ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Tính liên tục về chủ quyền lãnh hải cần được hiểu ra sao?

 TÍNH LIÊN TỤC VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH HẢI CẦN ĐƯỢC HIỂU RA SAO?

* Gọi tên "Quốc gia Việt Nam" / "Việt Nam cộng hòa".

Không dùng các từ miệt thị như "ngụy quyền", "bù nhìn", "tay sai"... mà gọi đúng danh xưng của các thể chế đã từng hiện hữu trong lịch sử: Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam), Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thành viên Hội đồng khoa học biên soạn bộ Quốc sử (gồm 30 tập) đã từng cho biết như vậy.

Nếu chính sử không thừa nhận Việt Nam Cộng hòa thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, chủ quyền phải được kế thừa liên tục.

Cần hiểu tính chất liên tục trong chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào?

Vài ghi chú tóm tắt để cùng nhau hiểu sự thực lịch sử:

/1/ Các Chúa Nguyễn (Đàng Trong) xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó, vua Gia Long của Nhà Nguyễn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hải đảo.

/2/ Người Pháp sau khi xâm chiếm nước ta, họ đã ký Hòa ước Patenotre 1884 với nhà nước Đại Nam trong đó có điều khoản Pháp thay mặt Đại Nam trong các mối bang giao quốc tế.

Dựa trên Hòa ước Patenotre 1884, Pháp xúc tiến những cuộc đàm phán với nhà Thanh (nước Tàu), trong đó Pháp kiên quyết giữ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về VN.

(thật may mắn, nếu lúc đó Pháp "nhả" HS/TS cho Tàu thì VN mất tiêu hai quần đảo này rồi, bởi vì VN bấy giờ đã thỏa thuận trao toàn quyền cho Pháp trong đàm phán về chủ quyền)

/3/ Hàng loạt biến động lịch sử xảy ra, như Nhựt Bổn đảo chánh Pháp, như ra đời "Đế quốc Việt Nam" của chánh phủ Trần Trọng Kim tháng 3 năm 1945, như ra đời "Việt Nam dân chủ cộng hòa" của chánh phủ Hồ Chí Minh tháng 9 năm 1945, như Pháp quay trở lại giành quyền cai trị ủy nhiệm từ Đồng Minh trên lãnh thổ VN...

Tuy nhiên Hòa ước Patenotre 1884 vẫn chưa chính thức tiêu hủy hiệu lực. Thành thử với Hiệp ước Élysée trao trả nền độc lập cho VN, ra đời thể chế Quốc gia Việt Nam vào năm 1949, Pháp cũng đồng thời tiêu hủy Hòa ước Patenotre để chánh phủ Quốc gia Việt Nam đứng ra nắm giữ thẩm quyền đối với HS/TS.

Thế chế Quốc gia Việt Nam, với Quốc trưởng là Bảo Đại, đặt thủ đô tại Sài Gòn.

/4/ Trong Hội nghị quốc tế San Francisco 1951, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng của chánh phủ Quốc gia Việt Nam (hình dưới, bên trái) đã dẫn đầu phái đoàn tham dự, và tuyên bố trước thế giới về chủ quyền VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

/5/ Biến cố lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh phủ Cộng hòa miền Nam VN (cờ nửa đỏ nửa xanh) dùng giải pháp quân sự lật đổ chính phủ VNCH. Qua năm 1976, Cộng hòa miền Nam VN sáp nhập vào VNDCCH (miền Bắc) thành một quốc gia có tên gọi "CHXHCN Việt Nam" [hình dưới, bên phải: Phủ Chủ tịch nước CHXHCN VN]

Theo lập luận từ nhà cầm quyền VN hiện nay, thẩm quyền đối với HS/TS đã từ Việt Nam Cộng hòa chuyển qua Cộng hòa miền Nam VN, sau đó chuyển sang cho CHXHCN Việt Nam.

Trong quá trình nối tiếp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, như vậy, không có vai trò của "VN Dân chủ cộng hòa", mà theo chuỗi mắt xích như sau:

Chúa Nguyễn => Nhà Nguyễn => Pháp (qua Hòa ước Patenotre 1884) => Quốc gia Việt Nam (qua Hiệp ước Élysée) => Việt Nam Cộng hòa (qua thủ tục Trưng cầu dân ý) => Cộng hòa miền Nam VN (qua việc sử dụng võ lực quân sự) => CHXHCN Việt Nam (qua Hiệp thương thống nhất).

Nếu gọi Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa là "ngụy" (nghĩa là giả, không thật) thì chuỗi mắt xích về kế thừa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa bị gián đoạn, chặt đứt!

Bởi vì không thể kế thừa chủ quyền HS/TS từ một thực thể bị gán cho là "ngụy", "không có thật", mà nếu vậy chủ quyền PHÁP LÝ đối với Hoàng Sa, Trường Sa chới với ngay lập tức!

Đó là lý do, trở lại phần mở đầu bài viết này, PGS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) dùng danh xưng Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hòa, không dùng hai chữ "ngụy quyền" nữa./.

Matthew NChuong





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét