ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Cao nguyên miền Trung

 "Cẩm nang" tặng quí bạn: Biến thiên tên gọi các tỉnh thuộc

CAO NGUYÊN MIỀN TRUNG

Cao nguyên miền Trung chỉ thực sự thuộc về lãnh thổ VN hơn một thế kỷ mà thôi, chưa xa xưa gì lắm đâu! Trước năm 1905, lãnh thổ vùng cao này trong nhiều thế kỷ là tự trị. Năm 1905, người Pháp đã đưa quân từ vùng duyên hải - thuộc triều đình Đại Nam, nhưng nằm dưới sự bảo hộ của người Pháp - lên vùng cao, chiếm đóng, xóa bỏ tự trị!

I/ TIỂU QUỐC JRAI

(đọc tài liệu thấy ghi "Tiểu quốc Jrai", sao không ghi là "Vương quốc Jrai"?)

Lãnh thổ của người Jrai tồn tại trong nhiều thế kỷ với sự trị vì của Pơtao Ia (vua Nước) và Pơtao Apui (vua Lửa) - trong sử Việt ghi là "Thủy Xá / Hỏa Xá" 水舍 / 火舍 ("xá" có nhiều nghĩa, ở đây "xá" có thể được hiểu là vùng đất, lãnh thổ).

Ngày xưa, các vương triều Khmer (Chân Lạp) cứ ba năm một lần lại cử sứ giả đem lễ vật cho Thủy Xá / Hỏa Xá để hòa hiếu.

Trong khi đó, đối với nước Việt, theo cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn: dưới thời các Chúa Nguyễn ở ĐÀNG TRONG cứ 5 năm một lần các tiểu vương Thủy Xá, Hỏa Xá nộp lễ cống và thuế; đổi lại là vẫn giữ được sự tự trị cho các sắc tộc trên vùng cao nguyên này.

Sự tự trị vẫn được tôn trọng dưới thời Nhà Nguyễn...

Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1905 người Pháp kéo quân lên tấn công vùng cao nguyên này, chấm dứt sự tự trị của Tiểu quốc Jrai.

Cũng trên vùng cao nguyên miền Trung, còn có Tiểu quốc Mạ của người Mạ, Tiểu quốc Adham của người Rhade (Ê Đê)... Hết thảy đều kết thúc sự tự trị vào năm 1905.

II/ HOÀNG TRIỀU CƯƠNG THỔ

Vào tháng 4/1950 toàn bộ cao nguyên miền Trung được gọi là "Hoàng triều cương thổ". Quốc trưởng Bảo Đại của thể chế Quốc gia Việt Nam (ra đời vào năm 1949, thủ đô tại Sài Gòn) đồng thời là chủ nhân của "Hoàng triều cương thổ".

Cũng xin ghi chú ở đây: "Hoàng triều cương thổ" bấy giờ không chỉ gồm Cao nguyên miền Trung mà còn bao gồm một số vùng cao nguyên ngoài Bắc có các sắc tộc Mường, Thái, Tày, Nùng, Mèo (nằm trong các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái).

Lý do "Hoàng triều cương thổ" bao trùm như rứa là bởi vì thể chế Quốc gia VN trên danh nghĩa (de jure) là thủ đắc chủ quyền trên toàn nước VN đó đa!

"Hoàng triều cương thổ" ở cao nguyên miền Trung, bấy giờ chia thành 5 tỉnh: tỉnh ĐỒNG NAI THƯỢNG (tỉnh lỵ Di Linh), tỉnh LÂM VIÊN (Đà Lạt), tỉnh DARLAC, tỉnh PLEIKU, và tỉnh KONTUM.

"Hoàng triều cương thổ" chính thức giải thể vào tháng 3/1955.

("Hoàng triều cương thổ" đương nhiên chấm dứt tồn tại ở một số vùng cao nguyên ngoài Bắc, theo Hiệp định Geneve tháng 7/1954)

III/ CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN

Dưới thể chế Việt Nam cộng hòa, danh xưng "Hoàng triều cương thổ" đổi thành "Cao nguyên Trung Phần".

Trải qua vài lần thay đổi địa giới, vào năm 1974, Cao nguyên Trung Phần gồm 7 tỉnh:

1 Tỉnh LÂM ĐỒNG (Bảo Lộc, Di Linh...);

2 Tỉnh TUYÊN ĐỨC (Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Tùng Nghĩa...);

3 Tỉnh QUẢNG ĐỨC (Gia Nghĩa, Đức Lập, Khiêm Đức, Kiến Đức...; nay phần nào tương ứng với tỉnh Đắc Nông);

4 Tỉnh DARLAC (Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Lạc Thiện, Phước An...);

5 Tỉnh PHÚ BỔN (Cheo Reo, Phú Thiện, Phú Túc, Thuần Mẫn ...; nay không còn tỉnh này mà sáp nhập vào huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, một phần nhập vào huyện Ea H'leo của tỉnh Đắc Lắc);

6 Tỉnh PLEIKU;

7 Tỉnh KONTUM.

IV/ TÂY NGUYÊN

Dưới thể chế CHXHCN VN, vùng cao nguyên miền Trung gọi là "Tây Nguyên". Nay gồm 5 tỉnh:

1 Tỉnh LÂM ĐỒNG (Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh...; sáp nhập hai tỉnh Tuyên Đức và tỉnh Lâm Đồng trước 1975 vào làm một);

2 Tỉnh ĐẮC NÔNG (tỉnh lỵ Gia Nghĩa, tương ứng với đa phần tỉnh Quảng Đức trước kia);

3 Tỉnh ĐẮC LẮC (trước kia gọi là tỉnh Darlac; tỉnh lỵ đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột);

4) Tỉnh GIA LAI (trước kia gọi là tỉnh Pleiku);

5) Tỉnh KON TUM.

---------------------------------------------------------

Bản đồ Cao nguyên Trung Phần (trước 1975);

Lễ hội văn hóa của người Jrai.

Matthew NChuong






 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét