúp và dự lễ mà thôi.

Về phần vật chất cho đến bây giờ vẫn tàm tạm, nguồn lợi trong vùng này thì không, hoặc nói được là hoàn toàn không có gì nhưng việc tiếp tế thì khá đều hòa, lại nữa nhờ ơn trên thì cái gì cũng tạm giải quyết được. Nhưng về mặt tinh thần thì không đơn giản như vậyđâu. Tất cả mọi cái đều phải làm lấy, tất cả mọi đều phải gây dựng ra, chỉ có hai yếu tố để mang lại kết quả là lời cầu nguyện và ơn Trên trợ giúp.

Khi đến Dilinh tôi chỉ gặp được 2 giáo hữu người Việt với ông bếp, với chú giúp tôi nữa là 5 người tất cả, bấy nhiêu đó đã đủ chật căn phòng hành lễ của tôi rồi. Thế có là bao, nhưng cũng cho là có rồi vậy, và áp dụng lời Thánh Carôlô Bôrômêô rằng: “ Một linh hồn thôi, cũng đã là một địa phận khá rộng cho một Giám mục”, tôi cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi …

Vùng này có độ hai, ba trăm người Việt Nam sinh sống phần đông là những người bán hàng rong, họ đem những xâu hạt cườm, đem muối, đem cá khô đổi cho người Thượng lấy gạo và lấy gia súc như heo, trâu, dê v.v…

Trong cả nhóm người Việt này tôi tìm ra được lối 20 người có đạo, nhưng họ sống rải rác cách xa Dilinh những 50 cây số thế thì làm gì đến với Cha, thầy thường xuyên được để lo tròn bổn phận tôn giáo?

Tôi không dám vạch xấu bổn đạo tôi hiện tại, nhưng than ôi! Những người vô phúc ấy là dân tứ chiếng từ đủ mọi miền Đông Dương trôi dạt lên rừng này để thử thời vận, họ làm cho Cha xứ họ phải chán nãn hơn là được an ủi .

Hơn nữa họ sinh sống ở đây không lâu, sốt rét rừng đang hoành hành mạnh ở vùng này khiến họ dễ ngã bệnh, và khi mệt mỏi ốm đau rồi, họ vội vàng thu vén ít đồng tiền của lũ người Mọi nhẹ dạ ở đây xong là xuôi về miền Kinh”.

Truyền giáo cho người Thượng

Nhiệm vụ chính của Cha Cassaigne là nhắm vào người Thượng. Liền ngay buổi chiều nhận xứ Cha đã tiếp xúc với những người đáng thương xót này khi họ từ rẩy về ngang qua nhà.

Có lẽ để đáp lại sự ngài triệt để vâng lời Đức Cha địa phận Saigon khi lãnh thí điểm truyền giáo ma thiêng nước độc Dilinh này, có lẽ để thưởng công Ngài đã tận tụy hy sinh cho những người vô phúc có cái tên là Mọi cùi. Cha Cassaigne đã được Chúa ban cho ơn trợ giúp đặc biệt: “ Mê say vấn đề Thượng, yêu thương người Thượng nhiều khi gần như quá trớn, nhất là lúc Ngài đã cao niên”. Có thể nói người Thượng là núm ruột non của Ngài vậy, đừng ai chạm đến.

Có một lần nọ một nữ tu vừa khấn hứa xong được gửi đi giúp làng cùi Di Linh, thì ít lâu sau bị Đức Cha la rầy oan ức gần phát khóc được, chỉ vì mới chưa quen việc nên chị chưa phát kịp khẩu phần ăn trưa cho một người Thượng trong trại cùi. Nó đi tuốt lên phòng Đức Cha mà méc sai câu truyện khiến cha con buồn nhau. Nhưng ngay buổi chiều hôm đó Đức Cha Cassaigne đi tìm gặp chị để làm hoà, Ngài nói cách tha thiết rằng : “ Con hãy tội nghiệp cho nó, nó đau cái chân đâm ra bực bội, thằng ấy cũng khó tính lắm nhưng để Cha rầy nó. Thôi con đừng buồn nữa nhé! Đời là thế!” Các chị em khác sau đó đã chọc cười chị kia rằng : “Từ nay trở đi chừa nhé, đừng  chọc vô núm ruột non của ông già mà khốn thân con!”.

Người Thượng sắc tộc “ KÔ HÔ”

Người Thượng là ai? Phát tích từ đâu? Đó là công việc của nhà nhân chủng học trong cũng như ngoài nước ta, họ đang hăng say làm cuộc khảo cứu hữu ích này. Nhưng còn chính người Thượng thì họ không biết và cũng chẳng cần muốn biết làm gì. Một vùng mây huyền ảo còn bao trùm lên nguồn gốc xa xưa của họ.

Để giúp tìm nguồn gốc của đồng bào Thượng, những nhà bác học theo H. Maspero đã phân loại các thổ ngữ của họ thành hai nguồn gốc chính như sau :

1. Loại ngôn ngữ gốc Malayo-Polynesien. 

2. Loại gnôn ngữ gốc Môn-Khmer.

- Loại ngôn ngữ Malayo-Polynesien : Là thứ ngôn ngữ gốc của giống người sinh sống trong một vùng rộng lớn, từ đảo Pâques ngoài khơi Thái Bình Dương, qua Nam Dương  quần đảo đến Madagascar ở phía Tây Nam và Đài Loan ở phía Bắc. Tại Việt Nam, các sắc tộc thiểu số sau đây được liệt vào loại ngôn ngữ Malayo-Polynesien là : Chàm, Rhadé, Rơglai, Churu, Mdur, Blo, Bih, Giarai, Noãng, Hroy …

- Loại ngôn ngữ Môn-Khmer : Là ngôn ngữ gốc của các chủng tộc gốc Á-châu phương nam (Austro-Asiatique). Vùng bành trướng của loại ngôn ngữ này hẹp hơn, đó là vùng Miến Điện, Mã Lai và các vùng sinh sống của chủng loại Khmer hay chịu ảnh hưởng Khmer. Riêng tại Việt Nam các sắc tộc thiểu số thuộc loại ngôn ngữ Môn-Khmer lại nhiều hơn loại trên. Đó là các sắc tộc : Khatư, Stiêng, Dié, Sedan, Rơngao, Bahnard, Mnơngar, Kôhô (tức Lat, Cil, Srê, Mạa, Noup và Dala).

Tại hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng thuộc địa phận Đalạt, nhóm sắc tộc người Thượng thuộc gốc Malayo-Polynésien thì có những sắc dân như : Rơglai, Noãng và Churu, họ có nhiều liên hệ với sắc tộc Chàm.

Còn những sắc dân Thượng khác trên vùng này thì thuộc gốc Môn-Khmer. Họ ít có liên hệ với sắc tộc Chàm nên bị người Chàm gán cho cái tên tổng hợp bất đắc dĩ là “người Kôhô”. Nhưng Kôhô chẳng qua là một danh từ trổng mà người Chàm xưa dùng để gọi những thổ dân ẩn trốn trên rừng (Kôhô bởi cách phiên âm danh từ “Kahow” của tiếng Chàm mà ra, có nghĩa là người miền rừng núi, cũng như danh từ Montagnard của Pháp, hay Mọi hoặc Thượng của ta vậy).

Danh từ Kôhô ngày nay đã vô tình trở thành một danh xưng tổng hợp để ám chỉ các sắc dân : Lat, Noup, Cil, Dala, Sré và nhiều khi cả sắc tộc Mạa nữa.

Tổng số người Koho ngày nay còn độ 70 ngàn, họ sống rãi rác trên những tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, tại xã Bích Khê thuộc tỉnh Quảng Đức, phía bắc tỉnh Bình Tuy và đông bắc tỉnh Long Khánh.

Hầu hết họ chuyên về nông nghiệp, công việc chính trong năm là trồng lúa. Họ áp dụng hai phương pháp canh tác: ruộng lúa nước và rẫy lúa khô, nhưng cách thức canh tác còn rất thô sơ với những dụng cụ cổ truyền. Họ trồng lẻ tẻ từng khu nhỏ, rối sau một hai năm, lại bỏ rẫy đó đi làm rẫy khác. Họ chỉ biết trồng mấy loại hoa màu phụ để tạm đủ cho việc cung cấp cho việc sinh sống hàng ngày như : bắp, khoai, bầu bí … mà thôi.

Theo B. Bourotte (“Essai d’Histoire des populations Montagnardes du Sud Indochinois” – B.S.E.I Tome XXX, no 1, 1er Trimesse 1955) thì xưa kia họ sinh sống ở vùng đồng bằng duyên hải trung phần, từ lúc có cuộc xâm lược của Chiêm Thành vào thế kỷ III sau Công lịch (Chàm chiếm đất Thuận Hóa năm 246) họ phải bỏ ven biển mà lui sâu vào nội địa và cứ lui dần mãi lên miền cao nguyên này.

Người Thượng ở đây hay sống cố định với ruộng rẫy, vì quyền sở hữu đất đai của họ có tính cách vĩnh viễn và xác thực, cho nên bất cứ ruộng hay rẫy dù đang được canh tác hay tạm thời để hoang đều thuộc quyền sở hữu của chủ đất.

Mỗi làng đều có lãnh vực sinh sống riêng biệt gồm đất canh tác và rừng rậm để dân làng được trồng tỉa, săn bắn và đánh cá. Mỗi làng đều nễ phục vị Tom Bri (trưởng rừng, ông già làng) họ thường gọi là “Kuang bri phi bon” (quan trên cả rừng lẫn hàng xóm). Ông ta có uy quyền thực sự trên dân làng, ai muốn canh tác trên đất làng đều phải có sự đồng ý của ông ta.

Họ rất nặng tình lưu luyến với người cùng quyến thuộc, cùng làng cùng xóm, cùng sắc tộc và ít khi chịu đổi chỗ hoặc xê dịch ra xa vùng đất quen thuộc của ông bà.

Đất đai ở đây không trù phú bằng vùng Buôn-mê-thuộc, Pleiku, Kontum nhưng được cái là khí hậu ôn hòa và mưa gió được phân phối nhiều, nên người Thượng Koho đã chiếm cứ giang sơn này và biến nó thành những ruộng rẫy khá sung túc, để nuôi sống một số làng đông dân cư mà người Pháp xưa kia đã cố ý nắn cho quốc lộ 20 xuyên qua giữa như : Djiring, Kaming, Kơla, Joè, Klongtrau, Dong Dor, Kao Kuil, Djirlãn, Brutbil, Tambô…

Suốt đời truyền giáo Thượng của Đức Cha Cassaigne  đã đổ dồn tất cả nỗ lực cho sắc dân Kôhô này, riêng biệt hơn cả là Thượng Koho ở Dilinh.

Ngài biết họ rất nhiều, biết rõ, biết không bằng đường lối khoa học hay nhân chủng học nhưng bằng đường lối của tình thương, thương yêu thật sự. Suốt đời ngài tìm hiểu họ, không phải để viết sách, làm luận án hay thuyết trình, nhưng tìm hiểu người thượng ở đây thật rõ để thương yêu và phục vụ họ theo kiểu cách thích ứng với họ và sẵn sàng sống chết với họ cho đến suốt đời.

Trong những tháng đau liệt cuối cùng, Đức Cha Cassaigne đau khổ nhất là khi nói ngài phải đi nhà thương Sàigòn, vì ngài không muốn lìa xa lãnh vực mộc mạc nghèo nàn của người Thượng trong lúc chiến tranh đang tiến đến giai đoạn khốc liệt.

Nhiều lần thấy ngài phải mang cơn bịnh đau đớn quá, Đức Giám Mục địa phận Đalạt sau khi nghe các bác sĩ hữu trách giãi bày đã cảm thấy có trách nhiệm lo cho Đức Cha Cassaigne đi nhà thương hay đến một nơi an dưỡng chu đáo đầy đủ tiện nghi hơn, nhưng sự cương quyết của Đức Cha địa phận Đalạt phải chùn ngay khi thấy người bệnh nhân già lão thánh thiện này chắp tay như van xin, vừa khóc vừa nói : “Tôi chỉ xin có ba điều này mà thôi là được CHỊU ĐỰNG, CHỊU ĐAU và CHỊU CHẾT ở đây, giữa những người Thượng của tôi” (Je ne demande que trois choses: tenir, souffrir et mourir ici, au milieu de mes Montagnards).

“Người Thượng của tôi”

Mỗi khi được dịp nói về người Thượng, Đức Cha Cassaigne nói rất nhiều, nói thỏa thích, nói một cách dí dỏm hài hước, khiến cho người nghe muốn nghe hoài và nhiều lúc phải bật cười :

“Quí vị muốn biết về người Thượng của tôi à ? Họ là những người chất phác hiền lành, mà hay nhút nhát. Tâm hồn họ hết sức đơn giản, đơn giản y hệt cách ăn mặc của họ nghĩa là suông tuột từ trên xuống dưới, không cần che đậy gì cả.

Văn minh tây phương của mình họ chẳng cần biết. Người Thượng chỉ biết thờ “YÀNG”, Thần Trời, Thần Đất.

Có người coi họ là man di vì họ có tiếng nói, có phong tục, có cách ăn mặc khác lạ, hơn nữa vì họ ăn uống nghèo nàn, nhưng tình thật mà nói, cái man di mọi rợ của họ ở vài phương diện còn hơn cả cái lề lối văn minh của ta. Tôi thử lấy một ví dụ cỏn con này :

Theo thói thường của họ, một ông thày “MO” (Bơjơu) khi chữa lành một người bệnh thì ông được quyền hưởng một món thù lao lớn nhỏ tùy theo bệnh nặng hay nhẹ, một con gà giò, một con heo, một con trâu chẳng hạn, đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng trường hợp bệnh nhân không khỏi mà lại ngủm đi, thì thầy Mo có bổn phận ngược lại là phải tặng cho nhà hiếu một món đồ để gọi là có qua có lại với nhau, như một khăn đống, một ống điếu hoặc một xâu hạt đeo cổ… làm vật tùy táng bỏ theo quan tài người chết. Một tục lệ như vậy chắc hẳn quí vị ai cũng cho là tuyệt và chúng mình ở đây thì đóng vai bệnh nhân nhiều hơn là vai bác sĩ, chắc quí vị cũng sẽ thích ngã hết về phe người Thượng của tôi vậy.

Dáng vóc của họ to lớn và dẽo dai, thẳng thắn, ít có người thấp lùn, què quặt hay gù lưng. Da của họ màu đỏ sậm như viên gạch cháy táp…

Nhưng họ là những “ông con nít” ngây ngô thích chơi, thích nghỉ, ít thích làm việc, ngay cả những việc cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Tôi còn nhớ có một lần hội bảo trợ giải trí cho giới lao động, từ mẫu quốc phái đến Nam kỳ một uỷ ban để điều tra xem xứ thuộc địa có áp dụng kỹ càng điều lệ chỉ làm việc 40 giờ trong một tuần đúng theo luật lao động cho công nhân chăng. Phái đoàn đầy những ưu tư lo lắng khi nghe đến nếp sống của người Thượng. Để được an lòng, họ đến tận nơi điều tra cặn kẽ, thì mới hay rằng điều lệ mà quý hội bênh vực được áp dụng ngược hẳn lại, là phần động người Thượng của tôi thời ấy làm việc không quá 40 giờ một tháng. Chao ôi, thật là uổng công trình thanh tra của họ biết chừng nào !

Nói rằng người Thượng của tôi không làm gì hết thì hơi quá đáng. Họ bận lắm, không có thì giờ. Người Thượng bận đi chỗ này chỗ kia, bận tán gẫu dông dài, nói bá xàm bá láp, bận suốt ngày đêm để nhắm rượu cần, bận săn, bận câu, bất kể giờ giấc, bận cúng Yàng, bận ma chay lễ vái kiêng kỵ tỉ mỉ theo lề thói từng nét một, bận làm một vài cái thủ công lặt vặt, rồi nếu có dư thời giờ ra … “lúc đó mới đi làm việc…” còn lạ gì với bằng ấy cái bận thì còn giờ đâu nữa mà làm việc đại sự !

Lại nữa nhu cầu họ có gì nhiều đâu mà làm chi cho mệt.

Đất cao nguyên phì nhiêu phong phú, rừng núi thiên nhiên là cả một kho thực phẩm vô tận, không cần lo nhiều cũng có ăn hoài hoài. Thế còn gì đâu nữa mà làm, chỉ còn làm … biếng vậy thôi.

Truyền thuyết của họ thuật lại rằng, xứ này là cái “rốn” của trái đất, xưa kia Thượng Đế vốn lập vườn Địa Đàng ở đây, nội cách ăn mặc của họ có lẽ đủ làm chứng cho cái một cổ xưa thời A-dong và E-và còn sót lại.

Mà thật, miền xứ của họ phúc hậu làm sao ấy … lúc mới sinh, người Thượng là con nít như bất cứ một ai, nhưng lúc họ lớn lên họ cũng là con nít rồi đến già đến chết họ cũng vẫn là con nít. Cho nên hễ là con nít thì không phải làm việc gì cả, mà chỉ chơi không thôi. Họ là những công dân tự do ở thế giới tự do nhất rồi vậy. Nếu mình có trách họ là trách ở chỗ không thi hành đúng theo Lời Chúa trong Phúc Âm rằng : “Ngươi sẽ ăn bánh do bởi sức mồ hôi trán ngươi” thì cũng phải thán phục họ ở chỗ họ dễ dàng đáp ứng Lời  Chúa phán nơi khác rằng : “Nếu ngươi không hoán cải nên con trẻ thì các ngươi sẽ không được vào Nước Trời vậy”.

Cái ăn của người Thượng thật giản dị, không cần đồ ăn ngon, có cái gì ăn cái đấy, miễn là có đủ để ăn cho no, thức ăn thì sao cũng xong : cơm với một miếng cá khô, một vài hạt muối với vài trái ớt là một bữa ăn cho họ rồi. Hơn nữa họ rất dễ dãi, ai mời ăn gì thì cũng ăn tất, chẳng chê ai bao giờ.

Đối với người Thượng, hút thuốc là ai cũng biết cả. Thói quen hút như đã ngấm sâu vào trong xương tủy của họ. Đàn ông cũng như đàn bà, trẻ nít cũng như cụ lão tất cả mọi người đều hút. Thằng cu tẻo teo vừa nhả vú sữa là vơ lấy ống điếu của bà mẹ và cũng đòi bập sơ tí ngụm thuốc, thế mà chẳng thấy đau yếu gì.

Nói đến tật uống rượu ở đây thì thật là vui ! Nếu tổ phụ Noe xưa đã lỡ khai sinh ra cái nòi nghiện rượu thì ngày nay người Thượng của tôi thực xứng danh là hậu duệ đích thực của ngài vậy. Nếu bạn hứa với họ hễ làm trọn ngày thì thưởng một chầu rượu là tương đối thấy anh ta làm khá hơn, và câu chuyện hứa thưởng rượu kia trở thành đầu đề duy nhất cho suốt cả ngày ấy … Nội sự nói đến rượu thôi cũng đủ kích thích mạnh vào khứu giác anh ta để thúc đẩy anh ta làm được nhiều việc làm mấy trường hợp tương tự ở lúc khác anh ta không thể làm kết quả được.

Tửu lượng của họ khỏi chê, có người dám uống từ 10 đến 12 lít rượu cần trong một ngày và còn hãnh diện so sánh : “Người Tây các ông uống rượu như con gà uống nước, còn người Thượng chúng tôi uống rượu như họng suối Klong Trao”. Bên choé rượu cần họ có thể ngồi suốt cả ngày được. Và khí choé rượu này đã lạt vị, không còn pha được nữa thì họ trút hết cả bã hèm cơm rượu xuống dưới sàn nhà, rồi thì nào heo, nào chó, nào gà tất cả xúm xít lại cùng chung nhau ăn tiệc vui vẻ như loài người đang ăn trên sàn nhà. Sau đó, loài người ở trên, loài vật: heo, chó, gà ở dưới, khi đã no say rồi cùng lăn đùng ra ngủ.

Tôi dám chắc rằng trên thế giới này ít có nơi nào mà cả heo, cả gà, cả chó trong nhà đều say rượu y hệt loài người như ở đây bao giờ …thật là vui cả làng vậy”.

Ngài nói thao thao bất tuyệt như thế có khi hàng giờ mà cũng chưa hết câu chuyện người Thượng yêu quý của ngài. Sau cùng ngài kết thúc rằng :

“Ngôn ngữ ở miệng thường nói lên những gì chất chứa nơi lòng. Nhưng tâm, lòng mà thôi không thể nào đủ để thay thế cho cái hiểu cái biết có phương pháp chín chắn được.

Vậy xin quý vị cũng lượng thứ cho tôi về những mẩu chuyện cũng như lối trình bày đàng nào cũng đầy dẫy khuyết điểm cả. Nhưng xin hiểu cho lòng tôi nói lên những câu chuyện này là để quý vị có một cảm nghĩ về những người Thượng yêu quý của tôi, những đứa con cưng yêu mà tôi đã sinh hạ cho Đức Kitô”.

(Lược trích bài thuyết trình của Đức Cha Cassaigne về người Thượng tại Sàigòn, ngày 03.01.1943).

Học tiếng Thượng.

Công việc trước tiên phải lo trong mấy năm đầu là HỌC TIẾNG THƯỢNG. Nhưng làm sao học đây ? Thầy không có, sách vở không có, chữ viết không có, vì tiếng Thượng Kôhô trước đời Đức Cha Cassaigne là thứ ngôn ngữ chỉ để nói và chưa hề phiên âm ra chữ viết bao giờ. Cái khó khăn này ngài đã tả lại trong bức thư gửi cho Hội Dòng năm 1928 rằng :

“Ngôn ngữ người Thượng ở đây là thứ ngôn ngữ chỉ để nói mà thôi chứ chưa hề được viết ra. Cái khó khăn nhất là không có sách mẹo hay tự điển gì cả, phải học mò vậy. Mà khi mình vừa hiểu được ý nghĩa của một tiếng nào, mà vội vàng phiên âm ra chữ viết để ghi theo lối riêng của mình, thì rồi vài ngày sau, tiếng ghi chú kiểu đó lại có ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Nhưng ở đây thì dễ dãi không sao, có lầm lộn cũng không ai chê sai trật gì mà sợ ! Cái xứ này thật là chốn tuyệt diệu cho các học sinh hay sinh viên nào thường hay mắc tội viết sai chính tả.

Một khó khăn nữa là ngôn ngữ của họ chỉ có những danh từ cụ thể, nghĩa là cái gì thấy được, sờ mó được thì mới có một danh xưng, ngoài ra chỉ có một vài danh từ chỉ sự trừu tượng mà thôi, cho nên đối với tôi, một người non nớt mới vào nghề, nó biến thành mù mờ không có gì chính xác cả.

Đó là công việc đầu tiên của mọi nhà truyền giáo mới vào nghề như tôi chẳng hạn ở đất Thượng này: Học tiếng mà không học bằng sách, mà làm gì có sách, chỉ học mò bằng cách trò chuyện với đồng bào. Học như vậy đối với tôi có lẽ vui hơn lối học ở trường theo kiểu : chia động từ, cạo sách mẹo hay dò tự điển.

Rồi chiều đến “ông học trò” này sẽ góp nhặt các danh từ đã học hoặc đã nghe ban ngày mà ghi chú lại, rồi dần dần, cũng như các “cụ thượng” làm việc trong tòa nhà Hàn lâm viện bên Tây, dưới mái nhà tôn, ông ta cũng chập chững làm ra quyển tự điển Thượng ngữ loại bỏ túi”.

(Lược trích bức thư Đức Cha Cassaigne gửi về Hội Truyền Giáo Ba-lê ngày 06.8.1928).

Nhà thờ Dilinh thời phôi thai.

Năm tháng sau khi nhậm sở, cha Cassaigne vận động dựng lên một nhà nguyện tách hẳn ra bên ngoài nhà xứ. Ngài tự đi mót gỗ ván của một ga-ra cũ đem về ghép vá lại rồi đích thân làm mộc, làm hồ, làm cả nghề sơn phết để dựng lên một ngôi nhà vách ván lợp tôn làm nơi hành lễ cho lối 50 giáo dân (ngài dự định như vậy mà thôi chứ lúc đó chưa có). Rồi ngày 20.6.1927 (thứ Hai, sau giờ chầu MTC), nhân dịp cha Barret bổn sở Phan Thiết lên thăm, ngài mời cha khánh thành “dâng thánh lễ đầu tiên” trong nhà thờ mới và từ đó Mình Thánh Chúa được đặt chính thức luôn cho tới bây giờ. Trong thư gửi về Pháp ngài khoe :

“Thế là Dilinh từ nay đã có một ngôi nhà nguyện không sang lắm cũng vừa vừa thôi, nhà vách ván lợp tôn mà ! Lúc ánh mặt trời, thứ mặt trời sáng đẹp của xứ Việt Nam hực lên, thì mái tôn nhà thờ nóng hầm như chảo rang trên lửa, mà khi trời đổ mưa, cơn mưa như thác lũ của cao nguyên thì mái tôn nhỏ giọt như cái rổ xúc cá, vì mấy tấm tôn cũ kỹ bị thủng nhiều chỗ.

Nhưng dù sao tôi cũng có được một nhà thờ riêng với Nhà Chầu để Chúa ngự. Không gì khổ cho một vị thừa sai bằng cô đơn không có một Nhà Chầu để Chúa ở lại với mình. Dĩ nhiên cũng được an ủi phần nào khi nghĩ rằng hồn thanh sạch có ơn nghĩa Thánh thì được Chúa Ba Ngôi ngự trị trong lòng. Nhưng có được một Nhà Chầu thực sự là điều quý báu hơn nhiều, để mỗi khi chiều xuống mình đến tỏ bày với Đấng thực sự sống động nơi đó, những buồn vui lao lực của một ngày vừa qua đi”.

Trường học ! Ôi trường học !

Nói đến học hành, nói đến chữ nghĩa cho người Thượng thời ấy thật là khó khăn. Cha Cassaigne kể lại chuyện tích về chữ viết theo huyền thoại của người Thượng như sau :

“Ngày xửa ngày xưa khi ông Yàng (Ông Trời) định mở trường dạy loài người học thì truyền lệnh cho họ đem que nhọn, đem là chuối (thay bút, thay giấy bây giờ) để Ngài dạy cho mà viết chữ nghĩa lên đó. Sáng sớm Ông Tổ người Việt, người Lào thì tháo vát nhanh chân chạy đi rọc hết lá chuối, còn Ông Tổ người Thượng vẫn chểnh mảng ngủ trưa không lo gì. Khi thấy đã trễ tràng, Ông Tổ người Thượng lật đật vác ná ra bìa rừng hạ một con nai đang đi lang thang rồi lột lấy da nó mà ôm theo vào lớp học và chép bài học thứ nhất lên da ấy. Ngày hôm sau cũng dậy trễ, vội vàng đi kiếm miếng da nai mà ông đã chép bài thứ nhất thì không thấy đâu nữa, vì hôm qua khi đi học về, ông vất cuốn da nai ngoài sân, nhưng tối đến lũ chó đã banh ra xơi tái hết rồi. Yàng thấy vậy thì giận không cho học nữa và quở rằng : “Lười quá như vậy thì mi chẳng bao giờ biết viết”. Thế là thôi người Thượng không biết viết từ đó”.

Vậy mà cha Cassaigne cũng dần dần tập dượt cho lũ con cháu của ông Bành Tổ người Thượng trên đây biết viết, và chúng vui vẻ ê a : Đờ a đa = Đạ (nước) ; Tờ i ti = Ti (bàn tay) ; Sờ o so = So (con chó)… Mỗi ngày con số học trò một tăng thêm và ngày cuối năm cũng có lễ phát thưởng như ai. Phần thưởng ưu hạng ở đây không phải là một cuốn sách to có mạ vàng, nó chẳng có nghĩa lý gì cho họ cả. Phần thưởng hạng nhất là một cái ống điếu đẹp đắt tiền từ bên Pháp gởi tặng (cái thông lệ tặng ống điếu làm phần thưởng vẫn được giữ đều đều mỗi năm cho đến khi Đức Cha Cassaigne qua đời).

Nhưng lãnh việc dạy dỗ lũ trẻ này thì khổ ơi là khổ !

Con trẻ khó dạy là tại vì cha mẹ chúng quá cưng, thả lỏng cho chúng lộng hành. Người Thượng có tội cưng con thái quá, có lẽ vì bệnh tật làm cho họ hiếm con nên có được đứa con nào thì họ coi như vàng như ngọc. Lại nữa người mẹ quê không được ai chỉ dạy về cách săn sóc gia đình nên thường làm hỏng việc giáo dục trẻ  con ngay từ lúc chúng còn non dại. Có đứa bé bốn năm tuổi đầu mà vẫn còn bú mẹ. Có những cậu nhóc con lớn xộn bảy tám tuổi rồi mà vẫn còn được mẹ bồng bế và cho ngậm vú, thế thì còn học với hành gì nữa ! Y Bih Nie Kdam, nhà giáo Rhadé đã phê bình rằng: “Người Thượng có nhược điểm là thờ con cái mình, nên không dám quở phạt để sửa dạy nết xấu của chúng. Họ cứ để mặc con cái muốn làm gì thì làm”.

Cho nên đối với đám học trò này, cha Cassaigne đã phải hết sức vất vả.

Chúng nó như những con dê non, thích chạy, thích nhảy, thích đi rong rong ngoài bụi ngoài bờ ít khi chịu ngồi yên trong lớp. Tới trường thì bút mực giấy viết luôn luôn thiếu. Tập vở, sách học thì mỗi ngày lại mất đi một vài tờ, tra hỏi ra thì là vì cả gia đình lén xé để vấn thuốc hút. Đi học thì cái gì cần lại không có, mà có một món tất cả mọi trò, luôn cả con gái, đều có là cái ná thun. Đang khi cha lom khom viết bài trên bảng thì mỗi hàng bàn mất đi vài chú học trò. Sai đứa khác đi tìm thì bắt được chúng đang rình bắn chim cu rừng ở sau nhà thờ.

Học sinh trốn học ở nhà chơi là chuyện thường, lý do vắng mặt được nêu ra thường vì không có sách, mất vở không dám vào lớp, hoặc vì mưa to, vì sợ cọp không dám đi học… Nhưng nếu tổ chức đi cắm trại thì tất cả đều có mặt và đến trường rất sớm, đến trước khi cả mặt trời chưa mọc.

Ban đầu cha Cassainge phải bận bịu suốt ngày về trường học, mệt với lũ trẻ ban ngày, chiều đến bận lớp giáo lý tân tòng, sau giờ cơm tối còn phải dạy lớp học bình dân.

Trong đám học trò lớp tối có bậc vị vọng cao cấp nhất vùng này cũng cắp sách đi học a, b, c nữa. Đó là ông Bang Tá Thượng, uy quyền trên những 40 làng Thượng vùng Dilinh. Cái oai của ông không tăng thêm cho ông chút trí nhớ nào, nhiều khi những thân nhân khố rách áo ôm dưới quyền ông lại học giỏi hơn ông rất nhiều … nhưng ông Bang Tá này vẫn kiên nhẫn, chiều nào cũng đi học vì chức vụ của ông bắt buộc phải biết chữ. Ông hứa khi nào biết đọc biết viết sẽ giết trâu cúng Yàng và ăn mừng trọng thể. Phần cha Cassaigne chỉ mong một điều là làm sao cho hết mọi kẻ dưới quyền ông trong 40 làng Thượng ở đây đều được biết Thánh Danh Chúa Kitô và kêu cầu Người rằng : “O Yàng cau Giêsu”, lạy Chúa Giêsu là đủ cho ngài rồi. Ông Bang Tá này về sau có chịu phép Rửa Tội sốt sắng trước khi qua đời.

Bản kinh cho người Thượng.

Các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính đã được cha Cassaigne dịch sang tiếng Thượng và các trẻ con đến trường đều đọc lên trước khi học. Trong một bức thư ngài có kể rằng : “Có lẽ Chúa Giêsu cũng phải tức cười khi nghe lũ nhóc con rừng rú này trọ trẹ đọc lên Thánh Danh của Ngài, Thánh Danh mà xưa kia Đức Maria đã âu yếm và kính cẩn mỗi khi kêu đến”.

Kinh sách dịch ra tiếng Thượng ở đây thì chưa có giáo quyền nào kiểm duyệt ngoài Chúa và thiên thần bổn mạng của tác giả vậy.

Nói đến vấn đề dịch kinh sách ra tiếng Thượng, cha Cassaigne khôi hài rằng : “Đến một giai đoạn tiến bộ nào đó, nhà truyền giáo tập sự mới khám phá ra rằng đoạn kinh Tin Kính “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá chết và táng xác…” lại bị dịch sai là …”Philatô chịu nạn, bị đóng đinh, bị chết…”. Thì ra Chúa Giêsu đóng đinh Philatô à ?… Ông ta cuống lên vì thấy rối đạo rồi, cho nên lật đật cho sửa lại ngay. Nhưng phản ứng của nhóm giáo dân dễ dãi này ra sao quý vị có biết không ? Một bô lão lý sự nhất giơ tay phát biểu ý kiến : “Tại sao phải sửa lại, vô lý quá. Chúa Giêsu có đóng đinh mười ông quan Philatô cũng được không sao hết vì chúng độc ác quá chừng … cha cứ để y như vậy đi không cần sửa…!”.

Cau Dơng lơh sơnơm (Ông lớn làm thuốc)

Giữa một vùng tràn ngập bệnh tật nhất là sào huyệt của bệnh sốt rét rừng, cha Cassaigne không thể ngồi yên mà không làm gì để giúp các bệnh nhân nhất là khi thấy họ không biết chạy chữa ở đâu ? Cả ngày ngài đi hết chòi này sang chòi khác, sóc này sang sóc kia, vai mang một bị đựng những thứ thuốc cấp cứu để giúp đỡ không công cho những ai cần đến, vì thế mà người Thượng tặng cho ngài cái biệt danh là “Cau dơng lơh sơnơm” (Ông Đờng làm thuốc – Ông Đờng : Ông lớn, ông tây, khi chưa theo đạo, người Thượng coi cha Cassaigne như mọi quan tây khác nên kêu ngài là ông Đờng thay vì kêu “Bèp”-cha-). Ông lang bất đắc dĩ này có lần tự thú trong bức thư rằng :

“Thế là vị thừa sai bỗng dưng kiêm cả nghề làm thuốc. Vậy mà với vài món thuốc thông thường, ông ta cũng đã thu được lòng tín nhiệm của bà con cô bác Thượng dễ dãi này. Bấy lâu nay hễ ngã bệnh thì họ chỉ có việc chạy đi rước thầy Mo (Bơjơu), mà thầy Mo sẽ làm được gì ? Với những phù phép kỳ quặc vừa vô ích vừa rườm rà, với những lễ cúng tà cúng ma, với những kiêng những kỵ thật dị đoan buồn cười, thầy Mo chỉ còn có nước để mặc cho bệnh nhân chết dần chết mòn rồi đổ là “Yàng không muốn chữa cho nó mạnh”. Thế là xong.

Bởi vậy dù sao thuốc của tôi cũng công hiệu hơn những bày vẽ vô ích của thầy Mo, nên ngày nào cũng có người đến xin băng bó, xin thuốc men. Bà thầy Mo vùng này mất đi một phần ảnh hưởng, và sau cũng chính bà đến thăm tôi và xin thuốc.

CHƯƠNG III

TÔNG ĐỒ NGƯỜI CÙI

Bệnh cùi ! Bệnh cùi ! (tức bệnh phong cùi )

Nhưng không chỉ lo sơ sơ cho những bệnh nhân tầm thường, cha Cassaigne còn xung phong vào thứ bệnh khủng khiếp hơn, đó là bệnh cùi. Y học Đông phương ta có 4 thứ bệnh cho là khó chữa đó là : Phong (điên cuồng) - Lao (bệnh kết hạch ở phổi, ở ruột, ở khớp xương) - Cổ (mù lòa) và Lại (phong cùi).

Nhưng cùi là như thế nào ? Vị giám mục thừa sai trên nửa đời người sống hòa mình giữa đau thương, kinh tởm của những người xấu hổ này sẽ mô tả cho chúng ta biết cùi là như thế nào. Ngài thuyết trình rằng :

“Ở xứ Thượng cũng như hầu hết các xứ vùng nhiệt đới, nơi mà sự ăn ở sạch sẽ và phương pháp vệ sinh ít được lưu ý thì con số người mắc bệnh cùi vượt lên khá cao.

Khi mà có thể còn làm việc được thì người mắc bệnh cùi vẫn còn chung sống với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm gì được nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, mủ máu vấy đầy khiến những người xung quanh nhờm gớm kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết ra sao mặc kệ. rồi yếu liệt cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi đói khổ mà chết dần chết mòn một càch thảm khốc, ấy là không kể trường hợp có thể bị cọp đói tha đi, vì có lời đồn đãi rằng: cọp rất hám thịt người cùi.

Từ thời xưa người Thượng cũng đã biết thứ bệnh cùi này, họ không kinh tởm sợ sệt nó một cách quá trớn như người Âu châu, họ cũng có phương cách chăm sóc người cùi và đôi khi chũng giúp họ lành mạnh được, nhưng có điều là họ không biết tách bệnh nhân ra riêng sớm, để khi lở loét thối tha rồi mới cho đi ở ngoài xa bìa rừng thì đã trễ.

Thân thể người cùi không khác chi một thây ma đang bắt đầu rã rục dần hồi. Mình mẫy bệnh nhân sưng phù lên, hoặc cũng có trường hợp bị khô teo lại, mặt mày trở nét lạ thường, thấy phát sợ, hai vành tai chảy dài, trái tai lòng thòng và sưng phù lên, lỗ mũi bành ra khác thường, đôi môi sưng húp, cặp mắt đỏ ngầu, tay chân biến đổi kỳ dị, rồi từng lóng tay, từng lóng chân rụng đi, lằn gân co quắt lại.

Nói tóm một điều, người cùi là một bệnh nhân biết rõ mình đang chết và với đôi mắt tỉnh táo còn chứng kiến được rành mạch giữa thanh thiên bạch nhật những sình thúi rục rã của chốn mồ sâu !

… Ở đây cho đến bây giờ, người ta chưa làm gì để tiếp cứu những người vô phúc ấy, người cùi bị bỏ mặc cho định mệnh, cho đói khổ, cho ruồng rẫy bơ vơ, và khi không còn sức làm gì được nữa để kiếm ăn, nhất là khi tay chân đã bị cụt mất rồi, họ sẽ gục ngã ở một xó kẹt nào đó rồi chết đi vì đói, vì lạnh, mà chẳng có ai hay biết…”

Mỗi lần thuyết trình đến đây, cha Cassaigne không sao cầm nước mắt được, lòng trí ngài cảm thấy lo âu sợ sệt như chính mình đang mắc chứng nan y này.

“Khi được lên Trời rồi con sẽ nhớ đến cha !”

Nhưng cũng chính trong nhóm người khốn nạn bị bỏ rơi kia, Thiên Chúa nhân từ đã chọn lấy một linh hồn làm hoa trái đầu múa cho công cuộc truyền giáo ở vùng này. Chúng ta nghe ngài kể lại việc người đàn bà Thượng cùi được chịu phép Rửa Tội đầu tiên như sau : 

“Trong những thân chủ tốt lành của tôi có 6 người cùi, tuần nào tôi cũng giúp cho ít gạo, ít muối, ít thịt nai Nhưng có lần nọ thấy vắng đi một bà cùi, và suốt cả tuần như vậy không thấy bà tới lãnh phần dành cho bà ta. Tôi phải đích thân đến tận lều tranh của bà để thăm coi ra sao, thì mới hay bà ta sắp chết rồi, đôi mắt lờ đờ mốc meo, mủ nhớt nhầy nhụa, tràn ứ trên các vết thương đã rữa nát, một mùi hôi thối không chịu được xông ra từ mảnh thân héo tàn đáng thương xót này.

Không để mất thời giờ vô ích, tôi lo dạy bà những điều đức tin căn bản cần thiết, về sự hiện hữu của Thiên Chúa, về sự quan phòng khéo sắp xếp của Ngài … và tôi hỏi bà ta có muốn để tôi rửa sạch những tội lỗi để bà được bay về trời không ?

Dù đây mới là lần đầu tiên tôi bập bẹ dẫn giải, một đôi điều về Đạo Chúa bằng tiếng Thượng, nhưng người cùi đáng thương này cố gắng hiểu. Đáp lại câu hỏi của tôi bà trả lời tôi rằng : “Tôi muốn lắm” và rồi cúi đầu tỏ vẻ ưng thuận. Lúc ấy tôi không có đem gì để làm phép Bí Tích Rửa Tội, Nên phải chạy trở về lấy chai nước nhỏ, và sau khi cắt nghĩa đại khái lại lần thứ hai những điều căn bản về đức tin, tôi đã đổ nước, tái sinh bà trong cuộc sống mới Thiên Chúa.

Khi tôi ra về, bà già đáng thương này tỏ vẻ biết ơn và nói với tôi rằng :

“Cau dờng ! Ăn rơp Kăh dơ mê dỡ ăn gũh rê hơ trồ !”

Ông lớn ôi ! Tui sẽ nhớ đến ông khi tôi ở trên trời.

Lạy cha ! Khi con được ở trên trời con sẽ nhớ đến cha.

Khi ấy là 5 giờ chiều ngày 07 tháng 12 năm 1927, ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thì ra đây là “món quà tặng dịp lễ” mà Bà Mẹ trên trời gửi cho chú thợ bé bỏng của Người. 

Nên khi vừa về đến nhà, tôi đi vào nhà thờ bé tí của tôi đề xướng lên “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Kinh Magnificat ấy tôi muốn được hát lên với những giọt lệ hầu tỏ bày cho Mẹ hiểu rằng, Mẹ đã ban cho cậu con này một niềm vui vĩ đại, niềm vui vĩ đại đầu tiên từ sau khi chịu chức và từ sau lễ mở tay của nó”.

Cái chết tốt lành của bà Thượng cùi trên đây đã khích động thật sâu xa tâm hồn Tông Đồ của vị linh mục thừa sai mới vào đời này, sâu xa đến nỗi cha Cassaigne thường hay nhắc đi nhắc lại câu chuyện ấy, và ngài sánh ví câu “Tôi sẽ nhớ đến cha khi được ở trên Trời” là viên đá đầu tiên được đặt xuống để khởi đầu công cuộc thành lập làng cùi của ngài một năm sau đó.

Nhưng vạn sự khởi đầu nan, cha Cassaigne còn phải vượt qua biết bao trở ngại nữa mới thấy được mộng ước của ngài trở thành sự thật, vì không phải luôn luôn được an ủi như vậy. Ít tháng sau đó cũng lại xảy ra một trường hợp như trên nhưng thảm bại đau đớn cho cha rất nhiều. Cha kể rằng :

“Cũng trong đám người được tôi giúp đỡ, có một anh cùi sống cô độc khổ sở ở một làng rất xa. Anh ta thường đến tôi để xin gạo muối, cá khô mà sống qua ngày. Trông thấy anh ta lê lết bò đi vất vả quá tôi bèn dựng cho anh một cái chòi tranh cạnh nhà tôi để khi anh đến nhận khẩu phần thì trọ lại đó qua đêm và hôm sau mới trở về làng. Mỗi lần anh ngủ lại thì đêm đó chúng tôi cùng hút thuốc và xem chiếu hình giáo lý với nhau.

Nhưng qua đầu mùa khô năm ấy (tháng 11) mùa mà người ta thường bị sốt rét nhiều nhất, thì tôi bị ngã bệnh liệt giường suốt ba tuần liên tiếp không đi đâu được. Trong suốt ba tuần ấy anh cùi kia cũng không thấy tới, và phần gạo muối dành cho anh vẫn còn đó.

Thấy vắng anh quá lâu tôi bắt đầu áy náy, nên khi vừa bớt sốt tôi băng rừng tìm đến chòi anh ta, nhưng chòi trống trơn, không còn ai ở trong đó nữa, tôi hỏi thăm ra mới biết là anh cùi ấy đã chết cách đây 4 ngày. Anh ta yếu liệt, nằm cô đơn một mình, rồi không còn gì để ăn và không có ai tiếp tế cho, nên anh ta đã chết vì đói lạnh.

Nghe anh ta đã chết sự chán nãn não nề như giòng nước rét buốt đang chạy luồn qua xương tủy … Ôi ! Người chầu nhưng quen thuộc này đã vĩnh viễn ra đi… mà chưa được chịu phép Rửa Tội trước khi nhắm mắt như lòng anh ao ước …

Tim tôi như muốn nứt làm đôi … ! Giờ thì không còn gì nữa, tôi lẩn thẩn ra về, người tôi bần thần dã dượi không phải vì cơn sốt rét đang lên cho bằng vì hụt mất một tân tòng … Một linh hồn dù là man di hay phong cùi đi nữa cũng là giá máu Con Đức Chúa Trời !…

Ở miền trung cũng như ở miền nam nước Việt và cũng như ở rải rác khắp vùng Á châu, người ta còn có được những trại cùi dành riêng cho hạng bệnh nhân vô phúc này, còn ở đây trên vùng đất xa xôi của người Thượng, lại không có gì cho người Thượng cùi cả, mặc dù người cùi ở đây có tới hàng trăm, làng nào cũng có. Người cùi sống chung đụng với gia đình cho tới khi thân thể lở loét nhầy nhụa ra để rồi bị nhờm gớm, bị khinh tởm mà phải lê chiếc thân tàn ra đi.

Đang miên man trong ý nghĩ đen tối này, bỗng tôi nhớ lại lời Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu khi nói về con đường nên thánh của người rằng : “Thiên Chúa không bao giờ cho phát khởi lên một ước vọng nào để rồi ước vọng đó lại không thực hiện được”.

Tôi ước muốn được thu góp tất cả những bệnh nhân vô phúc này lại một nơi, làm thành một làng riêng biệt cho người cùi, để luôn có sẵn họ trong tay mình hầu tiện việc săn sóc họ lúc nào cũng được và dạy dỗ họ thường xuyên hơn, nhất là đừng để một linh hồn nào trong đám người này ra đi về bên kia cõi thế mà không có vé vào cửa Thiên Đàng.

Chúa xưa đã làm phép lạ cứu chữa những kẻ phong cùi, và Chúa cũng hứa ban cho các tông đồ cũng được quyền làm phép lạ như Người, vậy thì hỡi các bạn đọc thân mến, hãy giúp đỡ ông linh mục non trẻ đang coi sóc những người Thượng ở đây, ít ra để cứu vớt phần linh hồn những người cùi vô phúc kia”.

(Lược trích bức thư của cha Cassaigne tháng 8. 1928).

Dự tính thiết lập làng cùi.

Đến đây, ta thấy tâm hồn vị linh mục thừa sai trên vùng đất Thượng này đang bị những nỗi thống khổ tột độ của nhóm người cùi dồn dập thúc bách. Ngài đang muốn làm một cái gì cho họ, thì vài tháng sau có một câu chuyện khác lại xảy ra, khiến cho ngài không còn chần chờ được nữa :

Một ngày cuối thu năm 1928, trong chuyến viếng thăm làng Thượng xa, cha Cassaigne phải băng qua đường rừng vắng một mình. Cha đang lần tràng hạt, thì bỗng từ trong hốc tối âm u, có tiếng chân người dồn dập, có nhiều giọng la ú ớ kêu ngài dừng lại. Và kìa, những bóng dáng quái dị xuất hiện như một đoàn ma đói, thân hình họ xác xơ, kẻ mất tay, người sứt mũi, miệng chảy nước lòng thòng và tất cả hầu như què quặt. Họ cố đuổi theo cha, bao vây lấy ngài và đồng kêu gào thảm thiết :

“Ơ cau dơng ! Ơ cau dơng ! Dăn nđàc sơngit bol hi !”

“Ớ ông lớn ! Ớ ông lớn ! Xin thương xót chúng tôi !”

Rồi tất cả sụp lạy ngài và khóc rống lên như trong đám chết. Cha Cassaigne chết điếng người vì sợ hãi, vừa mủi lòng không nói lên được lời nào. Thì ra đây là nhóm người cùi, họ bị xóm làng kinh tởm đuổi đi, họ tập họp nhau lại từng tốp ngoài rừng xa, sống lây lất qua ngày để chờ chết. Có lẽ họ đã nghe lời đồn đãi về ông Đờng làm thuốc và hay thương giúp người cùi này rồi. Họ đón chờ ông trên khúc đường vắng để xin ông một cái gì.

Ngày xưa mười người phong hủi đã đón Chúa Giêsu ở ngõ đường vắng xứ Galilê để xin Người làm phép lạ. Còn ở đây cha Cassaigne làm gì làm phép lạ được ! Nhưng Chúa Giêsu muốn cho ngài làm một sự lạ khác, là hy sinh chính mình để ở với người cùi cho đến chết, như thế có ích lợi hơn.

Sau khi lấy lại tinh thần, cha Cassaigne bèn hỏi họ :

- Các anh đi đâu ? Và muốn gì ?

Tất cả đều làm thinh không dám trả lời, một lúc sau người đàn ông lớn tuổi hơn hết trong bọn họ bèn thay mặt cho anh em trả lời rằng :

- “Dăn dong bol hi ! Bol hi rơbăh robừp ir !”

- Xin giúp chúng tôi ! Chúng tôi khổ quá rồi !

Cha Cassaigne không còn thối thác được nữa, cha bị bắt buộc phải làm một cái gì cho những người Thượng cùi khốn nạn kia.

Trên con đường về vắng lạnh, bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu dự tính, bao nhiêu chương trình đang múa may trong tâm trí của người thừa sai mắc bệnh sốt rét này. Ngài nhất định phải tra tay làm việc không chần chờ nữa. Và vài ngày sau đó, việc lập làng cùi được xúc tiến ngay.

Thành lập làng cùi.

Khu đất được chọn là khoảng đất trống dưới chân đồi mang biệt số 1081 gần mé ruộng, cách nhà xứ Dilinh không đầy 1000 thước.

Những chòi nhà sàn lợp tranh được tự túc dựng lên. Rồi các người cùi đơn độc từ các nơi được mời về chung sống tại đó.

Ngay những ngày đầu con số cùi đã tập trung lên đến 21 người. Nhưng cảm tưởng của những người này như thế nào ? Họ có thỏa mãn chưa ? Có lẽ chúng ta ai ai cũng thầm đoán rằng được góp về chung sống một chỗ có người lo thuốc men cơm cháo thì còn gì hơn … Nhưng sự thực trái hẳn. Cha Cassaigne phải than rằng :

“Lúc ban đầu, việc thành lập làng cùi là một điều kỳ quặc khiến cho trí óc mộc mạc của người Thượng đâm ra nghi ngờ. Họ không thể hiểu được ông Đờng nuôi nấng, chăm lo cho người cùi để làm gì.

Người cùi thì càng ngờ vực hơn, vì có kẻ xấu mồm đã kháo láo rằng ông cha nuôi cùi cho mập béo để bán về Sàigòn cho cọp sở thú ăn thịt. Câu chuyện gở lạ như vậy lại được nhiều người tin suốt hai tháng đầu, khiến nhiều người cùi đã đến ở đây rồi lại trốn về vùng cũ, nhưng sau một ít lâu, họ thấy những người cố lì ở lại với cha thì không những được nuôi ăn mà còn lại được săn sóc tử tế, nhất là được yêu quí chiều chuộng, thì lại lục tục kéo trở về và tin đồn kia xẹp dần đi.

Làng cùi Dilinh không phải là một nhà thương, cũng không phải là khu biệt cấm dành riêng cho bệnh nhân truyền nhiễm với những luật lệ nghiêm khắc. Đây là một làng quê có một số dân cư lựa lọc kỹ, một vùng đất sống cho người Thượng cùi. Làng Thượng cùi này có tổ chức chu đáo, có nhà rộng, có phòng phát thuốc, phòng chiếu bóng, nhà thờ hẳn hoi. Cũng có công viên, có đường xá được tu bổ giữ gìn kỹ lưỡng. Người trưởng là một ông Thượng cùi, ông ta đứng ra lo an ninh trật tự cho làng xóm nhỏ bé đó.

Nhà cửa được cất theo kiểu người Thượng, nghĩa là nhà sàn, lợp tranh, cất riêng nhau thành nhiều chòi nhỏ, mỗi chòi chứa vài người cùi đã tự do lựa nhau để sống chung cho vui.

Ngay cổng vào trại, một nhà nguyện vách ván, không bàn ghế, chỉ có duy nhất một cái bàn độc để dâng lễ, bên trên để tượng chuộc tội. Chúa Giêsu chịu đóng đinh giang tay ra để như hòa mình trong nỗi thống khổ của những người xấu số nhất.

Nghe tên nhà cùi, người dân ở đây khiếp lắm. Đứng xa nhìn vào, người ta cho rằng đây là mấy dãy nhà xác lưu giữ những thây cùi hoi hóp chưa chết thật sự nhưng thân thể đã rã rục thối tha, cho nên ít ai dám đi vào lối ấy. Nhưng khi vào bên trong người ta mới biết đây là một nơi tràn ngập hy vọng.

Trong làng này, người cùi cùng sớm tối có nhau, họ được săn sóc, họ được ủi an, họ được nuôi dưỡng tử tế, tránh được những hiểm nguy của kiếp sống cô đơn nơi rừng vắng, bấy nhiêu đó đủ gợi lên trong tâm hồn họ một sức chịu đựng và đôi chút niềm vui.

Người cùng đồng cảnh ngộ, cùng một mối ưu tư lo nghĩ về số kiếp bạc bẽo, thường sống với nhau rất thuận thảo. Và nếu thêm được vào đó một Niềm Tin, họ thấy ham thích hoạt động trở lại và khao khát muốn sống.

Hơn nữa khi được xác tín rằng mọi đau thương khổ não mà họ đang chịu sẽ là nguyên do để họ được tưởng thưởng xứng đáng đời sau, và khi bầu khí yêu thương và nếp sống tạm đầy đủ ở đây thu hút được cảm tình của họ, bệnh nhân cùi bắt đầu tươi trẻ lại và trở nên vui vẻ phần nào…”

(Trích bài Đức Cha Cassaigne nói chuyện về người cùi Dilinh tại Sàigòn ngày 03.01.1943).

Ngày 11.4.1929, làng cùi Dilinh được chính thức công nhận. Chính quyền Pháp thời ấy đã chiếu cố đến tổ chức từ thiện tư nhân này, họ đã trợ cấp cho mỗi bệnh nhân cùi mỗi ngày 15 xu. Tổng số người cùi vào bữa khánh thành là 21 người, đến cuối năm, con số lên 33 người và bốn năm sau, làng cùi phải chứa trên 100 bệnh nhân từ các buôn sóc Thượng lò mò kéo đến.

“Bèp sơnđàc kon can ngăn” – Ông cha thương người Thượng lắm.

Xem thấy công trình vĩ đại như vậy, người thượng bắt đầu tin tưởng vào ông cha sốt rét Dilinh. Người cùi ở các nơi xa, được làng xóm khuyên bảo thúc giục, lần lượt tựu về mỗi lúc một đông hơn. Họ tuôn đến từng tốp mệt lả, dơ bẩn tả tơi gần như trần trụi. Ban đầu họ khiếp sợ lo âu, nhưng bọn đến trước vui cười tiếp đón họ một cách niềm nở và trấn an họ rằng :

“Bep sơnđàc bol hi ngăn, rơlau mơ me bâp sơnđàc bol hi”.

“Ông cha thương chúng mình lắm, hơn cha mẹ mình thương mình”.

Để gọi cha Cassaigne, danh từ “Bèp” (cha) từ đây lưu thông khắp vùng để thay thế cho danh từ ông Đờng đầy vẻ thực dân, rồi từ làng cùi, mọi người đều bắt chước gọi “Bèp Cách Sành” (cha Cassaigne) khắp nơi.

Nghe tiếng xe cha từ xa, tất cả bệnh nhân cùi đều nháo lên, rồi cùi lớn cùi bé, đua nhau chạy ra cổng để đón ngài như con nít đón mẹ đi chợ về, miệng kêu om xòm : “Ơ Bèp ! Ơ Bèp !” (Lạy cha, lạy cha ạ !”. Có những ông già mừng quá chạy ra quên vấn cả khố, thật đúng là những ông “con nít”. Rồi giống như một bà mẹ chu đáo, cha Cassaigne vừa bước xuống xe là ngó qua từng người, miệng quát tháo từng việc :

“K’ Broh ! Cha đã bảo con nhiều lần, phải luôn luôn choàng áo, chứ để trần thì nhiễm phải gió độc, con hay đau mà không giữ gìn gì hết. Đi vô lấy áo quần cha mới cho hôm qua tròng vào đi”.

Ông già bệnh cùi vừa lom khom chạy đi vào chòi vừa cười khúc khích : “Con mạnh rồi, mặc quần áo nóng nực lắm”.

Thật là một cảnh gia đình ấm cúng.

Làng cùi trên đà phát triển.

Với chút ít tiền xin được ở các nhà hảo tâm, cha Cassaigne cất riêng một nhà phát thuốc và phòng băng bó (28.8.1929).

Rồi ông ty Công Chánh cho một nhà trạm cũ của sở lục lộ ở gần cầu Đại Ninh, cha đi tháo hết về và mót ván gỗ cất một nhà nguyện cho làng cùi. Với số tiền cơ quan từ thiện Đalạt thu được nhờ tổ chức hai buổi chiếu bóng dịp Tết Tây 1931 tại Lang Biang Palace được 401 đồng để giúp làng cùi, cha cất thêm nhà cho bệnh nhân và tháng 3 năm đó, cha đứng ra tổ chức làm con đường rộng rãi từ mặt lộ cái đi Gia Bắc vô làng cùi, đường này ngày nay hẳn còn và trở nên trục lộ chính của làng này.

Nhưng chính trong người của cha Cassaigne thì như thế nào ?

Ngài vẫn sốt rét liên lỉ. Ngay khi tổ chức lễ ra mắt làng cùi xong ngày 11.4.1929 thì ngài nằm liệt giường, đến nỗi cha Nicolas phải đem xe từ Đalạt xuống bốc ngài đi nằm nhà thương. Nhưng cũng như bắt cóc bỏ dĩa, vừa hơi mạnh là cha Cassaigne lại trốn về Dilinh viện cớ rằng mắc lo cho bệnh nhân đang đau nặng ở đó không bỏ được. Trong năm ấy cha đau nhiều nhất, sốt rét hành hạ ngài liên lỉ suốt bảy tháng trời. Nhưng con người hoạt động này không nghỉ ngơi chút nào, khi không dầm sương dãi nắng xông pha vào các làng Thượng được, thì trên giường bệnh ở nhà tuy đắp kín mền mà lưng vẫn dựa vào thành giường cặm vụi viết lách suốt ngày, để kịp thời cho xuất bản cuốn tự điển Thượng ngữ Koho - Pháp - Việt đầu tiên tại nhà in Tân Định ngày 28.12.1929.

Kỳ cấm phòng năm (05.01.1930), tại Sàigòn cha đã kiệt sức không theo anh em được, cha Bề Trên Đại Chủng Viện phải đưa ngài vào nhà thương. Ngài nằm lại đó gần cả tháng mới đứng lên nổi.

CHƯƠNG IV

PHONG TRÀO TUYỂN MỘ CÔNG NHÂN NGƯỜI BẮC

LÊN CÁC ĐỒN ĐIỀN CAO NGUYÊN VÀ

NHỮNG GIÁO XỨ ĐẦU TIÊN TRÊN ĐỊA PHẬN ĐALẠT.

Đồn điền cao nguyên.

Vào thời kỳ ấy,  chính phủ thuộc địa đang chú trọng đặc biệt đến các vùng cao nguyên Thượng.

Sau khi thiết lập các trục lộ chính đi vào các cao nguyên và tổ chức nền hành chánh tại các địa phương ấy xong, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu khai thác các vùng đất màu mỡ này bằng việc cổ võ thiết lập các đồn điền lớn nhỏ đủ loại để trồng các giống cây kỹ nghệ hầu có thể sản xuất đại quy mô.

Rập theo chương trình ấy, tỉnh Đồng Nai Thượng bắt đầu khai phá các thửa đất dọc theo hai bên quốc lộ từ miền duyên hải lên trung tâm dưỡng sức Đalạt. Vùng đất được chú ý trước tiên là khu chu vi từ chân đèo Prenn đến đèo Krongpha, từ Finom đến Dran, một cách đồng ruộng trên 200.000 mẫu tây nằm dọc theo con sông Đanhim. Những trại canh nông, xưởng cưa, đồn điền cà phê, đồn điền trà, vườn cam quýt, rau cải, sở mủ ngo… lần lượt mọc lên làm cho cảnh sinh hoạt tăng thêm cảnh sầm uất nhộn nhịp.

Tuy nhiên vấn đề nan giải là nhân công, vì vùng này đất rộng nhưng dân cư thưa thớt, còn người Thượng đã ít lại không thích đi làm sở vì bận bịu với ruộng rẫy nên chánh quyền phải tiếp trợ vào bằng cách chấp nhận việc tuyển lựa nhân công từ những vùng đất nghèo nàn nhưng quá đông dân cư ở miền trung châu Bắc Việt.

Vì phải lo nghĩ nhiều đến cảnh sống chật vật của con chiên, các Đức Cha miền Bắc như Đức Cha già Đông (Mgr Gendreau), Đức Cha già Thịnh (Mgr Chaize), Đức Cha già Trung (Mgr Mũgnagorri), đành phải để cho giáo dân phiêu cư vào Nam làm ăn sinh sống tuy các ngài rất đau lòng.

Công việc này phải nhờ vào cha chính xứ Nam Định thời ấy là cố Cao (P. Vacqiuer) đứng ra lo hộ vì cha có tài hoạt bát lại quen biết với công sứ Pháp vì là em của ngài.

Các công nhân nào muốn đi vào Nam, nhất là các giáo dân có sự giới thiệu của cha xứ, thì được tập trung về khu nhà thờ Nam Định lo giấy tờ, lãnh một số tiền theo tờ ký hợp đồng lao động, lãnh gạo muối cá khô, ra ga tàu hỏa đi không mất tiền cho đến nơi mà chủ nhân lãnh nhận. Lúc đầu chính cố Cao hướng dẫn họ đến nơi đến chốn, tranh đấu quyền lợi cho từng người. Phải đi lìa xa xóm làng và khung cảnh quen thuộc, các công nhân này lúc đầu rất ái ngại lo lắng, nhưng nhờ uy tín cố Cao, mọi người ra đi với ngài đều được vững lòng.

Giáo Xứ Finôm “Bắc Hội”.

Một bữa chiều trời mưa giông tầm tả, có ông khách gầy, cao lêu nghêu như cây tre khô, đội áo mưa hấp tấp đi vào nhà xứ Dilinh. Ông xin ngủ trọ một đêm ? Không ! Ông đòi buộc, ông ra lệnh phải dọn cho ông một chỗ ăn ngủ tươm tất nhất và ông tự xưng là một thượng khách cao hơn hết dưới vòm trời này. Cha Cassaigne đang sốt rét nằm co rút trong chăn cũng phải thò cổ ra xem thì mới hay đó là cha Vacquier.

Bất cần xét chủ nhà đang trong tình trạng nào, ông khách ra lệnh : “Ngày mai cha phải lấy xe nhà của cha vừa mua lại, đưa tôi lên Đalạt”. (Cha Cassaigne mới vừa nài lại chiếc xe Traction cũ của một công chức đi về Pháp ngày 09.7.1928 với giá là 920 đồng do tiền của Tòa Giám Mục Saigon cho mượn mà phải trả góp làm nhiều năm mới hết).

Sáng hôm sau, hai anh em linh mục đưa nhau đi Đalạt. Đi nghỉ mát ? Không ! Xe qua Liên Khang, không đi thẳng nhưng rẽ về phía Finom, rồi dừng lại nơi sở đồn điền càphê của ông Dessfis, trắc địa viện chuyên môn ở Đalạt.

Bỗng từ trong những túp lều tranh mới dựng lên, lố nhố một nhóm người ăn vận bộ đồ màu đà chạy ra đón : “Lạy cha, chúng con xin phép lạy hai cha !”. Cha Cassaigne chưng hửng không biết chuyện gì mà có đoàn dân lạ lùng như vậy trên cao nguyên người Thuợng này, thì cha Vacquier oai nghi như một Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo ra lệnh : “Ta ban cho ngươi quyền coi sóc chúng nó, ta hết trách nhiệm rồi. Này ta trao cho ngươi chìa khóa … đóng mở tùy ý…”. Rồi vừa nói vừa móc túi đưa ra một điếu thuốc lá Algérie đã bẹp dúm vì áo dòng của ngài nhàu nát từ mấy ngày nay chưa thay. Rồi ngài phán tiếp : “Nhà người nghe rõ lệnh rồi chứ ?”. Và cha Vacquier phát cười lên một cách đắc thắng.

Như vậy là cha Cassaigne lãnh thêm một trách nhiệm, không có giấy tờ, không có bài sai, chỉ có tình thương thay thế tất cả. Và từ ngày đó cha luôn luôn đến với nhóm người này, mang theo ghế xếp, gói theo bánh mì khô, ăn ngủ lại để tranh đấu cho họ xin đất cất nhà thờ và lo sắm sửa mọi sự cho giáo xứ mới này. Nhà nguyện làm bằng ván ngo lợp tranh rộng vừa phải và cha con cũng khánh thành ngày 01.9.1928, nhằm ngày thứ Sáu đầu tháng áp lễ Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ. Số giáo dân lúc đó được 35 người, toàn người Bắc rất mộ mến các Bí Tích và giữ các lễ nghi tôn giáo đúng lệ ông bà truyền lại.

Quả bí rợ đầu mùa.

Dù sao, nhiệm vụ chính của ngài, mối ưu tư lo lắng ngày đêm của ngài vẫn là công việc truyền giáo cho đồng bào Thượng. Nhưng than ôi, chưa có gì gọi là tiến triển cả. Chán ơi là chán !

Vào cuối mùa mưa năm 1929, năm mà cha Cassaigne đau nhiều nhất, thì làng cùi gặp những khủng hoảng gần như tan rã đến nơi. Bệnh nhân ốm liệt liên miên, mưa bão lút suốt tháng trời, nhất là những vết tàn phá của năm Thìn tang tóc vừa qua chưa hàn gắn kịp thì đường giao thông sụp lở, cuộc tiếp tế bị kẹt, vật giá leo thang, cha không đào đâu ra tiền để mua sắm những nhu cầu khẩn cấp được, đành phải chịu vậy. Cha Cassaigne khổ tâm lo nghĩ rất nhiều, và mỗi khi nhớ đến viễn tượng mù mịt của việc truyền giáo Thượng không chút gì xán lạn làm cho lòng càng thêm ngao ngán.

Cảnh chiều mưa hôm ấy buồn làm sao ! Trời đã mưa dai dẳng sang qua ngày thứ 9 rồi. Gạo, cá khô đã bắt đầu cạn. Cha một mình cuốc bộ từ làng cùi về nhà, mình mẩy ướt đầm, tay chân lạnh cóng rã rời, cơn chán nản như vết dầu nhớt đen ngòm đang chầm chậm lan đi trong huyết quản, thì bỗng có bóng người trùm áo tơi bằng lá kè từ phía ruộng đi lên, tay thủ chiếc xà gạc đề phòng.

- Sao cha về trễ quá vậy ? Ở nhà ai cũng lo…

Nghe giọng nói quen thuộc, cha nhìn kỹ thì ra đó là K’Brai, một thanh niên Thượng hay lui tới với cha bấy lâu nay. Anh độ 20 tuổi, con nhà có thế giá trong làng.

- K’Gơh đau nặng sắp chết, cha phải ở lại với nó. Anh đi đâu vậy ?

- Tôi đi đón cha. Trời chiều mưa thì cha đừng đi bộ qua lối này, có cọp !

Hai người thinh lặng đội mưa lần mò đi về phía làng xóm.

Để đánh tan bầu khí mệt lã buồn thiu. K’Brai rỉ rả nói : “Tội cho cha quá, tối nay thế nào cha cũng trở lại sốt rét cho mà xem”.

Nghe nói đến sốt rét, cha Cassaigne rùng mình như tên tử tội nghe nói đến cực hình, cha lắc đầu làm thinh không nói, nhưng nỗi chán nản như bức màn đen rũ xuống trùm kín lên mọi chí khí hào hùng của ngày chịu chức linh mục ! Không có gì kinh khủng bằng chán nản tuyệt vọng !

Nhưng bất ngờ K’Brai nhỏ nhẹ một cách thành thật rằng : “Cha tốt với người Thượng như thế này, chắc rồi đây thế nào tôi cũng phải theo cha mà thờ ông Yàng cha thờ”.

Cha Cassaigne sững sờ, dừng hẳn lại nhìn anh chàng thanh niên xấu xí này một cách hết sức trìu mến. Cha không ngờ người mà dân thành phố chê là “mọi” ấy lại giàu tình cảm như vậy. K’Brai xin theo gương cha mà thờ Thiên Chúa của cha thờ !!! Cha Cassaigne vốn đa cảm, ngài vội vàng đưa tay vuốt nhanh lên mặt, một dòng nước rỏ dài dọc theo gò má, không biết là nước mắt hay nước mưa … Từ ba năm rồi cha chỉ mong có một lời nói tương tự, thốt lên từ môi miệng bất cứ một người Thượng nào … Hôm ấy là ngày 14.8.1929, ngày áp lễ Mông Triệu.

Rồi từ đó trở đi, K’Brai chính thức xin học giáo lý và tập sống đức tin, để chuẩn bị ngày được tái sinh trong nước Rửa Tội.

Ngày thứ Tư 19.3.1930 nhằm lễ thánh Giuse, K’Brai, người Thượng Koho đầu tiên đã được chịu phép Rửa Tội lấy tên thánh là Giuse.

Cuộc lễ hôm ấy thật là trọng thể. Chủ tế là cha Soullard, cha sở nhà thờ Chánh Tòa Saigòn, đại diện Đức Giám Mục. Hiện diện có cha Lorrison quản lý Hội Thừa Sai, cha Nicolas Đalạt, cha Lèfèvre và cha Courtois sở họ Phan Thiết. Đặc biệt có bà Mẹ Francoise và ba nữ tu dòng Thánh Phaolô nhà Trắng Saigòn cùng dự lễ : Đây là lần đầu tiên các nữ tu đến vùng này. Dịp này, K’Brai và 8 tân tòng người Kinh cũng được cha Soullard thay quyền Giám Mục ban phép Thêm Sức trọng thể.

Buổi chiều hôm đó khi quan khách ra về rồi, K’Brai cũng vẫn với bộ lễ phục ban sáng, nghĩa là khăn đóng áo dài, nhưng … phía dưới trụi lũi … ! Vì anh vấn khố ! Anh vui vẻ như một đứa trẻ thơ, đi thẳng vào phòng riêng của cha, lưng gùi một cái giỏ nặng.

Cha Cassaigne đang viết lách sực nhìn thấy anh, cha phát cười muốn vỡ bụng vì lối ăn mặc lạ lùng của anh ta, ngài hỏi :

- Cái quần trắng cha cho con đâu, sao không mặc vô ?

-      Bận quần không quen, nực quá mà … ! Anh K’Brai vừa trả lời vừa đặt quà của anh đánh kịch một cái xuống sàn nhà, anh nhe răng ra cười và nói : “Con để dành cho cha trái bí rợ này từ hôm bắt đầu có bí đến nay”.

Cha Cassaigne mừng quá cúi xuống bưng quả bí lên gần không muốn nổi, quả bí rợ to kềnh, nặng gần 5 ký, da bí dầy ửng ra đủ màu : vàng, xanh, đỏ sặc sỡ, tiêu biểu cho vẻ sung túc của một vùng đất cao nguyên màu mỡ phong phú.

Thì ra người tân tòng Thượng, hoa trái đầu tiên của vườn Hội Thánh cao nguyên đã mang tặng người cha thiêng liêng của mình một quả bí rợ đầu mùa, sản phẩm quí nhất trong rẫy anh ta. Thế mới hay :

Trên miền đất chông gai,

Ai gieo trong nước mắt hòa mồ hôi,

Khi về vui sướng bồi hồi,

Nai lưng mà gánh hoa màu xinh tươi.

Bức thư định mệnh !

Cha Cassaigne sung sướng hãnh diện làm báo cáo kết quả truyền giáo lên Đức Cha Dumortier, vị Giám Mục chỉ có một niềm khát vọng là lo đem ánh sáng Phúc Âm đến cho mọi kẻ nghèo khó, nhất là đồng bào Thượng trong địa phận mình. Cha Cassaigne thầm đoán rằng Đức Giám Mục của mình sẽ nở một nụ cười thỏa mãn trên đôi môi nghiêm khắc và sẽ hồi âm bằng một bức thư đầy khích lệ.

Nào ngờ khi nhận được thư của Đức Cha Saigòn, cha nôn nao đọc với bộ mặt hí hởn vui mừng, bỗng dưng mặt ngài tái sầm lại, nét da xanh mét lại càng xanh mét thêm rõ rệt hơn. Trong bức thư Đức Thầy khiển trách nặng nề, cho rằng Rửa Tội quá vội vàng, ngài phê rằng: “Thượng mà cho theo đạo có một người, thì chỉ có Chúa mới biết trước nó sẽ giữ đạo bền hay không”.

Thế là Đức Cha Dumortier gián tiếp ra lệnh phải cố gắng gấp hai để cho gia đình K’Brai và bà con thân thuộc anh ta cũng nhận ánh sáng Phúc Âm để họ nâng đỡ nhau giữ vững đức tin.

Cha Cassaigne phải cố gắng nhiều hơn. Suốt Mùa Chay năm đó, vừa mới thêm nhà thờ, vừa cổ động mua chuông để làm phép trong lễ Phục Sinh, vừa cặm cụi dạy giáo lý cho tân tòng thì đến lễ Giáng Sinh năm 1930, cả gia đình K’Brai là 8 người cùng chịu phép Rửa Tội.

Rồi nhờ có sự trợ giúp của K’Brai, người tân tòng đầu tiên, Cha Cassaigne mở thêm lớp dạy giáo lý, gia tăng sự thăm viếng thúc giục, con số người Thượng dự tòng, năm 1931 lên đến 98 người.

Sự cố gắng này làm cho cha Cassaigne gầy còm đi, vì phải nuôi ăn cho những 50 người cùi trong thời gạo châu củi quế, ngài phải cố vác súng đi săn để kiếm thêm thịt rừng nuôi họ. Chẳng may vì băng rừng lội suối nhiều, chân cha bị thương  sưng vù lên không đi được nữa phải chở lên nhà thương Đalạt. Sau khi khám bệnh bác sĩ lắc đầu phê nếu muốn sống phải đi nghỉ mới mong chữa lành bệnh. Nhưng cha Cassaigne hứa hẹn cho qua việc, rồi sau 15 ngày nằm yên ở nhà thương, cha lại trốn về Dilinh, viện cớ rằng bận dạy giáo lý cho tân tòng không thể bỏ được.

Không ai ngăn giữ được ngài ; về đến nhà là đi ngay vào làng cùi, lo băng bó, lo gạo mắm cá khô, rồi đi họ lẻ, nhất là cho đám tân tòng sắp chịu phép Rửa Tội. Ngài say mê công việc như quên cả bệnh tật, quên cả ăn ngủ, ông bếp lắc đầu lẩm bẩm : “Cứ như thế này chắc cha không thể sống lâu đâu !”.

Chuyến về quê chữa bệnh

Bỗng chiều ngày 21.12.1931 có một phái đoàn đặc biệt ghé lại Dilinh một cách bất ngờ, Đức Cha De Guébriant, bề trên cả Hội Thừa Sai từ Pháp sang, cùng đi với cha Morin quản lý nhà Hội, và cha Gauthier Drapier, quản lý Hội Thừa Sai. Sau khi dùng cơm trưa tại nhà quản đạo Phan Thiết, phái đoàn đã đến Dilinh lúc 5 giờ chiều. Ông chủ nhà luống cuống thật sự, vì không có gì để tiếp khách. Thế là cha Gauthier phải bỏ tiền ra bao tất.

Xem xét nơi ăn chỗ ở, kiểm điểm những hoạt động truyền giáo của vị thừa sai trẻ trung này, Đức Cha Bề Trên Cả tỏ vẻ hài lòng, nhưng về tình trạng sức khoẻ thì ngài hết sức lo ngại, ngài buộc cha Cassaigne phải về Sàigòn ngay sau lễ Giáng Sinh để chữa bệnh.

Để cho đương sự không còn lý do trì hoãn, cha Gauthier đề nghị chỉ phát cho cha Cassaigne đúng 20 đồng, số tiền vừa đủ ăn cho đến lễ Giáng Sinh mà thôi, và hết tiền trợ cấp này là ngài phải đi Sàigòn không thể trì hoãn được. Mà quả đúng như vậy.

Đêm Giáng Sinh năm ấy thật long trọng. Mười bốn tân tòng Thượng chịu phép Rửa Tội như những hương hoa Thượng dâng tiến Chúa Hài Đồng.

Nhưng vừa lễ Đêm xong cha đã nằm rũ ra không thể đi làm lễ họ lẻ Finom được, cha đau liệt giường và ngày 27.12.1931 người ta đưa cha Cassaigne về Sàigòn vào thẳng nhà thương Angier.

Đức Cha De Guébriant đã quyết định rồi, cha Cassaigne phải về Pháp mới mong chữa cho thật mạnh được mà thôi.

Nên cha Henri Sion được cử lên Dilinh thay thế, còn cha Cassaigne ngày 02.4.1932 được đưa về Pháp dưỡng bệnh.

Họ Dilinh của ngài 5 năm sau khi thành lập, từ con số không đã vươn lên một mức đáng kể.

Giáo dân có 60 Việt Nam , 31 Pháp, 18 Thượng và 98 dự tòng.

Nhà thờ Dilinh đã thêm ra đến 4 lần, khá rộng, tuy lợp tôn cũ, vách ván vá víu buồn cười, nhưng cũng có tháp chuông hẳn hoi. Làng cùi của ngài tổ chức ngăn nắp sạch sẽ, quy tụ trên 45 bệnh nhân, lại có thêm họ nhánh Finom cách Dilinh 60 cây số với 30 giáo dân người Bắc, bấy nhiêu đủ nói lên sự cố gắng tột mức của linh mục thừa sai đau yếu liên lỉ này.

Dilinh 1932

Cha ra đi lặng lẽ không ai hay biết gì, cứ tưởng cha nằm nhà thương Sàigòn. Nhưng trong lúc vắng cha, Dilinh đã trải qua thử thách khá nặng. Một tháng sau khi cha xuống tàu về Pháp, ngày thứ Tư áp lễ Thăng Thiên (04.5.1932), mưa to gió lớn suốt hai hôm liền làm nước dâng cho ngập lụt khắp nơi, nước phá vỡ nhiều đoạn đường trên đèo Malâm, nước cuốn sập cả cầu Đại Ninh xi măng cốt sắt, khổ nhất là làng cùi gió đánh bật những chòi tranh, bệnh nhân nhốn nháo không biết trú ẩn vào đâu.

Ở bên Pháp, cha được những tin đau lòng này khiến ngài không an tâm mà nghỉ ngơi được, phần lo cho lũ con cái Thượng mới được gầy dựng, phần không biết sức khoẻ mình có cho phép trở lại xứ truyền giáo hay không.

Biết ý Đức Cha De Guébriant, Bề Trên Cả Hội Thừa Sai ngày 03.01.1933 đã xác định cho cha Cassaigne được trở về nhiệm sở cũ, có thế ngài mới an lòng.

Cũng trong năm 1930, giai đoạn cuối cùng của công tác mở quốc lộ 20 đã đến hồi kết thúc, nhóm phu công chánh từ các nơi đổ dồn lên Dilinh. Dọc theo lộ tuyến mới, nhiều trạm công chánh được dựng lên thu hút các công nhân cả Kinh lẫn Thượng nhộn nhàng. Rồi tháng Bảy 1932, quốc lộ 20 đã chính thức khai thông. Sàigòn - Đalạt nối liền xuôi xắn khiến cho cuộc sinh hoạt Dilinh thay đổi hẳn.

Trùng phùng hội ngộ

Ngày 22.02.1933 cha Cassaigne trở lại Sàigòn sau 9 tháng tĩnh dưỡng ở Pháp. Mười hôm sau, khi cha Sion được bổ nhiệm làm cha Sở Thủ Dầu Một, cha Cassaigne trở về với con chiên mình. Ôi ! Mặc tình mà mừng rỡ thỏa thích ; nhưng không lâu, hai tháng sau cha ngã bệnh sốt rét trở lại phải lên nhà thương Đalạt ngót nửa tháng trời.

Thấy sức khỏe của cha như vậy lại thêm số giáo dân Kinh trên vùng này càng ngày càng đông ra (cuối năm 1934 đã lên đến 205 người Công Giáo và 169 chầu nhưng) Đức Cha Dumortier gửi cho ngài một cha phó Việt Nam là cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tiên. Đất Nhà Chung trước kia là 7.000 thước vuông nay xin trưng dụng thêm 2.011 thước nữa là 9.011 thước vuông. Nhà thờ cũng phải nới rộng thêm ra. Đợt chỉnh trang này là đợt thứ năm mà vẫn còn chật.


 Cha P. Nguyễn Vĩnh Tiên

Từ khi cha trở lại Việt Nam, cuộc sinh hoạt đã trở nên khó khăn thật sự, kinh tế Đông Dương từ 1932 gặp hồi khủng hoảng trầm trọng, và kéo dài suốt 5 năm liền.

Tuy vậy làng cùi Dilinh của cha đã được khắp nơi nói đến và dư luận thành thật ca tụng cố gắng từ thiện tư nhân này.

Vì thế ngày 12.02.1934 công sứ Grafeuil, đại biểu chánh phủ Pháp tại Trung kỳ đích thân đi thăm viếng làng cùi và tỏ lời ngợi khen nhiệt liệt. Nhờ dịp đó con đường đi vào làng cùi được cán đá lại tử tế ; nhưng ba tháng sau vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Dương, việc trợ cấp cho làng cùi bị bớt xuống. Trước kia mỗi ngày mỗi bệnh nhân được cấp cho 20 xu bây giờ chỉ còn 10 xu ! Và số được trợ cấp hạn chế còn 90 người mà thôi không cho thêm nữa.

Qua năm sau, ngày 26.5.1935, Đức Cha Dumortier đích thân đi kinh lý vùng Dilinh, ban phép Thêm Sức cho 88 tân tòng gồm 49 Thượng và 39 Kinh.

Với nét mặt nghiêm khắc, ngài tra xét cẩn thận mọi công tác được thực hiện ở đây. Ngài không nói gì, nhưng trên đôi môi đã thoáng một nụ cười có vẻ hài lòng.

Họ Trường Xuân “Cầu Đất”

Ngày 30.9.1935, địa phận Sàigòn tiếp nhận thêm một dòng mới đến, đó là Nữ Kinh Viện thánh Augustinô (Chanoinesses Régulières de Saint Augustin). Dòng có từ đầu thế kỷ thứ XVII do thánh Pierrs Fourier thành lập tại nước Pháp.

Năm 1934, Đức Hồng Y Laurenti chuyển đạt tôn ý Đức Giáo Hoàng muốn cho nhà dòng tham dự vào công cuộc mở mang giáo dục tại các xứ truyền giáo. Mẹ Bề Trên Cả đã hưởng ứng ngay bằng việc cho mở Hội Dòng sang Đông Dương. Mẹ Saint Thomas D’Aquin sau khi thăm viếng Việt Nam đã quyết định chọn Đalạt làm thí điểm đầu tiên để chuyên lo việc giáo dục đào luyện thiếu nữ giới thượng lưu Á châu, đồng thời cũng tham gia trực tiếp vào công cuộc mở mang xứ truyền giáo.

Sau khi tổ chức xong cơ sở và trường ốc, lấy tên là trường Đức Bà Lâm Viên. 09.01.1936 nhà dòng hoạt động ngày cho việc hợp tác truyền giáo tại các vùng phụ cận Đalạt. Thí điểm đầu tiên là Trường Xuân cách Đalạt 30 cây số. Tại đây một số giáo dân miền trung, nhất là thuộc địa phận Huế, đang sống phiêu cư một cách chật vật giữa vùng xa lạ không có một bóng nhà thờ nào lân cận, bởi thế việc giáo dục và nếp sống Công Giáo hết sức bi đát, Mẹ đứng ra mua lại một ngôi nhà sàn cũ, sửa sang làm phòng lớp, làm nguyện đường, rồi ngày 01.05.1946 nhân nghỉ lễ Lao Động, các mẹ Oiseaux và các nữ sinh trường Đức Bà Lâm Viên đến làm lễ khai trương, có cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tiên vừa là cha phó Dilinh, vừa là tuyên uý của dòng chủ sự. Mười một ngày sau Mẹ bỏ tiền thuê một giáo viên đứng ra lo dạy dỗ con em vùng này, thầy vừa dạy học, vừa lo dạy giáo lý giúp các tân tòng ở đây. Thế là cha Cassaigne đảm nhiệm thêm một họ nhánh nữa là họ Trường Xuân hay là họ Cầu Đất.

Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Học Công Hinh và giáo xứ Bảo Lộc.

Việc mở mang Lâm Viên và những vùng phụ cận được chánh quyền Pháp đặc biệt chú trọng ráo riết. Sau việc mở mang vùng Finôm, Dran, đến vùng đất thứ hai của tỉnh Đồng Nai Thượng được lưu ý.

Song song với việc thiết lập quốc lộ 20 từ Sàigòn lên Đalạt, một vùng đất đỏ màu mỡ trên 300.000 mẫu tây từ đầu đèo Blao đến chân đèo Prenn, từ sông Đa Dung qua đèo Gia Bắc, một khu vực có nhiều triển vọng cho việc trồng cây kỹ nghệ nhưng chưa hề được khai thác, đã trở thành nỗi ưu tư bậc nhất trong những thập niện 30, 40 (1930 – 1940).

Từ năm 1930, Nha Khảo Cứu Đông Dương đã phái một nhóm chuyên viên canh nông đi thám sát vùng đất này, đồng thời thành lập tại Công Hinh một trung tâm lấy tên là Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Học để tìm hiểu những tài nguyên về canh nông, nhất là nghiên cứu các phương pháp canh tác và công thức bón phân để tăng gia năng suất các loại cây kỹ nghệ như trà, cà phê, tiêu, cam, quýt, quinquina…

Trung tâm này nằm trên một khu đất bằng phẳng, rộng những 1000 mẫu tây, trụ sở đầu tiên đặt tại địa điểm trường Quốc Gia Nông Lâm Súc bây giờ.

Rồi nhờ được khuyến khích giúp đỡ, các sở đồn điền lần lượt được thành lập và thu dụng nhân công. Nhân công ở đây đa số là người Thượng, nhưng đúng như sự nhận xét của Y Bih Nie Kđam, giới trí thức sắc tộc Rhađé, đã viết trong tạp chí Éducation (số 16 năm 1949) rằng : “Cho dù các đồn điền có công ăn việc làm, người Thượng được thúc đẩy làm việc, có tiền có bạc đi vào miền xứ của họ nhưng họ cũng không thích mấy, những sợ rằng đi làm sở thì bỏ bê ruộng rẫy của mình”. Bởi thế họ đi làm cách miễn cưỡng thôi, nên các sở đồn điền kẹt nhất là không đủ nhân công.

Để giải quyết vấn đề này, Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Sản dành quyền tuyển mộ những người bắc di cư vào để phục vụ Trung Tâm. Sau đó để khuyến khích sự khuyếch trương về công kỹ nghệ, Trung Tâm đã cấp đất đai cho công nhân tuyển mộ với sự trợ giúp trồng tỉa của chuyên viên trung tâm.

Nhân đó mà một số đồng bào miền trung xung phong lên vùng này với những cựu phu sở công chánh nay đã thôi việc, lập nghiệp làm ăn với nhau.

Thành lập họ đạo Công Hinh (Bảo Lộc).

Công Hinh là một địa danh cũ của Bảo Lộc, gồm các làng: Công Hinh Đa Bình, Công Hinh Đăng, Công Hinh Đạ, Công Hinh Contech và B’Lạch.

Năm 1936 Công Hinh mới được 20 nóc gia, trong đó có 7 gia đình Công Giáo mà hầu hết là rối hoặc không giữ được đạo từ 15 – 20 năm qua. Cha Cassaigne và cha phó Tiên thay nhau đi thăm viếng những người này thường xuyên và họ rất vui mừng đón tiếp cách niềm nở.

Nhân dịp lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi 11.6.1936, có các Mẹ Oiseaux trường Đức Bà Lâm Viên Đalạt đến dự lễ Rửa Tội cho 25 bệnh nhân cùi đầu tiên tại Dilinh, cha Cassaigne bèn đem tình trạng đáng thương xót của nhóm bổn đạo Công Hinh ra kể lể với bà mẹ. Mẹ Saint Thomas D’Aqiun cảm động lắm liền hưởng ứng ngay, mẹ hỏi :

- Nếu cất lên một nhà nguyện tại Công Hinh cha cần phải bao nhiêu tiền ?

- Cha Cassaigne không suy nghĩ vội đáp : “Cần chừng 20 đồng”.

Bà mẹ ngạc nhiên cười quá sức, vì mẹ Saint Thomas là một tay lão luyện trong vấn đề xây cất, mẹ hỏi đi hỏi lại hai ba lần : “Chắc là cha nói cho vui vậy thôi, chứ nhà gì mà 20 đồng bạc ?”.

Nhưng hỏi thì hỏi vậy chứ bà mẹ cũng trao cho cha 50 đồng và hứa nếu thiếu thì sẽ cho thêm.

Liền ngày hôm sau cha đi xuống Công Hinh ngay, tụ họp anh em lại bàn tính. Anh em ở đó lo chọn địa điểm, cha lo chạy xin giấy tờ.

Đất Bảo Lộc thời ấy là vùng đất rừng, việc giấy tờ không khó khăn lắm, ai muốn địa điểm nào, chỉ có việc làm đơn, vẽ sơ họa đồ ranh giới để nạp lên viên quản đạo Dilinh, ít tuần sau là có giấy phép ngay. Thế là mới 10 ngày sau cha con khởi công xây cất nhà thờ.

Cây nhà lá vườn, mọi người đều chung sức làm không công, vậy mà ngôi nhà thờ Công Hinh đầu tiên được dựng lên gồm 5 gian, dài 20 thước, rộng 8 thước, vách ván ngo, lợp lá “Rsôi (là loại mây có tàu lá dài, người Mạa thường dùng lợp nhà. Đây là kiểu nóc nhà đặc biệt của họ, bền gấp ba lần kiểu lợp tranh của người Srê, nhưng tốn công hơn) kiểu lợp đặc biệt của người Thượng Mạa. Khi dựng nhà lên, cha Cassaigne đi qua đi lại vui vẻ ngắm nghía đôn đốc, ngài nói : “Chúng con làm giỏi lắm, lớn hơn nhà thờ Dilinh họ chánh của cha”. Rồi làm thinh suy nghĩ một lúc, cha nói tiếp : “Bởi vì khi dựng nhà thờ Dilinh đầu tiên cha chỉ có 7 đồng”.

Sát liền với căn nhà thờ, bổn đạo Công Hinh nối thêm một chái để cha ở lại với anh em mỗi tháng một lần, vừa làm phòng áo lễ vừa làm nơi nghỉ ngơi.

Ngày lễ Mông Triệu năm ấy (15.8.1936), nghĩa là cách hai tháng sau, cha con tổ chức lễ khánh thành và chọn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm bổn mạng nhà thờ.

Bữa ấy Mẹ Saint Thomas D’Aquin hỏi trêu cha Cassaigne : “Lời tiên tri của cha rằng “chỉ cần 20 đồng” rầy đã nên ứng nghiệm chứ ?”.

Cha Cassaigne trả lời tỉnh bơ : “Thật đã đúng 20 đồng như lời đã phán, nhưng may là các người thợ không lấy tiền công, lại nữa, nếu trần nhà, cửa sổ và bàn ghế nhà thờ, luôn cả trường học nữa cũng muốn đi vào trong số tiền đó thì lời tiên tri kia cần phải xét lại”.

Bà mẹ vui cười trước tài ứng đáp ranh mãnh của ông cha xứ Thượng này, rồi mẹ giúp thêm để cất trường sơ cấp kế bên nhà thờ cho con em trong vùng, và còn chịu cả lương nuôi một giáo viên 15 đồng cho trường này nữa.

Người giáo viên đó là Phanxicô Đồng văn Giáp, cựu tập sinh dòng Chúa Cứu Thế Huế, lúc đó chưa có đôi bạn, Thầy và bà dì thuộc nhóm 8 gia đình người Kinh đầu tiên lên sinh sống tại Công Hinh từ năm 1930.

Trường sơ cấp nhà thờ Công Hinh thời ấy có tên là trường “Notre Dame de Công Hinh” như ý mẹ Oiseaux muốn và thu nhận miễn phí tất cả học sinh bất phân tôn giáo. Ngay bữa khai giảng (1938), đã thu nhận trên 30 trẻ em. Thầy Giáp vừa là thầy dạy học, vừa là kẻ giảng lo việc giáo lý cho tân tòng, vừa coi sóc mọi việc trong ngoài nhà thờ Công Hinh suốt 4 năm cho đến khi nơi đây trở thành giáo xứ thực thụ (1941), thì trường Công Hinh được giao lại cho các dì nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đảm nhận (Ông Đồng văn Giáp từng là chánh trương xứ Bảo Lộc).

Đêm lễ Giáng Sinh 1936 thật hết sức linh đình. Cha phó Tiên sau 9 tháng giúp tuyên uý cho dòng Couvent des Oiseaux tại Đàlạt đã đến với giáo hữu Công Hinh lần đầu tiên trong ngôi nhà thờ mới. Toàn thể bổn đạo chỉ có 42 người, thế mà vẫn hát lễ nửa đêm Giáng Sinh thật trọng thể. Sau thánh lễ có quà bánh cho trẻ em cả lương giáo, thế là cả vùng cùng mừng ngày Chúa sinh ra vậy.

Từ đó, cha sở, cha phó thay phiên nhau đến với anh em hàng tháng và mỗi lần ở lại một đôi ngày.

Làng cùi tổ chức tự lập.

Trong năm 1936 này, tổng số bệnh nhân cùi tụ họp về chung sống đã lên đến con số 108 và có tổ chức hẳn hoi, nên chánh quyền đã cho tách riêng thành một làng tự trị về mặt hành chánh.

Cha phó Nguyễn Vĩnh Tiên lo riêng cho giáo dân Kinh, còn cha Cassaigne lo riêng cho người Thượng. Ngài gia tăng việc thăm viếng từng gia đình, tìm hiểu và hướng dẫn họ trong mọi việc, nhờ đó cha có dịp ghi chú những phong tục tập quán của người Thượng ở đây và làm thành một tập sách nhỏ xuất bản vào cuối năm 1937 để giúp người lạ dễ hiểu tâm lý họ hơn (Tập tài liệu này được lưu vào văn khố tòa tỉnh Đồng Nai Thượng thời ấy).

Những biến đổi quan trọng trong cuối thập niên 30.

Khu vực hoạt động trực thuộc cha Cassaigne từ năm 1938 đã mở dần ra một cách đáng kể.

Từ Cầu Đất qua Finom xuống mãi tận Công Hinh (Bảo Lộc), một khu vực truyền giáo nằm trên trục lộ dốc dác quanh co dài ngót 100 cây số, sự đi lại khó khăn, mất thiều thì giờ lại nhiều tốn kém. Vì thế đến đầu năm 1938 khi Đức Cha Dumortier phái lên Đalạt một cha Việt Nam là cha phó Phêrô Nguyễn Minh Kính thì hai họ nhánh Finom và Cầu Đất được cho sát nhập vào giáo xứ Đalạt.

Suốt 9 năm trực thuộc giáo xứ Dilinh, họ Finom từ đấy có hơn 60 giáo dân người Kinh với một nhà nguyện tương đối xứng hợp. Nhà nguyện ấy được sửa chữa và nới rộng đến lần thứ ba, và lần sau cùng này cha con cũng đã cùng nhau khánh thành vào ngày Chúa Nhật 22.8.1937.

Cuối năm 1938, cha phó Nguyễn Vĩnh Tiên, sau bốn năm giúp họ Dilinh được đổi về Biên Hòa, thì một cha thừa sai mới đến là Jean Chauvel được cử lên giúp cha Cassaigne. Cha Chauvel đến Dilinh ngày 26.10.1938, lúc đầu chỉ có việc lo học tiếng mà thôi. Cha cứ luân phiên, một tuần ở Công Hinh học tiếng Việt với ông Đồng văn Giáp, một tuần ở Dilinh học tiếng Thượng với cha Cassaigne.

Ngày 28.02.1938, thêm một tăng cường quan trọng cho thí điểm truyền giáo Dilinh là Mẹ Durand, Bề Trên dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn vừa gửi đến vùng này 3 soeurs đầu tiên để hợp tác vào việc truyền giáo Thượng bằng phương tiện săn sóc bệnh nhân, nhất là lo cho làng cùi về mặt y tế. Việc này Mẹ đã ước ao từ hai năm qua, nhưng vì không có người nên mãi đến nay mới thực hiện được.

Ba nữ tu Vinh Sơn đầu tiên ấy là Bà Nhất Marie Thérèse Labarre (đã bỏ mình 3 năm sau vì sốt rét ở Dilinh), soeur Marie Claire (bị pháo kích chết tại trại cùi đêm 23.8.1968) và người thứ ba là soeur Laurence. Công việc ba chị em là mỗi sáng đi bộ vào làng cùi lo băng bó thuốc men cho bệnh nhân, phụ trách săn sóc nhà thương Dilinh, thăm viếng các gia đình yếu liệt và mở lớp dạy chữ, dạy thêu may cho con cái người Kinh tại đây vì lúc đó chưa có trường nào.

Ba chị em có mặt đúng vào lúc vùng Dilinh – Công Hinh bị bệnh tật tàn phá nặng nề nhất. Số công nhân người Kinh càng lên đông thì số người ngã bệnh sốt rét càng thêm nhiều. Nhà thương chật ních bệnh nhân, mà phương tiện chữa trị cũng như nhân viên điều hành đều thiếu thốn.

Nhà thương Dilinh khi ấy mới chỉ là trạm phát thuốc có trang bị thêm lối 30 giường cho bệnh nhân nặng và vì quá bận về việc chữa trị nên không còn giờ đâu để điều chỉnh vấn đề hành chánh và y tế công cộng. Địa điểm này nằm trên khu đất trường Kơho và hạt công chánh ngày nay. Cũng có một bác sĩ Pháp trông coi nhưng là quân đội nên bận việc ở Đalạt, lâu lâu mới xuống Dilinh một lần.

Vì lạ cảnh lạ người, hơn nữa vì sống quá kham khổ, nên số phu làm cho công chánh mắc bệnh sốt rét khá nhiều, số người chết cũng không ít. Năm 1935, cha Cassaigne đã Rửa Tội cần kíp cho 69 người lớn trước khi chết. Năm 1940 con số ấy lên đến 80, hầu hết đã chết tại nhà thương rồi chôn tại nghĩa địa của làng, mà hễ chôn cạn thì cọp moi lên ăn ! Và càng có nhiều mùi thây chết thì cọp lại càng lộng lược hơn !

Ông Ba Mươi.

Nói đến cọp Dilinh thời ấy thì thật là lắm chuyện.

Khi các soeur Vinh Sơn mới đến vùng này, mọi cái còn xa lạ chưa quen, người Thượng kéo đi coi bà sơ một cách lạ lùng hết sức. Khổ một điều nữa là mỗi khi băng ruộng đi vào làng cùi là chị em bị trâu rượt vì mặc áo dòng trắng, mà tối đến chị em rút lên gác nhà thì ở chân cầu thang cọp ngồi đó chờ có khi suốt đêm. Mà cọp, hễ đói là có tật hay rên hù hụ nghe thật phát ớn. Các chị em trên nhà sợ cuống lên bàn với nhau không biết cọp đau bệnh gì ? Không biết nó xin thuốc hay nó đòi ăn !!! Sáng ra đi lễ xong, Bà Nhất ghé trình cha Cassaigne thì ngài lại nộ thêm rằng : “Có, tôi nghe cọp về ngang nhà tôi nói chuyện với nhau, chúng định vồ cho được Bà Nhất thì nó mới nghe cho”. Cọp chẳng kiêng nể gì nhà xứ, nó chạy lung tung vào cả trong nhà. Có lần vì mãi mê rượt theo con chó nhỏ của ông già điếc nấu ăn cho cha sở, rồi mắc kẹt trong đống cây dưới gầm nhà bị ông già này đập chết cọp.

Trong 14 năm coi xứ Dilinh, cọp đã vồ đi mất 7 đứa học trò Thượng của cha, trong đó có một chú giúp lễ và một cô bé đồng nhi hát, hầu hết chúng bị cọp tha đi lúc đang chăn trâu ngoài đồng. Mỗi lần như vậy là cha phải tổ chức cả làng kéo nhau đi giựt xác lại, có khi phải mất đến hai ngày mới thấy, rồi đem về an táng trọng thể, huyệt phải đào thật sâu và gài chông tre vót nhọn chung quanh cho cọp hết moi lên được. Có lần một gia đình Thượng gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ đi làm lúa trú mưa trong một cái chòi nhỏ ngoài rẫy xa thì bị năm con cọp bao vây, người cha chống cự suốt nhiều ngày, và chúng chỉ rút đi sau khi đã vồ được người cha ấy đem vào rừng ăn hết không chừa lại món gì.

Thấy cọp lộng hành quá như vậy người ta cũng đánh đuổi, cũng bắn giết, cũng đào hầm chông hoặc gài bẫy triệt hạ, nhưng cũng không sao diệt trừ hết được.

Đức Cha Casaigne thuật rằng dưới trũng sau nhà thờ Dilinh có một con cọp cái bị sập bẫy nghiền nát một chân sau nhưng không chết, từ đó nó trở nên dữ tợn khác thường. Thím cọp ba chân này thường quanh quẩn ở khu mồ mả chôn người Thượng (nay là triền đồi trước trại Tân Xuân, khu đất mà đồng bào Nùng trồng rau cải). Một mình nó đã xơi hết 8 mạng, trong số đó có chú giúp lễ Thượng 12 tuổi của cha. Đứa trẻ này bị cọp tha qua đường Kinh Đa ăn hết ruột gan và cánh tay phải, cha Cassaigne đã phải theo dấu mất trọn một ngày mới cướp lại được xác đứa bé và đem về chôn cất tử tế. Nhưng chưa hết, buổi chiều hôm sau, một người đàn bà Thượng đai đứa con ba tháng tuổi sau lưng đi xuống trũng này múc nước thì cũng gặp thím cọp ấy đang ngồi rình mồi ở đó. Chị đàn bà Thượng khiếp sợ, co giò chạy trối chết làm rơi đứa con lại, chị ta chạy về báo động cho cả làng kéo ra để cướp lại đứa bé. Nhưng lạ thay khi trở lại chỗ đánh rơi con thì thấy cô bé ba tháng ấy đang nằm bú tay vui vẻ vô sự, nhưng quanh đó dấu chân cọp dẫm nát còn mới rành rành. Có lẽ thím cọp tàn phế cảm xúc mối tình mẫu tử nên không nỡ ăn đứa trẻ còn măng sữa, nhưng tối hôm đó cọp cái bàn chân đã vồ mất ông già làng ở xóm Thượng Dilinh bù lại. Để tỏ lòng biết ơn Chúa, cả hai mẹ con đứa bé xin chịu phép Rửa Tội và còn sống tới bây giờ.

Việc lộng hành của cọp ba chân này đã thấu đến tai chính quyền, nên cuộc ruồng bắt được tổ chức ráo riết.

Vài tuần lễ sau, một chủ đồn điền Pháp ở xóm Dong Dor nhờ có sự hợp lực của nhóm lính tập đã lùa được con cọp này ra trảng trống, nhưng cọp quá khôn vồ lấy một anh lính Thượng làm bia đỡ đạn mà chạy lủi vào bụi rậm. Các thợ săn không dám bắn vì sợ trúng anh lính đảnh để cho cọp thoát đi. Vài hôm sau cọp này lại về xóm láng vồ hụt một con heo, ông Barthe chủ đồn điền nói trên liền cất một thum cao và ngồi trên đó rình suốt ngày đêm chờ cọp trở lại lôi xác con heo. Quả đúng như dự đoán, cọp trở lại lúc 6 giờ chiều hôm sau và bị bắn gục cách thum độ 5 thước (chỗ này nay là trường tiểu học A người Kinh Dilinh). Khi đem xác cọp về sân tòa Hành Chánh mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, mình cọp dài gần ba thước.

Khi cọp chết rồi người ta mới phát giác ra rằng bấy lâu nay dân làng biết rõ nơi cọp ẩn trú, nhưng không hề dám hé răng bá cáo, vì họ tin dị đoan sợ rằng cọp cái đã thành tinh nên linh lắm, biết hết mọi chuyện, nếu bép xép nói bậy ra là bị trả thù cả gia đình, nên họ đành câm miệng.

Nhà truyền giáo Thượng chuyên biệt.

Những ai có dịp xem lễ Chúa Nhật ở nhà thờ Dilinh thời cha Cassaigne làm cha sở đều công nhận rằng thánh lễ ở đây có màu sắc đặc biệt khác với các nơi. Kinh kệ thì đọc bằng hai thứ tiếng, luân phiên nhau, Việt trước Thượng sau. Đến phần bài giảng thì mới thấy rõ việc truyền giáo nghiêng về bên nào. Trước hết cha sở nói ít lời bằng tiếng Pháp, rồi đến bài giảng tiếng Việt. Các ông tây đồn điền có lần phải trách yêu cha sở mình rằng : “Cha ở với Thượng tiết rồi quên cả tiếng mẹ đẻ !!!”. Đến bài giảng tiếng Việt lại càng lúng túng hơn. Nhưng đến khi ngài quay ra nói với người Thượng thì chao ôi, ngài nói thật là hăng, điệu bộ của ngài say mê thỏa thích, ngài nói rất duyên dáng, kêu đích danh từng ông từng bà ra mà đối thoại, làm cả nhà thờ vui nhộn lên :

“Cả tuần rồi mưa nhiều mình thật là vui, các ông các bà đi ruộng tha hồ mà bắt ếch. Hôm qua tôi thấy bà K’Lul rượt theo con ếch to đến phải té lăn đùng xuống ruộng ! Có bắt được nó không bà ?”. Cả nhà thờ cười ồ lên, bà K’Lul hãnh diện nói : “Được chớ sao không, gặp phải tay này thì phải biết, nhưng khổ ! Con té đến bây giờ còn trặc ngón chân, sáng đi lễ hết muốn nổi…”

Cha Cassaigne đáp : “Không sao đâu, cha có thuốc cho con”. Rồi ngài day qua phía các ông : “Ếch độ rày bao nhiêu một con ông K’Briuh nhỉ ?” – “Thưa cha, một xu hai con có, ba con có, không chừng”. Cha Cassaigne tiếp : “Rẻ quá, ấy thế mà Thiên Chúa không hề để một con ếch nào chết đói cả…”.  Cả nhà thờ lại cười ra vẻ tán thành. Rồi ngài bắt đầu giảng về sự Thiên Chúa Quan phòng và thái độ phó thác tin cậy vào Cha Cả trên trời, là Đấng rưới mưa trên ruộng lúa, tẩm nước cho hồ ao, loài người cả ếch nhái vui vẻ sống và ngợi khen Chúa…

Ngài nói sành tiếng Thượng đến nỗi người Thượng phải khen: “Cha nói tiếng Thượng y hệt như chúng tôi không khác tý nào !”. Thật đúng với ý Công Đồng Vatican II rằng: “Người truyền giáo phải học kỹ tiếng địa phương để có thể xử dụng một cách lưu loát và đúng luật mẹo, như vậy mới vách ra con đường xâm nhập vào tâm hồn người ta một cách dễ dàng” (Giáo Hội Truyền Giáo. Chương V, số 26).

Nhờ thông thạo ngôn ngữ và hiểu biết phong tục tập quán người Thượng ở đây, nên việc giao thiệp của cha Cassaigne trong các buôn sóc được nhiều ưu điểm thuận lợi. Với tính hay pha trò vui vẻ và lòng hy sinh trọn vẹn, cha Cassaigne phục vụ tất cả mọi người một cách vô tư không hề lợi dụng ai vào bất cứ việc gì. Bởi thế ảnh hưởng của cha lan dần ra khắp vùng này. Người Thượng vui thích đến với cha và rất hãnh diện làm quen với ngài.

Thân thiết với ngài từ năm 1939, hai năm sau những làng Klong Trau và Dong Dor ở sát đường lộ Malâm – Dilinh - Đalạt đã có được 60 người Thượng tân tòng. Đến cuối thập niên 30, cha Cassaigne bắt đầu đi sâu vào vùng nằm xa trục lộ hơn trong những nơi hẻo lánh ở sát chân núi.

Thí điểm truyền giáo Kala.

Nhân ngày 27.01.1939, sau khi đi cấm phòng năm tại Sàigòn về, có 6 người Thượng đại diện cho các làng Kulbum, B’Sout, Krot chính thức đến thăm cha Cassaigne tại Dilinh và mời ngài đến viếng làng họ, cha liền nghĩ đến việc đem Tin Mừng cứu rỗi đến với những người này.

Đầu mùa xuân năm 1939 nhân một ngày đẹp trời, cha Cassaigne và anh K’ Brai, phụ tá giáo lý, tổ chức một cuộc đi thăm các làng trên.

Nằm sát dưới thân núi Yan Doan trong một thung lũng dài ngót 5 cây số dọc theo con sông Dariam, các làng Kulbum, Kala, B’Sout, Kort, R’Hang Ung, DronTou với những nếp tranh hiền lành đang phơi mình dưới ánh nắng vàng thơ mộng của vòm trời xanh thật trong.

Người Thượng ở đây hầu hết là những nông dân chuyên trồng lúa ở những cánh đồng ngập nước độ hai ba tấc hay cao hơn (Srê, danh xưng của sắc tộc họ có nghĩa là người làm lúa dưới ruộng nước). Làng mạc của họ nằm trên nơi thống khoáng, gần lạch suối, có đường thông thương dễ dàng. Khác với người Thượng Mạa lợp nhà bằng lá Rsôi (lá mây) đan chằm rất công phu, người Srê thích lợp nhà bằng tranh vì tranh ở đây nhiều, mái nhà họ thường làm sà thấp gần mặt đất để tránh gió to vì sức gió ở đây rất mạnh.

Dân làng cởi mở, hiếu khách, tánh nết hiền hòa ít hay gây sự, nhưng không vì thế mà họ thiếu phản ứng tự vệ. Vừa là một nông dân chất phác hiền khô, trong giây phút họ có thể biến thành một chàng lý sự hiếu chiến nếu có người xách động. Nhưng thái độ hùng hổ đó cũng chóng nguôi ngoai để trả lại trạng thái cố hữu, một nông dân hiền hòa thực tế và say mê ruộng rẫy. Họ rất cố chấp với cái lối tự do của mình, không ưa những gì cầu kỳ gò bó. Mặc dù là những dân quê cần cù nặng tình với ruộng rẫy và mãi mê quấn quýt bên cảnh làng mạc quen thuộc, nhưng khi vừa rảnh tay với công việc đồng áng, thì liền trở thành những lữ khách phiêu lưu biết băng rừng vượt suối đi rất xa để tìm cái sống khác lạ dưới miền xuôi ven biển với danh nghĩa “Lót Drà” (trẩy phiên chợ xa).

“Lót Drà”.

Ngày xưa chợ búa trên vùng cao nguyên không có, muốn đổi chác mua sắm phải xuống tận vùng ven biển mới có họp chợ. trẩy phiên chợ xa để có cái ăn cần thiết như muối, mắm, cá khô hoặc mua sắm vải vóc hay sắm chóe, sắm đồ dùng là sự dĩ nhiên phải có. Đem sản phẩm rừng núi xuống đồng bằng, đem lúa bắp, bí bầu hoặc heo dê, mật ong hay da thú đổi lấy muối, cá khô của người Kinh đó là công việc thứ hai sau việc đồng áng. nhưng các chuyến đi xa như vậy còn là dịp hẹn hò gặp gỡ, giống như kiểu họp chợ Lượn theo tục lệ đồng bào sắc tộc Bắc phần vùng Cao Bắc Lạng ngày xưa, việc mua bán, đổi chác không thành vấn đề cho bằng việc trao đổi tình nghĩa với nhau, cho nên tiếng là “Lót Drà” : Đi chợ, nhưng cũng phải hiểu là đi chơi chợ vậy.

Xưa hàng năm người Thượng trên vùng này thường trẩy phiên chợ xa như vậy hai kỳ, một kỳ vào cuối mưa (tháng 11, tháng Chạp), một kỳ vào lúc ăn tết hay sau tết (tháng 2, tháng 3). Mỗi lần đi chợ xa như vậy họ đi rất đông, đi từng đoàn, nào khuân nào vác nhộn nhàng thật là vui. Có người dẫn cả gia đình cùng đi, hoặc chỉ để lại nhà ít cụ già coi sóc vườn tược gia súc. Họ đi như vậy có khi cả tháng mới về và chỉ về cho kịp lúc làm mùa mà thôi.

Những đường mòn chính họ hay đi là : Đường Tamon cũng gọi là đường Phan Rí (Gun Phôrí), đường mòn mà Yersin đã có dịp thám hiểm vào năm 1890, và đường mòn Phan Thiết (Gun Bơ Jai) về sau trở thành trục lộ Ma Lâm – Dilinh. Các chuyến đi xa như vậy làm cho người Thượng thoải mái vì được sống giữa rừng núi thiên nhiên và cũng là dịp gây tình đoàn kết giữa những lữ khách cùng chuyến đi xa với nhau, tìm hiểu nhau, trao đổi giữa nhau những lối hát lượn tình tứ, từ lúc ra đi cho tới ngày ai về nhà nấy và nhờ đó có nhiều lứa đôi nên duyên nợ nồng nàn trong vòng lễ giáo ông bà để rồi khi về làng, họ đi đến việc hôn nhân.

Nhờ quen lối sống đơn giản, cái ăn cái uống đạm bạc, sơ sài, nên lúc khởi hành ngoài những món hàng để đổi chác, người Thượng chỉ cần đem theo gạo và muối, hai món cần thiết mà thôi. Nhà nào sang thì nướng thịt trâu hay thịt gà rồi giã nát ra với gừng và muối làm thịt chà bông bỏ vào ống tre đem theo làm món ăn mặn, còn các thức ăn khác thì rừng núi, suối ao sẽ cho thừa thãi.

Rau thì có các loại đọt non hai bên đàng, các loại lá chua như : Rơsêu, , lá nhàt, đọt xoài non, đọt vừng, đọt Samõăn (lá cóc rừng)... Các thứ đọt non này bỏ vào nối nấu sơ với muối, đủ là một tô canh chua cho bữa ăn giản dị. Nhưng còn một thứ lá khác mà vùng Dilinh, Bảo Lộc không ai biết đó là lá Nhíp hay rau Rịa, người Thượng gọi là “Biáp nse” (đọt rịa non = Gnelum gnemon), “Biáp Pù” (lá rịa già). Canh rịa non nấu với giò heo người Việt nào mà không thích.

Người Thượng lúc đi đàng có thói cầm sẵn nơi tay một ống tre, hễ gặp đọt Biáp nse thì ngắt bỏ vào ống tre cho đầy, trộn thêm vào mốt ít muối, nếu có thịt, cá hay ếch bỏ thêm vô càng hay, rồi ém tất cả vào ống tre cho thật chặt và nổi lửa lên đốt. Khi lớp vỏ tre cháy đen thì các thứ bên trong trở nên món ăn ngon lành cho bữa cơm ngoài trời, món ấy gọi là “Biáp Prùng” (đọt rịa hấp ống tre). Lá rịa già thì có món ăn khác là đâm Biáp Pù ấy với gạo, quết chung với ít đọt lá “Brơ Não” (lá ngọt), cho thêm ít thịt hay cá vào mà nấu là thành một món ăn cũng tuyệt, ông công chức Thượng nào dù sống quen ở thành thị, lâu lâu cũng mò về làng cũ để thưởng thức cái món ăn gia truyền này cho đỡ nhớ.

“Trèo non ước những non cao,

Anh đi đò dọc, ước ao sông dài”.

Các chuyến trẩy phiên chợ xa như vậy, thanh niên thiếu nữ những ước mong chuyến đi được thêm nhiều ngày ra.

Thức ăn thiếu đâu mà lo, cua, cá, ốc sẵn có ở suối ở ao, chỉ chịu khó tát một lúc là có, thịt rừng thì chịu khó vác ná lùi riêng ra xa đường mòn một tí là gặp. Cho nên các chuyến trẩy phiên chợ từ Dilinh xuống Phan Rí hay Phan Thiết tuy dài 80, 90 cây số đường rừng, thế mà các người Thượng cao niên vẫn còn luyến tiếc cho rằng vui thật là vui. Các cụ thuật lại đi như vậy được ăn thật nhiều và thật ngon với những thức khác lạ hơn những của thường ăn ở nhà. Họ mong ước chớ gì được trẻ lại hay thái bình cho mau để làm sống lại những thú vui ấy.

Chiến tranh đã làm mất đi bao nhiêu hình thức sống. Các con đường mòn kia ngày nay không còn an ninh nữa, núi rừng thường bị bom đạn tàn phá. Dù vậy cái thú đi rừng xa vẫn còn là sự hấp dẫn mãnh liệt thôi thúc giới trai trẻ trong các làng Thượng vùng này.

Đến mùa nắng khô khan, khi công việc ruộng rẫy không còn làm được nữa, vẫn có từng tốp người Thượng đi vào rừng sâu, bất kể nguy hiểm của những vùng thiếu an ninh, tiếng là đi tìm dây mây, chổi đót hoặc thăm làng cũ rồi nhân đó sống ngoài rừng hàng tháng, và chỉ về làng tập trung kịp lúc làm mùa mà thôi. Phải chăng sức quyến rũ của thiên nhiên, cái tiếng mời gọi huyền bí của rừng sâu núi thẳm vẫn luôn luôn là duyên nợ của kiếp người cao nguyên này vậy ?

Giàu óc tưởng tượng.

Nếp sống mộc mạc ở rừng núi gợi lên trong con người họ nhiều tưởng tượng, họ biết quan sát, họ biết thưởng thức vũ trụ bao la.

Từng chỏm núi, từng hốc đá, từng giòng sông, từng con suối... tất cả đều được gán cho một địa danh và một huyền thoại :

Đường mòn này là chỗ nàng Tiên Lang hờn dỗi ghen tức người yêu...

Phiến đá đây là di tích của nàng Jơng làng Drong thất tiết với chồng...

Gốc cổ thụ kia là lưu niệm của ông bành cổ Sorden...

Với cái nhìn trẻ trung và đầy thán phục, họ khám phá vũ trụ nơi mà họ sinh sống mỗi ngày một hình thức mới lạ đầy ngỡ ngàng.

Những người Thượng ý thức thường hay phê bình thẳng nhặt các đồng bào của họ mãi mê nếp sống thành phố là những người mất gốc, chối bỏ tục lệ ông bà. Càng đi sâu vào những thôn xa trong các thung lũng người ta càng tiếp xúc được với những làng nguyên thủy, còn giữ y tính nết, phong tục, tập quán cũ.

Càng ít bị ảnh hưởng ngoại lai, nếp sống ở đó, phong tục ở đó, những huyền thoại ở đó càng bảo thủ được những tinh túy từ thời ông bà lưu lại. Khi cái tính hồn nhiên đơn giản chưa bị vật chất sa đọa làm hoen ố, thì nơi họ còn lắm cái hay mà người ở thành thị đã đánh mất như sự chất phác thành thật, lòng biết ơn, tình chung thủy, tính khí khái hào hùng, biết tự trọng không muốn ỷ lại vào ngoại nhân...

Về phương diện này, Jean Boulbet có đưa ra nhận xét như sau : “Mọi giao tiếp (với ngoại nhân) không nhất nhất đều làm phong phú thêm ra, nhưng nhiều khi lại làm giảm giá trị và phát sinh ra tính mặc cảm... Nơi nào nề nếp gia phong bị lụn bại nghèo nàn thì những tập tục xấu vẫn lưu vết lại như : phù phép dị đoan, kiêng kỵ tệ hại... đang khi đó cái gì tốt đẹp, cái gì cao cả trong truyền thống thì lại bị loại bỏ đi...” (Boulbet “Coutumier des Cau Mạa” BSEI XXXII, N.2 – 1957 – p. 123).

“Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?” (Mc. XI, 28).

Cha Cassaigne sống vô danh trong miền núi này thế mà đã có người để ý biết đến, nhưng biết được do sự tình cờ oái ăm như câu chuyện chính cha kể lại rằng:

“Hôm ấy vào dịp nghỉ lễ Phục Sinh, một công chức cao cấp thuộc Bộ Giáo Dục Pháp lên Dilinh săn bắn. Sáng bửng tưng Chúa Nhật, một mình với khẩu súng săn, ông len lõi qua phía đường Gia Bắc để bắn đa đa và công nhưng vì mãi theo bầy công, ông đi lạc qua lối làng cùi.

Những người cùi thấy có ông tây lạ thì bu ra xem. Vừa trông thấy bọn người rụng hết ngón tay, đốt chân, máu mủ nhớp nhúa, mùi hôi hám bốc ra đến không chịu được ông ta bắt lợm giọng muốn nôn mửa, ông đành bỏ dang dở cuộc săn để tháo lui về khách sạn, vì ông kinh tởm luôn cả cái bầu không khí ô nhiễm vùng ấy. Vừa về đến phòng, ông kêu ngay tên bồi ra mà hạch cho biết lũ cùi ai cho đem về sống trong vùng săn bắn của công chức Pháp như vậy. Anh bồi đổ tất cả trách nhiệm về ông cha đàng nhà thờ Dilinh. Nhà mô phạm tôn thờ phép vệ sinh này liền nổi cáu lên đi thẳng đến nhà thờ để hạch tội con người chủ xướng một hành động mà ông cho là vô ý thức này.

Với gương mặt lạnh như tiền, trong đầu đầy đặc những đố kỵ ngờ vực đối với Linh Mục, người tín đồ Tam Điểm cuồng nhiệt này đến gặp cha Cassaigne tại nhà xứ Dilinh, rồi, giống như ngày xưa ở bao lang hiên đền Giêrusalem, các luật sĩ và trưởng lão đã thốt lên câu hỏi hóc búa đầy ghen tỵ trên đây : “Ông lấy quyền nào mà làm những điều ấy ?”, nhà mô phạm vào đề ngay :

-      Linh Mục có xuất thân ở trường thuốc nào không ? Và làm sao dám táo bạo đứng ra mở nhà thương cùi ? Ai chứng nhận cho Linh Mục ? VÀ còn vấn đề vệ sinh công cộng của bao nhiêu dân làng Dilinh này ai sẽ đảm bảo cho ?

-      Cha Cassaigne ôn tồn đáp : “Tôi, như ngài đã biết, chỉ xuất thân ở trường đào tạo Linh Mục, nhưng ngài cũng như tôi, chúng ta cùng chung một lập trường làm người, chúng ta không thể vì bảo thủ nguyên tắc vệ sinh theo lối mô phạm khắc khe mà dày xéo lên mối tình làm người được. Tôi phải đứng ra lo cho họ chỉ vì họ quá khốn khổ sống chui rúc trong rừng sâu không có gì đảm bảo cho họ cả.

-      Sao Linh Mục không chỉ bảo cho nhân viên lo săn sóc họ thường xuyên mà để họ dơ bẩn hôi hám quá vậy ? Nhân viên của Linh Mục có cho họ đầy đủ thuốc men đúng như luật y khoa không ?

-      Giám đốc là tôi mà nhân viên cũng là tôi, lúc đầu một mình tôi băng bó cho họ, với sự trợ lực của một ít bệnh nhân khỏe mạnh. Chúng tôi băng bó rửa vết thương cho bệnh nhân mỗi tuần hai lần. Mãi về sau này có hai nữ tu Vinh Sơn phụ giúp coi sóc, họ đều là những y tá chuyên môn. Nhưng ông đừng quên chúng ta đang ở trên xứ Thượng, và người Thượng ở đây về quan niệm vệ sinh họ không giàu kiến thức như chúng ta ở Pháp.

-      Nhưng chính phủ Pháp không quên cấp đủ số tiền giúp đỡ Linh Mục trong việc xã hội này để Linh Mục lo cho hoàn hảo hơn sao ?

-      Cha Cassaigne không cầm mình được nữa, ngài giơ cả hai tay lên với điệu bộ chán nản: “Ôi ! Chánh phủ Pháp cũng như ngài đều ở cả dưới Sài gòn, có ngờ đâu rằng trước kia họ trợ cấp cho mỗi người cùi mỗi ngày 20 xu, bây giờ vì kinh tế khủng hoảng họ rút bớt phân nửa chỉ còn 10 xu mỗi ngày. Mà ngài có biết không, chính phủ mình chỉ trợ cấp cho con số 90 bệnh nhân mà thôi, nhưng trên thực tế tại làng cùi của tôi giờ đây phải thu nhận những 129 người rồi, tôi đào đâu ra tiền, nếu không nhờ những tấm lòng hảo tâm đóng góp thêm vào để giúp tôi nuôi hết số bệnh nhân này ?...”.

Đang nóng lên vì con rùa xã hội thời ấy, cha Cassaigne tiễn chân ông cao cấp này xuống cầu thang và kết thúc : “Ông bạn ạ, trận đại chiến đã đến với chúng ta rồi ! Giờ đây mọi người chúng ta đều phải sực tỉnh giấc mơ của thời bình ! Ước gì những người cùi Dilinh sẽ là sẽ là những dấu hỏi to tát trong lòng mỗi đồng bào chúng ta ... Cho tới bây giờ chúng ta đã làm được những gì cho họ ?

Cuộc hội kiến kết thúc trong căng thẳng, và một cái bắt tay hững hờ chia đôi hai kẻ đối thoại không đồng chung quan điểm...

Nhưng rồi một tháng sau, từ Bộ Giáo Dục Sài gòn, một bưu kiện to được gửi lên cho cha Cassaigne tại Dilinh với mấy giòng ngắn ngủi : “Tôi cố giải đáp câu hỏi mà sự hiện diện của các người cùi Dilinh gợi lên trong trí tôi. Từ nay mỗi tháng quà thuốc men này sẽ là phần đóng góp của riêng tôi vào công tác đáng khích lệ của Linh Mục”. Ký tên ; B... Tổng Thanh Tra giáo dục Đông Dương 

Lúc về hưu dưỡng ở làng cùi Dilinh, Đức Cha Cassaigne thuật tiếp rằng : “Món quà của người ân nhân vô thần này đã làm cho cha rất xúc động. Hai năm sau, cũng chính ông ta là người đầu tiên khi vừa nghe tin cha được kêu lên chức Giám Mục, đã gửi đến Dilinh bức điện tín này : Hân hạnh kính chúc mừng Đức Giám Mục Cassaigne, người giáo sĩ đã làm cho tôi mến phục.

Cách bốn năm sau đó, giữa lúc chiến tranh Đông Dương đang bộc phát mãnh liệt, thì một buổi sáng tại Tòa Giám Mục Sài gòn, Đức Cha được một cú điện thoại từ Phủ Toàn Quyền : “Yêu cầu Đức Cha Cassaigne cấp tốc đến bệnh viện chánh tại Nam Vang, vì có một bệnh nhân liệt muốn gặp gấp”.

Đức Cha Cassaigne đang phân vân không biết làm sao đi lên Nam Vang vì xe hơi Tòa Giám Mục không có vỏ ruột, thì Phủ Toàn Quyền lo liệu tất cả. Khởi hành từ Sài gòn lúc 6 giờ chiều, mười giờ đêm ấy Đức Cha trọ tại Tòa Giám Mục Nam Vang, và sáng hôm sau vào nhà thương thăm, mới hay người bệnh nhân gọi ngài chính là ông cao cấp, tín đồ Tam Điểm, người đối thoại không cùng chung lý tưởng vừa kể trên.

Sau khi Đức Cha ra về, người bệnh nhân tràn ngập nước mắt nói công khai cách hãnh diện trước sự ngỡ ngàng bực tức của bà vợ và các ông bạn vô thần rằng: “Tôi vừa xưng tội và chịu các phép Bí Tích sau hết với một Đức Cha lập làng cùi, người mà tôi rất mến phục”. Vài ngày sau đó ông đã qua đời.

 

Có lẽ đã nhờ sự can thiệp vô tư của ông cao cấp vô thần này mà ít lâu sau đó, vào ngày 13.12.1939, chánh quyền Pháp tại Đông Dương đã lưu ý đến cha Cassaigne, người y tá làng cùi không một chứng chỉ y khoa và đã truy tặng ngài huy chương bạc Hàn Lâm Viện Y Khoa Ba Lê (Médaille d’Argent de L’Académie de Médecine de Paris).

Giáo xứ Công Hinh 1939.

Bốn năm sau khi thành lập, từ con số 46 giáo dân, họ Công Hinh, người Pháp quen gọi là Blao đã phát triển nhanh chóng, giáo dân đã là 170 người. Hơn cả số giáo dân Kinh tại họ chánh Dilinh chỉ có 106 người.

Song song với việc phát triển Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Sản Công Hinh, công nhân từ các nơi, nhất là người gốc Bắc phần đã mãn hợp đồng ở các đồn điền bên Cao Mên được bà con rủ lên lập nghiệp, đã làm dân số ở đây tăng lên gấp đôi.

Năm 1940, Trung Tâm Thực Nghiệm đã tiếp nhận 20 gia đình công nhân gốc Bắc phần, hầu hết là Công giáo và cấp phát cho mỗi gia đình một lô đất ba mẫu dọc theo nông trại của Sở, gọi là khu di dân (Ferme de Colonisation du Haut Donnai), nay là Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Sản. Hai năm sau, trung tâm tiếp nhận thêm 81 gia đình nữa từ Bắc nhờ có người vô trước rủ ren vào, trong số này chỉ 1/3 Công giáo. Nhờ thế mà họ Công Hinh giờ đây được có trên trăm gia đình mà đã có hết 70 gia đình Công giáo rồi. Bởi thế mà cuối năm 1940, số bổn đạo Công Hinh gia tăng đến 220 người, với số bổn đạo người Thượng tại Dilinh cũng 220 người, bởi đó nhà thờ vừa cất năm 1936 nay đã không còn đủ chỗ cho giáo dân nữa.

Nhưng ngày 01.9.1939, chiến tranh Pháp-Đức bùng nổ đã làm tê liệt dần tất cả mọi hoạt động. Lệnh tổng động viên công dân Pháp vừa ban hành thì ngày 03.9.1939, cha phó Chauvel bị đi nhập ngũ lên Ban Mê Thuộc, cha Cassaigne còn lại một mình như phải mất đi một cánh tay. May thay viên tư lệnh vùng hiểu rõ tình trạng bèn  cho cha Chauvel được tạm hoãn dịch để về giúp coi sóc giáo dân sau hai tuần lễ học tập quân sự...

Thấy tình thế biến chuyển, cha Cassaigne bèn cấp tốc lo chỉnh đốn công việc giáo xứ ngay cho kịp thời. Cha Chauvel được phái xuống Công Hinh với sứ mạng qui tụ giáo hữu mới di dân đến và lo tổ chức cất nhà thờ Công Hinh cho lớn ra. Nhưng công việc chưa xong thì ngày 04.02.1940 cha phó Chauvel lại bị gọi nhập ngũ đưa về Sài gòn và phải mất một năm sau mới được cho giải ngũ tạm vì vấn đề nhiệm vụ khẩn bách về tôn giáo tại miền cao nguyên.

Những xáo trộn trong năm 1940.

Những năm thập niên 40 đã đem đến cho cha Cassaigne bao nhiêu biến chuyển dồn dập. Một mình trên một giáo xứ lớn bằng cả tỉnh Lâm Đồng ngày nay, giáo dân tuy chỉ có 660 người nhưng gồm cả ba sắc dân Pháp, Kinh và Thượng lẫn lộn, lại thêm phải nuôi ăn hàng ngày cho những 133 bệnh nhân cùi trong thời gạo châu củi quế này.

Cái tang đau đớn.

Ngày 16.02.1940, lúc 9 giờ tối thứ Sáu Bốn Mùa, Đức Cha Isidore Dumortier, người cha già 71 tuổi đã thở hơi cuối cùng. Cái tin này bắn ra làm xúc động toàn thể địa phận Sài gòn. Từng hồi chuông tử hấp tấp ngân dài ba lần liên tục, kéo từng đoàn giáo dân trong các thôn xóm ngơ ngác chạy vội về nhà thờ cầu lễ cho “Đức Thầy Isidôrô”. Rồi từng xấp vải trắng được xé tung ra vấn lên đầu, giáo dân từ lớn chí bé đều khóc sướt mướt để tang người cha già nghiêm khắc nhưng tràn ngập tình thương con chiên, đã ôm ấp nơi lòng ba  ước vọng khi lên quyền Giám Mục Sài gòn là :

Mở mang việc truyền giáo cho người Thượng.

Thúc đẩy việc học vấn của con chiên địa phận lên bậc trung cấp.

Lo cho nhiều người lương trở lại cùng Chúa.

Ngày Đức Cha Dumortier nhận chức, tổng số giáo dân thuộc địa phận Sài gòn là 84642. Những năm cuối cùng của đời ngài con số ấy vượt lên 126375. Và dù sau khi tách ra địa phận Vĩnh Long bớt đi 43294 giáo dân, con số còn lại cho địa phận Sài gòn vẫn còn những 83081 người CÔng giáo (Compte rendu de la Société des Missions étrangères des travaux 1940, p. 139).

Nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ của ngài nơi phủ toàn quyền Đông Dương, từ năm 1938, tư thục Công Giáo bắt đầu bước sang bậc trung cấp. Đời Đức Cha Dumortier nói được là thời kỳ bắt đầu tiến triển mạnh về ngành giáo dục trung cấp của các dòng Sư Huynh Lasan, dòng nữ Saint Paul de Chartres và dòng Couvent des Oiseaux.

Trong tủ riêng của người cha nghèo khó này người ta tìm thấy trong số tiền còm cõi sót lại có ghi lời trối cho họ Dilinh 1000 đồng. Người được hưởng món gia tài ấy được gọi tới. Cha Cassaigne rướm nước mắt kính cẩn nhận số tiền trăn trối lòng chua xót bùi ngùi nhớ lại bao nhiêu sự lo lắng biệt đãi của người cha nghiêm khắc này đã đổ xuống riêng tư cho mình trong khi còn sống. Để kỷ niệm tấm lòng ưu ái này, vài tuần sau đó (04.3.1940), cha Cassaigne qui tụ anh em Công Giáo Thượng lại mà khai phá một con đường rộng, dài gần cây số, nối liền trại cùi Dilinh với thí điểm truyền giáo Kala, để sự đi lại dạy giáo lý cho dân làng dễ dàng hơn cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Thí điểm Truyền Giáo Thượng này ba năm sau đó (1943) trở thành giáo xứ Kala.

Cuộc bầu phiếu.

Sau lễ an táng cố Giám Mục Dumortier, cuộc thăm dò lựa chọn người kế vị ngài được bắt đầu ngay, nhưng cũng đã phải dằng dai mãi suốt năm rưỡi mà Tòa Giám Mục Sài gòn vẫn trống ngôi.

Vào trung tuần tháng 3 năm ấy, sau đợt bỏ thăm kỳ  hai, trong danh sách các Linh Mục được lưu ý, người ta thấy có tên một cha xứ ở một miền lạ ít khi được nghe nói đến “mọi cùi Djiring”. Từ ngày đó tên Cassaigne được bí mật truyền đi trong chính giới, nhiều cuộc dò xét kín đáo được tung ra. Nhưng tại cái họ Dilinh bé nhỏ xơ xác này tuyệt nhiên không ai hay biết gì.

Tình cờ một buổi chiều sau lễ Phục Sinh, hôm đó là thứ Hai, 25.3.1940, một ông khách đi nghỉ mát Đà lạt ghé lại xứ Dilinh tìm gặp cha Cassaigne nhưng không có cha ở nhà. Ông phải đợi mãi đến khi trời sẫm tối, thì mới thấy cha xứ mình mẩy tả tơi mệt mỏi cùng đi với một nhóm người Thượng giáo mác gậy gộc, trông y như một toán cướp từ trong rừng ra. Tất cả nhóm người đều rã rời buồn bã, vì cả ngày hôm ấy họ phải theo dấu con cọp đã vồ một em bé Thượng trong làng đem vô rừng mất dạng không để lại một dấu vết nào.


Ngày thụ phong Giám mục với những dứa con đến từ vùng cao

Khi vừa trông thấy cha Cassaigne, ông khách vui mừng reo lên : “Kính chào Đức Cha, kính chào mừng Đức Tân Giám Mục Sài gòn”. Cha Cassaigne đang hết sức bỡ ngỡ thì ông khách vội thanh minh : “Con vừa được lệnh tống đạt về Pháp bức công điện hỏi ý kiến chính phủ Paris về ba Linh Mục được đề cử vào danh sách ứng cử viên chức Giám Mục Sài gòn, trong đó có tên của cha được xếp hàng đầu”. Ông bạn Pháp hôm ấy là Mr. Hermel, giám đốc vô tuyến điện đài Thủ Đức.

Ngay chiều hôm ấy cha Cassaigne rầu rĩ bỏ ăn đi nằm thật sớm và rồi cơn sốt rét lại lên đến 40 độ, phải chăng chỉ vì cái chết khủng khiếp của em bé bị cọp ăn sống hay cũng vì cái tin quái ác kia ?

Trong tháng Tư kế đó nhiều vị tai mắt đạo đời đổ xô lên Dilinh, nhà xứ tấp nập quan khách ra vào, còn bổn đạo thì ngơ ngác không biết chuyện gì.

Ngày 15.4, toàn quyền Catroux đích thân ghé qua Dilinh tiếng là thăm làng cùi nhưng để có dịp đàm luận với cha Cassaigne. Rồi 12 ngày sau, Đức Cha Drapier, Khâm sứ Tòa Thánh cũng đến nhà xứ Dilinh cùng với cha Soullard, Bề Trên tổng quyền địa phận Sài gòn.

Cuộc viếng thăm này để lại trong ấn tượng cha xứ “Xứ Mọi” nhiều nghi ngờ hơn là niềm vui, vì mới hôm nào đây cha đã phải đối diện với Đức Khâm Sứ trong một cuộc chất vấn gay go và phải vất vả lắm mới gỡ mình được, câu chuyện như sau :

Vừa sau khi an táng cố Giám Mục Sài gòn, từ nghĩa địa về mọi người tề tựu dùng trà tại phòng khách Tòa Giám Mục, thì Đức Khâm Sứ để mắt theo dõi một Linh Mục sồn sồn đang vui vẻ đấu láo với nhóm Linh Mục trẻ trong một góc nhà. Ngài ghé tai nói nhỏ gì đó với cha Bề Trên Soullard một lúc đoạn ngài đi đến nhóm kia, đưa ngón tay ngoắt cha Cassaigne ra ngoài, dẫn đi riêng ra một nơi và cuộc hạch sách bắt đầu. Bằng một giọng trang nghiêm ngài hỏi :

-      Ta nghe người ta nói rằng cha có làm nghề thầy thuốc, có không ?

-      Dạ thưa Đức Khâm Sứ có.

Là một nhà giáo luật thuộc dòng Đaminh rất trọng qui tắc, Đức Khâm Sứ suy nghĩ một lúc, rồi với một giọng ngại ngùng, ngài hỏi tiếp :

-      Tại sao cha phải liều mình như vậy ? Mà chính ta cũng nghe đồn thêm rằng ... (với bộ điệu e thẹn) cha cũng có giúp một người mẹ sinh đứa con của nó nữa, có không?

-      Cha Cassaigne trả lời tỉnh bơ : “Dạ cũng có”.

Đức Khâm Sứ đỏ mặt : “Mà cha có nhớ rằng giáo luật khuyến cáo các Linh Mục không nên làm nghề thầy thuốc huống nữa là ... làm như vậy ?”

Cha Cassaigne cũng không vừa : “Thưa Đức Khâm Sứ còn nhớ chớ, nhưng đứng vào tình trạng của tôi, chắc Đức Khâm Sứ cũng sẽ không làm khác hơn”.

Đức Khâm Sứ giơ cả hai tay lên với dáng điệu muốn phân trần, nhưng cha Cassaigne đã nói luôn một hơi : “Trường hợp như vầy, cái xứ là cái xứ Thượng, vấn đề y tá thuốc men không có. Cả làng cùi chỉ còn một mình tôi là còn đủ 10 ngón tay, lại nếu cho người cùi rờ vào thai nhi là hỏng hết. Hơn nữa sản phụ hôm đó là một đàn bà cùi lở loét không ai chịu lại gần nó. Nó lăn lộn la khóc điếc cả tai vì ngược thai sinh không được. Trường hợp như vậy mà không có y tá nào ở đó cả, thế thì bỏ cho nó la rồi chết à ?...

Đức Khâm Sứ chận ngang, gằn mạnh từng tiếng : “Nhưng cha đừng quên đó cũng là dịp dễ sa ngã và ... dễ sa ngã nặng...”

Cha Cassaigne cũng nói lớn lên : “Nhưng tôi có tìm dịp ấy đâu. Mà xin thưa Đức Khâm Sứ, Đức Khâm Sứ cũng nên nhớ rằng nếu không vì đức Bác Ái ràng buộc trong trường hợp như vậy, nên trốn chạy đi là hơn, vì thấy nhờn gớm quá đỗi còn lòng trí đâu mà tưởng nghĩ nọ kia. Các người Thượng cùi kia cũng đã bỏ chạy cả rồi...”

Đức Khâm Sứ ôn tồn trở lại, ngài nói : “Nhưng mà, như cha đã biết, vô cớ làm như vậy là liều mình bị ngăn trở khi được lên chức Thánh, như chức Giám Mục chẳng hạn”...

Cha Cassaigne : “Ô hô !”. Rồi tánh hài hước trong người lại nổi lên, cha Cassaigne xoa cả hai bàn tay thỏa chí múa máy : “Càng hay, càng hay ! Vì tôi không hề mơ mộng lên chức ấy bao giờ cả !”

Đức Khâm Sứ ngạc nhiên nhìn người đối thoại bướng bỉnh. Ngài không ngờ ông cha coi xứ Mọi mà cũng lắm lý sự, và cũng từ ngày đó, ngài có một quan niệm khác về cha này.

Chính hôm nay, 27.4.1940, Đức Khâm Sứ Drapier được chứng kiến tận mắt nơi ăn chốn ở của con người kỳ lạ ấy. Trong nhà xứ không có gì đáng giá, từ trước ra sau trống trải chỉ có mấy cái sừng nai gắn trên vách. Dưới bếp một rổ khoai để trong tủ, và trên sàn nhà bếp lủng lẳng một đùi nai còn rỉ máu, đó là những gì để làm đãi khách hôm đó.

Sau cơm trưa, trước khi ra về, Đức Khâm Sứ thân mật xiết tay giá lạnh kinh niên của cha xứ Thượng, rồi với một giọng trịnh trọng, ngài nói : “Rất hân hạnh còn được gặp lại cha nhân lễ tấn phong Giám Mục”.

Cha Cassaigne  phản ứng ngay : “Xin lỗi Đức Khâm Sứ, tôi xin phép kiếu trước, chắc là tôi sẽ không đi làm gì, vì ở nhà đang bận lắm”

Đức Khâm Sứ liếc xéo cha Bề Trên địa phận rồi ngài nói : “Nhưng cha phải đi chứ, không đi sao được”. Rồi ngài nở một nụ cười bí mật và bước lên xe.

Cha Cassaigne còn  lại một mình, đứng trầm ngâm, gương mặt thẫn thờ ; các cuộc tiếp xúc này tiên báo một biến chuyển trọng đại cho đời ngài và sự việc ấy đang dần đưa đến.

Họ Công Hinh trở thành giáo xứ Blao, 1941.

Dường như có linh cảm rằng mình sẽ không còn ở được bao lâu nữa với đoàn chiên bé nhỏ đầu tiên, cha Cassaigne ngày đêm ra sức hoàn tất thật nhanh mọi công tác còn đang thực hiện dang dở.

Nhân có một ân nhân không nêu danh tánh trao qua cha một số tiền 5000 đồng cho họ Công Hinh, cha Cassaigne bèn đặt làm một bộ sườn nhà mới bằng gỗ ngo dầu. Rồi giáo dân được đôn đốc làm nên một nhà thờ khác lớn hơn, cột vuông, vách ván, rộng 4 thước, dài 20 thước. Người ta định lợp lá Rsôi kiểu Thượng Mạa, nhưng cha Soullard, Bề Trên địa phận gửi cho 1000 đồng để lợp ngói (nhà thờ này là nhà thờ thứ hai ở họ Công Hinh. Đến khi cha Phaolô Đậu cất nhà thờ thứ ba – 1957 – thì ngôi nhà thờ này được sử dụng làm trường học một thời gian khá lâu).

Ngày Chúa Nhật 16.6.1940, cha Cassaigne xuống Công Hinh để dâng thánh lễ đầu tiên trong ngôi nhà thờ mới, lúc đó đang dang dở chưa xong. Sau lễ, cha tập họp anh em lại và thúc giục lo cho xong nhà thờ để kịp đón cha Bề Trên địa phận về thăm giáo xứ.

Bốn tháng sau, ngày 28.10, cha Soullard Tổng Quyền địa phận cùng với cha Phêrô Phan Thánh Thời, quản lý Tòa Giám Mục chính thức kinh lý họ Công Hinh. Dịp lễ trọng thể này đã khiến cho Tòa Giám Mục Sài gòn lưu ý đến số giáo dân đông đảo ở đây, nên ít lâu sau (1941), cha Phêrô Bùi Hữu Năng được bổ nhiệm về Công Hinh, và họ nhánh này từ đó trở thành giáo xứ chính, có tên mới là giáo xứ Blao, với 350 giáo dân gồm 40 gia đình Công Giáo.

Cái sừng nai môi giới.

Chiến trường Việt Nam sôi động dần. Quân Nhật đã tràn vào bán đảo Đông Dương. Các trục lộ chính đi vào các cao nguyên được coi như những đường chiến lược quan trọng đều bị chiếm đóng. Bởi đó, trong những ngày cuối năm ấy, quân đội Nhật đã bắt đầu xuất hiện trên Dilinh.

Ngày 28.12.1940, đột nhiên có một đoàn quân xa đỗ lại trước nhà xứ, một sĩ quan cao cấp Nhật đi vào và tỏ ý muốn viếng làng cùi. Thì ra đó là đoàn hộ tống tướng Sumito, trưởng phái đoàn Nhật Bổn tại Đông Dương. Cùng đi có viên công sứ Pháp tại Trung Phần.

Sau lúc trở về, tướng Sumitô ghé vào nhà xứ thăm cha Cassaigne. Ông trực nhìn cái sừng nai treo hững hờ trên vách không có vẻ quí trọng gì. Ông thích lắm muốn mua để gửi về xứ cho bà vợ vui. Biết ý ông khách, cha bèn biếu hết các sừng nai cho ông. Ông rất vui mừng và tỏ vẻ ghi ơn. Về sau 1944, khi quân đội Nhật hạ lệnh sung công tất cả mọi bệnh viện công tư tại Sài gòn, tướng Sumito, nhờ có lời can thiệp của Đức Cha Cassaigne, đã không sung công Clinique Saint Paul của dòng nữ Saint Paul de Chartres gọi là để nhớ ơn món quà sừng nai Đức Cha đã tặng cho ông ta tại Dilinh bốn năm trước.

Bức điện tín quyết định.

Ngày 24.02.1941, một điện tín từ tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sài gòn gửi đến Dilinh : “Xin cha vui lòng chấp nhận Thánh Ý Chúa trong việc Tòa Thánh chọn cha lên chức Giám Mục giáo phận Sài gòn”, ký tên : Mgr. P. Drapier, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đông Dương.

Người cầm bức công điện đến nhà xứ Dilinh là bà vợ ông trường Sở Bưu Điện Dilinh. Bà Pháp vào mếu máo thưa cha sở mình : “Thưa cha... Đức Cha của con... bây giờ con mất cha rồi !...”

Toàn thể đia phận Sài gòn nhộn lên vì tin có Giám Mục mới. Duy chỉ có ở Dilinh, cái tin động trời ấy được cố dấu kín không dám công bố sợ giáo dân xôn xao, mọi sự vẫn để cho trôi chảy lạnh lùng vì giáo hữu, nhất là giáo hữu Thượng, không thể hiểu được làm Giám Mục nghĩa là làm sao.

Sau khi thu xếp đâu đấy xong, cha Cassaigne triệu tập nhóm bô lão đại diện giáo dân lại thông báo cho mọi người biết quyết định của Tòa Thánh. Không có ai phản ứng gì hết, nhưng khi cha nói tới việc có một cha khác đến thay thế ngài thì tất cả đồng loạt phản đối : “Việc ấy không thể được, vì cha đã đi một lần rồi (họ có ý nói việc cha đã về nghỉ 6 tháng bên Pháp) và khi về cha đã hứa là cha sẽ ở lại đây luôn để chúng con theo đạo cha cho  đến chết. Tại sao bây giờ cha lại nói cha sẽ đi ?”. Và cuộc chất vấn sôi nổi kéo dài suốt đêm hôm ấy không ngã ngũ ra đâu cả vì bổn đạo Thương mộc mạc này coi cha là của riêng một mình họ mà thôi. Rút cuộc phải nhờ tài khéo nói của cha phó Chauvel hứa với họ rằng ngài lên bậc lớn hơn và vẫn coi sóc giúp đỡ ở đây còn nhiều hơn nữa, họ mới an lòng ra về với điều kiện cha chưa đi ngay bây giờ.

Những ngày chuẩn bị chia ly thật là não nuột. Ngài hối hả hoàn tất các công cuộc đang còn dở dang và hoàn hảo mọi lớp giáo lý cho tân tòng.

Để thay thế ngài, việc vận động cho cha phó Chauvel được giải ngũ vì nhiệm vụ tôn giáo khẩn bách được chấp thuận ngày 05.3.1941.

Dùng quyền Giám Mục, ngài ban phép Thêm Sức cho tất cả mọi tân tòng của ngài bấy lâu nay. Ngày 23.3 ban phép Thêm Sức cho 52 bệnh nhân tại làng cùi. Ngày hôm sau ban phép Thêm Sức cho 84 người tại nhà thờ Dilinh, và ngày 26 ban phép Thêm Sức cho 22 người tại nhà thờ Công Hinh.

Để tán dương các công trình xã hội của ngài trên vùng cao nguyên Trung phần, triều đình Huế đã ân thưởng Tam Đẳng Long Bội Tinh và ngài được bà Nam Phương hoàng hậu tiếp đón tại Biệt Điện Đàlạt ngày 30.3 trước khi về Sài gòn thụ phong.

Đến hạ tuần tháng 5, các giáo xứ do ngài khai sinh ra đã tổ chức những buổi lễ tiễn chân trọng thể. Ngày thứ Bảy 17, cả giáo xứ Dilinh tề tựu đông đủ trong buổi lễ, đã khóc râm ri suốt lúc ngài giảng bài từ biệt. Qua hôm sau Chúa Nhật, họ Công Hinh cũng tổ chức thánh lễ giã từ. Địa điểm tiễn chân cuối cùng là họ Fimnom làm vào buổi sáng Chúa Nhật, bốn tiếng đồng hồ trước lúc ngài vào phòng dọn mình thụ phong.

Suốt tuần cấm phòng tại dòng Bênêđitô Đàlạt là những ngày sốt rét liên lỉ ; ngoài giờ lo việc thiêng liêng, cha Bề Trên Don Vandrille đã phải chở Đức Giám Mục chưa tấn phong lên nhà thương Đàlạt chích thuốc mỗi ngày mới qua cơn sốt rét rừng Dilinh được. Ấy thế mà trước khi về hẳn Sài gòn, ngài cũng nấn nuối trở về họ cũ ít hôm nữa để rồi ngày Chúa Nhật 09.6, nghĩa là 15 ngày trước khi thụ phong, cha sở đầu tiên của giáo xứ Dilinh này mới lìa bỏ hẳn nhiệm sở cũ để kề vai vào chức vụ nặng nề hơn “Điều khiển Giáo Phận Sài gòn trong thời kỳ biến loạn”.

Sau 14 năm lãnh đạo xứ Dilinh (Từ 21.01.1927 đến 01.6.1941) Đức Cha Cassaigne đã gây dựng cho vùng này một địa vị đáng kể trong cộng đồng Hội Thánh : Một nhà thờ vừa phải với một nhóm 795 giáo dân gồm 15 Pháp, 134 Kinh, 218 Thượng, 350 giáo dân tại Công Hinh, 78 Thượng tại làng cùi và 133 tân tòng đang dọn mình chịu phép Rửa Tội. Hơn nữa, mọi nơi đều khâm phục tấm lòng bác ái hy sinh của ngài trong việc gây dựng nên một làng cùi, tổ chức từ thiện tư nhân với tổng số bệnh nhân là 133 người cùi.

Ngày 24.6.1941, nhằm lễ thánh Gioan Baotixita, cuộc lễ tấn phong Đức Tân Giám Mục Cassaigne được tổ chức trọng thể tại nhà thờ Chánh Tòa Sài gòn.

Giáo dân các vùng lân cận đổ về Đô Thành đông như đại hội. Khi đoàn rước đi vào giữa rừng người đen nghịt chiếm trọn cả chung quanh khu nhà thờ Chánh Tòa Sài gòn thì ca đoàn Chủng Viện hùng hồn trỗi bài : “Christus vincit” (Chúa Kitô khởi thắng).

Ai nấy chen nhau nhìn vào một con người gầy còm, mét xanh, dáng đi thẹn thùng bỡ ngỡ. Nhưng Đức Cha mới vẫn không quên liếc đôi mắt áy náy nhìn về phía 30 giáo dân Thượng ăn vận nghèo nàn mà cha phó Chauvel đã đưa từ Dilinh xuống Sài gòn từ ngày hôm trước. Đức Cha Cassaigne đã không quên họ được. Từ sáng bửng tưng hôm ấy, ngài đã gọi cha phó Chauvel vào căn dặn kỹ từng chi tiết : “Cha phải dặn mấy người Thượng của mình nắm tay nhau cho thật chặt và đứng chung một chỗ với nhau, kẻo họ thấy đám đông người quá đâm khiếp lên rồi chạy bậy xe cán thì khổ lắm”.

Nhưng cha phó Chauvel đã khôn khéo xếp họ vào một nơi gần cung thánh nhất từ lúc 7 giờ sáng rồi.

Đến bây giờ, một số lớn giáo hữu Sài gòn mới hay rằng Đức Cha mới của mình trước kia là “Cha Xứ Mọi”, và ngài đã sống nơi đó 14 năm liên tục không bao giờ rời xa, mặc dù nơi đó có tiếng là rừng thiêng nước độc.

Sau thánh lễ, đang khi mọi người chen nhau hôn nhẫn Đức Tân Giám Mục, thì các con chiên cũ của ngài sợ sệt e thẹn rút sát mình vào vách nhà thờ như một đoàn lạc lõng, mãi luyến tiếc một cái gì đang mất.

Biết rõ tình nết của con cái mình, Đức Cha Cassaigne rẽ đám đông đi thẳng đến nhóm con chiên người Thượng của ngài, tức thì mấy bà Thượng nắm lấy tay Đức Cha vừa khóc mếu vừa nói : “O bèp ! O Bèp  !” (Lạy cha, lạy cha). Tức thì ông giáo lý viên sửa lại ngay : “O Bèp Đờng” (Lạy cha lớn, tức Đức Cha). Rồi cả cha lẫn con cùng khóc với nhau thật cảm động.

Khi về phòng thay áo lễ, Đức Cha Ngô Đình Thục, vị phụ chủ phong đã chọc Đức Cha Cassaigne rằng: “Cha con người ta quyến luyến nhau quá ! Đức Cha mới chỉ nhớ Dilinh  thôi. Đức Cha chỉ thương người Thượng mà không thương người Kinh à ?”

Đức Cha Casaigne đáp : “Có chứ, nhưng đứa con nào khổ cực thì mình thương nhiều hơn”.

LỜI TỪ BIỆT

TRONG TANG LỄ TẠI DI LINH NGÀY 05.11.1973

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục,

Kính thưa quí Đức Cha,

Kính thưa Cha Bề Trên Miền Hội Thừa Sai Truyền Giáo tại Việt Nam,

Kính thưa Cha Bề Trên Địa Phận Đàlạt,

Kính thưa quí Cha và quí Tu sĩ,

Thưa quí vị quan khách,

Thưa anh chị em bệnh nhân,

Ngày 31.10.73, một ngày dành để kính Thánh Cả Giuse và cũng là ngày cuối cùng của tháng Mân Côi, một tin buồn đã được loan tải khắp nước : Đức Giám Mục Gioan Baotixita khả kính, vị sáng lập Làng Cùi Dilinh, vừa tạ thế !

Tin này đã gây xúc động lớn lao trong các giới tôn giáo và hoạt động xã hội, đặc biệt trong hàng ngũ Linh Mục, tu sĩ và giáo dân hai địa phận Sài gòn và Đà lạt, mặc dầu mọi người đều biết Vị Giám Mục của “Bác Ái và Tình Thương” đã lâm trọng bệnh từ lâu, và đã ở trong tình trạng lúc mê khi tỉnh gần một năm qua.

Quả thật, vì lòng tận tâm thương yêu săn sóc con cái khổ đau, và vì một đời sống quá khắc khổ, nên Đức Cha đã phải mang nhiều trọng bệnh từ mấy mươi năm nay !

 

Từ năm 1929, Người đã mắc phải bịnh sốt rét rừng ; từ năm 1943, bịnh cùi đã đến với Người ; từ năm 1957, Chúa đã ban gởi cho Người thêm bịnh lao xương ; và, từ năm 1964, bịnh lao phổi lại trở về với Người !

Gần hai năm qua, Đức Cha đau liệt trên giường ! Người kêu lên sự đau đớn thể xác, đau đớn tột cùng ! Nhưng, tiếng kêu ấy lúc nào cũng được xướng lên trong Niềm Vui của Đức Tin, hòa cùng những câu : “Ngợi khen Chúa” và “Vâng ý Chúa”.

Đó là những cực hình thánh giá, những khổ hình thể xác, mà bút phàm không sao mô tả được ! Song, dầu vậy, Đức Cha luôn luôn vui lòng và vững lòng chấp nhận.

Chấp nhận, vì Người đã nguyện cầu xin Chúa cho Người được đau khổ.

Chấp nhận, để phạt tạ thay cho con cái Người, trước tôn nhan và phép công thẳng của Thiên Chúa.

Chấp nhận, để xin Chúa đoái thương cho con cái Người được chóng phục hồi và bớt đi sự đau đớn.

Chấp nhận, để xin Chúa đoái thương, mà giảm thiểu số người hủi tại Việt Nam này, cùng trên toàn cầu.

Chấp nhận để cầu nguyện cho hòa bình sớm trở về trên đất Việt,nơi mà Người vẫn thường gọi là “Quê Hương của tôi”.

Những ai đã được may mắn sống gần gũi Đức Cha đều thường được dịp nghe Người nói :

“Đời tôi chỉ có ba ước nguyện :

-      Tôi ao ước được đau khổ vì Chúa và vì người anh em.

-      Tôi ao ước được đau khổ như vậy lâu dài, suốt đời và được vững lòng chịu đựng.

-      Tôi ao ước được an nghỉ giữa các con cái phong cùi của tôi”.

Quả thật, Thiên Chúa đã nhậm lời Đức Cha, mà cho Người mang lấy bốn chứng trọng bệnh nan y ; Thiên Chúa cũng giúp sức cho Người chịu đựng quá lâu dài và hầu như suốt cuộc đời Người. Và, hôm nay, Đức Cha đã hoàn toàn toại lòng, với ước nguyện thứ ba của Người, là được an nghỉ giữa các con.

Cũng quả thật, Đức Cha Gioan đã hy sinh đời mình vì Chúa và vì anh em :

 

-      Trong một cuộc sống tận hiến, chấp nhận và phó thác, giữa lòng ái tuất của Thiên Chúa.

-      Trong một cuộc sống khó nghèo, khổ hạnh và bịnh hoạn triền miên, suốt gần nửa thế kỷ, trên con đường thừa sai truyền giáo tại Việt Nam.

-      Trong một cuộc sống khiêm nhường, thầm lặng và trong lãng quên của hầu hết mọi người, trải qua gần 20 năm về hưu trên miền Thượng cô đơn, bên cạnh con cái phong cùi !

Suốt gần hai năm nay, trên giường đau liệt, Đức Cha luôn luôn xác nhận rằng : “Người rất yêu mến nước Việt Nam, và tất cả con cái Việt Nam khổ đau của Người”.

Người nói : “Biết bao lần cha đã lần chuỗi cho các con ; Cha đã cầu nguyện mỗi ngày cho nước Việt Nam ; Cha cũng sẽ mãi mãi cầu nguyện như vậy”.

“Suốt 47 năm dài, cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này, và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây, cha không tiếc một điều gì về sự dâng hiến toàn diện ấy”.

“Việt Nam chính là quê hương của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy”.

Khi nói đến câu : “Nước Việt Nam là quê hương của tôi”, Đức Cha chắp tay, như là để cầu nguyện, và Người khóc !

Đây là giòng lệ thánh của một cha già, một chủ chăn, không phân biệt màu da hay chủng tộc, mà chỉ biết có “BÁC ÁI và TÌNH THƯƠNG”.

Đây là lời cầu của một Tông Đồ Truyền Giáo, đã tận hiến đời mình cho NƯỚC CHÚA  và cho lớp người khốn khổ, bất hạnh nhất trên cõi trần này.

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục và Quí Đức Cha,

Kính thưa quí vị,

Công nghiệp của Đức Cha Gioan, đối với Giáo Hội và đất nước Việt Nam quả thật rất lớn lao.

Để, lần nữa, nhắc lại những công lao trọng đại này, chúng tôi xin phép đọc lại “Bản Tuyên Dương Công Trạng” đã được đọc bên giường bịnh của Đức Cha...

“Tông Đồ Bác Ái,

“Đức Giám Mục Gioan Cassaigne, thuộc hàng giáo phẩm Công Giáo, ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam, đã quan tâm phục vụ lớp người nghèo khó, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các sắc dân thiểu số.

“Tràn đầy lòng bác ái đối với những bịnh nhân Hansen bất hạnh, Đức Giám Mục đã  có sáng kiến thành lập, đích thân bảo trợ và lãnh đạo tinh thần một Làng Cùi tại Dilinh, thuộc tỉnh Lâm Đồng, để tiếp nhận, nuôi dưỡng, trị liệu và an ủi tinh thần cho hàng ngàn bịnh nhân và gia quyến họ, từ gần nửa thế kỷ nay.

“Nhơn đức ngời sáng của Đức Giám Mục Gioan Cassaigne đã đưa ngài từ căn lều phục vụ người hủi tới Tòa Giám Mục Địa Phận Sài gòn, do sự bổ nhiệm xứng đáng của Tòa Thánh La Mã năm 1941, mà ngài đã phải cúi đầu tuân lịnh.

“Trong hơn 14 năm giữ chức vụ trọng đại này, ngoài nhiệm vụ thuần túy tôn giáo, Đức Giám Mục đã đôn đốc thực hiện công cuộc bác ái, cứu trợ vật chất, ủy lạo tinh thần cho những người gặp cảnh bất trắc khó nghèo, không phân biệt địa phương hay tôn giáo, trong một thời kỳ gặp phải nhiều biến cố khủng hoảng dồn dập.

“Năm 1955, ngài đã xin từ nhiệm Giám Mục Sài gòn, để trở về băng bó vết thương tinh thần và vật chất cho những bịnh nhân thân yêu, con của ngài, tại Làng Cùi Dilinh, với ý định cống hiến toàn vẹn mạng sống và tình thương bao la của ngài cho lớp người bất hạnh ấy ; đồng thời, hy sinh và cầu nguyện hòa bình cho toàn thể dân tộc Việt Nam.

“Công nghiệp, gương sáng và chí lớn của Đức Cha Gioan Cassaigne xứng đáng được nhân dân Việt Nam tri ân và ghi nhớ mãi mãi”.

(Làm tại Sài gòn ngày 12 tháng 4 năm 1972)

Kính thưa quí vị,

Sau khi nhắc về sự nghiệp của Đức Thầy quá cố, giờ đây, chúng tôi xin được dâng lên Người những lời từ biệt khóc thương.

Lạy Đức Cha Gioan Baotixita khả kính,

Trước hết, chúng con xin gọi Đức Cha bằng Cha, để nói lên tình phụ tử, mà Đức Cha hằng muốn dành cho tất cả chúng con, chẳng những khi Đức Cha còn sống ở đời, mà lẩn cả khi Đức Cha về Nước Chúa.

Trong vài phút nữa đây, thi hài của Cha sẽ được đưa xuống phần mộ này ; nơi đó, Cha sẽ an nghỉ ngàn thu giữa lòng đất lạnh, để lại cho chúng con tang lòng xót thương khôn tả !

Giờ đây, đứng trước quan tài của Cha, một quan tài tuy nhỏ hẹp về li tấc, nhưng rộng lớn bao la như biển cả trên phương diện Bác Ái và Tình Thương, chúng con phải khóc thương hay phải vui mừng ?

Có lẽ, khóc thương và vui mừng phải hòa lẫn nhau, trong lòng của chúng con.

Chúng con khóc, vì vừa mất một người Cha khả ái, đầy tình thương, và đã cho chúng con tất cả cuộc đời mình !

Chúng con khóc, vì sự ra đi của một Chủ Chăn, suốt đời Tông Đồ Truyền Giáo, đã hết lòng chăn giữ chúng con, đã hết lòng dắt dẫn chúng con trong cuộc sống Phúc Âm, và đã không ngừng nguyện cầu cho chúng con !

Chúng con khóc, vì phải vĩnh biệt một Đấng lang y, đã trọn đời hy sinh băng bó vết thương tinh thần và vật chất của chúng con !

Trái lại, chúng con cũng phải vui mừng.

Chúng con vui mừng, vì Người Cha thánh thiện của chúng con đã đi về Nước Chúa, sau khi đã làm tôi tớ trung thành của Chúa, sau khi đã theo chân Chúa suốt trọn khoảng đường Thương Khó Calva trần gian.

Chúng con còn nhớ cách đây chẳng bao lâu, sau một cơn ho dài, đờm kéo lên tận mũi miệng của Cha, khiến Cha không thở được, Cha đã nói với chúng con rằng : “Cha ra đi về Nhà Cha trên trời”. Vậy, giờ đây, Cha đang ở trên Trời, thì tất nhiên con cái của Cha phải vui mừng, và vui mừng khôn xiết.

Chúng con cũng vui mừng, vì lẽ Chúa đã chấm dứt cực hình thể xác cho Người Cha khả ái của chúng con, Người Cha đã quá đau khổ về cơ thể, và khổ đau như vậy đã quá lâu dài, suốt gần nửa thế kỷ qua.

Chúng con lại càng phải vui mừng hơn nữa, khi nhớ tới lời hứa của Cha trên giường liệt, cách đây mấy tháng, Cha đã nói rằng : “Trên Thiên Đàng, Cha sẽ được biết nhiều, Cha sẽ rõ hơn về những nhu cầu của các con ; khi ấy, Cha sẽ cầu nguyện đắc lực hơn và nhiều hơn gấp bội cho các con”.

Lạy Cha khả ái,

Không còn mấy phút nữa, mộ phần của Cha sẽ được lấp lại ! Và, hai chữ VĨNH BIỆT sẽ nói lên, để đôi đường hai ngả Cha và chúng con sẽ mãi mãi ly biệt !

Nhưng, đó chỉ là sự ly biệt trần đời về hình bóng, một sự ly cách tạm thời, trong mắt nhìn tiếng nói mà thôi.

Bù lại, sự ra đi của Cha sẽ là ngả rẽ, tạo thêm trìu mến gấp bội trong lời cầu, mà Cha sẽ gia tăng dành cho chúng con, một cách đắc lực hơn nhiều, như điều Cha đã hứa.

Trong di chúc lập ngày 24.9.1968, Cha ao ước “được an nghỉ dưới tà bóng gác chuông Trại Phong” này ; nay, ao ước ấy đạt thành.

Và, chút nữa đây, từ gác chuông mục cũ kia, vị Nữ tu Giám Đốc Làng Cùi, thuộc dòng Bác Ái thánh Vinh Sơn và cũng là một trong những người con gái yêu dấu của Cha, sẽ cho vọng lên những tiếng chuông sầu ly biệt, những tiếng chuông của 40 năm về trước : tiếng chuông Truyền Giáo, tiếng chuông Hy Sinh, tiếng chuông Yêu Thương.

Gác chuông cũ mục năm xưa còn đó, Cha lại ra đi !

Vĩnh biệt Cha ở trần đời ! Chúng con xin đặt đôi môi sầu lên chiếc quan tài thánh thiện của Cha, để hôn Cha lần cuối !

Lạy Đức Cha Gioan SANH, Người đã hứa sẽ mãi mãi cầu nguyện cho tất cả chúng con, xin hãy nhớ đến tất cả chúng con trước Tòa Thiên Chúa !

Kính thưa quí vị,

Nếu một hòn đảo xa xôi ngàn trùng Môlôkai nọ đã hãnh diện vì có cha ĐAMIÊNG Tông Đồ Người Hủi, thì giáo dân nước Việt chúng ta lại càng được hãnh diện hơn, vì có một Đức Cha Gioan SANH phong cùi, tôi tớ người hủi, một Giám Mục của BÁC ÁI và TÌNH THƯƠNG, một Giám Mục đã tận hiến đời mình vì Chúa và vì người anh em, một Giám Mục không thể chết trong lòng mọi người, một Giám Mục sẽ mãi mãi sống giữa lòng Giáo Hội Việt Nam.

Trân trọng kính chào quí vị.



Nguồn: http://www.simonhoadalat.com, và hình ảnh sưu tầm trên Internet