ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Không tự trọng tiếng mẹ đẻ: Buồn hay Vui ?

 KHÔNG TỰ TRỌNG VỀ TIẾNG MẸ ĐẺ: BUỒN HAY VUI ?

Khi chúng ta viết "Ba Tây" (chớ không Brazil), "Á Căn Đình" (chớ không Argentina), "Ba Lan" (chớ không Poland), "Nga" (chớ không Russia), "Đức" (chớ không "Germany") là chúng ta đang viết cho đồng bào người Việt mình đọc! Người ngoại quốc muốn hiểu hả? Xin mời, quí vị hãy học tiếng Việt!

Còn khi bạn nói chuyện với người ngoại quốc thì bạn nói tiếng Anh là "Argentina", "Brazil", "Germany"...

1/ Tôi muốn mời quí bạn hãy thử tưởng tượng mình là... người Nhựt, người Hàn, người Đài Loan. Mà người ở Đài Loan thì viết tiếng Hoa (văn tự biểu ý), người Hàn viết chữ Hangul (văn tự biểu âm), người Nhựt còn nhức đầu hơn vừa viết bằng Kanji (Hán tự, biểu ý) vừa viết bằng bộ chữ hiragana / katakana (đều là văn tự biểu âm).

Họ không dùng văn tự La tinh, thành thử khi gặp mấy chữ trong tiếng Anh như "Brazil", "Argentina", "Germany", họ đâu bê tiếng Anh vào văn tự của họ được, mà phải "biến chế" theo chữ của họ. Kêu bằng khác nhau xa lắc!

Khác nhau, có sao không? Không sao hết.

* Bởi vì người Hàn họ đọc chữ Hangul với nhau, người Đài Loan đọc chữ Hoa (chữ Hán) với nhau, người Nhựt viết hiragana để người Nhựt đọc. Nước ngoài nhìn vô không hiểu, ráng mà chịu (muốn hiểu thì học chữ Hangul, chữ Hán, học hiragana...).

Có phải vì không nhại lại, không copy nguyên xi tiếng Anh - mà Nhựt Bổn, Hàn Quốc, Đài Loan trở thành ốc đảo, chậm chạp khó hội nhập với thế giới?

Nhựt, Hàn, Đài - bạn biết rồi đó - họ giỏi quá xá, kinh tế phát triển đáng nể!

* Muốn giao thương, giao du, giao lưu, thì Nhựt / Hàn / Đài họ học tiếng Anh, học cho rành rẽ, để viết những bản văn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vậy đó.

2/ Đâu phải hễ copy tiếng Anh mấy chữ như "Brazil", "Germany", "Singapore"... - trong lúc đang VIẾT CÂU VĂN, hoặc ĐOẠN VĂN, hoặc BÀI VĂN BẰNG TIẾNG VIỆT (mà không ghi "Ba Tây", "Đức", "Tân Gia Ba"...) thì nghĩa là bạn "hội nhập" với thế giới? Muốn hội nhập, phải học tiếng Anh mửa mật, chớ đâu phải lớt phớt cờ lờ mờ vờ kiểu đó được!

Mà người nước ngoài nhìn vào, họ cũng chỉ đọc được mấy chữ "Brazil", "Singapore" ... trong đoạn văn rồi mù tịt, bởi vì đây là đoạn văn bằng tiếng Việt mà! (chẳng qua có chêm mấy chữ Anh thôi).

3/ Thành thử tôi mới đề nghị quí bạn hãy nghĩ về trường hợp người Nhựt, người Hàn, người Đài. Để chi?

- Viết bằng chữ quốc ngữ (được hiểu là chữ của người dân trong một nước) là viết cho người dân của mình đọc! Là quí trọng ngôn ngữ của dân mình đang dùng.

- Khi giao dịch với nước ngoài thì nói, viết - chẳng hạn - bằng tiếng Anh.

Đừng đem "râu ông cắm cằm bà" nữa, không khá gì nổi đâu, ảo tưởng thôi.

Phải mạch lạc trong ngôn ngữ, đâu ra đó.

Không tự trọng về tiếng mẹ đẻ: buồn hay vui đây?

----------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Ghi chú để nhớ nằm lòng: VIỆT HÓA toàn bộ HÁN TỰ - Một kỳ tích!

Ghi chú để nhớ nằm lòng:

VIỆT HÓA TOÀN BỘ HÁN TỰ - MỘT KỲ TÍCH!

*&*

Mời quí bạn xem tỉ dụ sau. Có một nhân vật viết họ tên như ri: , hẳn nhiên vì đa phần chúng ta hiện nay không còn dùng Hán tự nên nhìn vô bù trất.

Người Tàu nhìn mặt chữ đó, đọc là "Lǐ Cháng Jié", khỏi hiểu luôn, nhân vật nào trong sử Tàu vậy?

đọc bằng âm Việt, là Lý Thường Kiệt, một danh tướng nước Việt từng đánh giặc Tống phương Bắc đó đa!

*&*

Thấy gì? Chữ Hán chỉ là cái "vỏ" văn tự, người Việt mượn "vỏ" nhưng đã hoàn toàn VIỆT HÓA, hoàn toàn đọc bằng tiếng Việt! Đó, tiếng Việt đọc "Lý Thường Kiệt", còn Tàu đọc "Lǐ Cháng Jié", không giống nhau gì ráo trọi.

Ngày hôm nay, khi chúng ta đọc những chữ như: "tôn giáo", "xã hội", "kinh tế", "chính trị", "văn học", "hóa học", "Na Uy", "Thụy Điển", "nước Nga", "Tân Gia Ba"... - dù có thể ghi bằng Hán tự đi nữa, NHƯNG hết thảy đều đã Việt hóa, đều là tiếng Việt rồi đa!

Thử so sánh, tiếng Tàu họ đọc nghe lạ tai hết sức đối với người Việt chúng ta: "zōng jiào" (tôn giáo), "shè huì" (xã hội), "jīng jì" (kinh tế), "zhèng zhì" (chính trị), "wén xué" (văn học), "huà xué" (hóa học), "Nuó Wēi" (Na Uy), "Ruì Diǎn" (Thụy Điển), "È Guó" (nước Nga), "Xīn Jiā Pō" (Tân Gia Ba)...

Thành thử nếu những ai còn nói "Thụy Điển", "Na Uy", "Nga", "Tân Gia Ba" là ... bắt chước Tàu, kêu bằng là những kẻ đó giành hết cái ngớ ngẩn của thiên hạ chớ còn gì nữa! Việt nói một đàng, Tàu nói một nẻo mà bắt chước cái giống gì ở đây?

*&*

Cần phải hiểu cho đàng hoàng và tử tế. Các thế hệ tiền nhân chúng ta đã dày công tạo nên KỲ TÍCH đáng khâm phục, trong lúc mượn chữ Hán làm cái vỏ văn tự, là: VIỆT HÓA toàn bộ chữ Hán.

Chúng ta có được bản lĩnh ĐỘC LẬP trong lời ăn tiếng nói: hết thảy đều đã biến thành TIẾNG VIỆT (chớ không phải "tiếng trung quốc", "tiếng nước Giữa" gì ráo).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

" Monday" đâu có nghĩa là ... "Thứ Hai"

 Một sự giao thoa văn hóa độc đáo, qua cách gọi các ngày trong tuần:

"MONDAY" ĐÂU CÓ NGHĨA LÀ ... "THỨ HAI"

Tên gọi các ngày trong tuần, trong tiếng Anh, không hề gọi bằng số thứ tự. Đây tóm tắt mấy dòng:

Monday (nghĩa là "ngày của Mặt Trăng"), Tuesday ("ngày của sao Hỏa", "day of Mars", còn được coi là ngày của nam giới), Wednesday ("ngày của sao Thủy", "day of Mercury"), Thursday ("ngày của sao Mộc", "day of Jupiter"), Friday ("ngày của sao Kim", "day of Venus", còn được coi là ngày của nữ giới), Saturday ("ngày của sao Thổ", "day of Saturn"), và Sunday ("ngày của Mặt Trời").

*&*

Người Nhựt họ cũng gọi y hệt cách định danh của phương Tây là gọi bằng tên của 7 hành tinh, chớ không gọi theo số thứ tự.

"Monday" (ngày của Mặt Trăng) là 月曜日 (Getsu yō bi: Nguyệt diệu nhựt). "Nguyệt" : mặt trăng; "diệu" là sao, giống như "tinh" .

Tuesday (ngày sao Hỏa): 火曜日 (Ka yō bi: Hỏa diệu nhựt)

Wednesday (ngày sao Thủy): 水曜日(Sui yō bi: Thủy diệu nhựt)

Thursday (ngày sao Mộc): 木曜日 (Moku yō bi: Mộc diệu nhựt)

Friday (ngày sao Kim): 金曜日 (Kin yō bi: Kim diệu nhựt)

Saturday (ngày sao Thổ): 土曜日 (Do yō bi: Thổ diệu nhựt)

Sunday (ngày Mặt Trời): 日曜日 (Nichi yō bi: Nhựt diệu nhựt)

*&*

Trong khi đó, các ngày trong tuần khi chuyển qua tiếng Việt thì đọc theo số thứ tự: "Monday" được gọi là "thứ Hai", lần lượt tiếp nối, "Saturday" được gọi là "thứ Bảy"...

Ở đây, tôi muốn gởi đến quí bạn nào theo một vài hệ phái bên Tin Lành tại VN khi cho rằng "nghỉ ngơi vào Sunday là sai với lời dạy của Chúa, vì Chúa đã dạy nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần, tức thứ Bảy (ngày Sabbath)".

Ủa, "Monday" đâu mặc định là ngày thứ nhì ("THỨ HAI") trong tuần? Tại xứ VN mình gọi vậy, nên mới tréo cẳng ngỗng đó thôi.

"Monday" là ngày đầu tuần làm việc, tức ngày thứ nhứt => thành thử "Sunday" trở thành ngày cuối tuần tức ngày thứ bảy (của tuần lễ gồm 7 ngày), là ngày nghỉ ngơi theo đúng lời dạy trong Kinh Thánh đó đa!

*&*

Người Nhựt, người Anh, người Pháp ... gọi các ngày trong tuần theo tên gọi của các tinh tú.

Người Việt, người Hoa, người Êđê.... gọi các ngày trong tuần theo số thứ tự. Mà, quí bạn chú ý, người Hoa lẫn người Êđê họ đếm số thứ tự trong tuần KHÁC với người Việt!

"Monday", trong tiếng Hoa, tiếng Êđê, gọi là ngày THỨ NHỨT (chớ không phải "Thứ Hai" trong cách đếm của người Việt).

Cụ thể như sau:

"Monday" là "Tinh kỳ nhứt" 星期一 (thứ Nhứt), "Tuesday" là "Tinh kỳ nhị" 星期二 (thứ Hai), lần lượt tới "Saturday" là "Tinh kỳ lục" 星期六 (thứ Sáu).

Và "Sunday" - ngày thứ bảy của tuần, trở thành ngày nghỉ ngơi theo lời dạy của Chúa - người Hoa gọi là "Tinh kỳ Thiên" 星期天! "Thiên", nói tắt cho "Thiên Chủ" 天主 ("chủ" , ký tự này còn được đọc là "Chúa" trong tiếng Việt; "Thiên Chủ": "Thiên Chúa").

"Sunday", ngoài cách gọi là "Tinh kỳ Thiên", người Hoa còn gọi là "Tinh kỳ Nhựt" 星期日 "ngày của Mặt trời" (đúng với nghĩa gốc của chữ "Sunday" trong tiếng Anh).

* Tiếng Êđê, "Hrue" là ngày. "Monday" là Hrue 1, "Tuesday" là Hrue 2, lần lượt tới "Saturday" là Hrue 6, "Sunday" là Hrue 7.

(số đếm theo tiếng Êđê: 1 là Sa, 2 là Dua, 3: Tlao, 4: Pă, 5: Êma, 6: Ênam, 7: Kjuh)

Vậy, từ lúc nào và từ đâu mà trong tiếng Việt, "Monday" lại ghi là "Thứ Hai" (mà không "thứ Nhứt", mở đầu một tuần 7 ngày)?

Rồi, "Sunday" ban đầu chuyển ngữ trong tiếng Việt là Chúa nhựt hay Chủ nhựt?

Mời đọc tiếp kỳ 2, qua đó khám phá một sự giao thoa văn hóa độc đáo. Ra sao, thủng thẳng đọc kỳ tới.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt