ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Chuyện Nhựt Bổn bỏ Tết Âm Lịch, ăm tết Dương Lịch

 CHUYỆN NHỰT BỔN BỎ TẾT ÂM LỊCH, ĂN TẾT DƯƠNG LỊCH

* LỰC CẢN CHỐNG ĐỐI KỊCH LIỆT KHI THAY ĐỔI TẬP QUÁN

Vào năm thứ sáu của triều đại Thiên hoàng Minh Trị, tức năm 1873, nhà vua ra sắc chỉ không dùng âm lịch, quy định việc ăn tết vào ngày 1 tháng 1 dương lịch.

Nhiều người thủ cựu cho rằng “ăn tết Tây là mất bản sắc dân tộc”, chống đối kịch liệt đến mức đe dọa sẵn sàng đổ máu hoặc tự sát để bày tỏ sự phản kháng. Rồi nhiều người trong giới sư sãi Phật giáo thời bấy giờ hô hào "pháp nạn" trước việc Thiên hoàng Minh Trị công bố bỏ lịch cũ (âm lịch); cùng lúc với tách bạch Thần xã (Thần đạo) với Chùa chiền (Phật giáo) không trộn lẫn vào nhau, và cho phép các giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo tại Nhựt.

Một số cuộc bạo loạn nổ ra để chống lại "pháp nạn", cả nước Nhựt lao đao trong thời gian dài sau khi Minh Trị ban lệnh dẹp ăn tết theo âm lịch.

* NHỰT BỔN HÃNH DIỆN VỚI SỨC SỐNG VĂN HÓA

Ai dám nói người Nhựt đánh mất bản sắc văn hóa của họ khi bỏ ăn tết âm lịch? Trái lại, người Nhựt nổi tiếng về nhiều lễ hội rất đặc trưng của xứ sở hoa anh đào! Trong những ngày nghỉ tết theo dương lịch, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc được lưu giữ, trân trọng.

Và điều hệ trọng hơn hết, cần phải hiểu VĂN HÓA là nét đẹp trong LỐI SỐNG, chớ không nằm ở bề ngoài/bề nổi của những thói quen.

Người Nhựt làm cả thế giới sửng sốt, bái phục - chẳng hạn - trong thiên tai sóng thần Fukushima, người Nhựt vẫn không chen lấn mà tự giác xếp hàng để nhận hàng cứu trợ. Cái đó mới đích thực là VĂN HÓA.

“Văn hóa” nếu chỉ ru rú trong chủ nghĩa hình thức, ai mà không làm được? Dễ ợt. Cái khó làm hơn nhiều, và như vậy mới đáng trân trọng là làm cách nào để VĂN HÓA TRỞ THÀNH SỨC SỐNG trong quan hệ ứng xử giữa con người với nhau (đoàn kết, nhân ái).

Lễ hội cũng phải được hướng theo mục đích sâu sắc như vậy, chớ không phải những trò sân khấu hóa bề nổi rồi … gào lên là “bản sắc dân tộc”.

Nước Nhựt hùng cường vì họ có tầm nhìn xa trông rộng, hội nhập với thế giới.

* THAY LỜI KẾT

“Bản sắc”, đối với nhiều người VN trong chúng ta, đã và đang bị hiểu quá cạn cợt, hời hợt. Không phải bất cứ thứ gì ngày xưa làm thì ngày nay phải giữ, mới gọi là “bản sắc”, trời ạ!

Cái đó cần phải gọi thẳng tên là "cổ hủ", là "thủ cựu". Là NÔ LỆ CỦA THÓI QUEN, có gì mà vênh vang?

Cốt lõi của bản sắc văn hóa là những gì làm cho con người sống ra con người, làm cho con người sống tốt với nhau.

Chuyện này, ở Việt Nam, coi bộ còn phải bàn luận dài dài, không chừng bàn luận đến... tết Congo cũng chưa xong, nhức đầu, và não lòng vô cùng tận.

-------------------------------------------------------------------

Tết ở Nhựt Bổn theo dương lịch vẫn gìn giữ những lễ hội truyền thống đầy sức sống.



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét