ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Tiếng Tàu rồi lại tiếng Nga

TIẾNG TÀU RỒI LẠI TIẾNG NGA ...

1/ Ở VN chúng ta nghe quá nhàm tai trước việc khua chiêng gióng trống học “tiếng Trung” (tiếng “Trung”, tức là tiếng nước Giữa, nghe nghịch tai hết sức; gọi gọn bâng và quen thuộc bao đời - là “TIẾNG TÀU”). Luận điệu gióng trống khua chiêng kia là bởi cho rằng “tiếng Trung là một ngôn ngữ quốc tế”.

Đây là cách giải thích rất hàm hồ. Bởi vì, để một ngôn ngữ được xem là ngôn ngữ phổ thông có tính toàn cầu (universal language), theo A.Mazrui, cần phải hội đủ 4 điều kiện:

(a) được hiểu ít nhứt tại 20 quốc gia;

(b) được sử dụng ít nhứt tại 10 quốc gia – được công nhận như là một ngôn ngữ chính thức;

(c) có ít nhứt 500 triệu người nói thông thạo;

(d) và trải rộng ít nhứt trên hai lục địa.

Theo bốn điều kiện ấy, trên thế giới hiện nay chỉ có 3 ngôn ngữ xứng đáng gọi là "phổ thông toàn cầu": tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha.

Còn tiếng Tàu chỉ thỏa mỗi điều kiện (c) bởi vì dân số trong nước đông nhung nhúc, cả tỉ người. NHƯNG, không có quốc gia nào không phải của người Tàu mà lại xem tiếng Tàu là ngôn ngữ thứ nhứt (“ngôn ngữ mẹ đẻ”) hết!

Trong khi đó, ngay đến tiếng Bồ Đào Nha cũng có tính phổ thông toàn cầu hơn tiếng Tàu (so sánh 4 điều kiện trên). Tiếng Bồ được sử dụng là ngôn ngữ thứ nhứt ở các quốc gia: Bồ, Brazil, Mozambique, Angola, Cape Verde, Guinea-Bissau và São Tomé & Príncipe; và là một trong các ngôn ngữ chính thức (cùng với tiếng bản địa) ở Macau, Đông Timor và Guinea Xích đạo.

2/ TIẾNG NGA một thời làm mưa làm gió trên toàn bộ 15 nước cộng hòa trong Liên bang Soviet. Nhưng, sau khi Liên bang Soviet cáo chung, các quốc gia thuộc vùng Trung Á, vùng biển Baltic... thoát khỏi áp lực buộc dùng tiếng Nga, họ trở lại sử dụng tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ chính thức.

Họ trở về với ngôn ngữ mẹ đẻ, để gọi tên nước của họ là: "Lietuva", không còn bị buộc gọi tên nước bằng tiếng Nga là Литва (Lítva).

Họ được trở về với ngôn ngữ mẹ đẻ, để gọi tên nước của họ là: "Sakartvelo”, không còn bị buộc gọi tên nước bằng tiếng Nga là Грузия (Gruzia).

Trong khi ở nước sở tại, họ đã chấm dứt sự phụ thuộc vào tiếng Nga mà trở về với ngôn ngữ bản địa của họ, thật quái dị, ở VN nhiều báo đài không lưu ý đến tinh thần tự trọng dân tộc của họ gì ráo - mà cứ lôi tiếng Nga "Litva", "Gruzia" ... ra mà réo cho tên nước người ta!

Quí bạn thử nghĩ: nếu lôi cách gọi "Ān Nán" (安南 An Nam) theo tiếng Tàu trước kia rồi áp lên, không gọi "Việt Nam" theo tiếng Việt chúng ta nữa, thử hỏi có chịu đời nổi không? Gọi kiểu đó, nhẹ nhứt, là rơi vào thói bất lịch sự chớ còn gì nữa!

3/ Trong cách gọi tên các quốc gia, theo đúng qui chuẩn:

* hoặc là Việt hóa (như gọi: Anh, Pháp, Đức, Bỉ...);

* hoặc dùng chuyển ngữ tiếng Anh - ngôn ngữ toàn cầu phổ biến nhứt hiện nay (universal language).

Tại sao không dùng chuyển ngữ tiếng Anh "Lithuania", mà cứ réo bằng tiếng Nga "Litva" cho bằng được? Tại sao không dùng chuyển ngữ tiếng Anh "Georgia", thay vì réo "Gruzia" rặt Nga?

Tiếng Nga, cũng như tiếng "Trung", dường như vẫn còn có những kẻ thích đội lên đầu thì phải? ./.

 Nguồn:  Nguyễn - Chương Mt

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Lễ Ngọc, lễ Vàng tại nhà phước Chợ-quán

 Lễ Ngọc, lễ Vàng tại nhà phước Chợ-quán

-------------------------------

Ngày thứ tư 3 Fevrier, tại nhà phước Chợ-quán cử hành đại lễ mừng Lục tuần và Ngũ tuần khấn hứa theo luật dòng, của tám vị nữ tu nhà phước ấy kể như sau nầy:

1.     – Lễ Ngọc, Bà bề trên Maria Nguyễn thị Mai 83 tuổi, giáp 60 năm khấn hứa

2.     – Lễ Vàng các Bà và các Dì đã khấn hứa giáp 50 năm chẳn:

a)     Bà Maria Nguyễn thị Gương, Bà nhứt đương kim, 74 tuổi.

b)    Bà Agnès Nguyễn thị Truyện, bà nhứt cựu, 79 tuổi.

c)     Bà Agnès Nguyễn thị Quế, bà nhì cựu, 81 tuổi.

d)    Dì Maria Lâm thị Út, 81 tuổi.

e)     Dì Annà Trần thị Trầm, 78 tuổi.

f)      Dì Marthe Nguyễn thị Hải, 75 tuổi.

g)    Dì Annà Đoàn thị Nên, 74 tuổi.

Cũng một ngày ấy, có lễ phép cho 19 chị đội lúp đen, 14 chị lúp trắng.

Ba Lễ Nhập Một

NGỌC-KHÁNH, KIM-KHÁNH, NGÂN-KHÁNH

Đã cử hành rất long trọng tại Chợ-quán

(3 Février 1937)

------------------------

Sáng thứ tư, mồng 3 Février, tại nhà thờ họ Chợ-quán đã cử hành cuộc lễ rất long trọng, là lễ Ngọc, lễ Vàng của 8 vị nữ tu nhà phước, khấn hứa theo luật dòng “Chị em mến Thánh giá”, giáp năm mươi, và sáu mươi năm chẳn.

Lại cũng mừng lễ Bạc cha Bênêditô Trần văn Cậy, đương kim cha sở họ và Bề trên nhà phước Chợ-quán, giáp 25 năm thăng quyền Chánh tế.

Ấy là: Nhứt nhựt phùng tam khánh

Thiên tải ngộ nhứt thời

Lễ nầy cũng gọi là lễ cưới thiêng liêng, cho nên nói rằng là ba lễ nhập một: một nhà, một họ, trùng độ một ngày.

Ngoài 3 lễ nói trên đây, thì cũng mai ấy, trước khi cử hành đại lễ kỷ niệm, lại có những lễ phép tôn nghiêm cảm động,  nhận lời khấn hứa trọng thể, theo luật dòng lần thứ nhứt cho 19 Dì đội lúp đen, và cho 14 Chị  đeo ảnh cùng đội lúp trắng, do Đức Thầy Dumortier, giám mục địa phận thân hành chủ sự. Nên chi thật là một điều rất vinh dự thay cho họ Chợ-quán, đại phước thay cho tu viện Chợ-quán và cũng là một đều hân hạnh vẽ vang thay cho lịch sử địa phận Saigon lắm vậy.

Phải, thật là vinh dự cho đất Chợ-quán, Chợ-quán là một họ cố cựu trong địa phận Saigon, đã có nhiều lịch sử vẽ vang vĩ đại về phần đời phần đạo: Họ nầy đã trổ sinh được những đấng danh nhơn chí sĩ, giúp ích cho đạo cho đời, và cận nhựt kim thời, lại có nhiều dịp tốt mừng những cuộc lễ Vàng, lễ Ngọc và lễ Bạc rất nên long trọng.

Đại phước cho nhà nữ tu Chợ-quán, vì từ khi lập nhà phước annam trong địa phận tới nay, chưa có nhà nào được cái hân hạnh mừng lễ Ngọc một vì nữ tu của dòng mình, thế mà nay nhà phước Chợ-quán đã được cái vinh dự đặc sắc ấy, thêm duyên trong một ngày mừng tới 7 lễ Vàng nữa, thì là một điều hiếm có và quí hóa biết bao!

Hân hạnh chung cho cả địa phận Saigon, bỡi vì lời ngạn thường ví: Hoa thơm, thơm cả bụi, đèn sáng, sáng cả nhà. Cây tốt trổ sai hoa, cây lành sanh trái ngọt. Địa phận Saigon không những đã đặng mừng lễ Vàng, lễ Ngọc hàng đạc đức bổn quốc mà thôi, song còn được mừng lễ Vàng, lễ Ngọc các người nhà dòng, nhà phước bổn quốc, là những cây của địa phận đã dầy công vun quén ương trồng, và khéo chăn sóc giữ gìn, nên mới là được trưởng thành miên viễn mà đơm bông kết quả mĩ miều như thế.

Vã từ mấy năm nay, độc giả chư tôn vẫn cũng đã từng xem thấy  trong tờ N. K. Đ. P, thường thuật những cuộc lễ long trọng tại họ Chợ-quán, làm cho rạng danh đạo giữa dân ngoại giáo là dường nào!

Năm 1926, thì nhà phước Chợ-quán mừng lễ Ngũ tuần Bà bề trên Maria Nguyễn thị Mai và mấy bà khác, khấn hứa trọn 50 năm, hiện Chúa còn gìn giữ bà Maria cho sống đến nay mà mừng lễ Lục tuần.

Năm 1930, thì họ Chợ-quán tổ chức cuộc Mừng lễ Ngũ tuần Chánh tế cha Camille Laurent , là cha sở họ, giáp năm mươi năm thăng quyền linh mục.

Đến nay, 1937 thì lại có cuộc lễ kỷ niệm Lục tuần, Ngũ tuần của 8 bà, và lễ Ngân khánh cha sở đương kim, giáp 25 năm thăng quờn Chánh tế. Cho hay: Đi CHỢ mới biết chợ sung, vào QUÁN phỉ lòng mới biết mới biết quán sang.

Về cuộc trau giồi trần thiết

Cũng như mấy lễ trọng khác, việc trau giồi trần thiết trong ngoài nhà thờ về cuộc lẽ nầy, nào cờ xí, đền điện, bông hoa, kiểng vật, v.v thì thảy đều rực rở huy hoàng tốt đẹp, ai nấy cũng trầm trồ khen ngợi, đây xin giảm bút.

Khởi cuộc lễ

Vào lối 6 giờ sáng, thì thiên hạ các nơi và bổn đạo trong họ đã lần lần tề tựu, gần 7 giờ, Đức Giám mục ngự đến. Bây giờ cha bổn sở. mình mặc áo Cappa đi cùng Thánh giá đèn hầu và các lễ sinh thẳng xuống nhà phước rước mấy Bà, mấy Dì và các Chị lên nhà thờ, để khởi hành lễ nhạc khấn hứa.

Tiếng chuông trên tháp trổi giọng vang dầy inh ỏi; bấy giờ đứng trước tiền đàng nhà thờ, bắt mặt trông xuống, thì thấy một đoàn dài, trắng đen pha lẫn, đầu đội mão hoa, tay cầm nhành bông huệ, lớp thì mình mặc áo trắng, tay mặt mang lúp đen; đầu đoàn có Thánh giá và thầy cả chánh sự, cứ lải rải mà kéo lên, xem thật là nghiêm trang tề chỉnh.

Khi đã lên tới cữa nhà thờ, thì có bọn nhạc kèn trổi bản mừng rước, đoàn kiệu cứ đi thẳng vào trong, tới trước cung lơn, thì bái gối, rồi tẻ ra quì hai bên, chỗ đã dọn sẵn cho quí Bà mừng lễ Vàng, lễ Ngọc và mấy Dì mấy Chị sẽ đội lúp, khấn hứa. Khi ấy trong nhà thờ đã chật ních cả dưới trên, nào là các đấng linh mục tây nam gần 70, các thầy dòng Frères, các bà phước dòng thánh Phaolồ, dòng Vinsentê, các dì nhà phước annam: Cái-mơng, Cái-nhum, Thủ-thiêm v. v., các vị quí khách tây nam, giáo hữu họ Chợ-quán và xung quanh Saigon, vầy hiệp đông đủ. Đèn điện trong nhà thờ bật lên, ánh sáng chiếu vào cờ xí bông hoa xem huy hoàng sáng rỡ.

Cho đội lúp trắng và nhận lời khấn hứa

Khi đâu đó đã an vị, thì Đức giám mục đầu đội mão ngọc, mình choàng cappa, theo hầu hai bên ngài, có cha Phaolồ Quyến, cha Jh Giỏi và thầy bổn sở; trong choro thì hàng đạc đức mặc surplis quì chầu.

Phía dưới, 14 chị toan lãnh lúp trắng sắp hàng ngang theo cung lơn. Bấy giờ Đức giám mục bước tới hỏi mấy lời bằng tiếng annam theo lễ phép… Các chị liền đồng thinh đối đáp rập ràng, rồi Đức cha trở lên bàn thờ mà xướng kinh Veni Creator, trên từng, các cô nhà phước liền trổi giọng tiếp theo, cung đờn tiếng hát nghe lảnh lót thanh bai, mườn tượng như đờn hát chốn thiên thai. Đương riu ríu kéo ơn Chúa Thánh Thần xuống trong lòng các chị. Dứt kinh, thì Đức cha đọc lời nguyện. Hôm nay coi bộ Đức Thầy khỏe, nên cung giọng ngài cất lên, nghe cũng là mạnh mẽ chửng chàng. Đức cha xuống làm phép lúp, áo và ảnh chuộc tội đoàn hoàn cùng đeo cho mỗi chị, đang khi ấy, thì trên từng đờn cũng hát những kinh ám hạp.

Đoạn cha Phaolồ Thắng, bổn sở và Bề trên nhà phước Cái-nhum, bước tới cung lơn mà giảng một bài, nghe gọn gàng thâm thúy, thính chúng đều chủ ý ghi tâm.

Đại ý bài Thầy giảng nói về phận sự kẻ toan bỏ thế gian vào nhà Chúa cho đặng kết hiệp cùng Giêsu là bạn chí tôn chí thánh, rất tốt lành, rất sang trọng giàu có, và rất mến yêu thâm thúy là dường nào!Những trinh nữ nhà dòng lãnh lúp Trắng. cũng như nhi nữ ngoài đời ăn lễ Hỏi. Ăn lễ hỏi rồi, càng phải ân cần trau giồi đức hạnh cho xứng đáng để mai sau nên chữ: Chu tủ vu qui, nghi kỳ gia nhơn làm sao? Lo sắm sanh những vật liệu nào, ý bạn mình ưa thích, hầu mai sau tiến hiến cho bạn yêu dấu mình, v. v.

Xong rồi thì tới phiên 19 dì lên lãnh lúp đen và làm lời khấn trước mặt Đức giám mục.

Trước thì thầy giảng cũng diễn thuyết ít lời, về phận sự kẻ dọn mình rồi, nay tới ngày khấn hứa, đội lúp đen, thì cũng như kẻ làm lễ cưới, phải đinh ninh son sắt, bền chặt một niềm, giữ lời thề ước: Yêu ở khó khăn, sạch sẽ và vưng lời. Ấy là 3 nhơn đức cần yếu những kẻ ở nhà dòng phải lo trau giồi cho tinh tấn… Phải bắt chước sự khó khăn, sạch sẽ, vưng lời của bạn mình là Chúa Giêsu … Phải chết thế gian xác thịt cho đặng sống lại trong Chúa Kirixitô… Kẻ từ bỏ thế gian, bỏ cha mẹ mà theo Chúa, thì sẽ đặng đáp lại bằng trăm bằng ngàn là thể nào…

Thầy cũng khuyên, những kẻ đã khấn hứa rồi, nên chiêm nghiệm lại… Khuyên những người làm cha mẹ, hãy vui lòng mà tiến hiến con cái mình làm tôi Chúa trong các nhà dòng nhà phước, là một sự rất đẹp lòng Chúa và bổ ích cho mình. Vì tuy những kẻ đi tu trì, bề ngoài là xa cách cha mẹ bà con thật, song trong lòng vẫn hằng tưởng nhớ mà dưng kinh cầu nguyện cho cha mẹ luôn, v. v.

Giảng xong, Đức giám mục hỏi và các Dì thưa lại mấy lời theo lễ phép,…đoạn liền nằm xuống, và có các Dì phụ giúp, lấy tấm vải lâm-bô, phủ che khuất hết cả 19 Dì. Khi ấy trong nhà thờ lắng lặng, đèn điện đang sáng lòa, bỗng dưng tắt hết, không còn nghe tiếng đờn hát, chỉ nghe những lời thống thiết bi ai Thánh vương Đavít thống hối mà thôi! Đó là một khoảnh khắc vô hồi cảm động và sợ hãi…

Đoạn rồi chổi dậy, cứ thứ tự 2 người một cặp, tới quì trước mặt Đức giám mục mà chịu phép cắt tóc và lãnh áo lúp đen; xong lượt, thì mỗi người lại cứ thứ tự mà bước lên lãnh sách lề luật, chuối lần và đèn sáp. Lãnh xong, các Dì xuống quì một hàng trước mặt Đức giám mục mà đọc lời khấn hứa giữ ba nhơn đức: Khó khăn, sạch sẽ và vưng lời. Rồi thì lần lượt trở về quì tại chỗ cũ của mình. Ấy là hoàn tất lễ phép cho đội lúp đen và lãnh lời khấn.

Khi Đức giám mục đã làm hoàn tất các lễ phép cho đội lúp đen và nhận lời khấn hứa xong, đoạn thì cha Benoit Cậy y phục đại lễ ngồi ghế phía Epistola; phía dưới cung lơn, thì có đủ tám bà mừng lễ Ngọc, lễ Vàng; bây giờ thầy giảng bước ra diễn thuyết một bài về cuộc đại lễ kỷ niệm. Thầy nhắc lai lịch lập nhà phước Chợ-quán…Công lao của quí bà trong vòng năm, sáu mươi năm nay làm sao… sau thì giảng về lễ Bạc cha sở, giáp 25 năm thăng quờn Chánh tế. Công nghiệp cha Benoit đối với họ Chợ-quán và nhà phước trên  hai mươi năm trời nay thể nào. Bài giảng hay, tiếng nói rõ; gọn gàng, đủ hết mọi đều.

Vậy muốn cho độc giả chư tôn đặng tường tất cái kết quả mĩ miều nầy, thì xin lượt thuật lại đây một ít đều về lịch sử lập nhà phước Chợ-quán cho hải nội chư quân nhàn lãm.

Lịch sử nhà phước Chợ-quán

Lời ngạn thường ví: Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng.

Nguyên Đức thầy Đôminicô Ngãi (Mgr Lefèbvre) là chánh đấng đã xướng lập nhà phước nầy trong năm 1844; hồi chia địa phận, thì Đức cha Đôminicô là giám mục thứ nhứt Saigon. Ngài đã xin cùng Đức cha Thể (Mgr Cuénot, Vic. Apost. de la Mission Cochinchine Orientale) gởi vô cho ít người nhà phước annam hầu lập tại địa phận mình, thì Đức cha Cuénot đã gởi vô cho 5 nữ tu. Đầu tiên ở tại Chợ-quán. Được ít lâu, thấy không yên, vì cơn bắt đạo, thì Đức cha dạy lên Tân-triều.

Năm 1848, nhà phước phải chạy tản tác, vì cơn bắt đạo dữ dằn đời vua Tự Đức. Lúc bấy giờ có kẻ chạy trốn về Chợ-quán, lần hồi qui tụ đặng vài mươi. Chị em lo dệt vải để tằm mà nuôi mình, cũng nhờ những bổn đạo hảo tâm tư trợ.

Năm 1859, binh langsa vào lấy Saigon, thì họ Chợ-quán bị bắt hơn mấy nơi khác, nhiều kẻ phải chém giết vì đạo thánh; lúc ấy nhà phước chạy qua trú ngụ bên Xóm-chiếu, vì ở đó có trường Latinh nhỏ, trông thế nhờ cậy bớt cơn sợ sệt.

Khi giặc đã yên, thì Đức cha Đôminicô bàn tính với cha Thomas Đoan, là đấng đang coi sóc họ Chợ-quán cho đặng lập nhà phước lại chỗ ấy. Vì cha Thomas có quen với một quan Commandant tại đồn Aux Mâres, là vị quan tư, đạo đức tử tế, ngài hứa lo giúp cho nhà phước đặng ở yên. Cũng nhờ quan ấy cho những nhà cữa quân nghịch bỏ trốn, mà cất đặng nhà thờ, nhà cha và hai cái nhà cho các người nhà phước ở tại chỗ đất nhà phước bây giờ.

Từ năm 1875 về trước, nhà cữa của nhà phước Chợ-quán đơn sơ, chật hẹp, lợp bằng lá, mà từ ấy về sau, thì lần hồi tu chỉnh, đã cất được một nhà từng ở đặng 100 người, nhà ấy hiện nay đang còn, mà năm 1916 cha Laurent đã sửa lại rộng lớn hơn, ở đặng 150 người.

Trước cái nhà nầy, thì đời cha Lucien Mossard (Mão) làm cha sở Chợ-quán, đã cất một nhà thờ trong năm 1892, là ngôi nhà thờ của nhà phước bây giờ.

Bỡi số xin vô nhà phước càng ngày càng đông, nên năm 1926, cha Camilla Laurent đã cất một nhà từng cho các chị áo trắng, nhà ấy thâu nạp được chừng 100 người, và một cái nữa cho các Dì áo đen, ở được 200.

Phía sau nhà cũ, thì cất thêm một nhà từng ở đặng năm, sáu mươi, để dạy mấy nhi nữ bất kỳ ngoại đạo, người ta gởi vào mà học hành chữ nghĩa, hay là thêu dệt vá may. Cũng có cất mấy nhà phụ tùng (dépendance) như nhà chơi, nhà bếp, nhà vựa v. v. xung quanh thì có vách thành bằng gạch bao trụm hết mấy nhà ấy.

Trước 1867, thì nhà phước ăn mặc theo cách người thường, vì cơn bắt đạo. Song từ đó về sau, thì có y phục riêng: Những kẻ đã khấn hứa, thì gọi là các dì, áo đen, lúp đen, đeo thánh giá – Mấy chị ở nhà tập (Novices) thì áo trắng, lúp trắng, đeo thánh giá – Còn mấy cô mới vô (Postulantes) thì áo trắng không mà thôi.

Năm 1874, nhà phước nầy, kể chung cả kẻ đã khấn hứa (Professes), kỳ tập (Novices), và mới vô (Postulantes) thì được có 40 mà thôi.

Đến năm 1911, thì được 68 người khấn hứa, 13 người ở nhà tập và 10 cô mới vô

– 1923 , được 97 người khấn hứa, 36 Novices, và 8 Postulantes

– 1937, 206 Professes, 71 Novices, 14 Postulantes.

Các bà Nhứt nhà phước Chợ-quán

1.     Bà Marthe Lành từ 1867 đến 1873

2.     Bà Maria Hòa từ 1873 đến 1880

3.     Bà Marthe Vì từ 1880 đến 1887

4.     Bà Maria Mai từ 1887 đến  1919 và 1925 – 1931

5.     Bà Agnès Linh từ 1919 đến 1925

6.     Bà Agnès Truyện từ 1925 đến 1934

7.     Bà Maria Gương từ 1934

Còn từ 1867 trở về trước, thì chị em ở chung vậy thôi, chớ chẳng có bà Nhứt cho thiệt.

Các cha sở coi họ và nhà phước

1.     Cha Thomas Đoan lối năm 1859

2.     Cha J. Baron ở tới cuối năm 1867

3.     Cha C. Bouillvaux 1867 – 1874

4.     Cha F. Derval 1874 – 1879

5.     Cha J. Greset 1879 – 1882

6.     Cha Nicolas Hamon (Tài) 1882 – 1886

7.     J. B Erard  (Y) 1887 – 1891

8.     Cha Lucien Mossard (Mão) 1891 – 1898

9.     Cha Anselme Delignon (Cao) 1898 – 1913

10. Cha Camille Laurent  (Bính) 1913 – 1934

11. Cha Benoit Cậy 1934 –

Luật mẹo nhà phước

Cùng như mấy nhà phước khác: Trừ 3 điều khấn hứa: Khó khăn, sạch sẽ và vưng lời, thì phần nhiều nương theo luật mẹo mấy nhà dòng Hội thánh đã công nhận, và trừ mấy năm sau đây, thì Hội thánh đã nhận luật mẹo nhà phước annam ta.

Công việc. – Là giúp các cha ở các họ: Dạy con nít chữ nghĩa và đạo lý, dạy chầu nhưng và dọn xưng tội chịu lễ, nhứt là mấy họ không có cha thầy; nuôi con nít mồ côi, giúp các việc trong nhà thờ, v. v.

Trường thứ nhứt lập tại họ Chợ-quán là năm 1875, có 40 học trò. Qua lối 1900, có 24 trường, đặng 1212 học trò. 1936, có 53 chỗ dạy và đặng hơn 5000 học trò.

Lập nhà nuôi con nít mồ côi. – Năm 1894, nhà phước Chợ-quán lập tại Gò-vắp một nhà nuối con nít Hài đồng, từ ấy đến nay đã thâu nhận tới 7000 con nít người ta cho. Năm 1936, cho tới 450 đứa; hết thảy còn sống lối 60. (coi N. K. Đ. P, đã thuật về nhà mồ côi Gò-vắp). Năm 1930, lập một nhà tại Cần-giuộc (Chợ-lớn). Từ ấy đến nay người ta cho được hơn 500 đứa, nội năm 1936 cho tới 130; hiện còn sống được 20. Coi 2 nhà Dục-anh: Một nhà tại Tân-định, một nhà tại Khánh-hội, mỗi nhà có 5, 6 chục.

Ấy là dón sơ gốc tích, từ hồi địa phận khởi lập nhà phước Chợ-quán là năm 1844, tới nay 1937, trong vòng 93 năm, trải bao phen cực khổ gian lao, từ lúc còn nhà tranh vách lá, cho đến nay đồ sộ phong quang, được kết quả mừng lễ Ngọc, lễ Vàng, thật là một sự đại phước đáng mừng và cám đội ơn Chúa khôn xiết.

Vậy khi thầy giảng đã diễn thuyết xong rồi, thì cha Benoit bước lại bàn thờ, thân hành chánh lễ kỷ niệm. Đang buổi lễ trên từng đờn, các cô, các chị nhà phước hát nhiều cantique ám hạp về cuộc lễ rất hay, lại thêm có đờn nhạc xen hòa thâm trầm tuyệt diệu.

Trong cuộc lễ nầy, trừ Đức giám mục cùng hàng linh mục các thầy dòng bà phước ra, thì cũng có những bực danh nhơn quí khách tây nam, như: ông Berland, chủ tĩnh Gia-định, ông Pommex, chủ tĩnh Chợ-lớn. Mazet, Đốc lý thành phố Chợ-lớn; ông P. Nguyễn hữu Hào, quốc trượng, em ruột bà nhứt Gương; ông Dennis Lê phát An; ông Đốc phủ Bửu; ông Huyện Của; phóng viên các báo tây nam cùng nhiều vị khác không thể kể hết.

Lễ đoạn, liền xướng kinh Te Deum cám tạ ơn Chúa, rồi thì 8 bà mừng lễ Ngọc, lễ Vàng ra trước cữa nhà thờ lấy ảnh làm kỷ niệm. Trong lúc ấy cũng có Đức giám mục và quí vị quan khách, lấy hình xong, thì ông Mazet bước đến trước mặt bà nhứt Gương nói ít lời ban khen và gắn Médaille “Moni saraphon” của đức vua Cao-mên ban thưởng bà.

Sau vua Bảo Đại cũng có gởi nhứt hạng Kim-bội tặng thưởng bà nhứt Gương và nhị hạng Kim-bội  thưởng bà Maria Mai. Các bằng sắc ban Médaille và Kim-bội của hai bà như sau đây.

Bằng sắc vua Cao Mên và vua Bảo Đại ban cho hai bà

Brevet de médaille de l’Ordre Royal du Mérite du Cambodge

Nous Préa Bat Samdach Préa Sisowathmonivong,

Chamchakrapong, Préa Chaucrung Campuchéa Thippedey, Roi du Cambodge

Vu les Ordonnances Royales des 1er Fevrier et 8 Avril 1905

Décernons

  à madame Nguyễn thị Gương

Supérieure des Sœurs annamites à Choquan la Médaille de Notre Ordre du mérite  Moni Saraphon, en témoignage des services rendus à Notre Royaume.

Fait en Notre Royal Palais, à Phnom-penh, le 21 Décembre 1936. Certifié la traduction ci-dessus conforme au texte cambodgien.

Le Ministré du Palais Royal des Finances des Beaux-Arts.

No 1216                                   Signé Illisible  

Palais Impérial  Huế  le 2 Février  1937

Ma Soeur Supérieure

Par ordre de Sa Majesté l’Impératrice, je vous fais parvenir aujourd hui: 1 insigne et brevet de Kim-bội de 1ère classe, qu’elle vous à fait décerner en l’honneur de vos Noces d’Or. Ainsi qu un insigne et de Kim-bội de 2ème classes destinés a là Sœur Maria Mai, en l’honneur de ses Noces de sa Diamand en témoi-gnage de la frès haute bienveillance de sa Majesté l’Impératrice, pour le Couvent des Amantes de la Croix, et du respect qu’Elle porte à vos personnes.

Sa Majesté se recommande à vos prières et à toutes celles de la Communauté.

Veuillez croire, ma Soeur Supérieure, à mon profont respect.

P. O. de Sa Majesté

S. B

Palais Impérial                                            Sắc số 113 ngày 18 tháng 12

cabinet civil de Sa Majesté                   năm Bảo-Đại 11 (30 Janvier 1937)

Sắc chuẩn thưởng nhất hạng Kim-bội cho Sœur Maria Nguyễn thị Gương, Supérieure des Amantes de la Croix, và nhì hạng Kim-bội cho Soeur Maria Mai.

Khâm thử

Phụng ngự ký:

Bảo Đại

Khâm thử

Sắc tại Lầu-Kiến-Trung

Ngày 18 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 11 (30 Janvier 1937)

Ngự-Tiền-Văn-Phòng cung lục

P. le Directuer du Cabinet et P. O

Le Secrétaire Général

Signé Illisible

(Brevet)                                                          Empỉre d’Annam

Le Ministre Directuer du Cabinet  Empérial certifie que par ordonnance du 3 Janvier 1937.

Sa Majesté l’Empereur d’Annam a conféré à M. Sœur Maria Nguyễn thị Gương, Supérieure des Amantes de la Croix Choquan Cochinchine, une Plaque d’Honneur en Or dite Kim-bội de 1ère classe.   année

Fait à Huế le 18ième  jour du 12ième mois de la 11ième année du Règne de Bảo-Đại (30 Janvier 1937)

Engeristré au Protectorat de France en Annam No 2,596

Huế le 1er Fevrier 1938

Engeristré au Cabinet Impérial No 7094

Huế le 30 Janvier 1937

Empỉre d’Annam

Le Ministre Directuer du Cabinet  Empérial certifie que par ordonnance du 30 Janvier 1937.

Sa Majesté l’Empereur d’Annam a conféré à M. Sœur Maria Mai, une Plaque d’Honneur en Or dite Kim-bội de 2ème   classe. 

Fait à Huế le 18ème  jour du 12ème mois de la 11ième année du Règne de Bảo-Đại (30 Janvier 1937)

Engeristré au Protectorat de France en Annam No 2,596

Huế le 1er Fevrier 1938

Engeristré au Cabinet Impérial No 7094

Huế le 30 Janvier 1937

Nam phương Hoàng hậu, là cháu ruột bà nhứt Gương, cũng có gởi lời chúc mừng và dưng cho bà 200 đồng bạc trong ngày hỉ lạc kỷ niệm nầy.

Cuộc gắn Médaille cho bà Maria Gương xong, thì Đức cha, các cha, quí vị quan khách, các bà mừng lễ kỷ niệm, đồng xuống nhà cha sở mà dùng tiệc rượu Champagne mừng cha sở và quí bà.

11 giờ, xuống trường học mừng chúc cha B. Cậy và các bà, cũng có Đức cha, và quí vị quan khách dự thị. Đọc ca mừng xong, thì Đức cha đứng dậy nói ít lời mừng khen cha B. Cậy cùng các bà mừng mừng lễ hôm ấy.

Lối 12 giờ nhập tiệc. Đãi Đức cha, các cha và quí vị quan cức bên nhà trường họ; còn đãi quí khách đàng xa bên nhà phước. Thật là một buổi tiệc rất vui vẻ đông đúc, nào là tiếng nói tiếng cười, xen lẫn cùng những tiếng vỗ tay từng chặp, nghe thôi inh ỏi.

Buổi chiều. – 4 giờ, cha Michel Thao, thân hành phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể tại nhà thờ nhà phước. Trước khi hát kinh Tantum ergo, thì 8 bà mừng lễ Ngọc, Vàng đọc lời khấn hứa trọn đời về ba nhơn đức: Khó khăn, tinh khiết và vưng lời.

6 giờ,  nhà phước đãi quí chức và bổn đạo họ Chợ-quán. 7 giờ, đốt pháo bông trước nhà thờ. Thế là hoàn tất cuộc lễ kỷ niệm.

Paulus Tạo

Báo Nam Kỳ địa phận năm 1937

 

 

 

 

 

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Nữ tu Anna Đoàn Thị Nên

Nữ tu Annà Đoàn Thị Nên

-         Sinh năm 1863

-         Tại Họ Búng

-         Tu sĩ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán

-         Vào dòng năm: 1879

-         Khấn hứa năm: 1887

-         Mừng lễ Kim khánh khấn dòng ngày 03. 02. 1937

-         Qua đời ngày 11. 07. 1940, tại nhà dòng MTG Chợ Quán. Hưởng thọ 77 tuổi.

 

Lễ Ngọc, lễ Vàng tại nhà phước Chợ-quán

-------------------------------

Ngày thứ tư 3 Fevrier, tại nhà phước Chợ-quán cử hành đại lễ mừng Lục tuần và Ngũ tuần khấn hứa theo luật dòng, của tám vị nữ tu nhà phước ấy kể như sau nầy:

1.     – Lễ Ngọc, Bà bề trên Maria Nguyễn thị Mai 83 tuổi, giáp 60 năm khấn hứa

2.     – Lễ Vàng các Bà và các Dì đã khấn hứa giáp 50 năm chẳn:

a)     Bà Maria Nguyễn thị Gương, Bà nhứt đương kim, 74 tuổi.

b)    Bà Agnès Nguyễn thị Truyện, bà nhứt cựu, 79 tuổi.

c)     Bà Agnès Nguyễn thị Quế, bà nhì cựu, 81 tuổi.

d)    Dì Maria Lâm thị Út, 81 tuổi.

e)     Dì Annà Trần thị Trầm, 78 tuổi.

f)      Dì Marthe Nguyễn thị Hải, 75 tuổi.

g)    Dì Annà Đoàn thị Nên, 74 tuổi.

Cũng một ngày ấy, có lễ phép cho 19 chị đội lúp đen, 14 chị lúp trắng.

Mừng Lục tuần và Ngũ tuần

khấn hứa của tám vị nữ tu nhà phước Chợ-quán

----------------------------

Mai tuyết tinh anh Ngọc(1) rạng ngời

Gương Vàng(2) treo đó chị em soi:

Truyện tâm khắc kỷ tam quang(3) chiếu,

Quế bổ chơn nguyên vạn bệnh hồi(4).

Hải-yến bổ lao, tư phế-bộ(5),

Trầm-hương giáng khí, lý tì bôi(6).

Nên công tu đạo bia truyền tụng(7),

Út chí trung trinh vẫn chẳng thôi(8).

+++

Thôi chốn lầu son nõ đoái hoài,

Nương thân phước viện lánh trần ai;

Chân tu giữ vẹn lòng son sắt.

Trinh khiết sáng ngời chốn góc gai,

Dứt bỏ thói thường tình thiếu nữ,

Thảnh thơi ngoại cuộc chí anh tài.

Trót công năm, sáu mươi năm đó,

Quán phước đưa người thẳng tới nơi.

+++

Tới nơi cõi thọ kiếp sau đây,

Rõ mặt tôi con trọn thảo ngay;

Thánh giá mến yêu lòng khắn khít,

Thần lương đầy đủ dạ no say.

Chăm bề giáo huấn trường tu-thục(9),

Lập viện Dục-anh cứu chúng ngây(10).

Chẳng quản công lao vừa xã hội,

Yêu người mến Chúa dạ không lay.

+++

Không lay giữa bể lúc ba đào.

Hồng-hộc(11) dốc nguyền cất cánh cao;

Bát phước(12)  giồi trao thêm rực rở,

Tam cừu quyến luyến vẫn không nao.

Áo đen, lúp rắng lần từng nức,

Cổng kín tường xây gió chẳng xao.

Khuya sớm một nhà em với chị,

Đồng tàn xuấn tiến phước giồi dào.

Paulus Tạo

-----------------------------------------------------------

1.     = Mai, húy danh bà Bề trên cựu Maria. Mai là một thứ hoa tinh túy tốt đẹp, trúng với cái mỹ danh của bà. Khéo léo thay! Mai khai nhị độ, bông mai trỗ hai lần; mà thật như thế, bà Maria đã mừng lễ Vàng năm 1926, là năm bà 72 tuổi, năm nay 1937 bà được 83, thì lại mừng lễ Ngọc, thế là mai trổ 2 lần, mà lần nầy bà lại được Đức đương kim thượng Bảo-Đại ban cho nhị hạng Kim-Bội.

2.     = Gương = Húy danh  bà Bề trên đương kim, Maria Nguyễn thị, chị ruột của quốc trượng Nguyễn-hữu-Hào và là cô ruột của Nam-Phương Hoàng hậu, 74 tuổi, mừng Ngũ tuần. Bà lại được vinh hạnh Đức vua Cao-mên ban thưởng Médaille và Đức vua Bảo-Đại tặng thưởng nhứt hạng Kim-Bội, trong dịp lễ trọng nầy.

3.     = Truyện, là Bà nhứt cựu; Tam quang là: Nhựt, nguyệt, tinh. Mặt trời, mặt trăng và ngôi sao, ấy là 3 sự sáng, ám chỉ về 3 nhơn đức: khó khăn, trinh khiết và vưng lời, bà đã giữ trọn trong vòng 50 năm nay, ví như 3 sự sáng.

4.     = Quế, là húy danh Bà nhì cựu, tánh chất của quế, thì ấm áp, mà khí vị thơm tho. Những bịnh nguyên khí suy nhược, dùng quế mà trị, thì sẽ được phục hồi. Ý chỉ nhơn đức bà như mùi thơm và lòng sốt sắng như tánh quế, lùa đuổi tánh ươn ế trễ tràng, nguội lạnh, mà làm tôi Chúa trong dòng trọn 50 năm nay.

5.     = Hải, là tên một Dì, vị Hải-yến là thuốc bổ lao, làm cho tư nhuận bổ phổi. Vã trong châu thân người, thì phổi là bộ máy cần yếu cho đặng hít lấy không khí tốt ở ngoài vào và thở hơi ứ độc trong mình ra, nếu phổi bịnh mà làm cho lao liệt thân thể, thì nên dùng Hải-yến mà bổ lại. Ý chỉ người nhà dòng phải góp thâu các nhơn đức vào mình và xua đuổi tính hư nết xấu ra.

6.     = Trầm-hương, cũng là tên, món thuốc giáng khí; lý tì bôi, là chén thuốc để ép đè khí nghịch đang dẫy lên trong tỉ, làm cho điều hòa lại. Tánh chất Trầm-hương thì cay đắng, khí vị thơm. Người nhà dòng có nhơn đức như mùi thơm của trầm-hương, còn sự cay đắng là khí giải sắc sảo đánh đuổi tà ma xác thịt ra cho khỏi linh hồn.

7.     = Nên và Út cũng là tên của 2 Dì mừng lễ Vàng kỳ nầy.

8.     = Các Bà, các Dì tuy ở nơi chốn tu viện, lo bề ăn chay kinh nguyện. Song đối với xã hội, nước nhà, vẫn có công lớn, là hằng chuyên lo việc giáo huấn trẻ thơ, từ lúc trẻ chưa biết A. B cho đến khi biết viết, biết đọc, biết tính toán, vá may, thi cử về các lợp Sơ đẳng Tiểu học.

9.     =  Các bà dã lập viện Dục-anh trong xứ nầy, để dưỡng nuôi con nít hài nhi: không cha không mẹ, hoặc kẻ nghèo quá nuôi không đặng đem tới cho. Sống nuôi dưỡng săn sóc, như chết thì các bà lo chôn cất.

10. = Hồng-hộc là loài chim  bay cao, có câu: Yến tước nan tri Hồng-hộc chi, nghĩa là chim sẻ chin én khó biết được cái ý chí của chim Hồng-hộc. Ý chỉ các bà, các dì có tri ý cao khiết, chẳng cần phú-quí vinh hoa thế tạm như thường tình nhi nữ. Cất cánh bay cao, là từ bỏ thế gian, vào làm tôi Chúa trong nhà phước nhà dòng, để tìm cho được cái phước thanh cao vĩnh viện.

11. = Bát phước, là tám mối phước thật.

-----------------------------------

Báo Nam Kỳ địa phận năm 1937

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Người Việt vẫn có cách dùng chữ Hán khác với người Tàu!

 NGƯỜI VIỆT VẪN CÓ CÁCH DÙNG CHỮ HÁN KHÁC VỚI NGƯỜI TÀU!

I/ "BỨC XÚC" ?

a) Hồi sau tháng 4 năm 1975, nhiều người ở Miền Nam VN không khỏi ít nhiều bị lạ tai khi nghe hai chữ "bức xúc". Rồi, bây giờ nghe riết thành quen sau hơn bốn mươi năm. "Bức xúc" là gì, mà tại sao lại thấy "lạ tai"?

Trong chữ Hán có hai chữ này. Ở vào chỗ không cựa quậy được, gọi là "bức" - là bắt buộc, buộc phải. Một sự thể cần kíp tới nơi rồi, gọi là "xúc" - mang nghĩa thúc giục nào đó.

Thành thử "bức xúc" là để diễn tả tâm trạng / cảm giác rơi vào tình trạng khó xử, khó chịu, không hài lòng mà phải chịu đựng.

"Bức xúc", như vậy, được dùng trong nhiều hoàn cảnh, từ trong gia đình, quan hệ cá nhân với nhau, rồi quan hệ xã hội - chớ không chỉ là tâm trạng đè nén bị đối xử bất công trong môi trường xã hội (như có ý kiến từng giải thích trên mạng).

b) "BỨC BỐI": âm Nôm (thuần Việt)

Coi bộ dễ nhầm lẫn lắm đa, một đàng là "bức" đọc theo âm Hán-Việt của chữ nói trên (mang nghĩa cưỡng bức, bắt buộc) với một đàng cũng "bức" nhưng lại là âm Nôm (thuần Việt), được viết là .

Chữ gốc từ Hán tự, tiền nhân người Việt chúng ta mượn nguyên xi tự dạng này nhưng dùng để ghi một cách đọc khác hẳn bằng âm Nôm (thuần Việt): (âm Hán-Việt là "phức"), trong CHỮ NÔM lại đọc thành "BỨC" - nằm trong chữ "bức (bối)", bực bội, không hài lòng.

Còn "BỐI"? Trong chữ Nôm sáng tạo ra một ký tự (không có trong chữ Hán gốc), như ri: 𦁀 đọc là "bối" (trong "bối rối").

Trong chữ Nôm lại có một cách viết nữa, là dùng ký tự nguyên xi chữ Hán (âm Hán-Việt là "bối", nghĩa là vỏ sò) - nhưng dùng âm "BỐI" này để diễn tả nghĩa khác (không phải "vỏ sò") mà là "bối rối", một sự thể nào đó khiến cho khó chịu, khó nghĩ!

c) Nói nào ngay, hai chữ "BỨC BỐI" và "BỨC XÚC" cũng tương đối gần gũi về nghĩa, không đến mức khác xa nhau lắm. NHƯNG, "bức bối" là cách của người Việt dùng từ xưa, bằng âm Nôm (thuần Việt); trong khi "bức xúc" thì người Tàu ưng dùng hơn.

Từ lúc nào xuất hiện lối dùng "bức xúc", với mật độ ngày càng nhiều, lấn át hai chữ "bức bối"? Có lẽ xuất hiện trong thập niên 50 ở ngoài Bắc khi cán bộ Trung quốc làm cố vấn cho cải cách ruộng đất ở ngoải, rồi nhập nội hai chữ "bức xúc" chăng? Để rồi, tràn vô miền Nam sau năm 1975...

II/ "Ý ĐỒ" ?

"Đồ" nghĩa là: vẽ, sắp đặt / suy tính, mục đích / tham vọng, nắm lấy, chiếm lấy => "Ý đồ" mang nghĩa là: suy tính nhằm đạt tới một mục đích nào đó.

Như dẫn giải về mặt từ nguyên học (nêu trên), hai chữ "ý đồ" KHÔNG mang lấy nghĩa là "một âm mưu xấu xa, hèn hạ" - như có ý kiến giải thích trên mạng (?). Có lẽ "tham vọng" - là một mạch nghĩa trong loạt nghĩa của "ý đồ" - đã tạo nên suy đoán tùy hứng vậy chăng? Chữ "tham vọng" không mang nghĩa xấu cũng không hèn hạ, mà nằm ở tham vọng đó thực hiện ra sao (qua đó, mới thẩm định tốt hoặc xấu, cao cả hoặc hèn hạ).

Tuy nhiên, mời bạn đọc thử câu "ý đồ của kịch bản phim này là gì?" / "ý đồ của chương trình giáo dục đó là gì?", nói nào ngay, hai chữ "ý đồ" nghe nặng nề, trầm trọng hết sức. Ta có lối nói khác, đó là "ý hướng", hoặc "dụng ý", "mục đích" - cách diễn đạt nhẹ nhàng hơn hẳn.

Từ lâu rồi, người Việt lúc còn dùng Hán tự (chưa có chữ Quốc ngữ) đã có cách dùng chữ như rứa đó! "Ý hướng" , "dụng ý" 用意 , "mục đích" 目的 - chớ không phải "ý đồ" này "ý đồ" nọ mà Tàu-Mao thời nay ưng dùng.

III/ "ĐĂNG CƠ"?

Còn nhớ hồi Thái tử Nhựt lên ngôi, nhiều tờ báo trong nước VN bỗng dưng đua nhau dùng hai chữ "đăng cơ", nghe lạ tai hết sức. Lập tức, trên báo Thanh niên, có một vị viết bài "lên lớp" rằng: "đăng cơ" có trong Hán tự hẳn hoi ( ) chớ không phải báo chí tự chế ra cái mửng đó.

Nói một mà không chịu nói hai. Báo chí quả là không "tự chế" (chế làm gì nổi?), nhưng ở đây phải cho tỏ tường: mấy tờ báo đó đang BẮT CHƯỚC cách dùng chữ của người Tàu đại lục đó đa!

Tiền nhân người Việt bao đời, khi nói về sự lên ngôi, thảy đều dùng chữ "ĐĂNG QUANG" . Mắc gì phải từ bỏ cách nói "đăng quang" của người Việt, lại đi rước chữ Tàu Bắc Kinh "dēng jī" ("đăng cơ") đội lên đầu?

THAY LỜI KẾT

Người VN mượn chữ Hán mà dùng theo cách riêng, độc đáo của mình - như "BỨC BỐI", "Ý HƯỚNG", "ĐĂNG QUANG".

Mắc gì phải đồng hóa, răm rắp dùng theo cách nói của Tàu Bắc Kinh - "bī cù" ( "bức xúc"), "yì tú" ( "ý đồ"), "dēng jī" ( "đăng cơ")? ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt