KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ
ĐỊA
PHẬN NAM KỲ
-------------------
ĐỊA
SỞ BẾN TRE
-------------------
HỌ
BẾN TRE
------------------
Bến Tre ở tại rạch Bến
Tre, cách sông Hàm Luông hai ngàn thước, là một cánh đại giang Mékong. Bến Tre
là nơi tĩnh thành; trong năm 1869 thì có đâu chừng 10 người có đạo ký ngụ,
trong năm 1871 số thêm được 42 người, năm sau là 1872 được 30 người. Những bổn
đạo nầy gốc ở tại Bến Tre hay là ở đâu mà đến?. Trong ngày 20 Septembre 1869,
cha Báu (P. Leprince) đã rửa tội cho vài chầu nhưng tại nhà quản Lành tại đó;
còn những bổn đạo khác là những thông ngôn ký lục giúp việc Nhà nước ở xứ khác
đổi về đó, và thê tử những kẻ ấy. Hồi đó thì tại Bến Tre chưa có nhà thờ, lại
cũng không có cha nào coi họ nầy, tới thăm viếng làm phước làm lễ cũng không.
Cho đến năm 1875, họ Sốc
Sải mới lập, và cha Bình coi họ nầy cùng coi luôn họ Bến Tre. Cha Bình hễ khi tới
viếng bổn đạo Bến Tre, thì làm lễ trong nhà mấy thầy; là thầy Gia (anh rể quan
Đốc Lộc); thầy Thanh cựu thầy giảng ở Hà Nội, làm thông ngôn; thầy Dưỡng (sau
là ông phủ Dưỡng).
Qua năm 1879, họ Bến Tre
nhập về họ Mai Dầm (Thanh Sơn), cha Trung cai. Bến Tre khi ấy số bổn đạo còn chừng
40 người, mà hơn 30 trễ nải. Cho nên cha Trung đã lo lắng cho họ nầy đặng vững
kẻo chưa thành mà phải rả.
Vậy cha đã cất một nhà thờ
nhỏ nơi đất của ông Lê Quang Hậu dưng, miếng đất nầy chật hẹp và ở nơi không tốt
gì. Cha cũng xin hai dì phước Cái Mơng tới ở dạy học, còn cha thì ở tại Thanh
Sơn, qua lại viếng thăm. Những bổn đạo có danh tiếng ở Bến Tre khi ấy là: Thầy
Oai, thầy Sang, biện Cần, thầy Dưỡng, thầy Hiền, anh của ông Lê Quang Hậu, là
quan Đốc phủ Hiền bây giờ, và ông câu Nhan.
Tới năm 1885 cha Trung
thôi coi họ Bến Tre, giao cho cha Lại, cha nầy về ở tại Bến Tre, cùng lo cất
nhà thờ khác thế cái nhỏ trước, cất lại nơi phải thế hơn, trong miếng đất của
thầy Hiền (khi ấy lên huyện rồi) dưng, ở gần quan lộ; làm nhà thờ mới nầy sở
phí hết 800$. Tưởng không phải là bạc của trong họ chịu hết mà làm nhà thờ nầy,
vì cha Lại có xin Nhà chung giúp. Nhà thờ đó khá rộng, cột cây, trên lợp ngói.
Vậy họ Bến Tre đã lập nên
xong, trong năm 1887, có hai ông biện và số chung bổn đạo hơn 70 người.
Tới năm 1889 thì thêm đặng
số 136 người giáo hữu.
Trong lối lúc nầy ông phủ
Hiền và ông Lê Quang Hậu đã dưng cho nhà thờ Bến Tre một cái chuông nổi chừng
100 kilô, chuông nầy bây giờ hãy còn.
Cuối năm 1890, cha Thích
đổi về Bến Tre thế cho cha Lại, thì số bổn đạo tính được 154 người, trong họ
khi ấy có 1 ông trùm, 1 ông câu và 1 ông biện; trường họ dạy chung nam nữ số được
46 học trò; việc sắp đặt sửa sang trong họ lần lần đã đặng thạnh, cũng trong
lúc nầy bà phủ Dưỡng đã dưng cho nhà thờ 1 tượng ảnh Đ C Bà Lourdes.
Tới năm 1894 cha Hoàng
(P. Frison) làm cha sở Bến Tre thì có nhiều người ngoại xin vô đạo, cho nên cuối
năm ấy cù lao Bến Tre và mấy họ thuộc về Bến Tre đã tách ra không còn thuộc về
Địa sở Cái Mơn nữa, cùng lập nên Địa sở họ Bến Tre là từ đây. Khi cha Hoàng tới
Bến Tre, thì số bổn đạo được 188 người, Nhà thờ trước của cha Lại đã cất, không
phải tốt gì, nên cha Hoàng lo làm một nhà thờ khác cho xứng đáng hơn, nên đã kiếm
chỗ khác và lo cho có bạc tiền mà làm, vậy ông Lê Quang Hậu trước đã có dưng đất
đặng cất cái nhà thờ đầu hết, nay dưng cho nhà thờ một miếng đất khác gần châu
thành Bến Tre, được hai mẫu. Và ông huyện Sở lo giúp cha Hoàng mà xin tiền bạc
đặng mà làm nhà thờ mới. Nhờ có hai ông nầy nên cha đã khởi lo xây dựng nhà thờ,
là nhà thờ còn bây giờ.
Qua cuối năm 1895, cha Vị
(P. Danvy) đổi lại Bến Tre thế cho cha Hoàng, cha lo tiếp làm nhà thờ cho rồi,
cho tới tháng Avril hay là trong tháng Mai 1896, thì mới bỏ nhà thờ cũ, dở đem
lại chỗ nhà thờ mới cùng cất làm trường học. Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đã làm
phép nhà thờ Bến Tre trong năm 1904 và chọn Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông làm
bổn mạng nhà thờ, có tượng ảnh Đ C Bà Lourdes đứng phía trên bàn thờ chánh.
Theo sổ năm 1910 -1911
thì bổn đạo họ Bến Tre số đặng chừng 250 người, đó là kể số những kẻ giữ đạo tử
tế, còn số những kẻ đã có chịu phép rửa tội tại Bến Tre hay là tại mấy làng
xung quanh thì tới 400, mà những người nầy có tên là có đạo có chịu phép rửa tội,
chớ việc giữ đạo xem lễ đọc kinh thì không còn lo tới.
Nhà thương.
- Nhà thương tại tĩnh Bến Tre, thì đã giao cho các bà dòng ông thánh Phaolồ từ
khởi sự lập là trong năm 1908, và nhà nuôi con nít nữa. Tại nhà thương, có nhiều
người có đạo mà đã bỏ, chừng liệt lào vô đây mới gặp lại đức tin cùng lo trở lại
trước khi chết.
--------------------
Các
cha coi họ Bến Tre
Cha Bình, ở tại Sốc Sải
cùng coi luôn họ Bến Tre, lối năm 1876.
Cha Trung ở tại Thanh
Sơn, cùng coi họ Bến Tre, lối năm 1879.
Cha Lại về ở tại Bến Tre,
từ năm 1885 tới 1890.
Cha Thích từ năm 1890 tới
1894.
Cha Hoàng (P. Frison) từ
năm 1894 tới 1895.
Cha Vị (P. Danvy) từ năm
1895 tới 1912.
Lối tháng Mars 1912 cha Vị
về Tây, thì cha Lân (P. Bourgois) coi họ Bến Tre cho đến năm 1915, kế cha đau
phải về Tây dưỡng bịnh và qua đời tại quê nhà ngày 18 Juin 1915.
Khi ấy cha Mẫn (P.
Ackermann) đang ở Vĩnh Long đổi lại coi họ Bến Tre thế cho cha Lân, cha đã làm
nhà cha sở lại vững vàng phải thế. Đến năm 1919 cha Mẫn đau phải về Tây dưỡng bịnh
thì cha Báu (P. Brugidou) thế coi họ nầy..
-------------
Họ
Phước Hựu
Nơi đường Bến Tre đi Mỹ
Tho, gần sông Ba Lài, là một cánh nhỏ sông lớn Mékong, thì có họ Phước Hựu,
cách xa Bến Tre bảy ngàn thước, họ nầy đã có trong năm 1893, ngày 27 Août năm ấy
đã rửa tội cho những bổn đạo trước hết tại họ. Cách ít năm sau, có nhiều nhà ở
tại Phước Thịnh vô đạo chịu phép rửa tội, cùng nhập về họ Phước Hựu.
Theo sổ năm 1910 -1911
thì số bổn đạo đại tiểu đặng chừng 80 người mà thôi. Tại Phước Hựu thì có nhà
thờ nhỏ.
-------------
Họ
Phước Thành
Họ nầy đã lập trong năm 1895, ngày 27 Août năm ấy cha
Hoàng (P. Frison), cha Thích và cha Trình đã rửa tội cho 80 chầu nhưng lớn nhỏ
tại họ. Có nhiều nhà đã chịu phép rửa tội trước một ít lâu và còn nhiều nhà xin
đình lại sau. Ngày ấy tại làng Phước Thành lớn bé thảy đều hỉ hoan vui vẻ, kẻ
ngoại tuôn đến mà xem các lễ phép đạo cùng chung vui với trong họ.
Những kẻ trong họ ấy trở
lại đạo là bỡi cớ nầy: Khi ấy có một ông quản ở Mỹ Tho, quan biện lý sai qua đó
mà tìm bắt ăn cướp. Mà ông quản nầy dữ dằn lại quá hơn ăn cướp nữa, tra xét làm
hung bạo trong mấy làng cùng phao cho nhiều làng chứa ăn cướp. Người tới tại
Phước Thành mà tra xét nhiều phen, không có ai là ăn cướp mà cũng bắt; làm cho
trong làng ấy và mấy làng khác phải sợ hãi lắm. Bỡi vậy cho nên quan nầy sau đã
bị kiện ở tù và đày ra Côn Nôn.
Dân trong làng khi ấy vì
sợ quản nầy, nên mới xin vô đạo cho có kẻ binh vực chữa bàu mình..
Những bổn đạo đã chịu
phép rửa tội trong năm 1895, cũng có một ít kẻ không bền đỗ, mà có nhiều người
ngoại vô đạo từ ấy, và sau trong mấy kẻ đã nghỉ đạo có ít nhà trở lại; cho nên
theo sổ năm 1910 -1911 thì họ Phước Thành đặng 190 người giáo hữu. Cuối năm nầy
thì đã lo xây dựng nhà thờ họ lại nơi khác thị tứ hơn chỗ cũ, trong một phần đất
của bà phủ Dưỡng dưng; bà nầy trước đã có dưng cho nhà thờ một sở đất đặng hai
mẫu.
Cha Bổn qua đời tại Kim
Ngọc, đã sinh ra tại Phước Thành, cha người gốc ở Chợ Quán và đã bị bắt bớ tù rạc
vì đạo hồi cựu trào, đến chừng binh Langsa qua Nam Kỳ thì ông nầy đi ở tại Sốc
Sải gần Phước Thành.
Có hai dì phước Cái Mơng
dạy học tại họ nầy, số đồng nhi nam nữ chừng 20.
Những bổn đạo ở tại Quan
Điền, Phú Quới và Bình Lợi, Chúa nhựt thì tựu xem lễ tại nhà thờ họ Phước Thành.
Trong năm 1917, cha Mẫn
(P. Ackermann) đã làm nhà thờ họ nầy hoàn thành, nhỏ mà tốt; cha Vị (P. Danvy)
trước đã xây nền. Trong ngày 13 Mai năm ấy Đức Cha Quinton đã đến ban phép Xức
trán và làm phép nhà thờ mới trọng thể, cùng kính dưng cho ông thánh Giude.
Bây giờ cha Nhạn đang coi
họ Phước Thành và mấy họ xung quanh.
------------
Họ
Phú Quới
Họ Phú Quới hay là Thuộc
Đạo, trong năm 1875 có 82 người giáo hữu (Theo trong sổ của cha Bề trên Quí (P.
Gernot) ghi lại). Gần vàm sông Phú Quới thì có một cái mả cũ lâu, có khi đó là
mả của người có đạo tên Thuộc. Tưởng người ấy là kẻ danh tiếng và cố cựu có đạo
tại đó, cho nên trước họ ấy có tên là họ Thuộc Đạo, và cái rạch cũng kêu là rạch
Thuộc Đạo. Mà người bổn đạo ấy là ai? Bỡi đâu mà tới đó? thì không ai biết cho
rõ được.
Khi trước Á thánh Lựu nhiều
lần đã ghé tại Phú Quới mà viếng thăm thầy cai tổng có đạo quí danh là Phạm
quan Huê là cha ông câu trong họ bây giờ. Đến sau ông cai tổng nầy đặng vua
annam ban tước Bá hộ cửu phẩm mà thưởng vì có công giúp nước. Mà ông bá hộ Huê
gốc ở đâu thì con người cũng không biết rõ. Mà cha ông bá hộ ấy hồi qua đời thì
đã chôn tại Phú Quới, cho nên tưởng ông Thuộc mồ mả còn ở gần vàm đó, là một tổ
phụ của ông bá hộ Huê, mà con người làm ông câu tại họ bây giờ không biết cho hết.
Ông bá hộ nầy đã bị bắt
vì đạo cùng bị giam tại Vĩnh Long mà chưa có bị xử; bỡi vì người là một cai tổng
các quan tại tĩnh yêu chuộng, nên đã bỏ qua việc người, nên người bị giam trong
chừng 6 tháng thì đặng tha về Phú Quới. .
Vậy như đã kể trước, con ông
bá hộ nầy là ông câu trong họ bây giờ. Lại hồi tân trào mới qua thì có nhiều
gia thất có đạo ở mấy nơi khác tới trú ngụ tại Phú Quới, trong số những kẻ nầy
thì có ông Phạm văn Nhựt, gốc ở Chợ Quán, đã bị bắt vì đạo, mà người vượt khỏi
ngục, ông nầy là ông già của cha Giude Bổn.
Đó là những bổn đạo đầu hết
ở tại Phú Quới, sau lần lần có người ngoại vô đạo thêm số.
Từ trước năm 1875 thì các
cha sở ở tại Cái Nhum qua lại coi họ Phú Quới. Tới năm 1875 thì có lập họ Sốc Sải,
nên Phú Quới thuộc về họ nầy, cha Bình ở tại Sốc Sải hai năm rồi qua ở tại Phú
Quới trong năm 1877; và cha đã bỏ chỗ nhà thờ cũ, mà cất một nhà thờ mới nơi đất
của ông bá hộ đã dưng. Nhà thờ nầy sau cha Thu (P. Tournier) đã có sửa lại và bền
vững cho tới hồi bão lụt năm 1904.
Trong năm 1880 số bổn đạo
họ nầy đặng 110 người. Tới năm 1883 cha Bình đổi đi, thì cha Lại tới coi họ cho
đến năm 1886. Từ năm 1886 tới 1895 thì họ Phú Quới giao lại cho cha sở Cái Nhum
(P. Tournier) coi. Trong năm 1895 cù lao Bến Tre mới lập nên Địa sở, thì họ Phú
Quới nhập về sở ấy.
-------------
Họ
Sốc Sải.
Trong năm 1875, họ Sốc Sải
là như chánh sở cho các họ ở ngoài bìa cù lao Bến Tre. Theo trong sổ cha Bề
trên Quí (P. Gernot) ghi lại, khi ấy số bổn đạo họ nầy đặng 135 người. Song
không rõ họ ấy đã lập hồi năm nào. Trong năm 1868 thì có cha Lập ở tại Quản Điền
mà dạy một ít chầu nhưng, thì cha có làm quen với một người ở tại Sốc Sải tên
là Công, và lối năm 1870 thì có ít kẻ ở tại đó xin học đạo, nên tưởng đây là góc
lập họ ấy. Lối năm 1874 thì số chầu nhưng thêm đông, thì có cha Bình tới dạy.
Cha Đậu cũng đã có đến đó trong năm 1871. Vậy năm 1876 thì số bổn đạo tại họ đặng
135 người.
Tới năm 1879 thì lại bớt
số, còn có 124 người với một ông câu và hai ông biện, Ông câu nầy là tên Công
nói trước, người đã làm đầu trở lại đạo, và sau cũng làm đầu mà nghỉ đạo, cho
nên theo sổ năm 1882 ghi lại, họ Sốc Sải có 3 nhà rối và 90 người bỏ đạo.
Tới năm 1885 thì số bổn đạo
còn 35 người mà thôi, và lần hồi sau đó thì họ nầy tan nát hết; năm 1893 có lo
lập họ nầy lại mà không thành được. Tưởng là cớ bỡi tại câu Công. Mà không phải
là bổn đạo họ nầy bỏ đạo hết đâu, vì có kẻ qua ở Cái Mơn, nhiều nhà dời qua Phước
Thành cùng cứ giữ đạo tử tế; còn lại một hai nhà tại Sốc Sải cũng còn giữ đạo,
nhưng không đặng siêng sống mà thôi; và chừng ai đau liệt thì xin rước cha tới
làm phước cùng ban các phép cho, không dám bỏ qua.
Bỡi vậy cho nên hột giống
đã ương trồng không phải mất hết; lại thường trong mấy họ lớn thì có nhiều bổn
đạo của những họ nhỏ tới mà nhập vào.
-------------
Họ
Bình Lợi
Họ Bình Lợi ở ngang Cù
Lao Năm Thôn, trong năm 1876 có 58 người có đạo
Gốc họ nầy, là có một nhà
có đạo tên là biện Thành đến lập gia cư tại đó trước hết, con ông biện Thành nầy
sau đã làm phó tổng. Cả và gia thất nầy đông, nên đã thành ra họ Bình Lợi, và
bây giờ các con cháu của gia thất nầy, thảy đều đạo hạnh tử tế tại họ.
Lần lần có vài nhà ngoại
trở lại đạo, trong những nhà nầy thì có nhà ông câu Thắm, con cháu ông nầy còn
giữ đạo tử tế; có một ít nhà đã bỏ đạo, mà đó là kẻ đạo mới mà thôi.
Họ nhỏ nầy ban đầu khi
thì thuộc về Cái Nhum, khi thì về sở Cái Mơn, cũng như họ Phú Quới, cho tới chừng
sau, mới nhập về sở Bến Tre.
------------
Họ
Quản Điền
Trong ngày 1er Juin
1870, cha Trí đã làm phép rửa tội cho 27 người chầu nhưng trước hết tại Quản Điền,
có chú Quí là kẻ làm đầu những đạo mới ấy. Cha Lập trước đã có ở đây 2 năm, dạy
dỗ những kẻ nầy; sau kế đó có ba bốn nhà có đạo, kẻ ở Phú Túc (Mỹ Tho), người ở
Cái Mơng tới ở tại họ nầy sinh con đẻ cháu ra đông cùng giữ đạo chín chắn cho tới
bây giờ; còn những đạo mới cha Trí đã làm phép rửa tội hồi trước đó thì sau đã
tứ tán hết, không còn ở đây.
Những đất ruộng tại làng
nầy, hồi cựu trào thì vua annam để cho một cơ lính làm ăn, những lính ấy làm ruộng
vừa đủ nuôi mình, còn mấy chỗ không làm thì bỏ hoang vu cho cỏ cây mọc. Chừng
cơ lính nầy rút đi, thì đã bán lại cho cha Lập hết những đất ruộng ấy, có lẽ tưởng
những đạo mới đầu hết đã đi mất không còn một ai, là trong những quân lính nầy;
sau có những nhà có đạo ở nơi khác, đến ở làm ăn, cùng cầm vững họ cho tới ngày
nay. Những đất ruộng nầy thuộc về Nhà chung và sau đã bán lại cho ông Đốc phủ Sở
(Gia Định).
Theo sổ năm 1917, thì tại
Quản Điền còn 44 người có đạo.
(sẽ
tiếp)
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1920
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét