ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1559, ngày 8 tháng 6 năm 1939

"Chữ Quốc Ngữ" là hồn trong nước" (Trần Quý Cáp) "Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam (Phan Châu Trinh)

 "CHỮ QUỐC NGỮ LÀ HỒN TRONG NƯỚC" (Trần Quý Cáp)

"KHÔNG BỎ CHỮ HÁN THÌ KHÔNG CỨU ĐƯỢC NƯỚC NAM" (Phan Châu Trinh)

1/ Mời quí bạn xem hình (đính kèm) với 4 câu thơ mở đầu Truyện Kiều. Viết bằng CHỮ NÔM, khi đọc lên là đọc thành quốc âm (tiếng Việt) như dòng chữ Quốc ngũ bên dưới đó đa! Trong 4 câu thơ này, chỉ có hai chữ "Tài" và "Mệnh" là âm Việt-Hán, còn lại 26 chữ là âm thuần Việt!

Nếu viết chữ Hán thì toàn bộ 26 âm thuần Việt của chúng ta trong bốn câu thơ mở đầu Truyện Kiều biến mất ngay lập tức! Chẳng hạn, chúng ta không còn được đọc là "trăm năm", không đọc "cõi người ta", không đọc "là", không đọc "ghét", không đọc "thấy"... mà khi buộc dùng chữ Hán thì phải là (lần lượt) "bách niên", "nhân gian giới", "thị", "hận", "khán"...

Mới đơn cử 4 câu thơ thôi, nếu viết chữ Hán thì có đến 92% âm thuần Việt mất sạch, huống hồ trọn Truyện Kiều - quí bạn đoán được rồi chớ? Nếu dùng chữ Hán thì TRUYỆN KIỀU biến mất khỏi cõi đời! May là dùng CHỮ NÔM, tức bộ chữ mà tiền nhân chế tác ra để ghi các âm thuần Việt.

2/ Đến đây ắt quí bạn hiểu vì sao chí sĩ Phan Châu Trinh gióng tiếng khẳng định: "Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam"!

Dùng chữ Hán thì toàn bộ âm thuần Việt bị loại bỏ hoàn toàn (chữ Hán chỉ lưu những âm Hán-Việt mà thôi).

[bỏ chữ Hán, ở đây, là KHÔNG lấy Hán tự làm văn tự chính thức trên nước Nam! ;

còn việc nghiên cứu chữ Hán như bao ngôn ngữ khác là điều bình thường]

3/ Chí sĩ Trần Quý Cáp, ở đây tôi nhấn mạnh ông còn là một nhà Hán học, để rồi chính ông khẳng định: "CHỮ QUỐC NGỮ là HỒN TRONG NƯỚC"!

Ông, một nhà Hán học, nên quá hiểu chữ Hán "bất lực" không chuyên chở được kho tàng quốc âm thuần Việt. Mà quốc âm (âm thuần Việt) chính là "HỒN" của mỗi người Việt chúng ta!

CHỮ QUỐC NGỮ, dù văn tự viết khác với CHỮ NÔM, nhưng CẢ HAI đều mang GIÁ TRỊ ĐÁNG TRÂN TRỌNG, đò là chứa được toàn bộ tiếng Việt (quốc âm). Trong khi chữ Hán thì loại bỏ tiếng Việt (quốc âm) của chúng ta!

Chữ Nôm, nói nào ngay, quá khó để học (đòi hỏi phải học chữ Hán cái đã, rồi sau đó mới học tiếp chữ Nôm). Thành thử, xin nhắc lại, chính nhà Hán học Trần Quý Cáp đã vui mừng mà thốt lên rằng:

"CHỮ QUỐC NGỮ LÀ HỒN TRONG NƯỚC"!

Vậy mà, đời nay, nảy nòi một nhúm cổ súy chữ Hán (trong khi đả kích chữ Quốc ngữ). Quí bạn hãy cùng nhau nhớ cho rõ, cùng nhau nhìn cho kỹ nhúm người bội tình:

Không lẽ họ dại dột đến như vậy hay sao? Họ không biết rằng dùng chữ Hán là hủy bỏ quốc âm (tiếng thuần Việt) hay sao?

Họ muốn bóp nghẹt TIẾNG VIỆT nhằm mục đích gì?

* THAY CHO LỜI KẾT

Xin dẫn lời của chí sĩ Phan Châu Trinh nhận xét:

Việc HỌC CHỮ HÁN “khiến cho người nước ta TỐI TĂM, mù mịt”!

Matthew NChuong



 

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1558, ngày 1 tháng 6 năm 1939

Các tỉnh duyên hải miền Trung thuộc "Đàng Trong"

 Tiếp theo "2 cẩm nang bỏ túi" về các tỉnh miền Nam, các tỉnh trên cao nguyên, kỳ này là "cẩm nang" về tên gọi các tỉnh miền Trung:

CÁC TỈNH DUYÊN HẢI miền Trung THUỘC "ĐÀNG TRONG"

* Theo phân giới chánh trị: MIỀN NAM & MIỀN BẮC (chữ in hoa); theo phân giới địa lý tự nhiên: miền Nam, miền Trung, miền Bắc.

1) MIỀN NAM, từ 1954-1975, về mặt lãnh thổ gần như tương hợp với lãnh thổ ĐÀNG TRONG (chỉ thiếu mỗi Quảng Bình)!

Cần biết rằng Quảng Bình có thời gian thuộc về ĐÀNG TRONG hơn 150 năm kể từ năm 1625 (khi chúa Nguyễn và chúa Trịnh sau 7 lần giao tranh đã quyết định dừng chiến, phân giới tại sông Gianh) cho tới cuối thế kỷ 18.

Và, trong một thời gian ngắn ngủn hơn nhiều, 21 năm (1954-1975), Quảng Bình mới thuộc về MIỀN BẮC.

2) Các tỉnh duyên hải miền Trung (trước đây vốn thuộc về ĐÀNG TRONG), xét trong giai đoạn 1954 đến 1975:

Tỉnh QUẢNG BÌNH, thuộc MIỀN BẮC;

& 10 Tỉnh duyên hải miền Trung thuộc MIỀN NAM, gồm có:

Tỉnh QUẢNG TRỊ (Cam Lộ, Đông Hà, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong...);

Tỉnh THỪA THIÊN (Huế, Hương Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Thứ, Phú Vang...);

Tỉnh QUẢNG NAM (Đà Nẵng, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Đức Dục, Hiếu Đức, Hiếu Nhơn...);

Tỉnh QUẢNG TÍN (Tam Kỳ, Hậu Đức, Thăng Bình, Tiên Phước...; nay sáp nhập vào tỉnh Quảng Nam);

Tỉnh QUẢNG NGÃI (Tư Nghĩa, Bình Sơn, Đức Phổ, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tịnh...);

Tỉnh BÌNH ĐỊNH (Qui Nhơn, An Nhơn, An Túc, Bình Khê, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ...);

Tỉnh PHÚ YÊN (Tuy Hòa, Đồng Xuân, Hiếu Xương, Sông Cầu, Sơn Hòa...);

Tỉnh KHÁNH HÒA (Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Dương, Ninh Hòa, Vạn Ninh...);

Tỉnh NINH THUẬN (Phan Rang, An Phước, Bửu Sơn, Du Long, Sông Pha...);

Tỉnh BÌNH THUẬN (Phan Thiết, Hải Long, Hải Ninh, Hàm Thuận, Hòa Đa, Phan Lý Chàm...).

III/ HIỆN NAY, NĂM 2021:

Quảng Bình, có một thời gian sau năm 1975 sáp nhập với Quảng trị và Thừa Thiên thành một tỉnh "Bình Trị Thiên", rồi ... lại tách ra như cũ, Quảng Bình trở lại là một tỉnh riêng.

Các tỉnh dọc duyên hải miền Trung kể trên (thuộc MIỀN NAM):

tỉnh Quảng Tín không còn (sáp nhập vào tỉnh Quảng Nam); nhưng Đà Nẵng trở thành Thành phố thuộc trung ương (không còn thuộc tỉnh Quảng Nam), thành thử tổng cộng vẫn là 10 (tỉnh, thành).

Gồm:

Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, và Bình Thuận.

-------------------------------------------------------------------

Hình ảnh: Kinh đô HUẾ là kinh đô ĐẦU TIÊN của một nước VIỆT mang hình chữ S, "theo đường cái quan" từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau!

Matthew NChuong



 

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Cao nguyên miền Trung

 "Cẩm nang" tặng quí bạn: Biến thiên tên gọi các tỉnh thuộc

CAO NGUYÊN MIỀN TRUNG

Cao nguyên miền Trung chỉ thực sự thuộc về lãnh thổ VN hơn một thế kỷ mà thôi, chưa xa xưa gì lắm đâu! Trước năm 1905, lãnh thổ vùng cao này trong nhiều thế kỷ là tự trị. Năm 1905, người Pháp đã đưa quân từ vùng duyên hải - thuộc triều đình Đại Nam, nhưng nằm dưới sự bảo hộ của người Pháp - lên vùng cao, chiếm đóng, xóa bỏ tự trị!

I/ TIỂU QUỐC JRAI

(đọc tài liệu thấy ghi "Tiểu quốc Jrai", sao không ghi là "Vương quốc Jrai"?)

Lãnh thổ của người Jrai tồn tại trong nhiều thế kỷ với sự trị vì của Pơtao Ia (vua Nước) và Pơtao Apui (vua Lửa) - trong sử Việt ghi là "Thủy Xá / Hỏa Xá" 水舍 / 火舍 ("xá" có nhiều nghĩa, ở đây "xá" có thể được hiểu là vùng đất, lãnh thổ).

Ngày xưa, các vương triều Khmer (Chân Lạp) cứ ba năm một lần lại cử sứ giả đem lễ vật cho Thủy Xá / Hỏa Xá để hòa hiếu.

Trong khi đó, đối với nước Việt, theo cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn: dưới thời các Chúa Nguyễn ở ĐÀNG TRONG cứ 5 năm một lần các tiểu vương Thủy Xá, Hỏa Xá nộp lễ cống và thuế; đổi lại là vẫn giữ được sự tự trị cho các sắc tộc trên vùng cao nguyên này.

Sự tự trị vẫn được tôn trọng dưới thời Nhà Nguyễn...

Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1905 người Pháp kéo quân lên tấn công vùng cao nguyên này, chấm dứt sự tự trị của Tiểu quốc Jrai.

Cũng trên vùng cao nguyên miền Trung, còn có Tiểu quốc Mạ của người Mạ, Tiểu quốc Adham của người Rhade (Ê Đê)... Hết thảy đều kết thúc sự tự trị vào năm 1905.

II/ HOÀNG TRIỀU CƯƠNG THỔ

Vào tháng 4/1950 toàn bộ cao nguyên miền Trung được gọi là "Hoàng triều cương thổ". Quốc trưởng Bảo Đại của thể chế Quốc gia Việt Nam (ra đời vào năm 1949, thủ đô tại Sài Gòn) đồng thời là chủ nhân của "Hoàng triều cương thổ".

Cũng xin ghi chú ở đây: "Hoàng triều cương thổ" bấy giờ không chỉ gồm Cao nguyên miền Trung mà còn bao gồm một số vùng cao nguyên ngoài Bắc có các sắc tộc Mường, Thái, Tày, Nùng, Mèo (nằm trong các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái).

Lý do "Hoàng triều cương thổ" bao trùm như rứa là bởi vì thể chế Quốc gia VN trên danh nghĩa (de jure) là thủ đắc chủ quyền trên toàn nước VN đó đa!

"Hoàng triều cương thổ" ở cao nguyên miền Trung, bấy giờ chia thành 5 tỉnh: tỉnh ĐỒNG NAI THƯỢNG (tỉnh lỵ Di Linh), tỉnh LÂM VIÊN (Đà Lạt), tỉnh DARLAC, tỉnh PLEIKU, và tỉnh KONTUM.

"Hoàng triều cương thổ" chính thức giải thể vào tháng 3/1955.

("Hoàng triều cương thổ" đương nhiên chấm dứt tồn tại ở một số vùng cao nguyên ngoài Bắc, theo Hiệp định Geneve tháng 7/1954)

III/ CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN

Dưới thể chế Việt Nam cộng hòa, danh xưng "Hoàng triều cương thổ" đổi thành "Cao nguyên Trung Phần".

Trải qua vài lần thay đổi địa giới, vào năm 1974, Cao nguyên Trung Phần gồm 7 tỉnh:

1 Tỉnh LÂM ĐỒNG (Bảo Lộc, Di Linh...);

2 Tỉnh TUYÊN ĐỨC (Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Tùng Nghĩa...);

3 Tỉnh QUẢNG ĐỨC (Gia Nghĩa, Đức Lập, Khiêm Đức, Kiến Đức...; nay phần nào tương ứng với tỉnh Đắc Nông);

4 Tỉnh DARLAC (Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Lạc Thiện, Phước An...);

5 Tỉnh PHÚ BỔN (Cheo Reo, Phú Thiện, Phú Túc, Thuần Mẫn ...; nay không còn tỉnh này mà sáp nhập vào huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, một phần nhập vào huyện Ea H'leo của tỉnh Đắc Lắc);

6 Tỉnh PLEIKU;

7 Tỉnh KONTUM.

IV/ TÂY NGUYÊN

Dưới thể chế CHXHCN VN, vùng cao nguyên miền Trung gọi là "Tây Nguyên". Nay gồm 5 tỉnh:

1 Tỉnh LÂM ĐỒNG (Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh...; sáp nhập hai tỉnh Tuyên Đức và tỉnh Lâm Đồng trước 1975 vào làm một);

2 Tỉnh ĐẮC NÔNG (tỉnh lỵ Gia Nghĩa, tương ứng với đa phần tỉnh Quảng Đức trước kia);

3 Tỉnh ĐẮC LẮC (trước kia gọi là tỉnh Darlac; tỉnh lỵ đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột);

4) Tỉnh GIA LAI (trước kia gọi là tỉnh Pleiku);

5) Tỉnh KON TUM.

---------------------------------------------------------

Bản đồ Cao nguyên Trung Phần (trước 1975);

Lễ hội văn hóa của người Jrai.

Matthew NChuong






 

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1556, ngày 18 tháng 5 năm 1939

Nam Kỳ / Cochinchine / Nam Phần / Nam Bộ

NAM KỲ / COCHINCHINE / NAM PHẦN / NAM BỘ

*&*

Có mấy điểm cần lưu ý:

Tên gọi NAM KỲ là do tiền nhân người Việt định danh (ra đời hơn nửa thế kỷ trước khi người Pháp đặt sự đô hộ);

Tên gọi NAM PHẦN là danh xưng dưới thể chế Quốc gia VN (1949-1955) và thể chế Việt Nam cộng hòa (1955-1975).

Trong thực tế (de facto), các tỉnh lỵ trung tâm thuộc vùng đất phương Nam này đều nằm dưới sự quản trị của những thể chế vừa kể. Kể cả trên danh nghĩa (de jure), như Việt Nam cộng hòa, dựa theo công pháp quốc tế (qua Hiệp định Geneve 1954) là thể chế thủ đắc chủ quyền vùng đất phương Nam.

Sau tháng 4/1975 trở đi, thể chế Cộng hòa XHCN Việt Nam thủ đắc chủ quyền thực tế đối với vùng đất phương Nam, và do vậy danh xưng NAM BỘ mới trở thành tên gọi phổ cập nơi đây.

I/ NAM KỲ (gồm 6 tỉnh)

Vào năm 1832, vua Minh Mạng định cõi bằng danh xưng là "kỳ" , gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Cùng với sự ra đời danh xưng "kỳ", lần đầu tiên nước Việt dùng chữ "tỉnh" (trước đó gọi là "trấn", "phủ", "thành"...) trong phân chia địa giới. Nam Kỳ được chia thành 6 tỉnh, nên còn gọi là "Nam Kỳ lục tỉnh" .

Gồm: tỉnh GIA ĐỊNH 嘉定, tỉnh BIÊN HÒA 边和, tỉnh ĐỊNH TƯỜNG 定祥, tỉnh VĨNH LONG 永隆, tỉnh AN GIANG 安江, và tỉnh HÀ TIÊN 河仙.

II/ COCHINCHINE (gồm 21 tỉnh)

Người Pháp khi đặt sự cai trị lên nước Việt, họ đã dựa theo - xin nhắc lại - sự phân ranh 3 kỳ có sẵn của Nhà Nguyễn trước đó cả nửa thế kỷ, và ĐỔI danh xưng hoàn toàn khác đi! Nam Kỳ được người Pháp gọi là "Cochinchine" (Bắc Kỳ thì Pháp đổi là "Tonkin", Trung Kỳ là "Annam").

Thực dân Pháp lập tức xóa đi "lục tỉnh" của Nam Kỳ, họ chia nhỏ thành 20 hạt (arrondissement). Đến năm 1899, đổi "hạt" thành "tỉnh" (province), như sau:

Tỉnh Gia Định (thuộc Nam Kỳ, thời Nhà Nguyễn) => chia thành 5 tỉnh: GIA ĐỊNH, CHỢ LỚN, TÂN AN, TÂY NINH, GÒ CÔNG (thuộc Cochinchine, thời Pháp);

Tỉnh Biên Hòa (Nam Kỳ) chia thành 3 tỉnh: BIÊN HÒA, BÀ RỊA, THỦ DẦU MỘT;

Tỉnh Định Tường (Nam Kỳ) đổi tên thành tỉnh MỸ THO;

Tỉnh Vĩnh Long (Nam Kỳ) chia thành 3 tỉnh: VĨNH LONG, BẾN TRE, TRÀ VINH;

Tỉnh An Giang (Nam Kỳ) chia thành 5 tỉnh: CHÂU ĐỐC, LONG XUYÊN, SA ĐÉC, SÓC TRĂNG, CẦN THƠ;

Tỉnh Hà Tiên (thuộc Nam Kỳ, thời Nhà Nguyễn) chia thành 3 tỉnh: HÀ TIÊN, RẠCH GIÁ, BẠC LIÊU (thuộc Cochinchine, thời Pháp).

Tháng 5/1944 người Pháp cắt một phần từ tỉnh Gia Định, lập thêm tỉnh TÂN BÌNH.

Như vậy, Cochinchine có hết thảy là 21 tỉnh.

* Người Pháp ngay từ đầu đặt chân đến đã chia ra rất nhiều tỉnh, NHƯNG người dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng "lục tỉnh" thuở tiền nhân định cõi. Chẳng hạn tên gọi của tờ báo do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, tờ "Lục tỉnh tân văn", ra đời năm 1908 mặc dù lúc đó ở vùng đất phương Nam làm gì còn "lục" (6) mà đã hai mươi tỉnh rành rành.

"Nam Kỳ lục tỉnh", hoặc "Nam Kỳ" trở thành danh xưng chứa đựng niềm hãnh diện, nối kết với truyền thống cha ông - mà mãi về sau của những thập niên 60, 70 (và thậm chí hiện nay) người dân nơi đây vẫn còn ưng nhắc đến.

III/ NAM PHẦN (gồm 27 tỉnh thành)

(bản đồ vào năm 1974)

Đô thành SÀI GÒN (địa bàn gồm những quận đánh số như quận Nhứt cho tới quận 11);

Tỉnh GIA ĐỊNH (tỉnh lỵ đặt tại Gò Vấp, với địa bàn mà hiện nay gọi là Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh, Cần Giờ, Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Bình, Phú Nhuận, Nhà Bè, Tân Phú ...);

Tỉnh BÌNH TUY (Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, thị xã La Gi...; thời VNCH tỉnh Bình Tuy xếp vào Nam Phần, nhưng nay sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận thuộc về miền Trung);

Tỉnh PHƯỚC TUY (gần như là địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay);

Tỉnh LONG KHÁNH (Xuân Lộc, Định Quán, Gia Kiệm..., nay thuộc tỉnh Đồng Nai);

Tỉnh BIÊN HÒA (gồm thành phố Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... nay thuộc tỉnh Đồng Nai, cộng với Dĩ An, một phần Tân Uyên nay thuộc tỉnh Bình Dương);

Tỉnh BÌNH DƯƠNG;

Tỉnh BÌNH LONG (An Lộc, Chơn Thành, Lộc Ninh... nay thuộc tỉnh Bình Phước và một phần Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo nay thuộc tỉnh Bình Dương);

Tỉnh PHƯỚC LONG (nay là một phần của tỉnh Bình Phước gồm Đồng Xoài, Phước Long, Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đốp...);

Tỉnh HẬU NGHĨA (Đức Hòa, Đức Huệ nay thuộc tỉnh Long An, Củ Chi nay thuộc tpHCM, Trảng Bàng nay thuộc tỉnh Tây Ninh);

Tỉnh TÂY NINH;

Tỉnh LONG AN;

Tỉnh KIẾN TƯỜNG (Mộc Hóa...; nay thuộc tỉnh Long An);

Tỉnh GÒ CÔNG (nay thuộc tỉnh Tiền Giang);

Tỉnh ĐỊNH TƯỜNG (tỉnh lỵ là Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang);

Tỉnh KIẾN PHONG (tỉnh lỵ là Cao Lãnh, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp);

Tỉnh SA ĐÉC (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp);

Tỉnh KIẾN HÒA (thị xã Trúc Giang...; nay gọi là tỉnh Bến Tre);

Tỉnh VĨNH LONG;

Tỉnh VĨNH BÌNH (nay gọi là tỉnh Trà Vinh);

Tỉnh PHONG DINH (Cần Thơ, Châu Thành, Phong Điền, Phong Phú, Phong Thuận, Phụng Hiệp...);

Tỉnh CHƯƠNG THIỆN (Vị Thanh, Long Mỹ, Vị Thủy...; nay tương ứng với phần lớn địa bàn tỉnh Hậu Giang);

Tỉnh BA XUYÊN (nay tương ứng với hầu như toàn bộ địa bàn tỉnh Sóc Trăng);

Tỉnh CHÂU ĐỐC (Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn...; nay thuộc tỉnh An Giang);

Tỉnh AN GIANG (tỉnh lỵ là Long Xuyên; nay tỉnh An Giang gồm Long Xuyên sáp nhập với Châu Đốc);

Tỉnh KIÊN GIANG (Rạch Giá, Hà Tiên...);

Tỉnh BẠC LIÊU;

Tỉnh AN XUYÊN (nay tương ứng với hầu như toàn bộ địa bàn tỉnh Cà Mau).

IV/ NAM BỘ (gồm 19 tỉnh thành)

Nhập tỉnh rồi tách tỉnh theo dòng thời gian, đây nói về thời hiện nay (2021):

Vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vùng Tây Nam Bộ: Thành phố Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

-------------------------------------------------------------------

"Thương, dân lập đền thờ":

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (hình 1)

Thượng đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực (hình 2) 

Bản đồ Nam Kỳ lục tỉnh (1832) (hình 3)

Bản đồ Nam Phần 27 tỉnh thành (1974) (hình 4)

Bản đồ Nam Bộ 19 tỉnh thành (2021) (hình 5)

Matthew NChuong







 

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Tính liên tục về chủ quyền lãnh hải cần được hiểu ra sao?

 TÍNH LIÊN TỤC VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH HẢI CẦN ĐƯỢC HIỂU RA SAO?

* Gọi tên "Quốc gia Việt Nam" / "Việt Nam cộng hòa".

Không dùng các từ miệt thị như "ngụy quyền", "bù nhìn", "tay sai"... mà gọi đúng danh xưng của các thể chế đã từng hiện hữu trong lịch sử: Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam), Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thành viên Hội đồng khoa học biên soạn bộ Quốc sử (gồm 30 tập) đã từng cho biết như vậy.

Nếu chính sử không thừa nhận Việt Nam Cộng hòa thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, chủ quyền phải được kế thừa liên tục.

Cần hiểu tính chất liên tục trong chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào?

Vài ghi chú tóm tắt để cùng nhau hiểu sự thực lịch sử:

/1/ Các Chúa Nguyễn (Đàng Trong) xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó, vua Gia Long của Nhà Nguyễn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hải đảo.

/2/ Người Pháp sau khi xâm chiếm nước ta, họ đã ký Hòa ước Patenotre 1884 với nhà nước Đại Nam trong đó có điều khoản Pháp thay mặt Đại Nam trong các mối bang giao quốc tế.

Dựa trên Hòa ước Patenotre 1884, Pháp xúc tiến những cuộc đàm phán với nhà Thanh (nước Tàu), trong đó Pháp kiên quyết giữ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về VN.

(thật may mắn, nếu lúc đó Pháp "nhả" HS/TS cho Tàu thì VN mất tiêu hai quần đảo này rồi, bởi vì VN bấy giờ đã thỏa thuận trao toàn quyền cho Pháp trong đàm phán về chủ quyền)

/3/ Hàng loạt biến động lịch sử xảy ra, như Nhựt Bổn đảo chánh Pháp, như ra đời "Đế quốc Việt Nam" của chánh phủ Trần Trọng Kim tháng 3 năm 1945, như ra đời "Việt Nam dân chủ cộng hòa" của chánh phủ Hồ Chí Minh tháng 9 năm 1945, như Pháp quay trở lại giành quyền cai trị ủy nhiệm từ Đồng Minh trên lãnh thổ VN...

Tuy nhiên Hòa ước Patenotre 1884 vẫn chưa chính thức tiêu hủy hiệu lực. Thành thử với Hiệp ước Élysée trao trả nền độc lập cho VN, ra đời thể chế Quốc gia Việt Nam vào năm 1949, Pháp cũng đồng thời tiêu hủy Hòa ước Patenotre để chánh phủ Quốc gia Việt Nam đứng ra nắm giữ thẩm quyền đối với HS/TS.

Thế chế Quốc gia Việt Nam, với Quốc trưởng là Bảo Đại, đặt thủ đô tại Sài Gòn.

/4/ Trong Hội nghị quốc tế San Francisco 1951, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng của chánh phủ Quốc gia Việt Nam (hình dưới, bên trái) đã dẫn đầu phái đoàn tham dự, và tuyên bố trước thế giới về chủ quyền VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

/5/ Biến cố lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh phủ Cộng hòa miền Nam VN (cờ nửa đỏ nửa xanh) dùng giải pháp quân sự lật đổ chính phủ VNCH. Qua năm 1976, Cộng hòa miền Nam VN sáp nhập vào VNDCCH (miền Bắc) thành một quốc gia có tên gọi "CHXHCN Việt Nam" [hình dưới, bên phải: Phủ Chủ tịch nước CHXHCN VN]

Theo lập luận từ nhà cầm quyền VN hiện nay, thẩm quyền đối với HS/TS đã từ Việt Nam Cộng hòa chuyển qua Cộng hòa miền Nam VN, sau đó chuyển sang cho CHXHCN Việt Nam.

Trong quá trình nối tiếp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, như vậy, không có vai trò của "VN Dân chủ cộng hòa", mà theo chuỗi mắt xích như sau:

Chúa Nguyễn => Nhà Nguyễn => Pháp (qua Hòa ước Patenotre 1884) => Quốc gia Việt Nam (qua Hiệp ước Élysée) => Việt Nam Cộng hòa (qua thủ tục Trưng cầu dân ý) => Cộng hòa miền Nam VN (qua việc sử dụng võ lực quân sự) => CHXHCN Việt Nam (qua Hiệp thương thống nhất).

Nếu gọi Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa là "ngụy" (nghĩa là giả, không thật) thì chuỗi mắt xích về kế thừa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa bị gián đoạn, chặt đứt!

Bởi vì không thể kế thừa chủ quyền HS/TS từ một thực thể bị gán cho là "ngụy", "không có thật", mà nếu vậy chủ quyền PHÁP LÝ đối với Hoàng Sa, Trường Sa chới với ngay lập tức!

Đó là lý do, trở lại phần mở đầu bài viết này, PGS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) dùng danh xưng Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hòa, không dùng hai chữ "ngụy quyền" nữa./.

Matthew NChuong





Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1554, ngày 4 tháng 5 năm 1939

"Mê tín chánh trị"

 "MÊ TÍN CHÁNH TRỊ"

(Thủ thuật "gắp lửa bỏ tay người" quanh vụ Hoàng Sa 1974)

Có 2 vấn đề (liên quan với nhau) mà không ít người Việt trong nước lẫn người Việt hải ngoại ưng đồn đại dai dẳng, tôi tạm gọi là "mê tín chánh trị". Sở dĩ gọi "mê tín" là vì chưa đưa ra dẫn chứng nào khả tín nhưng vẫn cứ khẳng định như đinh đóng cột (cũng tức là nếu như đưa ra dẫn chứng đủ thuyết phục thì không còn gọi là "mê tín" nữa).

/1/ "MỸ BỎ BIỂN ĐÔNG, BẮT TAY VỚI TÀU ĐỂ TRIỆT LIÊN SÔ"?

1.1) Hồi năm 1972 Nixon-Kissinger có ngoại giao con thoi với Mao Trạch Đông-Chu Ân Lai, với kết quả là cho ra lò "Thông cáo Thượng Hải". Nhiều người VN bèn liên kết chuyện này với chuyện Tàu Bắc Kinh chiếm đoạt Hoàng Sa tháng 1/1974, rồi cho rằng ông Nixon đi đêm với Tàu nhường Biển Đông cho Tàu. Ủa, để chi?

Để, theo những lời bàn đầu đường xó chợ, là "lôi kéo Tàu phối hợp đặng triệt hạ Liên Sô".

Trong thương thảo, tôi nhượng anh cái này thì anh nhượng lại cho tôi một cái khác. Cứ cho là có việc thỏa thuận Mỹ rút khỏi khu vực này, tức là Mỹ cho Tàu một "món hàng" hết sức cụ thể, đang nằm trong tay Mỹ (lúc đó Mỹ đang chiếm ưu thế trong vùng biển Đông), đổi lại Mỹ được "món" gì?

Món "Liên Sô suy sụp, sụp đổ" hả? Liên Sô có phải là "món" nằm trong tay Tàu đâu mà Tàu đem ra trao đổi! Chưa kể việc "Liên Sô sụp đổ", vào lúc đó, là chuyện còn trừu tượng mù khơi lắm đa.

Ông Mỹ ổng đâu ngu đi nhượng một món trong thời hiện tại để đổi lấy một "món"... nằm trong thời tương lai, nói nào ngay, chưa chắc chắn gì hết.

1.2) Liên Sô (và khối Đông Âu) sụp đổ vào những năm 1990-1991, tức khoảng 20 năm sau lận (sau Thông cáo Thượng Hải).

Liên Sô rã rời chân tay, được bàn luận là do các nguyên nhân: nào là Mỹ dụ Liên Sô chạy đua võ trang "chiến tranh giữa các vì sao" (khiến Liên Sô cạn tiền cạn bạc), nào là kinh tế Liên Sô đình đốn (các nước Đông Âu cũng rứa), nào là sự phân liệt trong nội bộ Liên Sô (và Đông Âu)...

Đủ loại nguyên nhân, có cái hợp lý, có cái suy đoán, NHƯNG - quí bạn coi lại đi - hết thảy đều không có nguyên nhân nào được kể là do vai trò của Bắc Kinh (trong biến động 1990 - 1991) ráo trọi!

Vậy... cái được ưa nói tới là "Mỹ nhường biển Đông cho Tàu để Tàu giúp Mỹ hạ Liên Sô", mà Tàu có "giúp" được cái giống gì đâu trong biến động 1990-1991 kể trên?

Nói nào ngay, chỉ là sự tán dóc về "thuyết âm mưu" nơi đầu đường góc hẻm - trong lúc uống cà phê hút thuốc cho nó bớt sầu đời thôi.

<=> Chỉ khi nào có được những thông tin giải mật đàng sau "Thông cáo Thượng Hải", xin trưng ra cho mọi người tường lãm. Bằng không, tôi gọi mọi sự đồn đoán đều thuộc về căn bịnh "mê tín chánh trị", chưa có những bằng cớ nào minh chứng đủ thuyết phục.

/2/ CÂU CHUYỆN HOÀNG SA: GẮP LỬA BỎ TAY NGƯỜI

Sở dĩ cái "thuyết âm mưu" vẫn cứ tồn tại dai dẳng là bởi nó có liên can tới vụ hải chiến Hoàng Sa 1974. Tàu Bắc Kinh xua quân xâm lăng, nghe nói bên Hải quân VNCH có báo cho Hạm đội Mỹ lúc đó có mặt ở biển Đông nhưng bị lờ đi, không ứng cứu. Vậy là... ông Nixon móc ngoéo với Mao chớ còn gì nữa?

"Âm mưu" kiểu nào, như tôi đã diễn giải trên, thì không xác quyết khi chưa giải mật hậu trường của bản Thông cáo Thượng Hải. NHƯNG, có những dữ kiện rõ rành sau đây thừa sức để giải thích (thay vì rơi vào thuyết âm mưu mờ ảo):

Quí bạn nên biết rằng vào giai đoạn 1973-1975, Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hoàn toàn: chiếm 60 ghế tại Thượng viện (trong tổng số 100, tức chiếm 60%), chiếm 291 ghế tại Hạ viện (trong tổng số 435 ghế, tức chiếm 66,9%).

Quốc hội lúc bấy giờ đã TRÓI TAY Hành pháp bằng những đạo luật khiến cho Tổng thống mất dần quyền hành trong cuộc chiến.

Ngày 29/6/1973 Quốc Hội (do đảng DC kiểm soát) biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương. Đặc biệt, vào ngày 7/11/1973 Quốc Hội (do đảng DC kiểm soát) ban hành "Wars Powers Act" (Đạo luật hạn chế quyền hành của Tổng Thống về chiến tranh), theo đó Tổng thống phải tham khảo ý kiến của Quốc Hội trước khi cho phép quân đội can thiệp trên bộ lẫn trên biển tại Đông Dương (VN, Kampuchea, Lào).

Sau khi Quốc hội của đảng DC Mỹ ban hành "Wars Powers Act" vào tháng 11/1973, trói tay TT Mỹ, Tàu Bắc Kinh đánh hơi thấy cơ hội ngon ăn đã tới nên ngay lập tức, vào đầu năm 1974 cho quân tấn công Hoàng Sa!

Khi Hạm đội Mỹ nhận được lời kêu cứu từ hải quân VN tại Hoàng Sa, họ đánh điện về cho thượng cấp ở Ngũ giác đài, và điều này cần được Tổng thống cho phép. Với đạo luật "Wars Powers Act" treo trên đầu, cho dù ông Nixon có muốn hạ lịnh ứng cứu đi nữa thì ông đã hết đường động thủ rồi. Sợi dây thòng lọng "Wars Powers Act" của Quốc hội (do đảng DC khống chế) sẽ thắt cổ ông Nixon (Tổng thống đảng CH) ngay!

... Sau khi chiến tranh VN chấm dứt hoàn toàn (cuối tháng 4/1975), báo chí hậu thuẫn cho đảng DC bèn xoay qua giải thích việc "Mỹ bỏ rơi thể chế VNCH" là do ông Nixon bên đảng CH. Đây là kế sách của đảng DC nhằm "gắp lửa bỏ tay người".

---------------------------------------------------------------

NHẤN MẠNH: Hãy luôn nhớ đến thủ phạm cưỡng chiếm Hoàng Sa là bởi chế độ Bắc Kinh! Chớ đừng bị lôi vào chuyện đổ lỗi cho Mỹ này kia, vì như vậy là rơi vào bẫy làm loãng, lạc hướng về thủ phạm!

Matthew NChuong