ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

Họ Vĩnh Long

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ HỌ VĨNH LONG (tiếp theo)

--------------------

Những đấng tử đạo và xưng đạo tại Vĩnh Long

Như ta đã kể lại trước, tại Vĩnh Long thuở cựu trào là nơi bắt đạo dữ dằn, nhiều giáo hữu bị cầm tù ngục mà xưng đức tin mình; lại trong các vì Á thánh trong Địa phận, thì có Á thánh Philípphê Minh đã bị xử trảm tại Vĩnh Long.

Cha Minh quê ở Cái Mơn, sinh ra lối năm 1815, cha mẹ là đạo dòng cả hai. Đức cha Taberd đã đem người cùng ít học trò nữa qua Xiêm, sau qua học tại trường Pinăng, học xong người trở về Địa phận và Đức Cha Lefèbvre đã phong chức thầy cả cho người trong năm 1846.

Năm 1851 vua Tự Đức hạ lịnh bắt đạo, cùng can tầm bắt các cha; lối cuối năm 1852, cha Minh đang coi họ Cái Mơn, có người cáo cha với quan, thì cha Bề trên Borelle đang ẩn tại Cái Nhum, dạy cha Minh phải trốn qua Mặc Bắc tức thì. Chẳng dè tại họ Mặc Bắc có người bổn đạo xấu oán cha Lựu, nên qua Vĩnh Long cáo cùng quan rằng có đạo trưởng tại họ Mặc Bắc; nên cha Lựu đổi đi, cha Minh đổi lại thì cách ít bữa là trong đêm 19 Février 1853, quân lính tới bao vây nhà ông trùm Lựu mà bắt cha và ông trùm cùng nhiều chức việc tại họ nữa. Đóng gông hết thảy dẫn về Vĩnh Long. Các quan tra hỏi cha Minh thì tỏ dấu thương người, nên không có tấn khảo gia hình, một khuyên khóa quá bước qua thập tự mà thôi, song cha không chịu, nên đã kết án và chạy sớ về kinh, theo án cũ thì các quan dạy đày lưu cha Minh, còn các kẻ khác thì phải xử 100 trượng và tha về. Song vua Tự Đức sửa lại phải trảm quyết cha Minh, còn mấy người kia thì bị đày. Án ấy gởi vô Vĩnh Long ngày 3 Juillet 1853. Có người bảo cho cha Minh hay, nên cha đã viết ít hàng mà giã từ các đấng bề trên, và an ủi khuyên bảo mấy kẻ bị bắt với mình vững lòng trung tín cùng Chúa. Kế lính vô ngục dẫn cha đi chém, trói hai tay cha lại sau lưng mà dắc đi, có tên lính đi trước cầm tờ rao án cha, đàng sau có quan binh theo thị. Quân lính dẫn cha sang qua sông Long Hồ tới nơi xử, cách xa thành chừng 3000 thước, chỗ gần bờ sông Cổ Chiên. Xã Phương lên trải hai chiết chiếu dưới đất, trên trải một cái mền cho cha ngồi xuống. Cha bèn lo đọc kinh, lâu một chút, các quan cũng đem lòng kính, không thối thúc gì. Chừng cha đọc kinh xong cũng ra dấu cho quan biết, thì tả đao liền chém cha, đầu lìa xác. Theo lịnh vua dạy, phải ném đầu cha xuống sông, song bổn đạo đi theo đó đã chịu tiền mà xin chuộc lại. Đoạn lo chở xác cha về Cái Nhum, liệm vô hòm tốt, và đem qua táng tại họ Cái Mơn là quê của thánh tử đạo vang hiển.

Tới năm 1889 đã đào hài cốt người lên mà khán nhận theo luật, hầu lo việc xin tặng người lên hiển thánh..

Nơi chém cha Minh khi ấy, bây giờ nhiều kẻ nói không còn, vì bị sông lở phá ra; song có ít kẻ tưởng là lối gần chỗ cây trụ dây thép bây giờ, bỡi trước không có làm dấu chỗ đó, nên không rõ là đâu, nên không có dựng bia tích gì đặng mà nhớ nơi thánh tử đạo đã bị xử. Thật là sự đáng tiếc.

Còn ông trùm Giude Lựu với 6 chức việc họ Mặc Bắc thì còn bị cầm trong ngục, theo án vua dạy phải đày lưu chung thân; khi nghe án nặng nề thì có 4 người đã ngã lòng, chối đạo bề ngoài cho đặng về cùng vợ con, nên còn ông trùm Lựu và 2 ông biện vững lòng chịu đi đày mà thôi. Song bỡi chưa có ghe chở đi, nên 3 người phải trong khám mà đợi trọn một năm. Chẳng hay tới ngày 1er Mai 1854, ông trùm Lựu phải ngã bịnh mà qua đời tại khám đường tối bữa ấy. Bổn đạo đã xin xác người cùng chở về Mặc Bắc chôn cất trọng thể.

Ông trùm Giude Lựu đã đặng Đức Giáo Tông Piô X tặng lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

-----------------------

Trong ngày 9 Décembre 1858, huyện ở Ba Vát sai quân lính tới vây nhà phước Cái Mơn mà cướp phá, rồi bắt hương chức làng, bà nhứt Nhà phước là bà Mátta Lành; và một bà nữa là Isave Ngọ, đóng gông dẫn qua Vĩnh Long, mấy dì phước khác thì trốn kịp, nên thoát khỏi. Quan tĩnh thấy hai đờn bà thì tưởng là dễ khuyên bảo chối đạo, mà không dè có sức thiên làm cho lòng hai đấng đồng trinh nầy nên can đảm mạnh mẽ vững vàng. Nên quan dạy khảo bà Mátta Lành nhiều phen, bà chịu hơn 200 roi dữ dằn rứt xé thịt văng ra. Bà Isave Ngọ một lòng bền vững noi gương bà nhứt, nên cũng bị tấn khảo hung bạo, làm cho người phải chết giấc.

Quan thấy không thắng đặng lòng can đảm hai phụ nhơn, nên phải chịu thua, dạy bỏ vào ngục. Còn 5 người chức việc họ Cái Mơn, 3 người đã khóa quá chối đạo, còn hai người vững lòng cho đến cùng, dầu phải chịu tấn khảo độc ác dữ dằn, song chẳng hề thối chí. Hai người ấy là ông Gioang Hòa trùm họ Cái Mơn, và ông Vêrô Ngoan.

Khi binh Langsa đánh lấy thành Vĩnh Long trong năm 1862, thì những người nầy còn bị cầm trong ngục với nhiều bổn đạo khác nữa. Quan thủy sư Bonnard đã lo cứu những kẻ ấy, và ai gốc ở đâu thì cho về đó.

Còn nhiều đấng xưng đạo nữa lại khám đường Vĩnh Long, song không rõ cho hết mà kể lại.

-------------------

HỌ HỒI XUÂN VÀ HỌ BA KÈ

-------------------

Trong năm 1886, có Lê văn Nên là ông câu họ Hồi Xuân bây giờ, khi ấy anh nuôi của người là thầy cai tổng Đông đã qua đời, mà không có con, cho nên trong thân tộc tranh giành gia tài người, nhứt là người anh của thầy cai tổng ấy, đang làm chức ông cả lại làng. Mà khi thầy cai Đông còn sống thì đã định để gia nghiệp lại cho em nuôi là Lê văn Nên, rày thấy trong thân tộc tranh giành sái phép thì người phải lo kiện thưa. Vậy người qua Vĩnh Long, tới cậy thầy Minh là thông ngôn tòa lo giùm; thầy thông Minh nầy đến sau làm cai tổng và ông trùm họ Vĩnh Long; khi người còn làm thông ngôn tòa thì đã có thân thế nhiều, và người hưởng thân thế ấy mà dùng lo việc mở mang đạo thánh.

Vậy nhờ người thì Lê văn Nên đã đặng kiện, một mình được ăn cả gia tài của anh nuôi để lại, mà gia tài ấy không bao nhiêu, đâu vài mẫu đất mà thôi. Đặng kiện rồi người bèn đi lễ cho thầy thông Minh 50$ mà cám ơn, vì đã có công lo lắng mới xong; song thầy Minh không chịu nhận 50$ đó, nói không mắc công ơn gì đâu, vì là phận sự người phải lo mà thôi; mà như nếu muốn làm cho vui lòng người hơn, thì phải lo học đạo và chịu phép rửa tội. Lê văn Nên nghe vậy thì vưng lời chịu liền; khi ấy cha Lủy (P. Lizé) đau nghỉ bên Hồng Kông, nên thầy Minh dem Lê Văn Nên tới trình diện cùng cha Phong, là cha phó trong Địa sở, và ở tại Tân Hiệp, là một họ mới lập trong đất của thầy Minh.

Cha Phong bèn xin thầy trường Latinh xuống Hồi Xuân đặng dạy; vậy thầy Cường (sau là cha Cường), đã tới ở tại nhà ông Lê Văn Nên mà khởi sự dạy đạo là trong tháng Septembre năm ấy, trước hết thầy lo cất một nhà thờ nhỏ trong đất của ông Nên, cách vàm Cái Cá vài trăm thước, thầy lo dạy ông Nên nầy và nhiều chầu nhưng nữa, nên qua tháng Janvier 1887, cha Phong đã rửa tội đặng 27 người.

Qua đầu năm 1888, lúc ông câu Nên đi lo việc kiện thưa tại Vĩnh Long, trong đêm thứ sáu thì nhà thờ Hồi Xuân bị đốt cháy; thầy Cường đang dạy đó, nghi là bỡi sự oán hận nên mới đốt nhà thờ, nên tức thì chạy tin cho cha Liễu (khi ấy mới về làm cha sở Vĩnh Long) hay. Cha bèn nói cùng quan tham biện, nên sáng Chúa nhựt kế đó có tàu xà lúp các quan và cha Liễu tới đậu tại vàm Cái Cá. Đến nơi rồi lên bờ, cha dạy dọn bàn thờ cùng làm lễ Chúa nhựt tại đó cho các quan xem. Lễ đoạn các quan đòi tổng làng tới mà hỏi, coi ai đã đốt nhà thờ, song tra không ra ai, nên các quan dạy làng phải chịu bồi thường lo cất nhà thờ lại. Vậy không đầy trong 4 tháng, thì làng đã chịu đất cùng làm một nhà thờ nơi gần sông lớn, là chỗ nhà thờ bây giờ, thầy cai tổng lại chịu ngói mà lợp nữa.

Dân sự thấy vậy thì xin học đạo khá đông; sau đó rõ được đứa đốt nhà thờ là một tên chầu nhưng, muốn làm thiệt hại cho làng xóm, nó làm được việc, mà không ích gì cho nó, vì ai cũng chê trách nó, và nó phải nghèo nàn hoài cùng không giữ đạo hạnh gì.

Trong khi ấy (1888) thầy Cường dạy được 60 chầu nhưng, và cha Liễu với cha Phong đã đến mà rửa tội cho những người nầy cùng làm phép nhà thờ mới.

Vậy số bổn đạo đặng thêm tới trăm, cho nên cha Quờn về ở tại Hồi Xuân, và tại Hồi Luông cũng đã có vài nhà xin chịu đạo.

Cha Philípphê Quờn quen biết mấy chỗ nầy, vì khi còn làm thầy đã có dạy tại Ba Kè hai lần. Họ Ba Kè có trước họ Hồi Xuân bảy tám năm; số là có ông quản Hộ gốc ở Ba Kè, quan sai qua ở tại Mặc Bắc, và đã trở lại chịu phép rửa tội hồi cha Minh (P. Montmayeur) và cha Đường coi họ ấy. Đến sau ông quản Hộ trở về Ba Kè, một lòng chín chắn giữ đạo, lại xin cùng cha Lủy cho thầy tới dạy đạo, tại đây đã có rửa tội cho nhiều chầu nhưng; mà theo sổ năm 1910 thì số bổn đạo còn có 50 người mà thôi, là những bà con cùng là sui gia với ông quản Hộ.

Trong năm 1889, cha Havas tới ở tại Ba Kè được ít tháng mà thôi, nhờ có cha nên kẻ ngoại trở lại đạo khá, nhứt là tại họ Sa Co, họ nhỏ nầy tính được 75 người giáo hữu.

Khi cha Quờn về coi họ Hồi Xuân, thì đã đặt ông Lê Văn Nên làm câu họ, và mỗi năm có thêm số chầu nhưng đạo mới luôn; trong năm 1898 đã rửa tội tại Hiếu Nhơn và Hiếu Hòa 190 người chầu nhưng

Năm 1904 cha Quờn lập thêm đặng một họ nữa là Cái Quá, số bổn đạo được ba bốn mươi, lại lập họ nầy cũng dễ bề, vì cha mua được đất, có chỗ làm nhà thờ và cho bổn đạo ở.

Nhà thờ họ Hồi Xuân thì lớn tốt, cha Quờn đã lo cất, hao tổn tới 7779$. Nhà chung chịu 3900$ còn mấy ngàn nữa thì cha xin trong bổn đạo tại họ cùng là họ nầy họ kia mà làm. Ai cũng lấy làm lạ, vì thấy bổn đạo tại họ thảy đều nghèo, mà có nhà thờ lớn tốt như vậy.

Bây giờ cha Giacôbê Quận coi họ nầy.

---------------------

HỌ TƯỜNG LỘC

---------------------

Họ Tường Lộc khi mới sơ khởi kêu là họ Sa Co là lối năm 1877. Nguyên đầu hết có ông Vêrô Tạ xuân Hòa, khi nhà nước Langsa soán nhậm tĩnh Vĩnh Long yên rồi, thì ông nầy đặng quan bàu cử làm chức Sung biện hầu giúp việc với cai phó tổng, khỏi một ít năm ông nầy xin thôi chức Sung biện đang lúc cha Lễ (P. Le Mée) đến làm cha sở họ Vĩnh Long, thì ông Vêrô Tạ Xuân Hòa đã đến Cái Mơn ra mắt với cha Bề trên Quí (P. Gernot) mà xin giữ đạo, đoạn cha Bề trên sai hai dì phước, là dì Ba Tú, Dì Bảy Chẳng ở Cái Mơn qua ở nhà ông Sung biện mà dạy chầu nhưng lối năm 1878. Khi đó có cha Vêrô Nguyễn Phi Đậu đang lập họ Ba Phố, đàng đi chừng sáu ngàn thước, Đức cha giao cho cha Vêrô Đậu tới lui coi luôn chỗ nầy nữa. Ông Sung biện nuôi hai dì phước ở trong nhà dạy chầu nhưng lối chừng 2 năm, số chầu nhưng khi ấy được chừng 20 người; kế xảy ra có sự trắc trở, ông Sung biện buồn trí không chịu rước 2 dì phước nữa. Khỏi ít năm ông nầy đem con lên gởi ở học trong nhà bà phước tây Vĩnh Long, cùng xin cha Liễu (P. Lallement) đang làm cha sở Vĩnh Long đặng xin giữ đạo lại, thì cha Liễu giao cho cha An (P. Havas) ở Ba Kè và cha Philípphê Quờn đang ở họ Hồi Xuân tới lui coi sóc chỗ nầy. Đoạn cha Liễu xin đặng thầy sáu Cường (sau là cha Cường) tới dạy họ nầy, có một ít nhà giữ đạo thêm nữa, thầy sáu Cường đổi đi, có thầy năm Tân (sau là cha Tân) đến dạy, lúc ấy là năm 1891 chưa có nhà thờ, thầy Tân phải ở đậu trong nhà tên Tư Hộ mà dạy chầu nhưng. Kế ông Sung biện Hòa dưng cho nhà chung 2 mẫu đất bây giờ hãy còn kế rạch Sa Co, làm tờ dưng đất xong rồi thì thầy Tân lo xin cây, mua cột cất một nhà thờ tại chỗ nầy. Thầy năm lặn lội cực khổ lắm mới cất đặng một cái nhà thờ bằng cây vườn, ba căn 2 chái, lợp lá, cột chôn; khi thầy năm Tân đổi về Saigon thì bề trên sai thầy tư Bổn (sau là cha Bổn) đến dạy đặng chừng năm năm, cũng có thầy Thắng (sau là cha Thắng) mới chịu chức theo cùng thầy tư mà học tập dạy dỗ; khi đó thầy Bổn có xin phép cha sở mà lập bạc hội trong bổn đạo, đặng lấy đó ngày sau xuất dụng việc nhà thờ, bạc hội nầy đặng thạnh việc làm như sẽ nói sau.

Khi thầy Bổn lên chức thầy cả rồi có thầy năm Phú (sau là cha Phú) đổi lại dạy, khi thầy năm Phú mãn phiên, thì có thầy tư Dư tới. Lúc ấy số bổn đạo và chầu nhưng được chừng 50 người, đến khoản nầy ông Sung biện Hòa đã qua đời rồi, nên cha Quờn ở Hồi Xuân tính bàu cử một người thế mặt. Ngài cử con trai ông ấy tên là Vêrô Tạ xuân Du bây giờ còn sống đang làm chức ban biện, lên làm biện họ gọi việc thế cho cha mình đã qua đời.

Qua năm 1904 cha Quờn thấy nhà thờ đã cũ mối ăn gần hư. Nên người tính dời ra vàm rạch Sa Co, đặng cất lại cũng lợp lá nơi chỗ thị tứ hơn, cất vừa rồi, qua năm 1906 ngày 1 Août thì cha Quờn đổi về họ Kinh Điều. Cha Phaolô Ngãi đổi lại thế coi họ Hồi Xuân, cha có xin đặng thầy tư Vạng (sau là cha Vạng) đến dạy đặng ít tháng, kế thầy bị ăn trộm lấy hết đồ đạt của thầy, ông chức việc họ là thầy ban biện Du can tâm bắt đặng tên gian trá nầy có đồ tang đủ, giải đến quan nó bị ở tù 6 tháng. Nên nó oán lắm, khi mãn tù về, nó oán đốt nhà thờ nầy cháy tiêu hủy hết, có 2 nhà bổn đạo ở gần nhà thờ cũng bị hỏa thiêu nữa.

Qua năm 1907 có cha Lộ (P. Bellocg) đổi lại làm cha sở họ Hồi Xuân; còn cha Phaolô Ngãi lãnh lo 9 họ nhỏ xung quanh; có xin đặng thầy sáu Binh (sau là cha Binh) đến dạy họ Sa Co; cha sở Lộ dạy cha phó cùng thầy sáu toan tính cùng nhau, mà xuất bạc hội của thầy tư Bổn đã lập ra như đã nói trên đó, số bạc đặng ngoài 400 đồng, cất một nhà thờ táng đá, cột giồng, lợp ngói, đóng vách lụa, nơi chỗ nhà thờ bị cháy đó, các hạng hoàn thành bổn đạo đặng yên, mỗi khi cha đến làm lễ thì bổn đạo lớn nhỏ tựu hội tới đọc kinh xem lễ, rước lễ cách sốt sắng lắm.

Qua năm 1911 Đức Cha Mossard rút cha sở họ Trà Ôn đem đi bổ khuyết nơi khác, thì ngài dạy cha Phaolồ Ngãi phải về ở họ Sa Co, nhằm chỗ cân đường cho dễ tới lui coi luôn họ Trà Ôn và họ Ba Phố. Cha Ngãi thấy chỗ Sa Co nầy đất đai hẹp hòi lắm, không đủ chỗ mà cất nhà cha ở, nhà hài đồng, và trường học đặng rước hai dì phước ở dạy đồng nhi nam nữ học chữ và sách phần, và rửa tội cho con nít kẻ ngoại, cho nên cha Ngãi xin phép Đức Cha mà mua một chỗ đất rộng cách xa nơi cũ, chừng 2500 thước. Đặng dời nhà thờ về chỗ mới nầy cho rộng rãi tiện bề hơn.

Năm 1911 mua đất xong rồi, kế lo cất nhà Hài đồng trước hết, Qua năm 1913 cất nhà cha ở đóng vách ván trên lợp lá. Đoạn liền tiếp theo dời nhà thờ về chỗ mới, nền đúc cất theo kiểu annam vách gạch, lợp ngói, các hạng cất nhà thờ tốn hết 1800$; từ đây đổi tên họ lại là họ Tường Lộc, là theo tên làng, không dùng nơi cũ là Sa Co nữa. Bà Sung biện Isave Bùi thị Đến có dưng cho nhà thờ họ nầy một cái chuông giá bạc 532$. Số bổn đạo họ Tường Lộc theo sổ năm sau hết (1918) thì đặng ba trăm năm người; nhà Hài đồng trong 7 năm; từ năm 1911 cho đến năm 1918 rửa tội được 675 đứa con nít kẻ ngoại cho.

Nguyên trong họ Tường Lộc nầy, số bổn đạo nghèo thì nhiều, giàu thì ít, nhà thờ không có huê lợi, ruộng đất cũng không, nên cha Ngãi chịu cực nhiều lần đến xin với bà Mátta Nguyễn thị Ngọc dưng cho một sở ruộng, và ông Phanxicô Nguyễn thới Linh ở Vĩnh Long dưng được một sở ruộng nữa.

Lại phần của riêng cha cũng có mua ruộng thêm. Lại cha cũng có bao bạc cho một ít nhà bổn đạo mua được ruộng đất. Đến nay số ruộng nầy bổn đạo làm hãy còn dư cho người ngoại mướn làm.

Cúi xin ơn trên giúp sức trong họ đủ ăn phần xác hầu giữ nghĩa Chúa lâu dài vỉnh viễn.

Chung về địa sở Họ Vĩnh Long.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét