ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Họ Cái Bè

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ HỌ CÁI BÈ (tiếp theo)

-------------------

HỌ TRÀ TÂN

-------------------

Khi cha Vêrô Nhi tùng cha Thu (P. Tournier) mà coi họ Cái Bè (1869-1871) thì đã mua một miếng đất chưa khai phá chừng 15 mẫu tại làng Trà Tân, hạt Mỹ Tho, đất nầy khi ấy là bụi bờ rậm rạp, là nơi cọp beo trú ẩn, cho nên không có ai ở.

Lúc ấy có một người bổn đạo tên là Quan Lê, ở tại cù lao Ngũ Hiệp, ngang Trà Tân, giúp việc cho một người tây, mà phải thôi nên bỏ chỗ nầy, thì cha Nhi biểu qua ở Trà Tân, cùng hứa giúp cho. Vậy người nầy đã đem gia thất số hết thảy 15 người tới lập nhà cữa tại miếng đất cha mua đó, lại cha cũng kêu vài nhà nữa ở rải rác trong miền Cai Lậy tới ở đó, cùng lo khai phá vỡ đất rừng ra, đuổi cọp hùm đi, cũng có bắt đặng một ít con, cho nên lần lần cọp sợ bỏ đi mất; vài nhà ngoại xung quanh đó tới ở tại đất nầy cùng xin vô số chầu nhưng học đạo, có ý trông nhờ quan phủ Lộc binh vực, vì cha Nhi quen lớn với quan phủ. Vậy vòng đất ấy chứa đặng 15 tới 20 gia thất lập nhà ở, và số bổn đạo tại họ kể về cũ và mới là 50 người, cho tới bây giờ thì cũng cầm mực số ấy.

Mà những bổn đạo ở đó khi ấy, thì bây giờ không còn một ai, họ bỏ đi mất hết; vì mỗi năm thì có vài nhà đi, thì vài nhà đạo mới cùng là vài bổn đạo họ khác tới thế số. Những kẻ đã phải bỏ họ mà đi như vậy thường là bỡi cớ ham bài bạc mà sinh nợ nần, rồi cuốn gói đi mất kẻo bị chúng đòi; chớ không phải là tại cớ nghèo nàn; vì ở đó thì làm đủ ăn, đất ruộng cũng thạnh mậu. Nhưng bỡi bài bạc mà phải thua túng, thì lại vay nợ của người ngoại, cho tiền lời nhiều quá; chừng liệu bề trả không nổi thì đề huề thê tử trốn đi nơi khác cho khỏi nợ; bỡi nội miền ấy thiên hạ đều ham bài bạc lắm, ít ai giữ khỏi.

Những bổn đạo tại họ thì ở trong đất nhà thờ mà thôi, ngoài nơi khác thì không có ai có đạo. Thảy đều là đạo mới, nhiều kẻ ở nơi nầy nơi kia tới ngụ đó.

Họ Trà Tân cách xa họ Cái Bè 15 ngàn thước, tại Cái Bè đi qua đó phải đi ghe mà thôi, nước lớn xuôi chèo thì trong chừng 2 giờ thì tới. Mỗi ba tuần thì có cha ở tại Cái Bè qua làm lễ Chúa nhựt, cùng nương dịp mà thăm viếng dạy dỗ những người lớn, và dạy sách phần cho trẻ nhỏ. Tại họ không có trường học, khi cho đồng nhi rước lễ vỡ lòng thì có cha phó tại Cái Bè hay là thầy Nhà trường Latinh tới ở dạy mà thôi.

Nhà thờ tại họ bây giờ, cha Truyền khi còn làm phó sở cho cha Bính (P. Laurent) tại Cái Bè, đã cất trong năm 1904, kiểu annam, dưới có nền xây bằng đá, trên lợp ngói, vách xung quanh bằng ván; làm nhà thờ nầy tốn gần 1000$, bạc tiền ấy là của bổn đạo ngoại quốc đã dưng.

----------------

HỌ CÁI LÁ

----------------

Họ nầy ở tại rạch Cái Lá, cho nên kêu theo tên như vậy, bổn đạo trong hai làng cận đó là làng Hiệp Hòa và Tân Đức, về tĩnh Mỹ Tho, ở Cái Bè qua đó đi đàng sông hay là đàng bộ cũng được, và cách xa chừng một giờ đồng hồ.

Trong năm 1890, có một người ngoại tên là Nguyễn văn Kế, ở tại Hiệp IIòa, bị làng xóm oán hận sao đó, nên đã tới xin cha Bính (P. Laurent) khi ấy là cha sở Cái Bè binh vực. Vậy cha biểu người đó ở giúp việc tại nhà cha nhiều tháng, và nương dịp ấy cha dạy cả gia thất người học đạo, chừng chuyện làng xóm nguôi ngoai rồi thì cha dạy người trở về nhà, lại có cho thầy Nhà trường tới ở dạy người thêm cùng qui chầu nhưng nữa.

Ban đầu thì có chầu nhưng khá nhiều, mà lần lần có ít kẻ thối lui. Nên phải thử lâu, ai bền chí thật lòng muốn vô đạo thì mới cho chịu phép rửa tội.

Vậy qua tháng Janvier năm 1891, cha Bính đã mời cha Bề trên Thi (P. Thiriet) đến làm phép rửa tội cho mấy chầu nhưng đầu hết tại đó, số là 13 người, trong ba gia thất, là nhà Phanxicô Nguyễn văn Kế, nhà anh người và một nhà nữa ở gần đó, làm phép rửa tội tại nhà thờ tạm cất gần nhà Phanxicô Kế, cũng là nơi thầy ở dạy chầu nhưng.

Cũng trong năm ấy (1891) cha Bính mua đặng một miếng đất tại Hiệp Hòa, và cha đã cất một nhà thờ, như cái nhà vuông, trên lợp lá; cùng đem bổn đạo mới chịu phép rửa tội và một ít chầu nhưng về tại đất ấy. Lại trong làng Tân Đức cận đó, cách làng Hiệp Hòa chừng 20 phút, cha cũng mua đặng nhiều mẫu đất và ruộng mà để cho chầu nhưng ở; sau nữa những người mới trở lại, mà có đất riêng, ai ở đất nấy thì cũng nhiều.

Nhờ có thầy Nhà trường Latinh thay đổi mà dạy tại họ Cái Lá luôn nhiều năm, cho nên chầu nhưng đạo mới dễ bề học đạo, và ai siêng năng nghe dạy học kinh và có dấu vững bền thì mới đặng chịu phép rửa tội. Cho nên trong mấy năm, tám lần số chầu nhưng chịu phép rửa tội là 72 người, thì hết thảy còn bền vững và theo sổ năm 1910, số bổn đạo mới tại họ, thêm đặng tới trăm người.

Mỗi tháng thì có cha ở Cái Bè qua làm lễ Chúa nhựt tại Cái Lá một lần, mấy ngày Chúa nhựt khác thì có nhiều bổn đạo đi qua Cái Bè mà xem lễ, đàng cách xa chừng 5 ngàn thước.

Bổn đạo tại Cái Lá thảy đều nghèo, mấy người có điền viên thì đủ ăn mà thôi. Tại họ không có trường học, khi dạy đồng nhi rước lễ bao đồng cùng là chịu phép Xức trán, hay là khi phải dạy chầu nhưng đạo mới thì cha sở Cái Bè cho thầy Nhà trường tới dạy mà thôi.

----------------

HỌ CÁI THIA

----------------

Họ Cái Thia cách xa họ Cái Bè 10 ngàn thước ở phía tây, tại Cái Bè qua đó phải đi ghe mà thôi, và trong chừng 2 giờ thì tới.

Gốc họ nầy đã có là sau khi binh langsa nhập Saigon, và khi đã lấy đặng Mỹ Tho rồi, thì nhà nước cho một tàu trận tới đậu tại Cái Thia, đặng lo ngữ xung quanh đó mà trừ quân ngụy. Lúc ấy có một người có đạo ở tại Cần Lố, là làng còn thuộc về cựu trào, cho nên con nhà giáo hữu phải hiếp đáp bắt bớ, vậy người ấy dắc thê tử tới trú tại Cái Thia cho đặng bình an, quí danh người là Hai, đến sau đã làm ông trùm tại họ, lại là một bổn đạo trước hết trong họ; lần lần có nhiều nhà bổn đạo khác tới đó ở thêm, vì làng xóm tuy ngoại mà tử tế, để cho bổn đạo ở an, số hết thảy có đạo về đó được chừng 70 người, làng cho phép lập một xóm riêng cất nhà cữa mà ở, là nơi họ Cái Thia bây giờ.

Khi ấy cha Thu (P. Tournier) là cha sở tại Cái Nhum, đã coi sóc họ nầy, số bổn đạo cầm mực dự đó, cho tới chừng cha Vêrô Nhi đến coi họ, thì số bổn đạo mới chóng thêm nhiều, và trong cuối năm 1874 thì tính đặng quá số 250 bổn đạo. Thêm nhiều bổn đạo như vậy là bỡi ở mấy nơi khác tới là phần đông hơn, còn người ngoại ở tại đó vô đạo không bao nhiêu, vì trong sổ rửa tội thì số chầu nhưng chịu phép rửa tội không mấy người. Tưởng họ nầy cũng như mấy họ xung quanh Cái Bè, là lúc ấy nhờ có thân thế và danh tiếng quan phủ Lộc, cho nên bổn đạo tuôn đến ở đông.

Cha Vêrô Nhi có lập một trường dạy chữ quốc ngữ và cất một nhà thờ bằng lá tại họ. Tới năm 1879, cha Lộ (P. Launay) cất một nhà thờ khác tốt hơn bằng gạch lợp ngói, nhà thờ nầy bền vững cho tới năm 1900 thì đã cất lại nhà thờ khác, là nhà thờ tại họ bây giờ.

Trong mấy cha tây và annam coi họ Cái Bè, thì có cha Lộ, cha Hòa (P. Greset) và cha Gia hay ở lâu tại họ Cái Thia; cho tới chừng cha Giude Biểu đổi lại và ở quyết tại Cái Thia, là từ năm 1882 cho tới 1894, và cha đã cất nhà thờ và nhà cha sở tại họ. Từ khi cha Giude Biểu đổi đi rồi, thì cha phó sở tại Cái Bè, mỗi tháng qua Cái Thia làm lễ Chúa nhựt hai lần, chớ không có ở luôn tại họ nữa.

Theo sổ trong năm 1901 thì số bổn đạo họ Cái Thia còn có 180 người, cho nên bớt nhiều; ở giữa lộn lạo với người ngoại, cũng có nhiều kẻ bỏ đạo cùng là trễ nải.

Phần nhiều bổn đạo thì ở trong đất nhà thờ, cho nên việc đạo hạnh thì siêng năng cầm mực, ít ai dám trễ lắm; lại phần nhiều thì cũng nghèo nàn. Có ông trùm họ, là thầy Nhi thì khá, ông nầy đã chịu sở tổn các việc mà lo về trường họ.

Nhà thờ tại họ bây giờ xây bằng gạch, trên lợp ngói, đã cất trong năm 1900, cha Bính (P. Laurent) đã lo lắng làm nhà thờ nầy, các công việc tốn hơn 4000$, thầy Nhi đã chịu phân nửa, còn phân nửa là tiền của Nhà chung. Thầy Tôma Nguyễn Văn Nhi gốc ở Búng, cựu học trò Nhà trường Latinh, phải thôi học vì mang bịnh điếc, thầy có giúp dạy trong Địa sở Cái Bè lâu năm, sau đã cưới vợ là trong năm 1880, bạn người là em quan phủ Lộc; có vợ rồi người qua ở tại Cái Thia, mà coi khai phá làm ruộng nương 300 mẫu đất của Nhà chung khẩn tại Mỹ Lợi, đất ruộng nầy thuộc về Địa sở họ Cái Bè.

---------------

HỌ CÁI BÈO

---------------

Họ Cái Bèo, phần cai trị nhà nước thì thuộc về tĩnh Sa Đéc, còn phần đạo thì tùng Địa Sở Cái Bè, ở tại Cái Bè đi ghe qua đó hết một ngày (là trong 12 giờ).

Người có đạo tới ngụ tại Cái Bèo đầu hết tên là Dinh, gốc ở ngoài Annam (Trung Kỳ), chạy giặc Tây Sơn vô Nam Kỳ, cùng ẩn tại Cái Bèo, chỗ người tới ở là nơi họ bây giờ, khi ấy còn rừng bụi, vậy người đã lo khai phá ra mà ở và làm ăn; và bây giờ trong 20 gia thất bổn đạo họ nầy, thảy là bà con cùng là sui gia với người, cách ba bốn đời sanh con cháu ra, gốc bỡi gia thất ông Dinh ấy.

Hồi đời Đức cha Lefèbvre, thì có Antôn Cữu là cháu ông Dinh đã làm biện tại họ nầy, con cháu người có trình cho cha Bính xem cái bằng cấp bằng chữ annam, và có đóng con dấu Đức cha Lefèbvre. Nhà thờ trước hết lại họ, cha Vêrô Nhi đã cất bằng lá, sau cha Hòa (P. Greset) có làm lại cái khác và cũng đã hư, nên cha Bính đã cất lại cái thứ ba, theo kiểu annam, đóng vách bằng ván, trên lợp ngói.

Từ đầu cho tới năm 1870 thì có nhiều cha annam coi sóc họ nầy; sau hết có cha Giacôbê Lập ở họ Cái Đôi cùng qua lại coi họ nầy; cách đó thì nhập về Địa sở Cái Bè. Số bổn đạo chóng thêm và trong năm 1910 tính đặng 120 bổn đạo..

Họ nầy là đạo dòng, cho nên dễ khuyên bảo dạy dỗ lại ai nấy đều ân cần giữ đạo. Nhưng mà người ngoại ở xung quanh không mấy ai trở lại đạo, trong số bổn đạo tại họ không có ai là đạo mới.

Mỗi tháng thì có cha ở Cái Bè tới viếng họ nầy một lần, cùng ở lại vài bữa mà giảng dạy cho đồng nhi, vì tại họ không có trường học, khi phải dọn bao đồng cùng là Xức trán thì cha cho thầy tới dạy mà thôi.

--------------

HỌ CẦN LỐ

--------------

Họ Cần Lố cũng như họ Cái Bèo, là thuộc về tĩnh Sa Đéc, tại Cái Bèo đi ghe qua đó trong 5 giờ thì tới, lại là ở phía đông họ ấy.

Không rõ gốc họ Cần Lố là thế nào, song biết được, là họ nầy đã có trước cơn bắt đạo vua Minh Mạng, khi ấy là một họ sum lắm, vì số bổn đạo quá 500; người ta còn nhắc lại nơi các bổn đạo đã ở khi đó, và bây giờ người ngoại đã soán lấy hết.

Bỡi họ nầy ở gần Cau Lãnh, đàng đi chừng 2 giờ, cho nên các quan annam tại Cau Lãnh biết có bổn đạo ở tại Cần Lố, thì dạy khổ khắc nhiều việc, lại cũng đã bắt nhiều người mà gia hình nữa. Cho nên bổn đạo đã phải trốn đi tứ tán, và phần nhiều tới trú tại họ Cồn Phước (Cù Lao Gieng) họ Bến Trông và họ Bến Dinh (Cù Lao Tây), bây giờ cũng còn nhiều con cháu của những bổn đạo ấy ở trong mấy họ nầy.

Mà cũng có một hai nhà bổn đạo khi ấy không bỏ mà đi xa, trốn trong một chỗ là nơi họ Cần Lố đời nay, những kẻ ấy là tổ phụ các bổn đạo tại họ bây giờ; theo sổ năm 1910 thì số bổn đạo họ Cần Lố được có 60 người mà thôi.

Trước cha Vêrô Nhi coi họ nầy thì có cha Nhơn về sở Cù Lao Gieng lên xuống coi (tưởng là cha Nhơn đã qua đời trong năm 1867); và khi ấy số bổn đạo chừng 30 người. Những người ngoại tại đó khi xưa cũng như bây giờ, không có ai chịu vô đạo, cho nên số bổn đạo có thêm là tại sinh sản lần lần mà thôi.

Cách chừng 25 năm trước, thì bổn đạo tại họ sốt sắng khá lắm, không thua họ Cái Bèo, vì khi ấy nhờ có gương ba ông biện, là biện Gương, biện Quới và biện Nhuần, cả ba đã qua đời; ba ông nầy đồng chịu bắt bớ trong cơn bắt đạo Tự Đức, sau đã giữ đạo chín chắn hẳn hòi lắm, ba ông là trưởng thượng trong ba gia thất, lại là kẻ làm đầu trong họ, cho nên đã lo lắng và làm gương tốt cho giáo hữu tại họ cần siêng việc đạo, dầu họ không có cha ở thường, mà trong bổn đạo đều tử tế. Chừng ba ông nầy qua đời rồi trong họ không còn ai đứng đầu chỉ dẫn nữa, cho nên bổn đạo không còn đặng như trước.

Mỗi tháng thì có cha ở Cái Bè tới làm lễ Chúa Nhựt một lần. Nhà thờ bằng lá, cất trong đất của một bổn đạo. Khi có thầy ở dạy thì các việc trong họ xem ra khá hơn.

---------------

HỌ BẢI CHÀM

---------------

Trong năm 1867, có Vêrô Nguyễn Văn Quới là ông câu họ Bến Trông, về sở Cù Lao Tây, bỡi sự bất bình với các chức họ ấy, cho nên đi dời nhà cữa qua ở tại Bải Chàm, nơi đất của một người bà con ngoại khi ấy đang làm xã trưởng tại làng. Vậy xã trưởng nầy đã xin ông câu Quới rủ thêm vài ba nhà nữa vô ở cho sum, cùng hứa sẽ lo cho có chỗ ở cùng một nơi đặng lập nhà thờ, vậy ông câu bèn rủ được bảy tám nhà có đạo nữa ở Bến Trông theo qua đó, cho nên số bổn đạo ban đầu được chừng 50 người; ai nấy cất nhà cữa xong rồi thì chung nhau lo cất một nhà thờ, đặng có tựu hội mà đọc kinh chung, nhà thờ nầy làm bằng lá cột tre, như nhà vuông vậy.

Vậy đã thành một họ, mà chưa có cha nào biết tới, vì nơi nầy xa xuôi quá, dầu mà là nơi thuộc về Địa Phận Đức Cha Saigon cai, song các cha không hay không biết; mà ở gần Địa Phận Nam Vang, song lại không thuộc về phần Địa Phận ấy, nên các cha trên ấy không soán tới được. Họ nầy phải lẻ loi như vậy cho tới năm 1869. Lúc ấy cha Garignol coi họ Cù Lao Tây, đã gởi thơ cho cha Nhi mà nói cho biết có bổn đạo ở tại Bải Chàm; cha bèn lên đó mà nhậm nhà thờ và số bổn đạo tại họ, và từ đó cho đến bây giờ thì họ Bải Chàm thuộc về Địa sở Cái Bè, đàng đi cách xa chừng 120 ngàn thước.

Đời cha Thể là phó sở cho cha Thiện (P. Noioberne) tại Cái Bè; cha có lên xuống coi họ nầy, cũng có ở tại họ một ít lâu; tới năm 1890 thì cha Phaolồ Thạnh, trước là phó sở cho cha Bính (P. Laurent) tại Cái Bè, sau lên ở luôn tại họ Bải Chàm. Trong năm 1892 cha Thạnh đã lập một trường đầu hết đặng dạy đồng nhi học chữ quốc ngữ, bây giờ cũng còn, mà mỗi năm dạy trong chừng bốn năm tháng mà thôi, mấy tháng khác thì con trẻ mắc giúp cha mẹ việc mùa màng nên không đi học đặng, trường ấy dạy đồng nhi học chữ quốc ngữ mà học kinh phần mà thôi. Trong năm 1887 cha Hòa (P. Greset ) đã có cất một nhà thờ ngói tại họ, cha Thạnh về đó đã lo sửa sang nhà thờ nầy ra cách vển vang lịch sự, nhà thờ làm theo kiểu Annam mà thôi.

Trong mấy năm buổi ban sơ mới lập họ, thì số bổn đạo cầm mực không thêm bớt, mà từ năm 1873, thì mỗi năm có thêm một ít đạo mới, và theo sổ năm 1910 thì số bổn đạo tại họ Bải Chàm được 245 người, nội họ tính được 37 gia thất; cũng có một ít số bổn đạo họ khác tới đó làm ăn, đi về chớ không ở quyết tại họ. .

Bổn đạo họ nầy thì dễ khuyên bảo dạy dỗ, thảy đều biết vưng phục kính nhường chức việc họ, siêng năng việc giữ đạo, không mấy ai dám bỏ xem lễ Chúa Nhựt lễ cả, cùng mùa Phục Sinh.

Phong thổ dễ ở, mà ít dân cư, cho nên không mấy khi có dịp mà rửa tội cho con kẻ ngoại gần chết. Cha Thạnh có cất một nhà cha sở, coi cũng đẹp theo xứ ấy.

Chung về Địa sở Họ Cái Bè

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét