ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Sự tích Cha Yves-Marie Guillou (Du)

 SỰ TÍCH CHA DU (P. GUILLOU)

------------------


Cha Yves-Marie Guillou (Du)

Cha Yves-Marie Guillou sinh ra ngày 18 Juin năm 1875, tại Kersaint-Plabennec, trong tĩnh Finistère; đã chịu chức thầy cả tại Nhà trường Dòng Sai, đoạn đi qua xứ Nam Kỳ mà giảng đạo, tới Địa phận là ngày 20 Novembre năm 1900.

Trước hết cha ở giúp tại nhà thờ chánh Saigon, đến đầu năm sau là 1901 cha thế coi nhà thương binh Saigon, đoạn đổi lên Đất Đỏ giúp cho Công (P. Combalbert) mà coi họ Láng Lớn, Xuyên Mộc và Bưng Riềng. Qua tháng Mai năm 1903 thì người đổi xuống Cái Quao, coi họ ấy vài tháng rồi đổi lên Chợ Quán; năm sau là 1904 người làm phó sở họ Tha La, và qua năm 1905 lại làm phó sở họ Thủ Thiêm, cũng có thế coi họ Thủ Dầu Một ít lâu. Tới năm 1906 thì làm cha sở họ Tây Ninh, đoạn làm cha sở họ Tha La kể từ tháng Août năm 1907; qua năm 1909 cha đau nên phải về Tây dưỡng bịnh.

Cha ở giúp họ nào thì bốn đạo lớn nhỏ thảy đều thương mến, vì tánh cha hiền lành dịu dàng và có lòng thương lo lắng cho bổn đạo. Trong “Địa sở họ Tây Ninh” có kể lại về cha Du thế nầy: Người tận tâm tận lực, lên đèo xuống ải, trèo non lặn suối vì con chiên, lo thâu góp những người bổn đạo trôi nổi tứ tán đòi nơi, kẻ ở theo chơn núi, người ra ở theo mé sông Vàm Cỏ. Cha hủy thân cũng bằng thí của, để mua lửa mến Chúa, yêu người, mà đốt cho Tây Ninh đặng sốt lại, vì lúc ấy họ Tây Ninh và mấy họ nhánh xem ra nguội lạnh bê trễ quá. – Bỡi cha những liều mình, chẳng kể tấm thân, gội sương chải gió, vì ham phần rỗi con chiên, nên lần hồi sức lực hao mòn, phần xác yếu bịnh; cha phải vưng ý Bề trên từ giả đoàn chiên đi nghỉ dưỡng bên Hồng Kông. Ở đó ít lâu, thấy bịnh không khá, nên cha phải trở về Tây nhờ thanh khí quê nhà, cho đặng thuyên bịnh cùng bổ sức, hầu trờ qua mà lo việc giúp linh hồn cho nong nả nữa.

Vậy cha Du đã trở về Tây dưỡng bịnh trong năm 1909, cho tới tháng Janvier năm 1911 thì người trở lại Nam Kỳ. Đức cha sai người về họ Tân Định, làm phó sở giúp cha Thượng (P. Génibrel), cùng lãnh coi riêng các việc Nhà in. Trong lúc nầy thì cha hằng sức khỏe luôn, mà lo lắng giúp việc họ cùng cai Nhà in; cho tới khi cha Thượng qua đời, là ngày 25 Mai 1914, thì người lên làm cha sở họ Tân Định, và từ đây thì chúng bịnh của người, là đau ruột, đau gan hay trở đi trở lại nhiều lần. - Mấy năm người làm phó sở Tân Định, ai nấy đều thấy rõ người hết lòng giúp đỡ cha Thượng là thế nào, lúc còn mạnh giỏi và nhứt là hồi cha Thượng ngả bịnh phen sau hết cho tới ngày sinh thì; cha Du chẳng nệ nhọc nhằn mỏi mệt mà xem sóc giúp đỡ tận tình, nói được là dường như con hiếu thảo phải lo lắng cho cha vậy. Thật thì cha Thượng rất có phước, vì gặp đặng một cha phó sở rất trung tín trong mấy năm rốt đời mình. Trong cậy ngày nay hai đấng đã gặp nhau và đang hỉ hoan cùng nhau trên nước thiên đàng.

Từ ngày cha Du lãnh làm cha sở họ Tân Định, thì cha hằng tận tâm tận lực mà lo cho đoàn chiên Chúa, kẻ rối rắm, người nguội lạnh, nhờ gương lành cùng lời cha khuyên bảo dạy dỗ, phần nhiều đã đặng trở lại ăn năn cải quá, gỡ rối xong, cùng đặng vui mừng phần hồn phần xác. Ai nấy đều chúc nguyền cho cha đặng sức khỏe sống lâu, và coi họ Tân Định cho đến mãn đời. - Nhưng mà từ khi cha đau lại, thì bịnh hành đi hành lại luôn, năm bảy tháng đau một kỳ, phải nằm nhà thương; sức lực một ngày một bớt, không còn mạnh mẽ chóng vánh mà lo kham các việc họ cho nổi, nên cha phải bằng lòng xin thôi làm cha sở họ Tân Định, là trong tháng Mars năm 1918, cùng lãnh cai Nhà in mà thôi, nhưng cai Nhà in cũng chẳng đặng bao lâu, vì vừa giáp một năm thì cha đã qua đời tốt lành bình an tại nhà thương quan thầy Angier, ngày 7 Mars 1919.

Lúc đau đớn bịnh hoạn cha hết lòng nhịn nhục chịu vì Chúa. Hằng vui mặt chẳng hề phàn nàn năn nỉ bao giờ. Trong mấy giờ sau hết, bịnh hành thân xác người khốn cực lắm; trong chín mười ngày sau hết thì chẳng khi nào người ngủ đặng chút nào, dầu uống thuốc dầu làm cách nào cũng không đặng. Nhứt là đêm sau rốt người phải trở trăn cực lực quá; khi nằm trên giường, khi xuống ghế dài, cứ đổi chỗ như vậy luôn cho đến chết. Trong khi đó người ra sức ép mình chịu khó. Người than rằng: “Tôi phải chết chắc, song xin một đều là cho tôi đặng sức mà chịu cơn bịnh nhọc nhằn nầy cho bằng lòng; tôi sợ một đều là phải đau đớn quá mà mất sự nhịn nhục chăng!”

Người chẳng sợ chết vì đã dọn mình sẵn luôn. Người xin bà phước giúp kẻ liệt, hễ khi biết chắc người sẽ phải chết thì cho người hay hầu người lo chịu đủ các phép bí tích. Vậy cho nên người đã chịu phép xức dầu sớm cùng chịu đủ các phép trước và đặng tỉnh luôn cho đến giờ sau hết.

Hạnh cha Du tóm lại một đều, là thấy người có lòng mến Chúa chí thiết và thương linh hồn người ta. Nói đặng những bịnh hoạn đau ốm làm cho người phải qua đời sớm, là bỡi tại lo lắng đêm ngày một sự, là đam linh hồn người ta trở lại cùng Chúa. Bỡi đó thiên hạ gọi người là ông thánh.

Bổn đạo họ Tân Định thương tiếc cha Du hết sức; khi cha đau ốm thì đam nhau tới thăm viếng, còn khi chết thì ra sức cầu hồn xin lễ nhiều lắm. Kẻ giàu có thì xin lễ mồ lễ hát liên tiếp, kẻ nghèo và con nít học trò cũng đậu tiền với nhau mà xin lễ cho cha.

Đám xác cha thật rất lớn, có Đức cha Quinton, cha Bề trên Delignon và các cha tây xa gần đều tới. Còn bổn đạo tây nam đều đi đưa hết. - Xác ở nhà thương Angier đem về để trong nhà thờ Tân Định buổi chiều mồng 7 Mars, sáng làm lễ hát. Cả và họ đều tựu đến chật nhà thờ như ngày lễ cả, lễ hát đoạn đưa xác người lên lăng chôn một nơi cùng các cha tây tại lăng Đức cha Vêrô trên Chí Hòa, là ngày mồng 8 Mars. Chưa thấy đám xác cha nào tại Saigon lớn bằng.

Đây là một hai lời vắn tắt kể qua công khó cha; việc phước đức cha bao nhiêu thì một mình Chúa rõ thấu, chắc nay Chúa đã thưởng cha trên nước thiên đàng rồi. Dầu vậy trong họ hằng thương tiếc và cứ xin lễ cho cha luôn, vì nhứt là cho đặng tỏ lòng hiếu thảo cùng cha.

Rày con cái bổn đạo phải cách mặt cha yêu dấu nhơn lành, xin cho đặng noi bề nhơn đức của cha. Xin cha khi tới nước thiên đàng khấng nhớ đến các con trong họ đang còn ở chốn chiến trường, cầu giúp cho chúng con đặng bền lòng giữ nghĩa Chúa, ngõ sau đặng lên một nơi mà cảm tạ ngợi khen Chúa đời đời với cha.

N. K. Đ. P.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét