ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Từ cái Chữ ra mạch Sử

 TỪ CÁI CHỮ RA MẠCH SỬ

(xuất phát từ câu hỏi: "Phnom Penh, sao gọi là Nam Vang"?)

Ta nói việc chuyển ngữ Việt hóa là mượn cầu nối chữ Hán. Tỉ như Norway, chữ Hán ghi là , âm Việt-Hán là "Na Uy" đó đa! Người Tàu đọc là /Nuó wēi/ tức họ phiên âm (đọc na ná) với Norway; nhưng người Việt đọc khác hẳn, là "Na Uy" thì đây không phải là phiên âm nữa (âm đọc khác xa so với Norway) mà là chuyển ngữ Việt hóa. Vậy đó, Phnom Penh 金邊, âm Việt-Hán là "Kim Biên".

Ủa, sao không nói "Kim Biên"? Hai chữ "Nam Vang" từ đâu ra?

NAM VANG là tên gọi do vua quan người Việt đặt ra!

Vào năm 1835, lúc bấy giờ vua Minh Mạng đã cử Trương Minh Giảng tiến binh và sáp nhập Chân Lạp vào nước Đại Nam. Chân Lạp được đổi thành "Trấn Tây thành" (鎮西城), chỉ là một Trấn của nước Đại Nam mà thôi.

Việc cai trị tại "Trấn Tây thành" (Chân Lạp) đều do quan Việt sắp đặt, còn người Khmer tại đây chỉ đảm nhiệm việc nhỏ.

Trấn Tây Thành (Chân Lạp) được chia ra làm 33 phủ và 2 huyện. Hết thảy đều đặt tên Việt (không dùng tiếng Khmer). Phnom Penh đổi sang tên mới, gọi là "Nam Vang" - sự vẻ vang của nước Nam (Đại Nam).

Thời bấy giờ, kinh đô của Chân Lạp là Oudong (đây là kinh đô cuối cùng trước khi vương triều Khmer thiên đô về Phnom Penh vào năm 1866). Trong giai đoạn Chân Lạp sáp nhập vào nước Đại Nam, Oudong cũng đổi sang tên mới, gọi là "Tầm Vu" .

Việc sáp nhập Chân Lạp trở thành một "trấn" của nước Đại Nam khá ngắn ngủi, từ năm 1835 đến năm 1841.

Người Việt ở Sài Gòn, ở miền Tây hiện nay vẫn còn nhiều người theo thói quen gọi Phnom Penh là NAM VANG.

---------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Tại sao tiếng Anh lại gọi Ông già Noël là Santa Claus?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao tiếng Anh lại gọi Ông già Noël là Santa Claus?

AN CHI: Người Anh cũng nói Father Chrismas, tương đương với tiếng Pháp Père Noël , để chỉ Ông già Noël. Còn Santa Claus thì bắt nguồn từ tiếng Hà Lan Sant Nikolaas, tức Thánh Nicolas. Thánh Nicolas sống vào thế kỷ thứ IV, nguyên là linh mục ở Myra, vùng Lycie thuộc Tây Nam bán đảo Tiểu Á. Ông là thánh bảo trợ của nước Nga và của trẻ em. Có người lại nói rằng ông là thánh bảo trợ cho thuyền nhân, thương nhân và trẻ em. Ông được sùng bái ở Cận Đông và châu Âu, đặc biệt là ở Ý, tại Bari là nơi còn lưu giữ được nhiều thánh tích của ông. Ông thường ban phát quà cho trẻ em vào đêm Giáng sinh hàng năm nên được xem là tượng trưng cho ông già Noël. Xin lưu ý rằng tiếng Anh vẫn gọi Thánh Nicolas là Saint Nicholas, còn Santa Claus thì lại là Ông già Noël và bắt nguồn từ tiếng Hà Lan Sant Nikolaas.

Kiến thức ngày nay, số 128, ngày 1-1-1994.

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Kiến thức ngày nay, số 113, Chuyện Đông chuyện Tây, có nói đến tiếng Afrikaans và giảng rằng đó là tiếng Hà Lan nói ở Nam Phi. Xin cho biết rõ về thứ tiếng đặc biệt này.

 ĐỘC GIẢ: Kiến thức ngày nay, số 113, Chuyện Đông chuyện Tây, có nói đến tiếng Afrikaans và giảng rằng đó là tiếng Hà Lan nói ở Nam Phi. Xin cho biết rõ về thứ tiếng đặc biệt này.

AN CHI: Tiếng Afrifaans là một thứ tiếng Hà Lan pha tạp mà chính dân lập nghiệp Hà Lan ở Nam Phi chấp nhận và truyền bá. Bên cạnh tiếng Anh, nó đã trở thành một trong hai ngôn ngữ chính thức của Nam Phi theo ý nghĩa đầy đủ nhất của mấy tiếng này và là ngôn ngữ pha tạp duy nhất trên thới giới có được quy chế đó.

Năm 1652, người Hà Lan đã đổ bộ lên Mũi Hảo Vọng (cực Nam châu Phi) và xây dựng thành phố Mũi Đất (tiếng Afrikaans: Kaapstad, tiếng Anh: Capetown, có người viết Cape Town) để làm trạm dừng chân từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương (bấy giờ chưa có kênh Suez). Tại thành phố mới tạo lập này, thứ tiếng pha tạp đó, mà nền tảng là tiếng Hà Lan, đã phát triển nhanh chóng thành một phương tiện giao tiếp đắc lực và đầy hiệu quả giữa dân châu Âu với nhân công gốc Phi. Trẻ con sinh ra tại đây, bất kể nòi giống, dần dần tự nhiên trở thành dân “bản ngữ” của thứ tiếng pha tạp đó, góp phần biến nó thành phương tiện giao tiếp chủ yếu giữa người gốc Âu và người gốc Phi. Khi những lưu dân Hà Lan càng đi sâu vào nội địa Nam Phi thì ngôn ngữ mới mẻ này phát triển càng rộng, càng xa. Tuy nhiên tiếng Hà Lan chính gốc vẫn còn là ngôn ngữ viết của họ. Tình hình ngôn ngữ trở nên phức tạp hơn khi người Anh thiết lập thuộc địa tại vùng Mũi Hảo Vọng vào năm 1806. Từ đây, bắt đầu một thời kỳ Anh hóa. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ của xã hội thượng lưu. Năm 1820, di dân người Anh tiến xa về hướng Đông. Những tiếng Afrikaans, mặc dù không có tư cách chính thức, vẫn tiếp tục là ngôn ngữ được dùng trong sinh hoạt gia đình của cả người da trắng lẫn người da đen. Đặc biệt, người Boer (thực dân Hà Lan) thì hoàn toàn lẫn tránh việc Anh hóa khi họ di cư sâu vào nội địa theo hướng Bắc để thành lập quốc gia tự do Orange và xứ Transvaal trong thập kỷ 1830. Đến thập kỷ 1870 thì vấn đề ngôn ngữ đã trở thành mục tiêu chủ yếu trong cuộc đấu tranh chính trị của dân Afrikaner (người Hà Lan nói tiếng Afrikaans). Đã từ lâu không còn có liên lạc gì với Hà Lan chính quốc, rất ít người còn nói hoặc viết đúng được tiếng Hà Lan chính gốc nên họ chủ trương rằng tiếng Afrikaans phải là ngôn ngữ tương lai của Nam Phi. Thế là họ bắt đầu công cuộc xuất bản bằng tiếng Afrikaans. Năm 1902, các nước cộng hòa người Boer mất quyền dộc lập và trở thành một bộ phận của đế quốc Anh. Nhưng người Boer chống lại việc Anh hóa các lãnh thổ của họ và trong đạo luật thành lập Liên bang (Nam Phi), bên cạnh tiếng Anh, tiếng Hà Lan đã được thừa nhận là ngôn ngữ chính thức trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, quy chế này của tiếng Hà Lan chẳng hề đem lại lợi ích gì cho người Afrikaner vì họ đã quên bẵng nó đi rồi. Vì vậy mà đã diễn ra một cuộc vận động rộng khắp đòi thừa nhận tiếng Afrikaans. Kết quả là đến năm 1926 thì thứ tiếng pha tạp đó đã trở thành một ngôn ngữ chính thức của Nam Phi, thay thế cho tiếng Hà Lan bên cạnh tiếng Anh.

Kiến thức ngày nay, số 126, ngày 15-12-1993.