ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Mơ hồ trong đầu, thành thử ngôn ngữ cũng mờ tịt luôn

 MƠ HỒ TRONG ĐẦU, THÀNH THỬ NGÔN NGỮ CŨNG MỜ MỊT LUÔN

Nghe rằng "kỵ húy" này kia, tức ngôn ngữ phải gục mặt cúi đầu mà nói khác đi. Nhưng, thực ra, có những lúc chẳng phải do ban hành luật lệ “húy kỵ” gì ráo, mà một khi quyền lực chánh trị treo trên đầu đến mức dân tình bị ám, ắt lúc đó nỗi sợ hãi sẽ làm sản sinh ra hàng loạt "kỵ húy" bất thành văn! (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1198697357230909). Lại nữa, có những tiếng thuần Việt nhưng bị suy diễn là “kỵ húy”, rồi đem âm Hán-Việt (Việt-Hán) chụp lên đầu để đẩy tiếng thuần Việt rơi xuống vị trí thứ yếu mới đau! (mời đọc https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1197199610714017).

Đây, lai rai tiếp tục chủ đề "kỵ húy", đặng giải ảo.

Có một danh sĩ đời xưa, danh tính viết như ri: . Trong Nam gọi "Ngô Thời Nhiệm", ngoài Bắc ghi "Ngô Thì Nhậm".

Hà Nội bảo, phải đọc đúng là: "Thì", phải đọc đúng là: "Nhậm", và rằng người trong Nam gọi "Thời", gọi "Nhiệm" là không chuẩn.

Họ giải thích: vào đời vua Tự Đức, nhà vua có hai tục danh (tên húy): a/ ; b/ . Tên thứ nhứt , đọc là "(Hồng) Nhậm", còn tên thứ hai , đọc là "Thì" - xin lưu ý, đây thực ra là cách đọc của ngoài Bắc.

Xét theo "hệ qui chiếu" ngoài Bắc, vì thấy người trong Nam gọi "Nhiệm", gọi "Thời" (không ăn khớp với cách gọi ngoài Bắc) nên cho rằng do người Nam "kỵ húy" mà phải sửa cách đọc.

Có phải vậy không? Hay là thử nhìn ngược lại?

/1/ Vua Tự Đức (trị vì từ năm 1847 đến năm 1883) nếu ra chiếu chỉ về kỵ húy thì nhứt loạt toàn quốc phải thi hành, đúng không nào! Nghĩa là người ngoài Bắc phải tuân theo, chớ làm gì dám lấy tục danh của vua (được cho là đọc như sau: "Nhậm", "Thì") ra mà gọi? Réo tục danh của vua như rứa, không chịu sửa nói khác đi, tù mọt gông là cái chắc!

/2/ Chú ý những dữ kiện lịch sử sau đây: vào NĂM 1862 ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) lọt vào tay Pháp; đến NĂM 1867 Pháp chiếm tiếp ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Miền Nam (Nam Kỳ) lần lượt nằm ngoài thẩm quyền cai trị của vua Tự Đức ; nói cách khác, việc kỵ húy tên vua Tự Đức không có hiệu lực (hoặc không còn đủ hiệu lực) trên đất Nam Kỳ.

Trong khi đó việc kỵ húy tên vua thì miền Bắc phải tuân thủ răm rắp! Bởi vì ngoài Bắc vẫn hoàn toàn thuộc quyền cai trị của triều Nguyễn, vua Tự Đức cai trị cho đến lúc qua đời 1883 (năm sau, 1884, miền Bắc mới trở thành "xứ bảo hộ" của Pháp).

/3/ Vậy, phải chăng chữ đọc đúng là "NHIỆM" (tên húy vua Tự Đức đọc đúng là "Hồng Nhiệm")? Do kỵ húy nên ngoài Bắc buộc phải đọc chệch đi, là "Nhậm". Trong Nam, như dẫn giải ở /2/, không bị áp lực kỵ húy, nên vẫn gọi đúng - là "Nhiệm"!

Cũng rứa, chữ đọc đúng là "THỜI" mới phải? Cũng vì kỵ húy nên ngoài Bắc buộc phải đọc chệch đi, là "Thì". Còn trong Nam, không bị áp lực kỵ húy, vẫn giữ cách gọi đúng - là "Thời"!

/4/ Mời quí bạn đọc tiếp.

Chúng ta nói "NHIỆM kỳ", chớ không ai đi nói "nhậm kỳ".

[ chữ "NHIỆM", trong "nhiệm kỳ" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

Ta nói "trách NHIỆM", chớ đâu ai đi nói "trách nhậm", nghịch lỗ nhĩ hết sức!

[ chữ "NHIỆM", trong "trách nhiệm" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

Quí bạn có bao giờ nghe nói "Thì đại" không? Không hề. Nói đúng, phải là "THỜI đại".

[ chữ "THỜI, trong "thời đại" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

Có bao giờ chúng ta nói "thì kỳ" không? Cũng không, nghe cứ như từ dưới đất nẻ chui lên. Nói đúng, phải là "THỜI kỳ".

[ chữ "THỜI, trong "thời kỳ" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

/5/ Tóm lại, khác với những "giải thích" suy đoán lung tung trên mạng bấy lâu, xin cùng nhau hiểu rằng:

Tên thật của vua Tự Đức là "NHIỆM" (Hồng Nhiệm), là "THỜI".

NGOÀI BẮC, VÌ KỴ HÚY nên đọc trại, thành "Nhậm", thành "Thì".

"NHIỆM" là cách phát âm đúng. Ta nói, "nhiệm kỳ", "trách nhiệm" (nếu ... quán triệt lập trường đọc "Nhậm" mới chuẩn, thành ra phải gọi "trách nhậm", "nhậm kỳ" à?)

"THỜI" là cách phát âm đúng. Ta nói, "thời đại", "thời kỳ" (nếu... quán triệt lập trường đọc "Thì" mới chuẩn, thành ra phải gọi "thì đại", "thì kỳ" à?)

--------------------------------------------------------


Nguồn: Chương Dương 

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Sợ bóng sợ gió, "Thần hồn nát thần tính" mà ra !

 SỢ BÓNG SỢ GIÓ, "THẦN HỒN NÁT THẦN TÍNH" MÀ RA!

* Có những thời chẳng có luật lệ rõ rành "húy kỵ", mà do cái thói tật bị ám bởi quyền lực chánh trị, thành thử sợ bóng sợ gió.

Tôi đã đưa lên fb chủ đề "Tiếng thuần Việt, nhưng bị đời nay suy diễn là "kỵ húy" rồi đem âm Hán-Việt (Việt-Hán) chụp lên đầu!" (mời đọc https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1197199610714017. Đây, xin nhắc lại chút đỉnh.

"Kỵ húy" được dựa vào mặt chữ Hán (trước kia, ở nước Việt mượn chữ Hán làm văn tự) chớ không phải dựa vào mặt chữ Quốc ngữ rồi sinh tật suy diễn sai trật quá xá cỡ! Vợ vua Minh Mạng tên Hoa (Hồ Thị Hoa), không phải "h-o-a", mà tên được viết như ri: . Cái tên rơi vào húy kỵ.

Để tránh phạm húy: 1) Đổi sang dùng chữ khác. Tỉnh Thanh Hoa (đời Hậu Lê) đến đời nhà Nguyễn phải đổi tên, vì "Hoa" (trong "Thanh Hoa") trùng với ký tự "Hoa" (tên vợ vua, nghĩa là "tinh hoa", là ... elite đó đa) nên phải chọn chữ khác: "Hóa", trở thành tỉnh "Thanh Hóa".

2) Nếu được phép dùng đúng chữ "húy kỵ", lúc đó phải "cải âm" (tức đọc trại âm). Như "Hoa", trong "Hoa kiều", viết đúng y chang với chữ "kỵ húy" (trùng với ký tự được dùng ghi tên vợ vua), buộc phải cải âm, đọc thành "huê" (vẫn dùng chữ ) thành "Huê kiều".

Những ai mang tên đồng âm với tên vợ vua nhưng dùng KÝ TỰ KHÁC thì không phạm húy. Chẳng hạn, "Quỳnh Hoa" - "hoa" ở đây viết như ri: (là ... flower, chớ không phải elite) thì vẫn được dùng ngon trớn.

*&*

Tới đây, ắt sẽ có sự thắc mắc: ủa, tiền "hoa hồng" ( ), "hoa kỳ" ( , nghĩa là: cờ hoa), ở đây "hoa" đâu có phạm húy (khác với ký tự "hoa" qui định là "húy kỵ"), vậy sao lại đọc trại thành "huê hồng", "huê kỳ"?

Phạm húy, nghĩa là hồi đó nếu dùng chữ ('hoa") mà không đổi sang chữ khác hoặc không đọc trại âm, bị tống vô nhà giam đếm gián đếm chuột là cái chắc.

Còn nói "hoa" (mà dùng chữ ), kỳ thực, không rơi vô phạm húy. Nhưng đâu phải ai cũng rành rẽ luật lệ chữ nghĩa đến vậy, thôi thì ... dân gian kháo nhau kiêng kỵ cho nó an toàn, riết thành thói quen.

*&*

Chẳng cần luật lệ "húy kỵ" có ban hành hoặc không, bất luận thời nào mà quyền lực chánh trị treo trên đầu đến mức dân tình bị ám, ắt lúc đó nỗi sợ hãi sẽ làm sản sinh ra hàng loạt "kỵ húy" bất thành văn!

______________________________________________________

 Nguồn: Chương Dương

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

Tiếng thuần Việt, nhưng bị đời nay suy diễn là "Kỵ Húy"!

 Lai rai vài kỳ stt "kỵ húy", tưởng vậy nào dè tưởng bở, éo le hết sức:

TIẾNG THUẦN VIỆT, NHƯNG BỊ ĐỜI NAY SUY DIỄN LÀ "KỴ HÚY"!

& Lời rao mở đầu &

KỴ HÚY ("húy": tục danh, tên thật) là gì? Là kiêng kỵ tên húy của vua ("trọng húy", kêu bằng là húy nặng cỡ sao quả tạ), kiêng kỵ tên húy của vợ, cha, mẹ, cô, chú... của vua ("khinh húy", húy nhẹ hơn chút), người dân không được phép dùng để đặt tên, cũng không được phép dùng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Có 2 điểm mong quí bạn chú ý:

1) Có những triều đại đưa ra qui định về kỵ húy, nhưng cũng có triều đại không qui định kỵ húy gì ráo. Tỉ như hồi đời Trần, đời Hậu Lê CÓ liệt kê hết thảy những chữ nào "kỵ húy"; nhưng đời các Chúa Nguyễn thì KHÔNG thấy thư tịch nào buộc dân chúng phải kiêng húy ráo trọi; qua tới thời các vua nhà Nguyễn thì CÓ (ghi lại trong sử liệu xưa hẳn hoi).

Khi quí bạn đọc mạng, đọc "từ điển mở" thượng vàng hạ cám như wikipedia, thấy ghi chữ này chữ kia là do kỵ húy mà đọc khác đi => hãy NÊN kiểm tra xem là có ghi chú dẫn nguồn thư tịch nào qui định việc kỵ húy hay không, vì có quá nhiều trường hợp phán là "kỵ húy" - kỳ thực - là do suy diễn lung tung hết sức!

2/ Sở dĩ có tình trạng suy diễn lung tung, thậm chí tào lao, là ... do nhiều người đời nay dựa vào chữ Quốc ngữ rồi đoán! Nên nhớ, trước kia người Việt mượn chữ Hán làm văn tự chánh thống, người dân không được dùng tên ông vua, tên bà xã của ông vua... đem ra xài ("kỵ húy") là dựa vào DANH TÍNH VIẾT BẰNG HÁN TỰ đặng né cho nó lành.

Xin mượn một dẫn chứng dưới đây, để phân tích.

& TIẾNG THUẦN VIỆT BỊ CHỤP MŨ LÀ "KỴ HÚY"! &

(kêu bằng là oan Thị Kính quá trời quá đất)

Đây, lấy ngay ví dụ: tên vợ của vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa. Trên nhiều báo, trên mạng, tràn lan lối suy diễn như ri: vì kỵ húy tên "hoa" nên người miền Nam phải đọc chệch sang chữ khác là "bông". Quí bạn có biết lối suy diễn này sai trật chỗ nào không?

Vua nhà Nguyễn cai trị toàn quốc, cả hai miền Nam Bắc chớ đâu phải chỉ cai trị mỗi miền Nam mình ên, thành thử khi vua ban hành sắc lệnh "húy kỵ" là áp dụng trong cả nước - nghĩa là người miền Bắc cũng phải kiêng kỵ mà đổi sang chữ khác chớ sao cứ nhởn nhơ gọi "hoa"?

1) Bởi vì kỵ húy "Hoa", ở đây không phải là "hoa" đánh vần theo chữ Quốc ngữ: h-o-a, mà "hoa" ghi bằng Hán tự.

Trong Hán tự cùng đọc là "hoa" thì có tới 20 ký tự, tức 20 chữ viết khác nhau nhưng đều đồng âm "hoa"! Chưa hết, trong mỗi một ký tự đọc là "hoa" có bét lắm là 5 nghĩa, thành thử tổng cộng 20 ký tự đồng âm "hoa" thì cũng ngót nghét trăm nghĩa lận!

Ban hành lệnh kỵ húy, là cấm không được dùng cả trăm nghĩa chỉ vì cũng đọc "hoa" sao? Nếu kiêng kỵ cỡ đó, có nước... nói ngọng luôn, ngôn ngữ bị què quặt là cái chắc.

Thành thử, xin quí bạn chú ý: NẾU ĐỒNG ÂM NHƯNG KHÁC VỚI KÝ TỰ (cái ký tự được qui định không được phạm đến) THÌ KHÔNG PHẢI "HÚY", KHÔNG PHẢI "KỴ HÚY"!

2/ Cụ thể, họ tên bà vợ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa , chữ "Hoa" ở đây nghĩa là "tinh yếu", "tinh túy", "tinh hoa"... Thành thử, trong "Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ" (thời Nhà Nguyễn) có qui định đâu ra đó, những địa danh dùng ký tự "Hoa" thì phải đổi sang tên khác:

- Tỉnh Thanh Hoa (tên đặt đời Hậu Lê), sang đời nhà Nguyễn vì chữ "Hoa" , trong tên tỉnh "Thanh Hoa", là cùng ký tự với tên bà Hoa vợ vua => đổi sang tên khác, là: Thanh Hóa .

- Chợ Đông Hoa ở Huế, vì "Hoa" ở đây xài cùng ký tự "Hoa" trong tên vợ vua, tức rơi vào "kỵ húy" nên phải chọn một chữ khác đi, chợ Đông Hoa đổi tên thành chợ Đông Ba 東巴 (“ba” , nghĩa là ngay bên cạnh).

Đụng phải chữ "húy kỵ", buộc phải đổi sang chữ khác (như "Thanh Hóa", "Đông Ba" nêu trên), trong trường hợp được phép dùng chữ "húy kỵ" thì buộc phải cải âm, tức đọc trại khác đi. Tỉ như, "hoa kiều" 華僑 , "hoa" ở đây trùng với ký tự "hoa" trong tên vợ vua, nên đọc trại thành "huê": "huê kiều".

3/ Còn những tên gọi, chẳng hạn, nhiều cô gái miền Nam đặt tên là "Quỳnh Hoa", dưới thời nhà Nguyễn, cũng không sao hết ráo, không mắc gì phải đổi tên khác! Vì sao? Vì "Hoa", trong "Quỳnh Hoa" ( ), là viết như ri: (flower) , hoàn toàn khác với ký tự "hoa" (tinh hoa, elite; trong tên vợ vua: Hồ Thị Hoa). Nói cách khác, "HOA" (flower) thì KHÔNG phạm húy (thành thử không cần phải đọc trại, theo đầu óc suy diễn tùy tiện, làm chi cho má nó khi)!

Mà chữ (vừa dẫn trên đây), quí bạn chú ý, "hoa" là đọc theo âm Việt-Hán, còn âm thuần Việt là: BÔNG.

Cũng rứa, đọc theo âm Việt-Hán là: quả, âm thuần Việt là: trái.

Chữ , đọc theo âm Việt-Hán là: thảo, âm thuần Việt là: cỏ.

Chữ , âm Việt-Hán là: mộc, âm thuần Việt là: cây.

"Cây ăn trái", cả 3 âm thuần Việt; trong khi "cây ăn quả" có 2 âm thuần Việt ("cây", "ăn") ghép với 1 âm Việt-Hán ("quả").

Âm Việt-Hán "hoa/quả" coi bộ lấn lướt âm thuần Việt "bông/trái", thậm chí "bông" còn bị gán cho "kỵ húy" đọc trệch đi, với hàm ý âm Việt-Hán, "hoa", mới ... chuẩn (?).

Cũng còn may, âm thuần Việt như "cỏ/cây" vẫn còn được dùng chớ không buộc phải nhường sân cho Việt-Hán "thảo/mộc", không rơi vào tình cảnh bị xem nhẹ như "BÔNG" là tiếng thuần Việt so với "hoa" là âm rặt Hán-Việt (Việt-Hán)!

------------------------------------------------------------

Kỳ 2: Sự ấm ớ khi chụp mũ "kỵ húy", đã khiến cho TIẾNG VIỆT giảm thiểu sự phong phú trong ngôn ngữ vùng miền: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1198697357230909

Nguồn: Chương Dương

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Nữ Tu Phanxica Rômana Nguyễn Thị Hơn

Nữ Tu Phanxica Rômana Nguyễn Thị Hơn


-         Sinh ngày 04. 10. 1913

-         Tại Họ Búng – Hưng Định.

-         Khấn dòng 86 năm

-         Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Sơ lược quá trình phục vụ Giáo Hội và Hội Dòng:

-         Phước Khánh:  1. 1935 – 8. 1935

-         Bến Sắn: 1935 – 1936

-         Phước Lý: 1936 – 1937

-         Cù Mi: 1937 – 1939

-         Lagi: 1939 – 1940

-         Lộc Ninh V (Lộc Tấn): 1940 – 1948

-         Nhà Mẹ Hội Dòng: 1948 – 1950

-         Lộc Ninh I (Lộc Thiện): 1950 – 1952

-         Thuận Lợi: 1952 – 1955

-         Tam Phú: 1955 – 1959

-         Nhà Mẹ Hội Dòng: 1959 – 1960

-         Bạch Đằng (Đà Lạt): 1960 – 1968

-         Bêtania (Đà Lạt): 1968 – 1969

-         Đa Thiện: 1969 – 1970

-         Bêtania (Đà Lạt): 1970 – 1972

-         Đa Thiện: 1972 – 1973

-         Bạch Đằng: 1973 – 1975

-         Bêtania (Đà Lạt): 1975 – 1991

-         Nhà Hưu Hội Dòng: 1991 - 2021

-         Qua đời hồi 15 giờ 45 ngày 30. 07. 2021. Hưởng thọ 108 tuổi.

-         Hỏa táng tại Phúc An Viên, Quận 9.

 

 

 



Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1476, ngày 21 tháng 10 năm 1937

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực

THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI THẦN NGUYỄN TRUNG TRỰC

* Không thể hiểu Nam Kỳ tới nơi tới chốn, nếu chưa thấu hiểu "dưỡng chất tinh thần" nơi cư dân vùng này!

&1&

Thường nghe bấy lâu, trong các danh nhân thuộc chính sử nước Việt chỉ duy nhứt có ngài Trần Hưng Đạo được tôn lên bậc thần thánh: "đức Thánh Trần Hưng Đạo" (ở đây không nói tới "huyền sử" như thánh Gióng). Còn sót, còn phải kể tới vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, được người dân miền Nam tôn lên bậc Thần: "Thượng đẳng Đại Thần"!

Ở Nam Kỳ nào thiếu gì người can trường chống giặc xâm lược (như Trương Công Định, Võ Duy Dương, Thủ khoa Huân...), mà nói nào ngay, chẳng ai đem lòng yêu nước và chí khí của các bậc anh hùng ra so sánh cao thấp. Vậy, vì sao lễ hội ngài Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá trở thành lễ hội hàng năm lớn nhứt tại Nam Kỳ (ngoài Lễ vía Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc)?

Sẽ không tài nào giải thích thấu đáo về lễ hội ngài Nguyễn Trung Trực nếu chưa hiểu sắc thái tâm linh tại Nam Kỳ. Dân gian kính cẩn gọi Nguyễn Trung Trực là "Ông Nguyễn". "Ông" đã hiển thánh, tức thành "Thần" nói theo kiểu người miền Nam.

&2&

Có câu chuyện tranh luận giữa Ông Nguyễn với Tổng đốc Phan Khắc Thân, như sau: Một đàng coi trọng cân đai phẩm trật của trào đình, triệt để bám sát quan điểm của trên, coi đó là đạo đức của quan chức (Phan Khắc Thân). Một đàng không chịu bị "trói" trong biên chế của trào đình, không nhân nhượng trước ngoại bang, mà biểu lộ khí phách của người dám vì dân trên hết (ngài Nguyễn Trung Trực).

&3&

Ông Nguyễn đang lúc dấy binh chống giặc, ông tu tập theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, thường mặc áo nâu sồng. Ông sống rất đạm bạc, mỗi bữa cơm chỉ ăn một con khô sặc.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (còn được gọi là đạo Lành) được thành lập vào năm 1849 bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), được gọi tôn kính là "Phật Thầy Tây An".

Đức Phật Thầy Tây An rất xem trọng việc khẩn hoang, làm ruộng để người hành đạo có thể tự túc lương thực, không phải sống nhờ vào người khác trong khi tu tập.

Người dân Nam Kỳ theo Đức Phật Thầy Tây An rất đông, nhiều đoàn tín đồ đi khẩn hoang nơi các vùng hoang vu, lập trại ruộng ở Cần Lố (Đồng Tháp Mười), Láng Linh (Châu Phú), Thới Sơn (Tịnh Biên)..., biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ.

&4&

Thực dân Pháp không tài nào triệt hạ nổi nghĩa binh của Ông Nguyễn, bèn nghĩ kế bẩn là bắt mẹ của Ông. Vì đạo hiếu, Ông Nguyễn chịu nạp mình để cứu mẹ già.

Người dân Nam Kỳ rúng động trước đức hạnh của ngài Nguyễn Trung Trực!

Vì sao?

Bởi vì đời nay nhan nhản những kẻ mệnh danh "đại cuộc" tới mức bất chấp đạo hiếu, cư xử không ra gì đối với cha mẹ. Nếu "đại cuộc" có thành công đi nữa, rốt cuộc cũng chỉ gây hại nhơn quần chớ không ích gì - cha mẹ họ mà họ còn không biết thương thì làm gì họ biết thương người khác, họ cư xử tàn tệ với dân là cái chắc!

Ngày Ông Nguyễn ra pháp trường (27/10/1868) tại Kiên Giang, đao phủ run tay trước thần khí oai nghiêm của Ông. Sợ đắc tội, đao phủ đã quỳ xuống vái lạy Ông, chỉ sau khi được Ông cho phép thì đao phủ mới dám giơ đao lên để chém.

&5&

Sau khi Ông Nguyễn tạ thế, các cơ sở thờ tự của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đều có bàn thờ trang trọng để thờ Ông.

Cũng vậy, bên Hòa Hảo, nơi tư gia của các tín đồ ngoài chân dung của Đức Thầy (Huỳnh giáo chủ), thường treo thêm di ảnh của ngài Nguyễn Trung Trực - được tôn xưng là "Thượng đẳng đại thần".

THAY LỜI KẾT

Không ở đâu trên toàn cõi nước Việt vào thế kỷ 19 & 20 ngoài Nam Kỳ là có lập tôn giáo bản địa: đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, rồi sau này đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo thảy đều liên can với nhau.

Thảy đều lấy nghĩa lý thiết thực làm trọng; tiết giảm kinh bổn, mà tránh đi những "cao đàm khoát luận" rồi vướng vô căn bịnh đa văn (lý luận vô tích sự).

Và chọn hành động vì đạo nghĩa thì thân tâm mới an lạc (chớ không tìm "an lạc" bằng cách... không nói, không thấy, không nghe)!

Cá tánh người dân Nam Kỳ ít nhiều đều được bồi đắp bởi những "dưỡng chất tinh thần" dẫn trên.

-----------------------------------------------------------------------

* Hình ảnh: Nếu không biết gì về sắc thái tâm linh chỉ có ở Nam Kỳ thì không tài nào hiểu được nền văn hóa Nam Kỳ /




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt