ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

"Ngũ Giác Đài" (The Pentagon)

 Tôi không phải “chuyên gia ngôn ngữ” gì ráo, ưng tìm hiểu cái gì thì biết cái đó thôi (có bạn hỏi tôi giải nghĩa hết chữ này tới chữ kia thì tôi chào thua). Thảnh thử khi đề cập về con chữ nào đó, là do tôi nhận ra đàng sau con chữ “lộ” ra một hiện tượng ngôn ngữ trong TIẾNG VIỆT. Vậy đó.

Lần này là một câu chuyện ngôn ngữ, được mượn qua con chữ:

“NGŨ GIÁC ĐÀI” (THE PENTAGON)

Nhắc chút đỉnh, tôi có đưa lên fb bài viết “Vì sao The White House nên dịch thành Bạch Cung?”, chẳng phải ưng chữ Việt-Hán mà từ chối chữ “Nhà Trắng”. Thương chữ Việt không hết, ở đó mà từ chối làm chi. Là do vầy: “House”, ở đây, đâu có nghĩa là “nhà” mà dịch như rứa! (đường dẫn đọc bài ghi ở cuối stt này: *).

Nhắc như vậy để quí bạn nào đó đừng nông nổi, ném đá khi thấy cái chữ "Ngũ giác đài". Thủng thẳng đọc hết bài, ắt hiểu.

/1/ “The Pentagon” là tên gọi của trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. "Gon" mượn từ tiếng Hy Lạp γωνία (gōnía), nghĩa là: angle, corner, side, edge (là "góc", là "cạnh"); "penta" là 5, "hexa" là 6, "hepta" là 7, "octa" là 8 .v.v...

Thành thử "pentagon" là hình có 5 góc / hình có 5 cạnh.

Ủa, trong cách gọi mà nhiều người VN trong nước đang nghe, "Lầu Năm Góc" thì ... cái chữ "Lầu" lấy từ đâu ra?

Cũng rứa, "Ngũ giác đài" ("ngũ" là 5, "giác" là "góc") thì... cái chữ "đài" là từ đâu?

Bởi trong tiếng Anh "Pentagon" (5 góc = ngũ giác), không thấy có kèm thêm chữ nào đặng dịch thành "Lầu", thành "Đài" hết trơn.

/2/ Trước khi giải thích tiếp, mời đọc ví dụ sau:

"Airport", ắt bạn từng được biết, dịch là "phi trường". Sao lại bắt chước Tàu? Dễ ném đá vậy lắm, nhưng... trớt hướt rồi đa! Bởi vì người Tàu dù ở Hoa lục, ở Hương Cảng, ở Đài Loan, họ đâu dịch "airport" là "phi trường" - mà họ gọi là: "jī chǎng" , tức "cơ trường"!

"Phi trường" là cách sáng tạo trong chữ nghĩa của NGƯỜI VIỆT; là cách chuyển ngữ của người Việt chúng ta đối với chữ "airport"!

Ta nói, nước sông không phạm nước giếng. Người Việt xài chữ "phi trường", khác với người Tàu gọi là "cơ trường".

/3/ Trở lại câu chuyện chánh yếu của stt này.

"The Pentagon", người Tàu chuyển ngữ thành (Ngũ giác đại lâu). Người Tàu dùng chữ "LÂU" (, nghĩa là "cái lầu").

Còn "ĐÀI" (trong "Ngũ giác đài")? Đây là cách sáng tạo trong chữ nghĩa của người Việt.

Tương tự như ví dụ /2/, người Việt dùng chữ "phi" (phi trường), còn người Tàu dùng chữ "cơ" (cơ trường). Đây, cũng rứa, nước sông không phạm nước giếng. Để chuyển ngữ "The Pentagon", người Việt và người Tàu dịch KHÁC nhau là ở đặc điểm sau:

Tàu dùng chữ "lâu", trong khi người Việt dùng chữ "đài"!

["đài" , nghĩa là một kiến trúc cao, nhìn ra được khắp phía xung quanh / "đài" được dùng trong những chữ như "đài (thiên văn)", "đài (khí tượng)"... ]

Tóm lại:

Người Việt dùng chữ "Ngũ giác ĐÀI", cũng có thể gọi là "Đài Năm Góc", đồng nghĩa với nhau.

Còn Tàu dùng chữ "Ngũ giác đại LÂU" (tức "Lầu lớn Năm Góc").

Thấy gì? Khi hiện nay quí bạn cứ thường nghe gọi "LẦU Năm Góc", kỳ thực "lầu" là mượn từ chữ "LÂU" theo cách của Tàu!

Sao không dùng chữ "ĐÀI" theo lối dùng chữ của người Việt? Sao không gọi là "Đài Năm Góc" ("Ngũ giác đài"), mà lại rước chữ "Lầu Năm Góc" phỏng theo Tàu ("Ngũ giác lâu") ?

/4/ Như vậy, quí bạn thấy rồi đó, "The Pentagon" chuyển ngữ theo lối dùng chữ của người Việt, sẽ phải là "ĐÀI Năm Góc" chớ không phải "Lầu Năm Góc"!

Còn vì sao nên dùng chữ "ngũ giác" (thay vì "năm góc")? Là như vầy:

Quí bạn ắt còn nhớ lúc học phổ thông, môn toán hình học, chúng ta học: "hình tam giác", "hình tứ giác", "hình ngũ giác"... chớ đâu ghi là "hình ba góc", "hình bốn góc", "hình năm góc"!

Vậy, chẳng có gì cản trở chúng ta nhứt quán, đồng bộ với lối gọi "tứ giác", "ngũ giác" này ráo trọi. Để, áp dụng trong chuyển ngữ "The Pentagon", là: NGŨ GIÁC ĐÀI.

-------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét