ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Địa sở Họ Chà Và

 

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ HỌ CHÀ VÀ (tiếp theo)

-----------------

Họ Cầu Ngang

Họ Cầu Ngang là kêu theo tên chợ gần nơi cất nhà thờ bây giờ, chớ khi trước họ nầy có tên là Thâu Râu, theo tên cái sông từ Cầu Ngang ra cho tới biển.

Trong lối năm 1840, tại đây có một nhà có đạo mà thôi, là nhà ông Mầu, không rõ gốc người ở đâu tới đó; rể người tên là Thảo phải làng bắt điền lính, nên làng cấn cho người một phần đất gần nhà thờ, đất nầy bây giờ thuộc về của Nhà chung. – Đến sau có một bổn đạo khác tên là ông Lê ở Cái Bông, qua ở tại Thâu Râu đã xin khẩn một phần đất mà làm ăn lập nghiệp, đất nầy cũng gần nhà thờ. Nhiều bổn đạo ở Cái Mơng, Cái Nhum và Bãi Xan, thấy địa thế nơi ấy tốt, nên đã tới ở, thành là một xóm có đạo. Ban đầu số còn ít, nhưng cũng đã hiệp nhau tại một nhà riêng đặng Chúa nhựt cùng Lễ cả tựu lại mà đọc kinh, cùng là khi có cha tới viếng mà xưng tội rước lễ; sau số bổn đạo thêm đông, thì đã cất một nhà thờ lá lớn hơn, nơi đất Giồng, mướn của người Cao Mên.

Khi ấy số bổn đạo được chừng 50 người, có cha Lân và cha Thang tới lui thăm viếng. Hồi ấy là lúc cuối đời Đức Cha Taberd cùng là đầu đời Đức Cha Lefèbvre cai trị địa phận.

Lối năm 1846 thì có ngụy Cao Mên nổi dậy, đốt nhà thờ cùng đuổi phá bổn đạo phải trốn qua nơi khác. Chừng tan ngụy, vì tướng nó là La Som phải tử trận tại Càn Long, thì bình yên lại, lần lần bổn đạo trước ở đó đã trở về lập gia cư lại, cùng cất nhà thờ lại nơi miếng đất của ông Lê dưng.

Ông nầy không có con trai kế nghiệp có gái không mà thôi, nên đã lấy làm tốt hơn thì dưng đất của mình khẩn cho nhà thờ, kẻo mà sau phải vào tay ngoại giáo. Người đã làm tờ dưng giao cho cố Từ (chắc là Đức cha Taberd) và cố Phan, khi hai cha tới viếng họ Rạch Rập (Chà Và).

Còn đất của gia thất ông Mầu thì con cháu người đã hưởng dùng trong hai đời, đến đời ông Huynh là cháu ông Mầu qua đời mà không có con kế nghiệp, thì để đất ấy lại cho ông câu Hột, thì ông câu nầy đã tính với các chức làm tờ giao đất đó cho nhà thờ.

Trong cơn bắt đạo đời Tự Đức, thì có á thánh Lựu với cha Hiển tới viếng họ Cầu Ngang nhiều phen, Đức cha Lefèbvre cũng có lén tới một lần mà ban phép Xức trán. Cho tới chừng Nhà nước Langsa lập an thì cha Khiêm tới ở tại họ Cầu Ngang, là trong đời Đức Cha Gioang (Mgr. Miche). Có cha ở nên có nhiều bổn đạo đến lập nghiệp, cha Khiêm đã cất nhà thờ lại cùng khởi đoan mở việc giảng đạo mấy nơi gần đó, là Mương Giục, Bãi Bàn và Trương Bàn. Vậy số bổn đạo khi ấy được 150 người, có hơn 20 người là biện họ, hoặc của cha Khiêm đặt lên, hoặc là chức việc của mấy họ khác tới.

Cha Khiêm ở họ Cầu Ngang trong ba bốn năm, và trong lúc Nguyễn Tri Phong kéo cờ ngụy chống cùng Nhà nước Langsa. thì cha và một phần bổn đạo phải tị nạn qua họ Giồng Rùm cùng là họ Bãi Xan, vì quân ngụy đã đốt nhà thờ cùng nhà bổn đạo hết. Lúc ấy có hai đờn bà phải ngụy bắt được là bà Diêu và bà Bếp; hai bà ẩn trong nhà một người Cao Mên, quân ngụy tầm soát bắt được cùng dạy phải chối đạo, song hai bà trả lời cách mạnh mẽ can đảm rằng: “Đạo chúng tôi giữ đã thấu vào xương, không khi nào chúng tôi chối bỏ được đâu, các người có thương chúng tôi thì tốt, bằng không thương muốn chém giết gì mặc ý”. Quân ngụy thấy hai bà trả lời phấn chấn gan dạ vậy thì giận dữ lắm, dẫn hai bà tới đầu cầu bắt qua chợ Cầu Ngang mà chém cùng ném xác xuống sông. Hai bà đã đặng phước tử đạo.

Giết hai bà ấy rồi, quân ngụy còn tầm bắt ông câu Sửu là kẻ làm đầu trong họ, với bà câu đồng nhi tên là bà Hết, hai người cũng cam lòng chịu chết chứ chẳng chịu bỏ đạo, ông câu Sửu thì phải chém một nơi với hai bà trước, và xác quăng xuống sông, còn bà Hết thì bị chúng nó dẫn đi cùng chém tại làng Vân Chấp cùng bỏ xác bà đó, thì có một người ngoại tên là bếp Mới thấy vậy đem lòng thương mà chôn xác bà.

Một bổn đạo nữa tên là Vêrô Phao cũng đã bị bắt cùng ép chối đạo bước qua thập tự, người không vưng nên phải gia hình, đoạn quân ngụy kéo người bước qua thập tự, thì người co hai chơn lên chúng nó phải khiêng qua mới được, song đấng xưng đạo nầy kêu lên rằng: Lạy Chúa tôi, Chúa biết lòng tôi không chịu, mà chúng nó khiêng đùa tôi qua mà thôi! Ba phen quân dữ làm như vậy, thì ba phen người cũng tri hô thể ấy. Mà Vêrô Phao nầy không bị chém, vì lúc ấy quân ngụy nghe binh Langsa kéo tới đã gần nên bỏ mà chạy trốn, ông Vêrô Phao nầy sau còn sống nhiều năm.

Khi dẹp ngụy yên rồi, thì cha Khiêm trở về Cầu Ngang, cất nhà thờ lại bằng lá, nơi nền nhà thờ bây giờ, đất nầy của một người Cao Mên tên là xã Vầy đã dưng. Nhà thờ nầy sau đã bị bão sập, thì cha Đức (P. Moreau) là cha sở Chà Và, Cầu Ngang và Cái Đôi, đã có cất lại cái khác, cho tới năm 1888 thì cha Hiền (P. Favier) và cha Gia đã lo cất lại chắc chắn vững bền, dưới xây nền bằng đá, vách gạch trên lợp ngói, là nhà thờ còn bây giờ đó.

Khi cha Đức đổi đi, thì có nhiều cha tây và annam liên tiếp nhau mà coi luôn ba họ, là Cầu Ngang, Chà Và cùng Cái Đôi, khi ở họ đây, khi qua họ kia, chớ không có ở luôn tại Cầu Ngang như trước. Mấy cha annam là cha Phong, cha Lý, cha Gia, cha Lịch, cha Thạch, cha Miều và cha Nhơn; trong năm 1889-1890 cha Thông (P. Gerbert) ở Chà Và cũng coi luôn họ Cầu Ngang, còn cha Hiền (P. Favier) thì coi họ Giồng Rùm và Trà Vinh.

Tới năm 1896, cha Thạch qua đời rồi, thì cha Miều coi họ Cầu Ngang và Cái Đôi, khi ấy cha Quang (P. Clair) là cha chánh Địa sở Chà Và đau nên đi nghi, thì cha Nhơn thế coi họ cho tới chừng cha Sắc (P. Cransac) đổi lại; cha Sắc đã giao cho mấy dì phước Cái Mơng lo việc Hài đồng và dạy học tại Cầu Ngang, mỗi năm các dì rửa tội cho con kẻ ngoại chừng 20 đứa; sau đó thì cha Chiểu cũng có coi họ nầy.

Khi cha Sắc coi họ ấy là trong năm 1899 thì số bổn đạo được 329 người. Tới năm 1910 cha Chiểu tính lại thì số bổn đạo bớt bộn vì còn có 179 mà thôi.

Họ Cầu Ngang có nhà thờ, tiện xứng và chắc chắn, có trường học, và có nhà cha sở mới cất sau đây.

Kể từ mười mấy năm nay thì bổn đạo họ Cầu Ngang bớt lần lần, bỡi nhiều kẻ bỏ mà đi nơi khác, còn dân ngoại đạo xung quanh thì không mấy kẻ trở lại đạo.

--------------

Phụ thêm về Địa sở Chà Và

Trong lối đầu năm 1912 thì cha Lựu (P. Benoit) phải bịnh cùng qua đời tại Saigon ngày 29 Février, thì cha Lộc (P. Gueguend) coi họ và Địa sở Chà Và; cha lo lập lại việc giảng đạo tại cù lao Cổ Chiên, số bổn đạo và chầu nhưng tại đó quá trăm người, cha mua ruộng đất nhiều, có ý cho con nhà có đạo cùng là chầu nhưng đạo mới ở mà làm ăn, cùng giao cho cha Thông coi họ nầy (bây giờ cha Thông ở tại Cầu Ngang cùng coi họ nầy luôn).

Cha Lộc cũng có lập một họ khác nữa tại Sa Rài hay là Mỹ Quí giữa Ô Lấc và Cái Đôi, theo sổ năm 1917 thì tính được 68 người giáo hữu; cha ở Cầu Ngang coi luôn họ nầy.

-------------

Họ Ô Lắc

Ô Lắc là một quận Nhà nước mới lập đây và quan Đốc phủ Tố làm chủ cai quận nầy trước hết, nên nội gia quyến người là kẻ có đạo ở tại đây đầu hết. Sau có vài nhà nữa ở Bãi xan tới làm ruộng nương lập nghiệp, tính luôn hết thảy tại đó chừng vài ba mươi bổn đạo. Họ nầy không có nhà thờ, xem lễ xưng tội thì qua họ Cầu Ngang, đàng xa cách 9 ngàn thước. Việc mở mang đạo thánh tại đây thì chưa quyết đặng sau sẽ tấn phát cùng chăng, vì người ngoại ở xung quanh thì không mấy ai trở lại đạo. (Theo sổ năm 1911 của cha Lựu (P. Benoit) ghi lại.)

Họ Cổ Chiên

Trong năm 1898 cha Đậu coi họ Khâu Bằng, là một họ nhỏ về sở Cái Mơng ngang cù lao Cổ Chiên, thì cha đã lo qui lập họ ấy, ông cả Bằng là anh cha Đậu ở họ Kinh Mới về sở Mặc Bắc, đã bán đất ruộng mình ở đó cùng qua mua đất tại cù lao Cổ Chiên, cùng qui một ít bổn đạo nghèo ở Khâu Bằng qua ở lập nghiệp tại cù lao ấy. Cha Đậu có xin cha Lựu (P. Benoit ) là cha chánh Địa sở Chà Và lãnh họ nầy, nhưng cha Lựu đau lo đi về Tây nghĩ nên chưa nhận họ ấy được. Chừng cha trở qua thì trong mấy năm là 1902, 1903 và 1904 thì có cho cha Decoopman qua lại lo cho họ nầy, thiệt là cam go nguy hiểm, vì phải đi ghe sang qua cái sông lớn nhiều khi gặp sóng gió to. Lúc ấy cả Bằng cũng còn ở đó, mà sau rồi người qua ở tại Cầu Ngang, đất ruộng đã mua thì người có tính bán lại cho Nhà Chung xin cha Lựu mua mà lập họ, song cha thấy địa thế sợ không đặng vững bền, vì cả Bằng đi thì có khi mấy kẻ khác cũng thối chí. Cù lao nầy có chừng hai ba ngàn dân cư; người ta nói hồi cựu trào, lúc cầm kín, thì các cha Tây đã có tới ở lập họ, cho dễ bề cho các cha Tây mới qua thì tới lén ngả nầy, vua quan không biết. Người ta cũng nói rằng có khi có một cha Tây đã qua đời cùng chôn tại cù lao ấy, song không có gì làm chứng về sự nầy, nên không rõ được có cùng chăng. Theo sổ năm 1911 thì tại Cổ Chiên có 15 người bổn đạo.

Cho tới chừng cha Lộc (P. Gueguend) về coi Địa sở Chà Và thì cha mới lo việc giảng dạy tại Cổ Chiên lại, và theo sổ năm 1916-1917 thì số bổn đạo được 55 người, số chầu nhưng được 75 người, lại cha có mua ruộng đất đó nhiều, cùng giao cho cha Thông coi họ nầy (bây giờ cha Thông ở tại Cầu Ngang) cũng coi họ Cổ Chiên luôn.

------------

Họ Mương Giục

Mương Giục là tên một cái chợ cách Cầu Ngang hai ba ngàn thước. Tại chợ nầy thì những người Khách ở đông lo buôn lúa gạo mua của người Cao Mên xung quanh đó, tại đây thì có ghe thuyền Cao Mên nhiều. Trước hồi cha Khiêm ở tại họ Cầu Ngang, thì tại chợ Mương Giục đã có ít người có đạo rồi. Nhà cố cựu hơn là nhà biện Sự với bốn năm nhà khác nữa, trong ấy có vài chủ gốc là ở họ Cái Mơng qua ở đó. Khi trước số bổn đạo tại đây tới 60, mà bây giờ còn chừng vài mươi người mà thôi. Hồi trước thì tùng họ Giồng Rùm, song từ hơn mười mấy năm nay nhà nước có làm cái đàng từ Cầu Ngang thẳng qua Mương Giục, nên những bổn đạo nầy đi qua Cầu Ngang mà xem lễ cùng là lo việc linh hồn gần hơn là qua Giồng Rùm.

Số bổn đạo không có thêm, vì tại chợ tinh những người Khách và Cao Mên không, dân nầy không hề có ai muốn theo đạo. Gia thất ông biện Sự ở đó lo cách riêng về sự rửa tội cho con kẻ ngoại gần chết, và mỗi năm gởi về trời tính được hơn mươi đứa.

Chớ chi các trẻ nầy cầu nguyện cho xứ sở mình đặng mở mang tấn phát việc đạo Chúa.

--------------

Họ Trà Vinh

Họ Trà Vinh có từ khi lập tĩnh thành tại đó tới giờ. Khi trước Trà Vinh là một huyện thuộc về phủ Sóc Trăng trong tĩnh cựu Vĩnh Long; sau khi nhà nước Langsa lập an rồi mới lập Vĩnh Long làm tĩnh. Tại đây khi trước thì người Cao Mên ở mà thôi, sau chừng có người Tây thì Annam mới tới, cho nên bây giờ mấy làng xung quanh tại Trà Vinh thì còn Cao Mên nhiều.

Vậy ban đầu những bổn đạo có tại đây là mấy quan và mấy thầy giúp việc nhà nước, và cha ở Giồng Rùm qua lại coi họ nầy. Khi có lễ lớn thì bổn đạo cũng hay qua Giồng Rùm mà xem lễ, còn khi cha tới Trà Vinh thì làm lễ tại nhà thầy Trần, vì hồi đó chưa có nhà thờ; kế đó thì có lập trường cho hai dì phước Cái Mơng ở dạy đồng nhi học cùng lo việc rửa tội cho con kẻ ngoại gần chết.

Đến năm 1877, cha Hiền (P. Favier) ban đầu cất một nhà đặng cho có chỗ khi các cha đến viếng họ ở, nhà nầy thấp nhỏ xây bằng gạch, sau cũng cất một nhà thờ ngói nhỏ mà vừa cho số bổn đạo tại họ.

Nhà thờ nầy vững bền cho tới năm 1902, trong lúc cha Lân (P. Bourgois) thế coi họ Chà Và thì cha đã khởi lo cất một nhà thờ khác tốt hơn, và cha Lộc (P. Gueguend) đã coi làm cho hoàn thành. Nhà cũ cha sở ở khi trước phải bỏ đi, cùng cất lại một nhà lầu phải thế, là trong năm 1909, khi cha Bộ (P. Bosvieux) coi họ ấy..

Nhà thờ, nhà cha sở và trường học đều cất trên một miếng đất giồng cao ráo, Nhà Chung đã mua trong lúc cha Hiền coi họ là năm 1882-1885.

Kể từ năm 1892 tới giờ thì tại họ Trà Vinh có cha ở luôn. Các cha ấy là : Cha Trí (P. Demarq) từ năm 1892 tới 1895. Cha Nguơn (P. Dessaume) năm 1895 tới 1896. Cha Tài (P. Henri Hay) năm 1896 tới 1897. Cha Giude Đồng năm 1897 tới 1900. Cha Lủy (P. Lioger) từ năm 1900 tới 1901. Cha Bộ (P. Bosvieux) năm 1901. Cha Lộc (P. Gueguend) năm 1901 tới 1903. Kế cha Bộ coi họ lại từ năm 1903 tới 1909. Cha Phước (P. Poitier) 1909 tới 1913. Cha Tài coi họ nầy lại từ năm 1913 tới 1916.

Bỡi các cha đổi hoài nên không thể lo mở mang thêm các việc trong họ, phần bổn đạo thì cũng hay dời đổi, vì mấy thầy giúp việc nhà nước một lần đổi đi thì đem vợ con và mấy người ở với đi hết, cho nên số bổn đạo trồi sụt luôn. Theo sổ năm 1911 cha Lựu (P. Benoit) kể lại, số bổn đạo được chừng 200 người, thì có một nhà là gốc ở tại đó mà thôi, còn bao nhiêu thì là ở nơi khác tới, lại phần ít lắm ở ăn lập nghiệp quyết ở đó, còn bao nhiêu thì sợ hay dời đổi không chừng.

Dẫu mà Trà Vinh là như một họ chánh, song bỡi huê lợi hi thiểu, không thể lo mở mang việc đạo ra xung quanh cho nhiều được, nhưng cũng lập được 2 nơi là Cam Sơn và Tân Hạnh, có một ít người ngoại rải rác trở lại đạo.

Mà tại họ được một việc thạnh, là có nhà thương và nhà Mồ côi các bà dòng ông thánh Phaolồ đã lập trong năm 1894. Tại nhà thương có luôn chừng 80 bịnh, tại nhà Mồ côi chừng 50 con trẻ. Mỗi năm rửa tội cho người lớn tại nhà thương được chừng 40 người, và tại nhà Mồ côi rửa tội mỗi năm cho con nít ngoại gần chết, tới 100. Các bà ấy cũng lo việc dạy học con của bổn đạo tại họ giao cho. Bây giờ có nhiều mồ côi các bà nuôi đã thành nhơn có đôi bạn và ở tại họ.

Khi cha Tài trở lại coi họ Trà Vinh cho tới năm 1916 thì đổi lên Lái Thiêu, và cha Binh coi họ ấy từ năm 1916 tới 1921, rồi Đức Cha đổi cha Để (P. Decoopman) về coi họ Trà Vinh còn cha Binh thì đổi qua Mỹ Chánh.

-------------

Họ Cam Sơn

Họ này là họ nghánh Trà Vinh, cách 5 ngăn thước ở phía tây bắc tĩnh ấy, trong làng Vĩnh Yên và Long Đại, nơi đang đi qua Bãi Xan. Gốc có họ nầy là lối năm 1865 sau khi nhà nước Langsa lập rồi; một ít người annam ở tại đây vì trước cũng có tùng theo ngụy, nên sợ mà xin theo đạo cho dễ bề đầu phục tân trào. Vậy tính được 11 nhà đã qua Bãi Xan xin cùng cố Phước (P. Péguet) mà học đạo. Còn tại Long Đại thì có năm sáu nhà đạo dòng ở đó. hiệp lại với những nhà mới ấy nên một họ. Song những đạo mới đó không đặng vững bền, vì cách chừng năm sáu năm cố Phước đổi đi, thì thảy đều lơ việc đạo. Cho tới năm 1890, cha Hiền (P. Favier) lo lập họ nầy lại, có an ủi được vài người trở lại, cũng có rửa tội cho ít người chầu nhung, cha cất một nhà thờ lá cùng mua vài mẫu ruộng cho bổn đạo làm ăn. Lại trong năm 1892, cha Trí (P. Demarcq) ở tại Trà Vinh, cũng mua thêm vài mẫu ruộng nữa tại làng Hòa Bình gần đó.

Bây giờ tại Cam Sơn còn chừng 80 bổn đạo, là những người ở mấy họ là Giồng Rùm, Bãi Xan và Trà Vinh qua, cùng một ít đạo mới tại đó.

---------------

Họ Tân Hạnh

Họ nghánh thứ hai Trà Vinh là Tân Hạnh, cha Trí đã lập trong năm 1893-1894 tại làng tên ấy. Số bổn đạo tại đây chừng 100, sau đó có cất nhà thờ lá và có hai dì phước Cái Mơng ở dạy, mà người ngoại không mấy ai chịu vô đạo thêm, nên sau cha Bộ (P. Bosvieux) đã dỡ nhà thờ dời qua Cam Sơn. .

Tại làng Long Hậu và Phú Thụ hồi tân trào mới qua cha Khiêm có lập một họ mà bây giờ không còn, vì bị quân ngụy đã đốt phá hết giữa năm 1865 tới 1870. Một đờn bà đã bị quân ngụy chém đứt hết nửa cái cổ, qua đời tại Chà Và cách chín mười năm nay.

Bà nầy bị ngụy bắt vì đạo với 1 con trai chừng ba bốn tuổi, quân dữ xách chơn trẻ nầy mà đập đầu xuống đất cùng quăng vào lửa. Cách ít ngày những bổn đạo đã trốn trở về thấy các trẻ nầy chết mà còn nguyên giữa đống tro tàn, thì đã lo giấu và cách ba tháng yên rồi mới đem chôn, mà xác ấy không hư thúi. Mồ trẻ nầy rày lạc mất, anh em trẻ nầy bây giờ còn sống.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1921

 

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Địa sở Họ Chà Và

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ HỌ CHÀ VÀ

-----------------

HỌ CHÀ VÀ

-----------------

Gốc tích họ Chà Và thì cũng giống như nhiều họ đã có trước  lâu trong mấy tĩnh phía dưới, là có người bổn đạo ngoài Annam( Trung Kỳ) cùng là ở mấy tĩnh phía Bắc Nam Kỳ trốn con bắt bớ hồi giặc Tây Sơn và giặc nhà Nguyễn, trong cuối đời thứ 18, đã đến nương đụt cùng làm nên một họ.

Chà Và khi trước kêu là Rạch Rập, trong đời Đức thầy Vêrô (Mgr. d'Adran) thì đã có họ nầy. Khi ấy có một gia thất có đạo ở ngoài Annam đến ở tại vàm sông lớn Cổ Chiên, trong đất giồng, vì nội miền đó đều là giồng hết, từ ngoài bờ sông mà chạy vô tới trong hơn bốn năm trăm ngàn thước, và phía đông giồng ấy thì có cái sông nhỏ kêu là Rạch Rập. Địa thế nơi ấy tiện mà lập làng xóm và thông thương vô phía trong. Lại là nơi cách xa biển chừng 15 ngàn thước; phía trước, giữa sông thì có cù lao lớn Cổ Chiên và một cù lao nhỏ hơn tên là Cù lao Phụng.

Vậy khi ban sơ tại Rạch Rập thì người An Nam còn ở ngoài đất giồng, một ít nhà ở phía trong mà thôi, vì người Cao Miên còn ở đông và làm ruộng một ít đủ độ nhựt, còn bao nhiêu đất khác thì là rừng bụi, cỏ mọc hoang vu.

Người tới ở trước hết cùng lập nên họ Rạch Rập quí danh là ông Bốn cùng thê tử, lại có người em ruột ông nầy nữa, tên là Nguơn.

Ông Bốn quyết ở luôn tại Rạch Rập, nên đã xin phép cùng nhà nước An Nam mà lập làng lấy tên là Hậu Mỹ, cái làng nầy rộng lớn và dài lắm, đến sau tân trào đã chia ra cùng lập thêm nhiều làng khác là những làng bây giờ tại đó: làng Long Hậu, Phú Thứ, Hạnh Mỹ, Cần Hương, Vàng Thập, Mai Hương, Mỹ Cẩm, Thành Đước, Vàng Cửu và Hòa Hảo, mấy làng nầy bây giờ dân cư khá đông. Ông Bốn xin lập làng xóm như vậy đặng mà qui dân An Nam về ở cho đông đặng sinh con đẻ cháu cho nhiều, hầu khai phá đất mà làm ruộng nương thế cho người Cao Mên đã rút bỏ đi, cho nên nhà nước An Nam cũng bằng lòng lắm, cho phép tức thì. Vậy đã cho ông ấy đứng tên vào bộ các đất đó hết thảy, người rủ bà con tới lập nhà cữa, chia cho một người bà con phần phía gần biển, còn người thì qui lại một xóm là kẻ có đạo hết, và tưởng có khi họ Cầu Ngang gốc là bỡi đây mà ra. Đến sau, khi nhà nước Langsa lập an rồi, thì có người ngoại tới ở đó lần lần, vì trong lúc bắt bớ thì bổn đạo phái tứ tán, và chừng yên rồi lại thì không mấy kẻ trở về nơi đã ở trước. Cho nên cái làng lớn Hậu Mỹ nầy trước là con nhà có đạo ở gần hết, mà bây giờ còn có ba chỗ mà thôi, là họ Giồng Rùm, họ Chà Và với họ Cầu Ngang.

Đương bây giờ, những người ngoại đã ở lâu tại xứ, cũng đều biết rõ những đất ruộng chúng nó đứng bộ, khi trước là của người có đạo, cho nên lo giấu giếm cẩn mật cuốn địa bộ đời đó bây giờ hãy còn, ghi rõ ràng ruộng đất cả làng Mỹ Hậu thảy là của ông Bốn và bà con người là kẻ có đạo đứng bộ.

Ông Bốn có hai người con trai tên là Thùy và Hùy. Ông Thùy củng có hai người con trai là Khuyên và Tin, với hai người con gái là Lành và Đã, hai bà nầy đi tu tại Nhà phước Cái Mơn cùng đã qua đời mới đây. Tại Nhà phước ấy còn bà Long là con của ông Khuyên, tại Cái Mơn bà nầy có anh em con cháu nhiều, trong mấy con ông Tin thì có cha Tuyển, nên cha là bà con với bà ấy.

Trong các con cháu ông Bốn, không còn mấy ai ở tại Chà Và, mồ mả ông nầy và nhiều kẻ trong gia thất người còn đó bây giờ.

Phần nhiều trong lúc bắt bớ đời Minh Mạng và Tự Đức thì đã qua ở tại Cái Mơn, sau ở luôn đó. Nhiều bổn đạo ở Rạch Rập đã bị bắt và giam tại ngục đồn cù lao Cổ Chiên, nơi ấy rày kêu là Thủ Sau.

Vậy lối ban sơ, ông Bốn đã qui người có đạo ở tại Giồng Đưng khá đông, thì người có cất một nhà thờ nhỏ đặng Chúa Nhựt Lễ cả tựu nhau lại đọc kinh, cùng là khi có cha tới viếng ngồi tòa làm phước làm lễ cho bổn đạo xem, gần bên nhà thờ thì ông ấy có lập một đất thánh trong miếng đất giồng. Đất thánh nầy bây giờ hãy còn, một hai khi cũng còn chôn xác con nít hoặc người lớn mà trong gia quyến không thể chở qua chôn tại đất thánh họ Chà Và.

Lại tại Giồng Đưng ông Bốn có trích ra một phần đất, đặng lấy huê lợi mà lo việc nhà thờ.

Còn em ông Bốn là ông Nguơn đã lập gia cư ở gần anh, con cháu ông nầy rày còn ở tại họ Chà Và, là bà câu Phú, danh Tung và thị Y, lại cũng có một người đi Nhà phước Cái Mơn là dì Quế.

Một người con ông Nguơn tên là Vầy đã qua đời tại Chà Và trong năm 1905, không có con. Ông Vầy nầy làm ông cả trong làng, hồi còn trai đã biết cố Du (Bienheureux Marchand), khi ấy ở tại Rạch Rập, thì có cơn bắt đạo Minh Mạng nổi dậy dữ dằn, và ông Vầy đã đem á thánh Du trốn ẩn trong rừng kẻo phải bắt.

Trong cơn bắt bớ thì những con cháu ông Bốn phái tứ tán cùng bị tịch phong gia sản điền viên, còn những con cháu ông Nguơn thì giả chối đạo, cho nên ở yên mà giữ các phần đất đã chia cho mình, lại cũng soán những phần của con cháu ông Bốn và phần ông nầy đã dưng cho nhà thờ nữa.

Đến sau, khi tân trào lập an rồi, trong mấy năm đầu Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) trị Địa phận, thì có cha Trí và cha Nhơn đến Rạch Rập đặng giảng dạy cấm phòng cho trong họ. Nhơn dịp đó thì những kẻ đã soán đất của nhà thờ xin trả lại đặng mà đi xưng tội. Vậy Đức Cha Gioang dã dạy ông Khuyên, đang làm biện họ Cái Mơn, là con của ông Bốn, là trưởng tộc các con cháu ông ấy, phải qua Rạch Rập đặng mà lo với các cha việc thâu hồi nầy. Thì ông biện Khuyên đã xin mấy kẻ đã soán đất của nhà thờ, chẳng những phải trả đất ấy lại, mà còn phải bồi thường huê lợi đã hưởng hơn 20 năm, cho nên phải lấy đất riêng của mình mà dưng cho Nhà Chung đặng thường những huê lợi ấy. Còn những phần đất của các con cháu ông Bốn mà đã phải vô tay kẻ khác, thì ông Khuyên và trong thân tộc lấy lại cùng đồng bằng lòng mà dưng cho Nhà Chung. Hết thảy đều thuận như vậy, mà đến sau cũng có kẻ muốn xin lại ít phần cùng là xin Nhà Chung cho tiền bạc. Những đất nầy hồi đó phần nhiều thì là rừng bụi, lần lần sau nhờ bổn đạo khai vỡ phá ra, dày công lắm, thì mới có huê lợi.

Những bổn đạo ở tại họ bây giờ, là một phần con cháu của ông Nguơn và mấy bà con của Lý Mười là bên con cháu ông Bốn, là gốc bổn đạo tại họ; còn từ khi nhà nước Langsa lập an rồi, thì có bổn đạo nhiều nơi khác tới ở đông, những kẻ ở Cái Đôi, Giồng Rùm, Saigon và Cái Mơn, v. v. Do theo sổ rửa tội năm 1895, thì thấy có nhiều gia thất ở họ Chà Và đi ở mấy họ khác, là Bãi Xan, Mặc Bắc và Cái Đôi, và nhứt là trong mấy họ mới về sở Sốc Trăng, Cần Thơ và Rạch Giá. Phải mà những bổn đạo ấy đừng bỏ họ Chà Và mà đi, thì lọ nầy sum lắm. Các chức tại họ bây giờ thì không rõ hết các việc lớp trước được, biết được là sau con bắt đạo, từ lúc qui lập họ lại tới giờ mà thôi.

Vậy khi hết cơn bắt đạo thì đã lo qui lập họ Chà Và lại, trong những quới chức đứng đầu lo việc nầy là: Ông câu Vọng, ông câu Sáu. biện Đạo bà con với ông Nguơn, biện Ký, biện Bảo, biện Kỷ và biện Lừa.

Trước khi nhà nước Langsa qua Nam Kỳ, thì bổn đạo nhớ tên annam của các cha tây có ở tại họ Chà Và, là cố Giáo, cố Phương và cố Du ( Bienheureux Marchand). Còn trong các cha bổn quốc thì có á thánh Minh, á thánh Lựu, cha Thiềng, cha Lân, cha Tuyết, cha Hiển, cha Trí và cha Khiêm.

Cha Khiêm coi họ Giồng Rùm từ năm 1860 tới 1870, trước thì tùng cha chánh sở tại Bãi Xan là cố Phước, cố Greset; sau lại tùng cố Hương (P. Fontaine) ở tại Giồng Rùm, tưởng cha Khiêm đã khởi đầu lo qui lập mấy họ về sở Chà Và lại; và nhiều phen phải quân ngụy phá hại. Cha đã dời nhà thờ Rạch Rập tại Giồng Đưng qua giồng Chà Và, là nơi nhà thờ họ bây giờ. Nhà thờ thứ nhứt nầy đã bị quân ngụy hủy phá hay là thế nào không rõ, tới chừng cố Đức (P. Moreau) coi họ Rạch Rập, Thâu Râu và Cái Đôi, lối năm 1871 và 1872, cha đã cất một nhà thờ tại Giồng Chà Và, gần cái kinh cùng một tên ấy (kinh Chà Và), lại cha có làm một kinh nhỏ ăn hiệp với kinh ấy, thiên hạ bây giờ còn kêu là kinh cố Đức.

Kể từ năm 1875, thì cha Hiền (P. Favier ) coi họ Giồng Rùm, còn mấy họ là Chà Và, Cầu Ngang và Cái Đôi thì các cha annam coi, cha Dư, cha Phong, cha Lý, cha Gia, cha Lịch, cha Thích, cha Thạch và cha Miều, cũng có cha Thông (P. Gerber) coi mấy họ ấy trong năm 1888 tới năm 1890. Các cha nầy khi ở họ nọ khi qua họ kia chớ không ở luôn hoài một chỗ.

Tới năm 1897 cha Quang (P. Clair) về ở Chà Và cùng lập họ nầy nên chánh sở, thì mới có cha ở luôn tại đó, và kể từ đây họ Chà Và đã đặng tấn phát mở mang nhiều. Trong năm 1890 cha Quang có cất một nhà thờ theo kiểu annam tại họ, Đức Cha Mỷ (Mgr. Colombert) đã làm phép nhà thờ nầy trong năm 1892, mà khi đó không có nhà cho cha ở. Bây giờ thì có nhà cha sở lớn tốt, có trường họ bằng ngói; số bổn đạo trước chừng 460 nay tăng gần tới 900 và chắc sẽ tăng thêm nữa vì số đồng nhi trong họ thêm luôn. Việc đạo hạnh thì người giáo hữu cùng phấn chấn hơn xưa bội phần, vì từ khi có cha sở ở luôn tại họ thì ai nấy đều sốt sắng về phần hồn.

Việc đem người ngoại trở lại đạo thì tại họ không có bao nhiêu, bỡi cả họ toàn là con nhà giáo hữu, không có người ngoại ở, song trông cậy nhờ ơn Chúa, thì lần lần cũng có người ngoại ở xung quanh đó vô đạo; họ Chà Và đã đặng ơn Chúa gội nhuần, nên trông sẽ tràn ra mà đem những kẻ ấy vào trong ràn chiên Chúa.

---------------

Họ Giồng Rùm

Theo như lời những kẻ cố cựu nói lại, họ Giồng Rùm đã có hồi giữa đời Minh Mạng, cách tám chín mươi năm nay, gốc là có 4 nhà có đạo ở miệt Bạc Liêu, Cà Mau qua đó mà ở và lần lần qui nên một họ. Bốn chủ nhà có đạo ấy là: Nguyễn văn Nhân, Nguyễn văn Triều, Trương văn Vây và Huỳnh Văn Linh.

Mấy gia thất nầy tới ở tại Giồng, trước là đất của người Cao Mên ở và kêu là Sốc Rùm, sau người An Nam đổi tên lại là Giồng Rùm. Vậy 4 người ấy đã xin phép quan mà lập làng là làng Hòa Hảo bây giờ, cùng kêu nhiều nhà có đạo nữa tới ở đặng khai phá đất mà làm ruộng. Cho nên lần hồi số người có đạo tới 100, nhưng không dám vỡ đất ra cho nhiều, chỉ lo làm ruộng đủ dùng mà thôi, vì thấy địa thế không vững, phải quan phòng luôn, hễ có sự gì xảy ra một chút thì người ngoại xung quanh đó ỷ thế mà hiếp đáp kẻ có đạo.

Vậy khi ấy số người có đạo ở đây tới 100, mà không có nhà thờ, hễ khi tới lễ thì tựu lại trong một nhà nào đó mà đọc kinh với nhau, hay là đem nhau vô trong rừng tràm gần đó, phải giấu không cho người ngoại biết; nhứt là khi có cha tới viếng thì ai nấy lo xưng tội rước lễ, lén lúc trong rừng tràm; mà hồi đó không mấy khi mới có cha tới viếng một lần. Dầu vậy bổn đạo thảy đều sốt sắng, hễ nghe cha tới thì ai nấy hăm hở đi lo việc phần hồn mình, cùng là đi xem lễ bất kể khổ nhọc cùng là dịp hiểm nghèo, lặn lội vào rừng tràm mà tìm cha cho được - Thật là gương rất tốt lành cho bổn đạo đời nay thầm nghĩ mà so sánh lại là thể nào!.

Nhưng vậy trong cơn bắt đạo lâu dài và độc dữ đời vua Tự Đức, thì có nhiều bổn đạo tại Giồng Rùm bị bắt cùng dẫn qua tĩnh Vĩnh Long, phải chịu gia hình roi vọt kềm khảo, cho nên đã giả chối đạo cho khỏi gia hình; đến sau, khi Đức cha Gioang (Mgr. Miche) sai cha Nhơn và cha Lập tới Giồng Rùm lo lập họ lại, thì những kẻ giả chối đạo ấy đều trở lại.

Trong cơn bắt đạo thì họ Giồng Rùm tan hoang gần hết, nhà thờ lá cất trong năm 1856 phải triệt hạ, phần nhiều bổn đạo phải trốn tứ tán nơi nầy nơi kia, cho nên tại đó không còn bao nhiêu bổn đạo. Cho tới chừng Tân trào lập an, thì cố Hương (P. Fontaine) về ở tại Giồng Rùm, trong ba bốn năm đầu cha phải qui bổn đạo đã tứ tán về, cùng một ít bổn đạo ở nơi khác tới ở trong đất nhà thờ cùng lo khai phá làm ruộng nương. Đó là lối trong mấy năm 1868 và 1870. Chừng cha Hương đổi đi thì cha Báu (P. Leprince) đổi lại. Cha Báu phải sắm khí giái cho bổn đạo chống trả quân ngụy ở phía Ba Động kéo tới phá, tướng nó là Nguyễn Tri Phong. Chúng nó đã đốt chợ Cầu Ngang cùng giết dân sự rồi thì kéo qua ngã Mương Giục. Cha Báu đem bổn đạo tới đánh đuổi chúng nó tại đây, cùng bắt được hơn mươi tên thuộc phe quân ngụy mà dẫn vô Giồng Rùm, Qua bữa sau thì có quan Tham biện Servan dắc binh lính tới, cùng dạy bắn giết hết những tên ngụy bắt được đó, không thèm tra hỏi gì, vì quan làm vậy cho dân sự sợ mà không dám a tùng theo quân ngụy nữa; có một người nói mình có đạo nên quan tha cùng giao cho cha Báu mà thôi. Lúc ấy là lối trong năm 1872. Khi ấy cha Báu có xin quan phải tra xét cho rõ rồi hễ xử, song quan không chịu nghe.

Cách đó thì cha Báu đổi và cha Hiền (P. Favier) về coi họ Giồng Rùm; cha Hiền lo lắng các việc trong họ đã đặng mở mang tấn phát, cha ở họ nầy 22 năm, hết sức ra công mà tạo lập các việc cho vững bền, cùng làm cho bổn đạo đặng nên sốt sắng. Chừng cha đổi đi là trong tháng Décembre năm 1895, thì cha Quang (P. Clair) kế quờn coi họ Giồng Rùm, thì tại họ đã có một nhà thờ vững chắc, có nhà cho cha sở xứng đáng và tiện lắm, bền bĩ lâu dài cho tới nay, và số bổn đạo khi ấy được 700 người. Lại cũng có nhà mồ côi, các dì phước Cái Mơn lo nuôi con nít nam nữ, nay các trẻ nầy đã thành nhơn, lập nên gia thất ở tại Giồng Rùm cùng là mấy họ gần đó. Và cũng có trường họ, dạy đồng nhi nam nữ chữ quốc ngữ và kinh phần, mỗi trường số học trò có thường hơn 50 đứa.

Xung quanh họ Giồng Rùm thì là người Cao Mên, nên không có chầu nhưng, dân nầy thì ở tử tế với các cha thầy cùng bổn đạo, mà không hề chịu theo đạo, cũng không chịu cho con đi học tại trường họ nữa.

Chừng cha Quang đổi thì cha Tài (P. Henri Hay) về coi họ Giồng Rùm được ít tháng, kế cha Viện lãnh coi họ nầy; cha ở tại họ 13 năm, chừng cho đổi qua Rạch Lọp thì cha Vêrô Tròn đổi về họ Giồng Rùm, tới năm 1920 cha Tròn đổi đi Lương Hòa, thì cha Giacôbê Bạch về coi họ nầy.

Những con cháu mấy ông đứng đầu lập họ, còn ở tại họ bây giờ, là Nguyễn văn Triều, biện Bầu, Huỳnh Văn Linh, hương Nhiên, hương Văn, biện Sang và xã Kinh cùng mấy bà con người.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1921

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Sự tích Cha Giuse Lưu Châu Dư

 SỰ TÍCH CHA GIUDE LƯU CHÂU DƯ

-----------------------

Cha Giuse Lưu Châu Dư

Cha Giude Dư sinh ra năm 1837, khi còn nhỏ thì ở cùng chú ruột tên là Phaolồ Lưu châu Thứ tại họ An Nhơn về tĩnh Gia Định, vì cha mẹ người chết sớm; nên cũng nói được chánh tồ phụ người là họ An Nhơn. Thuở ấy nhằm lúc cấm kín, người có hai anh em mà thôi, người anh người tên là Vêrô Lưu châu Nhiên và người là em kế. Bỡi mồ côi sớm thì hai anh em ở với chú ruột là người làm ăn và đạo đức, mà không giàu có gì, đủ ăn đủ mặc mà thôi. Vậy hai anh em cũng phải giúp đỡ chú trong việc làm ăn và việc trong nhà cữa; nên cũng cực khổ..

Trẻ Giude có lông hiền lành, diện mạo dễ thương, tính nghiêm trang và trí sáng; nên cha già Lợi, bổn đạo khi ấy kêu là ông già bác, coi tánh ý con trẻ nầy thì xét ngày sau sẽ làm thầy cả được và làm ích cho Hội thánh Nam Kỳ; vậy ngài xin ông Thứ bằng lòng cho cháu ở học trò với cha đặng cha lựa có dịp thì gởi đi học bên Nhà trường hội giảng đạo tại Pinăng, ông Thứ bằng lòng giao cháu mình cho cha già lãnh lo lắng về phần hồn và phần xác.

Cách ít lâu thì cha giả Lợi giao Giude cho Đức Cha gởi đi Pinăng cùng một hai học trỏ khác, trong số nầy thì có trỏ Giude Nguyễn Công Nhu sinh ra năm 1836, sau cũng được chịu chức thầy cả một lượt với cha Giude Dư và đã sinh thì tại họ Chí Hòa năm 1913.

Thuở ấy nhằm lúc cấm kín và không có tàu khói như bây giờ; nên các trò phải xuống trốn dưới ghe bầu cho lái ghe kiếm thế khôn khéo mà chở ra khỏi cữa biển Nam Kỷ rồi thẳng buồm chạy qua Phố Mới và Pinăng. Đang khi vượt biển thì nhiều ngày phải chịu sóng gió cực khổ biết là chừng nào, song các trò chịu khó bằng lòng và trông cho mau tới trường latinh Pinăng và học cho đặng ngày sau giúp việc Hội thánh, cho nước Cha trị đến và danh Chúa cà sáng.

Khi học tại trường thì trò Giude siêng năng và có lòng nhơn đức củng vâng lời giữ lề luật trưởng, nên các cha bề trên và giáo sư đều thương; vậy khi học sách đoán rồi thì trò Giude được phong chức thầy khi học được năm, sáu năm, và cho trở về Nam Kỷ, thì Đức Cha địa phận sai đi dạy trong các họ cho đặng tập mình mà chịu chức thầy cả.

Qua năm 1868 thì Đức Cha đòi về và phong chức thầy cả một lượt cùng cha Giude Nhu tại trưởng Latinh Saigon.

Họ thứ nhứt cha Giude Dư cai trị là họ Tân Định; cha ở đó được hơn 5 năm. Trong mấy năm đó họ Tân Định được tiếng khen về các việc lễ nhạc trong nhà thờ các ngày Chúa Nhựt và lễ cà; mà nhứt là các ngày lễ kiệu Mình Thánh Chúa và kiệu ảnh Đức Chúa Bà; lại đồng nhỉ nam nữ hát kinh Latinh và Annam thì có tiếng lắm, vì nhờ cha siêng năng tập rèn. Cha Giude ở nghiêm phép trong việc bổn phận và có lòng kinh mến Đức Mẹ cách riêng. .

Ngày kiệu Mình Thánh Chúa và kiệu Ảnh Đức Chúa Bà thì cha dốc sức quới chức và bổn đạo lo dọn dẹp và kiệu ảnh trọng thể lắm, và trong tháng Đức Chúa Bà thì mỗi ngày hát kinh cách trọng thể luôn.

Cha Giude coi họ Tân Định từ năm 1868 cho đến nữa năm 1874 thì Đức Cha đổi người lên coi họ Tha La, vì Đức Cha sai cha Eveillard (Cha Sơn) làm cha sở họ Tân Định cho đặng lập nhà in địa phận tại đó. Cha Giude ờ họ Tha La ước chừng 6 năm thì cũng làm mọi việc như khi ở họ Tân Định. Qua lối năm 1879 thì Đức Cha đổi cha Giude đi coi họ Tân Triều, Cha ở đó được ước chừng 12 năm; qua năm 1892 thì lại đổi đi coi họ Phú Hiệp về địa sở Cái Mơng. Cha ở đó được 9 năm; qua năm 1900 thì đổi về coi họ An Nhơn (Gia Định). Cha ở đó được 10 năm; qua năm 1910 thì cho đồi đi coi họ Hốc Môn. Cha ở đó được chừng ba năm. Qua nửa năm 1913 thì Đức Cha đổi cha Giude đi coi họ Chí Hòa và làm bề trên nhà hưu trí của các Cha Annam tại đó. Tới đây thì cha Giude mới nghi khỏi lo việc làm nhà thờ mới hay là sửa lại mấy nhà thờ hư, cũng làm các nhà trường mới hay là sửa nhà trường cũ nữa. Cha có của khá; tuy cha ăn ở cần kiệm, song họ nào nghèo thì giúp tiền bạc làm các việc không so đo chút nào. Nên khi cha qua đời ngày 13 juillet 1915 thì thấy trong sổ sách cha đã giúp việc nhà chung và một ít họ tới bạc ngàn, bạc trăm.

Cha Giude có tảnh hiền lành và không hay bắt phép bổn đạo và đồng nhi nam nữ. Cha biết coi đồng nhi nam nữ những đứa nào có lòng thật thà và trung tín thì yêu thương cách riêng, nên cũng đã có kẻ chẳng xét suy rồi đam lòng ghen ghét mà sanh ra chuyện bất hòa đã mấy phen, song Đức Cha biết là những việc chẳng ra gì.

Nay xin kể ra một ít đều về sự cha qua đời và táng xác cha thế nào cho ai nấy rõ.

Có một sự lạ nên phải tỏ ra vì như là dấu cha Giude được Chúa soi lòng biết ngày nào mình phải lìa thế nầy, cho đặng có người lo lắng cho mình về phần xác và phần hồn. Cha đã đau có mụt tại khóe miệng bên tả đã ba bốn năm nay; qua tháng hai Annam năm nay thì nó làm mụt lớn chỗ gò má bên tả, nên càng ngày càng yếu, vì ăn không đặng hao nhiêu và ngủ ít đặng; song thầy thuốc nói qua lối tháng mười mới có lẽ sợ, ngày mồng tám Juillet cha Giude viết giấy sai người đem cho ông huyện kia biểu thứ ba tuần sau 13 Juillet vô cha biểu và nói chuyện. Ông ấy giữ lời sáng thứ ba đó mướn xe vô thăm cha thì thấy bịnh nặng, mà các cha thì đã đi cấm phòng hết, và các chức thì ở xa, có vài đứa con nít giữ cha đó mà thôi. Vậy ông ấy coi vọi biết rồi cha không lẽ cầm đặng lâu hơn, bèn đi mời cha già bịnh là cha Thôma Sâm còn ở lại nhà, vô xức dầu thánh và ban phép đại xá cho cha đủ hết. Rồi ông đó đọc kinh dõi linh hồn luôn luôn cho đến khi cha tắt hơi là hai giờ 15 phút buổi chiều. Cha chết cách rất lành không động tay chơn chút nào, hay là trề môi nhún miệng gì hết, chẳng khác chi như ngọn đèn hết dầu mà tắt vậy.

Khi cha Giude qua đời rồi thì quới chức tựu đến mặc áo lễ cho cha rồi đề giữa phòng cha ở trên lầu. Khi ấy bổn đạo tựu đến thương khóc cha om sòm, đoạn cầu lễ vượt cho linh hồn cha Giude; người cháu gái của cha ở bên Tân Triều qua đến nơi là ba giờ rưởi chiều, không kịp mà nói cùng cha một hai lời thì kể khóc thảm thiết; ai nấy nghe động lòng đều sa nước mắt. Qua năm giờ chiều thì cha phó sờ là Thôma Nhựt về với Cha Bề trên Cao mà lo công việc. Đề xác cha trên lầu cho quới chức và bổn đạo đến cầu hồn buổi chiều 13 Juilet và đêm ấy, qua sáng thứ tư 14 Juillet 9 giờ sớm mai một ông trùm nhứt đọc kinh liệm xác, rồi thì liệm xác cha vô một hòm nhứt annam để chỗ từng dưới tại nhà khách, rồi cha Thôma Nhựt rước xác cha đem để trong nhà thờ có dọn đồ đen hết thảy.

Qua sáng thứ năm 15 Juillet Cha Bề trên Cao vô làm lễ rồi Đức Cha hát Libera và làm phép xác, đoạn cha Giude Biểu là bạn hữu thiết nghĩa của cha Giule qua đời đưa xác và làm phép huyệt. Có ông trùm nhứt đọc kinh tiền táng và hậu táng nữa. Có hơn 20 cha tây nam, có 4 bà phước Tân Định, ít bà phước Chợ Quán, các ông trùm, câu, biện họ Chí Hòa và họ Tân Định, và bổn đạo Chí Hòa và Tân Định và các họ ở gần, có 30 đồng nhi nữ Tân Định đeo dây đen và cầm cờ đen, vài mươi đồng nhi nữ Chí Hòa mặc áo trắng, lại có cờ ông thánh Giude, có ông thánh Phanxicô Xavie và cờ Đức Chúa Bà của họ Tân Định, và các người cầm cờ và dải cơ có đeo dây đai đen. quan tài thì khiêng trên rạp nhứt của họ Tân Định. Dàn ra đi nghiêm trang lắm cho đến đất thánh của các Cha và táng xác tử tế mọi bề.

Qua ngày kế là thứ sáu 16 Juillet, các cha ra phòng thì có vô xem lễ Cha bề trên làm, rồi ra hát libera tại mồ cha Giude.

Ớ cha rất yêu dấu! cha đã dâng mình giúp việc Chúa từ năm 1868 tới 1915 được 47 năm nay, cha tạ thế tuổi cao 78 tuổi. Nay Chúa rước cha về nước Thiên đàng mà hưởng phước đời đời, xin cha giúp lời cầu nguyện cho chúng con còn ở chốn khách đày nầy.

Lại xin ai nấy giúp lời cầu nguyện cho linh hồn cha Giude đặng mau lên nơi cõi thọ.

Lạy Đức Chúa Giêgiu nhơn từ, xin cho linh hồn thầy linh mục Giude đặng lên chốn Thiên đàng lưởng phước đời đời! Amen

Jean Baptiste (Tân Định).

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1915

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Bách tuần sáng lập họ Samsen bên Xiêm

 BÁCH TUẦN SÁNG LẬP HỌ SAMSEN BÊN XIÊM

-----------------------

Nhơn dịp bổn đạo Annam bên Xiêm, mừng vì đã lập họ mình tại Samsen giáp một trăm năm chẳn (1834 - 1934), thì Đức cha Perros, Giám mục Xiêm, mời cha ký lục Paul Vàng qua Xiêm giảng Tam nhựt về lễ Bách tuần kỷ niệm, cho bổn đạo họ Samsen, trung tuần tháng Décembre nầy, nên Bổn quán xin nhắc lại lịch sử họ Samsen cho chư tôn hiểu chút.

Rút trong sử ký vua Xiêm Phra: Nang klao, trị vì năm 1834.

“Năm 1834, nước Cao-mên bị loạn ly. Lúc bấy giờ phe nào cũng cầu lân bang tiếp cứu. Bỡi đó, nước Cao-mên thường khi là chỗ chiến trường ở giữa Xiêm-quốc và Đại-nam quốc.

Năm 1833, thành Saigon nổi ngụy cùng vua Minh Mạng, nên vua Xiêm dùng dịp tiện ấy mà chinh phục Cao-mên. Người sai tướng Chao Phaya Bodin cầm binh bộ, chinh phục nước Cao-mên và mấy thành Annam xuống cho tới Saigon. Đường thủy, thì có tướng Chao Phaya Phra Khlang cầm binh đánh những thành Cao-mên và Annam ở dựa theo bờ biển. Binh bộ và binh thủy phải hiệp lực cùng nhau mà chiếm cho đặng thành Saigon.

Khi binh Xiêm tràn qua Cao-mên, thì Somdet Phra: Uthai Raxa (người Cao-mên) chạy trú vào Saigon. Binh Cao-mên không cự địch. Khi ấy, binh Xiêm kéo tới Châu-đốc, nhưng dầu rán hết sức bình sanh thế nào, cũng chẳng làm chi nổi các pháo đài tại đó. Vì lương phạn hết, nên binh Xiêm rút nhau về nước.”

-------------

Sử ký đại tướng Chao Phaya Bodin.

“Trong đạo binh Xiêm, thì có hai quan đạo Thiên Chúa: Phaya Viset Song khramphakdi, và Phaya Narong rit kosa khek cham. Khi hai quan nầy đắc lịnh lui binh về nước, thì xin cha Perau (?) truyền tin cho giáo hữu hay hầu theo hai quan ấy mà về bên Xiêm. Lúc ấy, có năm trăm gia thất thuận hành”

Theo như ông hoàng Damrong, là hoàng thúc của vua đang trị vì, và người có viết sử ký nước Xiêm thì nói rằng: “Năm 1834, đại tướng Chao Phaya Bodin có đam theo nhiều gia thất Annam qua Xiêm, chia ra hai phe: phe đạo Công giáo và phe ngoại đạo. Khi đó, vua Xiêm cho Annam Công giáo lập nghiệp tại một vùng đất ở Samsen, gần chỗ ngụ của con cháu người Portugais cũng giữ đạo Thiên Chúa, là những kẻ đã bị bắt bên Cao-mên.

Hai phe người Annam ấy đều nhập cơ pháo thủ giúp vua Xiêm và tùng lịnh tướng Phaya Banlu Singhanat.

Do theo sử ký nước Thái hay là Xiêm, Đức cha Pallegoix nói:

“3000 tù giặc Annam đó, thì vua đã phú cho một quan có đạo tên là Pasqual, cai lính pháo thủ, đặng ngài rèn tập những kẻ ấy. Năm 1857, số bổn đạo annam tại nhà thờ ông thánh Phanxicô đặng 2000 và đang lo xây dựng một đền thờ bằng ngói gạch.”

Trong sử ký Hội giảng đạo ngoại quốc, trương 556, thì cha Launay lại nói như vầy:

“Lúc binh Xiêm rần rộ tràn qua chiếm cứ tĩnh Hà-tiên và Châu-đốc, thì chúng nó đánh đuổi binh của vua Minh Mạng thất trận chạy dài. Binh Xiêm thắng trận hăng hái, chém giết tứ tung, phóng hỏa thiêu nhà cùng cướp giật tư bề. Bấy giờ, các quan Đề đốc Annam, thừa dịp lộn xộn, đem binh trở lại, xáp trận huyết chiến nỗ lực bình sanh, đánh thắng binh Xiêm, đuổi riết chúng nó vở chạy cho tới bờ biển, làm cho chúng cùng đường, kinh tâm tán đởm, phải xuống chiến thuyền lui mất. Dầu mà binh Annam thắng trận lại, song đành phải chịu mất những của quí báu đã bị cướp giựt và phải lìa mấy ngàn người bổn hương đã bị binh Xiêm bắt làm tù giặc. Trong số ấy, thì tính ước chừng có bốn ngàn người đạo Thiên Chúa. Người ta buộc những kẻ ấy phải trốn qua Xiêm, vì dối rằng Đức giám mục bên Xiêm dạy như vậy.”

Tên các địa sở của bổn đạo Annam gốc gác tại nhà thờ Samsen, họ ông thánh Phanxicô Xavie, đi tán ra các nơi mà lập nghiệp sinh hoạt.

Sở chánh là Samsen, có đền thờ ông thánh Phanxicô Xavie, hiện nay (1934) đặng  950 giáo hữu.

Họ Bang Bua Thong đặng  190 giáo hữu

Họ Ko: yai đặng 710 giáo hữu

Họ Bànplaina  đặng  1.000 giáo hữu

Họ  Chao Chet đặng  520 giáo hữu

Họ Bàn nạ khok đặng  220 giáo hữu

Họ Banpeng đặng  570 giáo hữu

Họ  Bangkham đặng 210 giáo hữu

Họ Paknampho đặng  450 giáo hữu

Họ Nakhonnayok đặng  390 giáo hữu

Họ Huakra: bu’ đặng  600 giáo hữu

Họ Songphinong đặng 1000 giáo hữu

Đức cha Perros nói rằng: phần nhiều trong các địa sở kế trên đây, thì có một phần bổn đạo Trung-huê.

N. K. Đ. P.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1934

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Cha Giuse Nguyễn Trang Biểu

 THƠ TÍN

Lạy Cha Quản lý “Nam Kỳ Địa Phận”, xin cha đem bài nầy vào nhựt trình làm ơn, cho thế gian đặng biết các cha làm việc lành kín đáo là dường nào. Làm cho một mình Đ C G hay mà thôi. Con đã biết vậy nên con mới ra công mà đọc việc cha Giude Biều lại cho ai nấy hay, mà ngợi khen các thầy cả đạo thánh Chúa.

Bấy lời con xin trọng kính cha hết lòng và cám ơn cha. Xin cho cha đặng mạnh giỏi làm việc Chúa.

Ngày 19 Septembre 1924 dây thép nhà Đức cha đưa tin đến Cái Mơng: Cha Giude Biểu đã qua đời. Cha Dumortier chánh sở liền thông cho họ Phú Hiệp hay mà cầu lễ vượt, và định ngày 25 kế đó, cha sở Cái Mơng sẽ mời các cha chung quanh đến làm lễ hát trọng thể thượng bực, cho cha Giude Biểu là cha sở cựu họ Phú Hiệp. Nhơn dịp nầy tôi xin dưng đôi hàng quê kệch. phường rẫy, hầu đưa cha Giude đã về cùng Chúa, lãnh phân công đã lập nơi cõi trần nầy.

Cha Giude Nguyễn trang Biểu (sanh ra năm 1854 qua đời 1924) là con thứ sáu ông trùm nhứt họ Tân Triều, quí danh là Nguyễn văn Mẫn. Ông nầy có lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, vừa khi biết có nhà trường dạy dỗ tập tành những con trẻ hầu sau đặng làm thầy cả giúp việc linh hồn bổn đạo, thì ông liền nghiệm xét trong các con mình, đứa nào hiền lành và ái mộ việc thờ phượng Chúa, ưa đọc kinh xem lễ mà dưng cho Chúa. Vậy ông định quyết dưng Giude Biều làm của tế lễ, cho vô nhà trường là năm 1870, khi ấy Giude nên 16 tuổi.

Giude có tánh hiền lành lại vui vẻ lắm, ưa vào nhà thờ đọc kinh viếng Chúa; bề học hành trí hóa mở mang theo kịp với chúng bạn luôn, nên qua năm 1878 thì đã đặng chịu cắt tóc chọn một mình Chúa làm phần gia tài, bỏ vườn tược đất đai cho mấy chị mấy anh chia nhau tùy ý.

Đến năm 1884 Đức giám mục lại phong quờn chánh tế cho Giude và bổ đi giúp cha Hòa (P. Greset) tại sở Cái Bè. Từ đây thỉnh thoản mới thấy được tánh tình dè dặt và tài năng đức hạnh cha Giude Biểu. Dầu người ra sức mà giấu kỹ lưỡng song hữu xạ tự nhiên hương

Cha Giude đến Cái Bè thì cha Hòa (người ta gọi là ông thánh sống, người chẳng trọng cầm quyền tự chủ) người xin cha Giude đi ở Cái Thia, cho đặng thâu đường đất cho bổn đạo dễ bề đọc kinh xem lễ ngày Chúa nhựt lễ cả; cùng khi đau đớn liệt lào đặng gần gũi cha thầy mà nhờ ơn phần rỗi. Cha Hòa giao họ Cái Nứa, Cái Thia, Cái Cau, Cổ Lịch, Cái Bèo, Rạch Miễu, Bải Chàm cho cha Giude lo liệu thăm viếng dạy dỗ. Còn phần cha thì coi mấy họ phía dưới là Cái Mây, Cái Bè, Cái Lá, Trà Tân, Hiệp Hòa, Ba Tồn. Hằng tuần cha luân phiên đi họ nầy họ khác cho đến thứ sáu thứ bảy mới về nhà, mà chẳng phải cha đi ô-tô, xà-lúp, ca-nô máy dầu; cha đi một chiếc ghe lường hai chèo, đồ vật thực là một nhiếm gạo và vài ba chục hột vịt mà thôi. Giống các Thánh Tông đồ đi, không tiền không bạc, không giày, không gậy.

Cha Giude đến Cái Thia chăm lo việc Chúa, người đi viếng các sở biết số bổn đạo, Song đâu đó cũng leo heo không đặng mày nhà, người mới bản tính với cha Hòa phải lo qui bổn đạo, nên người lập kế bày nghề cho bổn đạo làm, trirớc là cho có đủ sanh nhai; sau làm mồi rủ kẻ khác. Kế ấy coi thấy không ra gì thì lại tìm thế khác, song cũng chẳng đặng, vì người trong xứ là con nhà nông phu, ưa hạp cày sâu cuốc bẩm. Mà trong họ thì không điền đất, lấy chi mà lập cho thành. Dầu vậy cha cũng chẳng ngã lòng, lúc nầy cha Hòa đã qua đời rồi, cha Bính (P. Laurent) làm chánh sở, cha Giude thưa xin khẩn đất trong kinh Tháp Mười, quyết sao sao cũng lập họ đặng. Nhưng mà việc ra bất kham.

Kính Chúa phải có lòng yêu người, cha Giude làm lành thì ưa lấy màn bông hoa ngũ sắc mà che con mắt người ta trước đã, nên ít người dòm được thấu vào trong. Cha chẳng chịu thứ ác là chưa đẻ đà reo rân xóm. Cha nuôi những mồ côi cô độc trong nhà, mấy đứa kẻ ngoại bán cha cũng nuôi. Đàng ngoài thường năm ghe bầu quen chở người ta vô làm thuê làm mướn, cha có sức bao nhiêu thì rước lấy bấy nhiêu, nuôi trong nhà dạy dỗ khuyên lơn rồi rửa tội và lo đôi bạn cho nữa. Tiếng đồn thì có nhiều người xin ở. Lần kia thấy trong nhà có một thằng Cao mên lối 20 tuổi đã xin ở, lại có một thằng tên là Tiếu xưng mình là người Bình Thuận, Khánh Hòa cũng đã đến ở. Bữa nọ cha sai nó đi Vảng Long, đi cần về kíp, đi ghe ba chèo, Tiếu, và thằng Cao mên và một tên nửa nên 16. Chẳng hay nó đi một ngày một biệt. Khỏi một tháng mấy mới hay, nhờ cha sở Rạch Nhà quí danh là Nguyễn linh Sớm rằng: Thằng Tiếu đã bán ghe và người của cha Biểu tại Bạc Liêu. Cha Giude vào đem ghe và thằng nhỏ về, lại còn thêm chuộc đặng một thằng khác nữa có đạo cũng đã bị thằng Tiếu bán mấy năm trước, sau cha đã lo đôi bạn cho cả hai tại Bàu Tre.

Nội vòng 36 năm cha Giude coi họ thì người ở ba chỗ, và trong ba chỗ thì người cũng lập nhà thờ và nhà ở. Tại Cái Thia một nhà thờ đồ sộ nguy nga, phần người dưng hết 1500$, và một nhà vuông để ở cho cha sau. Ở Bàu Tre người cất hai nhà thờ, Mỹ Khánh, Bến Nẩy, và một nhà vuông ngói tại Bàu Tre, tiền riêng của người gần 500$. Đổi về Phú Hiệp người sửa nhà ở lại vì đã gần sập, tứ phía vách đã banh ngã. Sau người lại dựng một nhà thờ tốt trọng, nói đặng trong địa sở Cái Mơng các họ nhỏ, chưa có họ nào đặng một nhà thờ như vậy.

Thật cha Giude đã cần kiệm, không chời lở cũng chẳng so sánh, một giữ đức tuyết bực cao trọng thầy cả, người ban bố phân chia rộng rãi cho mọi việc cần. Mới năm ngoái 1923 tháng Juillet, người thấy nhà thờ Tân Triều hư nhiều chỗ trên trần, thì người liền xuất cho 100$. Năm nay cha sở Tân Triều tỏ ý làm nhà ở lại, thì cha Giude Biểu lại phát cho một ngàn.

Mấy việc nầy cùng nhiều việc khác còn kín nhiệm, ai hay ai biết cho cạn cho tường đặng, dầu cha Phaolồ Duông là cháu ruột, tôi cũng dám nói rằng: không hay. Tay mặt làm việc lành mà tay trái chẳng hay là vậy đó.

Chúa là Đấng cầm cân công bình đã thấu suốt mọi sự kín nhiệm. đến ngày 19 Septembre 1924, là ngày giáp vòng 40 năm cha Giude lãnh quờn linh mục, thì Chúa đã nhắc cân, gặp cân chẳng thiếu việc lành, thì Chúa liền dạy thiên thần xuống nước thầy Giude vào nơi tiêu sái.

Auêuxitinh Xã Hội kí.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1924

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Nữ tu Maria Đến

 Nữ tu Maria Đến

-         Sinh năm 1863

-         Tại họ Búng

-         Tu sĩ Dòng MTG Chợ Quán

-         Qua đời ngày 17. 10. 1932

-         Hưởng thọ 69 tuổi.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Họ Bến Tre

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ BẾN TRE (tiếp theo)

-------------------

HỌ CÁI BÔNG

-------------

Gốc lập họ.

Cả phần đất thuộc về Địa hạt Bến Tre, khi trước là xứ của người Cao Mên, ai cũng biết đều ấy, song không rõ người An Nam đã tới ở đó hồi nào. Bỡi đã đem nhau tới đông quá, cho nên soán đất của Cao Mên, như bây giờ tại Trà Vinh cũng vậy, người Cao Mên phải nhường lại lần lần đất của mình cho An Nam ở.

Hồi cuối đời thứ 18 thì người Cao Mên còn ở tại xứ Bến Tre, mà người An Nam cũng đã tới ở và lập làng xóm rồi.

Trong năm 1776, là năm giặc Tây Sơn đánh lấy Đồng Nai; trong lúc giặc giã nầy người An Nam cũng cứ tới lấn ở trong mấy xứ Cao Mên. Lúc ấy Đức Thầy Vêrô đã có lập trường học tại Cần Thơ rồi, và cách ít năm sau thì vua Nguyễn Anh đã trốn lên xứ ấy mà tị nạn.

Vậy cũng lối trong lúc loạn lạc ấy thì có ba người có đạo đã tới ở trước hết tại Cái Bông, con cháu ba người nầy phần nhiều bây giờ còn ở tại họ.

Cho nên thì lối năm 1780, trong đời Đức Thầy Vêrô cai trị Địa phận, đã có người đạo dòng ở ngoài Annam (Trung Kỳ), tới lập gia cư ở tại Cái Bông. Tên ba người bổn đạo ấy là: Ông Vách Trừng; Ông Chức; Ông Thoại. Ba ông nầy chắc không phải là bà con với nhau, vì tên họ hai ông trước thì khác nhau: Nguyễn Trừng; Trương Chức.

Mấy kẻ đạo dòng tại họ Cái Bông bây giờ, thảy là con cháu đời thứ năm của ba ông ấy. Ông Vách Trừng thì có cháu chắt đông hơn.

Đến năm 1835, cơn bắt đạo nổi lên, thì tại Cái Bông có 46 gia thất có đạo, là con cháu của ba ông ấy.

Chừng hết cơn bắt đạo, cùng dẹp giặc Tây Sơn xong, và vua Nguyễn Anh lên ngôi, là lúc thái bình, họ Cái Bông có một nhà thờ trên chỗ đất cất nhà thờ bây giờ. Đất ấy là của ông Vị rể ông Vách Trừng đã dưng cho Nhà Chung. Khi ấy trong họ cũng có đất thánh, phần nhiều các tổ phụ những bổn đạo bây giờ, xác đã chôn trong đất thánh ấy.

Những cha tây coi họ Cái Bông trước cơn bắt đạo là hai Đấng á thánh (Bienheureux Marchand et Gagelin) cố Du và cố Kính. Cố Trí (tên An Nam trước hết của Đức Cha Cuénot) ở phía trên Đầu Nước có khi cũng đã tới đây, mà phải vội đi nơi khác, vì có kẻ cáo cùng quan. Đến chừng gần hết lúc bắt đạo thì có á thánh Lựu và cố Phan tới lui viếng họ nầy.

Trong lúc cấm kín thì nhà thờ phải tan hoang, bổn đạo tựu tại nhà ông đội Lý mà đọc kinh chung, ông đội nầy là cháu ông Vách Trừng, người chín chắn hẳn hòi; sau người đã bị bắt vì đạo tại Rạch Rập gần Chà Và, và đã sinh thì tại khám Vĩnh Long. Mà theo như gốc tích họ Mặc Bắc, thì nói có khi ông đội Lý đã bị bắt tại Mặc Bắc chúc, vì có nhà tại đó, và bỡi tên bếp Nhẫn và xã Hiệp cáo người với quan.

Còn nhà ông đội Lý ở khi ấy tại Cái Bông, thì gần nhà thờ bây giờ; chỗ ấy nay biện Giác ở.

Bỡi trong lúc bắt đạo, không có mấy khi mà các cha tới viếng họ, cho nên bổn đạo phải đi qua Cái Nhum, Cái Mơng hay là xuống họ Chà Và, tìm kiếm cha mà xưng tội rước lễ, cùng là chịu các phép bí tích khác. Cho nên phần nhiều đã ở lại luôn trong mấy họ ấy.

Vậy trước đã nói trong năm 1835, là lúc khởi cơn bắt đạo, tại Cái Bông đã có chừng 48 gia thất con nhà giáo hữu. Tới năm 1864, cha Quí (P. Gernot) lấy số đặng 105 bổn đạo; năm 1865 thêm đặng 160. Cho nên trong 25 năm cơn bắt đạo, họ Cái Bông không tấn số bao nhiêu, bỡi có nhiều con cháu của ba ông đã lập họ kể trước, đi ở nơi khác. Đến sau chừng bình an, thì có một ít kẻ trở về, mà phần nhiều thì ở luôn mấy nơi ấy. Cho nên gặp đặng tại Cù Lao Gieng những cháu chắt ông Chức; tại Bãi Xan và Mặc Bắc những dòng dõi ông Thoại, ở tại Giồng Rùm cũng có con cháu ông Vách, và trong nhiều họ gần đó nữa, như mà thâu hiệp lại hết các kẻ nầy, thì được một họ to.

Các Cha coi Họ.

Cha Quí (P. Gernot) đã tới viếng họ Cái Bông lần đầu hết, thì lấy số được 105 bổn đạo, là trong năm 1864. Cha ghi lại trong sổ: Những bổn đạo ấy á thánh cố Du (Bienheureux Marchand) đã ban phép rửa tội.

Qua năm 1865 số bổn đạo thêm đặng 160; năm 1866 cha Mỹ (P. Colombert), sau lên làm Đức Cha, đã rửa tội tại Cái Bông 36 người, vậy theo sổ năm kế đó là 1867, Cái Bông đặng 193 người giáo hữu.

Trong lối lúc nầy thì cha Quí giao cho cha Tuyết coi họ Cái Bông, vì cha Quí ở xa lại đa đoan nhiều việc lo không phỉ. Cha Tuyết đã lo cất nhà thờ lại, nơi nền nhà thờ bây giờ, lo sắp đặt các việc trong họ, cùng bàu hai ông trùm và nhiều ông biện; mấy kẻ nầy hồi đó phận sự phải lo dạy dỗ chầu nhưng đạo mới, như là thầy giảng vậy.

Những sổ họ cha Tuyết đã ghi biên hồi ấy, thì mối mọt ăn rách rã; cha Sâm có thấy những sổ nầy cùng nói rằng, trong bảy tám năm cha Tuyết cai họ Cái Bông, có khi đã rửa tội cho 1500 người. Mà số ấy không phải là cho một họ Cái Bông mà thôi, vì cũng kể luôn những chầu nhưng cha đã rửa tội tại An Thủy, tại Giồng Bá Trung hay là Bá Trị, Bình Thành, Cái Sơn, Châu Thới, cho nên như không kể những người cha đã rửa tội tại Cái Bông và Giồng Giá, thì số ấy không phải là nhiều cho lắm. Lại hồi ấy là lúc người ngoại xin vào đạo đông, vì Nhà nước đã đặt ông câu họ nầy tên là Kỳ, làm tổng việc, đặng coi chừng quân ngụy trong mấy tổng ấy, vì những con của ông Phan Thanh Giảng đã kéo cờ ngụy mà chống cự cùng Nhà nước Langsa. Vậy nhờ danh tiếng và thân thế ông tổng việc Kỳ, nên trong mấy nơi ấy thiên hạ thọ giáo nhiều. Ông tổng việc hay là ông câu Kỳ này là con ông cả Dưỡng, rể của ông Vách Trừng, lại là em ông trùm tại họ, quí danh là ông trùm Tứ.

Mà phần nhiều những kẻ xin vô đạo trong khi ấy, là cho đặng nhờ có người đỡ đầu và Nhà nước hộ vực; cho nên đến sau thì lần lần đã bỏ đạo, như tại An Thủy, Bình Thành, Châu Thới, không còn ai là có đạo thuộc về hồi đó.

Còn những người còn giữ đạo tử tế thì đi ở mấy họ khác, như gặp tại họ Bến Tre một gia thất có đạo trước ở tại An Thủy, gia thất thầy Sơn tại Châu Thới, một phần đã qua ở tại họ Chà Và.

Cha Tuyết coi họ Cái Bông cho đến năm 1875 đoạn đổi đi, và cha Phụng (P. Fougerouse) đổi lại.

Cha Phụng vừa nhậm họ Cái Bông, thì đã lo cất nhà thờ lại bằng ngói gạch. Thật là một việc khó, vì trong họ không có huê lợi gì hết, bổn đạo thảy đều nghèo. Cha Phụng có bao nhiêu đều bỏ vô lo cho nhà thờ; vậy đã xây vách lên hoàn thành, mà hết bạc, nên trên phải lợp đỡ bằng lá. Khi ấy có cha Bổn (P. Abonnel) giúp cha Phụng, mà cha ở Cái Bông trong có vài tháng, rồi đi mấy họ là Giồng Giá và Cái Sơn, ngày 15 Juin 1879, cha Bổn rửa tội tại Cái Sơn cho 13 người.

Còn tại họ Cái Bông, từ năm 1875 tới 1879 cha Phụng đã rửa tội cho 100 người, cũng làm phép hôn phối cho 21 đôi.

Chừng cha Phụng và cha Bổn đổi đi (1879) thì cha Kính (P. Sidot). coi họ Cái Bông cho tới năm 1889.

Cha Kính đã lo làm nhà thờ cho hoàn tất, và cha đã rửa tội tại họ đặng 210 người.

Cha Sâm trước có làm phó sở cho cha Kính và ở tại Giồng Giá, sau về coi họ Cái Bông. Trong năm 1894 mặt tiền nhà thờ hư muốn sập, nên cha đã phá và xây một lầu chuông thế lại. Cha coi họ nầy tới năm 1898, thì cha Trình đổi lại thế. Cha đã lo đem một ít kẻ rối, trễ nải, cờ bạc, đặng trở lại.

Tới năm 1905, cha Khánh đổi về Cái Bông, cho tới ngày nay 1920. Theo sổ năm 1910, nhơn số bổn đạo họ Cái Bông đặng 655 người.

-----------

Họ Giồng Giá và Ba Tri

Lối năm 1780 có hai người có đạo là ông Cậy và ông Huấn ở ngoài Annam (Trung Kỳ), tới lập gia cư tại đây, ông Cậy thì ở Giồng Giá, ông Huấn thì ở Giồng Bông, là một xóm cũng gần đó, đất nầy hồi ấy người Cao Mên còn ở. Hai ông nầy là kẻ đứng đầu lập nên họ Giồng Giá.

Ông Cậy có một người con mà thôi; tên là ông Tài, ông nầy có 8 người con.

Ông Huân ở Giồng Bông có hai người con và 13 đứa cháu. Ông nầy tới đây lâu trước khi ông Cậy tới tại Giồng Giá.

Cho tới năm 1835 là lúc khởi cơn bắt đạo dữ dằn, thì những con cháu 2 ông nầy đã có gia tư, cho nên tính sổ được 15 nhà có đạo tại Giồng Giá. Song không rõ khi đó đã có cất đặng nhà thờ chưa.

Á thánh cố Du (Bienheureux Marchand) đã có viếng thăm làm phước cho họ nầy, và cố Kính (P. Gagelin) khi đi viếng Cái Bông thì cũng có tới viếng họ Giồng Giá.

Trong cơn bắt bớ dữ dằn thì không rõ 15 gia thất có đạo họ nầy ra thế nào, tưởng cũng phải đi kiếm tìm thầy cả mà chịu các phép Bí tích. Lại nữa có khi cố Trí (Mgr. Cuénot) đã tới viếng họ Cái Bông và Giồng Giá trong cơn cấm kín ấy, và cũng trong cơn bắt bớ nầy mà nhiều nhà bổn đạo tại Giồng Giá đã rút qua ở Cái Mơng hay là nơi khác cho dễ bề gặp cha mà xưng tội rước lễ.

Còn trong con cháu của ông Huấn, thì có một ít kẻ đã bỏ đạo.

Đến năm 1864 cha Quí (P. Gernot) lấy sổ tại Giồng Giá được 58 người bổn đạo. Cha Quí cũng có ghi trong số rằng: Những bổn đạo nầy á thành cố Du đã rửa tội..

Qua năm 1865 Giồng Giá được 108 bổn đạo. Lúc nầy cha Quí mới lo cất nhà thờ họ, tại nơi chỗ nhà thờ bây giờ.

------------

Giồng Bá Trung.

Là một xóm có đạo gần Ba Tri, gốc bổn đạo họ nầy hết thảy là bà con và con cháu của ông hương nhì Ưng, đã vô đạo trong đời cha Tuyết. Hồi đó ông nầy có dưng một miếng đất cũng đã có cất một nhà thờ. Bây giờ tại Giồng Bá Trung không còn ai có đạo, lớp trước chết, còn những kẻ sống thì về ở tại họ Giồng Giá. Trong hồi đó tại Giồng Bông cũng có người có đạo ở, là mấy con cháu của ông Huấn, lại cũng có cất một nhà thờ nhỏ. Sau xóm nầy cũng nhập vào Giồng Giá.

-----------

An Thủy.

Cũng trong hồi đó có ông tổng Siêu là cháu của ông Huấn đã lo giúp cha Tuyết mà đem một ít người ngoại, tại An Thủy phía bờ gần biển, đặng vô đạo, lại cũng dưng một ít mẫu ruộng và đất. Mà những đạo mới tại đây sau đã nghỉ đạo hết; bây giờ cũng còn một ít nhà có đạo tại làng nầy, mà gốc ở Giồng Giá hay là nơi khác tới mà thôi, chớ không phải là con cháu những đạo mới khi trước tại An Thủy.

Từ lúc Tân trào tới nay thì có những cha nầy coi họ Giồng Giá:

Cha Quí (P. Gernot) từ năm 1864 tới 1868, cha ở tại Cái Mơng.

Cha Tuyết từ 1868 tới 1875, cha ở tại Cái Bông.

Cha Phụng (P. Fougerouse ) từ 1875 tới 1879, ở tại Cái Bông.

Cha Kính (P. Sidot ) từ 1879 tới 1889, cha cũng ở tại Cái Bông.

Ba cha ở tại Giồng Giá, là cha Sâm, từ 1889 tới 1898. Cha Đoài và cha Nhơn từ năm 1898 tới 1901. Sau đó thì cha Khánh ở Cái Bông cùng coi họ Giồng Giá cho tới ngày nay.

Trong năm 1910, số bổn đạo họ Giồng Giá đặng 254 người, có trường họ, mấy dì phước Cái Mơng lo dạy đồng nhi nam nữ học chung một trường.

------------

Họ Ba Châu

Cách 12 ngàn thước đàng đi từ Bến Tre qua Ba Tri, tới chỗ có hai ngả quẹo, phía hữu thì qua Giồng Trôm, còn đàng đi qua phía tả thì cũng rộng khá và cũng có đổ sỏi, đi tới cách 500 thước thì bên hữu có một nhà thờ lợp lá, mặt tiền xây gạch, bên tả nhà thờ thì là trường họ, có hai dì phước Cái Mơng ở dạy, sau nhà thờ thì có nhà cha sở. Đó là họ Ba Châu (thiệt tên làng đó là Châu Phú), nhưng bỡi bổn đạo ở lải rải trong ba làng là Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình, nên đặt tên chung gộp lại ba tên đầu của ba làng, mà kêu là họ Ba Châu.

Họ nầy mới lập trong năm 1903 mà thôi. Nhưng vậy cũng nên nhắc lại, là trong đời của Tuyết, cha đã có lo việc mở đạo tại Châu Thới, và có một người tên là Thầy Sơn và con cái đã vô đạo cùng bền đỗ luôn. Nhưng khi mấy con cái thầy nầy lớn lên thì đều qua ở họ Chà Và, trừ ra có một người gái đã làm bạn cùng một người đạo dòng ở tại họ Giồng Giá.

Vậy nhờ người đạo dòng nầy an ủi những bà con bên vợ còn ngoại, lên lần lần đã có nhiều nhà xin vào số chầu nhưng học đạo. Và khi có thầy tới ở dạy tại Bình Khương thì số chầu nhưng có thêm nhiều hơn nữa.

Số bổn đạo họ Ba Châu đặng 133 người; mà không phải là gốc một chỗ với nhau. Nhiều kẻ ở Châu Bình thì đã chịu phép rửa tội tại Châu Bình, kẻ khác thì rửa tội tại Châu Thới, và trong năm 1904 thì rửa tội tại Châu Phú đặng 48 người, tại nhà thờ tạm, tới năm 1908 thêm 45 người nữa. Hết thảy các bổn đạo nầy Đức Cha Mão (Mgr. Mossard) đã ban phép Xức trán trong năm 1909.

Vậy họ Ba Châu là ba làng như nói truớc: Châu Bình, Châu Thới và Châu Phú, ba nơi đều có nhà thờ lá, Châu Bình lập trước, kế Châu Thới, sau hết mới tới Châu Phú. Bỡi hai nơi trước thì thế không khá, nên mới lập nơi sau là Châu Phú, tại đây thì đã cất nhà thờ khá hơn và có cha ở thường. .

Cha Nhậm đã coi họ nầy từ năm 1904 cho tới ngày người qua đời là 3 Mai 1920. Cha đã cất nhà cha sở lại tử tế.

Nhà thờ họ cũng khá mà trên còn lợp lá, cha Nhậm cũng đã lo lắng đặng cất lại. .

Cha Nhậm qua đời rồi thì cha Nhạn về coi họ Ba Châu.

------------

Họ Hương Điểm.

Họ nầy gốc là bỡi có ông cả Quới đã trở lại đạo khi gần qua đời, là trong năm 1893; ông nầy là cha của quan Đốc phủ Hiền. Vậy những con cháu ông cả Quới đã theo đạo như cha mình, cũng đã cất một nhà thờ nhỏ trong đất riêng gần mộ ông cả. Con trưởng nam người là ông Lê quang Hậu, hồi còn chầu nhưng, trong năm 1894, đã dưng cho họ Bến Tre một miếng đất đặng cất nhà thờ họ, giá tới 800$. Ban đầu người chịu dưng nửa phần; song chừng làm tờ thì người bằng lòng dưng trút hết miếng đất ấy cho nhà thờ, không lòng rít rỏng với Chúa.

Tại đây có hai dì phước lo việc Hài đồng, kiếm con nít kẻ ngoại gần chết mà rửa tội. Hai dì ở một nhà cất trong đất của ông Lê Quang Hậu.

Đây cũng nên kể luôn cho hậu lai đặng rõ một việc phước đức của ông nầy, là người đã chịu nuôi dưỡng thầy Công (thầy Nhà trường Latinh) vì mang bịnh phung mà phải thôi học. Thầy ở tại đó hơn 12 năm, ông Lê Quang Hậu cất cho một phòng riêng cùng lo lắng nuôi dưỡng tử tế như là bà con vậy.

Theo sổ năm 1910, tại Hương Điểm có 6 nhà có đạo số là 23 người. Thường Chúa nhựt, Lễ cả thì đi xem lễ tại Châu Phú, cùng là thẳng lên Bến Tre hay là qua Cái Bông.

--------------

Họ Bình Khương.

Trong năm 1907, có một người có đạo tên là bếp Phúc, đức tin hẳn hòi, nhưng bổn phận mình không đặng tuyền vẹn, là vì rối vợ chồng lại hay rượu trà. Tên bếp cựu nầy không biết làm gì cho có mà ăn, phần đã già yếu, nên mới bắt qua việc dạy đạo mà nuôi mình. Người đem đặng nhiều người ngoại tại Cù lao Lá học đạo, rồi qua làng kế đó là Bình Khương cũng là việc mở đạo, và cũng có người chịu trở lại, bếp Phúc muốn xin làng lấy cái đình làm nhà thờ, bỡi đó cho nên ra chuyện cải lẩy trong làng xóm. Khi ấy cha Vị (P. Danvy) ở Bến Tre hay việc nầy, thì cha tới đây mà nói cho bếp Phúc rõ, đình của làng thì để cho làng, còn những chầu nhưng thì để cha lo cho. Vậy bếp Phúc liền vưng lời cha mà đi nơi khác.

Đến sau cha Vị đã gặp tên bếp nầy đau nằm tại nhà thương Bến Tre, cùng đã chết bình an tại đó, người đã sửa mình lại tử tế, cùng tỏ ra đức tin mạnh mẽ. Dầu trước người không phải là đức hạnh chi, song thật là bỡi nhờ người đã khuyên dỗ đặng nhiều người ngoại giáo tại Cù Lao Lá và Bình Khương trở lại.

Sau đó thì có nhiều thầy Nhà trường tới dạy chầu nhưng tại Bình Khương, và trong năm 1900 và 1901 rửa tội cho những chầu nhưng tại đây. Và từ đó về sau thì cũng có một hai nhà ngoại xin vô đạo. Năm 1910 thì số bổn đạo được 53 người.

Tại họ thì có nhà thờ nhỏ bằng lá, và một trường học, mỗi năm dạy học được 1 kỳ 3 tháng mà thôi.

-------------

Họ Cái Sơn

Họ nầy ở tại làng Lương Phú, Tổng Bảo Thành, cách Bến Tre chừng 10 ngàn thước, không có đàng bộ nên đi ghe coi xa hơn. Họ nầy đã có hồi tân trào mới lập, là lối năm 1869, trong đời Đức Cha Miche.

Đầu hết có hai người ngoại là Nguyễn văn Sửu và Kiều văn Võ tại đây đã xin vô đạo cùng qua Cái Bông mà nghe dạy, cha Tuyết khi ấy đang coi họ nầy. Hai người chịu phép rửa tội rồi thì có nhiều nhà ngoại khác cũng xin học đạo, nên thành ra một họ và Nguyễn văn Sửu đứng đầu làm ông câu. Ông nầy có đức tin vững vàng, hết lòng cùng các cha các bà, chầu nhưng học đạo thì người dạy, nhiều khi cũng nuôi những kẻ ấy đặng ở mà học nữa. Ông nầy đã qua đời lối năm 1888, còn lại một cháu trai tên là Danh còn ở tại Cái Sơn. Còn ông Kiều văn Võ có năm người con, có gia tư và đạo hạnh tử tế.

Cách ít năm kế sau, có thầy thông Gia ở Giồng Kè, người gốc Bắc Kỳ lại là cựu học trò Nhà trường Pinăng, cùng là anh rể của quan Tổng đốc Lộc, dưng cho họ Cái Sơn một miếng đất chưa khai phá chừng 40 mẫu, ở gần ngoài đầu rạch Cái Sơn Bé. Và từ đây thì họ nầy thuộc về Địa sở Cái Mơng không còn thuộc về Cái Bông như trước. Nhờ có đất ấy nên số bổn đạo đặng thêm. Nhiều bổn đạo và những dì phước ở Cái Mơng qua đó lo khai vỡ đất nầy ra mà làm ruộng. Bỡi công trình nhà phước lo lắng và chịu hao tổn nên đã được hưởng huê lợi đất nầy cho tới chừng thâu lại đủ sở phí của mình, thì mới giao đất lại cho họ. Cho nên đến năm 1896, họ Bến Tre nên Địa sở và họ Cái Sơn thuộc về họ ấy, thì cha sở Bến Tre đã thối bạc lại cho nhà phước Cái Mơng về sở phí khai phá đất ấy, cùng lấy lại làm của chung trong họ. Mấy dì phước Cái Mơng có công coi lo khai phá hơn nhứt là dì Nghiêm và dì Sum; dì Nghiêm coi chỉ biểu cho dân làm trong các việc giỏi lắm, làm cho đất ấy nên thành thuộc ruộng nương, còn dì Sum thì lo việc ở trường dạy học và dạy chầu nhưng đạo mới.

Đoạn dời nhà thờ về chỗ đất đó, gần trường học và nhà các dì, lại có ông biện Dẹt gốc ở Cái Mơng, qua giúp khai phá đất ấy trong năm 1885 và ở luôn đó, lên làm ông câu họ thế cho câu Sửu, ông nầy đạo đức, hiền từ và siêng năng việc nhà thờ việc Chúa lắm. Lại cũng có nhà biện việc Bạch, tới Cái Sơn trong năm 1889, ông nầy cũng chín chắn đạo hạnh như ông câu Dẹt.

Nhà thờ họ cất lại tử tế là trong năm 1880. Còn nhà thờ bây giờ thì cột cây trên lợp ngói, dưới có lót gạch.

Các cha coi họ nầy là : cha Tuyết, cha Phụng (P. Fougerouse), cha Bổn (P. Abonnel), cha Kính (P. Sidot), cha Châu (P. Legoff), cho Trung, cha Lại và cha Thích, những cha nầy ở tại Cái Bông hay là Bến Tre chớ không phải ở tại Cái Sơn. Còn các cha ở tại Cái Sơn là : Cha Trình, từ năm 1895 tới 1898; cha Sâm: 1898 - 1901; cha Nhơn: 1901 - 1904; cha Nhựt: 1904 - 1908; cha Quí: 1908 - 1910; cha Vàng 1910 - 1911. Theo sổ năm 1910 thì số bổn đạo họ nầy được 200 linh hồn.

-------------

Họ Giồng Quít

Họ Giồng Quít ở tại làng Long Sơn, tổng Bảo Hửu, cách Bến Tre chừng tám chín ngàn thước. Họ nầy có trong năm 1890, vì cha Lại đã rửa tội cho những chầu nhưng tại đó trong năm ấy.

Người lập đặng họ nhỏ nầy là một người gốc ở ngoài Tonkin, cựu thầy giảng học tại Hà Nội, tên là Gioang Baotixita Nguyễn văn Thành, trước có làm thông ngôn tại Bến Tre, sau làm quan lính thủy. Chừng thôi thì về ở tại Giồng Quít, lo khai phá đất của mình, và cũng lo dạy đạo chút đỉnh. Người nầy đạo hạnh tử tế lắm. Từ ngày có họ nầy thì thầy ấy là ông câu họ chịu nuôi các dì phước tới ở dạy chầu nhưng đạo mới, lại lấy của mình mà cất nhà thờ họ, và khi người qua đời thì có dưng cho nhà thờ 6 mẫu ruộng. Ông câu Thành nầy qua đời trong năm 1907, còn lại có một người con gái ở tại họ mà thôi, người nầy hằng noi gương lành cùng các việc phước đức cha. Số bổn đạo tại họ Giồng Quít chừng 100, vì đất nhà thờ không bao nhiêu nên không có ai tới ở thêm. Các cha ở Cái Sơn côi luôn họ nầy.

Cha Mẫn (P. Ackermann) đã cất tại Giồng Quít một nhà thờ khá rộng, mặt tiền xây gạch, lợp ngói. Trong ngày 8 Mai 1917 Đức Cha Quinton đã thân hành đến làm phép nhà thờ nầy cùng ban phép Xức trán cho đồng nhi và những đạo mới. Ý cha Mẫn cất nhà thờ nầy cho lớn đặng mà thâu hiệp mấy họ nhỏ ở gần nhau chung lại một họ, là Giồng Quít, Giồng Ổi và Giồng Kè, tính chung hết thảy thì được 200 bổn đạo.

----------

Họ Phú Lệ

Lối năm 1912, cha Lân (P. Bourgeois) và cha Kính nhờ quan đốc phủ Thu giúp sức nên đã lập họ Phú Lệ, cách Ba Tri vài ngàn thước. Hồi đó sum lắm, có tới 350 chầu những học đạo và bộ ân cần, nên cha Khánh có cất một nhà thờ lá nhỏ mà vừa xứng đáng. Nhưng bỡi đất xung quanh đó thảy đều thuộc về của làng, nên không thể mua được, phải mướn chỗ đất cất nhà thờ đó trong 20 năm mà thôi. Lại dân sự đều ở đất của làng, nên sợ sau việc đạo không đặng thong thả vì làng ngoại. Dầu vậy đang khi ấy mọi sự đều bình an, vì có quan đốc phủ Thu ở tại Ba Tri,

Trong năm 1913 Đức Cha Quinton đã đến ban phép Xức trán tại Giồng Giá, và cũng có tới viếng họ Phú Lệ, Đức Cha thấy những đồng nhi con của các chầu nhưng kinh phần đều học giỏi như các đồng nhi con bổn đạo họ Giồng Giá, nhưng mà Đức Cha dạy các cha phải cẩn thận lắm mà chọn lựa chầu nhưng, đừng cho chịu phép rửa tội mau, mà rồi sau không được bền.

Năm sau thì đã rửa tội tại đó đặng 30 người. Cách đó thì quan đốc phủ Thu đổi đi chỗ khác và làng không còn ăn ở như trước, nên nhiều chầu nhưng đã thôi đi nghe dạy, và từ đây thì họ nhỏ tuổi nầy không còn thịnh vượng như lúc ban sơ.

------------

Họ Bảo Thành

Họ này lập cùng một lượt với họ Phú Lệ và số chầu nhưng cũng nhiều. Mà ở đây dễ bề mở đạo hơn, vì mua được đất Giồng giá rẻ và chầu nhưng đạo mới không có ở trong đất làng. Cho nên tưởng sau họ Bảo Thành sẽ thăng số bằng họ Giồng Giá.

(Chung về Địa sở Bến Tre).

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1920