ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Linh mục Anrê Nguyễn Văn Miều

 Linh mục Anrê Nguyễn Văn Miều

-         Sinh năm: 1863

-         Tại Cầu Bông (Gia Định)

-         Thụ phong Linh mục ngày 18. 3. 1893 do Đức giám mục Isidore Colombert

-         Năm 1893 - 1896: Phó sở Tân Định

-         Sau đó về giúp họ Cầu Ngang gần 1 năm

-         Năm 1897 – 1916: Chánh sở Mai Phốp

-         Nghe tên “Bưng Trường”, chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng: đây là nơi vùng sâu vùng xa khó đi lại lắm. Ngày xưa đúng như thế, vì đây là vùng bưng biền lầy lội. Trường có nghĩa là dài; vùng đất bưng dài hơn ba cây số.

-         Dọc theo con sông, vẫn gọi là “kênh ngã chánh”, dân cư các nơi như Xuân Hiệp, Mai Phốp…đến đây khai phá đất hoang lập nghiệp; họ làm lúa mùa. Trong đó có 24 gia đình Công giáo là những gia đình đầu tiên của họ đạo Bưng Trường. Lúc đó cha Anrê Miều (1897-1916) chánh sở Mai Phốp, cùng với hai Dì thuộc Dòng MTG Cái Mơn (dì 7 Chẳn và dì Sáu Tập) kêu gọi giáo dân cùng nhau xây cất Nhà thờ để có nơi đọc kinh dự lễ. Ngôi Nhà thờ đầu tiên được dựng lên bằng gỗ tạp có ba gian, lợp lá. Vì đường sá đi lại khó khăn; dưới sông thì đi lại bằng thuyền chèo, trên bờ chỉ là con đường đất nhỏ hẹp, nên không có thánh lễ thường xuyên.

-         Cha đã xây dựng Nhà thờ Mai Phốp kiên cố bằng gạch ngói, cha đã được nhiều người mộ mến và nhắc nhở.

-         Ngày 18. 8. 1916 – tháng 2. 1925: Chánh sở Búng

-         Tháng 3. 1925 – 08. 1927: Chánh sở Bến Gỗ

-         Ngày 2. 9. 1927 – tháng 4. 1933: Phục vụ ở Poulo-Condore (Côn Đảo)

-         Tháng 4. 1933 – tháng 4. 1939: Bề trên nhà Hưu dưỡng Chí Hòa cùng làm cha sở họ Chí Hòa

-         Qua đời hồi 9 giờ 15 phút ngày 04. 04. 1939

-         Mai táng tại Đất thánh các Linh mục Chí Hòa 

Chữ ký vào Sổ Rửa tội của cha Andrê Miều ở Búng

R.I.P
Mộ phần cha Andrê Nguyễn Văn Miều
----------------------------------------------------------------------------------------------

COMMUNIQUÉ

du Vicariat Apostolique de Saigon

---------------------------------------

Đức cha xin hàng Đạc đức, các nhà Viện tu và Giáo hữu giúp lời cầu nguyện cho cha Anrê Miều mới qua đời tại Chí-hòa, ngày 4 Avril 1939, hưởng thọ đặng 76 năm.

Các Linh mục Tây Nam trong hai địa phận Saigon và Vĩnh-long phải làm 3 lễ và rao cho giáo hữu cầu lễ cho linh hồn Thầy Anrê Miều

Cha Anrê Nguyễn Văn Miều sanh ra tại Cầu-bông (Gia định), năm 1863.

Người chịu chức Thầy cả ngày 18 Mars 1893, bỡi Đức cha Colombert. Chịu chức đoạn, thì đến làm phó sở họ Tân-định cho đến cuối năm 1896; rồi kế đổi đi giúp họ Cầu-ngang gần 1 năm.

Từ năm 1897 tới năm 1916, người lãnh coi họ Mai-phốp (Vũng-liêm). Ngày 18 Août 1916, người trấn nhậm làm cha sở họ Búng cho đến tháng Février 1925, thì đổi sang Bến-gỗ. Ngày mồng 2 Septembre 1927, người lãnh coi sóc Poulo-Condore, và ở đó cho đến tháng Avril 1933, thì Đức cha chọn người làm bề trên Nhà Dưỡng lão của các Cha bổn quốc tại Chí-hòa và làm cha sở họ nầy nữa. Dầu già cả lại bịnh hoạn, mà Người cứ làm việc tông đồ cho đến cùng đời. 9 giờ một khắc đêm 4 Avril, người qua đời mà nghỉ an trong Chúa.

Xác Người để tại nhà Dưỡng lão Chí-hòa. Trong mấy đêm ngày có bổn đạo con cái trong họ Chí-hòa tiếp nhau cầu lễ đọc kinh cho người luôn. Qua đến 9 giờ ngày thứ sáu Tuần Thánh 7 Avril 1939, Đức Giám mục Saigon, đến thân hành làm phép xác, đoạn cha Giacôbê, Quản lý báo N. K. Đ. P đưa linh cữu ra đất thánh các Cha bổn quốc. Có 36 cha Tây Nam, Dì phước cùng bổn đạo khá đông đến chầu phép xác và đưa xác đến nơi phần mộ.

Cha Anrê Miều khi sống chẳng ưa sự vinh hoa sang trọng, khi sinh thì lại trúng vào Tuần Thánh, nên đám táng người chẳng làm đặng sự chi trọng thể. Thật sống khó khăn chết cũng khó khăn, nói đặng trót đời người đã giống Thầy thánh mình là Đức Chúa Giêsu . Nhưng đám táng người càng đơn sơ, thì làm cho nấy thêm cảm động!

Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn Thầy Anrê đặng lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen

+++

Đến ngày thứ tư 19 Avril 1939, Đức cha Saigon sẽ thân hành hát lễ trọng thể tại Chí-hòa, mà cầu cho linh hồn Thầy Anrê.

R. I. P

-----------------------------------------------------------------------------

Lễ hát trọng thể tại nhà thờ Chí-hòa

--------------------

Như tin đã đăng trong số báo trước, 7 giờ sớm mai ngày 19 Avril vừa qua, tại nhà thờ Chí-hòa, Đức cha Saigon đã thân hành lễ hát trọng thể cầu cho cha Anrê Miều đã qua đời hôm 4 Avril 1939.

Cha Mátthiêu Đức, bổn sở Hanh-thông-tây làm Prêtre Assistant, các thầy trường Lý đoán Saigon giúp lễ.

Chầu lễ có 32 vị Linh mục Pháp Nam cùng bổn đạo họ Chí-hòa và một ít người bà con với cha Anrê.

Trong mùa lễ ai cũng tưởng nhớ đến cha Anrê và cầu nguyện cho linh hồn ngài đặng kíp vào chốn nghỉ an.

--------------------

Báo Nam Kỳ địa phận năm 1939

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Chiêu trò "Truy cùng diệt tận", rồi "Gắp lửa bỏ tay người"

 Sắp đến ngày 19/1 rồi, tưởng niệm Hoàng Sa bị cưỡng chiếm cách đây 47 năm (19/1/1974)! Còn nhớ hay đã quên?

Cách đây mấy năm, báo chí trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đều có loạt bài ghi chép trân trọng về sự hi sinh của hải quân Miền Nam Việt Nam (với tên gọi “Việt Nam Cộng hòa”) chống lại TQ xâm lăng…

CHIÊU TRÒ “TRUY CÙNG DIỆT TẬN”, RỒI “GẮP LỬA BỎ TAY NGƯỜI”

... Nhưng có một yếu tố hết sức quan trọng mà nhiều người Việt Nam KHÔNG BIẾT (hoặc không đủ chú ý đến) xung quanh việc Hoàng Sa rơi vô tay Trung Quốc. Yếu tố đó xảy ra nơi chánh trường nước Mỹ: “truy cùng diệt tận” rồi "gắp lửa bỏ tay người"!

&1&

Số là hồi Trung Quốc khai hỏa tấn công Hoàng Sa, bên hải quân Việt Nam Cộng hòa có đánh điện cầu cứu cho Đệ thất hạm đội Mỹ lúc đó đang rảo lòng vòng ngoài khơi xa, nhưng hải quân Mỹ không đáp lại. Nhiều người bèn chửi ông Tổng thống Nixon móc ngoéo với Mao Trạch Đông nhường lại biển Đông đặng liên thủ bao vây Liên bang Soviet. Kỳ thực ông Nixon với Mao bàn bạc thứ gì thì thuộc hàng tối mật, thiên hạ đa phần làm sao biết được bí mật hậu trường mà chỉ hè nhau suy diễn theo "thuyết âm mưu".

(coi đi: làm gì có chuyện nhường biển Đông cho Bắc Kinh tự tung tự tác, người Mỹ họ đâu dại như đồn đoán của "thuyết âm mưu" mà fake thì nhiều hơn real)

NHƯNG có một yếu tố không thuộc bí mật gì ráo, làm cho Tàu mở cờ trong bụng, thì nhiều người VN lại không biết đến (ngoại trừ một số người trong giới nghiên cứu) mới thiệt oái ăm!

&2&

Vào cuối năm 1973 (tháng 11), Quốc hội lưỡng viện Mỹ bấy giờ do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua một Nghị quyết về Quyền hạn chiến tranh ("War Powers Resolution") (*) nhằm TRÓI TAY Tổng thống Nixon. Theo đó, Nixon muốn can dự vào biến chuyển quân sự tại VN thì chỉ được phép chủ động "kích hoạt" trong vòng 48 giờ (2 ngày) mà thôi, rồi phải báo cho bên Quốc hội Mỹ biết.

Nếu Quốc hội không thuận tình thì ông Nixon ngắc ngứ, bị luận tội cho lên bờ xuống ruộng.

Quốc hội Mỹ do đảng DC kiểm soát lúc bấy giờ chỉ muốn phế truất Nixon, bác việc can dự chiến tranh dưới mọi hình thức.

Nixon bị trói tay bởi "War Powers Resolution" vào tháng 11/1973, và Bắc Kinh đánh hơi thời cơ đã tới - chỉ hai tháng ngay sau đó, vào tháng 1/1974 Bắc Kinh dùng võ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa!

Đệ thất hạm đội Mỹ điện báo về Ngũ giác đài (Bộ Quốc phòng), và Ngũ giác đài phúc trình cho Tổng thống Nixon để xin ý kiến. Nếu Nixon hạ lịnh cho Đệ thất hạm đội can thiệp xua đuổi Trung Quốc khỏi Hoàng Sa thì Nixon sẽ bị "siết cổ" bởi dây thòng lọng mang tên "War Powers Resolution" do Quốc hội treo lủng lẳng chờ sẵn!

Mặc khác, Nixon cũng không muốn "đấu" với Quốc hội để mong qua truông vụ Watergate.

Đó, quí bạn suy nghĩ đi, cho dù không có móc ngoéo giữa Nixon với Mao thì Nixon lúc bấy giờ cũng KHÔNG dám "uống mật gấu" cho Đệ thất hạm đội Mỹ can thiệp vào cuộc hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974, mà phải án binh bất động!

&3&

Ai dè đảng Dân Chủ quyết “truy cùng diệt tận”: trói tay không cho Nixon động thủ xung quanh vụ Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, Nixon tưởng sẽ qua truông, nhưng đảng Dân Chủ truy kích ráo riết tới mức Nixon hoảng sợ / buộc phải từ chức vào tháng 8 năm 1974!

… Rồi, sau tháng 4 năm 1975, khi xảy ra hiện tượng thuyền nhân (boat people) - người Việt Nam vượt biển - gây xôn xao dư luận quốc tế, báo chí theo phe đảng Dân Chủ bèn xoay qua chỉ trích mọi hậu quả là do Nixon hết thảy.

Trong đó, gồm cả việc đổ tội “không trợ giúp chế độ VNCH bảo vệ Hoàng Sa trước sự xâm lược của Trung Quốc” là do Nixon thậm thụt gì đó với Mao. Báo chí chủ lưu bên Mỹ KHÔNG nhắc gì tới nghị quyết "War Powers Resolution" do đảng Dân Chủ thông qua nhằm trói tay Nixon!

Giới quan sát gọi đây là hành động bên phe đảng Dân Chủ "gắp lửa bỏ tay người"!

--------------------------------------------------------------------

(*) Đọc: https://alphahistory.com/vietnamwar/the-war-powers-act-1973/

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt





Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

"Ngũ Giác Đài" (The Pentagon)

 Tôi không phải “chuyên gia ngôn ngữ” gì ráo, ưng tìm hiểu cái gì thì biết cái đó thôi (có bạn hỏi tôi giải nghĩa hết chữ này tới chữ kia thì tôi chào thua). Thảnh thử khi đề cập về con chữ nào đó, là do tôi nhận ra đàng sau con chữ “lộ” ra một hiện tượng ngôn ngữ trong TIẾNG VIỆT. Vậy đó.

Lần này là một câu chuyện ngôn ngữ, được mượn qua con chữ:

“NGŨ GIÁC ĐÀI” (THE PENTAGON)

Nhắc chút đỉnh, tôi có đưa lên fb bài viết “Vì sao The White House nên dịch thành Bạch Cung?”, chẳng phải ưng chữ Việt-Hán mà từ chối chữ “Nhà Trắng”. Thương chữ Việt không hết, ở đó mà từ chối làm chi. Là do vầy: “House”, ở đây, đâu có nghĩa là “nhà” mà dịch như rứa! (đường dẫn đọc bài ghi ở cuối stt này: *).

Nhắc như vậy để quí bạn nào đó đừng nông nổi, ném đá khi thấy cái chữ "Ngũ giác đài". Thủng thẳng đọc hết bài, ắt hiểu.

/1/ “The Pentagon” là tên gọi của trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. "Gon" mượn từ tiếng Hy Lạp γωνία (gōnía), nghĩa là: angle, corner, side, edge (là "góc", là "cạnh"); "penta" là 5, "hexa" là 6, "hepta" là 7, "octa" là 8 .v.v...

Thành thử "pentagon" là hình có 5 góc / hình có 5 cạnh.

Ủa, trong cách gọi mà nhiều người VN trong nước đang nghe, "Lầu Năm Góc" thì ... cái chữ "Lầu" lấy từ đâu ra?

Cũng rứa, "Ngũ giác đài" ("ngũ" là 5, "giác" là "góc") thì... cái chữ "đài" là từ đâu?

Bởi trong tiếng Anh "Pentagon" (5 góc = ngũ giác), không thấy có kèm thêm chữ nào đặng dịch thành "Lầu", thành "Đài" hết trơn.

/2/ Trước khi giải thích tiếp, mời đọc ví dụ sau:

"Airport", ắt bạn từng được biết, dịch là "phi trường". Sao lại bắt chước Tàu? Dễ ném đá vậy lắm, nhưng... trớt hướt rồi đa! Bởi vì người Tàu dù ở Hoa lục, ở Hương Cảng, ở Đài Loan, họ đâu dịch "airport" là "phi trường" - mà họ gọi là: "jī chǎng" , tức "cơ trường"!

"Phi trường" là cách sáng tạo trong chữ nghĩa của NGƯỜI VIỆT; là cách chuyển ngữ của người Việt chúng ta đối với chữ "airport"!

Ta nói, nước sông không phạm nước giếng. Người Việt xài chữ "phi trường", khác với người Tàu gọi là "cơ trường".

/3/ Trở lại câu chuyện chánh yếu của stt này.

"The Pentagon", người Tàu chuyển ngữ thành (Ngũ giác đại lâu). Người Tàu dùng chữ "LÂU" (, nghĩa là "cái lầu").

Còn "ĐÀI" (trong "Ngũ giác đài")? Đây là cách sáng tạo trong chữ nghĩa của người Việt.

Tương tự như ví dụ /2/, người Việt dùng chữ "phi" (phi trường), còn người Tàu dùng chữ "cơ" (cơ trường). Đây, cũng rứa, nước sông không phạm nước giếng. Để chuyển ngữ "The Pentagon", người Việt và người Tàu dịch KHÁC nhau là ở đặc điểm sau:

Tàu dùng chữ "lâu", trong khi người Việt dùng chữ "đài"!

["đài" , nghĩa là một kiến trúc cao, nhìn ra được khắp phía xung quanh / "đài" được dùng trong những chữ như "đài (thiên văn)", "đài (khí tượng)"... ]

Tóm lại:

Người Việt dùng chữ "Ngũ giác ĐÀI", cũng có thể gọi là "Đài Năm Góc", đồng nghĩa với nhau.

Còn Tàu dùng chữ "Ngũ giác đại LÂU" (tức "Lầu lớn Năm Góc").

Thấy gì? Khi hiện nay quí bạn cứ thường nghe gọi "LẦU Năm Góc", kỳ thực "lầu" là mượn từ chữ "LÂU" theo cách của Tàu!

Sao không dùng chữ "ĐÀI" theo lối dùng chữ của người Việt? Sao không gọi là "Đài Năm Góc" ("Ngũ giác đài"), mà lại rước chữ "Lầu Năm Góc" phỏng theo Tàu ("Ngũ giác lâu") ?

/4/ Như vậy, quí bạn thấy rồi đó, "The Pentagon" chuyển ngữ theo lối dùng chữ của người Việt, sẽ phải là "ĐÀI Năm Góc" chớ không phải "Lầu Năm Góc"!

Còn vì sao nên dùng chữ "ngũ giác" (thay vì "năm góc")? Là như vầy:

Quí bạn ắt còn nhớ lúc học phổ thông, môn toán hình học, chúng ta học: "hình tam giác", "hình tứ giác", "hình ngũ giác"... chớ đâu ghi là "hình ba góc", "hình bốn góc", "hình năm góc"!

Vậy, chẳng có gì cản trở chúng ta nhứt quán, đồng bộ với lối gọi "tứ giác", "ngũ giác" này ráo trọi. Để, áp dụng trong chuyển ngữ "The Pentagon", là: NGŨ GIÁC ĐÀI.

-------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Ghi chú chữ nghĩa lai rai: Bộ trưởng / Tổng trưởng

 Ghi chú chữ nghĩa lai rai

BỘ TRƯỞNG / TỔNG TRƯỞNG

Điều hành cấp quốc gia có các "Bộ". Thời nước Việt quân chủ có 6 Bộ (lục bộ); thời CHXHCN VN hiện nay có 18 Bộ. Trong khi nước Mỹ rộng lớn, siêu cường số 1 thế giới, lại chỉ có 15 Bộ.

Đứng đầu một Bộ, ngày xưa gọi là Thượng thư (尚書); ở nước VN hiện nay gọi là Bộ trưởng (部長). Còn danh xưng "Tổng trưởng" (總長)?

Có người nghĩ là trước năm 1975, ở miền Nam (Việt Nam cộng hòa) gọi "Tổng trưởng" chớ không gọi Bộ trưởng. Được biết, không hẳn vậy đâu.

Trước hết, cần biết cái nghĩa cơ bản của chữ "bộ", chữ "tổng". "Bộ" () là một phần trong toàn thể, còn "Tổng" () là gom lại, hợp lại (chẳng hạn, nhiều làng hợp lại làm một "tổng").

* Trong thời kỳ QUỐC GIA VIỆT NAM ("State of Vietnam", đây là thể chế hiện diện trên toàn cõi VN từ 1949 đến tháng 7/1954, trên nửa nước miền Nam từ tháng 7/1954 đến tháng 10/1955), Quốc trưởng là Bảo Đại, với một số đời Thủ tướng kế tiếp nhau.

- Giai đoạn Quốc trưởng Bảo Đại kiêm nhiệm Thủ tướng (7/1949 đến 1/1950), ta thấy Bộ Quốc phòng có Tổng trưởng là trung tướng Nguyễn Văn Xuân (kiêm Phó Thủ tướng), dưới Tổng trưởng là Bộ trưởng Trần Quang Vinh.

Bộ Ngoại giao có Tổng trưởng Nguyễn Phan Long, dưới Tổng trưởng là Bộ trưởng Lê Thăng.

- Giai đoạn ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng (7/1954 đến 10/1955), ta thấy có Tổng trưởng Kinh tế tài chánh Trần Văn Của, dưới Tổng trưởng là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Văn Thoại và Bộ trưởng Bộ Tài chánh Trần Hữu Phương.

Ông Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm Tổng trưởng Bộ Quốc phòng & Nội vụ, dưới Tổng trưởng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Ngọc Chấn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Ngọc Thơ.

* Trong thời kỳ VIỆT NAM CỘNG HÒA (tháng 10/1955 đến tháng 4/1975):

- Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, có một giai đoạn ông bãi bỏ danh xưng Tổng trưởng, đứng đầu các Bộ gọi là Bộ trưởng.

- Thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đứng đầu các Bộ gọi là Tổng trưởng (không gọi Bộ trưởng).

Tóm lại, trước năm 1975 ở miền Nam không chỉ có Tổng trưởng (thay cho cách gọi Bộ trưởng), mà có những giai đoạn tồn tại cùng lúc danh xưng "Tổng trưởng" lẫn "Bộ trưởng".

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt