ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Họ Bến Tre

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ BẾN TRE (tiếp theo)

-------------------

HỌ CÁI BÔNG

-------------

Gốc lập họ.

Cả phần đất thuộc về Địa hạt Bến Tre, khi trước là xứ của người Cao Mên, ai cũng biết đều ấy, song không rõ người An Nam đã tới ở đó hồi nào. Bỡi đã đem nhau tới đông quá, cho nên soán đất của Cao Mên, như bây giờ tại Trà Vinh cũng vậy, người Cao Mên phải nhường lại lần lần đất của mình cho An Nam ở.

Hồi cuối đời thứ 18 thì người Cao Mên còn ở tại xứ Bến Tre, mà người An Nam cũng đã tới ở và lập làng xóm rồi.

Trong năm 1776, là năm giặc Tây Sơn đánh lấy Đồng Nai; trong lúc giặc giã nầy người An Nam cũng cứ tới lấn ở trong mấy xứ Cao Mên. Lúc ấy Đức Thầy Vêrô đã có lập trường học tại Cần Thơ rồi, và cách ít năm sau thì vua Nguyễn Anh đã trốn lên xứ ấy mà tị nạn.

Vậy cũng lối trong lúc loạn lạc ấy thì có ba người có đạo đã tới ở trước hết tại Cái Bông, con cháu ba người nầy phần nhiều bây giờ còn ở tại họ.

Cho nên thì lối năm 1780, trong đời Đức Thầy Vêrô cai trị Địa phận, đã có người đạo dòng ở ngoài Annam (Trung Kỳ), tới lập gia cư ở tại Cái Bông. Tên ba người bổn đạo ấy là: Ông Vách Trừng; Ông Chức; Ông Thoại. Ba ông nầy chắc không phải là bà con với nhau, vì tên họ hai ông trước thì khác nhau: Nguyễn Trừng; Trương Chức.

Mấy kẻ đạo dòng tại họ Cái Bông bây giờ, thảy là con cháu đời thứ năm của ba ông ấy. Ông Vách Trừng thì có cháu chắt đông hơn.

Đến năm 1835, cơn bắt đạo nổi lên, thì tại Cái Bông có 46 gia thất có đạo, là con cháu của ba ông ấy.

Chừng hết cơn bắt đạo, cùng dẹp giặc Tây Sơn xong, và vua Nguyễn Anh lên ngôi, là lúc thái bình, họ Cái Bông có một nhà thờ trên chỗ đất cất nhà thờ bây giờ. Đất ấy là của ông Vị rể ông Vách Trừng đã dưng cho Nhà Chung. Khi ấy trong họ cũng có đất thánh, phần nhiều các tổ phụ những bổn đạo bây giờ, xác đã chôn trong đất thánh ấy.

Những cha tây coi họ Cái Bông trước cơn bắt đạo là hai Đấng á thánh (Bienheureux Marchand et Gagelin) cố Du và cố Kính. Cố Trí (tên An Nam trước hết của Đức Cha Cuénot) ở phía trên Đầu Nước có khi cũng đã tới đây, mà phải vội đi nơi khác, vì có kẻ cáo cùng quan. Đến chừng gần hết lúc bắt đạo thì có á thánh Lựu và cố Phan tới lui viếng họ nầy.

Trong lúc cấm kín thì nhà thờ phải tan hoang, bổn đạo tựu tại nhà ông đội Lý mà đọc kinh chung, ông đội nầy là cháu ông Vách Trừng, người chín chắn hẳn hòi; sau người đã bị bắt vì đạo tại Rạch Rập gần Chà Và, và đã sinh thì tại khám Vĩnh Long. Mà theo như gốc tích họ Mặc Bắc, thì nói có khi ông đội Lý đã bị bắt tại Mặc Bắc chúc, vì có nhà tại đó, và bỡi tên bếp Nhẫn và xã Hiệp cáo người với quan.

Còn nhà ông đội Lý ở khi ấy tại Cái Bông, thì gần nhà thờ bây giờ; chỗ ấy nay biện Giác ở.

Bỡi trong lúc bắt đạo, không có mấy khi mà các cha tới viếng họ, cho nên bổn đạo phải đi qua Cái Nhum, Cái Mơng hay là xuống họ Chà Và, tìm kiếm cha mà xưng tội rước lễ, cùng là chịu các phép bí tích khác. Cho nên phần nhiều đã ở lại luôn trong mấy họ ấy.

Vậy trước đã nói trong năm 1835, là lúc khởi cơn bắt đạo, tại Cái Bông đã có chừng 48 gia thất con nhà giáo hữu. Tới năm 1864, cha Quí (P. Gernot) lấy số đặng 105 bổn đạo; năm 1865 thêm đặng 160. Cho nên trong 25 năm cơn bắt đạo, họ Cái Bông không tấn số bao nhiêu, bỡi có nhiều con cháu của ba ông đã lập họ kể trước, đi ở nơi khác. Đến sau chừng bình an, thì có một ít kẻ trở về, mà phần nhiều thì ở luôn mấy nơi ấy. Cho nên gặp đặng tại Cù Lao Gieng những cháu chắt ông Chức; tại Bãi Xan và Mặc Bắc những dòng dõi ông Thoại, ở tại Giồng Rùm cũng có con cháu ông Vách, và trong nhiều họ gần đó nữa, như mà thâu hiệp lại hết các kẻ nầy, thì được một họ to.

Các Cha coi Họ.

Cha Quí (P. Gernot) đã tới viếng họ Cái Bông lần đầu hết, thì lấy số được 105 bổn đạo, là trong năm 1864. Cha ghi lại trong sổ: Những bổn đạo ấy á thánh cố Du (Bienheureux Marchand) đã ban phép rửa tội.

Qua năm 1865 số bổn đạo thêm đặng 160; năm 1866 cha Mỹ (P. Colombert), sau lên làm Đức Cha, đã rửa tội tại Cái Bông 36 người, vậy theo sổ năm kế đó là 1867, Cái Bông đặng 193 người giáo hữu.

Trong lối lúc nầy thì cha Quí giao cho cha Tuyết coi họ Cái Bông, vì cha Quí ở xa lại đa đoan nhiều việc lo không phỉ. Cha Tuyết đã lo cất nhà thờ lại, nơi nền nhà thờ bây giờ, lo sắp đặt các việc trong họ, cùng bàu hai ông trùm và nhiều ông biện; mấy kẻ nầy hồi đó phận sự phải lo dạy dỗ chầu nhưng đạo mới, như là thầy giảng vậy.

Những sổ họ cha Tuyết đã ghi biên hồi ấy, thì mối mọt ăn rách rã; cha Sâm có thấy những sổ nầy cùng nói rằng, trong bảy tám năm cha Tuyết cai họ Cái Bông, có khi đã rửa tội cho 1500 người. Mà số ấy không phải là cho một họ Cái Bông mà thôi, vì cũng kể luôn những chầu nhưng cha đã rửa tội tại An Thủy, tại Giồng Bá Trung hay là Bá Trị, Bình Thành, Cái Sơn, Châu Thới, cho nên như không kể những người cha đã rửa tội tại Cái Bông và Giồng Giá, thì số ấy không phải là nhiều cho lắm. Lại hồi ấy là lúc người ngoại xin vào đạo đông, vì Nhà nước đã đặt ông câu họ nầy tên là Kỳ, làm tổng việc, đặng coi chừng quân ngụy trong mấy tổng ấy, vì những con của ông Phan Thanh Giảng đã kéo cờ ngụy mà chống cự cùng Nhà nước Langsa. Vậy nhờ danh tiếng và thân thế ông tổng việc Kỳ, nên trong mấy nơi ấy thiên hạ thọ giáo nhiều. Ông tổng việc hay là ông câu Kỳ này là con ông cả Dưỡng, rể của ông Vách Trừng, lại là em ông trùm tại họ, quí danh là ông trùm Tứ.

Mà phần nhiều những kẻ xin vô đạo trong khi ấy, là cho đặng nhờ có người đỡ đầu và Nhà nước hộ vực; cho nên đến sau thì lần lần đã bỏ đạo, như tại An Thủy, Bình Thành, Châu Thới, không còn ai là có đạo thuộc về hồi đó.

Còn những người còn giữ đạo tử tế thì đi ở mấy họ khác, như gặp tại họ Bến Tre một gia thất có đạo trước ở tại An Thủy, gia thất thầy Sơn tại Châu Thới, một phần đã qua ở tại họ Chà Và.

Cha Tuyết coi họ Cái Bông cho đến năm 1875 đoạn đổi đi, và cha Phụng (P. Fougerouse) đổi lại.

Cha Phụng vừa nhậm họ Cái Bông, thì đã lo cất nhà thờ lại bằng ngói gạch. Thật là một việc khó, vì trong họ không có huê lợi gì hết, bổn đạo thảy đều nghèo. Cha Phụng có bao nhiêu đều bỏ vô lo cho nhà thờ; vậy đã xây vách lên hoàn thành, mà hết bạc, nên trên phải lợp đỡ bằng lá. Khi ấy có cha Bổn (P. Abonnel) giúp cha Phụng, mà cha ở Cái Bông trong có vài tháng, rồi đi mấy họ là Giồng Giá và Cái Sơn, ngày 15 Juin 1879, cha Bổn rửa tội tại Cái Sơn cho 13 người.

Còn tại họ Cái Bông, từ năm 1875 tới 1879 cha Phụng đã rửa tội cho 100 người, cũng làm phép hôn phối cho 21 đôi.

Chừng cha Phụng và cha Bổn đổi đi (1879) thì cha Kính (P. Sidot). coi họ Cái Bông cho tới năm 1889.

Cha Kính đã lo làm nhà thờ cho hoàn tất, và cha đã rửa tội tại họ đặng 210 người.

Cha Sâm trước có làm phó sở cho cha Kính và ở tại Giồng Giá, sau về coi họ Cái Bông. Trong năm 1894 mặt tiền nhà thờ hư muốn sập, nên cha đã phá và xây một lầu chuông thế lại. Cha coi họ nầy tới năm 1898, thì cha Trình đổi lại thế. Cha đã lo đem một ít kẻ rối, trễ nải, cờ bạc, đặng trở lại.

Tới năm 1905, cha Khánh đổi về Cái Bông, cho tới ngày nay 1920. Theo sổ năm 1910, nhơn số bổn đạo họ Cái Bông đặng 655 người.

-----------

Họ Giồng Giá và Ba Tri

Lối năm 1780 có hai người có đạo là ông Cậy và ông Huấn ở ngoài Annam (Trung Kỳ), tới lập gia cư tại đây, ông Cậy thì ở Giồng Giá, ông Huấn thì ở Giồng Bông, là một xóm cũng gần đó, đất nầy hồi ấy người Cao Mên còn ở. Hai ông nầy là kẻ đứng đầu lập nên họ Giồng Giá.

Ông Cậy có một người con mà thôi; tên là ông Tài, ông nầy có 8 người con.

Ông Huân ở Giồng Bông có hai người con và 13 đứa cháu. Ông nầy tới đây lâu trước khi ông Cậy tới tại Giồng Giá.

Cho tới năm 1835 là lúc khởi cơn bắt đạo dữ dằn, thì những con cháu 2 ông nầy đã có gia tư, cho nên tính sổ được 15 nhà có đạo tại Giồng Giá. Song không rõ khi đó đã có cất đặng nhà thờ chưa.

Á thánh cố Du (Bienheureux Marchand) đã có viếng thăm làm phước cho họ nầy, và cố Kính (P. Gagelin) khi đi viếng Cái Bông thì cũng có tới viếng họ Giồng Giá.

Trong cơn bắt bớ dữ dằn thì không rõ 15 gia thất có đạo họ nầy ra thế nào, tưởng cũng phải đi kiếm tìm thầy cả mà chịu các phép Bí tích. Lại nữa có khi cố Trí (Mgr. Cuénot) đã tới viếng họ Cái Bông và Giồng Giá trong cơn cấm kín ấy, và cũng trong cơn bắt bớ nầy mà nhiều nhà bổn đạo tại Giồng Giá đã rút qua ở Cái Mơng hay là nơi khác cho dễ bề gặp cha mà xưng tội rước lễ.

Còn trong con cháu của ông Huấn, thì có một ít kẻ đã bỏ đạo.

Đến năm 1864 cha Quí (P. Gernot) lấy sổ tại Giồng Giá được 58 người bổn đạo. Cha Quí cũng có ghi trong số rằng: Những bổn đạo nầy á thành cố Du đã rửa tội..

Qua năm 1865 Giồng Giá được 108 bổn đạo. Lúc nầy cha Quí mới lo cất nhà thờ họ, tại nơi chỗ nhà thờ bây giờ.

------------

Giồng Bá Trung.

Là một xóm có đạo gần Ba Tri, gốc bổn đạo họ nầy hết thảy là bà con và con cháu của ông hương nhì Ưng, đã vô đạo trong đời cha Tuyết. Hồi đó ông nầy có dưng một miếng đất cũng đã có cất một nhà thờ. Bây giờ tại Giồng Bá Trung không còn ai có đạo, lớp trước chết, còn những kẻ sống thì về ở tại họ Giồng Giá. Trong hồi đó tại Giồng Bông cũng có người có đạo ở, là mấy con cháu của ông Huấn, lại cũng có cất một nhà thờ nhỏ. Sau xóm nầy cũng nhập vào Giồng Giá.

-----------

An Thủy.

Cũng trong hồi đó có ông tổng Siêu là cháu của ông Huấn đã lo giúp cha Tuyết mà đem một ít người ngoại, tại An Thủy phía bờ gần biển, đặng vô đạo, lại cũng dưng một ít mẫu ruộng và đất. Mà những đạo mới tại đây sau đã nghỉ đạo hết; bây giờ cũng còn một ít nhà có đạo tại làng nầy, mà gốc ở Giồng Giá hay là nơi khác tới mà thôi, chớ không phải là con cháu những đạo mới khi trước tại An Thủy.

Từ lúc Tân trào tới nay thì có những cha nầy coi họ Giồng Giá:

Cha Quí (P. Gernot) từ năm 1864 tới 1868, cha ở tại Cái Mơng.

Cha Tuyết từ 1868 tới 1875, cha ở tại Cái Bông.

Cha Phụng (P. Fougerouse ) từ 1875 tới 1879, ở tại Cái Bông.

Cha Kính (P. Sidot ) từ 1879 tới 1889, cha cũng ở tại Cái Bông.

Ba cha ở tại Giồng Giá, là cha Sâm, từ 1889 tới 1898. Cha Đoài và cha Nhơn từ năm 1898 tới 1901. Sau đó thì cha Khánh ở Cái Bông cùng coi họ Giồng Giá cho tới ngày nay.

Trong năm 1910, số bổn đạo họ Giồng Giá đặng 254 người, có trường họ, mấy dì phước Cái Mơng lo dạy đồng nhi nam nữ học chung một trường.

------------

Họ Ba Châu

Cách 12 ngàn thước đàng đi từ Bến Tre qua Ba Tri, tới chỗ có hai ngả quẹo, phía hữu thì qua Giồng Trôm, còn đàng đi qua phía tả thì cũng rộng khá và cũng có đổ sỏi, đi tới cách 500 thước thì bên hữu có một nhà thờ lợp lá, mặt tiền xây gạch, bên tả nhà thờ thì là trường họ, có hai dì phước Cái Mơng ở dạy, sau nhà thờ thì có nhà cha sở. Đó là họ Ba Châu (thiệt tên làng đó là Châu Phú), nhưng bỡi bổn đạo ở lải rải trong ba làng là Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình, nên đặt tên chung gộp lại ba tên đầu của ba làng, mà kêu là họ Ba Châu.

Họ nầy mới lập trong năm 1903 mà thôi. Nhưng vậy cũng nên nhắc lại, là trong đời của Tuyết, cha đã có lo việc mở đạo tại Châu Thới, và có một người tên là Thầy Sơn và con cái đã vô đạo cùng bền đỗ luôn. Nhưng khi mấy con cái thầy nầy lớn lên thì đều qua ở họ Chà Và, trừ ra có một người gái đã làm bạn cùng một người đạo dòng ở tại họ Giồng Giá.

Vậy nhờ người đạo dòng nầy an ủi những bà con bên vợ còn ngoại, lên lần lần đã có nhiều nhà xin vào số chầu nhưng học đạo. Và khi có thầy tới ở dạy tại Bình Khương thì số chầu nhưng có thêm nhiều hơn nữa.

Số bổn đạo họ Ba Châu đặng 133 người; mà không phải là gốc một chỗ với nhau. Nhiều kẻ ở Châu Bình thì đã chịu phép rửa tội tại Châu Bình, kẻ khác thì rửa tội tại Châu Thới, và trong năm 1904 thì rửa tội tại Châu Phú đặng 48 người, tại nhà thờ tạm, tới năm 1908 thêm 45 người nữa. Hết thảy các bổn đạo nầy Đức Cha Mão (Mgr. Mossard) đã ban phép Xức trán trong năm 1909.

Vậy họ Ba Châu là ba làng như nói truớc: Châu Bình, Châu Thới và Châu Phú, ba nơi đều có nhà thờ lá, Châu Bình lập trước, kế Châu Thới, sau hết mới tới Châu Phú. Bỡi hai nơi trước thì thế không khá, nên mới lập nơi sau là Châu Phú, tại đây thì đã cất nhà thờ khá hơn và có cha ở thường. .

Cha Nhậm đã coi họ nầy từ năm 1904 cho tới ngày người qua đời là 3 Mai 1920. Cha đã cất nhà cha sở lại tử tế.

Nhà thờ họ cũng khá mà trên còn lợp lá, cha Nhậm cũng đã lo lắng đặng cất lại. .

Cha Nhậm qua đời rồi thì cha Nhạn về coi họ Ba Châu.

------------

Họ Hương Điểm.

Họ nầy gốc là bỡi có ông cả Quới đã trở lại đạo khi gần qua đời, là trong năm 1893; ông nầy là cha của quan Đốc phủ Hiền. Vậy những con cháu ông cả Quới đã theo đạo như cha mình, cũng đã cất một nhà thờ nhỏ trong đất riêng gần mộ ông cả. Con trưởng nam người là ông Lê quang Hậu, hồi còn chầu nhưng, trong năm 1894, đã dưng cho họ Bến Tre một miếng đất đặng cất nhà thờ họ, giá tới 800$. Ban đầu người chịu dưng nửa phần; song chừng làm tờ thì người bằng lòng dưng trút hết miếng đất ấy cho nhà thờ, không lòng rít rỏng với Chúa.

Tại đây có hai dì phước lo việc Hài đồng, kiếm con nít kẻ ngoại gần chết mà rửa tội. Hai dì ở một nhà cất trong đất của ông Lê Quang Hậu.

Đây cũng nên kể luôn cho hậu lai đặng rõ một việc phước đức của ông nầy, là người đã chịu nuôi dưỡng thầy Công (thầy Nhà trường Latinh) vì mang bịnh phung mà phải thôi học. Thầy ở tại đó hơn 12 năm, ông Lê Quang Hậu cất cho một phòng riêng cùng lo lắng nuôi dưỡng tử tế như là bà con vậy.

Theo sổ năm 1910, tại Hương Điểm có 6 nhà có đạo số là 23 người. Thường Chúa nhựt, Lễ cả thì đi xem lễ tại Châu Phú, cùng là thẳng lên Bến Tre hay là qua Cái Bông.

--------------

Họ Bình Khương.

Trong năm 1907, có một người có đạo tên là bếp Phúc, đức tin hẳn hòi, nhưng bổn phận mình không đặng tuyền vẹn, là vì rối vợ chồng lại hay rượu trà. Tên bếp cựu nầy không biết làm gì cho có mà ăn, phần đã già yếu, nên mới bắt qua việc dạy đạo mà nuôi mình. Người đem đặng nhiều người ngoại tại Cù lao Lá học đạo, rồi qua làng kế đó là Bình Khương cũng là việc mở đạo, và cũng có người chịu trở lại, bếp Phúc muốn xin làng lấy cái đình làm nhà thờ, bỡi đó cho nên ra chuyện cải lẩy trong làng xóm. Khi ấy cha Vị (P. Danvy) ở Bến Tre hay việc nầy, thì cha tới đây mà nói cho bếp Phúc rõ, đình của làng thì để cho làng, còn những chầu nhưng thì để cha lo cho. Vậy bếp Phúc liền vưng lời cha mà đi nơi khác.

Đến sau cha Vị đã gặp tên bếp nầy đau nằm tại nhà thương Bến Tre, cùng đã chết bình an tại đó, người đã sửa mình lại tử tế, cùng tỏ ra đức tin mạnh mẽ. Dầu trước người không phải là đức hạnh chi, song thật là bỡi nhờ người đã khuyên dỗ đặng nhiều người ngoại giáo tại Cù Lao Lá và Bình Khương trở lại.

Sau đó thì có nhiều thầy Nhà trường tới dạy chầu nhưng tại Bình Khương, và trong năm 1900 và 1901 rửa tội cho những chầu nhưng tại đây. Và từ đó về sau thì cũng có một hai nhà ngoại xin vô đạo. Năm 1910 thì số bổn đạo được 53 người.

Tại họ thì có nhà thờ nhỏ bằng lá, và một trường học, mỗi năm dạy học được 1 kỳ 3 tháng mà thôi.

-------------

Họ Cái Sơn

Họ nầy ở tại làng Lương Phú, Tổng Bảo Thành, cách Bến Tre chừng 10 ngàn thước, không có đàng bộ nên đi ghe coi xa hơn. Họ nầy đã có hồi tân trào mới lập, là lối năm 1869, trong đời Đức Cha Miche.

Đầu hết có hai người ngoại là Nguyễn văn Sửu và Kiều văn Võ tại đây đã xin vô đạo cùng qua Cái Bông mà nghe dạy, cha Tuyết khi ấy đang coi họ nầy. Hai người chịu phép rửa tội rồi thì có nhiều nhà ngoại khác cũng xin học đạo, nên thành ra một họ và Nguyễn văn Sửu đứng đầu làm ông câu. Ông nầy có đức tin vững vàng, hết lòng cùng các cha các bà, chầu nhưng học đạo thì người dạy, nhiều khi cũng nuôi những kẻ ấy đặng ở mà học nữa. Ông nầy đã qua đời lối năm 1888, còn lại một cháu trai tên là Danh còn ở tại Cái Sơn. Còn ông Kiều văn Võ có năm người con, có gia tư và đạo hạnh tử tế.

Cách ít năm kế sau, có thầy thông Gia ở Giồng Kè, người gốc Bắc Kỳ lại là cựu học trò Nhà trường Pinăng, cùng là anh rể của quan Tổng đốc Lộc, dưng cho họ Cái Sơn một miếng đất chưa khai phá chừng 40 mẫu, ở gần ngoài đầu rạch Cái Sơn Bé. Và từ đây thì họ nầy thuộc về Địa sở Cái Mơng không còn thuộc về Cái Bông như trước. Nhờ có đất ấy nên số bổn đạo đặng thêm. Nhiều bổn đạo và những dì phước ở Cái Mơng qua đó lo khai vỡ đất nầy ra mà làm ruộng. Bỡi công trình nhà phước lo lắng và chịu hao tổn nên đã được hưởng huê lợi đất nầy cho tới chừng thâu lại đủ sở phí của mình, thì mới giao đất lại cho họ. Cho nên đến năm 1896, họ Bến Tre nên Địa sở và họ Cái Sơn thuộc về họ ấy, thì cha sở Bến Tre đã thối bạc lại cho nhà phước Cái Mơng về sở phí khai phá đất ấy, cùng lấy lại làm của chung trong họ. Mấy dì phước Cái Mơng có công coi lo khai phá hơn nhứt là dì Nghiêm và dì Sum; dì Nghiêm coi chỉ biểu cho dân làm trong các việc giỏi lắm, làm cho đất ấy nên thành thuộc ruộng nương, còn dì Sum thì lo việc ở trường dạy học và dạy chầu nhưng đạo mới.

Đoạn dời nhà thờ về chỗ đất đó, gần trường học và nhà các dì, lại có ông biện Dẹt gốc ở Cái Mơng, qua giúp khai phá đất ấy trong năm 1885 và ở luôn đó, lên làm ông câu họ thế cho câu Sửu, ông nầy đạo đức, hiền từ và siêng năng việc nhà thờ việc Chúa lắm. Lại cũng có nhà biện việc Bạch, tới Cái Sơn trong năm 1889, ông nầy cũng chín chắn đạo hạnh như ông câu Dẹt.

Nhà thờ họ cất lại tử tế là trong năm 1880. Còn nhà thờ bây giờ thì cột cây trên lợp ngói, dưới có lót gạch.

Các cha coi họ nầy là : cha Tuyết, cha Phụng (P. Fougerouse), cha Bổn (P. Abonnel), cha Kính (P. Sidot), cha Châu (P. Legoff), cho Trung, cha Lại và cha Thích, những cha nầy ở tại Cái Bông hay là Bến Tre chớ không phải ở tại Cái Sơn. Còn các cha ở tại Cái Sơn là : Cha Trình, từ năm 1895 tới 1898; cha Sâm: 1898 - 1901; cha Nhơn: 1901 - 1904; cha Nhựt: 1904 - 1908; cha Quí: 1908 - 1910; cha Vàng 1910 - 1911. Theo sổ năm 1910 thì số bổn đạo họ nầy được 200 linh hồn.

-------------

Họ Giồng Quít

Họ Giồng Quít ở tại làng Long Sơn, tổng Bảo Hửu, cách Bến Tre chừng tám chín ngàn thước. Họ nầy có trong năm 1890, vì cha Lại đã rửa tội cho những chầu nhưng tại đó trong năm ấy.

Người lập đặng họ nhỏ nầy là một người gốc ở ngoài Tonkin, cựu thầy giảng học tại Hà Nội, tên là Gioang Baotixita Nguyễn văn Thành, trước có làm thông ngôn tại Bến Tre, sau làm quan lính thủy. Chừng thôi thì về ở tại Giồng Quít, lo khai phá đất của mình, và cũng lo dạy đạo chút đỉnh. Người nầy đạo hạnh tử tế lắm. Từ ngày có họ nầy thì thầy ấy là ông câu họ chịu nuôi các dì phước tới ở dạy chầu nhưng đạo mới, lại lấy của mình mà cất nhà thờ họ, và khi người qua đời thì có dưng cho nhà thờ 6 mẫu ruộng. Ông câu Thành nầy qua đời trong năm 1907, còn lại có một người con gái ở tại họ mà thôi, người nầy hằng noi gương lành cùng các việc phước đức cha. Số bổn đạo tại họ Giồng Quít chừng 100, vì đất nhà thờ không bao nhiêu nên không có ai tới ở thêm. Các cha ở Cái Sơn côi luôn họ nầy.

Cha Mẫn (P. Ackermann) đã cất tại Giồng Quít một nhà thờ khá rộng, mặt tiền xây gạch, lợp ngói. Trong ngày 8 Mai 1917 Đức Cha Quinton đã thân hành đến làm phép nhà thờ nầy cùng ban phép Xức trán cho đồng nhi và những đạo mới. Ý cha Mẫn cất nhà thờ nầy cho lớn đặng mà thâu hiệp mấy họ nhỏ ở gần nhau chung lại một họ, là Giồng Quít, Giồng Ổi và Giồng Kè, tính chung hết thảy thì được 200 bổn đạo.

----------

Họ Phú Lệ

Lối năm 1912, cha Lân (P. Bourgeois) và cha Kính nhờ quan đốc phủ Thu giúp sức nên đã lập họ Phú Lệ, cách Ba Tri vài ngàn thước. Hồi đó sum lắm, có tới 350 chầu những học đạo và bộ ân cần, nên cha Khánh có cất một nhà thờ lá nhỏ mà vừa xứng đáng. Nhưng bỡi đất xung quanh đó thảy đều thuộc về của làng, nên không thể mua được, phải mướn chỗ đất cất nhà thờ đó trong 20 năm mà thôi. Lại dân sự đều ở đất của làng, nên sợ sau việc đạo không đặng thong thả vì làng ngoại. Dầu vậy đang khi ấy mọi sự đều bình an, vì có quan đốc phủ Thu ở tại Ba Tri,

Trong năm 1913 Đức Cha Quinton đã đến ban phép Xức trán tại Giồng Giá, và cũng có tới viếng họ Phú Lệ, Đức Cha thấy những đồng nhi con của các chầu nhưng kinh phần đều học giỏi như các đồng nhi con bổn đạo họ Giồng Giá, nhưng mà Đức Cha dạy các cha phải cẩn thận lắm mà chọn lựa chầu nhưng, đừng cho chịu phép rửa tội mau, mà rồi sau không được bền.

Năm sau thì đã rửa tội tại đó đặng 30 người. Cách đó thì quan đốc phủ Thu đổi đi chỗ khác và làng không còn ăn ở như trước, nên nhiều chầu nhưng đã thôi đi nghe dạy, và từ đây thì họ nhỏ tuổi nầy không còn thịnh vượng như lúc ban sơ.

------------

Họ Bảo Thành

Họ này lập cùng một lượt với họ Phú Lệ và số chầu nhưng cũng nhiều. Mà ở đây dễ bề mở đạo hơn, vì mua được đất Giồng giá rẻ và chầu nhưng đạo mới không có ở trong đất làng. Cho nên tưởng sau họ Bảo Thành sẽ thăng số bằng họ Giồng Giá.

(Chung về Địa sở Bến Tre).

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1920

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét