ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Họ Vĩnh Long

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ HỌ VĨNH LONG

-------------------

HỌ VĨNH LONG

------------------

Gốc lập họ.

Họ Vĩnh Long thuở đời cựu trào thì không có, mới lập sau đây, là khi binh Langsa lấy thành Vĩnh Long trong năm 1862..

Tĩnh nầy khi trước kêu là Long Hồ, ở gần bờ một cánh đại giang Mékong, và cái sông Long Hồ, là đàng sông đi lên nước Cao Mên và nước Lào, cho nên là nơi chận đường binh nghịch cùng là đầu mối đàng về thương mãi. Bỡi vậy trong mấy đời hoàng đế cai trị nước An Nam, đều có lập thành lớn và nhiều đồn lũy mà cố thủ tại đó, và là nơi quan tổng đốc trấn nhậm, như chúa cai quản mấy tĩnh về miệt dưới.

Vì cớ ấy cho nên tại châu thành Vĩnh Long đời cựu trào không có bổn đạo ở, vì sợ quan quân bắt bớ; những họ mà đã có đời trước, thì là lập trong mấy chốn xa tĩnh thành, nơi khuất tịch, không cho các quan biết, hầu cho khỏi tra xét bắt bớ cùng đặng dễ bề giữ đạo, Cũng như mấy họ là Cái Mơn, Cái Nhum và Bãi Xan, v. v.

Dầu vậy chớ cũng có một ít người có đạo ở tại Vĩnh Long, hoặc là dân dã hoặc trong lính tráng và trong các quan nữa; lại người ta đã biết đặng hai quan lớn danh tiếng có đạo dòng: Một là ông Trần văn Triệu, làm quan lớn cai binh đời vua Gia Long. Ông nầy gốc ở Cái Nhum, đã theo phò vua Gia Long lúc ngài trốn lánh tị nạn, đến sau chừng ngài tức vị hoàng đế, thì đã thưởng công trả ơn cho ông ấy, đặt người làm quan tổng đốc trấn tĩnh Vĩnh Long. Chừng quan nầy qua đời, thì đã đem xác người về Cái Nhum là xứ sở mà mai táng, nhà nước An Nam đã xây bia mồ người tốt lành, mồ nầy bây giờ hãy còn, ở trong khoảnh đất Nhà Dòng Cái Nhum. Những con cháu quan lớn nầy chắc đã ở luôn tại Vĩnh Long, và bây giờ còn một người cháu gái tên là Trần thị Ngàn.

Quan thứ hai là một ông danh sư lương y, các quan và dân sự ai nấy đều yêu chuộng, dầu mà đang lúc bắt bớ, người hằng cứ vững bền trung tín giữ đạo. Mà hai quan nầy và ít kẻ có đạo khác tuy là trung tín giữ đạo chớ cũng phải giấu lắm, vì nếu vua quan hay được thì không tha tù rạc và hình khổ đâu.

Theo sắc chỉ vua đã ra, dạy các quan phải can tâm bắt cho hết những kẻ giữ đạo ở trong tĩnh; nhứt là các cha, cùng phải cầm ngục tại khám đường; bỡi đó tại Vĩnh Long có nhiều đấng xưng đạo và nhiều thánh tử đạo.

Trong những quan có lòng độc dữ bắt bớ bổn đạo nhặt nhiệm hơn, thì có ông Trương văn Huyện, là tổng đốc Vĩnh Long, đang quyền hành lúc binh Langsa qua Nam Kỳ. Chẳng những quan nầy bắt bớ làm khổ sở cho con nhà có đạo, mà lại người là kẻ nghịch ghen ghét người Langsa lắm, hằng giục bảo dân sự dấy ngụy làm loạn; cho nên Vĩnh Long nên như chính chỗ tập lập quân ngụy, trử nhiều súng ống thuốc đạn, và rãi ra kéo đi đánh phá các nơi.

Khi ấy quan thủy sư Bonard là quan cai binh Langsa tại Saigon, thấy không thể nào mà để ổ ngụy ấy yên được, cho nên mới định tấn binh đánh lấy luôn thành Vĩnh Long. Vậy khi lấy Biên Hòa và Bà Rịa xong rồi, thì quan thuỷ sư đem binh sang tới Vĩnh Long là ngày 20 Mars 1862, kéo binh ngay vô đánh một trận thì hãm thành được, và phen nầy quan thủy sư biết trước, nên đã lo mau mà cứu các bổn đạo bị cầm nhốt trong ngục tại thành, không để cho quân nghịch đốt cháy mà phải chết thiêu như nhiều bổn đạo tại Biên Hòa và Bà Rịa.

Quan thủy sư kéo binh nhập thành và dạy thả các bổn đạo bị cầm trong ngục ra tức thì, ngài lại đem xuống tàu theo ngài mà về Saigon hai dì phước ở Cái Mơn, và nhiều quới chức đã phải gông cùm trăng trói mà xưng đạo Chúa tại khám ấy.

Khi binh Langsa lấy Vĩnh Long rồi, thì trong các nơi khác người giáo hữu phải lo sợ lắm, vì quan quân cựu trốn đi và trả thù hà hiếp bắt bớ kẻ có đạo. Cho nên phần nhiều đã bỏ mấy họ mình ở mà tới trú tại Vĩnh Long đặng gần quan tây binh vực, cho tới chừng lập tờ giao hòa xong là ngày 5 Juin 1862.

Trong tờ giao hòa nầy thì nước Langsa chịu để tĩnh Vĩnh Long lại cho nước An Nam, và dân có đạo đặng phép thong thả mà giữ đạo, không ai đặng hà hiếp bắt buộc sự gì. Vậy trong tĩnh đặng bằng an lại ít lâu, các bổn đạo đã tới trú tại Vĩnh Long ai nấy đều trở về họ mình. Mà cũng có phần nhiều thấy bề vững thế và dễ làm ăn hơn. thì đã ở luôn tại đó. Bỡi vậy cho nên tưởng chắc gốc lập họ Vĩnh Long là khởi sự từ đây.

Truyện tích trong họ.

Khi binh Langsa lấy đặng thành Vĩnh Long rồi, thì đóng giữ đó một ít lâu, cho tới chừng khôi phục các nơi nội tĩnh cho yên hàng. Theo như tích cha Bề trên Quí (P. Gernot) đã kể lại, khi ấy cha Cordier (sau lên làm Giám mục trị Địa phận Nam Vang,) đã theo giúp làm phước làm lễ cho các quan và binh lính Langsa, lại cũng làm thông ngôn nữa; cho nên chính mình cha nầy là kẻ trước hết đã lo lắng cho bổn đạo họ Vĩnh Long mới lập tại đó. Lúc ấy chưa có nhà thờ, nên cha dạy lấy cái đình làm nhà thờ tạm, cho có nơi bổn đạo tựu hội xem lễ đọc kinh, chỗ cái đình nầy cũng gần nhà thờ tại họ bây giờ.

Chừng tờ giao hòa lập xong, thì binh Langsa rút về Saigon, giao tĩnh Vĩnh Long lại cho Nhà nước An Nam; thì cha Cordier thuộc về Địa phận Nam Vang, nên đã trở về địa phận mình. Vậy Đức cha Lefèbvre đã dạy cha Bề trên Guillou ở tại họ Mỹ Tho, coi luôn họ Vĩnh Long, từ đó cho tới năm 1865, cha Bề trên nầy phải đi ghe qua lại Vĩnh Long, đặng làm lễ cùng là ban các phép Bí tích cho bổn đạo.

Trong năm 1866, Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) là đấng kế vị cho Đức cha Lefèbvre trở về bên Tây, đã giao cho cha Quí (P. Gernot) ở tại Cái Mơn, coi luôn họ Vĩnh Long.

Lúc ấy vua Tự Đức đã đặt một quan lớn có danh tiếng, là ông Phan thanh Giảng làm tổng đốc Vĩnh Long, người là một trong hai quan sứ thần đã qua nước Langsa mà lập tờ giao hòa. Quan lớn nầy tánh hạnh thanh liêm, ngài biết người phương Tây văn minh thông thái, cho nên đã muốn khuyên bảo con nhà An Nam học chữ tây. Quan nầy cai trị công chính lắm, lo lắng cho dân sự đâu đó đặng yên hàng. Bỡi vậy trong lúc ngài trấn tĩnh Vĩnh Long, thì các bổn đạo khỏi phải khó lòng sự gì hết, đặng bề giữ đạo thong thả, các quan không dám hiếp đáp bắt buộc đều chi. Lại mỗi lần hễ khi cha Quí tới viếng họ, thì quan tổng đốc mời cha đến dùng bữa cùng mình, vì ngài có lòng kính trượng cha lắm. Và chính mình quan tổng đốc cũng đã đi qua Cái Mơn có quân lính hầu hạ rần rộ mà viếng thăm cha Quí, cùng nấy phép cho cha đặng xử các việc trong những người ngoại và có đạo kiện thưa với nhau. Theo trong tờ cha Quí ghi lại, khi ấy bổn đạo tại Vĩnh Long số tới trăm người.

Dầu mà quan tổng đốc nầy có lòng tử tế như vậy, song trong mấy tĩnh là Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên, vì bỡi có mưu sự xúi giục tại triều Huế, cho nên thành ra như ổ ngụy chống nghịch cùng sự cai trị nhà nước Langsa, lại là như nơi cho những kẻ dấy loàn và trộm cướp trú ẩn mà đi phá phách các chỗ khác.

Vậy trong một năm, quan thủy sư de la Grandière đã kêu nài cùng nhà nước An Nam về sự ấy, mà vô ích, trong mấy tĩnh đó cứ làm loạn cùng nhà nước Langsa luôn; quan thủy sư hết sức nhịn nhục, và phải lo lắng cho thuộc địa đặng bình an, nên đã định quyết phải soán hết ba tĩnh dưới mới dứt hậu hoạn. Vậy quan thủy sư đã tin cho các cha ở các họ đặng hay trước, cùng đem binh tới đánh thình lình; quan quân cựu trào không dè, lại cũng biết sức lực binh khí Langsa, cho nên bỏ mà chạy hết không dám đánh cự lại. Trong ngày 19 Juin 1867, binh Langsa đã soán Vĩnh Long, và chính mình quan tổng đốc Phan thanh Giảng chịu hàng giao thành cho quan cai binh Langsa, và ở lại trong thành, vì biết không còn phương gì mà cứu xứ sở cho khỏi tân trào chiếm trị.

Từ đây thì họ Vĩnh Long đã đặng mở mang thêm ra. Có nhiều thầy là cựu học trò Nhà trường Pinăng, đã tới ở tại Vĩnh Long, cùng làm thông ngôn cho quan Langsa, nên nhiều người ngoại, thấy người tây tin và mến kẻ có đạo, thì đã đi vào đạo khá đông. Bỡi vậy cho nên Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đã đặt cha Bernard làm cha sở họ Vĩnh Long cùng giúp làm phước cho quan lính đóng tại thành, cha đã lo cất một nhà thờ, vì số bổn đạo càng ngày càng thêm.

Nhà thờ trước hết tại Vĩnh Long thì lấy cây cột của thành cựu phá ra mà làm, trên lợp lá mà thôi, cất tại chỗ bây giờ là nhà mồ côi; kế bên nhà thờ cũng có làm một nhà cho cha ở.

Từ đó thì việc thờ phượng Chúa đặng rỡ ràng hơn, mỗi ngày Chúa nhựt có đủ quan văn, quan võ và lính tráng Langsa hiệp với bổn đạo An Nam mà xem lễ, cho nên là sự oai nghi tốt lành lắm. Lúc ấy có ông trùm Chữ làm đầu trong họ, nhờ người phụ giúp cha sở mà lo lắng các việc, cùng nhờ gương lành người làm, thì bổn đạo trong họ đặng tử tế lắm; đến sau ông trùm Chữ đã trở về quê quán là Sa Đéc, mà họ nầy khi ấy cũng thuộc về sở Vĩnh Long.

Cha Bernard coi họ nầy được chừng một năm mà thôi, qua năm sau là 1868, cha đã qua đời tại họ Biên Hòa.

Đức cha Gioang bèn đặt cha Lễ (P. Le Mée) ở Saigon, xuống làm cha sở họ Vĩnh Long, và cha cai họ nầy gần 10 năm trọn.

Cha Lễ là kẻ chín chắn mực thước hẳn hòi lắm, trước hết cha lo lấy sổ bổn đạo cho biết mỗi nhà là mấy người; cùng lo biên sổ rửa tội, phép hôn phối và kẻ đã qua đời trong một cuốn sổ riêng.

Năm sau là 1869, cha Lễ đã xin nhà nước lập trường học, cùng giao cho các thầy Dòng dạy; có nhiều học trò ngoại tới học tại trường, lần lần đã xin theo đạo, thêm số bổn đạo tại họ. Trường các thầy Dòng dạy đây khi ấy, số học trò quá 200, và đặng bền vững cho tới năm 1881, thì nhà nước bãi các thầy Dòng không để cho dạy nữa, nên các thầy phải trở về Tây.

Cũng trong năm 1869 nhà nước có cất một nhà thương cho các quan và binh lính, cùng giao cho các bà phước Dòng ông thánh Phaolồ coi giúp bịnh; qua năm 1871 nhà nước đã bỏ nhà thương nầy, tới năm 1876 lập lại, và trong năm 1880 nhà nước bãi nhà thương ấy cho tới bây giờ.

Trong năm 1871 cha Lễ (P. Le Mée) đã xin cùng bà nhứt Benjamin, cai các bà dòng ông thánh Phaolồ tại Saigon, lập một nhà mồ côi tại Vĩnh Long, thì trong năm ấy chúc, có các bà đến ở tại họ. Nhà thờ cột cây cất trước hết đã ra chật hẹp quá, nên cha Lễ phải lo cất lại một nhà thờ khác, là nơi gần nhà cha sở bây giờ, trước trại lính mả tà.

Nhà thờ nầy cột cũng bằng cây, song trên lợp ngói; còn nhà thờ cũ và nhà cha ở thì để lại cho các bà làm nhà mồ côi và nuôi con nít kẻ ngoại cho. Đến sau các bà đã mua mấy miếng đất kế cận đó và lập nhà bằng ngói gạch, là nhà mồ côi bây giờ; mỗi năm tại nhà nầy nuôi chừng 50 đứa con nít, và trường họ cũng lập tại đó nữa.

Trong lúc ấy thì đã mở việc lập mấy họ nhỏ trong Địa Sở, là họ Mỹ Điền, Xuân Sơn và Nhơn Phố, cha Lễ có rửa tội cho một ít chầu nhưng trong những họ mới ấy, lại cha cũng có rửa tội cho nhiều người tại Sa Đéc và Cái Bè nữa.

Cha Lễ cai Địa sở Vĩnh Long trong 9 năm tròn, mỗi Chúa nhựt thì cha làm hai lễ, một lễ tại họ, một lễ tại nhà thương binh. Khi ấy tại họ tính được 100 nhà có đạo; mà đến sau có nhiều nhà đã trở về xứ sở mình, là Cái Nhum và Cái Mơng.

Tới năm 1877, cha sở nhà thờ chánh Saigon là cha Lành (P. de Kerlan) sinh thì; cho nên Đức cha Mỷ (Mgr. Colombert) dạy cha Lễ về Saigon, và cha Nam (P. Faron) đang làm phó sở tại Cái Mơng đổi lại coi họ Vĩnh Long.

Cha Nam trong mình yếu, lại không có cha phó ở giúp, song cha cũng hết lòng lo lắng các việc trong họ chánh và mấy họ nhỏ, nên cũng có thêm một ít người chầu nhưng tại An Kiệt (bây giờ kêu là Cai Lộc) và tại Tân Hiệp nữa. Bỡi cha yếu sức nên ở Vĩnh Long làm không đặng. Trong năm 1880 thì cha đổi lên Thủ Dầu Một, và cha Lủy (P. Lizé) coi họ Vĩnh Long cho tới ngày cha qua đời là trong năm 1887.

Cha Lủy vừa nhậm họ thì lấy hết lòng sốt sắng lo cho kẻ ngoại trong Địa sở đặng trở lại, cha đã rửa tội đặng nhiều. Có cha Phong phụ giúp trong năm 1881, và cách sau đó thì cha Quờn; cho nên đã lập thêm nhiều họ nhỏ, là Cái Tàu, Hòa Thuận và Phú An, mấy họ nầy ở phía đông họ Vĩnh Long. Còn phía nam thì giáp với Địa sở Cái Mơng, cha Lủy cũng có lập đặng nhiều họ.

Vậy trong năm 1882 đã rửa tội cho 156 người; năm 1883 đặng thêm 265 người; năm 1884 đặng 248 người, năm 1885 thêm 267 người, và trong năm 1887 đặng 170 người nữa. Trong mấy năm đó bất thuận cho việc mở mang về đạo, vì là lúc nhà nước bãi các thầy Dòng, và bãi tiền bạc phụ cấp giúp cho Nhà chung bấy lâu. Song lòng sốt sắng cha Lủy không kể đến các sự ấy, cha hằng đi viếng mấy họ mới cùng giảng dạy, cho nên mới đặng đem nhiều kẻ ngoại trở lại đạo.

Trong năm 1885, vì các quan tại triều Huế xúi giục, cho nên ngoài Annam phải quân ngụy nổi dậy đốt phá khắp nơi, hơn 2000 bổn đạo phải bị giết; những bổn đạo địa phận Bình Định còn sống thì chạy vào Saigon mà lánh nạn; thì họ Vĩnh Long cũng có chứa nuôi một phần. Cha Hamon dắc những bổn đạo ấy xuống ngụ tại Vĩnh Long, và ở đó trong 2 năm, chừng dẹp yên quân ngụy rồi mới đem nhau trở về Bình Định. Trong lúc ấy thì cha Hamon coi riêng các bổn đạo của mình, và cũng giúp cha Lủy trong việc họ.

Bỡi cha Lủy lắm việc vàn, vì sốt sắng lo mở mang đạo thánh, cho nên phải mệt yếu. Trong năm 1886 cha đi dưỡng bịnh bên Hồng Kông, và đã qua đời tại đó ngày 8 Février 1887.

Lúc cha Lủy vắng mặt, thì cha Hamon thế coi họ trong chừng ít tháng. Chừng cha Lủy qua đời rồi, thì cha Liễu (P. Lallement) đổi lại làm cha sở Vĩnh Long, là trong tháng Avril 1887, cha coi họ nầy luôn cho tới chết là trong năm 1908.

Cha Liễu nhậm Địa sở Vĩnh Long, trước hết cha cũng lo tiếp các việc của cha Lủy, là qui chầu nhưng lập họ mới. Mỗi năm cha xin ba bốn thầy Nhà trường Latinh tới dạy nhiều chỗ có chầu nhưng, lo dọn cho những kẻ ấy chịu phép rửa tội. Còn mấy họ nhỏ lập đã thành, thì có các cha tới ở mà phụ giúp, chia nhau mà lo các việc trong các họ ấy.

Cha Philípphê Quờn ban đầu ở tại Ngã Tư, sau về ở Hồi Xuân cùng coi mấy họ nhánh về Mâng Thít là: Cái Quá, Hiếu Hòa, Diên Nhơn, Hồi Luông, Sa Co và Ông Năm. Trong năm 1887 cha Long tới coi mấy họ phía đông, là Mỹ Điền, Xuân Sơn, Cai Lộc và Cái Muối. Qua năm 1888 cha Havas tới ở tại Ba Kè, nhưng ở đó được một năm mà thôi. Qua năm 1890 cha Dõng (P. Narp) ở họ Ngã Tư và coi luôn mấy họ Bình Dinh, Bình Quới, và Long Hiệp. Cũng trong năm ấy có cha Cường coi mấy họ, là Cái Tàu, Hòa Thuận, Phú An và Tân Hiệp, lúc ấy khắp nơi trong Địa sở có chầu nhưng đông, cho nên tính chung số bổn đạo hết thảy đặng 2500 người. Cha Liễu hết lòng sốt sắng lo cho các nơi, mỗi năm nhiều lần phải đi vãng các họ, xem xét các việc, cùng chỉ bảo các sự.

Dầu mà cha Liễu chăm lo về các họ nhỏ, song cũng hằng lo lắng cho họ chánh Vĩnh Long. Cha đã làm nhà cha sở lại, như còn thấy bây giờ, rồi cho khởi sự lo làm nhà thờ mới, cho rở ràng việc đạo và xứng đáng nơi Chúa ngự. Trong họ của chung thì không có gì cho nên cha phải xin chỗ nầy nơi kia, bổn đạo tại họ và nhiều người ngoại giàu có đều rộng lòng dưng tiền bạc mà làm. Thầy cai tổng Minh là kẻ có thân thế, hết lòng phụ giúp cha trong việc nầy. Vậy đã khởi sự xây dựng nhà thờ trong tháng Avril năm 1889, và cho tới năm 1894 thì mới hoàn thành. Các việc hao tổn giá 12.000$.

Nhà thờ mới Vĩnh Long thiệt là tốt, làm theo kiểu Rôma, bề dài 38 thước, bề ngang 19 thước, bề cao tới 16 thước 7 tấc, kể luôn 2 lầu chuông không có chót tháp. Phía trong thì xem đẹp mắt lắm, vén khéo tốt lành.

Vậy cha Liễu (P. Lallerment) đã lo xây dựng nhà thờ mới tốt lành, các việc đặng an bày là trong năm 1894; nhà thờ thiệt tốt, cha được can tâm toại lòng; song về phần đạo hạnh giáo hữu tại họ, phần nhiều ra trễ nải lạt lẽo, cùng làm gương chẳng lành, cho nên thì cha không đặng lòng vui cho trọn.

Trong lúc ấy nhiều cha phó trong Địa sở đã đổi đi. Trong năm 1893 cha Tân ở tại họ Ngã Tư, sau về lập tại Tân Hiệp. Trong năm 1898 cha Đặng có giúp trong Địa sở ít năm.

Qua năm 1901, Đức Cha Mão (Mgr. Mossard) đặt cha Liễu lên làm Bề trên địa phận, nên làm việc vàn, vậy cha đã để mấy họ nhỏ phía đông là Mỹ Điền, Xuân Sơn lại cho Địa sở họ Cái Mơn, và họ Cái Muối giao cho họ Cái Nhum.

Từ đó thì Địa sở Vĩnh long là mấy họ nhỏ xung quanh tĩnh thành, và mấy họ ở phía nam cho tới Mâng Thít, cùng mấy họ ở phía tây.

Năm 1905 có cha Thiệt tới giúp cha Quờn ở tại Hồi Xuân. Chừng hai cha đổi đi thì cha Ngãi trong năm 1906, và cha Lộ (P. Bellocq) trong năm 1907 ở Hồi Xuân cùng coi luôn mấy họ phía nam tới Mâng Thít; còn cha Tân thì cứ ở Tân Hiệp cùng coi luôn mấy họ là Cái Tàu, Tân Hạnh, Ngã Tư và Bàu Kiến.

Khi Đức Cha Mão về bên Tây là trong năm 1905 thì cha Bề trên Liễu phải lên Saigon mà xem sóc các việc Địa phận, và cha Mẫn (P. Ackerman) thế coi họ Vĩnh Long, trong một năm. Vì khi Đức Cha trở qua thì cha Liễu vội vã trở về coi họ Vĩnh Long như trước, vì lòng cha lìa họ nầy không được, dầu mà có nhiều sự làm cho cha phải cực lòng. Vậy cha coi họ nầy trong ba năm nữa, hằng an ủi khuyên lơn những người trễ nải, cho nên bổn đạo cũng khá hơn. và ai nấy đều bằng lòng cùng thương mến cha. Chẳng hay lối cuối năm 1908, cha phải bịnh đau trong gan, làm cho cha không ăn uống gì được; nên đã lên Saigon vô dưỡng tại nhà thương quan thầy Angier, bịnh không giảm, và trong ngày áp lễ Sinh Nhựt cha đã sinh thì bằng an.

Trong 33 năm cha đã lo việc tông đồ mở mang nước Chúa, ở tại họ Vĩnh Long gần 20 năm.

Cha Bề trên Liễu qua đời rồi thì cha Mẫn (P. Ackermam) làm cha sở họ Vĩnh Long, cho tới khi cha đổi về Bến Tre thì cha Miêng (P. Bellemim), thế coi họ nầy tới bây giờ.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét