ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Cha Phêrô Nguyễn Công Chính

 CHA VÊRÔ  NGUYỄN CÔNG CHÍNH

Linh mục bổn quốc

1867 – 1897 – 1912

------------------


Cuộc đeo sầu nầy chưa khuấy dứt, kế luồng ai bi nọ xảy tiếp liên; hèn chi Hội thánh gọi thế gian là nơi sủng khóc lóc, là chốn trần phiền, chẳng khi ráo đặng nước mắt!

Mới hôm đầu tháng chín tây, họ Hanh Thông Tây phải lịnh Bề trên thiên đời cha sở, là cha Vêrô NGUYỄN CÔNG CHÍNH qua họ Chí Hòa. Nay mồng mười tháng chạp, lịnh Chúa chỉ định đổi cha sở hai họ tân cựu nầy về Thiên hương.

Cha Vêrô NGUYỄN CÔNG CHÍNH là con ông trùm họ Mỉ Hảo, hạt Thủ Dầu Một. Ông trùm nầy dõi đàng ông bà lưu truyền, lo việc Nước Cha trị đến, ông trùm hằng lo giúp các cha sở trong mọi cơn gian nan, mọi chốn hiểm trở, nhiều khi lên đèo xuống ải thì người cũng vui lòng; các cha địa sở Thủ buổi ấy, đều biết và mến ơn ông trùm..

Ông trùm sốt sắng việc Danh Cha Cả sáng, cho đến đỗi người có tám người con, thì đã dưng giúp việc Chúa hết bốn: người con lớn là Vêrô Lễ đã chịu đến chức Lectoratus trong Hội thánh, rồi thọ bịnh thổ huyết, qua đời tại nhà trường Latinh Sài Gòn 1885. Người em là Vêrô Bổn chịu chức Ostiaritus rồi cũng qua đời trong nhà trường 1889; người út thì bỡi Chúa không chọn, vào nhà trường ít lâu, kế cha già mất phải trở về lo giữ lấy gia thất. Còn một Vêrô Chính là con thứ tám, đặng bước lên bàn thờ trong ngày tháng ba 1897.

Cha Vêrô Chính đã sinh ra năm 1867, qua năm 1876 người vào học trường d’Adran Sài Gòn với các thầy dòng. Qua năm 1877 ông già người xin đem người qua trường Latinh, thì cha Humbert là cha sở Thủ khi ấy xét cùng dọn cho Vêrô vào trường. Vào trường học đặng sáu tháng kế mẹ người thọ bịnh, Vêrô phải về giúp mẹ cho đến khi mẹ qua đời, thì Vêrô trở lại nhà trường là năm 1878. Mà từ đây về sau thì hằng đi theo lớp mình luôn, dầu trong lớp có nhiều trò trí hóa sắc sảo, thì Vêrô cũng cầm đặng mực trung chẳng sút.

Cùng lên lớp lớn thì bài vở càng nhiều càng khó, mà vóc dạng Vêrô ốm yếu, sức lực mỏng mảnh; rán nên sau cũng đã phải thọ bịnh đau ngực như hai anh. Qua lớp Cách Vật sang trường Lý Đoán, chịu những chức Hội thánh thì bịnh đau ngực một ngày một tăng, thầy Vêrô năng ho năng mệt; nên quan thầy dạy phải lo điều trị cho cần chẳng nên chậm trễ. Dầu vậy song việc học hành thầy cũng chẳng giảm chẳng bớt, vì người đã biết câu: “Quia tu scientiam repulisti, repellam te ne sacerdotio fungaris mihi. Bỡi mầy đã chê việc học hành thì Tao cũng từ chê mầy, chẳng cho làm thầy cả Tao”. Người học sách đoán cũng theo kẻ mạnh luôn, hằng năm có thi ôn thì người hằng đặng số tốt nhứt hoài.

Trong nhà trường thấy thầy Vêrô ưa giúp kẻ liệt lào bịnh hoạn, cùng làm nhiều việc tỏ thương yêu anh em. Mấy năm làm thầy ở trường thì người lãnh việc coi sóc nhà bịnh luôn, mỗi ngày mỗi đến viếng thăm kẻ bịnh, dầu cho bịnh nhẹ thì người cũng chẳng bỏ qua. Còn nói chi kẻ liệt thì người ân cần là dường nào, sớm thăm chiều viếng, đêm lóng tai nghe, tiếng tiếp ứng chẳng đừng. Chẳng những lãnh nhà bịnh lại còn lãnh việc từng lúc miếng ăn của uống cho học trò, người năng xem sóc kẻo bạn bè làm thuê ở mướn, biếng nhác nấu nướng không kỹ lưỡng, thiếu dư không chừng, không độ. Trong phòng ăn bàn ghế lớp lang thứ tự, lại sạch sẽ vén khéo, rát rến quét tước ung đốt vển vang.

Khi thầy Vêrô thăng quờn Chánh tế thì người dùng hết tài năng, sức lực Chúa đã ban cho người, mà lo việc Chúa và giúp bổn đạo. Đầu hết người dạy nhà trường Latinh An Đức sau về dạy trường Sài Gòn. Nhưng mà phần xác người yếu đuối, Đức Cha thấy không lẽ người gánh vác việc nầy cho nổi, thì Đức Cha định người nhậm họ Hanh Thông Tây là 1899.

Họ Hanh Thông khi trước là họ nhánh của An Nhơn, bổn đạo thưa thớt, nhà thờ nhỏ nhít khó khăn, không vườn tược, chẳng ruộng nương, không rẫy bái; có nội nhà thờ mà rừng bụi cỏ rác, chẳng sinh huệ lợi gì. Cha Vêrô Chính phát gốc dọn gai, sắm sửa nhà thờ, trường học, nhà ở, nhà Dì phước; nói tắc một lời tân tạo gần hết mọi sự đang có ngày nay...Phần thiêng liêng cha nhóm quới chức bàn tính, qui bổn đạo khuyên lơn, tựu đồng nhi luyện lập; nên cuộc Hanh Thông mau ra vển vang vui vẻ. Việc họ thứ lớp, Chúa nhựt, lễ cả đủ đồ trần thiết, sớm xem lễ dồng nhi ca ngợi, chiều phép lành xướng hát đủ kinh. Cha biết dùng phương giục lòng bổn đạo thêm sốt sắng, giữ tánh nết dồng nhi; cha lập nhiều hội trong họ, hội Môi Khôi, hội các Đẳng, hội con Đức Mẹ.

Bỡi cha ân cần đỉnh đoạt thì tiếng người bay ra nhiều chỗ, rủ được thêm nhiều người, nên người ở đó chưa đầy sáu năm, mà nhà thờ đã chật, phải nối thêm mấy căn nữa mới vừa. Việc nầy cũng là việc đại sự: ở đất Sài Gòn cất một căn nhà ngói gạch mà thôi thì đã phải tốn nhiều, huống chi đôi ba căn thì làm sao. Song người cũng lượng trí nối thêm cho được như ta thấy bây giờ; lại còn sắm tống chung, dựng lầu chuông, chuông đổ vang lừng, lập phố cho có huê lợi cho nhà thờ xây dụng.

Nhà thờ đã vậy, còn bổn đạo người người đều mắc ơn cha Vêrô; chẳng nói chi đến những sự người an ủi răn khuyên, những khi người giảng dạy làm phước, cùng khi người rước cha nầy cha nọ thay đổi, cho dễ bổn đạo trần tình việc riêng; mà nói về sự người thăm viếng giúp đỡ phần xác, thì nói làm sao cho xiết, anh nầy chủ nọ đặng sở mần, gặp nghề làm ăn, tiền ra vốn liếng; ấy chẳng phải cha đã chỉ vẽ bày lời? Tuy không tiền giúp đủ mọi người, song sự lo tìm phương chỉ thế, thì là quá nuôi quá giúp, nên nhiều nhà bây giờ rảnh rang vui vẻ.

Phải lo việc họ mà cha cũng không quên nhà trường, là chốn cha hằng cầm hằng tưởng là nhà cha mẹ, là quê hương; nên chẳng có tháng nào mà người chẳng về nhà trường ít là một bữa, thăm cha Bề trên cùng các cha. Người quen nói, nhắc nhà trường với anh em bạn rằng: “Mình ở nhà trường nhiều hơn ở nhà cha mẹ, nhớ lại lúc còn ở trường thật vui quá...”. Bỡi lòng cha mến mộ nhà trường thì cha chẳng quản công giúp đỡ nhiều chuyện.

Còn bề ở với anh em lương bằng: miệng người nói sao thì lòng người cũng vậy, không ly sai một mẩy, nên anh em đã rõ biết, hằng năm tuần cấm phòng vô ra thăm viếng; mấy bữa ấy khách trong nhà cha chẳng ngớt, nơi ăn chỗ nghỉ sẵn sàng, vô ra thong thả, chẳng chút chi ngại đặng. Cha Vêrô tình thiệt ở ngay, bụng tốt lòng rộng, xuất chỗ nầy không cậy chỗ khác, nên nói đặng tay mặt người làm tay trái chẳng biết chi!

Mười ba năm cha Vêrô lao lực nơi đất Hanh Thông vì đoàn chiên Chúa cho đến khi chẳng còn gượng đặng nữa; y lời Chúa phán: Bonus Pastor animam suam dat pro ovibus suis (St J. X. 11). “Đấng chăn lành liều sự sống mình vì chiên.”

Đức Cha thấy cha Vêrô đã hết sức, tiếng nói đà tắt có hơn mười tháng rồi, vì phổi phế đã hư, thì Đức Cha đem cha về Chí Hòa cho nhẹ việc mà dưỡng bịnh. Song hỡi ôi! dưỡng sao cho lại; thuyền chở khẳm giáp đà mười ba cõi, không kéo; mà xẩm sao cho khỏi phá nước. Nhưng mà chẳng qua Chúa đã tiền định cho cha Vêrô đặng nghỉ an một lần, Cha Vêrô về đây vắng vẻ cho dễ dọn mình, ra vào đủ mọi đều nhắc nhở, từng trên có kẻ đau, từng dưới có người bịnh, trước nhà có mồ các Cha nằm đợi ngày sống lại.

Bịnh cha Vêrô một ngày một tới; Đức Cha dạy cho Long Gabriel đến giúp. Cha Long tận lực hết tình lo, vì chẳng những là lương bằng mà đây là hữu ái kim bằng thuốc tây thuốc ta, nói tắt một lời, thầy tây mỗi ngày tuần mạch hai buổi thì còn thiếu chi đặng nữa. Đức Cha đã đi thăm hai lần, cha Humbert đến làm phước, các cha lân cận chuyền nhau thăm viếng; cho đến ngày 12 mới tựu chung một bữa trên 30 cha, mà đưa cho Vêrô ra phần mộ mà từ giã người. Đức Cha đứng làm phép xác, bổn đạo Hanh Thông điệu linh cữu mà từ tạ báo đáp.

MỈ THIỆN.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1913

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét