ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Mơ hồ trong đầu, thành thử ngôn ngữ cũng mờ tịt luôn

 MƠ HỒ TRONG ĐẦU, THÀNH THỬ NGÔN NGỮ CŨNG MỜ MỊT LUÔN

Nghe rằng "kỵ húy" này kia, tức ngôn ngữ phải gục mặt cúi đầu mà nói khác đi. Nhưng, thực ra, có những lúc chẳng phải do ban hành luật lệ “húy kỵ” gì ráo, mà một khi quyền lực chánh trị treo trên đầu đến mức dân tình bị ám, ắt lúc đó nỗi sợ hãi sẽ làm sản sinh ra hàng loạt "kỵ húy" bất thành văn! (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1198697357230909). Lại nữa, có những tiếng thuần Việt nhưng bị suy diễn là “kỵ húy”, rồi đem âm Hán-Việt (Việt-Hán) chụp lên đầu để đẩy tiếng thuần Việt rơi xuống vị trí thứ yếu mới đau! (mời đọc https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1197199610714017).

Đây, lai rai tiếp tục chủ đề "kỵ húy", đặng giải ảo.

Có một danh sĩ đời xưa, danh tính viết như ri: . Trong Nam gọi "Ngô Thời Nhiệm", ngoài Bắc ghi "Ngô Thì Nhậm".

Hà Nội bảo, phải đọc đúng là: "Thì", phải đọc đúng là: "Nhậm", và rằng người trong Nam gọi "Thời", gọi "Nhiệm" là không chuẩn.

Họ giải thích: vào đời vua Tự Đức, nhà vua có hai tục danh (tên húy): a/ ; b/ . Tên thứ nhứt , đọc là "(Hồng) Nhậm", còn tên thứ hai , đọc là "Thì" - xin lưu ý, đây thực ra là cách đọc của ngoài Bắc.

Xét theo "hệ qui chiếu" ngoài Bắc, vì thấy người trong Nam gọi "Nhiệm", gọi "Thời" (không ăn khớp với cách gọi ngoài Bắc) nên cho rằng do người Nam "kỵ húy" mà phải sửa cách đọc.

Có phải vậy không? Hay là thử nhìn ngược lại?

/1/ Vua Tự Đức (trị vì từ năm 1847 đến năm 1883) nếu ra chiếu chỉ về kỵ húy thì nhứt loạt toàn quốc phải thi hành, đúng không nào! Nghĩa là người ngoài Bắc phải tuân theo, chớ làm gì dám lấy tục danh của vua (được cho là đọc như sau: "Nhậm", "Thì") ra mà gọi? Réo tục danh của vua như rứa, không chịu sửa nói khác đi, tù mọt gông là cái chắc!

/2/ Chú ý những dữ kiện lịch sử sau đây: vào NĂM 1862 ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) lọt vào tay Pháp; đến NĂM 1867 Pháp chiếm tiếp ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Miền Nam (Nam Kỳ) lần lượt nằm ngoài thẩm quyền cai trị của vua Tự Đức ; nói cách khác, việc kỵ húy tên vua Tự Đức không có hiệu lực (hoặc không còn đủ hiệu lực) trên đất Nam Kỳ.

Trong khi đó việc kỵ húy tên vua thì miền Bắc phải tuân thủ răm rắp! Bởi vì ngoài Bắc vẫn hoàn toàn thuộc quyền cai trị của triều Nguyễn, vua Tự Đức cai trị cho đến lúc qua đời 1883 (năm sau, 1884, miền Bắc mới trở thành "xứ bảo hộ" của Pháp).

/3/ Vậy, phải chăng chữ đọc đúng là "NHIỆM" (tên húy vua Tự Đức đọc đúng là "Hồng Nhiệm")? Do kỵ húy nên ngoài Bắc buộc phải đọc chệch đi, là "Nhậm". Trong Nam, như dẫn giải ở /2/, không bị áp lực kỵ húy, nên vẫn gọi đúng - là "Nhiệm"!

Cũng rứa, chữ đọc đúng là "THỜI" mới phải? Cũng vì kỵ húy nên ngoài Bắc buộc phải đọc chệch đi, là "Thì". Còn trong Nam, không bị áp lực kỵ húy, vẫn giữ cách gọi đúng - là "Thời"!

/4/ Mời quí bạn đọc tiếp.

Chúng ta nói "NHIỆM kỳ", chớ không ai đi nói "nhậm kỳ".

[ chữ "NHIỆM", trong "nhiệm kỳ" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

Ta nói "trách NHIỆM", chớ đâu ai đi nói "trách nhậm", nghịch lỗ nhĩ hết sức!

[ chữ "NHIỆM", trong "trách nhiệm" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

Quí bạn có bao giờ nghe nói "Thì đại" không? Không hề. Nói đúng, phải là "THỜI đại".

[ chữ "THỜI, trong "thời đại" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

Có bao giờ chúng ta nói "thì kỳ" không? Cũng không, nghe cứ như từ dưới đất nẻ chui lên. Nói đúng, phải là "THỜI kỳ".

[ chữ "THỜI, trong "thời kỳ" ( ), là cùng một ký tự với tên húy của vua Tự Đức () ]

/5/ Tóm lại, khác với những "giải thích" suy đoán lung tung trên mạng bấy lâu, xin cùng nhau hiểu rằng:

Tên thật của vua Tự Đức là "NHIỆM" (Hồng Nhiệm), là "THỜI".

NGOÀI BẮC, VÌ KỴ HÚY nên đọc trại, thành "Nhậm", thành "Thì".

"NHIỆM" là cách phát âm đúng. Ta nói, "nhiệm kỳ", "trách nhiệm" (nếu ... quán triệt lập trường đọc "Nhậm" mới chuẩn, thành ra phải gọi "trách nhậm", "nhậm kỳ" à?)

"THỜI" là cách phát âm đúng. Ta nói, "thời đại", "thời kỳ" (nếu... quán triệt lập trường đọc "Thì" mới chuẩn, thành ra phải gọi "thì đại", "thì kỳ" à?)

--------------------------------------------------------


Nguồn: Chương Dương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét