ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Tiếng Tàu rồi lại tiếng Nga

TIẾNG TÀU RỒI LẠI TIẾNG NGA ...

1/ Ở VN chúng ta nghe quá nhàm tai trước việc khua chiêng gióng trống học “tiếng Trung” (tiếng “Trung”, tức là tiếng nước Giữa, nghe nghịch tai hết sức; gọi gọn bâng và quen thuộc bao đời - là “TIẾNG TÀU”). Luận điệu gióng trống khua chiêng kia là bởi cho rằng “tiếng Trung là một ngôn ngữ quốc tế”.

Đây là cách giải thích rất hàm hồ. Bởi vì, để một ngôn ngữ được xem là ngôn ngữ phổ thông có tính toàn cầu (universal language), theo A.Mazrui, cần phải hội đủ 4 điều kiện:

(a) được hiểu ít nhứt tại 20 quốc gia;

(b) được sử dụng ít nhứt tại 10 quốc gia – được công nhận như là một ngôn ngữ chính thức;

(c) có ít nhứt 500 triệu người nói thông thạo;

(d) và trải rộng ít nhứt trên hai lục địa.

Theo bốn điều kiện ấy, trên thế giới hiện nay chỉ có 3 ngôn ngữ xứng đáng gọi là "phổ thông toàn cầu": tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha.

Còn tiếng Tàu chỉ thỏa mỗi điều kiện (c) bởi vì dân số trong nước đông nhung nhúc, cả tỉ người. NHƯNG, không có quốc gia nào không phải của người Tàu mà lại xem tiếng Tàu là ngôn ngữ thứ nhứt (“ngôn ngữ mẹ đẻ”) hết!

Trong khi đó, ngay đến tiếng Bồ Đào Nha cũng có tính phổ thông toàn cầu hơn tiếng Tàu (so sánh 4 điều kiện trên). Tiếng Bồ được sử dụng là ngôn ngữ thứ nhứt ở các quốc gia: Bồ, Brazil, Mozambique, Angola, Cape Verde, Guinea-Bissau và São Tomé & Príncipe; và là một trong các ngôn ngữ chính thức (cùng với tiếng bản địa) ở Macau, Đông Timor và Guinea Xích đạo.

2/ TIẾNG NGA một thời làm mưa làm gió trên toàn bộ 15 nước cộng hòa trong Liên bang Soviet. Nhưng, sau khi Liên bang Soviet cáo chung, các quốc gia thuộc vùng Trung Á, vùng biển Baltic... thoát khỏi áp lực buộc dùng tiếng Nga, họ trở lại sử dụng tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ chính thức.

Họ trở về với ngôn ngữ mẹ đẻ, để gọi tên nước của họ là: "Lietuva", không còn bị buộc gọi tên nước bằng tiếng Nga là Литва (Lítva).

Họ được trở về với ngôn ngữ mẹ đẻ, để gọi tên nước của họ là: "Sakartvelo”, không còn bị buộc gọi tên nước bằng tiếng Nga là Грузия (Gruzia).

Trong khi ở nước sở tại, họ đã chấm dứt sự phụ thuộc vào tiếng Nga mà trở về với ngôn ngữ bản địa của họ, thật quái dị, ở VN nhiều báo đài không lưu ý đến tinh thần tự trọng dân tộc của họ gì ráo - mà cứ lôi tiếng Nga "Litva", "Gruzia" ... ra mà réo cho tên nước người ta!

Quí bạn thử nghĩ: nếu lôi cách gọi "Ān Nán" (安南 An Nam) theo tiếng Tàu trước kia rồi áp lên, không gọi "Việt Nam" theo tiếng Việt chúng ta nữa, thử hỏi có chịu đời nổi không? Gọi kiểu đó, nhẹ nhứt, là rơi vào thói bất lịch sự chớ còn gì nữa!

3/ Trong cách gọi tên các quốc gia, theo đúng qui chuẩn:

* hoặc là Việt hóa (như gọi: Anh, Pháp, Đức, Bỉ...);

* hoặc dùng chuyển ngữ tiếng Anh - ngôn ngữ toàn cầu phổ biến nhứt hiện nay (universal language).

Tại sao không dùng chuyển ngữ tiếng Anh "Lithuania", mà cứ réo bằng tiếng Nga "Litva" cho bằng được? Tại sao không dùng chuyển ngữ tiếng Anh "Georgia", thay vì réo "Gruzia" rặt Nga?

Tiếng Nga, cũng như tiếng "Trung", dường như vẫn còn có những kẻ thích đội lên đầu thì phải? ./.

 Nguồn:  Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét