ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Địa sở Họ Chà Và

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

ĐỊA SỞ HỌ CHÀ VÀ

-----------------

HỌ CHÀ VÀ

-----------------

Gốc tích họ Chà Và thì cũng giống như nhiều họ đã có trước  lâu trong mấy tĩnh phía dưới, là có người bổn đạo ngoài Annam( Trung Kỳ) cùng là ở mấy tĩnh phía Bắc Nam Kỳ trốn con bắt bớ hồi giặc Tây Sơn và giặc nhà Nguyễn, trong cuối đời thứ 18, đã đến nương đụt cùng làm nên một họ.

Chà Và khi trước kêu là Rạch Rập, trong đời Đức thầy Vêrô (Mgr. d'Adran) thì đã có họ nầy. Khi ấy có một gia thất có đạo ở ngoài Annam đến ở tại vàm sông lớn Cổ Chiên, trong đất giồng, vì nội miền đó đều là giồng hết, từ ngoài bờ sông mà chạy vô tới trong hơn bốn năm trăm ngàn thước, và phía đông giồng ấy thì có cái sông nhỏ kêu là Rạch Rập. Địa thế nơi ấy tiện mà lập làng xóm và thông thương vô phía trong. Lại là nơi cách xa biển chừng 15 ngàn thước; phía trước, giữa sông thì có cù lao lớn Cổ Chiên và một cù lao nhỏ hơn tên là Cù lao Phụng.

Vậy khi ban sơ tại Rạch Rập thì người An Nam còn ở ngoài đất giồng, một ít nhà ở phía trong mà thôi, vì người Cao Miên còn ở đông và làm ruộng một ít đủ độ nhựt, còn bao nhiêu đất khác thì là rừng bụi, cỏ mọc hoang vu.

Người tới ở trước hết cùng lập nên họ Rạch Rập quí danh là ông Bốn cùng thê tử, lại có người em ruột ông nầy nữa, tên là Nguơn.

Ông Bốn quyết ở luôn tại Rạch Rập, nên đã xin phép cùng nhà nước An Nam mà lập làng lấy tên là Hậu Mỹ, cái làng nầy rộng lớn và dài lắm, đến sau tân trào đã chia ra cùng lập thêm nhiều làng khác là những làng bây giờ tại đó: làng Long Hậu, Phú Thứ, Hạnh Mỹ, Cần Hương, Vàng Thập, Mai Hương, Mỹ Cẩm, Thành Đước, Vàng Cửu và Hòa Hảo, mấy làng nầy bây giờ dân cư khá đông. Ông Bốn xin lập làng xóm như vậy đặng mà qui dân An Nam về ở cho đông đặng sinh con đẻ cháu cho nhiều, hầu khai phá đất mà làm ruộng nương thế cho người Cao Mên đã rút bỏ đi, cho nên nhà nước An Nam cũng bằng lòng lắm, cho phép tức thì. Vậy đã cho ông ấy đứng tên vào bộ các đất đó hết thảy, người rủ bà con tới lập nhà cữa, chia cho một người bà con phần phía gần biển, còn người thì qui lại một xóm là kẻ có đạo hết, và tưởng có khi họ Cầu Ngang gốc là bỡi đây mà ra. Đến sau, khi nhà nước Langsa lập an rồi, thì có người ngoại tới ở đó lần lần, vì trong lúc bắt bớ thì bổn đạo phái tứ tán, và chừng yên rồi lại thì không mấy kẻ trở về nơi đã ở trước. Cho nên cái làng lớn Hậu Mỹ nầy trước là con nhà có đạo ở gần hết, mà bây giờ còn có ba chỗ mà thôi, là họ Giồng Rùm, họ Chà Và với họ Cầu Ngang.

Đương bây giờ, những người ngoại đã ở lâu tại xứ, cũng đều biết rõ những đất ruộng chúng nó đứng bộ, khi trước là của người có đạo, cho nên lo giấu giếm cẩn mật cuốn địa bộ đời đó bây giờ hãy còn, ghi rõ ràng ruộng đất cả làng Mỹ Hậu thảy là của ông Bốn và bà con người là kẻ có đạo đứng bộ.

Ông Bốn có hai người con trai tên là Thùy và Hùy. Ông Thùy củng có hai người con trai là Khuyên và Tin, với hai người con gái là Lành và Đã, hai bà nầy đi tu tại Nhà phước Cái Mơn cùng đã qua đời mới đây. Tại Nhà phước ấy còn bà Long là con của ông Khuyên, tại Cái Mơn bà nầy có anh em con cháu nhiều, trong mấy con ông Tin thì có cha Tuyển, nên cha là bà con với bà ấy.

Trong các con cháu ông Bốn, không còn mấy ai ở tại Chà Và, mồ mả ông nầy và nhiều kẻ trong gia thất người còn đó bây giờ.

Phần nhiều trong lúc bắt bớ đời Minh Mạng và Tự Đức thì đã qua ở tại Cái Mơn, sau ở luôn đó. Nhiều bổn đạo ở Rạch Rập đã bị bắt và giam tại ngục đồn cù lao Cổ Chiên, nơi ấy rày kêu là Thủ Sau.

Vậy lối ban sơ, ông Bốn đã qui người có đạo ở tại Giồng Đưng khá đông, thì người có cất một nhà thờ nhỏ đặng Chúa Nhựt Lễ cả tựu nhau lại đọc kinh, cùng là khi có cha tới viếng ngồi tòa làm phước làm lễ cho bổn đạo xem, gần bên nhà thờ thì ông ấy có lập một đất thánh trong miếng đất giồng. Đất thánh nầy bây giờ hãy còn, một hai khi cũng còn chôn xác con nít hoặc người lớn mà trong gia quyến không thể chở qua chôn tại đất thánh họ Chà Và.

Lại tại Giồng Đưng ông Bốn có trích ra một phần đất, đặng lấy huê lợi mà lo việc nhà thờ.

Còn em ông Bốn là ông Nguơn đã lập gia cư ở gần anh, con cháu ông nầy rày còn ở tại họ Chà Và, là bà câu Phú, danh Tung và thị Y, lại cũng có một người đi Nhà phước Cái Mơn là dì Quế.

Một người con ông Nguơn tên là Vầy đã qua đời tại Chà Và trong năm 1905, không có con. Ông Vầy nầy làm ông cả trong làng, hồi còn trai đã biết cố Du (Bienheureux Marchand), khi ấy ở tại Rạch Rập, thì có cơn bắt đạo Minh Mạng nổi dậy dữ dằn, và ông Vầy đã đem á thánh Du trốn ẩn trong rừng kẻo phải bắt.

Trong cơn bắt bớ thì những con cháu ông Bốn phái tứ tán cùng bị tịch phong gia sản điền viên, còn những con cháu ông Nguơn thì giả chối đạo, cho nên ở yên mà giữ các phần đất đã chia cho mình, lại cũng soán những phần của con cháu ông Bốn và phần ông nầy đã dưng cho nhà thờ nữa.

Đến sau, khi tân trào lập an rồi, trong mấy năm đầu Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) trị Địa phận, thì có cha Trí và cha Nhơn đến Rạch Rập đặng giảng dạy cấm phòng cho trong họ. Nhơn dịp đó thì những kẻ đã soán đất của nhà thờ xin trả lại đặng mà đi xưng tội. Vậy Đức Cha Gioang dã dạy ông Khuyên, đang làm biện họ Cái Mơn, là con của ông Bốn, là trưởng tộc các con cháu ông ấy, phải qua Rạch Rập đặng mà lo với các cha việc thâu hồi nầy. Thì ông biện Khuyên đã xin mấy kẻ đã soán đất của nhà thờ, chẳng những phải trả đất ấy lại, mà còn phải bồi thường huê lợi đã hưởng hơn 20 năm, cho nên phải lấy đất riêng của mình mà dưng cho Nhà Chung đặng thường những huê lợi ấy. Còn những phần đất của các con cháu ông Bốn mà đã phải vô tay kẻ khác, thì ông Khuyên và trong thân tộc lấy lại cùng đồng bằng lòng mà dưng cho Nhà Chung. Hết thảy đều thuận như vậy, mà đến sau cũng có kẻ muốn xin lại ít phần cùng là xin Nhà Chung cho tiền bạc. Những đất nầy hồi đó phần nhiều thì là rừng bụi, lần lần sau nhờ bổn đạo khai vỡ phá ra, dày công lắm, thì mới có huê lợi.

Những bổn đạo ở tại họ bây giờ, là một phần con cháu của ông Nguơn và mấy bà con của Lý Mười là bên con cháu ông Bốn, là gốc bổn đạo tại họ; còn từ khi nhà nước Langsa lập an rồi, thì có bổn đạo nhiều nơi khác tới ở đông, những kẻ ở Cái Đôi, Giồng Rùm, Saigon và Cái Mơn, v. v. Do theo sổ rửa tội năm 1895, thì thấy có nhiều gia thất ở họ Chà Và đi ở mấy họ khác, là Bãi Xan, Mặc Bắc và Cái Đôi, và nhứt là trong mấy họ mới về sở Sốc Trăng, Cần Thơ và Rạch Giá. Phải mà những bổn đạo ấy đừng bỏ họ Chà Và mà đi, thì lọ nầy sum lắm. Các chức tại họ bây giờ thì không rõ hết các việc lớp trước được, biết được là sau con bắt đạo, từ lúc qui lập họ lại tới giờ mà thôi.

Vậy khi hết cơn bắt đạo thì đã lo qui lập họ Chà Và lại, trong những quới chức đứng đầu lo việc nầy là: Ông câu Vọng, ông câu Sáu. biện Đạo bà con với ông Nguơn, biện Ký, biện Bảo, biện Kỷ và biện Lừa.

Trước khi nhà nước Langsa qua Nam Kỳ, thì bổn đạo nhớ tên annam của các cha tây có ở tại họ Chà Và, là cố Giáo, cố Phương và cố Du ( Bienheureux Marchand). Còn trong các cha bổn quốc thì có á thánh Minh, á thánh Lựu, cha Thiềng, cha Lân, cha Tuyết, cha Hiển, cha Trí và cha Khiêm.

Cha Khiêm coi họ Giồng Rùm từ năm 1860 tới 1870, trước thì tùng cha chánh sở tại Bãi Xan là cố Phước, cố Greset; sau lại tùng cố Hương (P. Fontaine) ở tại Giồng Rùm, tưởng cha Khiêm đã khởi đầu lo qui lập mấy họ về sở Chà Và lại; và nhiều phen phải quân ngụy phá hại. Cha đã dời nhà thờ Rạch Rập tại Giồng Đưng qua giồng Chà Và, là nơi nhà thờ họ bây giờ. Nhà thờ thứ nhứt nầy đã bị quân ngụy hủy phá hay là thế nào không rõ, tới chừng cố Đức (P. Moreau) coi họ Rạch Rập, Thâu Râu và Cái Đôi, lối năm 1871 và 1872, cha đã cất một nhà thờ tại Giồng Chà Và, gần cái kinh cùng một tên ấy (kinh Chà Và), lại cha có làm một kinh nhỏ ăn hiệp với kinh ấy, thiên hạ bây giờ còn kêu là kinh cố Đức.

Kể từ năm 1875, thì cha Hiền (P. Favier ) coi họ Giồng Rùm, còn mấy họ là Chà Và, Cầu Ngang và Cái Đôi thì các cha annam coi, cha Dư, cha Phong, cha Lý, cha Gia, cha Lịch, cha Thích, cha Thạch và cha Miều, cũng có cha Thông (P. Gerber) coi mấy họ ấy trong năm 1888 tới năm 1890. Các cha nầy khi ở họ nọ khi qua họ kia chớ không ở luôn hoài một chỗ.

Tới năm 1897 cha Quang (P. Clair) về ở Chà Và cùng lập họ nầy nên chánh sở, thì mới có cha ở luôn tại đó, và kể từ đây họ Chà Và đã đặng tấn phát mở mang nhiều. Trong năm 1890 cha Quang có cất một nhà thờ theo kiểu annam tại họ, Đức Cha Mỷ (Mgr. Colombert) đã làm phép nhà thờ nầy trong năm 1892, mà khi đó không có nhà cho cha ở. Bây giờ thì có nhà cha sở lớn tốt, có trường họ bằng ngói; số bổn đạo trước chừng 460 nay tăng gần tới 900 và chắc sẽ tăng thêm nữa vì số đồng nhi trong họ thêm luôn. Việc đạo hạnh thì người giáo hữu cùng phấn chấn hơn xưa bội phần, vì từ khi có cha sở ở luôn tại họ thì ai nấy đều sốt sắng về phần hồn.

Việc đem người ngoại trở lại đạo thì tại họ không có bao nhiêu, bỡi cả họ toàn là con nhà giáo hữu, không có người ngoại ở, song trông cậy nhờ ơn Chúa, thì lần lần cũng có người ngoại ở xung quanh đó vô đạo; họ Chà Và đã đặng ơn Chúa gội nhuần, nên trông sẽ tràn ra mà đem những kẻ ấy vào trong ràn chiên Chúa.

---------------

Họ Giồng Rùm

Theo như lời những kẻ cố cựu nói lại, họ Giồng Rùm đã có hồi giữa đời Minh Mạng, cách tám chín mươi năm nay, gốc là có 4 nhà có đạo ở miệt Bạc Liêu, Cà Mau qua đó mà ở và lần lần qui nên một họ. Bốn chủ nhà có đạo ấy là: Nguyễn văn Nhân, Nguyễn văn Triều, Trương văn Vây và Huỳnh Văn Linh.

Mấy gia thất nầy tới ở tại Giồng, trước là đất của người Cao Mên ở và kêu là Sốc Rùm, sau người An Nam đổi tên lại là Giồng Rùm. Vậy 4 người ấy đã xin phép quan mà lập làng là làng Hòa Hảo bây giờ, cùng kêu nhiều nhà có đạo nữa tới ở đặng khai phá đất mà làm ruộng. Cho nên lần hồi số người có đạo tới 100, nhưng không dám vỡ đất ra cho nhiều, chỉ lo làm ruộng đủ dùng mà thôi, vì thấy địa thế không vững, phải quan phòng luôn, hễ có sự gì xảy ra một chút thì người ngoại xung quanh đó ỷ thế mà hiếp đáp kẻ có đạo.

Vậy khi ấy số người có đạo ở đây tới 100, mà không có nhà thờ, hễ khi tới lễ thì tựu lại trong một nhà nào đó mà đọc kinh với nhau, hay là đem nhau vô trong rừng tràm gần đó, phải giấu không cho người ngoại biết; nhứt là khi có cha tới viếng thì ai nấy lo xưng tội rước lễ, lén lúc trong rừng tràm; mà hồi đó không mấy khi mới có cha tới viếng một lần. Dầu vậy bổn đạo thảy đều sốt sắng, hễ nghe cha tới thì ai nấy hăm hở đi lo việc phần hồn mình, cùng là đi xem lễ bất kể khổ nhọc cùng là dịp hiểm nghèo, lặn lội vào rừng tràm mà tìm cha cho được - Thật là gương rất tốt lành cho bổn đạo đời nay thầm nghĩ mà so sánh lại là thể nào!.

Nhưng vậy trong cơn bắt đạo lâu dài và độc dữ đời vua Tự Đức, thì có nhiều bổn đạo tại Giồng Rùm bị bắt cùng dẫn qua tĩnh Vĩnh Long, phải chịu gia hình roi vọt kềm khảo, cho nên đã giả chối đạo cho khỏi gia hình; đến sau, khi Đức cha Gioang (Mgr. Miche) sai cha Nhơn và cha Lập tới Giồng Rùm lo lập họ lại, thì những kẻ giả chối đạo ấy đều trở lại.

Trong cơn bắt đạo thì họ Giồng Rùm tan hoang gần hết, nhà thờ lá cất trong năm 1856 phải triệt hạ, phần nhiều bổn đạo phải trốn tứ tán nơi nầy nơi kia, cho nên tại đó không còn bao nhiêu bổn đạo. Cho tới chừng Tân trào lập an, thì cố Hương (P. Fontaine) về ở tại Giồng Rùm, trong ba bốn năm đầu cha phải qui bổn đạo đã tứ tán về, cùng một ít bổn đạo ở nơi khác tới ở trong đất nhà thờ cùng lo khai phá làm ruộng nương. Đó là lối trong mấy năm 1868 và 1870. Chừng cha Hương đổi đi thì cha Báu (P. Leprince) đổi lại. Cha Báu phải sắm khí giái cho bổn đạo chống trả quân ngụy ở phía Ba Động kéo tới phá, tướng nó là Nguyễn Tri Phong. Chúng nó đã đốt chợ Cầu Ngang cùng giết dân sự rồi thì kéo qua ngã Mương Giục. Cha Báu đem bổn đạo tới đánh đuổi chúng nó tại đây, cùng bắt được hơn mươi tên thuộc phe quân ngụy mà dẫn vô Giồng Rùm, Qua bữa sau thì có quan Tham biện Servan dắc binh lính tới, cùng dạy bắn giết hết những tên ngụy bắt được đó, không thèm tra hỏi gì, vì quan làm vậy cho dân sự sợ mà không dám a tùng theo quân ngụy nữa; có một người nói mình có đạo nên quan tha cùng giao cho cha Báu mà thôi. Lúc ấy là lối trong năm 1872. Khi ấy cha Báu có xin quan phải tra xét cho rõ rồi hễ xử, song quan không chịu nghe.

Cách đó thì cha Báu đổi và cha Hiền (P. Favier) về coi họ Giồng Rùm; cha Hiền lo lắng các việc trong họ đã đặng mở mang tấn phát, cha ở họ nầy 22 năm, hết sức ra công mà tạo lập các việc cho vững bền, cùng làm cho bổn đạo đặng nên sốt sắng. Chừng cha đổi đi là trong tháng Décembre năm 1895, thì cha Quang (P. Clair) kế quờn coi họ Giồng Rùm, thì tại họ đã có một nhà thờ vững chắc, có nhà cho cha sở xứng đáng và tiện lắm, bền bĩ lâu dài cho tới nay, và số bổn đạo khi ấy được 700 người. Lại cũng có nhà mồ côi, các dì phước Cái Mơn lo nuôi con nít nam nữ, nay các trẻ nầy đã thành nhơn, lập nên gia thất ở tại Giồng Rùm cùng là mấy họ gần đó. Và cũng có trường họ, dạy đồng nhi nam nữ chữ quốc ngữ và kinh phần, mỗi trường số học trò có thường hơn 50 đứa.

Xung quanh họ Giồng Rùm thì là người Cao Mên, nên không có chầu nhưng, dân nầy thì ở tử tế với các cha thầy cùng bổn đạo, mà không hề chịu theo đạo, cũng không chịu cho con đi học tại trường họ nữa.

Chừng cha Quang đổi thì cha Tài (P. Henri Hay) về coi họ Giồng Rùm được ít tháng, kế cha Viện lãnh coi họ nầy; cha ở tại họ 13 năm, chừng cho đổi qua Rạch Lọp thì cha Vêrô Tròn đổi về họ Giồng Rùm, tới năm 1920 cha Tròn đổi đi Lương Hòa, thì cha Giacôbê Bạch về coi họ nầy.

Những con cháu mấy ông đứng đầu lập họ, còn ở tại họ bây giờ, là Nguyễn văn Triều, biện Bầu, Huỳnh Văn Linh, hương Nhiên, hương Văn, biện Sang và xã Kinh cùng mấy bà con người.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1921

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét