ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Lễ Bạc của Cha Phaolô Đào Trí Tịnh

 Lễ Bạc của cha Paul Tịnh

-------------------------

Trấn nhậm họ Thị-nghè (Gia-định) gần 7 năm, tháng Mars vừa qua, là giáp 25 năm cha Phaolồ Đào-trí-Tịnh thăng quờn Linh-mục

Ý cha Phaolồ muốn âm thầm làm một lễ tạ ơn Chúa thôi, song bỡi lòng hiếu thảo của bổn đạo nài xin làm cho rỡ ràng ngõ đặng tỏ lòng con cái biết ơn cha lành, nêu cha phải chìu theo ý đoàn chiên.

Vậy sáng ngày thứ hai 10 Avril, họ Thị-nghè đã cử hành lễ Bạc cha sở mình rất tôn nghiêm long trọng.

Đúng 7 giờ, sau một hồi chuông reo mừng, thì khởi cuộc rước cha sở vào thánh đàng, bọn đờn nhạc La Jeune Lyre Tân-định trổi giọng hân hoan mừng rước, đèn điện bật sáng lòa làm cho cảnh trau giồi trong nhà thờ càng nên xinh đẹp.

Tiếng đờn nhạc vừa dứt, bấy giờ cha Gabirie Long, bổn sở Tân-định, giảng về quờn cao chức trọng của đấng làm thầy và nhiệm vị nặng nề của hàng Linh mục; cha cũng kể qua công trình  của cha Phaolồ trong 25 năm làm việc Tông đồ. Giọng cha nói lúc bổng lúc trầm, thêm lý lẽ rất hay, làm cho kẻ nghe không biết chán.

Dứt bài giảng thì cha Phaolồ thân hành lễ nhạc trọng thể. Cha Antôn Nhiệm bổn sở Bến-gỗ làm thầy sáu, cha J. B. Ba phó sở Mỹ-tho làm thầy năm và cha Félix Trình  bổn sở Hựu-thành làm thầy lễ nhạc.

Trên cung thánh có Đức cha Saigon, cha Bề trên địa phận Vĩnh-long, 54 vị Linh mục Tây Nam cả hai địa phận Saigon và Vĩnh-long, bổn đạo nam nữ quì chật nhà thờ.

Lễ đoạn các cha và đồng nhi xướng kinh Te Deum tạ ơn Đức Chúa Trời

9 giờ rước cha sở ra nơi tiền đàng cho bổn đạo chào mừng. Ông biện Etienne Hoành đọc một bài diễn văn thật hay, và trẻ đồng nhi ca hát nhiều bài nghe thâm trầm hoan lạc. Cha sở đáp lời cám ơn ai nấy.

11 giờ đãi tiệc, đến tuần “Sâm banh” Đức Giám mục đứng lên nói ít lời ca tụng công đức cha sở Thị-nghè trong vòng 25 năm trọn niềm nghĩa vụ… Cha sở đáp lời cám ơn Đức cha đã khấng đến chung cuộc lễ nầy làm cho càng nên long trọng…

Thầy Paul Tôn cũng đọc một bài diễn văn, đại ý cám ơn Đức cha và các cha đến hiệp vầy chung vui cùng cha sở mình…

Trong ngày ấy có nhiều cuộc chơi cho trẻ nhỏ.

Buổi chiều sau khi chầu phép Lành trọng thể, đồng nhi nữ hát tuồng Đức Mẹ hiện ra tại thành Lourdes mà giải tán cuộc lễ.

Nhờ cách khéo tổ chức của cha phó và bàn trị sự nên cuộc lễ nầy được kết quả mĩ mãn.

L. L

Báo Nam Kỳ địa phận năm 1939

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Vì sao "The White House" nên dịch thành "Bạch Cung"?

 VÌ SAO "THE WHITE HOUSE" NÊN DỊCH THÀNH "BẠCH CUNG"?

Đây chẳng phải rảnh rang đi phân tích chữ nghĩa cho một trường hợp. Mà từ chỗ này đây, để nhận ra thực chất của cái gọi là "làm cho tiếng Việt trong sáng", oái ăm thay, đã bị hiểu cạn cợt hết sức, mà hậu quả là làm cho cho sức biểu cảm của TIẾNG VIỆT nghèo nàn đi.

&1&

Sở dĩ nông nổi / hiểu lầm là từ hai nguyên nhân:

a) Do chưa lưu ý đúng mức về "phong cách ngôn ngữ";

b) Trong ngôn ngữ nói chung, bao giờ cũng xảy ra trường hợp một CHỮ nhưng mang nhiều NGHĨA (nhưng bị quên béng, chỉ chăm bẩm vào mỗi một nghĩa, lắm lúc trở thành khôi hài mà không hay biết gì ráo trọi).

&2&

Về "phong cách trong ngôn ngữ":

* Có bao giờ bạn nghe nói, "ông Tèo và phu nhân"? Không. Chỉ có thể gọi, "ông Tèo và VỢ". Nhưng, nếu viết "chuyến thăm của Thủ tướng và vợ" thì lại không được, mà bạn luôn luôn thấy ghi rằng "chuyến thăm của Thủ tướng và PHU NHÂN".

"Phu nhân" / "vợ", nói nào ngay, cũng đều chỉ người phối ngẫu, người bạn đời trăm năm (thuộc nữ giới). Tuy nhiên, "vợ" (tiếng thuần Việt), "phu nhân" (âm Việt-Hán, tức là mượn chữ Hán 夫人nhưng đọc theo âm Việt), không thể dùng trộn lẫn.

Lại càng không thể "trục xuất" âm Việt-Hán ("phu nhân") để chỉ dùng mỗi âm thuần Việt ("vợ")!

Đây được gọi là "phong cách học trong ngôn ngữ". Để dùng theo phong cách ngôn ngữ trang trọng, ở đây, là dùng âm Việt-Hán (sẵn mở ngoặc nhấn mạnh: "Phu nhân" là đọc theo âm Việt của chúng ta, khác với người Tàu họ đọc "Fū rén").

* Đối với nhà ở / nơi làm việc của giới lãnh đạo hàng "đỉnh", của nguyên thủ quốc gia, quí bạn viết/đọc: "Dinh Tổng thống", "Phủ Chủ tịch", "Phủ Toàn quyền", "Điện Kremlin", "Thanh ngõa Đài" (Lâu đài ngói xanh, nơi trú ngụ của Tổng thống Hàn Quốc) .v.v...

Thấy gì? Hết thảy ở đây đều dùng âm Việt-Hán: "Phủ" (), "Dinh" (), "Điện" (殿), "Đài" ()..., chớ không dùng âm thuần Việt là "Nhà" - mặc dù, nói nào ngay, "phủ", "dinh", "điện" cũng đều là nhà cửa chớ còn gì nữa.

Sao vậy? Cũng như tỉ dụ ở trên (phu nhân/vợ), đây thuộc về "phong cách học trong ngôn ngữ", là phong cách trang trọng.

Ta nói, nếu lẫn lộn phong cách thì chẳng khác nào làm cho tiếng Việt bị mất đi sự tinh tế, là mắc vào thói tật "ba chớp ba nháng" trong cách dùng chữ.

&3&

Chọn NGHĨA không thích hợp với CHỮ:

* Trong TIẾNG VIỆT, chúng ta có những trường hợp "một chữ mà nhiều nghĩa". Tỉ như "Nhà", cái nghĩa vỡ lòng nhứt thì "nhà" là nơi ở, nơi trú ngụ. Nhưng đâu chỉ có mỗi một nghĩa như rứa. "Nhà Lý", "Nhà Trần" thì đâu mang nghĩa ngôi nhà của Lý, nhà của Trần - mà đây, qui bạn biết rồi đó, "Nhà" nghĩa là "triều đại" (triều Lý, triều Trần)!

Nữa, khi ông A đưa tay chỉ về bà A rồi giới thiệu "đây là nhà tôi", nếu hiểu "nhà" là... "căn nhà" thì trớt hướt lắm luôn, "nhà" ở đây mang nghĩa là "người phối ngẫu, người bạn đời".

* Mượn câu chuyện tiếng Việt trên, để bắc qua chuyện tiếng Anh. Cũng rứa, trong tiếng Anh cũng có "một chữ mà nhiều nghĩa". Tỉ như "House".

"House" là "Nhà", đây là nghĩa vỡ lòng nhứt khi học tiếng Anh mà thôi. Nhưng, thử nhìn, "House of Representatives", dịch là "Nhà của các đại biểu"? Quí bạn không thấy lối dịch như vậy, mà dịch là "Viện đại biểu" (hoặc thông dụng hơn, là "Hạ viện").

Ở đây, "House" đã được chuyển ngữ thành "Viện" (âm Việt-Hán, từ chữ ), sử dụng phong cách ngôn ngữ trang trọng.

Còn "The White House"? Cứ vội vội vàng vàng mà dịch "House" là "nhà", tức là chỉ chăm bẳm vào cái nghĩa vỡ lòng nhứt, trong khi "house" trong tiếng Anh có nhiều nghĩa lắm đa!

Bạn gõ Google, tìm "meaning of house", sẽ đọc thấy trong Từ điển Oxford xổ ra một loạt nghĩa - trong đó, "House" có nghĩa là "Palace" (cung điện)!

Ta nói, "white house" mà viết chữ thường, có thể dịch "ngôi nhà màu trắng", "nhà trắng". Nhưng, một khi viết hoa "House" thì càng phải hiểu rõ rành đây là "Palace", là "Cung điện".

Vậy, "White House" (danh từ này trong tiếng Anh luôn viết hoa, để chỉ nơi ở của Tổng thống Mỹ), phải hiểu đúng là: "Cung điện màu trắng".

Và, như đã nêu ở &2& về cách sử dụng phong cách trang trọng trong ngôn ngữ, chuyển ngữ thích hợp nhứt cho "White House" là: "Bạch Cung" (âm Việt-Hán của ).

THAY LỜI KẾT

Không ít website lẫn ấn phẩm bằng Việt ngữ của các cơ quan nước ngoài (như VOA, BBC... chẳng hạn), họ cũng đang dùng chữ "Nhà Trắng" (để chỉ nơi ở của Tổng thống Mỹ). Đây đơn thuần là "kỹ thuật truyền thông" mà thôi - dựa vào thói quen của người VN trong nước hiện nay bị quen nghe / quen thấy chữ "Nhà Trắng", nên dùng luôn lối dịch này để công chúng xem/ nghe đài không bị lạ tai.

Lẽ ra những cơ quan thông tấn nên dùng lối dịch "Bạch Cung", để giúp người xem / nghe biết được cách dùng cho đúng chữ nghĩa mới phải!

----------------------------------------------------------------

(*): Quí bạn ắt cũng từng nghe / đọc thấy lối dịch là "Bạch Ốc". Chữ "ốc" nghĩa là nhà cửa nói chung, chẳng hạn "trường ốc" là nhà dùng để làm trường học. So ra, "Ốc" không sát nghĩa so với "Cung" (chuyển ngữ cho "(White) House".).

Chưa kể danh từ ghép "bạch ốc" không chỉ là "nhà sơn trắng" mà còn mang một nghĩa khác nữa, là... "nhà của người nghèo", nhà của tầng lớp bạch đinh 白丁 đó đa!

BẠCH CUNG, xin nhắc lại, đây là chuyển ngữ sát nghĩa nhứt ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Chuyện Nhựt Bổn bỏ Tết Âm Lịch, ăm tết Dương Lịch

 CHUYỆN NHỰT BỔN BỎ TẾT ÂM LỊCH, ĂN TẾT DƯƠNG LỊCH

* LỰC CẢN CHỐNG ĐỐI KỊCH LIỆT KHI THAY ĐỔI TẬP QUÁN

Vào năm thứ sáu của triều đại Thiên hoàng Minh Trị, tức năm 1873, nhà vua ra sắc chỉ không dùng âm lịch, quy định việc ăn tết vào ngày 1 tháng 1 dương lịch.

Nhiều người thủ cựu cho rằng “ăn tết Tây là mất bản sắc dân tộc”, chống đối kịch liệt đến mức đe dọa sẵn sàng đổ máu hoặc tự sát để bày tỏ sự phản kháng. Rồi nhiều người trong giới sư sãi Phật giáo thời bấy giờ hô hào "pháp nạn" trước việc Thiên hoàng Minh Trị công bố bỏ lịch cũ (âm lịch); cùng lúc với tách bạch Thần xã (Thần đạo) với Chùa chiền (Phật giáo) không trộn lẫn vào nhau, và cho phép các giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo tại Nhựt.

Một số cuộc bạo loạn nổ ra để chống lại "pháp nạn", cả nước Nhựt lao đao trong thời gian dài sau khi Minh Trị ban lệnh dẹp ăn tết theo âm lịch.

* NHỰT BỔN HÃNH DIỆN VỚI SỨC SỐNG VĂN HÓA

Ai dám nói người Nhựt đánh mất bản sắc văn hóa của họ khi bỏ ăn tết âm lịch? Trái lại, người Nhựt nổi tiếng về nhiều lễ hội rất đặc trưng của xứ sở hoa anh đào! Trong những ngày nghỉ tết theo dương lịch, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc được lưu giữ, trân trọng.

Và điều hệ trọng hơn hết, cần phải hiểu VĂN HÓA là nét đẹp trong LỐI SỐNG, chớ không nằm ở bề ngoài/bề nổi của những thói quen.

Người Nhựt làm cả thế giới sửng sốt, bái phục - chẳng hạn - trong thiên tai sóng thần Fukushima, người Nhựt vẫn không chen lấn mà tự giác xếp hàng để nhận hàng cứu trợ. Cái đó mới đích thực là VĂN HÓA.

“Văn hóa” nếu chỉ ru rú trong chủ nghĩa hình thức, ai mà không làm được? Dễ ợt. Cái khó làm hơn nhiều, và như vậy mới đáng trân trọng là làm cách nào để VĂN HÓA TRỞ THÀNH SỨC SỐNG trong quan hệ ứng xử giữa con người với nhau (đoàn kết, nhân ái).

Lễ hội cũng phải được hướng theo mục đích sâu sắc như vậy, chớ không phải những trò sân khấu hóa bề nổi rồi … gào lên là “bản sắc dân tộc”.

Nước Nhựt hùng cường vì họ có tầm nhìn xa trông rộng, hội nhập với thế giới.

* THAY LỜI KẾT

“Bản sắc”, đối với nhiều người VN trong chúng ta, đã và đang bị hiểu quá cạn cợt, hời hợt. Không phải bất cứ thứ gì ngày xưa làm thì ngày nay phải giữ, mới gọi là “bản sắc”, trời ạ!

Cái đó cần phải gọi thẳng tên là "cổ hủ", là "thủ cựu". Là NÔ LỆ CỦA THÓI QUEN, có gì mà vênh vang?

Cốt lõi của bản sắc văn hóa là những gì làm cho con người sống ra con người, làm cho con người sống tốt với nhau.

Chuyện này, ở Việt Nam, coi bộ còn phải bàn luận dài dài, không chừng bàn luận đến... tết Congo cũng chưa xong, nhức đầu, và não lòng vô cùng tận.

-------------------------------------------------------------------

Tết ở Nhựt Bổn theo dương lịch vẫn gìn giữ những lễ hội truyền thống đầy sức sống.



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt