ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Họ Cái Bè

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ HỌ CÁI BÈ

-------------------

HỌ CÁI BÈ

-------------------

Tích truyện lập Họ.

Họ Cái Bè là chánh sở, có cha tây ở cai nội Địa sở, và có hai cha annam giúp coi mấy họ nhỏ..

Cha Vêrô Nhi, cựu cha sở Cầu Kho, khi trước có làm cha phó sở tại Cái Bè, theo những tích cha đã hỏi thăm và biên ký lại, nói họ nầy đã có trong năm 1828, hồi Đức cha Taberd cai trị Địa phận, trong đời vua Minh Mạng, nhà thờ khi ấy lập lối gần nơi cầu sắt lớn, cho nên cũng gần chỗ nhà thờ họ bây giờ. Mà hồi đó cha nào coi họ, và số bổn đạo bao nhiêu thì không rõ đặng. Cho nên không chắc gốc tích họ phải vậy chăng. Song gốc sau đây thì chắc và rõ hơn, là lối năm 1868, có gia thất ông tổng đốc Emmanuel Trần bá Lộc, tới ở tại Cái Bè, và việc lập họ nầy bắt đầu từ đây.

Ông tổng đốc Lộc gốc ở Cù Lao Gieng, cha người là Giude Trần bá Phước, đạo dòng, đã có chịu tù rạc ngục hình mà xưng đức tin mình ra. Khi gia thất người đang ở tại Cù Lao Gieng nghe tin tại Châu Đốc có lịnh bắt đạo, cho nên người đã đề huề thê tử đi lánh nạn, cùng qua ở tại Mỹ Tho, tĩnh nầy khi ấy đã về tay nước Langsa rồi, lại có cha Marc là cha sở cai họ, và cũng làm quan tham biện cai tĩnh nữa. Vậy một người con ông Trần bá Phước là Emmanuel Lộc đã tùng cơ lính nhà nước mới lập, và bỡi người siêng năng, giỏi giắn và can đảm, cho nên đã đặng ban thưởng nhiều phen; và sau đó nhà nước đặt người làm phủ, cùng sai người đi trấn quận Cái Bè. Người bèn đem hết cả gia thất mình xuống ở tại Cái Bè, hết thảy được chừng 15 người, đó là những bổn đạo trước hết tại họ, và nói đặng, những kẻ nầy là kẻ đã lập nên họ còn cho tới bây giờ.

Khi ấy miền Cái Bè theo phần đạo thì thuộc về cha Cái Nhum cai, cho nên cha qua lại một hai khi mà làm phước cho mấy họ là Cái Mây và Cái Thia. Vậy gia thất ông Giude Trần bá Phước đã đến trình diện cùng cha Thu (P. Tournier) là cha sở tại Cái Nhum, nhơn dịp chầu lễ Sinh Nhựt năm 1868. Ông nầy xin cha lập một họ tại Cái Bè, cùng hứa sẽ ra sức mà giúp lo lắng các việc cho thành tựu. Cha Thu thấy người có lòng tốt, lại gia thất người có danh tiếng đạo đức tử tế, và sự thân thế của ông phủ Lộc, cho nên cha bèn nhậm lời, cùng tức thì cho một thầy sáu là thầy Vêrô Nguyễn đức Nhi (sau là cha Vêrô Nhi) đi qua Cái Bè trong ngày ấy với ông Trần bá Phước, đặng lo nhóm hiệp chầu nhưng mà dạy.

Ban đầu thì thầy ở tại nhà quan phủ Lộc, dạy chầu nhưng cũng tại đó, số hết thảy chừng 50 người, sau lần lần thêm đông, cho nên quan phủ Lộc phải lo cất một nhà thờ tạm gần nhà người, là nơi nhà dây thép bây giờ, và quan phủ cũng lo giúp thầy trong mọi việc, lại gương tốt của gia thất người đã làm cho nhiều người ngoại đặng trở lại đạo. Ông Giude Phước là kẻ đạo đức chín chắn lắm, hằng lo coi sóc dạy dỗ con cái cùng làm gương việc lành phước đức, cho nên dần ông phủ Emmanuel Lộc, đã đặng danh tiếng cùng được thưởng nhiều mày đay, song hằng kính phục vưng nghe, mỗi đều cha người khuyên bảo.

Vậy nương các dịp may mắn nầy, mà họ Cái Bè đã lập thành là cuối năm 1869, và tính được 350 bổn đạo. Trong năm ấy cha Thu đã rửa tội cho 338 chầu nhưng.

Cuối năm nầy thì thầy sáu Nhi đã thăng chức thầy cả, và Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đã đặt người làm phó sở họ Cái Bè, cha Nhi giúp họ nầy cho tới năm 1874, ban đầu thì tùng cha sở Cái Nhum, sau thì tùng cha Sĩ (P. Simon) đổi lại làm cha sở họ Cái Bè là năm 1871. Trong lúc ấy có một quan tây thay mặt nhà nước ở tại Cái Bè, bỏ chỗ đã ở tạm trước, giao đất lại cho làng, cùng lập nhà nơi khác, chỗ vàm sông. Quan phủ Lộc đã lo xin cùng nhà nước để lại cho nhà thờ miếng đất ấy, và trong năm 1871 người đã cất một cái nhà thờ theo kiểu annam tại chỗ đó, tiền bạc làm nhà thờ thì quan phủ chịu hết, nhà thờ nầy vững bền cho tới năm 1885, sau thì có nhà thờ khác là nhà thờ còn bây giờ.

Trong bốn năm đầu, là lúc cha Sĩ cai họ cho tới cuối năm 1874, mỗi năm thì đều có thêm số bổn đạo mới, dầu mà không được đông như hồi ban sơ, song cũng đáng thạnh sự, cho nên sổ bổn đạo đã tới 500. Phần nhiều trong những đạo mới nầy là hương chức làng, lại là con đỡ đầu của ông Giude Phước và quan phủ Emmanuel Lộc, cho nên hết thảy đều siêng năng và dễ khuyên bảo dạy dỗ.

Kể tiếp các cha coi họ từ năm 1875 tới bây giờ

Cha Sĩ (P. Simon) coi họ Cái Bè từ năm 1871 cho tới năm 1878 thì đổi đi, và cha Thiện (P. Noioberne) đổi lại; từ khi cha nầy coi họ thì số bổn đạo mỗi năm sụt lần, nhiều đạo mới ban đầu thì ra trễ nải sau bỏ đạo luôn, cũng có nhiều gia thất đi làm ăn ở họ khác, còn người ngoại ở đó thì không có ai vô đạo, cho nên số bổn đạo phải bớt lần là bỡi những cớ ấy; theo sổ trong năm 1913 thì số bổn đạo tại họ còn có 180 người.

Ông Giude Phước đã qua đời trong năm 1876, thật người là nền lập nên họ nầy, và cũng nhờ con người là quan phủ Lộc như cột chống đỡ. Chẳng dè sau khi ông Giude Phước chết rồi, thì quan phủ Lộc không còn ai nhủ bảo, cho nên việc đạo hạnh ra bơ thờ, làm nên gương chẳng lành cho những đạo mới; vì những kẻ nầy xem quan phủ như kẻ đứng đầu trong họ, cho nên dầu cha thầy an ủi khuyên bảo thế nào thì những kẻ ấy cũng ít vưng nghe.

Thật thì quan phủ Lộc đã ra lảng xao về việc đạo, song không phải là nghịch bao giờ; người cũng ăn năn trách mình lắm, mà không lo trở lại chín chắn, vì biết rõ một phen mình có lo xưng tội rước lễ cho hẳn hòi, thì phải bỏ cách ở chẳng lành mà làm gương tốt. Nhưng đức tin người hằng bền vững luôn, và tưởng lương tâm người cũng hằng kêu trách. Bỡi vậy cho nên dầu quan Tổng đốc Lộc khi ấy việc đạo hạnh không đặng tử tế bao nhiêu, mà lúc làm nhà thờ mới trong năm 1885, là nhà thờ tại họ bây giờ, thì chính mình quan lớn chịu hết các tiền bạc mà làm, sở tổn gần 10.000 đồng bạc. Kiểu cách xây dựng phía trong nhà thờ, là của quan lớn bày vẽ, người làm tự ý mà thôi, chớ không chịu hỏi han kẻ thạo công việc bày biểu cho sự gì; dầu vậy, dấu tích nhà thờ nầy là chứng lòng rộng rãi của quan Tổng đốc Lộc kính dưng cho Chúa. Bỡi đó cho nên nhờ ơn Chúa thương xem trả công, là khi quan Tổng đốc ngã bịnh mà qua đời, là trong tháng Octobre năm 1899, đã đặng chịu các phép Bí tích cách sốt sắng tử tế lắm.

Cha Thiện ở Cái Bè từ năm 1875 tới 1880, kế cha Lộ (P. Launay) cai họ trong năm 1880; rồi tới cha Hoà (P. Greset) từ năm 1881 tới 1889. Đoạn cha Bính (P. Laurent) đổi lại từ năm 1889 cho tới năm 1913, kế cha đổi lên Chợ Quán, thì cha Lê (P. Adolphe Keller) coi họ từ năm 1913 tới nay.

---------------------

HỌ CÁI MÂY

---------------------

Họ Cái Mây cách xa họ Cái Bè chừng 3 ngàn thước tây, ở tại Cái Bè đi qua đó có ba đàng khác nhau, một là đàng bộ, phải băng qua ruộng, mà mùa nắng khô ráo mới dễ bề đi đàng nầy; hai là đàng bộ ăn vòng theo bờ sông, đàng nầy xa dài quá, lại phải lội qua nhiều nơi đầy những sỏi lôm chôm, khó bề đi đứng cho người Langsa; ba là đi ghe theo đàng sông lớn, và nhà thờ họ Cái Mây ở gần bờ sông.

Bỡi đàng thông thương khó lui tới, nhứt là đời trước, cho nên mới có bổn đạo qui tựu ẩn ánh tại đây trong cơn bắt bớ, vì họ Cái Mây đã có trong đời vua Minh Mạng, và những bổn đạo tới ở đây trước hết thì gốc ở tại Cái Bè, vì ở Cái Bè sợ phải bị bắt bớ; lại cũng có vài nhà bổn đạo trước ở tại Ba Giồng, gần Mỹ Tho, nghe tại Cái Mây có nhiều bổn đạo trú ẩn, và khỏi lo sợ gì, cho nên đã đề huề thê tử tới đó mà ở cho vững; trong những nhà nầy thì có gia thất ông Anrê Trần văn Đạo nên nhắc lại, vì đã giúp nhà chung nhiều việc, và sau ông nầy đã làm ông trùm họ Cái Mây.

Vậy thuở ban sơ mấy nhà có đạo đến trú tại đây thì ở lẻ loi, không có cha nào tới viếng họ; cho tới chừng binh Langsa nhập thành Mỹ Tho rồi, là lối năm 1861; qua lối năm 1862, cha Quí (P. Gernot) khi ấy ở họ Mỹ Tho, đi qua Cái Bè mà thăm mấy quan tây ở tại đó. Bỡi nhờ dịp nầy cha mới gặp đặng bổn đạo ở họ Cái Mây, và cha lo xem sóc họ nầy đặng một ít lâu, kế sau đó thì giao cho cha Thu (P. Tournier) là cha sở họ Cái Nhum coi họ nầy, vì gần hơn.

Qua năm 1871, thì họ Cái Bè là chánh sở mới lập, thì họ Cái Mây thuộc về cha ở Cái Bè cai. Trong đời cha Vêrô Nhi làm phó sở tại Cái Bè, và khi cha Sĩ (P. Simon) đổi lại coi họ, thì số bổn đạo họ Cái Mây còn hi thiểu; mà từ khi có quan phủ Lộc về Cái Bè, thì kẻ ngoại tại họ vô đạo khá đông, trong vài năm thì đã tính đặng 200 bổn đạo. Mà họ nầy cũng giống như họ Cái Bè, là từ khi cha Thiện (P. Noioberne) đổi về Cái Bè thì số bổn đạo bớt lần; song khá hơn Cái Bè: vì một ít đạo mới đã bỏ đạo, thì lần lần có người ngoại khác xin vào đạo, cho nên thì số bổn đạo cũng cầm mực, không có sụt mất như họ Cái Bè.

Những đạo mới họ Cái Mây đặng vững bền giữ đạo tử tế, thật thì bỡi nhờ gương mấy nhà đạo dòng; nhứt là gương của ông trùm họ là Anrê Trần văn Đạo, người đức tin mạnh bạo, giúp các cha nhiều việc, lại người giàu có thân thế, cùng hằng lo lắng cho những người đạo mới, những kẻ nầy thấy gương lành trước mắt, cùng đặng nhờ cậy phần xác, cho nên vui lòng mà giữ đạo tử tế. Chúa đã ban thưởng ông trùm Anrê Đạo, là trong năm người con của ông trùm còn sống bây giờ, hai người trai đã đặng làm thầy cả là cha Phaolồ Trần hiếu Ngãi, và cha Giude Trần hiếu Lễ, đang coi giúp họ tại địa phận; hai người gái đi nhà phước Cái Mơn, là dì Maria Trần thị An và dì Annà Trần thị Son; còn có một người chị thứ hai ở thế gian mà thôi, và có chồng là ông Vêrô Nguyễn văn Minh, làm ông câu họ Cái Mây.

Khi cha Vêrô Nhi ở Cái Bè thì người có cất một nhà thờ bằng lá tại Cái Mây; đến sau, là trong năm 1880, cha Lộ (P. Launay) đã xin nhà nước một phần cây gạch cái toà bố cũ tại Cái Bè, và cha lấy đó mà làm nhà thờ họ Cái Mây lại, xây vách gạch, còn trên lợp lá mà thôi. Nhà thờ nầy bền vững đặng 20 năm. Tới năm 1904, cha Bính (P. Laurent) đã làm một nhà thờ khác bằng gạch trên lợp ngói chắc chắn lâu dài, bổn đạo phụ lực giúp công, lại có nhờ của bố thí cha xin, và nhờ ông câu Minh chịu 1000$. Công cuộc xây dựng nhà thờ nầy tốn hao hết thảy 3000$. Cha Bính ở Cái Bè từ năm 1889 đến 1913, kể là 24 năm, và công khó cực nhiều mà xây dựng nhà thờ họ Cái mây, nên bổn đạo bây giờ cũng còn thương mến cha lắm.

Bổn đạo họ nầy thì sốt sắng, dễ khuyên bảo dạy dỗ; Chúa nhựt Lễ cả thì đi qua Cái Bè mà xem lễ, còn nhà thờ tại họ thì để tựu lại đọc kinh, làm việc tháng Đ. C. Bà, tháng ông thánh Giude và tháng Môi Khôi. Lại thường gần luôn mỗi tuần, hễ ngày thứ năm, thì có cha ở Cái Bè qua làm lễ tại nhà thờ Cái Mây cùng lo rửa tội cho con nít, và ngồi tòa làm phước cho kẻ bịnh hoạn đi qua Cái Bè không được.

Bổn đạo tại họ thảy đều nghèo, trừ ra có một gia thất ông câu Minh thì khá mà thôi.

(Sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét