ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Không tự trọng tiếng mẹ đẻ: Buồn hay Vui ?

 KHÔNG TỰ TRỌNG VỀ TIẾNG MẸ ĐẺ: BUỒN HAY VUI ?

Khi chúng ta viết "Ba Tây" (chớ không Brazil), "Á Căn Đình" (chớ không Argentina), "Ba Lan" (chớ không Poland), "Nga" (chớ không Russia), "Đức" (chớ không "Germany") là chúng ta đang viết cho đồng bào người Việt mình đọc! Người ngoại quốc muốn hiểu hả? Xin mời, quí vị hãy học tiếng Việt!

Còn khi bạn nói chuyện với người ngoại quốc thì bạn nói tiếng Anh là "Argentina", "Brazil", "Germany"...

1/ Tôi muốn mời quí bạn hãy thử tưởng tượng mình là... người Nhựt, người Hàn, người Đài Loan. Mà người ở Đài Loan thì viết tiếng Hoa (văn tự biểu ý), người Hàn viết chữ Hangul (văn tự biểu âm), người Nhựt còn nhức đầu hơn vừa viết bằng Kanji (Hán tự, biểu ý) vừa viết bằng bộ chữ hiragana / katakana (đều là văn tự biểu âm).

Họ không dùng văn tự La tinh, thành thử khi gặp mấy chữ trong tiếng Anh như "Brazil", "Argentina", "Germany", họ đâu bê tiếng Anh vào văn tự của họ được, mà phải "biến chế" theo chữ của họ. Kêu bằng khác nhau xa lắc!

Khác nhau, có sao không? Không sao hết.

* Bởi vì người Hàn họ đọc chữ Hangul với nhau, người Đài Loan đọc chữ Hoa (chữ Hán) với nhau, người Nhựt viết hiragana để người Nhựt đọc. Nước ngoài nhìn vô không hiểu, ráng mà chịu (muốn hiểu thì học chữ Hangul, chữ Hán, học hiragana...).

Có phải vì không nhại lại, không copy nguyên xi tiếng Anh - mà Nhựt Bổn, Hàn Quốc, Đài Loan trở thành ốc đảo, chậm chạp khó hội nhập với thế giới?

Nhựt, Hàn, Đài - bạn biết rồi đó - họ giỏi quá xá, kinh tế phát triển đáng nể!

* Muốn giao thương, giao du, giao lưu, thì Nhựt / Hàn / Đài họ học tiếng Anh, học cho rành rẽ, để viết những bản văn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vậy đó.

2/ Đâu phải hễ copy tiếng Anh mấy chữ như "Brazil", "Germany", "Singapore"... - trong lúc đang VIẾT CÂU VĂN, hoặc ĐOẠN VĂN, hoặc BÀI VĂN BẰNG TIẾNG VIỆT (mà không ghi "Ba Tây", "Đức", "Tân Gia Ba"...) thì nghĩa là bạn "hội nhập" với thế giới? Muốn hội nhập, phải học tiếng Anh mửa mật, chớ đâu phải lớt phớt cờ lờ mờ vờ kiểu đó được!

Mà người nước ngoài nhìn vào, họ cũng chỉ đọc được mấy chữ "Brazil", "Singapore" ... trong đoạn văn rồi mù tịt, bởi vì đây là đoạn văn bằng tiếng Việt mà! (chẳng qua có chêm mấy chữ Anh thôi).

3/ Thành thử tôi mới đề nghị quí bạn hãy nghĩ về trường hợp người Nhựt, người Hàn, người Đài. Để chi?

- Viết bằng chữ quốc ngữ (được hiểu là chữ của người dân trong một nước) là viết cho người dân của mình đọc! Là quí trọng ngôn ngữ của dân mình đang dùng.

- Khi giao dịch với nước ngoài thì nói, viết - chẳng hạn - bằng tiếng Anh.

Đừng đem "râu ông cắm cằm bà" nữa, không khá gì nổi đâu, ảo tưởng thôi.

Phải mạch lạc trong ngôn ngữ, đâu ra đó.

Không tự trọng về tiếng mẹ đẻ: buồn hay vui đây?

----------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét