Lai rai vài kỳ stt "kỵ húy", tưởng vậy nào dè tưởng bở, éo le hết sức:
TIẾNG THUẦN VIỆT, NHƯNG BỊ ĐỜI NAY SUY DIỄN LÀ "KỴ
HÚY"!
& Lời rao mở đầu &
KỴ HÚY ("húy": tục danh, tên thật) là gì? Là
kiêng kỵ tên húy của vua ("trọng húy", kêu bằng là húy nặng cỡ sao quả
tạ), kiêng kỵ tên húy của vợ, cha, mẹ, cô, chú... của vua ("khinh
húy", húy nhẹ hơn chút), người dân không được phép dùng để đặt tên, cũng không
được phép dùng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Có 2 điểm mong quí bạn chú ý:
1) Có những triều đại đưa ra qui định về kỵ húy, nhưng
cũng có triều đại không qui định kỵ húy gì ráo. Tỉ như hồi đời Trần, đời Hậu Lê
CÓ liệt kê hết thảy những chữ nào "kỵ húy"; nhưng đời các Chúa Nguyễn
thì KHÔNG thấy thư tịch nào buộc dân chúng phải kiêng húy ráo trọi; qua tới thời
các vua nhà Nguyễn thì CÓ (ghi lại trong sử liệu xưa hẳn hoi).
Khi quí bạn đọc mạng, đọc "từ điển mở" thượng
vàng hạ cám như wikipedia, thấy ghi chữ này chữ kia là do kỵ húy mà đọc khác đi
=> hãy NÊN kiểm tra xem là có ghi chú dẫn nguồn thư tịch nào qui định việc kỵ
húy hay không, vì có quá nhiều trường hợp phán là "kỵ húy" - kỳ thực
- là do suy diễn lung tung hết sức!
2/ Sở dĩ có tình trạng suy diễn lung tung, thậm chí
tào lao, là ... do nhiều người đời nay dựa vào chữ Quốc ngữ rồi đoán! Nên nhớ,
trước kia người Việt mượn chữ Hán làm văn tự chánh thống, người dân không được
dùng tên ông vua, tên bà xã của ông vua... đem ra xài ("kỵ húy") là dựa
vào DANH TÍNH VIẾT BẰNG HÁN TỰ đặng né cho nó lành.
Xin mượn một dẫn chứng dưới đây, để phân tích.
& TIẾNG THUẦN VIỆT BỊ CHỤP MŨ LÀ "KỴ
HÚY"! &
(kêu bằng là oan Thị Kính quá trời quá đất)
Đây, lấy ngay ví dụ: tên vợ của vua Minh Mạng là Hồ Thị
Hoa. Trên nhiều báo, trên mạng, tràn lan lối suy diễn như ri: vì kỵ húy tên
"hoa" nên người miền Nam phải đọc chệch sang chữ khác là
"bông". Quí bạn có biết lối suy diễn này sai trật chỗ nào không?
Vua nhà Nguyễn cai trị toàn quốc, cả hai miền Nam Bắc
chớ đâu phải chỉ cai trị mỗi miền Nam mình ên, thành thử khi vua ban hành sắc lệnh
"húy kỵ" là áp dụng trong cả nước - nghĩa là người miền Bắc cũng phải
kiêng kỵ mà đổi sang chữ khác chớ sao cứ nhởn nhơ gọi "hoa"?
1) Bởi vì kỵ húy "Hoa", ở đây không phải là
"hoa" đánh vần theo chữ Quốc ngữ: h-o-a, mà "hoa" ghi bằng
Hán tự.
Trong Hán tự cùng đọc là "hoa" thì có tới 20
ký tự, tức 20 chữ viết khác nhau nhưng đều đồng âm "hoa"! Chưa hết,
trong mỗi một ký tự đọc là "hoa" có bét lắm là 5 nghĩa, thành thử tổng
cộng 20 ký tự đồng âm "hoa" thì cũng ngót nghét trăm nghĩa lận!
Ban hành lệnh kỵ húy, là cấm không được dùng cả trăm
nghĩa chỉ vì cũng đọc "hoa" sao? Nếu kiêng kỵ cỡ đó, có nước... nói
ngọng luôn, ngôn ngữ bị què quặt là cái chắc.
Thành thử, xin quí bạn chú ý: NẾU ĐỒNG ÂM NHƯNG KHÁC VỚI
KÝ TỰ (cái ký tự được qui định không được phạm đến) THÌ KHÔNG PHẢI
"HÚY", KHÔNG PHẢI "KỴ HÚY"!
2/ Cụ thể, họ tên bà vợ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa 胡 氏 華,
chữ "Hoa" 華 ở đây nghĩa là "tinh yếu",
"tinh túy", "tinh hoa"... Thành thử, trong "Khâm Ðịnh
Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ" (thời Nhà Nguyễn) có qui định đâu ra đó, những địa
danh dùng ký tự "Hoa" 華 thì phải đổi sang tên khác:
- Tỉnh Thanh Hoa 清 華
(tên đặt đời Hậu Lê), sang đời nhà Nguyễn vì chữ "Hoa" 華
, trong tên tỉnh "Thanh Hoa", là cùng ký tự với tên bà Hoa 華
vợ vua => đổi sang tên khác, là: Thanh Hóa 清 化.
- Chợ Đông Hoa 東 華 ở
Huế, vì "Hoa" ở đây xài cùng ký tự "Hoa" trong tên vợ vua,
tức rơi vào "kỵ húy" nên phải chọn một chữ khác đi, chợ Đông Hoa đổi
tên thành chợ Đông Ba 東巴 (“ba” 巴, nghĩa là ngay bên cạnh).
Đụng phải chữ "húy kỵ", buộc phải đổi sang
chữ khác (như "Thanh Hóa", "Đông Ba" nêu trên), trong trường
hợp được phép dùng chữ "húy kỵ" thì buộc phải cải âm, tức đọc trại
khác đi. Tỉ như, "hoa kiều" 華僑 , "hoa" ở đây
trùng với ký tự "hoa" trong tên vợ vua, nên đọc trại thành
"huê": "huê kiều".
3/ Còn những tên gọi, chẳng hạn, nhiều cô gái miền Nam
đặt tên là "Quỳnh Hoa", dưới thời nhà Nguyễn, cũng không sao hết ráo,
không mắc gì phải đổi tên khác! Vì sao? Vì "Hoa", trong "Quỳnh
Hoa" (瓊 花),
là viết như ri: 花 (flower) , hoàn toàn khác với ký tự 華
"hoa" (tinh hoa, elite; trong tên vợ vua: Hồ Thị Hoa). Nói cách khác,
花
"HOA" (flower) thì KHÔNG phạm húy (thành thử không cần phải đọc trại,
theo đầu óc suy diễn tùy tiện, làm chi cho má nó khi)!
Mà chữ 花 (vừa dẫn trên đây), quí
bạn chú ý, "hoa" là đọc theo âm Việt-Hán, còn âm thuần Việt là: BÔNG.
Cũng rứa, 果 đọc theo âm Việt-Hán là:
quả, âm thuần Việt là: trái.
Chữ 草, đọc theo âm Việt-Hán là:
thảo, âm thuần Việt là: cỏ.
Chữ 木, âm Việt-Hán là: mộc, âm
thuần Việt là: cây.
"Cây ăn trái", cả 3 âm thuần Việt; trong khi
"cây ăn quả" có 2 âm thuần Việt ("cây", "ăn")
ghép với 1 âm Việt-Hán ("quả").
Âm Việt-Hán "hoa/quả" coi bộ lấn lướt âm thuần
Việt "bông/trái", thậm chí "bông" còn bị gán cho "kỵ
húy" đọc trệch đi, với hàm ý âm Việt-Hán, "hoa", mới ... chuẩn
(?).
Cũng còn may, âm thuần Việt như "cỏ/cây" vẫn
còn được dùng chớ không buộc phải nhường sân cho Việt-Hán "thảo/mộc",
không rơi vào tình cảnh bị xem nhẹ như "BÔNG" là tiếng thuần Việt so
với "hoa" là âm rặt Hán-Việt (Việt-Hán)!
------------------------------------------------------------
Kỳ 2: Sự ấm ớ khi chụp mũ "kỵ húy", đã khiến
cho TIẾNG VIỆT giảm thiểu sự phong phú trong ngôn ngữ vùng miền: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1198697357230909
Nguồn: Chương Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét